Tinh Tấn

 0
Tinh Tấn

Sáng hôm nay, gặp nhau muộn hơn những ngày trước... Suốt đêm mọi người về phòng mình và thiền định... Đợi tập trung đông đủ, Lý Tứ lên tiếng: 

Thưa các bằng hữu!... Tôi thật lấy làm khâm phục và cảm kích trước những nỗ lực cũng như sức tinh tấn của các bạn... Nỗ lực không mệt mỏi, tinh tấn không giảm sút... Đây là thái độ đúng đắn của người tu hành và là nét đặc thù tôi tìm thấy trong các vị... 

Tôi thành tâm tán thán những gì các vị đã thu hoạch được trong những ngày vừa qua... Các vị!... Đức Phật có Thập Bát Bất Cộng, trong đó Tinh Tấn Không Giảm... Thế Tôn như vậy, lẽ nào chúng ta lại làm khác đi... 

⁎ Thưa các vị!... Tôi có đọc một bài kinh lâu lắm rồi, bài kinh này đã gây cho tôi một ấn tượng tốt đẹp về thế nào là ý nghĩa của tinh tấn

Tôi xin lược kể nội dung bài kinh: 

“Một hôm Thế Tôn ốm nặng, phải nằm trên giường, A Nan ngồi một bên chăm sóc... Thế Tôn nói với A Nan: 

A Nan!... Ông hãy tụng kinh cho ta nghe... Xin vâng bạch Thế Tôn!... 

Rồi A Nan với giọng nói trong trẻo của mình đã tuyên đọc lại những bài kinh mà A Nan được nghe Thế Tôn Giảng dạy... Khi A Nan tuyên đọc đến nghĩa tinh tấn... Thế Tôn hỏi: 

A Nan!... Có phải ông đang tụng về pháp tinh tấn phải không A Nan? 

Bạch Thế Tôn con đang tụng về pháp tinh tấn!... Thế Tôn ba lần hỏi và A Nan ba lần đáp như vậy... 

Rồi Thế Tôn, trong cơn đau nhức của tuổi già... Thế Tôn như một người trẻ, khỏe mạnh vụt ngồi dậy và khoanh chân kiết già lưng thẳng... Thế Tôn nói với A Nan: 

֎ Này A Nan!... Thế Tôn cũng phải tinh tấn.” 

⁎ Các vị!... Khi kể lại câu chuyện này, trong lòng Lý Tứ vẫn như ngày đầu mới đọc bài kinh.

Một cảm giác thương mến Đấng Từ Phụ, một cảm giác kính phục Đấng Từ Phụ và một cảm giác hoan hỷ với ý nghĩa tinh tấn. 

֎Các vị!... Thế Tôn đã thành Đẳng Chánh Giác mà còn như vậy... hà huống chúng ta là ai mà được phép phóng dật!... 

Các vị!... Hôm qua sau buổi tâm tình với các vị, khi về phòng của mình... Lý Tứ tôi suy nghĩ những gì chúng ta đã trao đổi với nhau... Những gì đã nói, những gì chưa có cơ duyên chia sẻ và những gì hôm nay cần nói... 

Tôi quyết định, hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi, mổ xẻ một vài mẩu chuyện được ghi lại trong kinh... Những mẩu chuyện này... hầu như người tu hành ai cũng có một vài lần đọc qua... 

Nhưng hình như rất ít khi được phân tích, để ý và học tập từ nó!... 

Câu chuyện tôi muốn trao đổi hôm nay với các vị, đó là mẩu đối thoại ngắn giữa Phạm Chí Trường Trảo và Thế Tôn... 

Câu chuyện có nội dung như sau: “Phạm Chí Trường Trảo là em ruột của mẹ Xá Lợi Phất, tức là cậu của ngài Xá Lợi Phất... 

Lúc mẹ ngài Xá Lợi Phất còn là thiếu nữ, hai chị em thường đàm luận với nhau... Các cuộc đàm luận diễn ra cả hai “bất phân thắng bại”... Sau đó người chị có chồng, chồng bà ta là một luận sư nổi tiếng... và bà ta mang thai... 

Kể từ hôm bà chị mang thai, Phạm Chí Trường Trảo luôn là người thua cuộc trong những lần đàm luận... Trường Trảo thầm nghĩ... Nguyên nhân gì khiến bà chị của mình trở thành thông tuệ... Có lẽ, do thần lực của thằng bé trong bụng đã ủng hộ bà ta... Nghĩ như thế, kết luận như thế... Trường Trảo quyết định bỏ vào rừng sâu trau dồi luận lý... 

Mười tám năm trong rừng, ông ta thông suốt mười tám tập Phệ Đà... Mười tám năm sau, Trường Trảo nghĩ mình đã thành tựu lý luận và đứa bé đã lớn khôn. Ông bèn quay về quê cũ gặp bà chị và tìm đứa cháu để tranh luận… 

Nhưng khi hỏi ra, thì đứa bé năm xưa tức Xá Lợi Phất ngày nay đã quy y Cù Đàm... Trường Trảo thầm nghĩ... Cù Đàm là ai, mà có thể chiết phục được cháu của mình... Thôi thì ta đến gặp thầy của nó để lý luận... Thế là ông ta tìm gặp Thế Tôn... Khi gặp Thế Tôn, Phạm Chí Trường Trảo là người đặt luận đề trước... Câu chuyện sau đây được nêu lên: 

Trường Trảo: Thưa Cù Đàm!... Không thọ tất cả pháp... 

- Thế Tôn: Nhưng ông có thọ câu nói vừa rồi... 

Sau một hồi suy nghĩ, Phạm Chí Trường Trảo chống chế: Câu nói đó, tôi cũng không thọ... 

- Thế Tôn: Như vậy, có khác gì câu nói trước!... 

Sau đó Phạm Chí Trường Trảo lặng lẽ bỏ đi... Đi được một khoảng khá xa, Trường Trảo dừng lại nói với các đồ đệ của mình: 

Buổi luận khi sáng, ta đã thua Cù Đàm, nhưng vì từ bi, Cù Đàm không nói ra cái thua của ta... 

Và này các ông!... Nay ta sẽ quay trở lại quy y làm đồ đệ của Thế Tôn... Các ông có thể làm những gì thấy là đúng... Sau đó các đồ đệ của Trường Trảo đồng một lòng đến quy y Phật... Phạm Chí Trường Trảo cũng đã chứng La Hán sau đó... 

Thưa các bạn!... Trong mẩu chuyện ngắn trên, ta thấy cái thiện xảo của Thế Tôn, hạ một đao chặt đứt tâm trí của đối tượng... 

Câu nói: “Nhưng ông có thọ câu nói đó”. Nếu tức thời, Trường Trảo quay lại tâm mình, buông bỏ tất cả và không khởi cái ngã biện luận lên... Thì có lẽ, ngay hiện tiền, Trường Trảo đã thấy được vấn đề... Nhưng… 

Chính cái sĩ diện, chính cái ngã, chính thói quen biện minh mà Trường Trảo không thấy được nguồn tâm. Câu nói: “Câu nói đó tôi cũng không thọ...” đã làm cho Trường Trảo bỏ mất cơ hội giác ngộ... 

Các bạn!... Chính thói quen nghe bằng trí, đối đáp bằng ngã, lập luận bằng thức đã đẩy Trường Trảo rời khỏi Phật một đoạn khá xa!... 

Cái đáng khen của Trường Trảo ở đây là, mặc dù trước đây vì sĩ diện với học trò, một phút bất giác... nhưng sau đó Trường Trảo đã quay lại với chính mình và thấy được vấn đề... 

Chính dũng khí của Trường Trảo, dám nói lên sự thật, dám nhận thấy cái sai, dám buông bỏ tất cả như ý nghĩa vô thọ... đã làm nhân duyên lành cho Trường Trảo chứng Thánh... 

Các vị!... Hãy quay lại tự tâm, lắng nghe bằng tâm, tôn trọng sự thật và bỏ cái ngã xuống... Lập tức chân lý sẽ hiện... 

Câu chuyện thứ hai tôi muốn gởi đến các bạn, đó là câu chuyện kinh kể về một Bà La Môn trẻ. Vị này đã đến trước Phật và tranh biện... Câu chuyện sau được nói lên: 

Cù Đàm!... Số là thường... Bởi lẽ một đến hai, đến ba... và đến vô tận. 

- Này Bà La Môn!... Nếu số là thường... thì một chẳng đến với hai... 

Sau câu này, Bà La Môn trẻ khen Thế Tôn và bỏ đi!... 

Các vị!... Sự việc đáng tiếc xảy ra cho vị Bà La Môn trẻ... Chỉ thấy thua về mặt lý luận và vui vẻ bỏ đi... mà không thấy được “một là gì”!... 

Câu nói của Thế Tôn, như nhát kiếm bén chặt đứt những giong ruổi trong tâm niệm của vị Bà La Môn trẻ... Nhưng rất tiếc... Bà La Môn này chỉ nghe bằng tai... suy hiểu bằng trí... và bỏ đi bằng tự ngã... 

Nếu tình huống này xảy ra: Vị ấy nghe bằng tâm... đoạn dứt suy luận bằng trí và bỏ cái ngã xuống... Vấn đề sẽ tốt đẹp hơn... 

Các vị!... Tôi nêu lên hai câu chuyện trên, để thấy cái thiện xảo của Đấng Nhất Thiết Trí, phương tiện sắc bén như lưỡi gươm... 

Cái chúng ta cần ngồi lại và mổ xẻ... chính là thâm ý lời dạy của Thế Tôn... Thế Tôn nói bằng tâm, người nghe phải nghe bằng tâm và thấu suốt bằng tâm... Mọi suy luận, biện biệt đúng sai trong hoàn cảnh này “đều phản tác dụng”. 

Một nhát đao của Thế Tôn có thể ngay tức thì “đẽo gốc cây thành bức tượng”... Cái chúng ta cần học là ở chỗ này... Là ở chỗ này!... 

Các bằng hữu!... Dân gian có truyền tụng bài thuốc chữa rắn cắn... 

Người ta nói rằng, khi nào bị rắn cắn... lập tức quan sát nơi con rắn cắn... Và ở đó nhất định có cây cỏ trị nọc độc của rắn...

Muốn hái được thuốc, người này chỉ cần quay lại sau lưng và bước ba bước... Ngay tại nơi đó... bứt một nắm lá cỏ... bỏ vào miệng nhai... đắp vào vết thương... nọc rắn sẽ bị vô hiệu hóa!... 

Kinh nghiệm dân gian này, các vị có thể dùng ngay bây giờ và sau này chỉ lại cho người... Ha ha ha ha!... Ngay tại nơi con rắn ở, sau ba bước... sẽ thấy thuốc trị rắn!... Nhớ quay lưng và bước ba bước trước mắt là... cỏ thuốc!...

Đạo là như vậy đó... không cần phải đi xa... không cần phải mất công tìm kiếm nơi khác... Ngay tại đó... ngay tại đó sẽ cho ra “liều thuốc vô giá”... Các bạn!... Đừng chạy đôn chạy đáo... Hãy lập tức cứu mình và cứu người bằng “bài thuốc dân gian...” ngay tại chỗ. Nơi nào có rắn, nơi ấy có thuốc... 

Nơi nào có khổ đau nơi ấy có Phật pháp... Nơi hư không mà Thế Tôn hóa hiện vô số pháp lành... 

Nơi cây cỏ vô tình kia lại có món thuốc chữa nọc độc... Ha ha ha ha... “Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn”… Lập tức quay đầu, chứ chẳng phải giải quyết cái khổ... Ha ha ha ha!... Tam Tổ trong bài Tín Tâm Minh cũng nói rằng: “Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch”... 

Ha ha!... giản trạch suy lường là mất ngay... mối đạo!... 

Lý Tứ nói dứt lời, Như Thể lên tiếng:

Thưa Lão Sư!... Tuy con có thấy chút manh mối, dường như bất động, nhưng những nghĩ suy mông lung vẫn hiện lên trong con!... 

- Như Thể!... Ông quay lại chính mình và nghiệm cho kỹ... Nghĩ suy và ông là hai hay một? 

Như Thể suy tư một hồi rồi nói: Thưa Lão Sư dường như là hai!... 

- Ông soi xét lần nữa, và nhìn cho thấu đáo tâm mình rồi hãy trả lời dứt khoát rằng: “Nghĩ suy với ông là hai hay một”. 

Thưa Lão Sư!... Con thấy con và nghĩ suy đúng là hai... 

- Nếu là hai, ông lập tức nhìn ngắm nghĩ suy kia... Nó và ông có mối liên hệ nào chăng?

Như Thể trầm ngâm giây lát rồi nói: 

Thưa Lão Sư!... Hiện tại con thấy nghĩ suy và con không có mối liên hệ... 

- Như Thể!... Nghĩ suy có phải là ông chăng? 

Thưa Lão Sư!... Nghĩ suy chẳng phải con... 

- Như Thể!... Thấy nghe có phải là ông chăng? 

Con thấy thấy nghe và con không có dính dáng gì... 

- Vậy ông là cái gì?

Sanh chẳng phải con... diệt chẳng phải con... Con chính là cái không sanh diệt!... 

- Ông quán sát lần nữa xem, “nghĩ suy, thấy biết” đối với ông nó như thế nào? 

Thưa Lão Sư!... Những thứ này, đối với con bây giờ như “nước chảy qua cầu... cầu chẳng liên hệ đến nước... nước chẳng nhấn chìm được cầu”. 

- Như Thể!... Vì sao người ta “chết chìm”? 

Vì người ta “nhảy xuống nước”!... 

- Nếu đừng nhảy xuống nước, thì điều gì xảy ra... ? Như Thể chiêm nghiệm một hồi rồi nói: 

Thưa Lão Sư!... Con đã hoàn toàn thấy được cái gì là bất động... 

- Vì sao nó bất động? 

Bản lai tự như vậy... 

- Phật dạy: “Tự Tịnh Kỳ Ý”... Vậy ông tịnh ý nào? 

Thưa!... Ngày xưa ngu mê tìm cách tịnh ý kia... ý kia như huyễn... Cố tịnh cái huyễn gọi là mê... Nay biết rõ, thời con “tịnh ý này”!... 

- Ý này làm sao tịnh nó?

Bản lai không động nên chẳng cần tịnh!... 

- Vậy cái gì mới là ông? 

Con chính là cái thường ạ. Thưa Lão Sư!... 

Lý Tứ cười ha hả rồi nói: 

- Như Thể Lão Đệ!... Lão Đệ thấy rồi chứ? 

Thưa!... Con đã thấy rồi!... 

-Nó giống cái gì? Nó chẳng giống cái gì... nhưng nó lại giống cái... xa xưa!... 

- Ha ha ha ha!... Một phen Lão Đệ thấy được... từ đây vĩnh viễn hết thối chuyển!... 

Chúc mừng Lão Đệ... 

-Lão đệ đã đọc kinh Viên Giác chưa? 

Thưa Lão Sư!... Con đã đọc rồi... 

- Kinh Viên Giác nói gì? 

Nói rằng: “Hoa đốm hiện trong hư không nhưng chẳng thể làm ngại hư không và hư không cũng không sinh ra hoa đốm.” 

- Làm thế nào để diệt hoa đốm kia? 

Dứt mê hoa đốm tự diệt... Thấy được chân ngã, ngã hư dối tự mất!... Nếu cố diệt hoặc tìm cách diệt sẽ rơi vào bốn bịnh!... 

- Khi hoa đốm diệt, hoa đốm đi đâu? 

Như người nhặm mắt, mắt hết nhặm quầng đèn tự mất!... 

- Quầng đèn của ông đã mất chưa? 

Cho dù còn, quầng đèn cũng không ảnh hưởng được con... Vì con tự biết: “Đèn kia bản lai không quầng”. 

- Ha ha ha ha!... Như Thể!... Ông làm cho tôi cao hứng... Ha ha ha ha!... 

“Đã bấy lâu nay tìm kiếm khách...

Bao lần lá rụng với cành trơ!...

Một lần chợt thấy hoa đào nở...

Trong dạ từ nay hết chữ ngờ!...” 

- Bài thơ không biết của ai mà lại đúng trong hoàn cảnh này... Ha ha ha ha!... 

Như Thể!... Ông hãy dùng cái không hộ trì mà hộ trì... Hãy dùng cái không tu tập mà tu tập!... 

Đa tạ Lão Sư đã chỉ điểm “cái không thể chỉ”cho con!...

(còn nữa)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG