Chuyện kể về… Trung Nguyên Cửu Tuyệt

 0
Chuyện kể về… Trung Nguyên Cửu Tuyệt

Chuyện hai mươi lăm năm sau, sau cái ngày nước Thiên Hoa bị teo ở bụng… 

Lý Tứ đi từ sáng đến chiều mới kiếm được một tửu quán ven đường. 

Một tháng lang thang khắp hai vùng Đại giang Nam Bắc. Từ Nam đến Bắc đâu cũng phồn vinh. Tửu quán không thiếu, chỉ có nơi đây vắng vẻ. Nghe đồn nơi đây ban ngày có khách giang hồ qua lại nên tạm bình yên. Đêm về cường đạo hoành hành, dân thường không dám sinh sống. Chỉ có vài cặp giang hồ giong ruổi một đời đến già mỏi mệt, dừng chân ở đây mở tửu quán kiếm sống qua ngày... chờ xuống lỗ. 

Tửu quán không lớn, không gắn bảng hiệu, không có thực đơn, bên trên chỉ lợp đơn sơ, bốn bề không vách, gió thổi lồng lộng.Trong quán kê hai dãy bàn mỗi bên bốn cái, bàn này có thể nghe bàn kia nói chuyện. Nhìn cách bài trí khác thường không giống cách sắp xếp bàn ghế mà các tửu quán nơi hay có bọn giang hồ qua lại. Theo quy luật chung thì bàn ghế cho khách uống ăn không thể bày như thế này. Bàn này nghe bàn kia nói chuyện là Đại kỵ trong giới giang hồ vì bí mật của các bang phái xưa nay. 

Lý Tứ chọn chiếc bàn còn trống gần đầu tửu quán, cách xa chiếc bàn kê bên trong đã có bốn người đang ngồi uống rượu. Chọn như vậy là có ý thể hiện tác phong của người biết chuyện... không dòm ngó nghe lén chuyện thiên hạ... Lý Tứ kêu một chiếc bánh bao và một bình rượu nóng... 

Gác cây đao sét rẹt trên bàn, Lý Tứ định bụng ăn cái bánh bao uống bình rượu nóng xong lại tiếp tục ngược lên hướng Tây... tìm nhà người quen trước canh ba đêm nay. Ban đêm may ra hắn còn ở nhà chứ đợi sáng mai thì hắn lại mất tăm... 

Bốn người đàn ông bên kia coi bộ ăn uống đã no say. Một gã trong bốn gã nói lớn: 

- Lão Nhị!... Chuyện người kể về Trương Tam là chắc chứ? Thông tin này ngươi nghe từ đâu? Có chính xác không? 

Người được gọi là Lão Nhị cất tiếng: 

- Chính xác!... Chính xác!... Đệ có người bằng hữu là tục gia đệ tử của Thiếu Lâm, y ta có chút tiếng tăm. Tuy tiếng tăm y không lớn lắm nhưng cũng được phương trượng Thiếu Lâm nể vì. Chính người này nói cho lão đệ hay là hôm đó đích thân Phương Trượng Thiếu Lâm là Phương Chứng Đại Sư cùng mấy vị trưởng lão đi đám. 

- Thế có biết nguyên nhân vì sao Trương Tam qua đời không? 

Nghe nói bệnh tật, chứ chẳng phải đao thương!... 

- Một người công lực như Trương Tam, kiếm thuật bằng thánh thì phong hàn sao có thể nhập được, chuyện này chắc có khuất tất gì đây!... 

Chính tiểu đệ lúc mới nghe nói cũng hồ nghi như Đại Ca, nhưng đây là sự thật về cái chết của Trương Tam. Nghe đâu hôm đó có cả triều đình cử người đến viếng, mà có triều đình nhúng tay vào thì làm gì khuất tất được. 

- Thế trong anh em có nghe ai nói trong đời Trương Tam có truyền nhân không?

Lão ngồi đối diện với Lão Nhị, mắt sáng đầu hói, lưỡng quyền nhô lên mới thoạt nhìn đã biết cao thủ, lão ta cất giọng ôn tồn: 

- Đích xác thì không!... Nhưng phong thanh giang hồ có đồn Đại hình như có truyền nhân, có truyền nhân... Hình như truyền nhân có tên là Lý Tứ. Nghe đâu Lý Tứ trẻ hơn Trương Tam con giáp. Y ta xử Đại đao chứ không phải kiếm. Cái đặc biệt là cả hai cùng xử đao kiếm bằng tay trái... Cái khác là Trương Tam nước da đen thui còn Lý Tứ nước da trắng nhách. Trên hai mươi năm rồi họ thường bôn tẩu với nhau... nhưng chẳng ai biết đó là Trương Tam và Lý Tứ. 

Cái lão có vẻ là Đại ca nghe đến đây trầm ngâm, cả bọn cùng im lặng. 

Lý Tứ ngồi bàn bên kia có không muốn nghe những lời này cũng không được vì bọn chúng nói lớn như chỗ không người. Lý Tứ bèn quay lưng lại chỗ bọn họ giả bộ nhìn ra ngoài nhưng thật ra làm như vậy để bọn chúng không chú ý. Bây giờ Lý Tứ quyết tâm lóng tai nghe cho rõ coi bọn này bàn chuyện gì, hình như có liên quan đến mình và Lão Đại... 

Sau một hồi trầm ngâm chừng tuần trà, người được gọi Lão Đại cất giọng có mùi phiền não: 

- Thiệt là hồ đồ!... Thiệt là hồ đồ!... Nghe các đệ càng nói ta càng hồ đồ. Lão Đại ta đây tuy không tiếng tăm, kiến thức không dám nói là nhiều. Nhưng hai mươi mấy năm nay bằng hữu giang hồ thương tình nên thường đến hỏi chuyện, chưa có chuyện nào ta chẳng thông!... Chỉ có chuyện này chuyện này... chuyện này!... 

Cái lão đầu hói tiếp theo: 

- Võ lâm nhân sĩ thường gọi Đại Ca là bằng cái tên “Nhất thiết bất tri” chẳng phải là hư danh. Đại Ca mà hồ đồ thì các đệ đây chẳng dám luận bàn việc này vậy!... 

Người được gọi bằng Lão Đại lại cất giọng: 

- Thì đó!... Thì đó!... Đúng là ở đời khó thể biết hết, chỉ trừ “dị nhân dị tuệ”. Bọn ta tuy giang hồ tăm tiếng, nhưng cũng không thể biết hết chuyện mười phương, ví như cái vụ này. Thú thật với các đệ, từ xưa đến nay, truyền thuyết cho đến thư tịch. Từ binh khí phổ cho đến bí lục độc môn cũng như các loại quyền cước tâm pháp, các dị nhân trên giang hồ xưa nay không hiếm nhưng ta chưa từng nghe ai nói “kiếm thánh” lại truyền “đao tiên”. Vì sao? Xét cho cùng hai loại võ khí này hoàn toàn khác nhau về bản chất cũng như chiêu thức. Một chuyên về công một chuyên về thủ. Kiếm lấy công làm thủ ngược lại đao lấy thủ làm công... 

Người học được kiếm thì khó thành tựu đao. Người quen dùng đao thì kiếm dở như hạch. Tố chất của người luyện kiếm mảnh mai nhanh lẹ, còn người luyện đao thì phải vai u thịt bắp, bụng có sáu múi như múi bưởi Biên Hòa. Đằng này nghe nói Trương Tam thành tựu kiếm pháp còn tin, vì con người này ta từng thấy qua. Trong khi Lý Tứ nghe đồn mặt tựa Phan An làm sao một người thể chất thể hình như vậy có thể luyện thành đao pháp... Người luyện kiếm nếu có cố luyện đao thì cũng như “ăn cơm có ớt”, chỉ để làm vui hoặc tăng kiến thức lấy đó bổ sung cho chỗ sở trường. Ngược lại người luyện đao khi luyện thêm kiếm cũng không ngoại lệ. Trong giang hồ ai mới nhập môn cũng biết đạo lý này. Đã vậy, ta hỏi các đệ Trương Tam là kiếm thánh làm sao dạy người thành tựu cái sở đoản của mình là đao? Cái ta hồ đồ là ở chỗ này, là ở chỗ này... 

Nói đến đây cặp mắt lão mơ màng nhìn về xa xăm... Lão nhấp một ngụm rượu khà tiếng sảng khoái, tằng hắng lấy giọng, rồi lão tiếp: 

- Huynh đệ ta có chín người, tuy không cùng cha mẹ sinh ra nhưng đã thề đồng sanh đồng tử. Mười mấy năm nay đạo nghĩa giang hồ anh em ta giữ trọn. Huynh đệ bốn phương chưa ai không mến, chẳng một lời chỉ trích. Bằng hữu giang hồ, hai đạo hắc bạch khi nhắc đến cái tên “Trung Nguyên Cửu Tuyệt”, dù chỗ không người, chẳng có ai nghe thấy cũng phải cung tay trước khi kêu cái tên cúng cơm của bọn ta. 

Trong chín anh em ta, cộng lại đã đủ Đại diện cho hết thảy tuyệt học giang hồ. Trong chín người có kẻ xử kiếm, người đao, quyền, cước, giảng, kích, độc, tiêu... Nói chung không thiếu, ai cũng luyện đến chỗ “xuất thần nhập hóa”, “chiêu ý nhứt như”... 

Tuy võ công là như vậy, võ học của chín anh em ta dưới gầm trời này chẳng kém một ai. Các đệ đa phần xuất thân từ giang hồ nòi, thuộc loại “gia đình truyền thống”. Duy chỉ có Lục Đệ và Thất Muội là hai người bước vào con đường đạo nghĩa từ dòng dõi khoa bảng, lại là con nhà “trâm anh thế phiệt”. Ta nhớ cái ngày mới gặp Lục Đệ, khi đó hắn ta mới mười tám đôi mươi mà đã đỗ Tiến Sĩ khoa thi năm ấy. Hắn được triều đình phong cho chức “Hàn Lâm Đại Học Sĩ”. 

Mới tuổi như thế mà công danh như thế, các đệ gẫm coi, người đời nằm mơ cũng không được. Thế mà!... Thế mà!... Thế mà!... Lục Đệ vì cái đạo nghĩa “thế thiên” bỏ công danh sau lưng, quên chuyện nằm giường cao trải chiếu bông, theo ta ăn sương nằm gió. Chu choa!... Chu choa!... Cái đạo nghĩa giang hồ nói ra thiệt cao tột tận mây xanh...

Nói đến đây, lão ta cất giọng cười sảng khoái, tiếng cười như chuông ngân, cười như “chưa từng được cười”... 

Nhấp một ngụm rượu rồi đánh khà như để tăng hào khí, với chất giọng hào sảng lão tiếp: 

- Còn Thất Muội, cái con nha đầu ai thấy cũng thương, công dung ngôn hạnh đủ đầy. Tuy xuất thân là một tiểu thơ, mình hạc xương mai, liễu yếu đào tơ, nhưng trong bụng toàn “binh khí phổ” chứ chẳng phải thi ca. Không biết con nha đầu này học mấy thứ đó hồi nào mà cái đêm ta cùng nó gặp nhau lần đầu vào đêm trăng sáng ở Mai Hoa Thôn. Ta múa kiếm cho ả coi, ta múa đến đâu ả đọc chiêu thức đến đó. Thú thật với các đệ, tuy ta múa để người thưởng thức nhưng tốc độ không vừa. Trong giang hồ hàng cao thủ bậc trung một đời luyện kiếm cũng chẳng mấy ai nhận ra chiêu thức. Thế mà con nha đầu nhìn qua không bỏ một chiêu không sót một thức. Nghe ả đọc khẩu quyết máu anh hùng của ta cao vút. Lúc đó không ngần ngại ta thi triển kiếm pháp “Đơn ảnh vô chiêu” kiếm khí rợp trời, kiếm quang như điện. Dưới ánh trăng một trời hoa mai vàng rực. Sở dĩ lúc này đầy trời hoa mai cũng bởi do hoa mai trong thôn bị hút vào kiếm lực của ta cuốn bay lên trời. Múa đến đây tưởng chừng con nha đầu bí thù lù. Ai dè ta múa càng nhanh ả đọc càng lẹ. Ả đọc đến độ chiêu quyết từ miệng ả trở thành chuỗi âm thanh trầm bổng như tiếng tiêu từ cõi xa xăm vọng lại. Từ đó hai câu thơ ta hay ngâm, các đệ thường nghe có xuất xứ từ chỗ này: 

“Trời xanh, trăng bạc, hoa rơi.

Tiếng tiêu ai đó xa xôi vọng về.” 

Nói đến đây, lão ta im lặng, hai mắt nhắm riết, lão định thần hồi lâu mới mở ra. Rồi lão cất giọng gọn lỏn: 

- Đã đến!... Đã đến!... Ha ha!... Ha ha!... Hay quá!... Hay quá!... Đã đến... 

Cả bọn ba người còn lại ngơ ngác nhìn nhau rồi nhìn lão, không biết Lão Đại đang nói cái gì??? 

Tiếng nói “Đã đến!... Đã đến!...” của Lão Đại chưa dứt thì ở hướng Nam văng vẳng tiếng tiêu. Tiếng tiêu chợt trầm chợt bổng, lúc khoan thai như tiên nữ hái hoa lúc dồn dập như vạn binh xông trận... Tiếng tiêu mỗi lúc rõ hơn. 

Cả bọn đồng ồ lên:

- Thính lực Đại Ca thiệt gầm trời này có một không hai!... Tiểu đệ ba đứa chẳng một ai thính lực bỏ sót tiếng lá rơi ngoài mười dặm, thế mà chẳng phát hiện được gì, còn thua xa Đại Ca mấy bậc... 

Lý Tứ bây giờ nghĩ thầm trong bụng, thì ra tiếng tiêu ta nghe lúc nãy là tiếng tiêu mà bọn chúng đang nói. Kể ra thính lực người gọi là Lão Đại tuy có thua mình mấy phần nhưng thuộc loại hàng hiếm cần ghi vào sách đỏ để bảo tồn... 

Lão Đại lại tiếp: 

- Ta biết con nha đầu sớm muộn gì nội nhật hôm nay cũng về tới. Ả về nhất định có nhiều chuyện lạ. Ta biết tính ả, chuyện gì đã giao là làm đến nơi đến chốn. Khả năng thu thập tin tức của con a đầu này khó người sánh bằng, các đệ hãy đợi vài giây nữa có tin hay đấy... 

Tiếng lão chưa dứt, một dải lụa hồng bay mau vào trong quán. Cả bọn đồng reo lên: “Thất Muội bình an!... Thất Muội bình an!... Đi chợ có mua được miếng bánh nào ngon không? Mấy Lão Ca Ca đang chờ Thất Muội. Đói lắm rồi!... Đói lắm rồi...!” 

Lý Tứ lại thầm nghĩ, thì ra đây là ám hiệu của bọn người này. Cái câu “Thất Muội bình an... mua được miếng bánh nào ngon không... đói lắm rồi...” chỉ có đám người này hiểu ý. Dải lụa hồng bay vào trong quán chính là thiếu nữ bọn họ gọi Thất Muội đây. 

Thiếu nữ áo hồng cung tay chào đồng bọn, giọng ả như chim hót bình minh, ả nói nhanh: 

- Tiểu muội kính chào Đại Ca, chào Nhị, Tam, Tứ Ca!... Bốn vị vẫn khỏe? Tiểu muội có mua được bánh ngon, lại thêm rượu tốt làm quà cho các Đại Ca đây. Rồi ả õng ẹo... Mấy Đại Ca ơi!... Mới có ba tháng không gặp vì công vụ mà tiểu muội tưởng chừng ba ngàn năm. Tiểu muội nhớ mọi người lắm lắm, mong mua được bánh ngon về sớm. Nhưng lúc này khách hàng nhiều quá, tiệm bánh làm ra không kịp để bán. Vả lại có mấy thứ bánh lạ, tiểu muội phải chờ tới lượt mình mua, làm Đại Ca và mấy Ca Ca phải đợi ở đây đến giờ này!... Xin các Ca Ca đừng trách phạt tiểu muội... 

Lão Đại cất giọng: 

- Cái con nha đầu này lại khéo lẻo mép. Các đệ nhìn xem câu nào con nha đầu này nói ra cũng đẹp lòng người khác. Mấy Lão Đại Ca đây chỉ mong tiểu muội đi sớm về sớm, bình an vô sự. Bánh ngon rượu tốt tuy quý nhưng đâu quý bằng cái bình an của tiểu muội. “Giang hồ hiểm ác”!... Bọn ta chín người chia nhau “đi chợ”, hẹn sau ba tháng tụ hội ở đây. Tuy không nói ra nhưng ta biết trong lòng mỗi người đều nghĩ nhớ lo lắng đến nhau. Giả sử có chuyện chẳng lành như chuyện năm ngoái Ngũ Đệ gặp phải, thiệt anh em ta cùng đau như tay cắt tay, thịt cắt thịt... 

Lý Tứ thầm nghĩ, thì ra bọn này nhất định đi điều tra về chuyện Lão Đại của ta qua đời là thực hay hư. Nếu chuyện này là thực thì bọn họ muốn biết truyền nhân đích thực của Lão Đại là ai. Xem ra bọn này là hạng “chánh nhân quân tử”. Nhưng không biết bọn họ tìm hiểu những chuyện này có dụng ý gì? Suy nghĩ như thế, Lý Tứ quyết tìm hiểu chân tướng sự việc... 

Thiếu nữ áo hồng ngồi xuống. Ả để chiếc ngọc tiêu lên bàn. Từ chiếc ngọc tiêu một luồng hơi lạnh tỏa ra khắp quán. Hồng quang từ tiêu ánh ra mang hơi ấm hòa trong cái se lạnh như thời tiết vào xuân. Chỉ nghe hơi lạnh đan xen cái ấm, cũng biết chiếc tiêu của ả không phải tiêu thường. 

Giang hồ xưa nay vẫn thường đồn Đại “Hồng ngọc ôn hàn tiêu”, chắc là chiếc tiêu này. Nghe đồn muốn xử được tiêu phải là thiếu nữ còn nguyên dấu “thủ cung sa”, sanh vào năm Quý, đến tuổi dậy thì trong lòng không dục, tâm tính thanh lương như hoa sen buổi sáng. Nhược bằng nếu người sử tiêu này tâm khởi dục tình, chiếc tiêu mất tiếng, trở thành cây tiêu thường. Thì ra ả là người sở hữu hồng ngọc ôn hàng tiêu, như thế xuất thân bọn này chẳng thể tầm thường... 

Thiếu nữ áo hồng, miệng cười chúm chím. Ả đưa tay vuốt mái tóc cho gọn, để lộ khuôn mặt như chị Hằng đêm trung thu, giọng như oanh hót, Ả nói: 

- Tiểu muội vâng lệnh Đại Ca, sau khi chia tay một tuần tiểu muội đến được thôn Hoa Thị. Để tránh dòm ngó, tiểu muội phải hóa trang thành một mệnh phụ phu nhân, thuê một cỗ tứ mã suốt ngày giong ruổi đường phố cùng tên Xà Ích giống như người thừa tiền lắm của đi du ngoạn tránh cái rét phương Bắc. 

Nói đến đây ả cười ngặt nghẽo. Tiếng cười lúc trong như suối reo… lúc lảnh lót như tiếng hạc vào xuân, ai nghe qua lòng cũng hết muộn phiền... 

Ả tiếp: 

- Thôn Hoa Thị không hổ danh nơi “ngọa hổ tàng long”, “địa linh nhân kiệt”. Với thân phận mới tiểu muội phải xem tiền như lá mít, xài bạc trắng như nước ngoài sông. Chính vì điểm này mà tiểu muội dò ra được nhà của Trương Tam không khó.

Thú thật với các Đại Ca, bên ngoài giả bộ xem tiền như giấy lộn nhưng trong lòng tiểu muội rất đỗi xót xa. Chẳng phải vì sợ tốn tiền hao của, nhưng tiểu muội nghĩ đến những người nghèo khó, trẻ thơ bất hạnh, người già cô đơn sáng chiều cơm không đủ no, áo không đủ mặc... Nói đến đây, cặp mắt ả long lanh ngấn lệ, giọng ả dường như ngẹn ngào... Ả vân vê tà áo hai má ửng hồng, mới thoạt nhìn qua cứ tưởng như thiện tiên giáng trần... 

Lão Đại nghe mấy câu này lấy làm hả dạ. Lão gật gù cái đầu, đưa tay vỗ đùi đánh đét một tiếng rồi lão cất giọng: 

- Đúng là nhân hậu!... Đúng là nhân hậu!... Thiệt không uổng một đời anh em ta kết nghĩa đệ huynh. Ta tuy không biết quá khứ vị lai như bọn học sĩ hô hào “thông tri tam giới”, nhưng nhìn qua con người và tánh nết của con nha đầu này, ta cũng đoán biết kiếp trước của hắn là Thiện Tiên tái thế, chẳng phải phàm tục, “Thiện nhân thiện quả, ác giả ác báo”... Cái tốt hôm nay là do nhân đời trước vậy... Hay!... Hay!... Hay!... 

Thiếu nữ áo hồng nói tiếp: 

- Tiểu muội dò xét, tìm hiểu rất kỹ về thân thế của Trương Tam. Tiểu muội cũng có thông tin đầy đủ về đám tang, thiệt là hoành tráng!... Thiệt là hoành tráng!... Hoành tráng mà tôn nghiêm đệ nhất. Tất cả tư liệu có được từ văn bản cho đến hình ảnh tiểu nữ cho vào cái này... Nói đến đây, ả thận trọng dòm trước ngó sau, đảo mắt đến bốn năm lượt. Ả mở cái bọc đeo bên mình, lấy từ trong đó ra một vật giống như viên gạch Tàu, sơn màu xám xám, dẹp như quyển vở học trò. Ả trịnh trọng nâng nhẹ lên rồi mở đôi cái hộp ấy ra... 

Cả bọn chụm đầu vào chiếc hộp, mặt trên chiếc hộp bỗng dưng sáng lòa, rồi hình trái táo bị cạp một miếng hiện ra... Ả dùng cái giọng thông tuệ, giới thiệu về xuất xứ cũng như công dụng của chiếc hộp... 

- Các Đại Ca biết không!... Sở dĩ tiểu nữ có được cái máy huyền vi này chẳng phải vô duyên vô cớ, thiệt là nhân duyên hy hữu. Nhờ đóng vai mệnh phụ nên tiểu nữ làm quen được mấy quý bà là phu nhân của hàng khai quốc. Tiểu nữ có tiêu ngọc mấy bà xem qua thèm chảy nước miếng. Nhưng cũng để khoe báu vật, một bà là phu nhân của ngài chủ “Học Viện Tân Minh” [1] cho tiểu nữ coi cái máy huyền vi này. Thiệt là xảo diệu!... 

Trong đời tiểu nữ đã xem qua không biết bao nhiêu báu vật thế gian, nhưng chưa thấy cái nào nhiều tiện ích bằng cái này. Nghe đâu đến những ba vạn tiện ích. Nguyên ngày hôm đó tiểu nữ với phu nhân ở miết trong phòng, người hầu đem cơm nước đến tận nơi. Cả hai cùng khám phá “sức mạnh tiềm ẩn” nằm trong cái máy huyền vi, thiệt là một phen mở rộng tầm mắt. Phu nhân vận chỉ, chỉ lực đến đâu tiện ích xuất hiện đến đó. Nó giống như người, biết khóc biết cười, biết hát biết múa... Thôi thôi để xong việc tiểu nữ sẽ hướng dẫn Đại Ca và mấy Ca Ca sử dụng... Nói đến đây ả lại đảo mắt vài bận nhìn quanh bốn phía như sợ có người giật cái máy huyền vi của ả... Rồi ả cao giọng: 

- Cái máy huyền vi này có tên là “Ái Bạc Nhị Nấm Bổ”[2] . Nghe đâu sản xuất bên trời Tây thuộc Bắc Cu Lô Châu. Nước này có tên là “Mỹ Lợi Kiên Hợp Chúng Quốc” [3] , người ta đọc tắt thành Mỹ Lợi Kiên, cũng có người gọi là A Mỹ Lợi Gia [4] . Nước này văn minh ghê gớm thuộc loại đa sắc tộc nên có tên là Hợp Chúng, cũng có khi gọi là Hợp Chủng. Người ở nước này thân cao hai trượng, mũi lõ mắt thau giống người Man Di, thần công kinh người, trên lên tới trời, dưới xuống đáy biển, thần thông quảng đại bay liệng như chim, Tề Thiên còn phải khiếp... Vị phu nhân nhờ đức ông chồng có lần đến đó vì việc quan nên mới mua được, đem về làm quà cho vợ... Phu nhân một mực hãnh diện khi có vật này... Nói đến đây, ả cắn miếng bánh bao, uống ngụm trà đá lấy hơi rồi ả tiếp: 

- Cái Bỉnh Quả trên mặt hộp khi mới mở ra các Đại Ca thấy nó xuất hiện đầu tiên chính là nhãn hiệu cầu chứng của nhà sản xuất. Ở Bắc Cu Lô Châu, trái Bỉnh Quả [1] gọi là “Ấp Bố” [2] . Ở bên đó cái gì cũng có cầu chứng. Đứa nào ăn cắp chiêu thức sẽ bị đưa ra “ba tòa áo đỏ”. Cái này họ gọi là “thương hiệu”. Bọn này coi thương hiệu là “yếu tố sống còn”, không như bên ta hàng giả, hàng dỏm, hàng nhái đầy ngoài chợ... 

Nghe đâu cha đẻ chiếc máy huyền vi này con cháu mười tám đời của họ Cừu trên núi Thiết Chưởng. Lão Bà Tổ của họ chuyên ăn táo nên di truyền đến mười mấy thế hệ sau mà chưa bị lai, dòng ép một [3] vẫn còn. Vì thế hậu sinh dòng họ Cừu lấy quả táo bị sứt một miếng làm “ký hiệu”. Một là tưởng nhớ tổ tiên, chim có tổ người có tông, hai là làm bằng để cầu chứng... Cái đáng thương tâm là người luyện nên thần thông này đã quá cố mấy bữa trước, lão ta có tên “Xỉ Tề Vạn Chộp”[4] . Thiên hạ lại đồn đoán vì ăn nhằm táo độc, thiệt “sanh ư nghệ tử ư nghệ”. Lão ta chưa đến lục tuần, công danh sự nghiệp bỏ lại đành đoạn ra đi... Nói đến đoạn này ả trầm giọng có phần thương tiếc... 

Thiếu nữ áo hồng chưa dứt tiếng đã nghe ngoài quán có tiếng con nít rao bán hàng: 

- A lô!... A lô!... Dừa khô lên giá, ai có má đem đổi dừa khô!... A lô!... A lô!... 

Cả bọn năm người, mười con mắt sáng như sao nhất tề dòm cửa quán. Lão Đại Ca ra ám hiệu, cả bọn năm người binh khí lăm lăm đồng loạt đứng lên... 

---••• ⁕ ⁕ ۝⁕ ⁕ •••--- 

Cả bọn họ mặt mày biến sắc, tay lăm lăm binh khí, tiếng rao ngày một gần hơn. 

Thấp thoáng nơi đầu tiểu lộ dẫn vào quán, một đứa bé trạc tuổi chín... mười, đầu để chỏm trái đào, tay trái cầm một buồng dừa nhưng chẳng giống dừa, cau cũng chẳng giống cau, quả thì hình dáng như dừa nhưng chỉ lớn bằng trái cau kiểng. Tay phải đứa bé cầm xâu kẹo hồ lô, vừa đi vừa ăn kẹo vừa rao. Đứa bé lang thang như con nít tan trường. 

Lão Đại căng thẳng đến tột độ, hình như không dằn nổi trước thái độ vô tư của đứa bé. Lão quát một tiếng lớn như sư tử gầm, trong tích tắc lão chộp cổ đứa bé như diều hâu xớt con gà con từ ngoài tiểu lộ đưa vào trong quán. Lão đặt đứa bé ngồi trên bàn, cả bọn vây thành vòng tròn chung quanh coi bộ giữ gìn rất nghiêm ngặt. 

Đứa bé lại đưa xâu hồ lô lên miệng ăn một viên, đối với hắn dường như không có việc gì xảy ra. 

Đến lúc này, Lão Đại không dằn nổi. Lão lại quát lên một tiếng như sấm nổ rồi nói lớn: 

- Tiểu Quỷ!... Người không sao chớ, ngươi lại bày cái trò ma quỷ gì nữa đây? Chuyện bọn thảo khấu ở Lưỡng Hà bắt cóc ngươi đòi tiền chuộc là sao? Chuyện này thực hư thế nào? Cả tháng nay cái bọn thảo khấu chuột nhắt ngày nào cũng đòi ba mươi vạn lượng. Nếu không thỏa mãn yêu cầu, bọn chúng nói sẽ đem ngươi nấu canh chua. Ta và các Đại Ca của ngươi đang tính kế “giải cứu con tin”... Nay ngươi vác xác về đây, làm ngày ta càng không hiểu mô tê gì hết... 

Đứa bé có tên Tiểu Quỷ vẫn chăm chú vào xâu kẹo hồ lô. Hình như đối với nó chỉ có xâu kẹo hồ lô là số một, nó tiếp tục ăn như thèm ăn bảy kiếp... Trên đời chẳng có việc gì quan trọng hơn kẹo hồ lô... 

Thiếu nữ áo hồng đưa tay vuốt chỏm ba giá của đứa bé, như chị dỗ em rồi cất giọng ngọt ngào: 

- Cửu Đệ!... Cửu Đệ nói đi, Đại Ca nóng ruột lắm rồi. Từ hôm chia tay đến nay Cửu Đệ làm gì? Mọi người đang chờ Cửu Đệ nói. Nói đi rồi Thất Tỷ sẽ cho tiểu đệ một trăm lẻ một xâu kẹo hồ lô... Lại dẫn đi công viên chơi cầu tuột... 

Lý Tứ lại nghĩ, thì ra thằng bé có tên Tiểu Quỷ là đồng bọn của năm người này. Hắn là tên thứ chín của nhóm chín người, nên thiếu nữ áo hồng mới gọi nó là Cửu Đệ. Nhưng giang hồ xưa nay ai lại phân công con nít còn để chỏm tham gia Đại sự bao giờ. Mới nhìn thì bọn này sai nhiều thứ, lại vi phạm luật “bảo vệ và chăm sóc trẻ em”. Chắc trong này có nhiều thú vị... 

Một loáng, thằng bé đã làm thịt xâu kẹo hồ lô chừng mười viên sạch bách. Hai bên mép dính phẩm đỏ tùm lum như râu ông kẹ. Hắn thè lưỡi liếm quanh mép đưa tay quẹt miệng cho sạch. Thằng bé từ từ đứng dậy giữa bàn, đảo mắt nhìn đồng bọn rồi cung tay thủ lễ. Hắn nói: 

Cửu Đệ trân trọng kính chào Đại Ca cùng các Sư Huynh Sư Tỷ!... Tiếng nói của đứa bé bây giờ lại là tiếng của một trung niên, thanh âm chững chạc. Không giống những gì con người nó thể hiện cũng như tiếng rao trước đó. 

Lý Tứ lại nghĩ: 

À!... Thì ra đứa bé này là một trung niên độ khoảng bốn mươi. Nhưng vì sao thân hình vóc dáng cho đến khuôn mặt như đứa trẻ lên mười? Nếu tính theo tôn ti giang hồ thông thường thì thiếu nữ áo hồng phải gọi đứa bé này là Đại Ca hay Thúc Thúc mới phải!... Lý Tứ rất ngạc nhiên mối quan hệ lẫn nhau cũng như cách giao tiếp của bọn người này... 

Đứa bé lại tiếp: 

- Đại Ca!... Sư huynh Sư tỷ!... Chuyến này thu hoạch lớn, thu hoạch lớn!... Số dừa mang đi hôm đó, tiểu đệ bán sạch trơn, chỉ chừa lại một quầy gọi là để giống... 

Sau cái hôm anh em ta bàn nhau ở “Lý Sự Đường”, tiểu đệ tức tốc lên đường ngay canh ba. Sáng ngày thứ sáu tiểu đệ đến Lưỡng Hà. Chu choa mẹt ơi!... Lưỡng Hà thiệt là phồn vinh hết chỗ nói. Trên bộ dưới thuyền khách thương tấp nập. Giang hồ ẩn sĩ dịp này tụ hội về đây nhiều như lá mùa thu. Hắc bạch hai đạo đủ cả. Khách điếm không còn một chỗ trống. Đêm đến tiểu đệ phải ngủ ở cái sạp bán hàng đầu chợ, gió táp mưa sa. Nhưng cũng may mắn, nhờ đó mà bọn giang hồ không để ý. Ngày ngày đệ lấy tro than trét lên mặt coi bộ đen ngòm, quảy quầy dừa đi bán khắp nơi. Nhờ vậy, đệ len lỏi vào hang cùng ngõ hẻm dò la tin tức mà không một ai phát hiện ra đệ... 

Nói đến đây Lão quỷ thọt tay vào bị, mở bọc ny lon lấy xâu kẹo hồ lô “ăn lấy ăn để”, rồi nói tiếp: 

- Đại ca cùng chư vị ơi!... Chuyến này bọn thảo khấu Lưỡng Hà bị đệ cho mắc hỡm một phen, tức đến lộn ruột. Chắc bây giờ chúng đang tụ tập với nhau lôi ba mươi sáu đời tổ tông nhà đệ ra chửi cho đã cái tức... Mặc kệ tụi chuột nhắt, chửi thì chửi, miễn công việc Đại Ca và anh em giao tiểu đệ hoàn thành là vui lắm rồi. Xong việc này tha hồ tiểu đệ ăn kẹo hồ lô mệt xỉu... Lão nói một hơi rồi lại móc xâu kẹo hồ lô, làm như trên đời không ăn kẹo hồ lô là lão chầu ông bà ông vải vậy. 

Lão lại le lưỡi liếm mép, đưa tay quẹt miệng, uống một ngụm trà rồi lão thọc tay vào túi hình như tiếp tục lấy kẹo hồ lô. Không biết nghĩ gì, lão không lấy kẹo mà buông thõng hai tay nói tiếp: 

- Nửa tháng ở Lưỡng Hà, tiểu đệ mượn cớ bán dừa tiếp cận không biết bao nhiêu cao nhân ẩn sĩ. Thì ra hai đạo hắc bạch bọn họ tụ tập về đây cũng vì cái vụ này... Bạch đạo như Võ Đang, Thiếu Lâm, Nga Mi, Không Động, Thanh Thành... Nói chung, các môn phái có tiếng tăm không sót một mống. Họ cử đến toàn “cao thủ ngoại hạng” cải trang làm đủ hạng người. Nhưng bọn chúng thua tiểu đệ đến mấy bậc về tài mọn hóa trang. Vì thế, bọn này giấu đầu lòi đuôi rốt cùng công cốc, đi không về không... 

Còn hắc đạo thì có đám Độc Thủ Miêu Cương, Ma giáo ở Quang Minh sơn, ba mươi sáu động bảy mươi hai đảo không sót một tên. Bọn này ngày cờ bạc rượu chè, đêm đột nhập vào các khách điếm để dò la động tĩnh... 

Bang hội thì có Kình Ngư bang, Kim Sa, Khất Cái... Bọn này đa số hóa trang thành khách thương mua rau bán hành vì vốn liếng không nhiều so với tiền của bọn khách thương chính thống ở Lưỡng Hà... 

Trang, Gia thì có Đường gia ở Tứ Xuyên, Mạc gia ở Thiểm Tây, Ngô gia ở Liêu Ninh... Lại có Mai trang, Mạn Đà, Lệ Viên trang... Nói chung nhiều vô số kể. Bọn này giàu có nên hằng ngày mua dừa của đệ uống chơi cho khỏi nóng trong mình. Nhân đây đệ chém tụi nó thấu xương, một bán thành ba thành bốn... 

Cái lạ là trong vụ này triều đình cũng tham gia. Bọn họ cải trang trà trộn thành đủ hạng người. Ban đầu tiểu đệ lấy làm lạ, xưa nay chuyện giang hồ thị phi quan phủ không để ý tới. 

Không hiểu sao việc này triều đình lại nhúng tay? Chắc chẳng phải chuyện đơn giản. Cho đến cuối tháng đầu, tiểu đệ làm quen được một vị quan nhỏ do vị này mê dừa của tiểu đệ... Mấy ngày liền tiểu đệ không lấy tiền dừa nên đệ và vị quan đó thân nhau. Nhân lúc cao hứng “mất cảnh giác” vị quan này tiết lộ quân cơ cho đệ. Bây giờ tiểu đệ mới té ngửa ra cái chuyện quan phủ tham gia. Nói ra dông dài, họ đến thiệt ra chẳng phải vì vụ này... mà triều đình đoán biết ở Lưỡng Hà những ngày này đông đúc, đây là dịp bọn “hai ngón” ra tay. Bọn “đá xế” cũng nhân đây mà thi triển “đoản công”... Đây là thời gian tốt nhất có một không hai quan phủ ra tay dẹp yên bọn chúng, để Lưỡng Hà không còn là nơi bị khách du lịch phiền hà về nạn trộm cướp, ăn xin, bán nhang, bán hình đeo bám... Khẩu hiệu của chiến dịch là “Vì một Lưỡng Hà xanh sạch đẹp về mọi mặt”... 

Còn slogan quảng cáo là “Lưỡng Hà!... Nơi đến thú vị nhất hành tinh”... Thế đấy!... Thế đấy!... Sự việc là như thế đấy!... 

Lý Tứ ngấm ngầm quan sát thái độ của đám người này. Khi phát biểu bọn này ngữ ngôn có phần hài hước, nhưng văn tự chính xác và trong sáng. Hầu hết bọn chúng ăn nói lưu loát, không ấp a ấp úng kiểu “dùi đục chấm mắm nêm”. Một điều rất lạ không như thường thấy ở bọn giang hồ khác là, bọn này, một người nói mọi người chăm chú lắng nghe, nghe đến không sót một chữ. Có người phát biểu là cả bọn im lặng. Người nói thảnh thơi nói, người nghe trân trọng lắng nghe. Không “ba xạo” chen vào cắt ngang câu chuyện, cũng không “ăn cơm hớt” hay “làm tài khôn” như mấy đám kia, lúc đầu một người nói mấy người nghe, về sau mấy người nói không ai nghe và cuối cùng mạnh ai nấy nói. Giống như bọn hàng tôm hàng cá giữa chợ... chẳng tôn ti trật tự, chẳng có văn hóa văn minh gì ráo trọi... Quan sát xong, Lý Tứ có chút cảm tình với bọn này. 

Lão Tiểu Quỷ lại tiếp: 

- Đêm ấy khoảng cuối canh ba bước sang canh tư, tiểu đệ đang ngủ ở cái sạp bỏ trống đầu chợ bó gối ngáy khò khò. Khi không chân tiểu đệ nhột nhột. Tiểu đệ tưởng đâu mấy con chuột cống đói quá gặm chân tiểu đệ sống qua ngày. Tiểu đệ định bụng đưa tay xuống phẩy phẩy, định đuổi con chuột rồi ngủ tiếp. Bất ngờ tay tiểu đệ chạm phải cái gì lạnh ngắt, giật mình mở mắt thì ra đó là con dao xắt thịt đang cứa vào chân tiểu đệ... Một nhóm gần mười thằng mặt mày bặm trợn đang bàn nhau cắt chân tiểu đệ về nấu cháo ăn khuya!... Tiểu đệ chưa kịp hoàn hồn thì... 

Lão Tiểu Quỷ hình thù như đứa con nít nói liên tiếp hai ba chữ “Thì!... Thì!... Thì...” đột nhiên lão đứng lên, bỗng chốc cao to như một người bình thường. Cái bàn kêu rắc một tiếng lớn, kẹo hồ lô vung vãi khắp nơi, mọi người giật mình... 

- Thì ra tất cả chỉ là... một giấc mơ!... 

- Tâm Pháp, Trương Tam, Lý Tứ... đều là chuyện trong mộng...

(còn tiếp) 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG