Trung Nguyên Cửu Tuyệt… Diện Kiến Lý Tứ

 0
Trung Nguyên Cửu Tuyệt… Diện Kiến Lý Tứ

Như mây bay trên trời

Không đẹp cũng không xấu

Người có trí hãy tìm

Cái đẹp, trong cái đẹp.

Vì lợi ích muôn loài

Vì an vui tứ chúng

Vì sanh tử chẳng thật

Nên mây cũng không thật.

Không thật nhưng có vui

Thường cho nhiều lợi ích

Nơi không thật thành thật

Cái người trí cần tìm...

- Lý Tứ -

Nhắc lại, sau khi Lão Tiểu Quỷ làm sập cái bàn của tửu quán, cả bọn giật mình như tỉnh cơn mê. Sáu người dụi dụi mười con mắt nhìn chằm chằm vào Lý Tứ. Hết nhìn Lý Tứ cả bọn nhìn con dao sét rẹt để trên bàn... Hết nhìn người đến nhìn con dao rồi cả bọn lại nhìn nhau... Kẻ há hốc mồm đến nỗi không ngậm lại được. Người trố hai con mắt như muốn đứng tròng... Riêng thiếu nữ áo hồng thì như kẻ mất hồn không còn biết cha mẹ ở đâu, tên tuổi là gì? 

Sáu người, mỗi người một tư thế trông rất không giống ai. Cứ như thế!... Như thế!... Những mạng người bất động như thể trời trồng. Một hồi lâu độ chừng tan cục kẹo trong miệng, cả bọn đồng ồ lên một tiếng, như để hoàn hồn sau cơn “đi thiếp”. Cái thất đởm của “thần tử thấy long nhan” đến nỗi tàn nửa điếu thuốc mà vẫn chưa hết trên khuôn mặt...

Lão Đại bây giờ mới khép được cái miệng của mình. Lão nhoẻn miệng cười xã giao nhằm che giấu “cục mắc cỡ” của một hảo hán. Rồi lão cất giọng văn chương để trấn tỉnh cơn sợ hãi của mình cùng đồng bọn: 

- Đúng là anh em ta chia nhau mỗi người một ngã, đã mòn mấy chục gót giày, đạp bằng bao nhiêu ngọn núi, mà chẳng thấy!... Không ngờ cái nơi “đìu hiu hút gió”, “quán vắng bên đường” này lại gặp được quới nhơn. Thiệt là hữu duyên!... Thiệt là hữu duyên!... Người xưa nói không sai: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”, quả không sai... 

Hình như cái thất đởm khi nhìn thấy con dao sét trên bàn làm cho văn chương của lão khập khiễng. Quả không hổ danh: “Nhất thiết bất tri”. Nói xong lão phát hiện ra hai câu tỷ dụ lão đưa ra không phù hợp trong hoàn cảnh này. Lão bèn xoa xoa hai bàn tay bẽn lẽn như con gái về làm dâu, lão lại cất giọng: 

- Thiệt là đứng trước Thái Sơn mới thấy mình nhỏ bé!... Các hảo huynh đệ thông cảm cho cái bối rối vừa rồi của ta. Vì hồ đồ trong nhất thời mà thất lễ với quới nhơn. Xin lượng thứ!... Xin lượng thứ!... “Khôn ba năm dại có một giờ” cũng là chuyện thường tình thế thôi. 

Lý Tứ nhìn tình cảnh sáu người đối trước mình đâm ra chột dạ, thầm nghĩ: 

- Thiệt bọn này thần tượng quá đáng. Đâu có gì ghê gớm mà bọn chúng làm thấy ghê. Mình đâu phải thần thánh gì!... Cũng chỉ là con người bằng xương bằng thịt. May mà bọn chúng chưa tặng hoa, chưa đòi chụp hình chung hoặc xin chữ ký... Thôi thây kệ, thần tượng thì thần tượng, fan hâm mộ thì hâm mộ. Làm quen bọn này biết đâu có chuyện hay về sau. 

Ngẫm nghĩ như vậy, Lý Tứ quay lại phía sáu người, cung tay thủ lễ. Bèn khách sáo đánh tiếng trước: 

- Tiểu Đệ là Lý Tứ. Các bằng hữu thương tình tặng cho cái tên Lý Tam Đao xin chào các lão ca ca và tỷ tỷ!... 

Tiểu Đệ khi nãy mạo muội nghe lén đại danh của các anh hùng là Trung Nguyên Cửu Tuyệt. Tiểu đệ thiệt là hổ thẹn khi nghe lén chuyện người khác. Nhưng vì hâm mộ đại danh chín vị đã lâu, đêm mong ngày nhớ. Nhớ như con tán nhớ bù lon, như cây nhớ gió... ngưỡng mong có ngày diện kiến. Không ngờ hôm nay nhờ ngọn gió lành xui khiến nên tiểu đệ được diện kiến các vị. Thiệt là phước đức mười đời của tiểu đệ... 

Đúng là: “Can lộ phùng Đại vũ”, chỉ còn chờ “Tha phương ngộ cố tri”. Nếu các anh hùng không chê hư danh nhỏ mọn của tiểu đệ, xin các vị nhận của tiểu đệ cái xá này gọi là tượng trưng cho buổi sơ giao. Xin được làm quen các Đại anh hùng. Ngưỡng mong sau này có thể là tri kỷ. Nói xong, Lý Tứ chấp hai tay trước ngực xá một xá. May mà chưa niệm danh hiệu A Di Đà Phật... 

Thấy Lý Tứ trịnh trọng xá mình, chẳng ai nói với ai, cả bọn đồng loạt nhảy lên nóc nhà để tránh cái xá của Lý Tứ. Nhìn bọn chúng nhảy mà thấy thương, giống như tép nhảy khỏi rổ... 

Lão Đại chân chưa chấm đất đã chắp tay trước ngực. Cả bọn chắp theo đồng hướng về phía Lý Tứ, Lão Đại cất giọng: 

- Tổn đức quá!... Tổn đức quá!... Quả “lời đồn không sai”, tác phong của quới nhơn có khác. Anh em tại hạ không dám nhận cái lễ này. Đáng ra cái lễ này là của anh em tại hạ mỗi người phải xá Lý Lão Sư mười xá để “thỏa lòng tương ngộ”, “cung kính bề trên”... Ai đời!... Ai đời!... Có chuyện tréo ngoe này. 

Các đệ, còn chần chờ gì nữa, mau mau thủ lễ ra mắt Lý Lão Sư. 

Lão Đại vừa dứt tiếng, cả bọn sáu người chắp tay trước ngực thi nhau cuốc, mỗi người đúng mười cái. 

Vừa xá đủ một người mười cái, vị chi sáu chục cái xá... Sáu người chạy như bay đến bên Lý Tứ. Người sờ con dao, người dán mắt nhìn kỹ từ đầu đến chân, người cầm tay áo của Lý Tứ rồi dặt dặt, người bóp vai... Cảnh tượng giống như người thân xa cách lâu ngày nay mới gặp lại, trông thấy không ai chẳng bùi ngùi... Cả bọn hân hoan ra mặt... 

Riêng thiếu nữ áo hồng Thất Muội, thì vẫn đứng như trời trồng sau cú nhảy. Cái mất hồn chưa tan trên khuôn mặt... Hai hàng nước mắt “lăn dài trên má”... Ả muốn làm một điều gì đó để tỏ lòng tôn kính và thân thiện với môi trường, nhưng hai chân ả nặng như chì, muốn bước tới mà không thể nhấc chân lên, muốn làm quen mà miệng mồm tê cứng, muốn nói bốn ngàn rưởi lời ngưỡng mộ mà chỉ lắp bắp ú ớ như ngậm cục xôi gà... Trước tình cảnh như vậy, vừa thương hại vừa buồn cười. Lý Tứ sực nhớ lời bài hát: “Con gái nói có là không, con gái nói không là có... Con gái nói đứng là đi, con gái nói đi là đứng”… Thiệt là không một ai trên đời hiểu con gái hơn mấy anh chàng nhạc sĩ…

Trung Nguyên Cửu Tuyệt, chín con người đã làm nên tên tuổi của mình trên giang hồ, hai đạo hắc bạch khi nghe đến cái tên này chẳng một ai không cung kính và ngưỡng mộ. 

Họ là đại diện những gì tốt đẹp nhất của khái niệm “chính nhân quân tử”. 

Tên tuổi gắn liền với tác phong và đạo nghĩa. Mọi giao tiếp được đặt trong nền tảng của những hình thức “bất di bất dịch”. Nghĩa là: Nói phải “uốn lưỡi bảy lần”. Đi đứng, co duỗi... đều không thể tách rời tác phong định sẵn, được cho là chỉ có ở những con người mệnh danh “chính nhân”. Mọi cử chỉ của họ phải là biểu tượng cho cái gọi là “quân tử” khiến người khác phải tôn trọng... Lễ nghi và nghĩa khí là “hai sợi dây cột giày” dính chặt trên đôi chân giang hồ... 

Họ là những anh hùng hảo hán thứ thiệt. Họ tâm niệm: “Ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục”, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Thà chết để “hậu thế ngưỡng mộ”. Chết làm sao để được khắc vào bia đá dựng nơi công cộng nhiều người qua lại. Chết làm sao vang danh mà cụ ông lẫn cụ bà, trẻ già lớn bé, đui điếc câm ngọng... đều biết. Chết như thế nào để là đề tài ít nhất khi hai người ngồi lại với nhau trở thành câu chuyện đầu môi biểu lộ sự thông tuệ. 

Chết như thế nào để tiệc tùng, ma chay, cưới gả, thôi nôi đầy tháng được luận bàn trên những cái đầu đỏ au vì rượu với hai mắt lim dim gật gù tâm đắc... Chết cho bằng hữu giang hồ đốt nén nhang kính trọng, với bài điếu văn dài thòng đầy những văn từ ai oán nhưng liệt oanh... Thà chết để rồi sống mãi trong lòng mọi người... Nhất định không sống như “mèo chó chỉ biết kiếm ăn”... Và họ đã thực hiện điều này suốt những tháng ngày giong ruổi!... 

Lý Tứ lấy làm lạ, bởi những con người như vậy, sống bằng những tư duy như vậy, được nuôi lớn bởi những nhận thức như vậy, đã học tập và hành động như vậy... thì cái gì làm cho những con người được coi là “cỗ máy đạo đức”, những con người mà khẩu hiệu “thân bất do kỷ” được đặt lên hàng đầu, thậm chí nó là thứ chân lý để giữ mạng sống này tồn tại trên đầu lưỡi kiếm. 

Vì cái gì khiến họ đã quăng bỏ những thứ này như quăng bỏ cái bọc ny lon rách để đến với mình trong buổi sơ giao, bằng tất cả chân tình như những “đứa con xa gặp mẹ”. 

Cái gọi là “tác phong quân tử” để ở đâu? Cái được gọi là “hành vi hảo hớn” để ở đâu? Lý Tứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về những con người bằng xương bằng thịt trước mặt... mà họ đã một thời ngang dọc...

Có lẽ, cuộc đời và những danh vọng từng gặt hái được đã ngầm cho họ biết rằng, cái đích thực của một con người đang thiếu vắng trong họ nghiêm trọng. Khát khao đi tìm “lẽ sống đích thực” đã âm ỉ trong lòng cả bọn. Sự tồn tại của họ bấy lâu nay được che đậy bởi những giá trị hình thức vô ích nay mới có dịp vỡ tan, như con sóng xô đẩy những thứ không tốt đẹp giữa biển khơi trôi dạt vào bờ... 

Có lẽ, cái được coi là những giá trị tiêu biểu một thời mà họ trót cưu mang không làm họ thỏa mãn. Những tiêu chuẩn đo lường giá trị nhân văn nay đã lỗi thời vừa được phát hiện... Có lẽ, họ đã nhận ra rằng cây đao lưỡi kiếm nạm ngọc khắc rồng, những cái cung tay đầy nghi thức, những lời chào hỏi đổi trao mang nặng xã giao khách sáo đã theo họ suốt thời dọc ngang bây giờ trở thành chán ngắt. Họ vô vọng và cô đơn giữa những con người. Quá khứ vàng son không phải là thứ bây giờ cần gìn giữ... Trước tình cảnh như vậy, Lý Tứ thầm nghĩ, không lẽ con đao sét của mình hay con người với hình hài ốm đói mang đầy bụi đời của Lý Tứ đã đánh thức họ... 

Trong phút chốc, với Trung Nguyên Cửu Tuyệt những gì được coi là “tâm tình của một con người đích thực” hiện diện. “Những tâm hồn” thật sự đã đơm hoa kết trái, khoảng cách ứng xử giữa người với người lâu nay được chắt chiu bằng thứ “trí tuệ vay mượn” đến giờ hấp hối. Phút chốc ngắn ngủi làm người hồi sinh. 

Họ đến với nhau thông qua cử chỉ thương yêu bằng tất cả tấm lòng hơn là môi mép. 

Sự thân thiện hồn nhiên sống dậy trong những con người đã một đời từng trải dưới bao nhiêu danh nghĩa rỗng tuếch. Thậm chí đánh đổi mạng sống của mình bằng những nghi kỵ, che giấu, trang sức bằng những hào nhoáng của triết lý hư ảo... Cuộc đời của những con người được “tô hồng đánh phấn” bằng hư danh nay hình như không còn nữa. Những con người thật sự là con người có lẽ bắt đầu từ đây... Bắt đầu từ cuộc tao ngộ của những ước ao tìm lại chính mình... Có lẽ, rồi đây với những người này binh khí của họ là “đao kiếm và miệng lưỡi” trở thành cổ vật... Chỉ để trưng bày như một chứng tích ngu si... 

Sáu con người sau những bất ngờ của bất ngờ, Trung Nguyên Cửu Tuyệt không còn là Trung Nguyên Cửu Tuyệt. Cái ngỡ ngàng đầu tiên thoáng qua, sáu con người trở thành nhất thể vội vàng ôm chầm lấy Lý Tứ, thiếu nữ áo hồng cũng không ngoại lệ. Khẩu hiệu “thọ thọ bất thân” đã bị đánh đổ... Họ ôm Lý Tứ như chưa từng được ôm, giữ chặt Lý Tứ như sợ con người này rồi sẽ vĩnh viễn vụt khỏi tầm tay của họ...

Lý Tứ cực kỳ xúc động!... 

- Lý Tứ ơi là Lý Tứ!... “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh” có phải đã thành hiện thực trên những hình hài này!... 

(Hết )

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG