Tứ Diệu Đế Giác và Ngộ Giải Thoát Bất Động

 0
Tứ Diệu Đế Giác và Ngộ Giải Thoát Bất Động

Buổi chiều... quyết tâm đào sâu ý nghĩa Tứ Đế... Lý Tứ lại nói: 

Thưa các huynh đệ!... 

Diệt Đế và Đạo Đế chính là Thánh Pháp. Thánh Pháp này chỉ hiện hữu cho những ai biết từ bỏ con thuyền đã đưa mình sang sông mà đi lên bờ. Tức là từ bỏ kiến giải, từ bỏ những gì đã giác. 

Vì rằng Diệt Đế là pháp bất cộng. Diệt Đế không phải pháp làm ra hay suy luận. Diệt Đế chính là sự vượt thoát cuối cùng của người đã lên đỉnh cao nhất của ngọn núi ba cõi... Hãy cố sức thoát khỏi sự níu kéo của ngọn núi kia đang trì kéo đôi chân của bạn... 

Các bạn!... Cái gì đang trì kéo, cái gì các bạn đang mang vác trên vai của mình, cái gì là gánh nặng cần phải bỏ xuống... Các bạn!... 

Đó là thức, đó là tự ngã, đó là chủ thể sản sinh ra nhận thức, đó là chủ thể gìn giữ giác này... Những thứ này đã và đang dẫn dắt các bạn tiếp tục vòng vo quay cuồng trong ba cõi... 

Giống như người sang sông, đã đến bờ bên kia, nhưng vị này thương tiếc chiếc thuyền đã giúp mình từ bờ này sang bờ kia. Chính tiếc thương này, vị tu hành không dám từ bỏ, không nỡ lòng từ bỏ, cố mang theo, cố vác chiếc thuyền kia trên đôi vai, mong rằng đây là sự trả ơn thù thắng... 

Thưa các bằng hữu!... Hiểu như thế, quan niệm như thế chính là trói cột cuối cùng làm trở ngại hành trình phía trước... Điều này Phật dạy A Nan: “Này A Nan!... Chớ có thương tiếc, hãy để chiếc thuyền ấy lại cho người đi sau, đừng mang vác nó theo”

Kinh Đại Thí Dụ Lõi Cây Phật cũng căn dặn: 

“Này các Thiện Nam Tử!... Thật bất hạnh cho những ai, lấy tri kiến làm chỗ nương tựa, coi tri kiến có được là hiểu biết tối thượng cần phải gìn giữ... Ta nói như người đi tìm lõi cây, người này chỉ lấy được giác cây... Này các Thiện Nam Tử!... Giải thoát bất động chính là mục tiêu tối thượng cần phải đạt tới của một Sa Môn, Bà La Môn... Như người đi tìm lõi cây, người này đã lấy đúng lõi cây, cái cần tìm đã tìm được, cái cần thấy nay đã thấy, cái cần gặp nay đã gặp”. 

Chính những nguyên nhân này, chính những lý do này, hồi sáng tôi có nói với các bạn một câu, không biết các bạn còn nhớ hay đã quên... Không sao, tôi xin lặp lại câu này: 

  • “Giác là Đế của Tập, và Ngộ là Đế của Diệt”. 

Các bạn!... Vì sao tôi lại nói như vậy!... Đó chính là ý nghĩa của thế gian và xuất thế gian trong giáo pháp... Nương nơi sức giác, các bạn chỉ có thể ngăn chặn nhiễm ô của Tập, giống như người dùng phèn lóng trong nước, khi nào quên bỏ phèn, thì lại uống phải nước đục... Vì thế Giác chỉ có năng lực đưa một người đến bờ mé cuối cùng của thế gian, tức là cho dù có một chút thanh tịnh do sức giác làm nên cũng chẳng thể ra khỏi ba cõi. Như người leo lên đỉnh núi, toàn thân đã ở trong hư không, nhưng da bàn chân vẫn còn dính chặt vào đỉnh núi... Nếu vị tu hành này tiếp tục bước đi, nhất định sẽ đi trở về chân núi. Nếu vị này bằng lòng ở lại nơi đây thì vị này sẽ là người của ngọn núi... Đây cũng là lý do vì sao tôi nói, Khổ Đế và Tập Đế thuộc về thế gian... 

Bằng lời lẽ của mình Phật cũng minh định rằng: “Đó là Đại bất hạnh của một Thiện Nam Tử đi tìm lõi cây, mà lại mang về giác cây”. 

Các vị!... Diệt Đế và Đạo Đế thuộc về thánh pháp, tức hai đế này vượt ra khỏi phạm vi của suy hiểu, vượt ra khỏi giới hạn của biện luận... kinh gọi là: “Bất khả tư nghì, bất khả lý giải, bất khả thuyết”. 

Vô lượng thứ bất khả như thế... Vì sao lại nhiều bất khả như thế?... Vì Niết Bàn, Diệt Đế là Vô Vi chứ chẳng phải Hữu Vi... 

  • Vô Vi là gì? Nó như sừng thỏ, nó như lông rùa... chỉ có danh xưng mà không có tự thể... Kẻ nào khi nghe nói hai thứ này, cố đi tìm sừng thỏ lông rùa, giống như người trông ngóng chuyện làm giàu trong mơ... 

Như vậy, Thưa các bạn!... Đã không có tự thể thì tìm kiếm nơi nào và bằng cách gì? Đúng, đây là một nan đề... Nếu chúng ta cố tìm, cố xem, cố kiếm, cố hết sức muốn biết nó ở đâu và đón nhận bằng cách nào... Thì xin thưa với các vị... suy nghĩ này, việc làm này chỉ thêm xa rời ý nghĩa Diệt Đế... Mà Diệt Đế chưa thấy chưa biết, thì đừng mong có được Đạo Đế để giữ gìn... 

Giống như con mắt, thấy tất cả vạn hữu, nhưng con mắt sẽ không thấy chính nó... Giống như chiếc gương sáng, tự thân không ảnh, nhưng nếu cố chứng minh gương kia không ảnh, lập tức gương sẽ có ảnh... Diệt Đế cũng như vậy, nó là chỗ bổn lai tự diệt, sở dĩ tự diệt vì chưa từng sanh. Nếu đem cái sanh để tìm kiếm cái diệt, thì cái diệt này chính là sanh vậy... Điều này được Lục Tổ Huệ Năng minh họa bằng bốn câu kệ nổi tiếng của mình: 

“Bồ Đề bổn vô thọ,

Minh kính diệc phi đài,

Bổn lai vô nhất vật,

Hà xứ nhá trần ai” 

  • Như vậy tóm lại Diệt Đế là gì? Nó chính là bổn tâm của các bạn, nó chính là các bạn... Nhưng vì sao các bạn không thấy? Như trước tôi đã nói... “Hồ nước đục, người có mắt sẽ không thấy đáy hồ, trời nhiều mây sẽ không thấy trăng tròn và các vì sao”. Thế thì nước hết đục, trời hết mây tại sao không thấy? Thưa các bạn!... 

Chỉ vì các bạn chưa mở con mắt huệ... Vì thứ này, không thể dùng nhục nhãn hay pháp nhãn mà thấy... Nhục nhãn chỉ thấy những gì trong nghiệp quả, pháp nhãn chỉ thấy những gì của pháp đã giác... Xa lìa, từ bỏ hai con mắt này thì Huệ Nhãn tự hiện và tự thấy... Huệ nhãn chính là Vô Vi nhãn, dùng con mắt vô vi mới thấy được Niết Bàn vô vi... Huệ nhãn chính là Bất động nhãn, dùng con mắt bất động mới thấy được nguồn tâm bất động... 

Điều này kinh Niết Bàn có nói đến, đây cũng là lời của chư Phật xưa: “Chư hành vô thường, thị sinh diệt pháp, sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc”. 

Hãy chấm dứt tìm kiếm, hãy chấm dứt nghĩ suy, hãy chấm dứt giong ruổi của hành tâm, lập tức thấy được Diệt Đế an vui... 

Các bạn!... Tính chất quan trọng của Tứ Đế, tính chất quan trọng của Diệt Đế đối với người tu hành là như thế... Xin các bạn lưu ý, xin các bạn đừng nên bỏ qua... Nếu một phen coi đây là pháp nhỏ, coi đây như căn bản của Thanh Văn thừa giống như người đời thường hiểu... thì xin thưa các bạn!... Đó là một nhầm lẫn lớn nhất... Và nhất định các bạn vẫn mãi loay hoay trên con đường tìm kiếm chân lý... Như người muốn ra khỏi ba cõi mà trước mặt là ngọn núi Tu Di sừng sững chặn ngang lối đi... 

Sẽ vô phương đối với những ai coi nhẹ Tứ Diệu Đế... 

Các bạn!... Trước đã nói đến Diệt Đế... Nay tôi xin nói đến đạo Đế... 

Thưa các bạn!... Kinh dạy: “Đạo Đế[1] là độc đạo, an ổn và bất tử”. Vì sao kinh nói như thế?... Các bạn!... 

  • Đạo Đế, chính là hệ quả tất yếu của Diệt Đế... Có chứng ngộ Diệt Đế, mới biết thế nào là Đạo Đế... Giống như người giàu sang, mới biết thế nào là giàu sang, người giàu sang mới biết thế nào là cuộc sống sang giàu... 

Chẳng phải vô cớ mà kinh Pháp Hoa đề cập đến câu chuyện “Gã Cùng Tử”. Thì cũng vậy, các thừa sau khi đã chứng quả của thừa mình bằng điểm nhấn Diệt Đế, bây giờ là lúc các vị thánh đó “bảo vệ thành quả” và “con đường phải đi”. Bảo vệ thành quả chính là “Đạo”, con đường một vị thánh phải đi gọi là “Đạo”...

Đạo Đế có Thanh Văn Đạo, Duyên Giác Đạo, Bồ Tát Đạo, Nhất Thừa Đạo và có Phật Đạo... Giống như giai cấp trung lưu có đời sống trung lưu, triệu phú có đời sống triệu phú, quý tộc có đời sống quý tộc và vương triều có đời sống vương triều... Đạo Đế của mỗi thừa chính là đời sống và sự tiếp nối vươn lên của chính thừa đó bằng bước khởi đầu được công nhận của quả chứng... đó là Diệt Đế... Ví như một người chính thức được sanh ra trong dòng giống của mình... Vì thế Đạo Đế chính là định hướng, là con đường, là nếp sống, là tư duy, là nghĩ suy, là ứng xử... bắt buộc trong một mực thước nhất định của một dòng giống nhất định, nên kinh nói là “Độc đạo...” 

Đạo Đế, chính là văn hóa vô lậu của một cộng đồng, cho nên thành viên của cộng đồng đó sẽ có cách nhìn, cách nghĩ suy một sự việc theo chuẩn mực của cộng đồng... 

Điều này có ý nghĩa gì trong Phật Đạo? Giống như tám con sông đồng chảy về Đại hải... Mỗi con sông có một dòng chảy riêng, có một nguồn nước riêng, có một lưu lượng riêng... Chừng nào những con sông này chảy vào biển cả, thì chừng ấy “cái riêng” của con sông này mới mất đi. Mất cả tên gọi lẫn tính chất rất riêng của nó... 

Những con sông này đến một điểm nào đó, đồng hòa nhập vào một dòng... đó là “Nhất Thừa Đạo”... Nhất thừa đạo chưa hoàn toàn là Phật Đạo nhưng chí ít nó không còn cái riêng của từng con sông riêng lẻ... Vì thế, Nhất thừa đạo là Đạo Đế, là dòng chảy cuối cùng trước khi hòa vào Phật Đạo đó là Biển Đại Giác... 

Thưa các vị!... Tôi đã khái quát ý nghĩa của Đạo Đế. Đây cũng chỉ là những khái niệm đầu tiên về Đạo Đế, bởi lẽ Đạo Đế là “Độc đạo, an ổn và bất tử”. nên các vị chớ có nên nhầm lẫn. Nhầm lẫn đáng tiếc nào đó sẽ là bài toán khó sau này khi tiến vào dòng chảy chung Nhất Thiết Trí... 

Vì sao? Nếu con sông nào đó bỗng dưng lệch dòng, có nghĩa không chảy theo quy luật, thì dòng sông đó chẳng thể tiến về biển cả... 

Các vị!... Những điều tôi đã nói, xin các vị ghi nhớ... Trong các vị còn có ai chưa thấu hiểu về Tứ Đế, hãy nêu lên... Mọi thắc mắc của các vị sẽ được cùng nhau chia sẻ vì lợi ích chung... 

Xin mời các vị!... Nói đến đây, Lý Tứ đảo mắt nhìn một lượt mọi người... Tất cả đồng im lặng... 

***************** 

Tất cả im lặng... Một hồi lâu, Như Lực đứng lên hướng về phía Lý Tứ lên tiếng: 

Thưa Lão Sư!... Lão Sư có đề cập đến “Giải Thoát Bất Động”, Tiểu nữ chiêm nghiệm tâm này, chỉ có tịch diệt. Như vậy vì sao kinh không nói đến tịch diệt mà lại nói đến giải thoát bất động... Và Lão Sư cũng đề cập đến sự việc này. 

Thưa Lão Sư!... Theo chỗ thấy biết của tiểu nữ là nguồn tâm đang tịch diệt, nhân nơi tịch diệt gọi là bất động. Như vậy giải thoát bất động có khác ý nghĩa tịch diệt do tiểu nữ đã chứng nghiệm hay không? Hay còn ý nghĩa gì khác? Xin Lão Sư giảng giải cho tiểu nữ và mọi người ở đây đồng thấu suốt... 

Lý Tứ nhìn mọi người rồi thong thả nói: 

- Cô Nương!... Cô Nương bảo rằng nguồn tâm của Cô Nương đang tịch diệt, do đâu mà Cô Nương có được tịch diệt này? 

Thưa Lão Sư!... Tiểu nữ nhân nghe nói đến “Giác là Đế của Tập và Ngộ là Đế của Diệt”. Tiểu nữ hướng tâm mình đến vắng lặng, không giác không quán nên tâm được tịch diệt... 

- Cái không giác không quán Cô Nương vừa nói đó, hiện nay có còn hiện khởi trong tâm Cô Nương không? 

Thưa Lão Sư!... Tuy rằng không hiện khởi, nhưng âm hưởng của nó vẫn còn để tiểu nữ có thể nhận biết mình đang không giác không quán... 

- Cô Nương có thể tạm quên âm hưởng này để rốt ráo tịch diệt được không? 

Như Lực chiêm nghiệm một hồi lâu rồi nói: 

Thưa Lão Sư!... Con hiểu ý nghĩa này rồi ạ!... 

- Khi hiểu ý nghĩa tôi vừa nói, Cô Nương thấy cái gì? 

Đúng!... Giải thoát bất động mới là cứu cánh rốt ráo của Diệt Đế. Đây chính là lõi cây, và chính lõi cây này sẽ làm nên việc của lõi cây... 

Lý Tứ khen Như Lực: 

- Cô Nương đúng là Như Lực, vì Như Lực nên Như Tác, vì Như Tác nên Như Nguyện, vì Như Nguyện nên Như Tướng, vì Như Tướng nên rốt ráo tịch diệt, rốt ráo tịch diệt gọi là không... Không này chính là Giải Thoát Bất Động, đây là lõi cây Diệt Đế mà người tu hành cần tìm... Lý Tứ lại nói tiếp: 

- Thưa các bằng hữu!... Các bằng hữu có bao giờ nghe nói đến “Tâm, Ý, Ý thức” chưa? 

Mọi người im lặng, Lý Tứ lại tiếp: 

- Nếu cụm từ “Tâm, Ý, Ý thức” chúng ta đảo lộn vị trí của nó theo trình tự sau: “Ý thức, Ý, Tâm...” Các vị sẽ dễ hiểu vấn đề hơn... 

Tôi xin cụ thể hóa tiến trình sinh tâm của một hữu tình bằng sự đảo lộn này: 

Ý thức cho ra hư vọng tâm. 

Nếu dừng thức, Ý căn hoàn toàn độc lập, không bị chi phối bởi thức nghiệp. Nghiệp không hiện hành thì hư dối tâm sẽ không hiện. 

Hư dối tâm không hiện, tịch diệt tâm sẽ hiện... 

Tịch diệt tâm đã hiện, nhưng giác biết vẫn chưa quên nên tâm này chưa bất động, ý này chưa giải thoát... 

Vì sao có sự tình như vậy? 

Thưa các vị!... Chỉ vì tập khí sinh ngã vẫn còn, tập khí nhận biết vẫn còn, tập khí chứng minh vẫn còn, tập khí sinh pháp vẫn còn... Như người soi gương cố tìm gương không cảnh... Sự tình này chẳng thể xảy ra... 

Tập khí này trói buộc Ý, như con trâu tự biết đường về, con trâu sẽ chẳng được tự tại... 

Cái này Lục Tổ gọi là: “Con trâu tiếc cái đuôi”... 

Vì thế, người tu hành phải từ bỏ cái cuối cùng là: “Một sự thành tựu nào đó từ chân lý do ý cảm nhận được”. Từ bỏ khái niệm cuối cùng về “sự thành tựu nào đó” hiện tại vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong Ý, từ bỏ này gọi là giải thoát... 

Đoạn kinh sau mô tả rõ sự từ bỏ cuối cùng này: “Như vậy, này Bà-la-môn, phạm hạnh này không phải vì lợi ích, lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu Thiền định, không phải vì lợi ích tri kiến. Và này Bà-la-môn, tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây của phạm hạnh, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh”

Các bạn thấy đấy, đoạn kinh trên nói nhiều đến khái niệm “không phải vì...”, và đoạn kinh cũng không nói rằng: “Phạm hạnh này không phải vì lợi ích giải thoát bất động...” mà đoạn kinh chỉ nói đến: “... Tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này”. Điều này nói lên ý nghĩa gì?... 

Đừng dùng Ý soi vào tâm để thấy “lợi ích” của tịch diệt, đừng để Ý bị cột trói bởi một khái niệm nào hết... 

Giải thoát Ý ra khỏi mọi quan niệm, thoát ly hẳn mọi khái niệm quen thuộc phát sinh từ nơi Ý căn... Chính sự quên đi, thoát ly triệt để khỏi mọi ràng buộc gọi là giải thoát, chính giải thoát này sẽ cho ra một nguồn tâm thật sự bất động... 

Vì thế “Giải Thoát Bất Động”, chính là mục tiêu cuối cùng cần tìm, chứ không phải là tịch diệt nguồn tâm như ý nghĩa Cô Nương đã hiểu trước đây... 

Các vị!... Như vậy ta có thể hiểu ý nghĩa của giải thoát bất động như sau: 

  • Giải thoát: Thoát ly khỏi mọi nhận thức của ý căn đang hiện khởi... 
  • Bất động: Tâm này chẳng phải sản phẩm của ý sanh... 

Nếu chỉ giải thoát ra khỏi mọi nghĩ suy do thức tưởng trong chừng mực nào đó, thì giải thoát này giống như sự lầm nhận về “Niết Bàn Phi Tưởng Phi Phi Tưởng” của ngoại đạo... Vì thế tâm chỉ tạm thời tịch diệt mà chưa rốt ráo bất động... 

Bao giờ hoát nhiên thấy được: “Tâm này bản lai bất động, ý này bản lai vô sanh”... thì chừng đó mới gọi là “rốt ráo tịch diệt” hay còn gọi là “Giải Thoát Bất Động”

Nếu Ý chỉ giải thoát mà Tâm chưa bất động, gọi là “Vô Sanh Nhẫn”

Nếu Ý giải thoát hoàn toàn, Tâm bất động không sanh pháp, gọi là “Vô Sanh Pháp Nhẫn”... 

Điều này kinh Kim Cang có dạy: “Đồng một pháp Vô Vi, mà chư Hiền Thánh thấy có sai biệt”. 

Chính sai biệt này mới có hai vô ngã... Như vậy, thưa các bạn!... 

  • Tâm và Ý có sự liên hệ nào trong một hữu tình? 

Thật ra Ý chỉ là một căn như năm căn kia, nhưng vì mê lầm lâu ngày, thức chen vào ý căn và năm căn thân, chỉ đạo các căn nhận biết theo mệnh lệnh của mình, gọi là thấy biết theo nghiệp... 

Do thấy biết theo nghiệp nên tâm nghiệp sanh. Tâm nghiệp sanh, bất động tâm không hiện... 

Tu hành trong Phật Đạo chính là, loại thức ra khỏi các căn, thức nghiệp không hiện hữu, tâm nghiệp không hiện hữu, không hiện hữu này gọi là tịch diệt... 

Từ tịch diệt này, vị tu hành hướng về nội tâm, từ đó mới nhận ra rằng tâm này bổn lai bất động, và bây giờ mới biết Tâm và Ý chẳng có mối liên hệ nào hết... 

Tâm và Ý không có mối liên hệ nào hết, nên Trí xuất hiện. 

  • Trí chính là sự nhận biết độc lập, nhận biết này không can dự đến Tâm, vì thế Tâm thường bất động…Chừng đó: 

- Năm căn thân: Trở thành Thành Sở Tác Trí.

- Ý căn: Trở thành Diệu Quan Sát Trí.

- Mạt Na: Trở thành Bình Đẳng Trí.

- A Lại Da: Trở thành Đại Viên Cảnh Trí. 

Vì sao có sự trở thành như vậy? Vì vị tu hành này chợt nhận ra: “Sợi dây chưa từng biến thành con rắn”... Ha ha ha ha!... 

Các vị có cảm nhận gì nơi những điều tôi vừa nói hay không? 

Tất cả im lặng!... 

- Như Lực Cô Nương!... Cô Nương có còn thắc mắc Giải Thoát Bất Động hay không? 

Thưa Lão Sư!... Tiểu nữ thấu suốt!... 

- Cô thấu suốt điều gì?

Thưa Lão Sư!... Chẳng có chỗ thấu suốt nên tạm gọi là thấu suốt!... 

- Sau khi thấu suốt, Cô Nương có phải Như Lực chăng? 

Thưa Lão Sư!... Tiểu nữ cũng là Như Lực cũng chẳng phải Như Lực!... 

- Thế thì Cô Nương là cái gì? 

Thưa Lão Sư!... Thánh nói trâu, phàm cũng nói trâu... Tuy vậy, trâu thánh trắng, trâu phàm đen!... 

- Ha ha ha ha!... Cô Nương đúng là Như Lực!... Nếu cũng là Như Lực, cũng chẳng phải Như Lực, thì Cô Nương nên làm gì trong lúc này mới phải đạo? 

Thưa Lão Sư!... Tiểu nữ chỉ nên rót trà mời Lão Sư và các huynh đệ thưởng thức!... Rồi ngồi đó mà nghe Lão Sư giảng tiếp Hi hi hi hi...

[1] Đạo Đế (Bát chánh đạo)

(còn tiếp) 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG