Tứ Diệu Đế Bất Nhị Kiến Trù Lâm Kiến Hoang Vu Tướng Thức

 0
Tứ Diệu Đế Bất Nhị Kiến Trù Lâm Kiến Hoang Vu Tướng Thức

Lý Tứ lại tiếp: 

Thưa các vị!... “Tập và Diệt”, “Giác và Ngộ”... tính chất của nó cực kỳ quan trọng trong Phật Đạo... Người tu hành chưa thấu suốt những nghĩa này thì cứ luẩn quẩn trong vòng sanh diệt của hành tâm... Điều này kinh Lăng Già có đề cập đến khi ngài Đại Huệ hỏi Phật về thức có mấy thứ sanh trụ diệt... Phật chỉ ra rằng, thức có hai thứ sinh trụ diệt. Đó là Tướng sanh trụ diệt và Lưu Chú sanh trụ diệt, không thể suy nghĩ biết được... 

Các vị!... Một hữu tình, khi xuất hiện ở thế giới này, bị bao vây bởi những hư vọng... Rừng rậm bủa vây này Phật gọi là Kiến Trù Lâm... 

Giác chính là loại thuốc khai hoang cực mạnh tiêu diệt và xóa sạch dấu vết của cái thấy rừng rậm này... Nhưng mà này các bằng hữu!... Không thấy khu rừng nữa thì người ta thấy điều gì? 

Các bạn!... Một khi không còn thấy khu rừng nữa, thì người ta sẽ không thấy gì hết, không thấy gì hết gọi là Kiến Hoang Vu... Không thấy gì hết chứ không phải không thấy... 

Bảo rằng không thấy gì hết là vì đối tượng để thấy đã không còn nữa, chứ không phải cái bị thấy đã tiêu mất. Có nghĩa không thấy vật, lại thấy cái không vật, tức là chỉ mất đi cái làm ra hư vọng chứ tính chất hư vọng vẫn còn đó... 

Vì thế không thấy gì hết cũng là một loại thấy vậy, có khác chăng là khác cái bị thấy... 

Giống như người nhắm mắt vẫn thấy màu đen... như người đi trong sa mạc không thấy cây cỏ nhà cửa nhưng vẫn còn thấy sự hoang vắng của sa mạc... Khi người kia bảo rằng không thấy gì, lập tức “pháp không thấy” hiện hữu, “pháp không thấy” hiện lên, “tâm không có gì” lập tức sanh... “Tâm không có gì” này cũng là một thứ tâm, nó đang giong ruổi trong cái không có, chứ không phải không tâm, không phải không tâm nên nó không được gọi là bổn tâm... 

  • Tâm “không có gì” là thứ tâm gì? Đó là thứ tâm u tịch, một loại hoang vu tâm được sản sanh bởi hoang vu quan niệm... Để phê phán sự u tịch này, kinh có nói: “Nắm giữ tướng u nhàn cũng là bóng dáng của tiền trần”

Các vị!... Cái u nhàn kia, chính là tướng của thức đã diệt, nhưng Lưu Chú Thức chưa diệt. Lưu Chú Thức chưa diệt mầm sanh diệt hãy còn... Hiện tình sau sẽ xảy ra cho một vị dùng giác quét sạch các tướng, như người ta dùng thuốc khai hoang làm sạch môi trường... Khi vị này đã trừ sạch các tướng, vị này thường ở trong giác không nắm giữ các tướng, thức tướng không thể khởi, như cây cối không thể mọc... Nhưng sau cơn mưa, hoặc thời gian lâu hơn… cỏ dại sẽ mọc... 

Các tướng bên ngoài không làm ngại, cảnh duyên không thể xâm hại. Nhưng nếu vị này buông lơi thiền định, hoặc mất cảnh giác thì lập tức bất giác sanh khởi, bất giác sanh khởi vọng niệm lại sanh... 

  • Vì sao đã trừ sạch tướng thức mà vọng niệm lại sanh? Xin thưa!... Chỉ vì tướng diệt nhưng Lưu Chú chưa diệt... Nếu vị này cảnh giác, quở trách vọng niệm, thì vọng niệm lại mất... Và cứ thế, khi vị này không ở trong giác, ngay lập tức Lưu Chú lại hiện... 

Để trải qua khó khăn này, người tu hành buộc phải nhứt tâm, không dám buông rời niệm giác... Nhờ nhất tâm nên hiện nghiệp dừng, hiện nghiệp dừng nghiệp mê dừng... Nhưng lại bị cột trói bởi nghiệp Giác... 

Ta có thể hiểu, vị tu hành này thoát khỏi hai khu rừng trước mặt đó là Kiến Trù Lâm và Kiến Hoang Vu nhưng lại đi vào một khu rừng khác... đó là Giác Lâm...

Điều này giống như việc gì? Nó giống như khu rừng bị thuốc khai hoang tàn phá, cây cối không tồn tại, nhưng khu vực đó hãy còn lưu tồn độc tố của thuốc khai hoang và mầm cây cỏ trong đất chưa mất... 

Thì cũng vậy, cái thấy hư ảo đã mất, thay vào đó xuất hiện một loại thấy khác, cái thấy khác này chính là cái thấy của Giác... Giác tuy thắng diệu, nhưng nếu để nó cột trói thì trước hiện tình này, giác trở thành một thứ trói buộc... Điều này giống như con chó thoát khỏi sợi xích bằng sắt trói cột, thay vào đó, nó bị cột trói bằng sợi dây xích làm bằng vàng... Hai sợi dây cột trói khác nhau được thay thế, nhưng rốt cùng con chó vẫn không thể rời cây trụ đã cột mình... 

Thưa các bạn!... Giác là liều thuốc tốt để chữa trị con mắt Tập bị bệnh... 

Khi mắt Tập hết bệnh, người bệnh bây giờ phải dứt luôn thứ thuốc giác kia... Nếu không từ bỏ nó, vẫn tiếp tục uống, vẫn tiếp tục thoa, vẫn tiếp tục xức... thì nguy cơ một bệnh mới về mắt sẽ xuất hiện là điều khó tránh khỏi... 

Bệnh Tập đã hết, thuốc Giác cũng tiêu... Bây giờ người có trí không phải loay hoay đi tìm thuốc nữa, mà hãy tìm ngọn đèn và đốt ngọn đèn lên. 

Với con mắt đã hết bệnh, không còn mù lòa và ngọn đèn đủ sáng... nhất định vị này sẽ thấy biết và cảm nhận rất rõ về màu sắc. Hãy đốt đèn lên để thấy rõ màu sắc là gì... chứ không phải ngồi đó mà cố suy nghĩ màu sắc là như thế nào khi vẫn còn ở trong bóng tối... Thấy Diệt hay chứng Diệt cũng như vậy, thưa các bạn!... Như vậy, có thể hiểu: 

  • “Giác là thuốc của Tập, Ngộ là đèn của Diệt”. Thuốc Giác trừ bệnh Tập, đèn Ngộ soi rõ Diệt... Với con mắt sáng, với ngọn đèn trước mặt... người có mắt, có trí sẽ nhìn thấy màu sắc đích thực ngay trước mắt mình. 

Đó là thấy “bản lai tâm này vô sanh, bản lai tâm này bất động”. Dùng Ngộ để thấy Diệt là thấy như thế... 

Thưa các bạn!... Diệt Đế chính là sự Bất Động bản nhiên của nguồn tâm. Bất Động bản nhiên này phải được nhìn thấy bằng chính sức Ngộ, tức là một cái thấy đặc biệt nào đó của con mắt sáng chứ không phải cái thấy cái biết của cảm nhận hoặc suy luận... Việc này, kinh gọi là thân chứng, hay tự kiến... Kinh cũng nói rằng: “Dứt Tập, chứng Diệt”... chứ chưa bao giờ kinh nói “Dứt Tập, hiểu Diệt”

Hai chữ Tri Kiến, có thể được dùng trong hoàn cảnh này...

  • Tri kiến tức là cái biết của người thấy rõ, chứ không phải cái biết của nghe nói hay suy luận... Giống như tôi thấy cái ly nước trước mặt, chứ không phải tôi biết có ly nước trước mặt vì nghe ai đó nói... 

Các bạn!... Vì sao tôi lại phải đề cập đến Tập Đế và Diệt Đế nhiều như vậy? Vì bởi tính chất quan trọng của nó trong đời sống tu hành... Cái Giác rất khó quên, cái Giác luôn là chiếc nôi bảo vệche chở cho người tu hành nên rất khó từ bỏ nó... Người tu hành thường bị sức Giác làm ngại, giống như người kia bị mạt vàng ghim vào con mắt... 

Người chưa ra khỏi trói buộc của Giác, sự tình này sẽ xảy ra: Đó là tuyên nói về sợi dây, họ sẽ mô tả con rắn... Cái này kinh gọi là bệnh Tứ Cú và bệnh Bốn Tướng... Sức Giác chưa quên là như thế... 

Vì sao điều này xảy ra? Chỉ vì người này không dám rời khỏi chiếc nôi Giác. Khi bảo rằng ông hãy từ bỏ những gì đã Giác để được thảnh thơi, thì y như rằng vị tu hành lại thu mình trong chiếc nôi Giác mà lầm tưởng mình đã ra khỏi... Như con đà điểu vùi đầu trong cát để mong rằng kẻ thù không trông thấy!... Đi tìm sự an ổn như con đà điểu là một ngộ nhận rất lớn trong phật đạo... Các bạn!... 

  • Muốn thấy được Diệt Đế... muốn thấy được Bất Động Tâm... người tu hành phải làm gì? Hãy tức thì rời bỏ chính mình, rời bỏ những gì đã Giác... Hãy từ bỏ “cái ngã” và “cái thấy của ngã” đã và đang ở ngay trong bạn, nó theo bạn như bóng với hình... 

Các bạn!... Hãy buông Giác xuống, như người chiến binh rời bỏ vũ khí, khi chiến chinh đã đi qua... không được thương tiếc... Các bạn không thể là một chiến binh cầm mãi vũ khí khi trước mặt đã hết kẻ thù... 

Các bạn!... Kẻ thù Tập đã buông súng đầu hàng bởi vũ khí Giác... Như chiến tranh đã đi qua, hãy làm lại một cuộc đời mới sau chiến thắng... Đó là xây dựng những gì mà thanh bình cho phép... Căn nhà ngũ ấm đã đổ sập, căn nhà ba cõi đã không còn nữa. Nơi ẩn náu cuối cùng của quân thù đã bị phá tan…Ngay bây giờ kẻ trí hãy quay lưng với trận địa, đừng thương tiếc chiến trường, đừng nắm giữ những chiến công của quá khứ... 

Các bạn!... Chắc các bạn đã đọc kinh Duy Ma Cật rồi chứ... Vì sao những A La Hán là Thánh Đệ tử của Phật, người nào sau một lần gặp Duy Ma Cật và đối đáp, hầu hết những vị này đều công nhận những điều Duy Ma Cật nói là đúng, lời Duy Ma Cật là chân lý... Nhưng tại sao lại không dám gặp ông ta lần nữa, cho dù đến để thăm bệnh... và cho dù đó là “khẩu dụ của Thế Tôn”... 

Thưa các vị!... Không phải sự hèn yếu thể hiện trong lòng các vị Thánh, mà mọi người e sợ phải chấp nhận thực tế từ thứ chân lý mới này. Một khi chấp nhận những điều Duy Ma Cật đã nói, thì mặc nhiên từ bỏ những gì đã có... 

Họ không thể nhất thời từ bỏ chiếc nôi chân lý của Nhị Thừa đã nuôi lớn mình mà quay lưng đi nơi khác. Họ cố gìn giữ thứ chân lý đã trót cưu mang. Chấp nhận Duy Ma Cật là chấp nhận đánh đổ những yên bình có được do sự yểm ly của “một vị Thánh” mà họ đã từ bỏ tất cả mới thành tựu... 

Chấp nhận chân lý “bất nhị”, chân lý Nhị thừa “bỏ đây lấy kia...” sẽ bị đánh đổ. Đánh đổ này làm đời sống xáo trộn... Cái an lạc của Giác bị tước đoạt, các vị ấy không đành... Đây là cơ sở mà các vị Thánh thốt lên trước mặt Phật: “Bạch Thế Tôn!... Con không thể kham lãnh đến thăm vị Cư Sĩ ấy”

Các bạn!... Từ bỏ Kiến Trù Lâm là một bước rất khó, từ bỏ Kiến Hoang Vu lại càng khó và từ bỏ Giác Lâm thì vô cùng khó. 

Nhưng nếu những ai không đành lòng từ bỏ những thứ này, sẽ mãi mãi quanh quẩn trong khu rừng Tướng thức và Lưu Chú Thức... Như người anh hùng không dám từ bỏ chiếc mề đay vinh quang đang mang lủng lẳng trên cổ... Như người bệnh cùi nay đã hết cùi không dám từ bỏ hố than ngày trước... Các vị!... Không ai sống mãi với cái đã vinh danh... Nếu cứ đeo bám những gì đã có, thì một cuộc đời mới tốt đẹp hơn sẽ không thành tựu bởi bóng ma quá khứ!... 

Các bạn!... Bất Động hay Diệt Đế là một thứ tâm phải thấy bằng cái thấy... Muốn thấy bất động, phải rời cái thấy của Giác... Bất Động chính là Như... Chưa vào cảnh giới Như thì nghĩa Lai chân thật chẳng bao giờ hiện. Nếu có một sự xuất hiện nào đó các vị lầm tưởng là nghĩa Lai, thì nghĩa Lai này chẳng phải của hai chữ Như Lai... 

  • “Như như bất động”. Thưa các vị!... Đây là điểm đến nhất định các bạn phải đến, nếu muốn tiếp tục bước đi trên con đường Đạo Đế... 

********************

 Thưa các bằng hữu!... 

Đừng nhàm chán Tứ Đế, hãy đào sâu hơn nữa diệu lý tốt đẹp này, nhất định sẽ không làm bạn thất vọng. Cơ hội hiếm hoi trong cuộc đời đang chờ đón các bạn. Một khi thấu suốt nguyên lý bốn đế, và thân chứng về nó, các bạn sẽ có một đời sống an bình sau đó mới có thể làm lợi mình lợi người... 

⁎ Các bạn!... Tứ Đế chính là viên ngọc quý các bạn đang đi tìm, đừng quay lưng với nó, đừng bỏ rơi chân lý này... Các bạn hy sinh một đời, hy sinh tuổi thanh xuân và tất cả công danh sự nghiệp, như con kiến từ bỏ đĩa mật... Từ bỏ tất cả, chấp nhận đời sống tu hành để tìm kiếm thứ gì nào? Các bạn hãy tự hỏi lại chính mình, phải chăng chính đời sống khó khăn và nhiều đau khổ đã làm các bạn chán ngắt và muốn từ bỏ nó để đi tìm một chân lý nào đó ý vị hơn!... Cái các bạn đang tìm kiếm ở ngay trước mặt, đó là chân lý tối thượng Tứ Đế. 

Chân lý này chính chư Phật đã phát hiện ra, chư Phật đã tìm thấy và chân lý này là nền tảng làm nên tất cả các đạo an ổn trong Phật đạo... 

Các bạn!... Trước tôi đã nói đến Tướng thứcLưu Chú thức... bây giờ chúng ta tiếp tục mổ xẻ điều này. Vì sao phải mổ xẻ hai thứ này, thưa các bạn!... Vì hai thứ này làm ra cái gọi là điên đảo của một hữu tình... 

Tướng thức chính là tác nhân làm ra tướng đảo, và Lưu Chú thức làm ra bệnh hoang tưởng điên dại... Một hữu tình bị hai thứ này gọi là điên đảo!... 

  • Vì sao nói rằng Tướng thức cho ra một đảo tưởng? 

Thưa các vị!... Ngoại sắc tự nó thanh tịnh, tự nó không là sắc, nhưng vì hữu tình mê mờ trong cơn khát ái, như con nai khát nước, thấy sóng nắng tưởng nước... Sự đảo lộn kỳ khôi này chỉ vì con nai kia khát nước... Một hữu tình cũng như thế, khát ái trong tâm đã khởi tưởng và ngoại sắc trở thành có tướng, như con nai thấy sóng nắng lầm tưởng là nước và mải miết chạy theo đến chết, rồi cuối cùng không biết mình đã chết vì lý do gì... 

Nếu con nai biết đó là ánh nắng và dừng lại, thì thật tốt đẹp phải không các bạn!... 

  • Vì sao nói rằng Lưu Chú thức cho ra hoang tưởng điên dại? 

Thưa các vị!... Nơi bản nhiên thanh tịnh, đột nhiên bất giác khởi lên, nội sắc thành lập... Vị chúng sanh này ngồi lâu, sanh ra buồn chán, nghĩ rằng: “Ta là thế này, ta phải như thế này. Thế giới thế kia, ta phải như thế kia”.

Giống như một người điên, đang đi trong thành phố lại nghĩ tưởng rằng mình đang là vị tướng tài ba thời Trung Cổ... Các vị vẫn thường thấy một người điên, đi giữa thành phố mà tay chân múa may, miệng gào thét ba quân tiến lên... Nếu người kia không điên thì cái hiện hữu trước mắt là thành phố an lành hay chiến trường thời Trung Cổ!... 

Trong pháp giới chư Phật, trong pháp giới thanh tịnh... tuyệt nhiên hoàn toàn vắng lặng... Nhất định ở đây không có hai món điên đảo này... Vì thế kinh có nói rằng: “Như Lai là như tánh thấy kia mà thấy, như tánh biết kia mà biết...” có nghĩa mọi thấy biết điên đảo không còn hiện khởi... Một khi điên đảo chấm dứt thì pháp giới tự nó thanh tịnh... 

Mà này, thưa các bằng hữu!... Làm sao thoát khỏi hai món điên đảo này, làm sao dừng Tướng thức và đoạn tuyệt hẳn Lưu Chú thức? Các bạn!... Đây là lý do vì sao tôi lại nói nhiều đến Tứ Đế và không ngừng nhắc đến Tập Đế và Diệt Đế... 

Bây giờ chúng ta quay trở lại câu nói từ đầu: “Giác là đế của Tập và Ngộ là Đế của Diệt”. 

  • Thế nào Giác là Đế của Tập? Như tôi đã nói, thuốc Giác chữa bệnh Tập... Nếu không có Giác, không biết lấy gì để điều trị lành cái thấy đảo lộn... Chữa cái thấy đảo lộn là chữa như thế nào? Chữa cái thấy đảo lộn là chữa ngay tại chủ thể sinh ra cái đảo lộn, tức trả các căn trở về với nguyên minh của nó. Cụ thể hơn, bắt nhãn căn làm đúng chức năng của nhãn căn, chứ không phải nhãn căn làm công việc của nhãn thức... Năm căn thân cũng đồng như vậy. Nếu làm được như vậy thì trong tự điển của chúng ta vĩnh viễn không còn cụm từ “Tiền Ngũ Thức...” mà chỉ thuần túy là ngũ căn... nói văn hoa là Thành Sở Tác Trí... Tóm lại Giác chính là công cụ hữu hiệu tiêu diệt Tướng Thức... 
  • Thế nào Ngộ là Đế của Diệt? Tướng thức đã diệt, nhưng Lưu Chú thức hãy còn âm thầm chảy trong lòng các bạn. Diệt Đế chính là công cụ hữu hiệu để đoạn trừ tận gốc Lưu Chú thức. Muốn làm được điều này, chỉ có cách duy nhất là bạn hãy đốt ngọn đèn Ngộ lên để thấy rõ Bất Động Tâm... Bất Động Tâm chính là kết quả của một thứ tâm Vô Sanh Pháp... 

Vô Sanh pháp hay Bất Động tâm gọi chung là Diệt Đế... Nó giống như một hồ nước tinh khiết, không bị gió cảnh thổi, cũng không bị các chấn động địa tầng làm chao đảo... Nó hoàn toàn Bất Động và trong sạch... Nó chính là hồ nước bát công đức của các cõi Phật... Bất động tâm chính là thứ tâm không còn hệ phược bởi ý căn. 

Ý căn không mê mờ nội pháp, người ta nói văn hoa là Diệu Quan Sát Trí... Ha ha!... 

Tâm và Trí bây giờ là hai món nhưng mà... bất nhị!... Cái này còn thì cái kia còn, cái này mất thì cái kia... tiêu!... 

Điều này khiến tôi nhớ lại Lục Tổ Huệ Năng có nói mấy câu thú vị mà thâm u. Đó là: “Tâm như đất, tánh như vua. Đất còn vua ở, đất mất vua đi”. 

Bất động tâm còn, thì trí tánh vô lậu còn, bất động tâm mất thì trí tánh... đi chỗ khác chơi... nhường chỗ cho bọn ác đảo điên làm giặc... Phàm phu mất đất nên chẳng có Pháp Vương!... 

Các bạn!... Bất Động tâm hay Diệt Đế chính là ngôi nhà Như Lai... Ngôi nhà này không có gì cả, có chăng ở đó chỉ có hương vị của bốn đức Từ Bi Hỷ Xả... 

Ở trong ngôi nhà này, người có trí âm thầm quan sát và thấy rằng: Chúng sanh vô trí kia, chỉ vì khát ái tham dục... mà đành đoạn xa lìa mái ấm này, như gã cùng tử từ bỏ cha mình là ông trưởng giả đi làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày... ham vui nơi nghèo đói... 

Bấy giờ người có trí, khởi tâm từ, đành lột chiếc áo cao quý xuống, bận chiếc áo hôi nhơ đồng sự với gã cùng tử, quyết dùng phương tiện dắt nó trở về mái nhà an ổn này... Vì thế mới nói rằng: “Một khi thấu suốt nguyên lý bốn đế, và thân chứng về nó, các bạn sẽ có một đời sống an bình sau đó mới có thể làm lợi mình lợi người”

Các bạn!... Các bạn đã đọc kinh Diệu Pháp Liên Hoa rồi chứ? Nếu đã đọc, các bạn sẽ thấy phẩm Pháp Sư, Đức Phật có nói rất rõ rằng: 

“Một Pháp Sư, phải hội đủ ba yếu tố, đó là:

Vào nhà Phật, mặc áo Phật và ngồi tòa Phật”. 

Vào nhà Phật chính là vào ngôi nhà ngoài bốn thứ Từ Bi Hỷ Xả chẳng thấy thêm món gì. 

Mặc áo Phật chính là thành tựu các Ba La Mật mới đủ sức kham nhẫn mà đồng sự với gã cùng tử. 

Ngồi tòa Phật chính là chiếc tòa rỗng không, không pháp. Chỉ có chiếc tòa này mới có thể phát sinh vô lượng pháp lành... 

Tứ Diệu Đế có rất nhiều tầng nghĩa... tầng nghĩa của thế gian, tầng nghĩa xuất thế gian, tầng nghĩa Nhất thừa và tầng nghĩa của chư Phật... 

Nếu vị nào đã đọc Hoa Nghiêm kinh thì chắc rằng sẽ không ngạc nhiên điều này khi nghe ngài Văn Thù Sư Lợi tuyên nói về bốn đế... Giống như bốn biển lớn trong thiên hạ, mỗi Đại hải có một nét đặc trưng của nó... tuy rằng đồng vị mặn, nhưng rất khác nhau về độ sâu và màu sắc... Thì Tứ Đế đối với mọi người ở giai đoạn này cũng như vậy. Trong chừng mực nào đó, lúc này cái chúng ta cần khảo sát về Tứ Đế là những gì thiết thân liên quan đời sống tu hành trong hiện tại... 

Nếu có duyên lành, chúng ta sẽ khảo sát những tầng nghĩa còn lại... Tầng nghĩa xuất thế đang chờ đón các bạn... Diệt Đế trong chừng mực này là xuất thế gian... Đạo Đế trong chừng mực này là Vô Lậu Trí... 

Có xuất thế mới nhập thế... Kinh dạy: “Bồ Tát xưa ở cõi Phật Vô Động thác sanh xuống cõi này...”, câu nói này chẳng phải vô cớ... Có xuất mới có nhập, có ra khỏi pháp giới chúng sanh mới có chuyện quay trở về quê cũ… 

Đừng hoang tưởng chuyện chưa đi mà đòi trở lại... Hãy thể nhập nghĩa Như, để rành rõ căn nhà chư Phật. Một khi thông thuộc “đường đi nước bước” mới có những hiểu biết nhất định; Lai dắt chúng sanh trở lại chốn an bình...

(còn nữa) 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 2
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG