Mười Ba La Mật Vô Minh Trụ Địa

Nhìn lão Hòa Thượng ngồi chễm chệ trên ngọn cây, Lý Tứ cười một tràng dài rồi nói:
- Hòa Thượng Đại Ca!... Trông dáng vẻ của Đại Ca ngồi trên cao, Tiểu Đệ thiệt là ngưỡng mộ. Tăng tướng đúng là Phật tướng...
- Đại Ca ơi!... Tuy rằng Thế Tôn không còn hiện hữu trên cõi đời này nữa, nhưng Ngài đã để lại hình dáng của mình, để lại giáo pháp, để lại cái oai nghi khiến ba cõi phải cung kính lễ lạy, để lại tất cả những gì tốt đẹp nhất, cao quý nhất bằng chính hình tượng của Tăng Già...
- Chỉ cần một tướng này thôi, chỉ cần giữ trọn những gì cần có của một Tăng nhân, không thêm không bớt, không mong không cầu... Có nói năng tới lui chỉ vì tứ chúng, chỉ vì vạn loại hữu tình, chỉ vì giáo pháp... Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm phước điền cho người gieo trồng công đức...
Hòa Thượng Huyền Không nhẹ nhàng buông mình xuống đất như một con Đại bàng... Ung dung tự tại... Lão Hòa Thượng lên tiếng:
Lý Đệ!... Lời Lý Đệ thiệt là chí lý...
Một Tăng nhân chỉ cần như vậy, giữ cái tâm như vậy, giữ cái thế như vậy, nuôi hoài bão như vậy... Cho dù Tăng nhân này không tu Ba La Mật, các Ba La Mật cũng tự hiện... Vì Sao? Vì hai chữ xuất gia đã hàm đủ ý vị Ba La Mật rồi...
Chỉ tiếc!... Chỉ tiếc!... Lão nói hai lần chỉ tiếc rồi lão hướng mắt nhìn về xa xăm như để gởi gắm tâm sự vào cõi hư vô!...
Lý Tứ lên tiếng:
- Hòa Thượng Đại Ca!... Tiểu Đệ hiểu!... Tiểu Đệ hiểu nỗi lòng và những trăn trở của Đại Ca!... Đại Ca ơi!...
Vì thế muốn viên mãn Phật đạo phải tu Ba La Mật, chứ chẳng phải tự nhiên mà được... Chính vậy, trong kinh Thế Tôn mới dạy: “Chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tự nhiên”...
Nếu chấp vào nhân duyên thì người tu hành sẽ khó vượt qua hoàn cảnh... Còn nếu bảo rằng tự nhiên mà thành, thì Phật Đạo đâu cần xuất hiện ở đời...
- Đại ca!... Tu Ba La Mật sẽ thành tựu hai điều vô uý. Đó là tự thân vô uý và ban cho người sự vô uý... Còn trong địa vị tu hành thì lúc tu Ba La Mật, vị này sẽ dần được cái tâm không sợ hãi... Đến khi thành tựu, nhờ đạo lực này sẽ ban cho người cái thanh tịnh, cái không sợ hãi...
Hai điều này giống như chuyện kể về con bồ câu khi đậu trên tay ngài Xá Lợi Phất và khi bay qua chéo áo cà sa của Phật... Vì thế tu Ba La Mật khác với thành tựu Ba La Mật... Tu Ba La Mật có thể ví như người ngồi trong nhà, ngồi nơi an vui mà bố thí... Còn thành tựu Ba La Mật tâm giống như người đem ngôi nhà, đem sự không sợ hãi mà ban bố cho người... Hai điều này chớ có hiểu lầm...
- Đại Ca!... Trong Phật đạo có đến mười Ba La Mật.
Mười Ba La Mật chính là con đường hoàn hảo nhất để người tu hành bước đi và viên mãn đạo hạnh... Mười Ba La Mật, được chia thành hai nhóm. Nhóm đầu gồm sáu Ba La Mật và nhóm sau gồm bốn Ba La Mật...
Sáu Ba La Mật đầu gồm: Bố Thí, Trì Giới, Kham Nhẫn, Tinh Tấn, Thiền Định và Trí Ba La Mật... Thành tựu sáu Ba La Mật này là thành tựu Căn Bản Trí, còn gọi là thành tựu hai Vô Ngã... Đây là công việc của hàng Thập Trụ Bồ Tát...
Thập Trụ Bồ Tát muốn hoàn thành địa vị của mình phải thực hành sáu điều này... Nó thuộc loại giáo pháp tự cứu. Nếu dùng đây để cứu người thì kết quả sẽ rất hạn chế... Đại ca!... Tâm Ba La Mật chính là Bất Động Tâm, Trí Ba La Mật chính là Trí Giải Thoát... Giải Thoát Bất Động là mục tiêu cuối cùng của Phạm Hạnh. Có nghĩa người thành tựu sáu độ này phần tự cứu đã xong, u mê đã hết, bất giác không còn... Tu sáu Ba La Mật để giải quyết hai tướng đầu của bốn tướng đó là Nhân tướng và Ngã tướng…
Bốn Ba La Mật sau, dành cho Bồ Tát Nhất Thừa... Bồ Tát Nhất Thừa muốn viên mãn công hạnh phải viên mãn bốn điều. Đó là: Nguyện Ba La Mật, Phương Tiện Ba La Mật, Lực Ba La Mật và Huệ Ba La Mật... Tu tập bốn điều này còn gọi là học Nhất Thiết Trí... Thành tựu thêm bốn món này công năng giáo hoá vô hạn... Nhờ công hạnh giáo hoá này mà Bồ Tát mau đến Vô Thượng quả...
Có thể hiểu, tu sáu Ba La Mật đầu là phần tự độ, bốn Ba La Mật sau là học cách độ tha... Sáu Ba La Mật đầu khi thành tựu coi như xong phần Tự Giác. Thành tựu bốn Ba La Mật sau sẽ biết cách Giác Tha...
Viên mãn hai phần Tự Giác và Giác Tha gọi là Viên Giác... Chữ Viên Giác Phật tuyên nói trong kinh để chỉ sự thành tựu này...
Bốn Ba La Mật sau giúp người tu hành mất hai tướng còn lại đó là Tướng Chúng Sanh và Tướng Thọ Giả... Bồ Tát mất hai tướng này mới có thể giáo hoá không lỗi lầm...
- Hòa Thượng Đại Ca!... Mười Ba La Mật giúp người tu hành hoàn thành bốn giai đoạn của tâm. Đó là Bình Đẳng tâm, Đẳng tâm, Vô Đẳng Đẳng tâm và Vô Thượng Chánh Đẳng tâm...
- Sáu độ đầu, người tu hành sẽ thành tựu hai thứ tâm đó là Bình Đẳng tâm và Đẳng tâm...
Bình Đẳng tâm là thứ tâm còn so sánh nhưng thấy các pháp không cao hạ...
Đẳng tâm là thứ tâm bất nhị, tâm này mất đi hai pháp nên không có chữ Bình...
Bốn Ba La Mật sau giúp người tu hành thành tựu hai tâm khác đó là Vô Đẳng Đẳng tâm, viên mãn đạo quả sẽ thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng tâm...
Vô Đẳng Đẳng tâm là tâm của hàng Thiện Huệ... Vị này thấu suốt các môn giải thoát của chư Phật, có thể tuyên nói Diệu Lý và được Kim Cang Quyết Định nghĩa... Sau đó vị này ban Pháp Vũ, thổi Pháp Loa, nổi Pháp Cổ... Viên mãn công hạnh thành Đẳng Chánh Giác...
Điều kiện để có thể tu bốn độ sau là phải viên mãn Phạm Hạnh. Có nghĩa vị này thành tựu Giải Thoát Bất Động tâm, giống như những gì trong Kinh Đại Thí Dụ Lõi Cây Phật đã tuyên thuyết, hay nói khác đi đây là công việc tu hành để người Kiến Tánh.
Bốn Ba La Mật sau giúp người đã Kiến Tánh thấy được Phật Tánh... Thấy Phật Tánh giống như người thợ điêu khắc thấy bức tượng trong gốc cây...
Kinh Lõi Cây giúp người mang lõi cây từ rừng núi về nhà, về đến nhà mới dùng lõi cây này tạc thành tượng... Thành tựu bốn Ba La Mật sau sẽ giúp Bồ Tát thấy được hình dáng của một vị Phật ẩn chứa sau lớp vỏ của một chúng sanh... Vị này đẽo bỏ lớp vỏ chúng sanh che khuất phần tượng. Đẽo bỏ đến không còn một chút dư thừa, bức tượng sẽ hiện... Vì thế Phật mới tuyên nói: “Hết thảy chúng sanh đồng có đầy đủ tính chất của một Như Lai…” hay Phật nói rằng: “Chúng sanh chẳng phải là chúng sanh”. Giống như gốc cây trong rừng, ở trong rừng thì gốc cây chỉ là gốc cây, gốc cây này vào tay người thợ điêu khắc, nó sẽ trở thành bức tượng vô giá...
Tu Tập bốn Ba La Mật sau, chính là học cách đẽo gọt phần dư thừa của một gốc cây... Học cách nhìn thấy bức tượng ẩn giấu trong gốc cây... Học các công cụ cùng cách thức đẽo gọt...
Tóm lại nó giống như việc học của một nghệ nhân, muốn thành công người học phải hội đủ nhiều yếu tố, phải khéo léo và đam mê vì nó là bộ môn nghệ thuật chứ chẳng phải như học các môn lao động phổ thông... Đây cũng là cách để lý giải vì sao trong Phật sử, rất ít người thành tựu môn học này... Sự truyền thừa của nó đòi hỏi rất khắt khe...
- Hòa Thượng Đại Ca!... Tóm lại mười Ba La Mật giúp người tu hành viên mãn Trí và Huệ... Trí giống như cái đèn, Huệ giống như ánh sáng... Sáu Ba La Mật đầu như tìm kiếm cái đèn, bốn Ba La Mật sau giống như học cách thắp sáng... Có đèn mới có thể thắp sáng... Đèn được coi như là thể, ánh sáng như là dụng... Có đèn có ánh sáng nhất định mọi tối tăm không còn... Công dụng của cái đèn là thắp sáng chính mình và soi sáng chung quanh... Tự Giác và Giác Tha là nghĩa này vậy... Xin Đại Ca hiểu cho...
Hòa Thượng Huyền Không nghe Lý Tứ thuyết giáo một hồi về các Ba La Mật, lão trầm ngâm, gật gật cái đầu rồi nói:
Thiệt là diệu lý!... Thiệt là diệu lý!... Hôm nay lão nạp nghe được những lời này của Lý Đệ, hơn cả một đời tu tập của mình!... Lý Đệ quả nhiên xứng đáng với hai câu:
“Lý!... Viên dung Diệu Pháp
Tứ!... Thâm đạt Tâm Tông.”
Rồi lão Hòa Thượng cười sảng khoái!... Ha Ha Ha Ha!... Lão lại nói:
Cõi đời này còn có một con người như Lý Đệ hay sao? Ha ha ha ha!...
Lý Tứ hướng về phía lão Hòa Thượng, hai tay chắp vào nhau xá xá, miệng mỉm cười rồi nói:
- Đại Ca!... Đại Ca đừng có khen tặng Tiểu Đệ quá mức, biết đâu cái ngã của Tiểu Đệ nó lại lòi ra... Ha ha ha ha!...
Hòa Thượng Huyền Không tiếp lời:
- Lý Đệ!... Nếu có ai đó đủ phước đức thấy được cái ngã của Lý Tứ, thì người này từ đó về sau thôi hết u mê... Ha ha ha ha!...
Lý Tứ lại nói:
- Hòa Thượng Đại Ca!... Vô Minh Trụ Địa có hai phần, phần đầu là Nhuận Chi Vô Minh, phần sau là Căn Bản Vô Minh...
Về nguyên tắc mà nói, vị tu hành nào thành tựu sáu Ba La Mật đầu coi như đã giải quyết xong Nhuận Chi Vô Minh...
Nhuận Chi Vô Minh là thứ vô minh cành lá, thứ này duyên theo thấy nghe hay biết và nghĩ suy mà hiện. Vì thế thành tựu hai Vô Ngã, hay nói khác đi, thành tựu phần Căn Bản Trí sẽ cơ bản giải quyết được cái vụ này...
Muốn hết cái vụ này, không có con đường nào khác hơn là tu sáu Ba La Mật. Thành tựu cái này gọi là thành tựu Xuất Thế Gian Ba La Mật.
Vì sao như vậy? Vì rằng Đại Ca ơi!... Ba thừa tuy hết phiền não, tuy tạm thời dứt trói buộc do sức Giác... nhưng trong đời, có những điều bất như ý khó thể vượt qua... Mặc dù trong tâm không thấy phiền não thô trọng, nhưng một chút tập khí thừa sót hãy còn sẽ làm nặng nề tâm trí...
Ví Dụ như Ngài Xá Lợi Phất bị Thế Tôn quở trách về chuyện “biệt thỉnh”... Sau khi nghe quở trách, Ngài Xá Lợi Phất biết lỗi của mình, tâm chẳng muộn phiền gì... Nhưng vì tập khí hãy còn nên đã móc họng cho thức ăn nôn ra...!...
Hành động này của Ngài Xá Lợi Phất tuy không phải là thứ phiền não thô trọng, nhưng nó cũng làm nặng nề tự thân...
- Vì thế Hòa Thượng Đại Ca!... Tu sáu Ba La Mật chính là cách để người tu hành giải quyết cái nặng nề còn thừa sót lại sau khi đã chứng Thánh... Vì thế Tiểu Đệ mới nói: “Muốn hết cái vụ này, không có con đường nào khác hơn là tu sáu Ba La Mật để thành tựu Xuất Thế Gian Ba La Mật”.
Có thể hiểu, sức Giác chỉ đủ để dứt Tập, nhưng chưa thể chứng Diệt. Vì thế tuy tâm đã thanh tịnh nhưng hãy còn tập khí lâu đời. Chính cái tập khí nặng nề này nên có Thế Gian Ba La Mật... Ha ha ha ha!... Các vị Thánh nếu không tu sáu Ba La Mật đến viên mãn, thì nó chỉ hơn thế gian chút đỉnh... Vì vậy mới gọi là Thế Gian Ba La Mật...
Tóm lại: Tu sáu Ba La Mật là hành động cụ thể, biến Thế Gian Ba La Mật thành Xuất Thế Gian Ba La Mật... Đây là phương cách tốt nhất để làm sạch Phiền Não Trụ Địa, và cũng là cách để thành tựu Căn Bản Trí... Sạch Phiền Não Trụ Địa, thành tựu Căn Bản Trí chính là ngọn đuốc soi sáng tối tăm gọi là chấm dứt Nhuận Chi Vô Minh... Ha ha ha ha!...
Tuy có ngọn đuốc soi sáng, hết tối tăm vô minh... nhưng đâu bằng người sáng mắt, lại ở ngoài ánh sáng phải không Đại Ca... Giống như chúng ta ở trong hang Tự Tánh này, tuy rằng có sáng, tuy rằng không tối tăm... nhưng cái thấy đâu có thể sánh cùng con chim ngoài kia đang bay liệng giữa bầu trời xanh... Ha ha ha ha!... Đại Ca ơi là Đại Ca!...
Hòa Thượng Huyền Không gật gật cái đầu tỏ vẻ thích thú, lão nói:
Lý Đệ!... Quả như vậy!... Quả như vậy!... Đây là điều mà mấy hôm nay lão nạp này thấy có chút chướng ngại trong lòng... Trụ nơi vô vi, tuy không có chút muộn phiền nhưng nhìn đâu cũng thấy vô vi... Ha ha ha ha!...
Cái hang vô vi che khuất thiệt tướng. Cái hang Tự Tánh dù có trong lành cũng chỉ là... cái hang... Ha ha ha ha!...
Lý Đệ!... Lý Đệ lại mồi thêm cho lão nạp này ngọn đuốc thứ hai... Phải rồi!... Phải rồi... Bốn Ba La Mật sau mới hiện đủ tính chất của hồ Tự Tánh... Hèn gì!... Hèn gì lão nhớ có một đoạn kinh nào đó Phật dạy... “Bốn Ba La Mật sau chính là thành tựu Tứ Vô Lượng Tâm”…
Lý Tứ nói:
- Hòa Thượng Đại Ca!... Bốn Ba La Mật sau chính là con đường viên mãn Phật Trí. Thành tựu bốn thứ này chính là thành tựu Vô Thượng Trí... Chỉ có Vô Thượng Trí mới dứt Căn Bổn Vô Minh... Cái khó của kẻ tu hành là: Muốn học được môn này, điều kiện đầu tiên, phải thành tựu phạm hạnh, tức thành tựu Căn Bản Trí hay nói nôm na là thành tựu hai Vô Ngã...
Kẻ nào còn một chút ngã, cho dù nhỏ như đầu cọng lông, cũng sẽ vô phương học mấy món này... Vì thế Đại Ca ơi!... Xưa nay chẳng có mấy người lãnh hội được Phật Tâm Tông!...
- Đại Ca!... Cái vụ này còn một cửa ải mà tự thân người tu hành khó làm chủ được, đó là Duyên Hóa Độ... Nó là kết quả thành tựu của Nguyện Ba La Mật... Cái duyên này phải gieo nhiều đời...
Người tu hành muốn có nó phải “cà rị cà mọ” lượm từng hột thóc công đức, phải cần cù nhặt từng giọt phước thế gian... Giống như chuyện Thế Tôn xỏ kim cho Ngài A Na Luật...
Nguyện Ba La Mật là tích tụ công hạnh nhiều đời, gom nhóm nhiều kiếp... chứ chẳng phải một sớm một chiều... Trong kinh cũng có đề cập đến chuyện một vị Phật, công hạnh của ngài chỉ đưa người đi quy y...
- Hòa Thượng Đại Ca!... Biển lớn là tích tụ của nhiều giọt nước nhỏ... Ha ha ha ha!... Dân gian có câu nói: “Tích thiểu thành đa”...
Ngày xưa, Thế Tôn là con nhạn đầu đàn, con nhạn này đã kéo cả bầy hướng thiện... Đến khi viên mãn con nhạn đầu bầy là Đẳng Chánh Giác... Ha ha ha ha!...
Cái “cà rị cà mọ” của Thế Tôn ngày xưa, chẳng phải là bài học lớn cho chúng ta hôm nay hay sao... Ngài Huệ Năng cũng có nói một câu thiệt là chí tình: “Đừng khinh người mới học”.
Ha ha ha ha!... Ngu đến mấy, ra công học miết sẽ có lúc thành... Nghèo đến mấy, chí thú làm ăn, cần cù tích góp... nhất định có ngày giàu sang... Phật đạo chỉ có Tự mà không Tha... Xin Đại ca hiểu cho...!...
- Đại Ca!... Còn cái Lực Ba La Mật thì tu thế nào đây? Đại Ca!... Giống như người luyện võ công... Ha ha ha ha!... Ngày ngày đấm đá cái bao cát treo trên cành cây... mà tay chân lại mạnh hơn người... Đại ca một thân võ công, nhưng chẳng va chạm trên đời... Không đặt chân vào chốn giang hồ thì... thì... thì... Ha ha ha ha!... Chẳng thể bì được bọn giang hồ lăn lóc... Vì thế!... Lực Ba La Mật chỉ thành tựu cho người dấn thân.
Có dấn thân, có chịu vài chục vết thương trên người. Sau đó với kinh nghiệm này, khi thi triển võ công, nội lực mới phát huy tự tại... Nội lực mới theo chiêu thức mà cương nhu điều độ...
Ha ha ha ha!... Nội lực của Đại Ca, bao năm này chỉ dùng nó để... gõ mõ đánh chuông... Than ôi!... Chuông mõ vẫn còn nguyên, chỉ tội cho cái dùi... nó mòn... Nó mòn... cái... cái... dùi gỗ. Ha ha ha ha!...
Còn Phương Tiện Ba La Mật thì tu thế nào?
- Ngày xưa Thiện Tài Đồng Tử học như thế nào thì ngày nay người tu hành muốn thành tựu phải học như thế đó... Kinh Đại Bát Nhã có kể chuyện Tát Đà Ba Luân đi cầu Bát Nhã Thánh Trí... Vị này phải bán thân cúng dường bậc Đại Thánh là Đàm Vô Kiệt... Hỡi ơi!... Chưa bán nổi cái thân này vì giáo pháp thì lấy gì mua nổi Trí Tuệ Vô Tướng... Ha ha ha ha!...
Ngày xưa Thế Tôn còn là Bồ Tát muốn học Đại Thừa, bèn đăng bảng quảng cáo tìm gia sư... Ai dè bất nhơn gặp lão Gia Sư bắt mình quét nhà xách nước... Thế mà!... Thế mà!... Bồ Tát lại học được pháp Đại Thừa từ Tiên Nhân Đề Bà Đạt Đa... Những mẩu chuyện trên, há chẳng phải là bài học cho người tu hành đời nay hay sao? Muốn cầu Nhất Thiết Trí, thì đừng có... “làm tài khôn”... Ha ha ha ha!...
- Đại Ca ơi!... Cái câu của Ngũ Tổ nói với Huệ Năng Đại ý: “Người thiệt quá tài, muốn học làm Phật hả? Thôi xuống nhà trù mà giã gạo đi con”…
Cái câu này thiệt là tối thượng. Nó tối thượng với Huệ Năng, nhưng lại làm bất mãn cho kẻ hậu học khi lỡ rót vào tai... Cái khác!... Cái khác của một Huệ Năng và vô số người tu hành là ở chỗ đó, là ở chỗ đó... Ha ha ha ha!... Đại thắng căn là như thế!... Là như thế!...
- Hòa Thượng Đại Ca ơi!... Đại Ca!... Tôi bỗng nhớ tới một điều, thiệt may mắn cho Huệ Năng là, trước đó Huệ Năng đã bỏ cái ngã do nghe được một đoạn kinh Kim Cang. Vả lại, lão ta xuất thân từ nghề đốn củi... Nếu chẳng may, Huệ Năng chưa có chút Ngộ, lại xuất thân là hàng vọng tộc vương gia... thì có lẽ... có lẽ... Hoằng Nhẫn phải làm thêm mấy cái răng giả. Đây là cái giá phải trả cho thiệt hại vì phát ngôn trên trời của mình... Ha ha ha ha!...
Ngày xưa hình như Đạt Ma Lão Tổ Tông cũng xài răng giả... Ghét cái thói bất nhơn, hở chút bẻ răng... nên bắt Thần Quang ngồi trước chùa ngâm mình trong tuyết ba bốn ngày đêm cho vui... Cũng may!... Cũng may!... Thần Quang chặt cánh tay để bồi thường mấy cái răng giả của Lão Tổ Tông nên mới có danh Huệ Khả... Trời ơi!... Chặt cánh tay đau thấu trời xanh mà lại còn bị chê là: “Khả dĩ có chút trí Huệ”... Nghĩ có tức không Hòa Thượng Đại Ca!...
Hòa Thượng Huyền Không nhắm nghiền hai mắt nghe Lý Tứ thao thao bất tuyệt về cái vụ học Phương Tiện... Lão mở choàng đôi mắt nói lớn:
Lý Đệ!... Những lời tưởng chừng như là đả kích của Lý Đệ, nhưng nó lại là cam lồ cho lão nạp này... Đúng rồi Lý Đệ!... Phật Gia có quyền có thiệt... như người mẹ và đứa con... Nói có Ông Kẹ hay không có Ông Kẹ cũng chỉ vì thương con... Quyền hay thiệt cũng chỉ vì người... Như lương y trị nội thương... có mổ ra hay may lại cũng chỉ vì người bệnh... Không nên ở đó mà trách người lương y kia dư hơi hay khùng điên, mà nay làm chuyện bất nhơn, mổ thân ta ra rồi may thân ta lại... Cũng như khi đứa trẻ lớn khôn, không thể trách người mẹ của mình sao lúc nói có Ông Kẹ, lúc nói là không!...
Chỉ trách là trách người thiếu trí, nghe nói có Ông Kẹ rồi đêm đêm ngồi canh, thử xem Ông Kẹ mặt mũi làm sao, có vợ với mấy đứa con. Ngày cưới Bà Kẹ, Ông kẹ rước dâu bằng dàn xế khủng Brabus Bu llit 800 Coupe, Man sory Lamborghini A ven tador LP700- 4, RUF C TR3C lu bsport, A C Schnitzer A CS5 Sport... hay bằng... xe lôi đạp...
Ha ha ha ha!... Lý Đệ ơi!... Cái hài hước của Lý Đệ nay đã lây qua lão nạp rồi!... Ha ha ha ha!...
Hài hước mà thắm màu đạo vị... Ha ha ha ha!...
Lý Tứ nhìn lão Hòa Thượng bằng cái nhìn trìu mến. Chắp tay xá xá coi bộ cung kính rồi lại nói:
Còn nữa Đại Ca!... Huệ Ba La Mật là cái gì? Thưa Lão Ca Ca!...
Huệ Ba La Mật chính là sự phát tiết nhiệm màu của chín thứ Ba La Mật đã thành tựu trước đó... Nó là tinh hoa của Phật Môn... Giống như Như Lai Kim Cang Thần Lực là tinh hoa của võ học thiên hạ... Thần lực này có sức chiến thắng tất cả thần lực...
Huệ lực này một khi toả sáng, nó sáng cả bầu trời, nó sáng khắp thiên hạ... Dưới đến địa ngục A Tỳ, trên đến trời Hữu Đảnh. Chúng sanh nào tiếp được Huệ này, kẻ mù sẽ thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ câm biết nói... Cái này, cái này!... Thế Tôn đã nói như vậy mà!... Lão Đại Ca... Thôi thì mình chỉ biết... tin vậy... Ha ha ha ha!...
Lão Hòa Thượng lên tiếng:
Lý Đệ!... Lý Đệ!... Cái vụ này nhất định phải tin thôi... Ha ha ha ha!... Ai đủ sức tin cái vụ này, thì người đó mới được lão nạp này coi là kẻ có trí... Ha ha ha ha!... Mô Phật!... Mô Phật!...
“Huyền Môn Vong Duyên,
Không Môn Thất Ý,
Ngữ Môn Dĩ Quyền,
Phật Môn Dĩ Thiệt.”
Mô Phật!... Mô Phật!...
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






