Ngọn Kiến Tính Hang Tự Tánh Hồ Tự Tâm Kim Cang Chỉ Lực

Ngọn Kiến Tính sừng sững trước mặt, cửa hang Tự Tánh cao hơn chân núi chừng mười trượng...
Để đặt chân đến miệng hang động, phải là người có nền tảng võ công thượng thừa, khinh công bậc thầy và đặc biệt phải sở hữu một nguồn tâm vững chắc...
Chính ba điều cần có để tiếp cận ngọn Kiến Tính không dễ gì hội tụ trong một con người. Vì thế xưa nay không mấy ai hoàn thành ước nguyện khám phá thách thức của ngọn núi đầy kỳ bí này...
Để vượt qua Đại ngàn với bao nhiêu khó khăn, nếu là người không có một nền tảng võ công vững chắc, thì không dễ gì trèo non lặn suối hơn hai tháng trời với bao nhiêu hiểm nguy rình rập từng phút từng giây, cả ngày lẫn đêm trong vô vàn rừng rậm trùng trùng điệp điệp. Những vách đá cheo leo bề mặt phủ đầy rong rêu trơn như dầu mỡ. Hết vách đá này đến vách đá khác, hết độc thú này đến độc thú khác, chúng như kẻ đói lâu năm đang chực chờ con mồi hiện diện là cả bầy bâu vào cắn xé thưởng thức... Còn nơi nào tạm coi là bằng phẳng thì phía dưới lớp thực bì kia ẩn chứa những gì đố ai biết được. Thành ra nơi tạm coi là bằng phẳng lại hiểm họa đang ở dưới chân.
Để tránh hiểm họa dưới chân, người lữ hành phải chọn những ngọn cây cao nối tiếp nhau làm con đường tiến về phía trước. Du hành trên những ngọn cây giống như người đang phá trận “Mai Hoa Thung...” Cứ như thế, ngày không được nghỉ, đêm không được ngủ... Người nào may mắn đến được ngọn tùng già cách bờ hồ Tự Tâm hơn một buổi đường là kẻ đó coi như vượt qua cửa ải hiểm nguy của chặng thứ nhất... Chính chặng đường thứ nhất này đã chôn vùi không biết bao nhiêu lá gan của cao thủ giang hồ xưa nay...
Hồi sáng trong lúc chờ đợi Hòa Thượng Huyền Không trên ngọn tùng già, Lý Tứ mới có dịp quan sát hồ Tự Tâm... Cái bí ẩn chết người thứ hai nằm ở hồ này...
Hồ Tự Tâm ba phần được bao bọc bởi núi non, bờ hồ là vách núi dựng đứng... Chỉ duy nhất khoảng đất trống chừng một trượng vuông lưng chừng vách núi trước hang tự Tánh là nơi chốn đặt chân an toàn cho người vượt hồ. Chỉ cần một định hướng sai, đáp xuống không đúng vị trí, người này coi như vĩnh viễn nằm lại dưới hồ...
Đứng ở bờ hồ ban đêm, mặt hồ là một khối đen bất tận, không biết đâu là hồ, chẳng biết đâu là núi và đâu là bờ này, đâu là bờ kia...
Những đêm trời có trăng thì mặt hồ trở thành lớp sương bạc nhìn không quá một tầm... Chỉ có ban ngày, thời gian đứng trưa là cơ hội tốt nhất để khách vượt qua hồ... Nếu dùng khinh công thượng thừa để vượt qua hồ, thì khinh công của người đó chỉ thua chim Đại bàng ở nghiệp quả bay liệng... Vượt đến lưng chừng hồ mà nội lực tích tụ giảm sút một phần, coi như lòng hồ là bãi đáp cuối cùng... vì không đủ khí lực để tiếp tục hành trình trên không...
Ba mặt của hồ được bao bọc bởi các ngọn núi. Mặt hồ trong vắt, hình dáng dãy núi hiện rõ dưới đáy hồ. Cái rộng lớn của núi thật và cái bao la của sự phản chiếu giả tạo lại là hiểm họa thứ ba. Người vượt hồ, chỉ cần nhìn xuống mặt hồ mà không có một cái tâm như kim cang, không sở hữu một định lực kiên cố, thì những ngọn núi hư hư thực thực dưới đáy hồ kia sẽ làm người đó mất phương hướng tức thì, cái chân và cái giả lẫn lộn...
Sức trong suốt của nước hồ và hình ảnh phản chiếu là mối hiểm họa khôn lường, cảnh núi trời phản chiếu làm bốn phương chao đảo. Khi tâm thức chao đảo, người đó nhất định nhận giả làm chân!... Đã nhận giả làm chân thì cho dù có sở hữu một thân võ công đầy trời cũng phải một phen chấp nhận làm công dân bất đắc dĩ của đáy hồ... Vì lầm tưởng ngọn núi hư ảo dưới đáy hồ là nơi cần đến...
Do tính chất trong suốt của nước hồ Tự Tâm và những gì phản chiếu ở đó, khi nhìn xuống mặt hồ cái thấy bị chao đảo. Một khi cái thấy chao đảo rồi thì mất phương hướng là chuyện đương nhiên... Giả chân, thật hư lẫn lộn thì người tỉnh và người say đối với hồ này đồng là bằng hữu...
Định lực là chìa khóa để vượt qua hồ Tự Tâm. Có vượt qua hồ Tự Tâm mới đặt chân lên ngọn Kiến Tính. Có đến Kiến Tính mới vào hang Tự Tánh... Điều này trở thành quy luật bất di bất dịch cho những ai muốn đến nơi đây... Suy nghĩ đến hiểm họa do sức phản chiếu của hồ Tự Tâm, Lý Tứ chợt liên tưởng đến người tu hành...
Người tu hành muốn thấy được tự tánh chẳng khác người vượt hồ.
- Đầu tiên phải biết rõ hư dối của thấy nghe. Nhân biết rõ hư dối của thấy nghe, người này không bị trần cảnh làm chao đảo. Dứt chao đảo của trần cảnh mới biết rằng chân giả thật hư chỉ gạt người ngu. Vì rằng chân giả hay thật hư chỉ là hai mặt của một vấn đề...
- Không lầm chân không lầm giả, lìa mê lìa giác là con đường duy nhất để vào bất động.
- Tâm có bất động tánh Giác mới hiện. Thấy được Tánh Giác là đầu mối để nhận ra cái bản nhiên gọi là Tự Tánh, vì rằng Tánh giác là công cụ duy nhất để nhận ra tự tánh.
- Một khi thấy được Tự Tánh thì đây mới là hang ổ của thiền định Ba La Mật mà sức hộ trì không thể nghĩ bàn của nó là cơ sở tốt nhất dưỡng nuôi trí huệ tối thượng...
Vì thế, ngay bước đầu tiên, người tu hành đối với cái chao đảo của thấy nghe mà không thấu suốt bị nó dối gạt, thì hồ Tự Tâm tuy hiền lành nhưng lại là nơi nhấn chìm những ai còn điên đảo mà muốn vượt hồ...
Lão Hòa Thượng cất giọng phá tan những miên man trong lòng Lý Tứ... Lão nói:
Võ học và Phật học của Lý Đệ quả nhiên bất phàm. Lão nạp vừa đặt chân đến cửa hang là đã thấy Lý Đệ ở đó rồi... Hai ngày trước, lần đầu tiên lão nạp đặt chân đến đây, phải khó khăn lắm mới đến được nơi này... Lý Đệ thấy đó, miệng hang là một mảng đá hoa cương phẳng lỳ... Cái này nhất định không phải của tự nhiên mà đã có bàn tay con người can thiệp... Tự nhiên không thể có một phiến đá nhẵn bóng như thế... Lý Đệ nhìn xem, dấu vết của người xưa còn lưu lại trên mặt đá bên trái. Nhìn độ sâu của dấu vết, phải biết chỉ lực của vị này không tầm thường. Vận chỉ lực để vẽ trên đá có độ sâu như thế phải là người thành tựu “Kim Cang Chỉ Lực”. Thần công này trong giang hồ xưa nay chỉ có Tổ Sư một vài môn phái luyện thành...
Lão Hòa Thượng nói đến đây, Lý Tứ mới nhìn vào nét vẽ. Nét vẽ sắc sảo trên đá giống như người ta khắc vào tấm gỗ. Hình vẽ là con chim Đại bàng trong tư thế tiếp đất. Bên dưới chỉ vỏn vẹn hai chữ “Thập Nhất”… Nhìn hình vẽ và nét chữ, Lý Tứ trầm ngâm một hồi rồi nói:
- Hòa Thượng Đại Ca!... Đại Ca có thấy người này vẽ và viết chỉ toàn là những nét đơn giản. Con Đại bàng đơn sơ và hai chữ thập nhất cũng không khó... Theo suy nghĩ của đệ, cao nhân này võ công cao thâm, lại thích dùng hình ảnh ẩn dụ để cho người ta suy gẫm... Người này mượn hình vẽ đơn giản con Đại bàng nói lên thân phận của mình...
Hòa Thượng Đại Ca kiến văn rộng rãi có từng nghe qua trên đời dị nhân nào như thế không? Lão Hòa Thượng trầm ngâm và lắc đầu... Một hồi lão lại lên tiếng:
Lý Đệ đọc bốn câu kệ ở dưới. Người viết bốn câu kệ phía dưới võ công không thua người trên, Phật lý nhất định cao thâm. Bốn câu:
“Tự Tâm hồ vô hữu,
Kiến tính sơn bất không,
Tự Tánh động vô động,
Trí huệ tự viên thông.”
Dưới bốn câu kệ không ghi tên người khắc...
Hai ngày nay, lão nạp nghĩ đến hai vị cao nhân đã đến đây, lưu lại bút tích không phải hạng tầm thường... Hai ngày qua, lão nạp chỉ ngồi trước hang để chờ Lý Đệ, chưa dám bước vào bên trong. Lão làm như vậy, một phần để tỏ lòng cung kính tiền nhân, một phần muốn cùng Lý Đệ khám phá những bí ẩn của động này.
Nơi đây, lão nạp không dám nói là linh thiêng nhưng cũng chẳng phải nơi chốn dành cho hạng người hấp tấp. Bởi lẽ chỉ ỷ vào võ công mà không từng tu tập thiền định thì đã ở dưới lòng hồ rồi. Cho nên theo lão, người đến được hang này xứng đáng cho người đời cung kính lễ lạy...
Những lời lão Hòa Thượng nói ra giống suy nghĩ của Lý Tứ... Lý Tứ lên tiếng:
- Hòa Thượng Đại Ca!... Đã thế, người xưa đến đây lưu lại bút tích trước động. Theo Tiểu Đệ suy nghĩ, thì nay Đại Ca và Tiểu Đệ cũng làm như vậy!... Đại Ca và Tiểu Đệ mỗi người để lại bút tích của mình coi như vâng mệnh người xưa và là lễ vật ra mắt tiền nhân vậy...
Nghe câu này, lão Hòa Thượng đột nhiên cười lớn rồi nói:
Ý kiến của Lý Đệ quả nhiên hợp với lão nạp này. Lấy lễ làm đầu là cái đạo của người học Phật... Nói đến đây lão Hòa Thượng tung mình về bên phải động, đưa tay khắc vào phiến đá hoa cương.
Chỉ lực của lão Hòa Thượng đến đâu tiếng rào rào phát ra đến đó và bột đá chảy theo từng nét khắc... Chưa đầy tuần trà lão Hòa Thượng đã khắc xong mấy chữ:
“Huyền môn vong duyên,
Không môn thất ý”.
Chỉ lực ấn sâu vào vách đá chừng một đốt tay... Viết xong lão Hòa Thượng ngắm nghía một hồi tác phẩm của mình, nhìn Lý Tứ rồi nói:
Lý Đệ làm công việc của mình đi chớ!...
Lý Tứ chậm rãi bước đến phiến đá, đưa ngón tay trỏ lên, viết liền hai câu thơ:
“Lý nan nhân khả đối,
Tứ bất kiến thị phi.”
Nét chữ của Lý Tứ nhợt nhạt trên phiến hoa cương giống như người ta dùng nhánh cây viết trên nền gạch... Viết xong cả hai cùng sánh vai bước vào trong động...
Hang động không lớn lắm, từ cửa hang bước vào bề rộng chỉ đủ hai người cùng đi. Đường vào động tương đối bằng phẳng. Càng vào sâu trong động, ánh sáng yếu dần. Nhờ vào nhãn lực của hai cao thủ nên tuy tối nhưng những gì chung quanh cả hai đồng thấy tỏ một... Đi được một lúc, đường trong động dần dần lên cao. Cả hai cứ theo hang động mà đi, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng tư không nói với nhau lời nào... Càng lên cao, hang càng hẹp lại. Một lúc sau trong động chỉ vừa cho một người đi... Bây giờ lão Hòa Thượng mới lên tiếng:
Để Lão nạp đi trước, Lý Đệ theo sau... Biết đâu trong này có hiểm nguy!... Lý Tứ trả lời:
- Đại Ca thân phận Sa Môn, không thể mạo hiểm, để Tiểu Đệ lãnh phần tiên phuông... Vừa nói dứt, Lý Tứ lách mình qua mặt lão Hòa Thượng...
Càng vào sâu, hang động âm u. Cái lạnh lẽo của đá tỏa ra, cái ươn ướt của rêu phong lâu ngày bốc lên mùi nấm mốc... Lý Tứ quay lại nói:
- Đại Ca đang cảm nhận điều gì?
Lão Hòa Thượng đáp lại: Trong lòng lão chỉ thắc mắc một điều!...
- Hòa Thượng Đại Ca thắc mắc điều gì?
Vào trong lão nạp sẽ nói cho Lý Đệ nghe... Chỉ vỏn vẹn mấy câu đối đáp, hai người lại âm thầm tiến bước...
---•••⁕ ⁕⁕ ⁕•••---
Hai người, một trước một sau lặng lẽ bước đi... Bây giờ, hang động hoàn toàn tối mịt, “ngửa bàn tay không thấy”... Lão Hòa Thượng lấy bùi nhùi và đá lửa trong bọc ra đánh lửa. Ánh lửa đầu tiên lóe lên xua tan cái u ám của hang động... Phía trước mặt hai người, hang động đột nhiên rẽ về bên phải. Dưới chân không còn bằng phẳng như bên ngoài. Thay vào đó nhấp nhô những gân đá chạy dọc theo chiều dài của hang, giống như những con rắn khổng lồ đang trườn mình đi tới...
Đường đi đã như vậy, ánh sáng của túi bùi nhùi chập chờn, bóng tối và ánh sáng đang cưỡng đoạt lấy nhau tranh giành chiến thắng... Khi ánh lửa từ bùi nhùi trên tay Hòa Thượng lóe lên, những con rắn đá lại ngoe nguẩy uốn mình. Ánh lửa bùi nhùi chìm xuống, các con rắn đá kia lại mất hút trong chập chờn u tối...
Cả hai cố dò dẫm từng bước, bởi lẽ chỉ cần một chút phân tâm bất cẩn, tức thì vấp phải những con rắn đá san sát nhau va đầu vào vách hang là chuyện khó tránh. Nếu không như thế sẽ bị trượt chân ngã xuống đưa đến chấn thương và hoàn toàn có thể rơi vào tình cảnh “tấn thối lưỡng nan” khó bề ứng cứu...
Hai người tập trung cao độ lần lần từng bước một... Đường đi của hang động ngày một hẹp dần, thậm chí có nơi phải khom mình xuống mới có thể di chuyển... Địa hình địa vật như thế này, cho dù là hai cao thủ cũng đành phải chịu thua, không còn cơ hội thi triển võ công... Hoàn cảnh này, thật hợp với câu nói “không có đất dụng võ”, theo đúng nghĩa đen của nó...
Đi được chừng ba tuần trà, ánh lửa từ gói bùi nhùi vụt tắt. Lão Hòa Thượng lại lấy đá đánh lửa. Cho dù cố hết sức, nhưng ngọn lửa không thể bùng lên... Không khí trong hang bắt đầu ngột ngạt khó thở... Cứ mỗi giây qua đi, cái khó thở gia tăng. Cứ như thế cả hai cảm nhận có gì đó nặng nề giống như tảng đá lớn ép vào lồng ngực, sức ép mỗi lúc một gia tăng... Lão Hòa Thượng nói nhỏ chỉ đủ cho Lý Tứ nghe:
Lý Đệ!... Nơi đây không có dưỡng khí, đã quá xa miệng hang... Theo kinh nghiệm của lão nạp, những nơi như vầy rất nhiều độc khí. Độc khí có thể giết chết người trong chốc lát... Lý Đệ mau mau bế khí để tránh hơi độc đột nhập vào cơ thể, và để dành dưỡng khí cho đoạn đường sắp đến... Nói chưa dứt lời, lão Hòa Thượng rùng mình thấp gối để tránh cái chao đảo do thất thoát nguyên khí khi phát ngôn... Như lấy lại chút nguyên khí, lão Hòa Thượng và Lý Tứ lần tay vào vách đá để cố tiến về phía trước...
Trong trường hợp sanh ít tử nhiều như thế này, dù là người có lá gan bằng trời, nhất định cũng phải thối lui không dám đi tiếp. Thối lui để bảo toàn tánh mạng, vì chẳng ai dám mạo hiểm khi không biết phía trước là gì và còn bao lâu nữa mới đến được nơi chưa từng biết, cho dù trong tưởng tượng... Một điều lạ, là hoàn cảnh này, cả lão Hòa Thượng và Lý Tứ không ai nói với ai lời nào, nhưng trong họ không có một chút ý nghĩ quay lại... Cả hai cứ như thế mệt nhọc và lầm lũi bước tới...
Thời gian trải qua chừng nửa canh giờ, trong lúc lần theo vách hang, Lý Tứ chạm tay vào vách đá trước mặt đang án ngữ lối đi... Trong bóng tối như mực, trong cái khó thở như bị đá đè... một luồng gió nhẹ thoang thoảng thổi mát đôi chân...
Theo phản xạ tự nhiên của cơ thể, Lý Tứ hít một hơi thật dài. Dưỡng khí như ồ ạt, tranh thủ nhau ùa vào hai lá phổi đang lép xẹp của mình...
Nhận được luồng dưỡng khí, Lý Tứ như tăng thêm sức mạnh. Lý Tứ đưa tay về phía sau, nắm lấy lão Hòa Thượng, còn mình thì ép sát vách, tận lực kéo lão Hòa Thượng ngang chỗ đứng của mình rồi nói lớn:
- Đại Ca!... Ở đây đã có dưỡng khí, Đại Ca mau hít vào...
Lão Hòa Thượng hình như cũng cảm nhận được luồng sinh khí bất chợt chạm vào thân, lão vận khí hít một hơi thật mạnh... Cả hai không nói lời nào mà cùng nhau cười thật lớn. Tiếng cười của hai Đại cao thủ vang rền trong hang động... Lần đầu tiên, cả hai người cùng cười sảng khoái, họ cười như chưa từng được cười!...
Lý Tứ như một con thằn lằn, trườn mình sát đất cố chui qua đoạn hang động bất chợt rẽ trái chỉ vừa thân người nằm dài. Gió từ bên kia nhè nhẹ thổi mát mái đầu... Đoạn đường ngắn chừng độ ba thân người nối lại. Cái hang bé tí tẹo tỏa sáng... Phía trước mặt là một khu đất rộng, ước chừng đến cả ngàn trượng vuông nằm lọt thỏm giữa những vách đá dựng đứng. Phía trên xa lắm là bầu trời xanh và những áng mây phiêu lãng...
Khu đất nằm cao hơn miệng hang chừng một bước chân. Khu vực này tương đối bằng phẳng. Trước mặt Lý Tứ hiện ra không biết cơ man nào là cây trái bao bọc chung quanh.
Khoảng giữa mảnh đất là một vuông đá hoa cương phẳng lỳ ước chừng bằng bốn cái bàn gộp lại nhô lên cao ngang bụng người lấp lánh ánh sáng...
Lão Hòa Thượng và Lý Tứ đảo một vòng quanh khu đất. Phía bờ Tây là một số hang cụt khoét sâu vào chân vách đá. Cái này cách cái kia chừng hai mươi bước chân giống như những ổ tò vò... Lão Hòa Thượng nói lớn:
Lý Đệ!... Vượt qua cái chết phía trước, lại lạc vào cảnh đào nguyên... Đây đúng là nơi cư ngụ lý tưởng cho những ai muốn xa rời cái ồn ào thế tục...
Hai người đi kiểm tra từng cái hang cụt. Hang nào cũng có một phiến đá bằng phẳng đủ một người nằm... trừ hai cái hang cuối cùng bên trái là hai cái hang trống... Bên phải của hang, dòng nước ngầm trong vắt chảy dưới một cái khe cạn.
Cái khe này chảy xuyên vào vách hang và không biết nó đi về đâu trong sâu thẳm của ngọn Kiến Tính...
Lý Đệ!... Nơi đây không có vật dụng của con người lưu lại, nhưng dấu vết có người ở đây là đã hẳn rồi!... Sáu cái hang cụt, bốn cái giống nhau đều có giường nằm, hai cái trống trơn... Có lẽ hai cái trống đó là nơi tích trữ vật thực và nấu nướng của người xưa.
Lý Đệ!... Cái bất ngờ nhất của lão nạp là, khi vào đây cảnh trí như là đào nguyên, không giống những gì giang hồ đồn Đại về sự kỳ bí và bẫy rập chết người của hang Tự Tánh...
- Đại Ca!... Đại Ca thấy đó... nơi nào không đến được, nơi ấy trở nên huyền bí và nhiều thêu dệt hoang đường... Ha ha ha ha!...
Hang Tự Tánh trống không... Ha ha… mấy chữ ngoài kia:
“Tự Tâm hồ vô hữu,
Kiến Tính sơn bất không,
Tự Tánh động vô động,
Trí huệ tự viên thông.”
Ai từng vào đây mới biết rằng: “Không một thứ có được, không một pháp hiện tiền”. Ha ha ha ha!... Chẳng như người đời thêu dệt về một tự tánh hoang đường...
Hai người dắt nhau vào cái hang cụt chính giữa. Ngoài phiến đá làm giường nằm, chung quanh chẳng có một vật dụng gì... Lão Hòa Thượng và Lý Tứ cùng ngồi trên phiến đá. Nắng bên ngoài rọi vào cửa hang. Ngồi trong hang sâu dưới lòng đất cả trăm trượng mà cả hai cứ ngỡ như mình đang ngồi trong một trang viện nào đó... Lão Hòa Thượng lên tiếng:
Khi nãy, trên đường vào đây, Lý Đệ có hỏi lão cảm nhận điều gì? Lão trả lời là:
Lão thắc mắc một điều, khi nào vào trong này lão sẽ nói cho nghe... Không biết Lý Đệ còn nhớ hay không?
- Tiểu Đệ đâu có quên điều này!... Bây giờ Hòa Thượng Đại Ca có thể cho Tiểu Đệ biết điều Đại Ca thắc mắc được rồi chứ!...
Thắc mắc của lão nạp ở chỗ hai câu thơ Lý Đệ khắc trên đá: “Lý nan nhân khả đối, Tứ bất kiến thị phi”. Về ý nghĩa hai câu này thì lão nạp công nhận tài thi phú và cái tự tại của Lý Đệ... Nhưng lão nạp lại thắc mắc về võ công...
Theo chỗ lão nạp biết, võ công của Lý Đệ chẳng những không thua kém lão nạp, có khi còn hơn vài phần... Nhưng tại sao khi dùng chỉ lực khắc vào phiến đá ngoài cửa, chỉ lực của Lý Đệ không thể làm cho một chút bụi đá sứt mẻ... Chẳng lẽ Lý Đệ chỉ thuần thục võ học mà không biết nội công... Cái này cũng không có lý. Bởi nếu không có nền tảng nội công hơn người thì làm gì lại đạt đến cảnh giới thâm u của võ học, làm gì có thể vượt qua Đại ngàn ngoài kia, làm gì có thể bay qua hồ Tự Tâm mà không rơi xuống nước, và làm gì mà đến được nơi đây!...
Thú thiệt với Lý Đệ, lão nạp cực kỳ thắc mắc điều này... Nhìn mấy chữ viết ngoài động của Lý Đệ, dưới con mắt lão nạp, loại công phu như thế chẳng khác gì cái thói mèo quào của đám đồ đệ mới nhập môn của Thiếu Lâm...
- Đại Ca!... Thần công “Kim Cang chỉ lực” của Đại Ca thiệt là hơn người. Có thể dùng ngón tay phá nát đá hoa cương như người ta dùng dao bén gọt củ khoai lang, thiệt là giang hồ khó cóngười luyện thành...
- Nhưng hình như kiến thức võ học của Đại Ca vẫn còn điều gì đó không ổn... Ha ha ha ha!... Đại Ca có thắc mắc điều Tiểu Đệ nói không?
Lão nạp thiệt là mơ hồ... Thú thật, tuy lão nạp ở chùa độ tăng, nhưng cao thủ bậc nhất giang hồ hiện nay chưa một ai dám nói với lão nạp những điều chê bai như đệ, và chưa một ai làm cho lão nạp khâm phục võ công... Lão nạp biết, lời của Lý Đệ không hư dối, nhưng lão vẫn hồ đồ về mấy chữ hồi sáng... Thiệt là lão không phục!... Lão không phục nội lực của người sở hữu “cây đao sét” mà chỉ có như vậy... Ha ha ha ha ha!... Tiếng cười của Lão Hòa Thượng làm rung chuyển hang động...
Để cho lão Hòa Thượng dứt tiếng cười mãn nguyện... Lý Tứ không nói lời nào, quay mình về phía sau, vận chỉ lực vào ngón tay viết ngay lên vách mấy chữ:
⁕ “Tận Hữu Vi Kim Cang chỉ lực”. Ngón tay Lý Tứ đưa đến đâu, từng cụm bụi đá rơi xuống đó. Nét chữ hằng sâu hơn một đốt tay...
Lý Tứ lại viết tiếp:
⁕ “Trụ Vô Vi Kim Cang chỉ lực”. Ngón tay Lý Tứ ấn đến đâu, nét viết lún sâu đến đó nhưng cái lạ là không một hạt bụi rơi ra. Nét chữ hằng sâu vào đá hơn nét chữ đã viết ở trước...
Lý Tứ lại viết:
⁕ “Phi Hữu Vô Kim Cang chỉ lực”. Lần này nét chữ của Lý Tứ giống như đứa trẻ dùng nhánh cây viết trên nền gạch, nét chữ nhạt nhòa...
Viết xong ba câu trên vách đá, tiếng rào rào ngoài miệng hang vọng vào... Tuy xa nhưng nhờ thính lực của hai cao thủ nên tiếng bụi rơi nghe rõ mồn một...
Lão Hòa Thượng chưa kịp nhận định những gì Lý Tứ thi triển, bằng thói quen giang hồ lão nói lớn:
Lý Đệ!... Ngoài kia có tiếng động!... Coi chừng có điều chẳng may. Nói xong lão dùng khinh công nhanh như chớp đứng chắn ngay lối vào hang...
- Đại Ca!... Tiếng động vừa nghe, không phải biến cố, mà nó là tiếng rơi của lớp đá bụi do Tiểu Đệ viết mấy câu hồi sáng ngoài cửa động.
“Phi Hữu Vô Kim Cang chỉ lực” có tác dụng như thế. Đây là thức thứ ba và là thức cuối cùng của “Kim Cang thần công”. Thức này còn có tên “Y Báo thần công”, tức là thần công này chỉ hiện khi giao thoa giữa một tâm thức hữu tình đang phân biệt thị phi...
- Đại Ca!... Chính mối nghi và tâm so sánh cao thấp của Đại Ca, tâm này làm chánh báo, nên chỉ lực kia phát huy tác dụng. Khi phát huy tác dụng nó trở thành y báo hiện tiền. Lúc nãy, thần công đệ thi triển ngoài kia giao cảm với tâm Đại Ca nên đá trên nét chữ buồn tình mà rơi xuống đất!... Câu: “Tứ bất kiến thị phi” bây giờ chắc Đại Ca hiểu ra rồi chứ!... Tiện đây, Tiểu Đệ sơ lược mấy điều về thần công này cho Đại Ca hay:
- Người bị thần công này đả thương, bề ngoài không thấy dấu vết hay đau đớn. Nhưng khi người đó bất giác hiện trong tâm, thần công liền phát huy tác dụng. Tác dụng của nó đến đâu còn tùy vào mức độ đảo điên của người bị đả thương...
Tác dụng của nó chỉ chấm dứt khi nào người này bình tâm trở lại. Khi bình tâm, cơ thể người này trở về nguyên trạng. Nhưng nếu không biết ăn năn sám hối, lại nổi phàm tình thì thần công phát huy hiệu quả nặng hơn. Chừng ấy người này đau khổ phiền não đến mất hẳn khí lực... Đại Ca!... Thần công này còn có tên “Hóa Độ Kim Cang thần công”... Nó không sát thương người, không hủy diệt như hai thức kia, nhưng có tác dụng răn đe dạy dỗ rất lớn. Vì thế, nó còn có tên “Từ Bi chỉ lực”...
- Hòa Thượng Đại Ca!... Giang hồ xưa nay không biết rằng: Đồng một “Kim Cang thần công” nhưng lại có ba thức dành cho ba hạng người thành tựu khác nhau.
Giang hồ cao thủ bậc nhất, cao lắm chỉ luyện được “Tận Hữu Vi Kim Cang chỉ lực”, nó là loại thần công mà Đại Ca sử dụng...
Còn “Trụ Vô Vi Kim Cang chỉ lực” là loại thần công chỉ dành cho hàng tu luyện đến mức tâm như hư không. Thành tựu thần công này, người sử nó hết thấy đúng sai hơn thua phải quấy, nên còn có tên “Bất Nhị thần công”, lại có tên “Tịnh Danh tâm pháp”...
Thần công thứ ba “Phi Hữu Vô Kim Cang chỉ lực” là thần công của hàng thấu đạt Trí Tuệ tối thượng. Thần công này còn gọi là “Tam Muội Đại Hải Trí lực”. Người thành tựu thần công này thấu suốt tam tạng kinh điển thánh giáo, nên nó còn có tên: “Liễu Nhất Thiết Chư Pháp Đà La Ni”...
Hai thứ thần công sau, hầu như thất truyền cả ngàn năm nay... Ha ha ha ha!...
- Đại Ca!... Đại Ca còn thắc mắc gì không?
Lão Hòa Thượng nghe xong những điều Lý Tứ vừa nói, hai mắt lão như hai luồng điện hướng về phía Lý Tứ. Lão nói lớn:
Mô Phật!... Mô Phật!... Lời Lý Đệ đã đưa lão nạp này đến chỗ bất động rỗng rang, tâm như hang trống... Ha ha ha ha!...
Xưa nay lão nạp mang trong lòng chủng tử “Hoại hữu vi” mà không tự biết!... Ha ha ha ha!... “Tận Hữu Vi Kim Cang chỉ lực” chỉ có công dụng phá hòn đá kiết sử mà không biết kiết sử kia chỉ là kết quả của tập nhân... Ha ha ha ha!...
Lý Đệ!... Lão như người sáng mắt... “Sắc tức thị không, không tức thị sắc...” Từ nay Lý Đệ là bậc thầy của lão nạp rồi... Nhưng đạo tăng tục không cho phép, lão nạp chỉ thờ trong lòng vậy!... Ha ha ha ha!...
Lý Tứ hướng về phía Hòa Thượng chắp hai tay vào nhau xá Hòa Thượng ba xá nói lớn:
- Chúc mừng Hòa Thượng Đại Ca đã đặt hòn đá ngã nhân xuống dưới chân mình... Tiểu Đệ là Lý Tam Đao, Lý Cư Sĩ... xin đảnh lễ Hòa Thượng Đại Ca. Xin xưng tán công đức thành tựu Đệ Nhị Kim Cang Thần Công...
Nói xong Lý Tứ lại khom mình xá lão Hòa Thượng ba xá rồi tiếp:
- Phật Pháp Tăng thường trụ, Tam Bảo thường trụ. Ngày nay có tăng thành tựu Đại pháp, nhân quả đồng thời, Chánh Pháp chẳng lo diệt mất... Ha ha ha ha!... Đại Ca xứng đáng là “Đệ nhất nghĩa tăng”. Mô Phật!... Mô Phật!... Mô Phật!... Mô Phật!...
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






