Báo Thân Phật Hóa Thân Phật và Pháp Thân Phật

Nói một hơi không nghỉ, Hòa Thượng Huyền Không ngồi kiết già thẳng lưng trên phiến đá, hai mắt nhắm nghiền. Độ chừng tuần trà, lão mở choàng cặp mắt sáng như điện nhìn về Lý Tứ rồi nói:
Lý Đệ!... Đúng là còn một chút ngã như đầu cọng lông, cũng chẳng thể học được môn thần công tối thượng này... Môn thần công tối thượng này thành tựu sẽ là Xuất Thế Gian Thượng Thượng Ba La Mật, há những người còn chút vị kỷ mà có thể học được sao...
Theo lão nạp!... Sao gọi là Xuất Thế Gian Thượng Thượng?
Xuất Thế Gian Thượng Thượng chính là một thứ Trí Huệ rộng lớn như hư không, một thứ tâm Từ Bi như Đại hải... Trăm sông đều chảy về biển. Dù cho bao nhiêu nước đổ dồn về Đại hải, Đại hải không vì thế mà tăng giảm... Xuất Thế Gian Thượng Thượng vì như hư không vô biên, vô lượng vì sao cùng mặt trời mặt trăng đồng tồn tại nơi hư không mà hư không chẳng thấy chật hẹp... Tâm và Trí như vậy, chẳng thể có phần cho cái chật hẹp vị ngã... Giống như ao lạch, chẳng thể kham nổi các dòng sông...!...
Lý Đệ!... Thế Tôn đã dạy:
“Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã,
Thị nhân hành tà đạo,
Bất năng kiến Như lai.”
Lời này trong chừng mực nào đó, theo lão nạp, đây là lời quở trách thắm thiết của Thế Tôn đối với những ai không biết “trời cao đất rộng”... Lão nạp này, ngày trước dù muốn hay không cũng là thân Viện Chủ... Cái danh Hòa Thượng Viện Chủ đối với tứ chúng là những gì ghê gớm lắm...
Chính cái ghê gớm này đã che lấp tâm trí lão nạp, quên mất ý nghĩa lời dạy của Đấng Từ Phụ... Ha ha ha ha!... Chấp thân ba mươi hai tướng cùng lời nói của Như Lai, đã thành kẻ tà... hà huống chấp cái danh Viện Chủ gì gì đó mà chánh được sao!... Thiệt là cái hư danh hư tướng làm người tu hành mê mờ tâm trí...
Lý Đệ!... Cuộc đời thiệt khó nói... Cái ngã này thiệt khó nói... Nói đến đây lão lại nhắm nghiền hai con mắt!...
Lý Tứ tìm một gốc cây to ngồi dựa lưng, ngước mặt nhìn trời... Bầu trời xanh trên cao, như một mái vòm bao phủ lấy hang Tự Tánh... Lý Tứ thầm nghĩ: Phật đạo rộng lớn như bầu trời vô tận, còn sức lãnh hội của một con người như những gì hiện ra trên miệng hang này... Đã có bao nhiêu người tu hành thoát ra khỏi cái hang tự ngã để thể nhập vào cái rộng lớn như đất trời của Phật đạo... Tự mãn là gốc rễ của mọi sai lầm, giống như miệng hang đã thu nhỏ bầu trời bao la trên kia...
Lý Tứ lại nói:
- Hòa Thượng Đại Ca!... Đúng như vậy, cái ngã... Chính cái ngã này đã không cho một hữu tình thoát khỏi thân tướng nhỏ bé và trí não hạn hẹp... Vì thế, tu Ba La Mật chính là sự thoát ly triệt để ra khỏi chính mình... Giống như những con sông cần cù chảy vào biển lớn. Chảy vào biển lớn là sự chấp nhận từ bỏ tên tuổi, từ bỏ vị riêng, từ bỏ những gì đang tồn tại hiển nhiên ở con người này... Khi con sông đã vào biển lớn, thì nước của nó là nước Đại hải, tên của nó là tên Đại hải, ý vị của nó là ý vị Đại hải và nó chính là Đại hải...
- Đại Ca!... Như con sông hòa cùng biển lớn, những gì được gọi là riêng của sông nay sẽ dần mất dấu... Thì cũng vậy, người tu hành tu các Ba La Mật là cách tốt nhất để làm mất chính mình. Cái gọi là mình có mất, thì cái rộng lớn bao la mới hiện... Như nước sông kia bây giờ là biển cả... Đại hải có tính chất nhất định của Đại hải mà không một dòng sông nào trên đời này có được...
Thành tựu Ba La Mật tâm, sẽ có một Từ lực, có một Bi lực nhất định, mà không một thứ tâm nào trên đời có thể có được!...
- Hòa Thượng Đại Ca!... Người tu hành một khi cái gọi là mình đã mất, thì bây giờ nó giống như hư không. Hư không rộng lớn kia dung chứa hết vạn hữu và hư không cũng làm thỏa mãn những gì vạn hữu cần đến... Ví như người đào hang, đào hang tròn thì hư không liền hiện trong hình tròn ấy, nếu đào hình dài thì hư không cũng không từ chối và nếu nó là những hình dáng khác thì hư không cũng bình đẳng thể nhập... Điều này có ý nghĩa gì trong Phật đạo? Đại Ca!...
Đây chính là nguyên lý Ba Thân mà chư Phật tuyên nói...
- Ba thân là gì? Ba thân Phật chính là sự tiếp cận của một hữu tình trước Phật trí...
Phật trí giống như hư không ngoài kia. Sự tiếp cận của một hữu tình giống như hư không xuất hiện trong các cái hang, tùy theo hình dáng, tùy theo chỗ dung chứa, tùy theo độ cạn sâu mà hư không thể nhập vào đó... Cho dù cái hang có nhận hư không lớn nhỏ nhiều ít, nhưng tính chất của hư không trong những cái hang và tính chất hư không ngoài kia không sai khác... Nếu thấy có khác, chỉ vì nhận tướng sai biệt của cái hang, rồi nhầm lẫn mà cho rằng hư không này có sai biệt...
- Ba thân Phật gồm có Báo Thân, Hóa Thân và Pháp Thân... Ba thân này đồng một Pháp Thân mà hiện, như hư không trong các cái hang đồng một hư không mà hiện. Sở dĩ đồng một Phật trí mà hữu tình lại thấy có Ba Thân là vì những lý do nêu trên... Hòa Thượng Đại Ca!...
- Cái gì làm nên Báo Thân? Báo Thân Phật là do phước báo của tùy loài hữu tình riêng thấy... Vì nó được làm nên bởi phước báo tùy loài, cho nên thân này chẳng khác thân nghiệp của hữu tình kia... Trong kinh Phật có nói: “Trong vô lượng kiếp ta đã lại qua đời này với vô lượng danh hiệu sai biệt... lúc gọi là Ma, lúc gọi là Vua, lúc có tên Tể Tướng, lúc là Cư Sĩ, lúc là Sư Tử”.
Điều này có ý nghĩa như thế nào? Nó giống như sự xuất hiện của các cái hang do con người đào ra... Người đào hang chỉ thấy cái hang mà chẳng thấy hư không tồn tại trong đó... Nó giống như người đời và ngoại đạo chỉ thấy một Cù Đàm xuất hiện ở cõi đời này như bao con người thời đó!...
- Hóa Thân do đâu mà thành? Như gặp người trong mộng!... Cái gì làm ra giấc mộng này? Đây chính là ấn tượng tốt đẹp trong tiềm thức của một hữu tình đã đủ đầy công đức!... Công đức này do đâu mà có? Đây chính là sự cần cầu tiếp nhận giáo pháp và thành tựu một phần của giáo pháp... Vì sự thành tựu một phần giáo pháp, mà Hóa Thân Phật mới có đến ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp... Ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp này không phải cái đẹp vật chất... Nó là sự toả sáng của chân trí. Nó là tinh hoa của giáo pháp, nó là kết tụ của Tứ Vô Lượng Tâm... Nó là thứ tình cảm thiêng liêng của một hữu tình khi nhận được sự an vui nào đó từ nơi giáo pháp rồi thấy ra như vậy... Có thể hiểu đây là “nét đẹp tinh thần” từ Phật Trí thông qua cái nhìn của công đức... Cụ thể hơn, nó là cái đẹp trong con mắt của Bồ Tát khi nhìn về Đấng Từ Phụ... Vì thế đồng một đức Phật mà địa phương này có hình dáng thế này, địa phương kia có hình dáng thế khác... Nó giống như đứa con nhìn thấy mẹ của mình là người mẹ đẹp nhất trên cõi đời này!...
- Pháp Thân Phật thưa Đại Ca!... chính là trí tuệ, thân này chính là Phật trí. Thân này là thường, thân này chư Phật đồng nhau, kinh gọi là thân đẳng... Phật trí giống như mặt trăng, thưa Đại ca!... Mặt trăng chẳng từng mọc hay lặn... Mọc lặn tùy duyên, mọc đây lặn kia, có tròn có khuyết... Mọc hay lặn, tròn hay khuyết là do duyên hữu tình thấy vậy, chẳng phải mặt trăng kia có những thứ này... Điều này Phật đã dạy ở phẩm Nguyệt Dụ của Kinh Niết Bàn... Và cũng chính điều này, nên các kinh bác học, Phật thường hay nói: “Như Lai đã thành Phật từ vô lượng kiếp”. Chỉ cần tin điều này thôi cũng phát sinh vô lượng công đức... Như Lai đã thành Phật từ vô lượng kiếp, giống như hình tròn của trăng rằm hôm nay, không phải là sự kế thừa của những ngày trăng khuyết trước kia... Đại Ca!...
- Phật trí giống như hoa Ưu Đàm, trên vài ngàn năm mới trổ một lần, tùy duyên chúng sanh mà hiện... Do tùy duyên nên có khi hoa Ưu Đàm mọc trên chuông đồng, trên tấm kiếng, trên thanh nhôm, trên cái lá, trên sắt thép... Nơi đâu có duyên, thì nó sẽ mọc!...
Cũng tùy duyên mà có khi hữu tình ở thời điểm này thấy hoa Ưu Đàm hình dạng như vầy, thời điểm kia lại thấy hình dáng thế kia... Vô lượng tướng sai biệt nếu có, cũng chỉ tùy duyên... Nó là thứ hoa của tâm linh chứ chẳng phải xuất xứ từ nguồn gốc thực vật. Vì thế chớ có nên tìm kiếm dòng họ của hoa này. Cố kiếm tìm dòng họ của nó, thì nó sẽ là một loài thực vật dị dưỡng chứ chẳng phải Ưu Đàm... Như ngày xưa, người đời chỉ thấy Cù Đàm là con của vua Tịnh Phạn, mà chẳng thấy... Thích Ca Mâu Ni!... Ha ha ha ha!...
- Hòa Thượng Đại Ca!... Kinh Hoa Nghiêm có một câu để nói về việc này, tức nói về các thân Phật. Câu đó như vầy: “Tinh tấn là Bồ Tát, viên mãn là Phật”. Câu này ẩn chứa cái huyền của Phật trí...
Khi chúng sanh duyên cạn thì Phật trí sẽ xuất hiện dưới tướng tinh tấn của một Bồ Tát. Nếu duyên này đã viên thì Phật trí sẽ xuất hiện là Phật thân... Nó như trăng kia lúc tròn lúc khuyết... Ha ha!... Cái huyền bí là ở chỗ này!... Là ở chỗ này!...
- Thưa Đại Ca!... Vì thế cũng có lúc kinh nói: “Một địa nhiếp mười địa, có thể thị hiện thành Như Lai địa”. Ha ha ha ha!... Hoa Ưu Đàm hay hương thơm của một đóa Quỳnh!... Đại Ca nói đi!... Đại Ca nói đi!... Ha ha ha ha!...
Hòa Thượng Huyền Không vẫn nhắm nghiền hai con mắt trong tư thế kiết già lưng thẳng. Toàn thân lão Hòa Thượng như một cái tượng bằng đồng... Không gian của hang Tự Tánh chìm trong tĩnh lặng. Thời gian dường như ngừng trôi... Văng vẳng trên không, có tiếng ngân nga:
“Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ,
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì,
Nguyện giải Như Lai chơn thiệt nghĩa.”
Tất cả cây trái trong hang Tự Tánh đồng ngã mình hướng về phía lão Hòa Thượng... Mùi hương thơm từ thân lão tỏa ra, dần dần tràn ngập hang động. Bầy chim trời trên cao, vui mừng líu lo vỗ cánh chao liệng!... Lão Hòa Thượng mở choàng đôi mắt, lão nói lớn:
“Nguyện giải Như Lai chơn thiệt nghĩa chứ chẳng nên giải... Như Lai tướng văn tự!... Ha ha ha ha!...”
Thân tướng và tiếng nói của lão khuất dần nơi bờ tây hang Tự Tánh... Xa xa... lờ mờ... chỉ thấy một vệt sáng màu vàng bay thẳng rồi mất hút vào phiến đá hoa cương!...
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






