Tư Lương Vị Kiến Đạo Vị Tứ Vô Lượng Tâm

 0
Tư Lương Vị Kiến Đạo Vị Tứ Vô Lượng Tâm

Hôm nay Như Nhân là người lên tiếng trước: 

Thưa Lão Sư!... Thưa các huynh đệ!... Ngày hôm qua nghe Lão Sư giảng nói tầng sâu về nghĩa Tứ Đế, đồ đệ cảm thấy con đường tu tập của mình minh bạch... Đồ đệ một phen mở rộng tầm mắt... 

Thưa Lão Sư!... Từ xưa đến giờ, trong tâm tưởng của đồ đệ, Tứ Đế là pháp nhỏ, Tứ Đế là pháp Thanh Văn... Được nghe Lão Sư đào sâu về pháp Tứ Đế mới biết Phật pháp mênh mông, trí huệ là vô tận... Đồ đệ lại nhớ đến nhân duyên thế Tôn thuyết Diệu Pháp Liên Hoa. Trước khi thuyết kinh này, Phật nhập vào Vô Lượng Nghĩa Xứ Tam Muội rồi mới thuyết, thì ra là vậy!... 

Phật pháp có vô lượng nghĩa… Mỗi thời Phật tuyên nói một nghĩa... Như người đào giếng, cũng cái giếng đó, nhưng càng đào càng sâu, càng sâu càng tìm thấy nguồn nước ngọt hơn, trong sạch hơn và tối diệu hơn... Thưa Lão Sư!... 

Lão Sư khai triển tột nguồn Tứ Đế. Giờ phút này, đồ đệ tuy chưa lãnh hội hết ý nghĩa thâm diệu của Tứ Đế, chưa thể nếm trải toàn bộ ý vị thanh lương của Tứ Đế, chưa thể đặt chân đến đạo quả chân thiệt của Phật trí, nhưng ít ra đồ đệ cảm nhận cái cao tột, cái viên mãn của Phật đạo do Tứ Đế làm nên... 

Một phen mở con mắt ra, mới biết xưa nay mình nhầm. Cái nhầm tai hại, như đứa trẻ có được viên ngọc quý chỉ dùng nó để chọi nhau... Đúng là vô trí!... Đúng là không có ngọn đuốc soi đường thì vĩnh viễn lẩn quẩn trong ao đầm sông lạch của tự ngã mà không tự biết... 

Trước nay đồ đệ giống như một người muốn săn bắt con sư tử mà cứ tìm kiếm nơi bụi lùm quanh nhà, muốn bắt con kình ngư lại lặn tìm nơi lạch nước nhỏ... Thiệt là hổ thẹn!... Những gì Lão Sư giảng nói, giống như chỉ rõ nơi trú ngụ của loài sư tử là núi cao, dắt đồ đệ vào Đại hải để tìm con cá kình... 

Thưa Lão Sư!... Đồ đệ cảm thấy mình may mắn được tu tập dưới trướng của Lão Sư... Tuổi đời của đồ đệ đã cao, giống như người nghèo khó ăn mày suốt một đời, nay tìm được hạt châu vô giá... Lão Sư ơi!... Mỗi lần tuyên nói, Lão Sư luôn xưng hô với các đồ đệ của mình là hảo bằng hữu, là các huynh đệ... Tấm lòng của Lão Sư như biển lớn, từ bi của Lão Sư như trời xanh... Đồ đệ nguyện không phụ lòng Lão Sư, không phụ công ơn chư Phật...!... 

Thưa Lão Sư!... Suốt đêm hôm qua, sau khi được nghe Lão Sư giảng nói về ý nghĩa Tứ Đế, cả đêm đồ đệ không chợp mắt... Không ngờ Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế lại chính là những phương cách giải quyết khổ phiền não này từ thô đến tế, từ thấp lên cao, từ ngu si đến trí tuệ... từ khởi đầu đến viên mãn... Viên mãn Phật trí chính là viên mãn Tứ Đế... 

Thưa Lão Sư!... Đồ đệ nghiệm ra, chỉ một Tứ Đế mà khi hoạt dụng nó trở thành Ba Mươi Bảy Phẩm, hay nói cách khác… Ba Mươi Bảy Phẩm là nghĩa của Tứ Đế... 

Đồ đệ nhớ lại, trong các kinh, Phật thường hay nói: “Các pháp ta nói ra, không ngoài bốn đế, ba mươi bảy phẩm, mười hai nhân duyên”. Đúng là cái vô hạn của Phật trí, ví như Đại hải, sâu không đến đáy... Chỉ Tứ Đế, mà Phật quảng diễn thành vô lượng văn từ ngữ ngôn, vô lượng bài pháp sâu thẳm... Nay Lão Sư là người dắt các môn đệ của mình dò tìm chiều sâu của Đại hải... 

Thưa Lão Sư!... Đồ đệ nghiệm ra rằng: Sau khi tuyên thuyết nghĩa Khổ Đế... Thế tôn chuẩn bị cho người tu hành tất cả những gì được coi là cần thiết nhất để sẵn sàng vượt qua biển lớn. 

⁎ Chuẩn bị này cho người tu hành chính là giáo pháp cơ bản, là Tư Lương Vị... gồm Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần Tứ Như Y Túc... 

Hèn gì Lão Sư thường hay nói: “Nhất tâm để dừng hiện nghiệp”. Ba món Tư Lương này chính là chiếc vé để người tu hành từ bỏ ba cõi hôi nhơ bước lên con tàu đưa mình về nơi an tịnh... Nếu không dừng hiện nghiệp, thì như người ra đi mà lòng còn quyến luyến nơi xưa, không nỡ bước lên con tàu... 

Hiện nghiệp thấy nghe cũng vậy, nó gắn liền với chúng sanh bao đời nay nó cột chặt chúng sanh vào hiện nghiệp. Không một phen đoạn dứt sợi dây vô hình thấy nghe giong ruổi này thì không thể thoát ra cột trói thường tình... 

Đoạn dứt tập nhân là như thế!... Tập nhân và giao báo đan xen với nhau hình thành cõi nước... Cõi nước chính là tâm này. Tập nhân tốt cho ra cõi nước tốt đẹp, tập nhân xấu cho ra lửa bỏng dầu sôi... Quả nhiên hết thảy từ tâm này... Không dứt cái ngu, không có cái giác... thì cho dù có nhọc công tu hành, cũng như kẻ kia gieo giống vào hư không... Như người mong cầu được vàng mà chẳng biết vàng thật ra sao... 

Đã sắm đủ Tư Lương, đã bước lên tàu... Trước mặt là cõi nước an bình. Bây giờ vị này không còn nghi ngờ gì nữa... Vì thế, Ngũ Căn Ngũ Lực mọc lên. Như hạt giống đã nảy mầm, cái rễ sinh ra từ hạt giống kia cắm sâu xuống đất, hút lấy dinh dưỡng nuôi thân... Cành nhánh vô minh dần dần được thay thế bởi chi phần giác ngộ... Như cái cây, đã mọc đủ cành nhánh, rễ càng cắm sâu, cành nhánh càng vươn xa... Cành nhánh Thất Giác Chi cho người tu hành bóng mát Niết Bàn... Thưa Lão Sư!... 

Kiến Đạo Vị chính là kết quả tìm thấy tịch tĩnh vô vi. Tịch tĩnh vô vi chính là Diệt Đế. Diệt Đế chính là bản lai bất động tự tịch... Nếu tập nhân đã dứt, như người chạy xa giặc cướp, thì Diệt Đế như người đến được thành lũy an bình... 

Bất động của Diệt Đế như nơi chốn không giặc cướp, không có sự ghê sợ, không có giặc cướp hai mươi lăm cõi, không có sự ghê sợ của sáu đường nên gọi là vô vi... 

Thưa Lão Sư!... Tuy rằng chưa thấy được trí tuệ, chưa thật sự chứng nhập Đạo Đế “phi hữu phi vô”... 

Nhưng qua những gì Lão Sư giảng nói, con cảm nhận được trí kia và thức chẳng phải hai... 

Tám Thức là một thức, Bốn Trí là một trí... Mê thì một biến thành tám, ngộ thì tám hóa thành bốn, rốt ráo bốn kia chỉ một, một ấy chính là không... 

Kinh dạy rằng: “Vô trí diệc vô đắc”. Vì vô trí vô đắc nên nó là Chân Thật Trí... Trí này chẳng mê nên không phải hữu vi, trí này chẳng ngộ nên chẳng phải vô vi... Trí này tùy duyên mà hiện... 

Thưa Lão Sư!... Những gì đồ đệ trình bày, là những nghĩ suy thô thiển của mình nương dựa một chút trí tuệ của Lão Sư... Mong Lão Sư bổ khuyết cho đồ đệ... Nói xong, Như Nhân hướng về phía Lý Tứ xá ba xá!... 

Lý Tứ lên tiếng: 

Thưa Lão Huynh!... Thưa các huynh đệ!... Lão Huynh không hổ danh là con chim đầu đàn, là bậc Long Tượng... Những nghĩ suy của Lão Huynh về Tứ Đế và Ba Mươi Bảy Phẩm đã thể hiện được độ sâu và chín mùi của tư duy... 

Lão Huynh!... Phật đạo có Chánh Tư Duy... Nghĩ suy con đường diệt khổ là Chánh Tư Duy. Nghĩ suy con đường tiến về trí tuệ tối thượng là Chánh Tư Duy... Những gì Lão Huynh trình bày, khiến Lý Tứ tôi vô cùng khâm phục. Tôi xin tán thán những gì Lão Huynh đã chia sẻ với mọi người!... 

Thưa Lão Huynh!... Thưa các huynh đệ!... Nhân đây, cho tôi được phép trình bày tiếp về ý nghĩa của Tứ Đế và những liên quan... 

Thật ra, như Lão Huynh vừa trình bày là đúng... Tứ Đế chính là sự sống của Đạo. Phật đạo tồn tại trên nguồn sống này... Chính Tứ Đế đã làm nên vô lượng ý nghĩa mà Thế Tôn ngày xưa đã tuyên nói, nay chúng ta gọi là kinh... Phật đạo có vô lượng nghĩa là như thế... Cái còn lại cuối cùng của Phật đạo chính là Tứ Vô Lượng Tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả). Hay nói khác hơn… 

  • Tứ Vô Lượng Tâm là tinh túy của Tứ Đế... Từ Bi Hỷ Xả có ba loại. 

Đó là Pháp Duyên Từ, Chúng Sanh Duyên TừVô Duyên Từ…(Bi, Hỷ, Xả cũng như thế... ). 

- “Pháp Duyên Từ”, trong Tập Đế, nương nơi pháp giác mà người tu hành có được... 

Vì sao nói rằng, nương nơi pháp giác mà lại sinh Pháp Duyên Từ? Giống như người đau nặng, thập tử nhất sinh... Có thân chứng cái khổ của đau yếu và có lành bệnh người ta mới cảm thương cái đau của đồng loại... Pháp Duyên Từ là như thế, thưa các huynh đệ... 

- Thế nào trong Diệt Đế Bất Động lại được “Chúng Sanh Duyên Từ”

Giống như người đến được thành lũy an bình mới cảm thương cái khổ của kẻ chạy giặc... Trong Niết Bàn Bất Động mới cảm thương cái lao xao xuôi ngược của chúng hữu tình... 

- Thế nào trong Trí Tuệ của Đạo Đế lại thành tựu Vô Duyên Từ

Thưa các bằng hữu!... Trí huệ ấy chính là Phật trí... Phật được gọi là Đấng Từ Phụ... Như người cha thương con không cần điều kiện... Vô Duyên Từ chính là tâm từ thường hằng đối với những đứa con... 

Thành ra, viên mãn Tứ Đế, chính là viên mãn Tứ Vô Lượng Tâm... Tứ Vô Lượng Tâm chính là cái còn lại sau cùng của Phật đạo. Nó chính là Đạo... 

Thưa các vị!... Nếu các vị nhớ lại, những đối đáp của ngài Duy Ma Cật với mọi người luôn luôn đề cập đến ý nghĩa Tận Hữu Vi... Nhưng khi hỏi về Bất Nhị, thì vị Bồ Tát này lặng thinh!... Đây là hình ảnh biểu hiện của Trụ Vô Vi... 

Và cuối cùng Phật tuyên nói nghĩa “Tận Vô Tận Giải Thoát”là “chẳng tận hữu vi, chẳng trụ vô vi”...

Vô Duyên Từ đích thực là “chẳng tận hữu vi, chẳng trụ vô vi”... Trung đạo và Trí Tuệ là như thế... Xin các vị nhớ cho... 

- Các vị!... Chúng ta đã trao đổi khá nhiều với nhau về Tứ Đế... Chúng ta đã mổ xẻ Tứ Đế từ thấp lên cao, từ cạn đến sâu... 

Mong rằng, sau lần tâm sự này... mỗi người trong chúng ta như người đào giếng... Mỗi một nhát cuốc là mỗi một lần đào bỏ cái vị kỷ cá nhân. Mỗi một nhát cuốc đào xuống, nguồn sâu trí tuệ sẽ hiện ra và dòng nước thanh lương của Phật đạo sẽ tưới mát tâm thức làm tăng trưởng Tứ Vô Lượng Tâm... 

- Cũng với trí này, không giác ngộ gọi là thức, giác ngộ gọi đó là trí... Giống như cũng tại nơi này, không đèn là tối có đèn là sáng, sáng tối chẳng phải hai... Đạo chính là sự làm sáng trí này, như viên ngọc bị vùi lâu trong bùn đất, nay phá bỏ ba lớp che chướng “Tập, Diệt, Đạo”, đạo đích thực sẽ hiện... 

Ngày mai đây, không biết duyên giữa tôi và các vị có còn tiếp tục hay tạm chia tay... Nếu sáng mai, ngày kia... các vị không còn thấy Lý Tứ cùng các vị uống chung chén trà dưới chân Dự Sơn... xin các vị hãy nương nhau mà tinh tấn. Chỉ có con đường này, chỉ có Phật đạo mới giúp mình hết khổ, giúp người vĩnh viễn hết khổ... Các vị khỏi phải tìm tôi. Lý Tứ này như con nhạn giữa trời xanh... Còn duyên thì đến, hết duyên thì đi... Khi nào thấy có cơ duyên gặp lại, tôi sẽ tự tìm đến các vị, chỉ mong cùng uống chung trà đàm luận Phật pháp... Nói xong Lý Tứ hướng về mọi người cung tay chào một lượt... 

Thất Muội lên tiếng:

Thưa Lão Sư!... Thưa các huynh đệ!... Tuy rằng thời gian qua, tiểu nữ có được chút nghĩa giác nên tạm bình an, nhưng khi quên giác, phiền não lại hiện. Tiểu nữ bèn dùng sức giác xua đuổi phiền não... Mấy hôm nay, tiểu nữ trong lòng có chút phiền muộn... 

Được nghe Lão Sư giảng giải đạo pháp... trưa nay, nhân một mình trong phòng, tiểu nữ có chút nghĩ suy... Bất chợt, tiểu nữ nhìn lại tâm mình... 

Tiểu nữ phát hiện ra nguồn tâm này bản lai bất động... Chỉ vì xưa nay, do ngu muội duyên theo nghĩ suy, nên phiền não tâm xuất hiện... Nhân thấy được bản lai, tiểu nữ mới biết rằng thế nào là giác, thế nào là ngộ... thế nào là tập, thế nào là diệt... Tiểu nữ nghiệm ra, tu hành trong Phật đạo, thấy được bất động tâm cực kỳ quan trọng. Như người tìm được kho báu... cứ nơi này đào bới, sẽ trở thành giàu có... Nếu chưa đủ duyên, để đó, ngày khác trở lại đào lên... Của báu chẳng mất đi đâu... Tiểu nữ cũng hiểu ra, tu hành trong Phật đạo không phải hủy diệt nghĩ suy, mà chính là làm mất ảnh hưởng của nghĩ suy đối với tâm này... 

Chính ảnh hưởng của nghĩ suy sẽ cho ra hư vọng tâm, phiền não tâm. Nếu nghĩ suy không ảnh hưởng, phiền não tâm, hư vọng tâm không hiện... 

Phiền não tâm, hư vọng tâm không hiện nên bản tâm hiện. Bản tâm ấy chính là bất động tâm. Bất động tâm chính là Diệt Đế vô vi. Vô vi vì tâm này chẳng do gì làm ra, chẳng do gì làm ra nên chẳng do gì mà mất... 

Lão Sư!... Tiểu nữ thấy như vậy có đúng không? Thấy như vậy có phải cái thấy của Diệt Đế, xin Lão Sư từ bi chỉ dạy!... 

Lý Tứ cười ha hả rồi nói: 

- Thất Cô Nương!... Chúc mừng Cô Nương đã thấy cái cần thấy, đã gặp cái cần gặp, đã biết cái cần biết... Cái thấy này là đúng, cái thấy này vĩnh viễn không mất... Nhưng giống như một người tìm được kho báu vô giá, vì công vụ, bận rộn nhiều điều... vị này rời xa kho báu để đến xứ khác... Tuy đã thấy kho báu, nhưng chưa có thời gian khai thác... vị này có thể rơi vào nghèo khó... Lúc nào đó, vị này rảnh rang, trở về lại chỗ có kho báu và đào lên... Vị này sẽ giàu có... Cô Nương, tình cảnh là như vậy... Theo Cô Nương, có nên rời kho báu để đi xứ khác nhận sự nghèo hèn chăng? 

Thưa Lão Sư!... Theo tiểu nữ là không nên ạ!... 

- Thế thì, nên làm gì thưa Cô Nương? 

Quyết tâm đào bới để giàu có, thưa Lão Sư!... 

- Cô Nương, có thể mai mốt, ngày kia... mây mù có kéo đến... nhưng nhất định sẽ không làm nên một trận mưa nào dù một giọt nhỏ ha ha ha ha!... 

- Cô Nương!... Cô Nương có hiểu lời tôi nói không? 

Thưa Lão Sư!... Tiểu nữ hiểu và rất hiểu!... 

- Cô Nương!... Nếu tâm không có nhu cầu, thì nhà sản xuất ý thức sẽ phá sản... Cô Nương có hiểu không? 

Thưa Lão Sư!... Tiểu nữ đã hiểu... Tiểu nữ thấu suốt quy luật cung cầu ạ!... 

- Chúc mừng Cô Nương!... Chúc mừng các huynh đệ... Một ngày mới tốt đẹp đang chờ đón mọi người!...

(còn nữa) 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG