Câu Chuyện Vào Lúc Canh Ba

Sáng ngày thứ bảy trên chiếc du thuyền, mọi người tề tựu tại phòng khánh tiết... Không đợi thập Như lên tiếng trước như thông lệ. Lý Tứ đứng dậy và nói lớn:
Thưa các bằng hữu!... Sau mấy ngày các vị chiêm nghiệm nghĩa Tập và Diệt... Tôi không có ý định trình bày tiếp Tứ Đế... Nhưng một nhân duyên xảy ra... hôm nay, tôi lược kể duyên lành này.
Đây là nhân duyên rất đặc biệt liên hệ đến Tứ Đế... Mong rằng sau câu chuyện ngắn, trong các vị, có thể có vị nào đó lãnh hội phần nào ý nghĩa của Đạo Đế...
Thưa các vị!... Đêm hôm qua, vào lúc canh ba... Một Thiên Nhân của Đâu Suất vì mất chánh niệm, vị này không có Chánh Tư Duy nên đã thất niệm và bay đến chỗ của tôi...
Vị Thiên Nhân này với thân hình không sáng chói, ánh sáng trên thân vị này mờ tối...
Gặp tôi, vị ấy lịch sự chào hỏi và câu chuyện sau đây xảy ra:
Thưa Tôn Giả, vị Thiên ấy nói:
Cõi Đâu Suất có thắng khí không?
- Này Thiên Nhân!... Thắng khí thuộc về sắc!...
Sau câu này Thiên Nhân đó lạc vào cõi sắc!... Sau một hồi ra đi, vị Thiên Nhân ấy quay trở lại chỗ tôi và hỏi:
Tôi muốn biết Đâu Suất để trở về chỗ ở của mình...
- Này Thiên Nhân!... Muốn biết thuộc về cõi dục!...
Nghe câu này, vị chư Thiên này lại đi về cõi dục!... Vị Thiên Nhân một hồi ra đi, rồi trở lại hỏi tôi:
Vậy Đâu Suất có thuộc Vô Sắc chăng?
- Thiên Nhân!... Vô Sắc thuộc về Vô Minh!...
Nghe đến đây, vị ấy mê mờ và ngồi yên!... Thưa Tôn Giả!... Thiên Nhân hỏi tôi:
Tánh giác là thường, sao Tôn Giả dạy người tịch diệt cái đã giác?
- Thưa Thiên Nhân!... Tịch diệt cái đã giác, Diệt Đế sẽ hiện, Diệt Đế đã hiện, Tánh giác sẽ hiện, Tánh giác hiện trí tuệ hiện...
Trí tuệ và nghĩ suy khác chăng?
- Trí tuệ là vô vi còn nghĩ suy thuộc về tạo tác...
Xin Tôn Giả nói rõ…
- Trí tuệ thuộc về Tánh giác, nghĩ suy thuộc về ý căn... Nếu thất niệm, sẽ thành ý thức!...
Ý và ý thức khác nhau thế nào?
- Ý thanh tịnh cho ra Chánh Tư Duy, còn ý thức không thanh tịnh!...
Giác và Tánh giác khác nhau chỗ nào? - Giác do huân tập nên phải tịch diệt, tịch diệt giác rốt ráo, Tánh giác hiện!...
Thưa Tôn Giả!... Đâu Suất là như thế nào?
- Đâu Suất thuộc về Đạo và Đâu Suất là nơi giữ Đạo!...
Đạo do đâu mà thành?
- Lấy Trí làm Đế mà thành!...
Trí ấy ở đâu?
- Trí ấy không thuộc ba cõi, chẳng rời ba cõi!... Như Pháp Giới mà thấu suốt!...
Xin Tôn Giả nói rõ...
- Pháp giới tự không nhiễm dục, không mê mờ sắc, không ám độn bởi vô minh!...
Muốn đến đó phải làm sao?
- Tịch diệt giác, vào Diệt Đế! Thấy Tánh giác!...
Tánh giác như thế nào?
- Tánh giác vô vi!...
Vô vi như thế nào?
- Tịch diệt hữu vi!...
Có phải chăng thấy Tánh giác là thấy Đạo Đế?
- Thấy Tánh giác là Chánh Kiến. Bây giờ Tánh giác là Đế, phát khởi Chánh Tư Duy để thấu suốt Đạo... Thấu suốt Đạo nên có Chánh ngữ...
Có Đạo Đế sẽ về đâu?
- Đạo Đế là con đường trở lại chỗ cũ của ông, thưa Thiên Nhân...
Có phải Thường, Ngã, Lạc, Tịnh là thể của tánh giác?
- Thường, Ngã, Lạc, Tịnh là Giác, Thiên Nhân hãy quên nó đi!...
Cảm ơn Tôn Giả, tôi đã biết rồi!...
- Thiên Nhân biết cái gì? Tôi biết nghĩa Đạo Đế!... Vị Thiên Nhân ấy nghe đến đây thân hình chói sáng trở lại và xin phép trở về chỗ cũ của mình…
- Tạm biệt Thiên Nhân... Ông hãy làm những gì xét thấy cần thiết!...
Thưa các bạn!... Mẩu đối thoại tôi vừa kể, xảy ra canh ba đêm nay...
Sau mẩu đối thoại trên, vị Thiên Nhân ấy đã hiểu rõ Đạo Đế và thế nào là Chánh Tư Duy...
Nhờ có Chánh Tư Duy mà Thiên Nhân ấy giữ được Đạo và không thối thất Đạo quả!...
Các bạn!... Nhân duyên rất lành... Nhờ vị Thiên Nhân mất chánh niệm mà tôi có thể nói với các bạn câu chuyện trọng đại trên...
Cảm ơn Thiên Nhân và câu chuyện vào canh ba đêm nay!...
*********************
Ngày thứ bảy sau khi nghe Lý Tứ kể câu chuyện canh ba, từ đó đến nay mọi người tập sống độc cư. Thỉnh thoảng họ mới gặp nhau tại phòng khánh tiết, nhưng chẳng ai nói với ai lời nào, lặng lẽ uống trà và lặng lẽ chiêm nghiệm. Tự thân từng người nghiền ngẫm ý nghĩa Diệt Đế và tập sống trong Đạo Đế... Chiếc du thuyền êm ả rẽ nước xuôi về phương Nam... Sáng nay mọi người lại gặp nhau...
Như Tác lên tiếng trước:
Thưa Lão Sư!... Mấy ngày nay, con sống trong Đạo Đế, thấm nhuần từng lời Lão Sư chỉ dạy... Đối với con thật tuyệt vời, những ngày hạnh phúc đã trải qua trong con... Một vài tập khí “kiến giải” sống dậy, nhưng nó giống như hạt sương trên đầu ngọn lá, chóng tan biến bởi ánh ban mai. Ánh sáng trí tuệ đã làm cho giọt sương tập khí tan vỡ... Cứ như thế, con dùng Chánh Tư Duy để hộ trì và lấy Bất Động Tâm làm nguồn sống...
Thưa Lão Sư!... Nhưng rồi điều này lại khởi lên trong con: Phải chăng Tục Đế lấy vô minh làm đế, nên nói rằng phàm phu không đế... Thánh Đế lấy yểm ly làm đế của khổ, và giác là đế của tập, Niết Bàn xuất thế là đế của diệt, và trí là đế của đạo... Nơi chơn đế không có khổ, nhưng có giác là đế của tập. Như là đế của diệt, Lai là đế của đạo... Thiệt đế, có chơn mà không có đế... Vì thế chơn thật mới chính là đạo...
Thưa Lão Sư!... Đồ đệ suy nghĩ như thế có đúng không, xin lão Sư chỉ dạy... Lý Tứ cười nói:
- Như Tác!... Điều ông vừa nói cho dù có thật đúng thì lợi ích gì cho ông lúc này... Cái giác chưa quên thì hãy mau mau tịch diệt cái đã giác... Còn một chút kiến giải trong lúc này, chẳng khác gì “con thằn lằn mọc lại cái đuôi”. Hãy để nó vĩnh viễn rụng cái đuôi kiến giải...
Thưa các vị!... Tôi từng nói với các vị: “Đạo Đế lấy Bất Động làm Đạo, lấy Trí tuệ làm Đế”. Trí này quan sát những tập khí xưa cũ, những kiến giải thừa sót, các thứ giác còn lưu tồn trong tiềm thức... nay khởi lên làm dao động nguồn tâm... Hãy chặt đứt nó đi... đừng thương tiếc...
Hãy nhen nhúm ngọn lửa Vô Sanh thiêu đốt rừng rậm kiến văn giác tri... Một hữu tình bị lạc vào rừng rậm vô minh, rừng rậm vô minh chính là kiến văn giác tri... Thấy nghe hay biết luôn bủa vây trí tuệ, không cho trí tuệ hiện khởi, làm cho mảnh đất tâm đầy những cỏ dại giác tri... Và hữu tình kia bị lưu lạc trong đó...
Hãy đốt lên đốm lửa vô sanh, giữ gìn nó trong tâm như người bán khai giữ lửa...
Ngọn lửa vô sanh sẽ thiêu đốt khu rừng kiến văn giác tri, chừng nào cây cỏ kiến văn giác tri cháy hết thì ngọn lửa vô sanh sẽ tự tắt... gọi là “củi hết lửa tắt”... Diệt Đế là như vậy...
Các bằng hữu!... Khi mảnh đất tâm hoàn toàn trong sạch, hạt giống giác không thể nảy mầm, chừng ấy bất động tâm sẽ hiện và trí tuệ phát khởi... Cây Giác Ngộ chỉ mọc ở mảnh đất không còn hạt mầm vô minh... Không bị che rợp bởi cành lá kiến giải... Hết lầm, cái thật mới hiện...
Kiến giải trong lúc này, chính là những cành lá che khuất ánh sáng trí tuệ... Xin các vị nhớ cho... Đây là lúc dùng tuệ này để tịch diệt nguồn tâm và tiến về bất động... Đừng thất niệm này các bạn!... Niệm đúng niệm sai đồng là niệm, khởi niệm chính là thất niệm... Nghĩ suy về niệm ấy là tà tư duy này các bạn...
Các bạn!... Vì sao tôi nói nhiều về bất động? Bất động chính là nhà chư Phật, bất động chính là tâm chư Phật... “Vào nhà Như Lai” chính là vào nhà bất động... Tâm bất động như hồ nước trong đứng lặng... Hồ nước này khi thật sự trong và đứng lặng thì các tính chất của nó sẽ tự hiện. Nó có bốn tính chất, đó là Từ, Bi, Hỷ, Xả... Khi chưa trong sạch và bất động thì bốn tính chất này sẽ không hiện... Có vào nhà Phật mới có cơ may mặc áo Phật và ngồi tòa Phật... Đó là mặc áo kham nhẫn và ngồi tòa không pháp...
Bất động chính là lõi cây, Trí Tuệ chính là Tuệ nhãn thấy rõ trong lõi cây này có tượng... Giống như nhà điêu khắc, nhìn thấy trong gốc cây kia có bức tượng... Thì cũng vậy, trong lõi cây bất động có hình tượng của Phật Tánh... Trong Phật Tánh có đầy đủ tính chất của nó là Tứ Vô Lượng Tâm... Khi bạn dùng tuệ nhãn thấy được điều này là lúc bạn phát hiện ra rằng lõi cây và bức tượng không phải là hai... Những gì che chướng làm cho bức tượng kia không hiện rõ, lập tức các bạn hãy đẽo bỏ nó đi. Đẽo đến khi nào bức tượng hoàn hảo... Tâm và tượng không hai, chính là Bình đẳng tâm...
- Vì sao gọi là “Bình đẳng tâm”? Vì tâm này và tâm Phật không hai không khác... Vì có so sánh nên nó là bình đẳng chứ không phải đẳng...
Giai đoạn này giống như người học nghề điêu khắc quan sát thật kỹ một bức tượng mẫu... Vị này nhìn ngắm và học thuộc hình ảnh thực tế từ nơi bức tượng làm mẫu... Cho đến bao giờ, người học trò kia rời xa tượng mẫu, không còn nhìn thấy, không còn khởi các niệm nhớ nghĩ mà không thể quên hình dáng cũng như các đặc điểm về bức tượng. Nói khác đi bức tượng đã nhập vào tâm người đó và tâm người đó chính là bức tượng, thì coi như đã thành công một phần nhỏ trong quá trình học tập...
Các bạn!... Những điều tôi vừa nói, chỉ là ví dụ về bất động tâm và bất động trí... Điều này các bạn phải khéo hiểu...
Sau khi vị này thể nhập vào bất động và thấy rõ những gì cần thấy... Giai đoạn thứ hai, như người học điêu khắc tập nhìn bức tượng trong một khúc cây... Để thấy bức tượng ẩn khuất trong khúc cây, vị này phải không nhìn thấy những gì của một khúc cây đã che lấp bức tượng... Đó là vị này hướng về phía chúng sanh tập quan sát họ. Cái cần phải thấy lúc này, không phải thấy chúng sanh đó như thế nào, mà chính là nhìn thấy cái thanh tịnh bất động trong một hữu tình... Muốn thấy như vậy, người này phải không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng, không thấy tướng nam, không thấy tướng nữ, không thấy dòng giống, không thấy xuất thân... Nói chung bốn tướng:
Nhân, ngã, chúng sanh, thọ giả không hiện khởi... Vị tu hành này chỉ thấy cái thanh tịnh vắng lặng đang ẩn tàng trong sự chuyển động dưới cái được gọi là chúng sanh... Thấy như vậy, các bạn đang rời dần ý nghĩa Bình đẳng để tiến vào nghĩa Đẳng...
- Sao gọi là “Đẳng tâm”? Đẳng là sự thấy nào đó mà không thông qua so sánh... Vị này đưa đến kết luận: Những vị chúng sanh kia chính đang thanh tịnh mà không tự biết...
Như người học điêu khắc thưa các bạn!... Bây giờ người tu hành đã nhìn ra sự thanh tịnh bất động đang hiện hữu trong một hữu tình. Vị ấy lại quán sát, cái gì che chướng thanh tịnh vắng lặng của chúng sanh kia... Vị ấy dùng tâm và trí bất động này quan sát đối tượng... Những gì hiện khởi làm dao động một chúng sanh sẽ hiện khởi trong tâm mình, như cái gương soi cảnh vật...
Giống như một người lớn ăn cơm, trong khi đang ăn, một hạt sạn, một mảnh răng bể, một chút ớt, một hạt tiêu... lẫn lộn trong thức ăn. Vị này biết rất rõ nó là hạt sạn, nó là mảnh răng, nó là miếng ớt, nó là hạt tiêu... và lập tức lừa ra ngay khỏi miệng...
Thông qua bất động tâm của mình để phát hiện ra động tâm của người... Như thế là bạn đã chuẩn bị vào giai đoạn mới của tu hành gọi là “Vô đẳng đẳng”.
- “Vô đẳng đẳng” chính là sự thấu suốt cực kỳ chính xác của Bát Nhã Trí...
- “Bát Nhã Trí” là công cụ tốt nhất để giúp cho một hữu tình từ lăng xăng dao động trở về với thanh tịnh bất động bản nhiên...
Ngôn thuyết từ vị này phát ra người kia tiếp nhận trọn vẹn... Nó là thứ thần chú giúp người thoát mê... Nó là Vô thượng chú. Nó là Vô đẳng đẳng chú...
Muốn học được Bát Nhã Trí, hay học Vô Thượng Trí... Vị này phải kinh qua bất động, phải kinh qua vô sanh, phải có một nguồn tâm vắng lặng không hai pháp... Điều này được nói rõ trong kinh Bát Nhã... Kinh dạy rằng: “Người học trí này phải trụ nơi vô sanh, không hai, Bất Động”.
Các Bạn!... Bát Nhã Trí chính là nhân của Tự Nhiên Trí... Bát Nhã Trí chính là nhân của Phật Trí... Kinh dạy: “Như Lai do Bát Nhã huân...” là ý nghĩa này... Chư Phật ba đời thành tựu Phật Trí và đủ mười danh hiệu chính từ nền tảng này...
Đủ mười danh hiệu như Thế Tôn gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Tâm... Vì Vô Thượng Chánh Đẳng Tâm nên mới có danh hiệu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác...
- Bốn thứ tâm: Bình đẳng tâm, Đẳng tâm, Vô đẳng đẳng tâm và Vô thượng chánh đẳng tâm... là bốn giai đoạn phải trải qua của một Phật Tử...
Nó bắt nguồn từ Bất Động Tâm... Bất Động Tâm và Bất Động Trí chính là bước khởi đầu, là nền móng, là cơ sở tốt nhất để hoàn thành Đạo Đế... Phật Đạo chính là Đạo Đế... Bốn thứ tâm đã nói chính là bốn tầng làm nên tòa nhà Phật Đạo...
Các bạn!... Các bạn còn nhớ bài kinh Đại Thí Dụ Lõi Cây... Bài kinh này, có thể coi như một tiêu biểu của người thợ điêu khắc đem từ rừng về một lõi cây để khắc tượng... Các bạn tư duy từng phần của bài kinh này sẽ thấy được những gì cần giác cho mình và cho người... Sau khi có được lõi cây, lõi cây đã ở trước mặt. Bây giờ công việc còn lại là nhìn ngắm, đánh giá và ra công đục đẽo những gì che chướng bức tượng đang ẩn tàng bởi những phần thừa của khúc cây...
Các bạn!... Giáo pháp căn bản hay giác chính là chuẩn mực, là công thức, là nguyên tắc của người thợ điêu khắc đi tìm lõi cây... Đây chính là cái chung trong Phật Đạo...
Mong rằng các bạn hãy tự đánh giá chính mình, tự thẩm định chính mình... Coi lại chính mình đã thật sự đạt được lõi cây bất động hay chưa... Nếu chưa, hãy nỗ lực để thành tựu bất động... Khi nào thật sự ở trong đó, thật sự ngập chìm trong bất động, thật sự ở trong Đạo Đế... các bạn sẽ thấy tòa nhà Như Lai như thế nào, và chắc rằng các bạn sẽ tự xây dựng tòa nhà này nơi một hữu tình khác...
Xây dựng tòa nhà trên mảnh đất bán khai của một hữu tình khác chính là Từ Bi... Bất Động Tâm là nhân và Vô Duyên Từ là quả...
Các Bạn!... Đây là hai bản kinh Tiểu Thí Dụ Lõi Cây và Đại Thí Dụ Lõi Cây. Hy vọng hai bài kinh này sẽ giúp các bạn thật nhiều trên con đường tiến về bất động giải thoát.
Cũng chính nó là giềng mối, là định hướng để các bạn tư duy phương cách “đem một khúc lõi cây từ rừng về...” và sau đó... “Tạc tượng”...
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






