Bí Kiếp Lưỡng Mục Giao Di Tâm Pháp

PHẦN III
BÍ KIẾP LƯỠNG MỤC GIAO DI TÂM PHÁP
“Nhất thiết hữu vi pháp;
Như mộng, huyễn, bào, ảnh;
Như lộ diệc, như điện;
Ưng tác như thị quán.” [1]
GIỚI THIỆU
Đây là loại công phu “tối thượng thừa”, “tối bí yếu”, nên có tên là TÂM PHÁP.
- Tâm pháp này thành tựu sẽ tự chứng “hai con mắt tréo ngoe”, có nghĩa hai con mắt trái và phải khi giao nhau hay độc lập đồng thanh tịnh.
- Mục: Có nghĩa là con mắt, con mắt tự nó thanh tịnh, trở về bản nguyên gọi là “Tịnh Mục Đà La Ni”, hay còn gọi là “Vô Cấu căn”, “Tịnh sắc căn”.
- Lưỡng: Hai.
- Vì sao nói hai: Sở dĩ nói hai, không nói một, cũng không nói không.
- Bởi lẽ nương theo ngôn thuyết thế gian, nương theo thế gian mà thấu suốt xuất thế gọi là Diệu (diệu lý).
- Nhân nơi hai thành tựu cái chẳng hai gọi là không hai (bất nhị).
- Viên thông là nghĩa này, một căn thông sáu căn đều thông (như mở gút trong Thủ Lăng Nghiêm).
- Tột thông, không gọi “lưỡng mục giao di” nữa, mà có danh xưng là “Na Già Đại Định” phiên âm ra Việt ngữ có tên “Hai con mắt tréo ngoe”.
Xuất xứ.
Tâm pháp này xuất xứ từ “Tiếu Lâm Sơn”, cách núi Thiếu Thất (chùa Thiếu Lâm) khoảng 48. 000 do tuần về hướng Tây - Tây Bắc.
Từ Thiếu Lâm Tự, muốn đến đó phải vượt qua 37 ngọn núi thấp cao, khi cầu tâm pháp chỉ một thân một mình, không hành lý, đói ăn rau, khát uống nước suối.
Xưa nay ít người đến được, vô lượng người đi, chưa được nửa người tới đích, bởi lẽ “mê trận” của 37 ngọn núi kia, và bị “cái ngã” làm chướng ngại.
TƯƠNG TRUYỀN
Trước khi chọn Thiếu Lâm làm trú xứ, Đạt Ma Tổ Sư lên Tiếu Lâm đứng ở đỉnh cao nhất gọi là Vô Kiến Đỉnh nhìn mười phương xem nơi đâu có Pháp khí Đại Thừa.
Một hôm nhân đêm trăng tròn tháng Giêng, phương Bắc phát sáng. Ngài dùng Tịnh Mục nhìn sang đó thì thấy có dị nhân nhưng không có dị tuệ, bởi lẽ bọn này không thoát khỏi “quy luật vạn hữu” nên lấy hai làm một, phát sanh luận điểm “Âm dương”, chấp nhận thuận theo trời đất để sinh tồn, vì thế chữ “LƯỠNG” đi trước.
Trăng tròn tháng sau, nhằm ngày Đại cát, ngài dùng Tuệ Nhãn nhìn sang phương Nam, thấy có vượng khí. Khi nhìn kỹ biết phương đó thế pháp hưng thịnh. Bọn này cũng lấy hai làm chỗ trọng, một bên quân tử một bên tiểu nhân, một bên sang một bên hèn, một bên phải một bên quấy...
Cứ thế cứ thế, đắp đổi qua ngày gọi là “lưỡng cẩu tranh xương”, đấu tranh không dứt.
Sang trăng tròn tháng thứ ba, ngài dùng nhục nhãn nhìn xuống phương Đông. Nơi đây người đời gọi là “Lưỡng Quảng”. Hướng này chỉ toàn bọn “thương lái” và “thi nhân mặc khách”, không có ý chí, chỉ ham làm giàu, tối ngày ngâm vịnh, cao lâu vô số, kỹ nữ đầy đường như én mùa xuân... quá chán.
Trăng tròn tháng tư, trên Vô Kiến Đảnh bỗng dưng mây ngũ sắc từ phương Tây kéo đến, sáng lòa mười phương. Biết nơi đó có Pháp khí Đại Thừa, ngài nhập định bảy ngày viết nên Tâm Pháp Lưỡng Mục, khắc vào vách đá cao nhất. Người không thành tựu Tam Minh chẳng thể đến được. Người có đủ Lục Thông chỉ đứng dưới chân đảnh đọc được một phần nhỏ, bởi lẽ “ảnh quang” của tâm pháp sáng lòa, nhìn chữ này thành chữ kia, nghĩa này thành nghĩa nọ, nếu cố đọc chỉ thấy toàn nghĩa “ba xe”... mà không biết Tâm Pháp vô vi.
Từ đó đến nay, trải qua Lương, Đường, Hán, Minh, Mãn... không ai biết trên đó có Tâm Pháp. Nếu có biết cũng chẳng thể có người lên được. Tưởng đâu tâm pháp thất truyền, ai dè cũng có người “chặt tay cúng dường” lãnh hội được, vì thế Tâm Pháp về sau truyền được sáu đời, cuối cùng “lặn mất”.
---••⁕⁕⁕⁕••---
QUYẾT NGHI
- Sao không nói lưỡng nhĩ, lưỡng tỷ... mà chỉ nói đến lưỡng mục, có ý chỉ gì chăng…?
Do nhân duyên mà đặt tên, vì đau con mắt... nếu đau lỗ tai sẽ gọi lưỡng nhĩ...
Người trí khi nghe một căn biết nói đến sáu căn, một Đại biết nói bảy Đại, một cõi nói đến 25 cõi...
Ví như khi nghe “kiến” phải biết kiến này tiêu biểu “kiến, văn, giác, tri”, không nên chấp nhất “kiến” chỉ duy cái thấy của con mắt...
- Vì sao chỉ nói mục (nhãn) mà tiêu biểu cho các căn? Nói một Đại tiêu biểu cho bảy Đại?
Bởi thể đồng vậy!...
- Thế nào thể đồng?
Phân biệt có bảy.
- Sao nói bốn Đại còn nói bảy Đại?
Bốn Đại (địa, thủy, hỏa, phong) vô tri, như ngói đá cỏ cây.
Có không Đại nên có thịnh, suy, tụ, tán.
Có thức Đại nên có tri.
Có kiến Đại nên có giác.
Vì thế hữu tình có tri có giác, lại còn có tụ có tán.
- Căn thân và thế giới sai khác thế nào?
Thế giới năm Đại (địa, thủy, hỏa, phong, và không). Thế giới không căn, tự nó không giới, vô tri.
Thân đủ bảy Đại sáu căn.
- Năm Đại thành thân.
- Thức Đại thành thức.
- Kiến Đại thành căn.
- Thức để biết, căn để giác.
- Sao kinh chỉ nói thân tứ Đại mà không nói năm Đại?
Vì từ bi, bởi nói đến không Đại, người đời mê sảng.
- Thức đã biết rồi, sao còn phải giác.
Thức biết theo nghiệp nên trái đạo, Giác bổn lai tự biết nên vô sanh.
- Khi nào biết của thức, khi nào biết của giác?
Cái biết bản nhiên là giác, biết cái bị biết là thức.
- Sao gọi “mầm danh sắc”?
Danh thuộc về tâm (thọ, tưởng, hành, thức). Sắc thuộc về thân (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân).
- Những món này từ đâu ra?
Từ hư không mà ra.
- Hư không không tự sanh?
Hư không không tự sanh, nhưng mê sẽ sanh.
- Xin nói rõ?
Như giường nằm không có đô thị, ngủ mơ sẽ hiện.
- Mê từ đâu sanh?
Nếu biết bóng tối từ đâu sanh, thì sẽ biết mê từ đâu sanh.
- Làm sao dứt mê?
Đốt nhà trong mộng.
- Làm sao dứt mê?
Chỉ cần dừng mê.
- Làm sao dừng mê?
Biết rõ (giác ngộ) không mê.
- Lấy gì biết rõ?
Lấy giác không thức.
- Giác làm sao lấy?
Bất động giác hiện.
- Hiện như thế nào?
Không hiện tức hiện.
- Không hiện sao biết?
Rời cái biết của ngã, sẽ tự biết.
- Giác biết cái gì?
Giác biết cái ngu tự chẳng ngu.
- Sao gọi là ngu?
Ngu là tướng của chấp.
- Chấp cái gì?
Sanh pháp chấp pháp.
- Vì sao sanh pháp?
Vì mê sáu trần.
- Sao mê sáu trần?
Chỉ vì nghiệp thức.
- Làm sao dứt thức?
Phải dứt cái ngu.
- Hết chấp hết ngu?
Hết chấp còn ngu, không chấp không ngu...
- Làm sao không chấp?
Bản nhiên chưa chấp, tự chẳng làm sao,
nếu có làm sao, làm ấy là chấp.
Như vậy đã quyết nghi thế nào là Lưỡng Mục.
Kinh có dạy: “Khi một căn thông suốt, các căn có thể dung thông với nhau.”
Có nghĩa một căn thanh tịnh, các căn đồng thanh tịnh.
Vì thế tu một thần thông lại thành tựu lục thông. Có kẻ đọc kinh hiểu nhầm thành các căn có thể thay thế cho nhau như ăn bằng con mắt, nghe bằng lỗ mũi... Than ôi…!...
Lại có người hỏi:
- Thế nào không dị biệt?
- Sao Phật Quốc một tâm?
Hai câu này tuy hai
Ý nghĩa đồng là một.
Người nhiếp thọ chánh pháp
Là nhiếp thọ không pháp.
Phật Quốc đồng một tâm,
Một tâm đó không tâm.
Ví như Thí, Trì giới
Tinh tấn hay Kham nhẫn,
Thiền định và Trí tuệ
Đồng thể tánh hư không.
Như hư không vô biên
Có thể dung vạn vật,
Vì không có ngần mé
Nên nhiếp thọ mười phương,
Vì không có một pháp
Nên chiếu ra vô lượng.
Như mặt trời chiếu ra
Vô số các công dụng:
Ánh sáng soi màu sắc,
Nắng ấm ấm hữu tình,
Vô tình được xanh tốt,
Xua tan sợ bóng đêm.
Mặt trời chưa từng nghĩ
“Ta có công dụng này!...”
Cũng chẳng vì người tốt,
Cũng chẳng vì người xấu,
Chẳng riêng cho hữu tình,
Chẳng riêng cho vô tình,
Thường chiếu thường soi sáng.
Chủng loại nào đủ duyên,
Đủ duyên, đủ căn lành
Đồng được nhiều lợi ích.
Sáng kia không phải pháp,
Sáng tối tự riêng người!...
Ấm kia không phải pháp,
Ấm đó cảm tự thân!...
Tốt tươi không mục đích
Có đích do đủ duyên.
Hết sợ bóng tối kia,
Tự bóng tối chẳng sợ!...
Vì mặt trời không tâm,
Mặt trời cũng không pháp.
Huệ nhựt thường viên chiếu,
Huệ nhựt không có tình.
Không tình cũng không nhiếp,
Nên gọi là nhiếp thọ.
Không có pháp để nhiếp,
Gọi là nhiếp chánh pháp.
Chánh pháp vì không pháp,
Nên nhiếp thọ vô biên.
Chánh pháp vì không tâm,
Nên dung chứa vạn hữu.
Vì thuận theo thế gian
Nơi đồng nói thành dị,
Nơi không nói thành sáu,
Có khi nói thành mười,
Nên tên Ba La Mật.
Dù cho mười hay sáu,
Thể tánh chỉ là một,
Một đó rốt ráo không.
Không kia lìa các tướng,
Vì xa lìa các tướng,
Nên nói là vô tướng.
- Thiệt tướng đó tướng gì?
Không tướng, không nhiếp thọ!...
Xưa Lão Đại Tổ Tông
Tuyên thuyết, “không một pháp.”
Mấy chục “Lão Tổ Tông”
Cũng truyền nhau không pháp.
Trước khi lìa cõi thế,
Lão Đại của chúng ta
Cũng nói là: “Các pháp
Dường như thấy có đó
Nhưng thiệt ra là không.
Ai bảo rằng có pháp
Tức thị là ma nói!...”
Nay chúng ta cũng vậy
Giống như các Tổ Tông,
Luyện được Tâm Pháp này
Mới biết thiệt không pháp.
Như voi con theo dấu,
Theo dấu voi đầu đàn.
Cả đàn đồng thẳng đến
Phật sơn ngát hương thơm.
Phật sơn không có Phật
Mà Phật hiện mười phương!...
Phật sơn Hoa như mây,
Không hương tỏa ngát hương!...
Phật sơn không gò nổng,
Cũng không có núi cao,
Chẳng có biển và đảo,
Nhưng các thứ kể trên
Đồng cùng một công đức!...
Công đức nên bảy báu
Xuất hiện khắp Đại địa.
Ao báu bát công đức
Mát lòng khách thập phương,
Hữu tình và vô tình
Đồng chánh báo không báo.
Cái thấy đồng một thể,
Cái nghe đồng một thể,
Giác trí đồng một thể,
Thể ấy là Phật thể.
Phật thể, thể từ bi,
Hỷ xả cũng thể này,
Bốn tâm không riêng khác
Nên nói vô dị biệt.
Cũng gọi là không tâm
Không tâm tức tâm Phật
[1] Trích Kinh Kim Cang
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






