Tứ Đế Tiểu Niết Bàn Trung Niết Bàn và Đại Niết Bàn

Lại một đêm trăng sáng dưới chân Dự Sơn, chuyến du lịch xuôi về phương Nam chấm dứt... mọi thứ diễn ra tốt đẹp...
Trên chiếc bàn đá giống như buổi tiệc ngày đầu gặp nhau, cũng không gian này, cũng những con người, cũng những vị trí này... Chuyến du lịch và những trải nghiệm tự thân về đạo, làm mọi người tươi tỉnh và sung mãn hẳn lên...
Ngày mới gặp nhau cũng vào mùa trăng dưới chân Dự Sơn, mười người trong bọn họ là những con người khát khao chân lý và đi tìm chân lý.
Hơn một tháng trời được nghe nói giảng giải chia sẻ... Bây giờ chân lý đang là những gì nằm trong tầm tay... Có người đã biến chân lý thành hiện thực, có người đang nỗ lực trong cơ hội hiếm hoi... Giờ phút này, mọi người ở đây là những con người mới... những con người do giáo pháp hóa sanh...
Họ là những con người cũ của thể xác nhưng hoàn toàn mới về tinh thần...
Lý Tứ lên tiếng:
Thưa các vị!... Cũng con trăng này, hôm nay chúng ta lại ngồi đây, cái nơi mà lần đầu tôi và các vị uống chung chén trà, thực sự làm bằng hữu của nhau... Thời gian qua nhanh, mới đó mà đã hơn hai tháng kể từ hôm tôi gặp các vị ở cái quán ven đường...
Các vị thử nhìn lại coi, đúng là cuộc đời như một giấc mơ... Nó chợt đến rồi chợt đi, qua mau hơn những gì người đời nghĩ tưởng... Đã hơn hai tháng mà tưởng chừng như mới hôm qua.
Thế mới biết thời gian không đợi ai, sanh lão bệnh tử không của riêng ai...
Thưa các vị!... Những gì cần nói với nhau, chúng ta đã trao đổi, những gì cần giải quyết, phần lớn đã giải quyết... Thời gian qua, chúng ta đã vượt qua bao nhiêu khó khăn gai góc trên bước đường tu tập... Tuy con đường của chúng ta hãy còn dài, mọi thứ còn ở phía trước. Nhưng sau chuyến du lịch, con đường trở nên bằng phẳng hơn, dễ đi hơn... vì mọi thứ trở nên sáng tỏ, rõ ràng như ngọn đuốc trước mặt. Cứ như thế, các vị cứ nhắm ngọn đuốc soi đường mà bước tới, không còn mơ hồ, không còn sai lạc... Tôi nói đến cái dễ dàng, cái bằng phẳng là ở chỗ đó...
Các vị!... Giống như người đi biển bị mất phương hướng, giống như người lạc vào rừng rậm ban đêm không còn dấu tích... Bây giờ mọi thứ đã khác, như người đi biển xác định được phương hướng, như người lạc trong rừng rậm ban đêm nhìn thấy đốm lửa ở bìa rừng.
Cái còn lại của chúng ta là hãy đứng dậy và bước tới... Nhanh chậm tùy vào tự thân mỗi người. Thiện ác tùy vào tâm tưởng của mỗi người...
Đứng dậy bước đi là thiện. Dừng lại đồng nghĩa với bất thiện, và quay lại với rừng rậm là ác pháp...
Cứu cánh Phật đạo luôn luôn là thiện, thoát ra khỏi “rừng rậm ác kiến” là thiện, quyết tâm vượt qua “biển lớn sanh tử” là thiện, và cao cả hơn tiến về Vô Thượng Bồ Đề là chí thiện...
Các vị!... Đạo ở trước mặt, đạo thể hiện trong từng nghĩ suy. Đạo quả chỉ thành tựu với những ai một lòng một dạ bước tới... Tinh tấn không phải là khẩu hiệu. Tinh tấn là từ ngữ bao gồm sự thấu suốt và dấn thân. Tinh tấn không dành cho hạng người thiếu ý chí cũng như ù lỳ trong nhận thức... Tinh tấn là từ ngữ đặc trưng của Phật đạo.
Tinh tấn có nghĩa tiến lên trong sự tỏ ngộ, tiến lên trong sáng suốt tỉnh táo và yên lặng. Tinh tấn còn có nghĩa tiến lên trong sự trong sạch, mê mờ đã bỏ lại sau lưng, nó thuộc về quá khứ...
Vì thế thưa các vị!... Muốn thành tựu đạo quả phải có một cái tâm không mê mờ, phải có cái trí tỏ ngộ, và cần có một ý chí kiên cường... Thời gian qua, những gì chúng ta chia sẻ với nhau chính là làm cho sáng tỏ ý nghĩa hai chữ “Tinh Tấn”. Không thấu rõ con đường phía trước thì chẳng thể tinh tấn. Không tỏ ngộ thì chẳng thể tinh tấn. Không tỉnh táo và yên lặng cũng không được gọi là tinh tấn... Vì thế tinh tấn không giống nỗ lực, siêng năng hay cần cù ở đời, mà tinh tấn có ý nghĩa riêng của nó, tức tinh tấn chỉ có trong phật đạo...
Những ngày qua chúng ta nói nhiều đến giải thoát bất động. Hầu hết các vị đã nắm vững thế nào là giải thoát, thế nào là bất động. Có vị đã đặt chân vào cảnh giới đó, có vị chuẩn bị bước tới...
Tuy từng người có cái được và chưa được chẳng giống nhau, nhưng ít ra về nhận thức thì đa phần đều hiểu. Cơ bản mọi người hình dung được thế nào là giải thoát thế nào là bất động... Kinh dạy, “Đây là mục tiêu của phạm hạnh”... Mục tiêu chúng ta đã thấy, thậm chí ở ngay trước mắt từng người. Nó giống như trái a ma lặc trong lòng bàn tay... Mọi người chỉ cần quan sát thật kỹ nhất định biết ngay nó như thế nào...
Bây giờ, thưa các vị!... Để các vị có cái nhìn tổng quát về Phật đạo, tôi xin trình bày tiếp về Tứ Đế.
- Tứ Đế... Như tôi đã từng có lần nói với các vị... Tứ Đế chính là nền móng của Phật đạo. Vì thế người tu hành rất cần thông hiểu Tứ Đế, vì Tứ Đế có nhiều ý nghĩa và nhiều tầng bậc khác nhau...
Mỗi một giai đoạn tu hành sẽ cho ra một ý nghĩa mới của Tứ Đế... Cho đến bao giờ viên mãn Phật đạo mới hiểu hết Tứ Đế là gì...
Các vị!... Trước đây có lần chúng ta đề cập đến “Giác là đế của Tập, Bất động là đế của Diệt và Trí là đế của Đạo”. Bây giờ, tôi xin chia sẻ tiếp những điều này...
Chắc các vị từng nghe nói đến có ba loại Niết Bàn. Đó là tiểu Niết Bàn, trung Niết Bàn và Đại Niết Bàn... Thật ra ba loại Niết Bàn được người xưa đề cập đến chính là sự thăng hoa của Tứ Đế... Bốn món Khổ Tập Diệt Đạo... là bốn chặng đường tu chứng và thể nhập khác nhau của người tu hành. Ở mỗi đế có sự chứng nhập riêng biệt của nó.
Nếu như Khổ Đế được coi là thông điệp Đức Phật gởi đến ba cõi, nó là hồi chuông cảnh báo cho những ai nhận thức rằng hoặc trong quá khứ, hoặc ở hiện tại hoặc đến vị lai mình có dự phần vào đó thì hãy mau tìm con đường thoát ra... Và con đường được Đức Phật tìm thấy để giải quyết hiểm họa khổ phiền não đó là Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế...
Người ta tuần tự diệt Khổ đến rốt ráo bằng ba con đường này. Từ trong ba giai đoạn diệt khổ này mà ba thứ Niết Bàn xuất hiện...
Ba thứ Niết Bàn hay ba nơi chốn mà mỗi một người tu hành muốn viên mãn đạo quả nhất định phải đặt chân đến...
Thứ nhất là tiểu Niết Bàn hay cột mốc đầu tiên một người dấn thân tu hành phải đi đến. Đó là Niết Bàn của Tập Đế... Đây là loại Niết Bàn do “Giác” làm nên... Niết Bàn này chính là thanh tịnh tự thân do sức giác mà có...
Giác là những kiến thức, những hiểu biết do học tập... và ứng dụng kiến thức này vào đời sống tu hành... Nó gồm “có giác có quán và có giác không quán”, kinh thường gọi là Văn, Tư, Tu...
Người có học tập có nghĩ suy và có ứng dụng những học tập này sẽ cho ra kết quả thanh tịnh tự thân... Niết Bàn thanh tịnh này có năng lực Dứt Tập, nó thuộc về Tập Đế. Vì thế trước đây tôi có nói với các vị “Giác là đế của Tập”.
Cho nên, có thể kết luận “Dứt Tập” là có thanh tịnh. Đây chính là loại Niết Bàn do giác làm nên... Niết bàn này là hệ quả của “tận hữu vi”... Là loại Niết Bàn lấy huyễn diệt huyễn... “Dùng huyễn giác diệt huyễn tâm”.
Thứ hai, sau khi dứt tập vị này thấy lòng thanh thản, huyễn tâm đã diệt, mọi vướng mắc trong đời được giải quyết bằng giác... Vị này ngồi xuống, tĩnh tâm nương sức giác lắng trong vọng niệm... Bất chợt vị tu hành này nhận ra, bản tâm bất động, trí tuệ không còn bóng dáng của giác... Vị này ở yên nơi bất động và bây giờ một loại thanh tịnh khác được tìm thấy, đó là thanh tịnh do bất động tâm mà thành. Thanh tịnh này chính là “Niết Bàn của Diệt Đế”.
Sự tìm thấy lần này chính là Diệt Đế... Đây là cột mốc thứ hai người tu hành đặt chân đến... Thanh tịnh bất động này hoàn toàn vô vi, nó là loại Niết Bàn do trụ vô vi mà thành... Vì thế trước đây tôi nói với các vị rằng “Ngộ hay Bất động là đế của Diệt”. Và các bạn!...
Niết Bàn thứ ba tôi muốn đề cập đến đó là, sau khi người tu hành dứt Tập, chứng Diệt... Vị này từ bất động bước ra... như người chợt tỉnh cơn mê... hoàn toàn sáng suốt...
Với trí tuệ của mình, vị này thấy được hữu vi chẳng thể có nên vô vi cũng chẳng thể có...
Vị này thoát hẳn “hữu vi, vô vi”, chứng nhập đạo pháp bằng trí tuệ chơn thiệt... Vị này bước đi trên con đường Trung Đạo, mọi mê lầm hoàn toàn chấm dứt, chỉ có trí tuệ sáng suốt. Vị này thấy rõ cái gì là “Đạo”...
Đây chính là chứng nhập Đạo Đế... Cho nên có lúc tôi nói với các bạn “Trí là đế của Đạo”.
Ba loại Niết Bàn tôi vừa trình bày, là ba cột mốc, là ba đoạn đường một người tu hành phải vượt qua.
Viên mãn Tứ Đế là viên mãn Phật Đạo. Trong chừng mực nào đó, người tu hành có thể hiểu Tứ Đế theo cách hiểu của mình, điều này không sao...
Nhưng nếu thấu suốt Tứ Đế theo những gì tôi vừa trình bày, nhất định các vị sẽ biết rõ vị trí mình đang ở và con đường mình phải đi... Tứ đế chính là nền móng, là căn bản và chính là xương sống làm nên Phật Đạo... Tứ đế được kết thúc bằng Đạo Đế. Đạo Đế thật nghĩa của nó chính là Trung Đạo, Trung Đạo là con đường chư Thánh trước đã đi...
Tóm lại, Tập Đế lấy giác làm đế. Dùng giác dứt tập, tập dứt tâm thanh tịnh. Thanh tịnh này chính là “Niết Bàn của Tập Đế”, còn gọi là tiểu Niết Bàn, một sự thoát ly hẳn tập nhân do sức giác...
Sau khi chứng nhập thanh tịnh này, vị này bất chợt ngộ ra bản tâm bất động và tự tịnh. Sở dĩ có huyễn tâm là vì có huyễn duyên hòa hiệp, như cái bóng cây... Vị này rời bỏ duyên kia chứng nhập một loại Niết Bàn thứ hai đó là “Niết Bàn của Diệt Đế”... Niết Bàn này chính là bất động tâm, lìa hẳn các duyên... Người xưa gọi đây là trung Niết Bàn...
Cuối cùng vị tu hành, từ bất động bước ra, như người chợt tỉnh cơn mê, với trí tuệ của mình vị này thấy rằng “hữu vi, vô vi” chẳng thể được, vị này chứng nhập nghĩa Trung Đạo... Đây là loại “Niết Bàn của Đạo Đế”... Niết Bàn này thuần là trí...
Ba loại Niết Bàn vừa nêu, tương ứng với ba loại hình tu tập, từ thấp lên cao đó là Tỳ Bà Xá na, Xa Ma Tha và Thiền Na... Nó cũng chính là ba thứ tam muội: “có giác có quán, có giác không quán và không giác không quán”.
Ba loại hình tu tập này cho ra ba thứ chứng nhập, một là thân chứng, hai là tâm chứng và ba là trí chứng... Ba thứ chứng nhập này làm viên mãn Tứ Đế...
Viên mãn trong điều kiện như vậy nên Tứ Đế còn có tên gọi là Tứ Diệu Đế... Diệu bởi lẽ chỉ một tâm này, một trí này, khi chưa giác gọi là khổ, giác rồi gọi là tập, thấy rõ gọi là diệt và thấu suốt gọi là đạo...
Thân chứng, tâm chứng và trí chứng làm viên mãn quá trình tu hành... Viên mãn quá trình tu hành chính là chứng nhập đạo quả trí tuệ... Đạo quả trí tuệ là Đạo. Đạo này chính là Đạo Đế vậy!...
Các vị!... Tứ đế tôi vừa nêu, chính là con đường chúng ta phải đi. Đây là tấm bản đồ chỉ rõ từng cung đường mà các bạn phải vượt qua nếu muốn đến chỗ chí đạo... Những gì chúng ta chia sẻ với nhau chỉ là khái niệm ban đầu, chỉ là lời giới thiệu... Trên hành trình sắp tới, chúng ta sẽ lần lượt đề cập cụ thể hơn hình ảnh của Diệt Đế và Đạo Đế... Giống như, một người với hành trình dài của mình, từng chặng đường sẽ có những hình ảnh cụ thể của chặng đường đó...
Chưa bước đi, tất cả hiểu biết chỉ là khái niệm!...
Xưa nay khái niệm luôn luôn là khái niệm, vì khái niệm chưa phải là thật... Muốn biết thật là gì, thì phải biến những khái niệm kia thành hiện thực... Một khi hiện thực trước mắt xảy ra, khái niệm chẳng phải là khái niệm nữa mà Phật đạo gọi đó là thân chứng...
Hôm nay, theo suy nghĩ của tôi... những gì chia sẻ đến các bạn tuy là những giới thiệu ban đầu, nhưng ít ra nó cũng cho các bạn một đôi nét khắc họa con đường phía trước... Mai mốt, chúng ta sẽ trao đổi với nhau cụ thể hơn...
Chúc các bạn tinh tấn!...
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






