Kinh THÍ DỤ LÕI CÂY Và Đời Sống Tu Hành Duy Tuệ Thị Nghiệp

 0
Kinh THÍ DỤ LÕI CÂY Và Đời Sống Tu Hành Duy Tuệ Thị Nghiệp

Hai ngày sau, khi mọi người quây quần trở lại, Lý Tứ nói: 

Thưa các vị!... Hai ngày trôi qua, đây không phải là khoảng thời gian dài... Nhưng có lẽ, thời gian này cũng đủ để các vị đọc tụng và tư duy ý nghĩa hai bài kinh mà tôi đã giới thiệu đến các vị... 

Hai bài kinh tôi giới thiệu, có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tu hành... Một bài có tên là “Tiểu Kinh Thí Dụ Lõi Cây” và một bài có tên là “Đại Kinh Thí Dụ Lõi Cây”... 

Hai bài kinh trên, xét về ý nghĩa chẳng khác nhau là mấy. Thật ra tôi không biết ai là người đặt tên cho hai bài kinh... Không biết có phải hai cái tên này do Thế Tôn tuyên nói, hay Cổ Đức đã đặt... 

Nhưng theo thiển ý của tôi, cho dù ai là người đặt tên không quan trọng... Cái quan trọng ở đây là hoàn cảnh, nhân duyên ra đời của hai bài kinh. 

Có thể nói một bài có tên là Đại Kinh và một bài có tên là Tiểu Kinh ẩn chứa nhiều điều thú vị... 

Bài Tiểu Kinh, ra đời trong bối cảnh, có vị Bà La Môn hỏi Phật về ý nghĩa của một số vị có tiếng tăm, có danh vọng... được xưng là Nhất Thiết Trí và không được xưng là Nhất Thiết Trí... đã lãnh đạo hội chúng của mình... 

Những lời trong kinh, Phật tuyên nói như một nhắc nhở: “Đối với những ai dấn thân tu hành, không nên quá chú trọng đến danh vị của người lãnh đạo”

Ở đây Phật ngầm chỉ ra, chẳng phải vì danh xưng là Nhất Thiết Trí hay chẳng phải Nhất Thiết Trí mới là đạo sư đích thực. Cái cần của đạo sư là làm được công việc đưa mình và người đến giải thoát bất động. Bất kỳ ai làm được điều này, mới là cơ sở đáng tin cậy để người tu hành chọn lựa đi theo... Và bài kinh cũng nhắc nhở rằng, người tu hành không dừng lại ở những quả vị trung gian, vì những quả vị đó chưa phải là mục tiêu cuối cùng. Và tâm giải thoát bất động mới chính là mục đích của phạm hạnh này... 

Các vị!... Điều này có ý nghĩa như thế nào? Bài kinh nói rằng, những ai dấn thân tu hành phải có sự lựa chọn thích đáng đối với vị đạo sư và hãy coi lại những tiếng tăm của họ... 

Đây cũng là định hướng cho tự thân mỗi người, nêu ra những cột mốc, vẽ lên những cung đường... mà hành giả phải trải qua, và chỉ ra đâu là mục tiêu cuối cùng... Nếu các bạn tư duy thật kỹ ý nghĩa bài kinh trên, sẽ thấy toàn bộ hành trình phải đi và những gì cần trải qua trong một giai đoạn nhất định... Vì thế bài kinh có tên là Tiểu Kinh Thí Dụ Lõi Cây... 

Chữ Tiểu Kinh, hàm ý chỉ ra chọn lựa tốt nhất để tự cứu bản thân... 

“Như vậy, này Bà-la-môn, phạm hạnh này không phải vì lợi ích, lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu Thiền định, không phải vì lợi ích tri kiến. Và này Bà-la-môn, tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây của phạm hạnh, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh. 

Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn Pingalakoccha bạch Thế Tôn: 

– Thật vi diệu thay, Tôn Giả Gotama!... Thật vi diệu thay, Tôn Giả Gotama!... Tôn Giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh Pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày. Và nay con xin quy y Tôn Giả Gotama, quy y Pháp, quy y Tỳ - kheo Tăng. Mong Tôn Giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng...” 

Các bạn!... Ta lại tiếp tục xem xét ý nghĩa của bài Đại Kinh. 

Bài Đại Kinh ra đời trong hoàn cảnh Đề Bà Đạt Đa phá hòa hợp Tăng, đem 500 vị Tỳ Kheo đi Gayàsisa, và Thế Tôn không chấp nhận cho Devadatta lãnh đạo hội chúng Tỳ - kheo. 

Đức Phật đã từ chối điều này với lời nhắn nhủ thông qua bài kinh “Đại Kinh Thí Dụ Lõi Cây”…Nội dung bài kinh này nhằm đưa ra thông điệp cho Đề Bà Đạt Đa, cho 500 Tỳ Kheo đi theo và những người còn ở lại sống đời sống phạm hạnh dưới chân Thế Tôn rằng: 

“Tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh, là lõi cây, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh”

Và bài Đại kinh có thêm ý nghĩa: “Phi thời giải thoát là giải thoát tuyệt đối”... Thông điệp đã nêu, có ý nghĩa rằng: Vấn đề ở đây không phải là được lãnh đạo hội chúng, mà cốt tủy của lãnh đạo hội chúng là khả năng đưa người đến mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh, và cái đích của tự thân người tu hành phải đạt được là “Phi thời giải thoát”...

Xét về năng lực của một lãnh đạo, thì Đề Bà Đạt Đa chưa đủ năng lực dắt người đến mục tiêu cuối cùng vì tự thân chưa thành tựu... Nếu Đề Bà Đạt Đa đã thành tựu thì sẽ không có những tham vọng kỳ khôi này trong một nguồn tâm bất động... 

Ý nghĩa thứ hai của thông điệp nhằm gởi đến cho 500 vị Tỳ Kheo lỡ nghe lời Đề Bà Đạt Đa rằng: Cho dù theo ai cũng không quan trọng, vấn đề ở đây là: Phải đạt được mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh... Có lẽ do sức từ bi của Phật, mà sau đó 500 vị này quay về với Thế Tôn... 

Ý nghĩa thứ ba, thông điệp nhằm gởi đến cho những người ở lại rằng, tự tu và hướng dẫn người tu hành không được rời xa mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh như đã nêu... 

Chính ba ý nghĩa trên làm nên cái thú vị của bài kinh khi có tựa đề “Đại Kinh Thí Dụ Lõi Cây”... 

Tiểu kinh đưa đến nhận thức chín chắn về sự chọn lựa đạo sư và con đường tự thân phải đi... 

Đại Kinh định ra năng lực của lãnh đạo và đây được coi là cương lĩnh của phạm hạnh... 

Các vị!... Hai chữ Tiểu và Đại của hai bài kinh nhắc nhở chúng ta rất nhiều về những gì cần làm của tự thân và những gì cần có trong công hạnh của mình... 

Các bạn!... Nếu chúng ta để tâm một chút, mọi người sẽ thấy hai bài kinh thoạt nhìn rất giống nhau. Nhưng tìm hiểu kỹ thì sẽ thấy rằng bài “Tiểu Kinh” chỉ nói đến “Giải thoát bất động” là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh... 

Bài “Đại Kinh” lại đưa thêm một tiêu chí cao hơn đó là: “Phi thời giải thoát, có nghĩa giải thoát tuyệt đối”. 

Như vậy, thưa các bạn!... Giải thoát bất động và phi thời giải thoát khác nhau chỗ nào. Vì sao nói rằng phi thời giải thoát là tiêu chí cao hơn? 

Chắc các bạn còn nhớ, trước đây tôi có đề cập đến: “Giác là Đế của Tập và Ngộ là Đế của Diệt”. Nhân sự kiện này, tôi xin đào sâu thêm ý nghĩa của hai vấn đề này... 

  • Giác là Đế của Tập... Có ý nghĩa rằng: Giác chỉ có giá trị dừng Tập, tức Giác là khắc tinh của phiền não, nhưng lại có giới hạn của nó... Điều này có nghĩa, khi người tu hành khởi Giác thì tập nhân và phiền não dừng lặng, ngược lại hành giả quên Giác thì tập nhân và phiền não sẽ hiện... Sự tình này ta có thể tạm hiểu đó là “thời giải thoát”. 

“Thời giải thoát”… Có nghĩa giải thoát này có thời gian, có chừng ngằn, có hạn lượng... cũng có thể hiểu nó là “sát na giải thoát”. Vì thế, trong tình huống này, giải thoát và bất động là không tuyệt đối... Cho nên tôi thường khuyên các bạn không dừng ở “Giác” mà phải tiến sâu hơn đó là “Ngộ”... Chỉ có “Ngộ” mới giải quyết rốt ráo vấn đề... 

  • Ngộ là Đế của Diệt... Có nghĩa phải dừng Giác và thấy cho được Bất Động tâm... Thấy được Bất Động tâm chúng ta tạm gọi là Ngộ... Một khi thấy được tâm này, vị tu hành sẽ vào thẳng Diệt Đế, tức là hoàn toàn Bất Động hoàn toàn giải thoát... 

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người thấy trọn vẹn tâm này sẽ không bị động lay bởi nội pháp hay ngoại pháp, không bị động lay bởi nội duyên hay ngoại duyên, không bị động lay bởi nội sắc hay ngoại sắc... Sự thường hằng của tâm này gọi là “Phi thời giải thoát”, tức là sự giải thoát Bất động tuyệt đối... Điều này kinh cũng gọi là “Phi sát na”... Có thể hiểu: “Phi sát na” là thường vậy!... Các bạn!... Ngộ chính là: “Như thị kiến, như thị tri”. 

Điều thú vị khác của hai bài kinh là: Đức Phật không nói giải thoát bất động hay phi thời giải thoát là “Mục tiêu cuối cùng của giáo pháp này”... Mà ở đây chỉ nói nó là: “Mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh”. Điều này nói lên ý nghĩa gì? 

Mục tiêu của phạm hạnh đến giai đoạn này coi như đã hoàn tất, đã đạt yêu cầu... Nhưng giáo pháp, thì hãy còn rất nhiều, giáo pháp hãy còn rất xa... 

Con đường của một vị tu hành chưa phải dừng lại ở đây... Giai đoạn này chỉ mới thỏa mãn đời sống phạm hạnh... như người thợ điêu khắc“ biết đem được khúc lõi cây từ rừng về”. Nhưng rồi tiếp theo họ làm gì với khúc lõi cây kia? 

Tất nhiên, còn nhiều việc phải làm, còn nhiều điều phải học... Việc phải học đó là cách xử lý lõi cây, công việc phải làm là biến lõi cây trở thành vật dụng có ích cho đời sống... Nó giống như người thợ điêu khắc, sau khi học xong nghề điêu khắc, cái tiếp theo là phải: “Xắn tay áo làm công việc của mình…” 

Điều này trong kinh Pháp Hoa Phật minh định rất rõ: 

“Đại sự nhân duyên Phật ra đời là khai thị, ngộ nhập Phật tri kiến... cho người tu hành”, tức là dạy cho người tu hành thành Phật chứ không dừng lại ở cửa ngõ “Giải thoát bất động”... 

Các vị!... Đề Bà Đạt Đa nhầm lẫn khi đòi hỏi “Lãnh đạo hội chúng”... Điều này đã là quá đối với năng lực của một người như Đề Bà Đạt Đa... 

Nhưng cái còn lại là: “Lãnh đạo giáo pháp” thì như thế nào đây? Hội chúng tồn tại trên nền tảng giáo pháp mà!... Đây lại là điều mà Đề Bà Đạt Đa không nghĩ đến... Tất nhiên “Lãnh đạo giáo pháp” là việc mà: Muôn ngàn lần Đề Bà Đạt Đa không làm nổi, kể cả những người đương thời nếu Phật không thọ ký thì chẳng thể đảm đương... 

Các vị!... Trên đây chỉ là những gợi ý nhỏ về hai bài kinh. Các vị hãy tư duy thật nhiều về hai bài kinh này, nghiền ngẫm từng chữ từng câu nhất định sẽ tìm thấy nhiều thú vị trong đó... 

⁎ Các vị!... Tôi cũng từng nghe có người nói rằng: “Tứ Diệu Đế lẽ ra Đạo Đế có trước và Diệt Đế đi sau, vì rằng Đạo Đế làm nên Diệt Đế...”

Thưa các vị hiểu như vậy chúng ta không bàn chuyện đúng sai... vì bởi các pháp tự nó không có đúng sai. Nhưng thưa các bằng hữu!... 

⁎ Nếu ai đã từng giác ngộ thì chắc rằng không nói như vậy, và Thế Tôn cũng không nói như vậy... Phật có dạy trong kinh: “Tứ Đế như một cái thang, muốn leo lên nấc thứ nhì phải bước qua nấc thứ nhất... Nếu muốn đến nấc thứ tư phải bước qua ba nấc trước... không thể nói ngược…”

Các bạn!... Ai đã từng ngộ Diệt mới biết thế nào là Đạo... Giống như một người có làm quan mới biết được “đạo làm quan”... Có chứng Diệt mới biết Đạo... Vì rằng chữ Đạo ở đây là đời sống bậc thánh... Đạo này chính là kết quả của Diệt... 

Xin nói thêm, bốn đế rốt cùng chỉ còn một đế, đó là Đạo Đế... 

Đạo này nương tựa trên Đế mà tồn tại... Và cuối cùng rồi bốn đế cũng trở về với hư không, trở về hư không gọi là “Vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo”... 

Vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo là Đế của Đạo vậy... xin các vị hiểu cho... Cho đến Đế kia cũng mất luôn chức năng nâng đỡ của nó. 

֎Phật Đạo có còn chăng chỉ là: “Duy Tuệ Thị Nghiệp”... 

Lý Tứ nói tiếp: 

Thưa các bạn!... Gần nửa tháng, chúng ta chia sẻ nhiều với nhau về ý nghĩa của Tứ Đế, và cũng đủ thời gian để nghiền ngẫm hai bài kinh. Có thể nói, hai bài kinh mà tôi giới thiệu đến các bạn là lời đúc kết thiết thực nhất về Tứ Đế, như lời Thế Tôn đã dạy: “Đây là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh”

Có nghĩa rằng, hãy biến những hiểu biết của mình thành hiện thực. Chúng ta không nên nói suông, chúng ta cũng không sống trên những lý luận, mà hãy sống bằng những gì cụ thể nhất của phạm hạnh... 

Để xác định một lần nữa thế nào là giải thoát bất động, tôi xin trình bày thiển ý của mình... Các bạn cố lắng nghe và ghi nhớ!... Hãy nghe cho kỹ và nắm vững những gì tôi nói!... Có nắm vững vấn đề khi thực hành mới đạt kết quả cao nhất... Các bạn!... 

  • Thế nào là giải thoát, thế nào là bất động? Cái gì cần giải thoát và cái gì sẽ bất động... Đây là những điều trọng đại, đây là hiểu biết cần có, đây là sự minh bạch tối thiểu... Một khi hiểu rõ, không nhầm lẫn, với quyết tâm của mình, nhất định người tu hành sẽ đạt được mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh... Bây giờ, tôi xin được trình bày vấn đề này: 

Giải thoát là gì? Thưa các bạn!... Theo quan niệm Phật Giáo, một chúng sanh khi xuất hiện ở cõi đời này là do kết quả của Vô Minh, Ái và Nghiệp làm nên... Khi bị vô minh trói cột, Phật đạo gọi đó là mê... Khi mê, trí tuệ của chúng sanh này bị mê lầm bao phủ, giống như người ta dùng tấm giấy màu đen bao phủ cái đèn, hay giống như một người mang cặp mắt kính màu đen... Do người này mang mắt kính màu đen nên những gì vị này thấy đều có màu đen... Vì thế vị này hiểu biết và diễn giải mọi thứ đã thấy đã biết trên ý nghĩa màu đen... 

Thì cũng vậy, khi trí tuệ của một chúng sanh đang bị màu đen vô minh bao phủ, chúng sanh này nhận thức tất cả thông qua lăng kính vô minh, gọi là sinh pháp, và sinh pháp trong ý nghĩa của vô minh gọi là pháp cấu... Pháp cấu sẽ cho ra một nguồn tâm cấu uế... pháp mê sẽ cho ra tâm mê... pháp không thật sẽ cho ra tâm hư vọng... Những thứ tâm này đều là kết quả của pháp kia, và hậu quả của nó là phiền não và sanh diệt... 

Tóm lại ta có thể hiểu: Trí tuệ bị cột trói bởi mê nên cho ra những nghĩ suy trong mê gọi là pháp cấu, và kết quả của nó là vị ấy sống trong một cái tâm hư vọng và chất chứa đầy phiền não sanh diệt... Giống như một người sống trong bóng tối, nghĩ suy hành động đều trong bóng tối và tâm hãi sợ những thứ không thật sẽ xuất hiện từ bóng tối... 

Để giúp chúng sanh dứt nỗi hãi sợ bởi những hiểu biết hư vọng kia, Phật giảng nói sự thật về nỗi hãi sợ đó, gọi là Giác... 

Giác là những gì giúp cho một chúng sanh đang mê hết mê... 

Nói chung đó là những gì của giáo pháp mà chúng ta đã biết... Nó chính là tri kiến về Phật pháp của các bạn... 

Sau khi có giác, vị chúng sanh này, giống như đã lột bỏ cái kính đeo mắt màu đen xuống, và mang lên mình cặp kính màu vàng... Với cặp mắt màu vàng, vị chúng sanh này thấy rõ mọi vật hơn... Và hiểu biết, diễn nói tất cả thông qua cái thấy màu vàng... Với lăng kính của giác, vị này tương đối thấy rõ mọi vật... Bây giờ cái biết của vị này là cái biết màu vàng, suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề bằng hình ảnh màu vàng. Vị này hết hãi sợ... Vị này nghĩ suy, hiểu biết, nói năng... trong tư thế người không còn hãi sợ, gọi là pháp tịnh... Pháp tịnh sẽ cho ra nguồn tâm thanh tịnh... 

Cái thanh tịnh mà các vị đang sở hữu, đang cảm nhận được và đang yên ổn trong đó... nó là kết quả của Giác!... 

Các vị!... Khi mê, bị mê trói buộc... Bây giờ hết mê lại bị giác trói cột... Trí tuệ của các vị từ bỏ thứ cột trói này để bị một thứ khác cột trói. Tuy rằng cột trói bằng sợi giây giác có êm ái hơn, có thanh tịnh hơn, có ít phiền não hơn, tần suất sinh diệt của tâm không nhiều... nhưng dù gì thì trí tuệ của các vị vẫn đang bị cột trói... Mà đã bị cột trói, cho dù cột trói bằng thứ gì đi nữa, thì không thể gọi là giải thoát... 

Để trí tuệ của mình giải thoát hoàn toàn... Công việc trước mắt, công việc ngay bây giờ của các bạn là hãy cởi bỏ luôn sợi dây Giác đang nhẹ nhàng cột trói chính mình... Nói rằng nó nhẹ nhàng, nhưng nếu không biết bỏ xuống, thì nó lại là sợi dây cột trói các bạn vững chắc hơn bất kỳ sự cột trói nào trên đời... Vì rằng, người ta sẵn sàng từ bỏ một đồng xu vô minh, nhưng rất khó sẵn sàng từ bỏ một ký vàng giác ngộ... Giác nó quý như vàng ròng, nhưng nó cũng là xích xiềng cột chặt các vị không cho các vị thõng tay vào vùng giải thoát... 

Các bạn!... Giải thoát mà Phật nêu trong bài kinh chính là trí tuệ hoàn toàn giải thoát. Khi trí tuệ thảnh thơi hoàn toàn không bị cột trói cho dù mê hay giác... thì hiệu ứng tức thời của nó là cho bạn một nguồn tâm hoàn toàn bất động... một nguồn tâm hoàn toàn trong sáng... Trí không bị che chướng như mặt trời không bị mây che, tâm giống như quả đất đang được soi sáng bởi ánh sáng mặt trời... Mọi đen tối của bóng đêm hoàn toàn tan biến... Thì nhất định người có mắt và có trí sẽ thấy những gì cần thấy và thấy minh bạch bằng chính cái thấy của mình... 

Thấy như vậy, Phật giáo gọi là: “Tự giác thánh trí” hay “Thánh trí tự chứng”... Có nghĩa rằng, giác này là tự giác chứ chẳng phải tha giác... Tự giác là thấy rõ mà không thông qua bởi một sự trợ giúp nào hết... Tha giác là hiểu biết nhờ bởi một cái gì đó... Một người thấy rõ mà không thông qua sự trợ giúp của mê, không thông qua sự trợ giúp của giác... gọi là tự giác... Cái hiểu như vậy, được Phật đạo mệnh danh là cái hiểu bậc Thánh. Cái biết như vậy Phật đạo mệnh danh là cái biết bậc Thánh... Để miêu tả sự thấy biết trọn vẹn này, Phật gọi là: “Tự giác thánh trí”

Thưa các bằng hữu!... Mê như bệnh, giác như thuốc... Hết bệnh thì thuốc trở thành vô dụng... Mê cho ra tâm hư vọng, giác cho ra tâm thanh tịnh... Hết mê hết giác sẽ cho ra nguồn tâm bất động... 

- Giải thoát là nói đến trí này hoàn toàn không còn mê không còn giác... 

- Bất động là nói tâm này hoàn toàn không tịnh cũng chẳng bất tịnh... 

Vì thế, thông điệp cuối cùng Phật đưa ra cho mỗi chúng ta là để thành tựu tốt nhất phạm hạnh này, hãy tự giải quyết để có một trí giải thoát và một tâm bất động... “Bất cấu bất tịnh...” là hình ảnh kinh mô tả trí này vậy!... 

Giải thoát bất động, thưa các bạn!... Đây là những việc cần làm ngay bây giờ... Giải thoát bất động là thực chứng chứ không phải kiến giải... Giải thoát bất động là hiện thực của đời sống tu hành chứ không phải những lý luận hoặc nghĩ suy... Vì thế, điều cần nhất bây giờ là các bạn hãy ngồi xuống, hãy biến lời dạy của Thế Tôn thành hiện thực... Và với hiện thực này, các bạn sẽ có một sự thấy biết hoàn toàn độc lập gần giống với “Tự Nhiên Trí”... 

Bất động tâm là Phật tâm, giải thoát trí là Phật trí... Có hai món này là có hạt giống Vô Thượng Bồ Đề... Thành tựu mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh chính là thành tựu “Căn bản trí”... 

Thành tựu hai món này, người xưa gọi là thành tựu “Hai Vô Ngã”... Tên gọi thì có khác, nhưng thực chất vấn đề chỉ là một... Con đường trước mắt còn rất dài... Thành tựu phạm hạnh rồi mới thành tựu Phật hạnh... Giống như mảnh đất chưa được xử lý sạch sẽ rốt ráo, chưa hoàn toàn sạch mầm cỏ dại... thì công việc gieo trồng trên mảnh đất này cực kỳ khó khăn và không hiệu quả... 

Mảnh đất tâm cũng vậy... Một khi chưa hết cỏ dại vô minh, chưa sạch những lưu tồn độc hại của thuốc diệt cỏ giác... nhất định chính ngay mảnh đất này sẽ hủy diệt mọi thứ cây cối được trồng tỉa trên đó... 

Các bạn!... Chúng ta có thể kết thúc câu chuyện về Diệt Đế và Đạo Đế... Kết thúc câu chuyện về Bất Động và Giải Thoát bằng câu nói của Lục Tổ Huệ Năng mà tôi được đọc qua: 

“Tâm như đất, tánh như vua...

Đất còn vua ở, đất mất vua đi”. 

Tâm Bất Động chính là đất, Trí (tánh) Giải Thoát chính là vua... Tâm Bất Động thì Trí Giải Thoát sẽ tồn tại... Tâm loạn động thì trí bị cột trói là điều tự nhiên... 

Giải Thoát Bất Động chính là Đạo Đế. Đây là nơi chốn mà một vị thánh trong Phật giáo phải đến, và nó cũng chính là bước khởi đầu, là bàn đạp để người tu hành tiến sâu hơn trong Đạo...

(còn nữa) 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG