Phật Tánh Là Gì Ý Nghĩa của Bát Nhã Tâm Kinh

 0
Phật Tánh Là Gì Ý Nghĩa của Bát Nhã Tâm Kinh

Như Duyên đứng dậy, hướng về Lý Tứ, cung tay chào mọi người rồi nói: 

Thưa Lão Sư!... Thưa các huynh đệ!... Mười người trong chúng đồ đệ, ngày nay có được trí này là do Lão Sư sinh ra. Chúng đồ đệ được Lão Sư dưỡng nuôi bằng dòng sữa Phật pháp, lớn lên bằng thức ăn Từ Bi... Giờ đây, Lão Sư thấy hiện duyên đã cạn, muốn tạm rời xa chốn này một thời gian... Quyết định của Lão Sư, chúng đồ đệ không dám lạm bàn, cái thấy của Lão Sư chúng đồ đệ chẳng dám dõi theo... 

Nhưng thưa Lão Sư!... Ơn nghĩa của Lão Sư với chúng đồ đệ như trời như biển, trong lòng của chúng đồ đệ hình ảnh của Lão Sư là ngọn đuốc soi sáng đời mình, là máu thịt làm nên tâm trí này... Nay phải chia tay Lão Sư, cho dù là tạm... trong lòng đồ đệ và các huynh muội cảm thấy nhói đau. Chẳng phải như sợi tóc dễ dàng rời khỏi mái đầu, chẳng phải như chút móng tay dài dễ dàng cắt bỏ... mà nỗi đau xa lìa Lão Sư thấu tận tâm can... 

Lão Sư!... Nếu đồ đệ và các huynh đệ được một điều ước, thì điều ước này là: Sẽ được mãi mãi ở bên Lão Sư... Đồ đệ và các huynh đệ cũng biết rằng, ở đời có hợp tất có tan, có tụ ắt có tán, còn duyên thì gặp hết duyên thì xa... Cho dù biết như vậy, cho dù thấu suốt cái huyễn hóa vô thường của vạn pháp... nhưng xa Lão Sư là điều mọi người chẳng bao giờ muốn nó xảy ra!... 

Thưa Lão Sư!... Trước khi Lão Sư ra đi, đồ đệ thay mặt toàn thể huynh đệ thỉnh cầu Lão Sư hai điều, mong Lão Sư chấp nhận, như một ân huệ của Lão Sư ban cho chúng đệ tử... 

Lão Sư!... Lão Sư như con nhạn giữa trời xanh, chẳng biết từ biệt các đệ tử lúc nào... Hiện giờ còn gặp ở đây, xin Lão Sư cho đồ đệ và tất cả huynh đệ quỳ xuống lạy Lão Sư ba lạy. Ba lạy này vừa để cảm tạ thâm ân giáo dạy, ba lạy này như món quà gởi đến Lão Sư bằng tất cả ân trọng thầy trò... 

Khẩn cầu thứ hai, xin Lão Sư giải tỏa tất cả những gì huynh đệ ở đây còn chưa rõ ràng về Phật pháp rồi hãy ra đi!... 

Lão nói đến đây, bước ra khỏi chiếc bàn, chín người còn lại đồng làm theo. Tất cả quỳ gối, hướng về Lý Tứ thành kính lạy ba lạy, ánh mắt mọi người long lanh ngấn lệ... 

Lý Tứ cũng xá lại ba xá đáp lễ, cười lớn rồi nói: 

Thưa các huynh đệ!... Thâm tình các huynh đệ, Lý Tứ tôi chẳng dám quên. Cho dù Lý Tứ có ra đi vạn dặm lòng này vẫn luôn nhớ về các vị, các vị đừng lo!... Nhất định khi đủ duyên các vị sẽ thấy Lý Tứ này đứng dưới chân Dự Sơn để chờ uống chung trà nóng... 

Mời các vị về lại chỗ ngồi của mình... Nào!... Các Huynh đệ, ai có thắc mắc gì, mau mau nói ra để chúng ta cùng nhau giải đáp... Xin mời các vị!... Như Duyên lên tiếng: 

Thưa Lão Sư!... Những ngày chưa gặp Lão Sư, đồ đệ thường hay lại qua với các bằng hữu giang hồ nhưng có tâm đạo, thường hay lui tới đàm đạo thỉnh ý những vị tu hành cả tăng lẫn tục... Phần lớn những lần gặp gỡ như vậy, mọi người cùng nhau đưa ra sở kiến của mình... 

Tuy rằng cùng tu một đạo, cùng hướng một mục tiêu... nhưng thường bất đồng ý kiến... Điều này sau khi gặp Lão Sư, đồ đệ mới nghiệm ra lý do vì sao người tu hành thường hay bất đồng quan điểm... Thật ra bằng hữu tu hành ngoài kia, chẳng được may mắn như chúng đồ đệ sau khi gặp Lão Sư. Ở đó mỗi người hiểu Phật giáo theo một cách, lý giải Phật pháp theo ý riêng vì thế không thống nhất quan điểm là chuyện tự nhiên... Có một điều, đến giờ đồ đệ vẫn còn thắc mắc trong lòng... Đó là, mỗi khi gặp nhau, ngoài kia người ta thường hay đàm luận về Phật Tánh. 

Những người này thấy tánh hay chưa thì không biết... Nhưng lần nói chuyện nào mà không đề cập đến Phật Tánh, không phát biểu về Phật Tánh, vị nào chẳng cố ý đụng vào Phật Tánh một chút, nói ra thêm mắc cỡ, đồ đệ cảm thấy như nồi canh chua thiếu ớt với me!... 

Đồ đệ trước kia cũng như họ... mở miệng là nói toàn Phật Tánh. Thú thật trong lòng đồ đệ lúc đó, Phật pháp cơ bản chưa thông... nhưng luận có, không, tánh, tướng... thì miệng trơn như thoa mỡ... Nói riết rồi thuộc... Thuộc riết rồi cứ ngỡ mình là thần thánh tổ tông... 

Đồ đệ nhớ không rõ, đã đọc ở đâu đó một số câu đại loại như sau: “Phên vách gạch ngói cũng có Phật Tánh”... 

Rồi cũng từng gặp, có vị bằng hữu cầm chung nước lên, bèn cười ha hả bảo rằng đang uống Phật Tánh, ăn miếng bánh vào miệng bèn hiu hiu bảo rằng đang ăn Phật Tánh... 

Lão Sư, câu như vậy, lời như vậy, hành động như vậy có phải là Phật Tánh không? Xin Lão Sư đả thông cho đồ đệ... 

Lý Tứ cười ha hả rồi đáp: 

Lão Huynh!... Chuyện kể và câu hỏi của Lão Huynh thiệt là thú vị... Bằng hữu tu hành xưa nay thường hay bàn luận tánh, tướng, có, không... nói nhiều về Phật Tánh. Trước đây tôi cũng có khi gặp gỡ và nghe qua... 

Thật ra tu hành trong Phật đạo, đích đến cuối cùng là thấy Phật Tánh... Mong ước điều này thật đáng trân trọng, mong cầu thấy Phật Tánh thật là chánh đáng... Tu hành trong Phật đạo mà không mong cầu ý nghĩa trên coi như thiếu sót lớn... Giống như người đi buôn, mà chẳng mong cầu lợi tức... như người làm thuê mà chẳng mơ ước giàu sang... 

Nhưng, mong cầu là một chuyện, có được là một chuyện... Bàn luận là một chuyện, thật thấy là một chuyện... Cái đáng nói ở đây, như người chưa giàu lầm tưởng mình giàu, như người chưa sang sắm vai người sang... Cách thể hiện hư vọng này, chỉ làm lớn tự ngã, chỉ làm thêm nghèo hèn... Chẳng ích lợi gì... 

Lão Huynh hỏi tôi, những người như Lão Huynh vừa nêu, họ cầm ly nước để uống bảo rằng đang uống Phật Tánh, cầm miếng bánh lên ăn bảo rằng đang ăn Phật Tánh... Thể hiện như vậy, Lão Huynh hỏi là những người này đã thấy Phật Tánh hay chưa?? Và làm như vậy có đúng hay không? 

Lão Huynh ơi là Lão Huynh!... Chắc Lão Huynh biết rõ xưa nay ai là người đích thực thấy Phật Tánh rồi chứ? Xin Lão Huynh nói cho các bằng hữu cùng nghe!...

Thưa Lão Sư!... Theo đồ đệ nghĩ, chắc chắn chỉ có Phật là vị thấy rất rõ Phật Tánh. Sau đó các Tổ nối truyền y bát của Phật là những người thấy Phật Tánh. Vì theo thiển ý của đồ đệ nối truyền y bát không thể không thấy Phật Tánh. 

- Tôi hỏi Lão Huynh, Phật và các vị Tổ y bát chính thống có bao giờ nói rằng mình ăn hay uống Phật Tánh không? 

Thưa Lão Sư!... Không thấy nói qua điều này lần nào!... 

- Lão Huynh!... Như vậy Lão Huynh có thể tự kết luận những người thể hiện như vậy là đúng hay sai rồi chứ!... 

Thưa Lão Sư!... Đồ đệ trước đây đúng là hồ đồ!... Không biết noi gương Phật, Tổ... Chỉ biết chấp nhất hành động của những người kia... rồi đâm ra bâng khuâng!... 

- Còn Lão Huynh hỏi tôi: “Có người bảo rằng phên vách gạch ngói cũng có Phật Tánh” câu nói này đúng hay sai...!... Lão Huynh có đọc kinh Đại Niết Bàn rồi chứ? 

Thưa Lão Sư!... Đã đọc rồi!... 

- Phật dạy trong kinh này, ở đâu có Phật Tánh? 

Trong kinh Đại Niết Bàn Phật dạy: “Hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh”

- Có bao giờ Lão Huynh đọc được lời Phật nói rằng: Mọi thứ trên đời đều có Phật Tánh” hay không? 

Thưa Lão Sư!... Không từng nghe nói như thế!... 

- Phật dạy: “Hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh”, nay có người nói: “Phên vách gạch ngói cũng có Phật Tánh”. Như vậy, trong hai câu nói này có một câu sai, trong hai người nói có một người sai... Vậy Phật sai hay người kia sai? 

Thưa Lão Sư!... Đồ đệ hiểu ra rồi ạ!... 

- Lão Huynh và các huynh đệ!... Phật dạy: “Hết thảy chúng sanh[1] đều có Phật Tánh”; Nay có người nói “Phên vách[2] ... cũng có Phật Tánh”... Trong hai lời này, đúng sai đã rõ... 

Tôi xin trình bày một chút sở kiến của mình về Phật Tánh... Mong rằng những lời này, có thể giúp các vị tạm thời nhận ra được cái gì là Phật Tánh và Phật Tánh tìm ở nơi đâu!... Khi xác quyết phật tánh ở nơi đâu và đâu là nơi cần tìm, chắc chắn những hồ nghi trong lòng các bạn sẽ không còn nữa... 

Các vị!... Kinh Niết Bàn Phật dạy: “Phật Tánh có bốn tính chất là Thường, Ngã, Lạc, Tịnh... Lại viên mãn có bốn đức đó là vô lượng Từ, vô lượng Bi, vô lượng Hỷ và vô lượng Xả”. Bảo rằng vô tình như phên vách gạch ngói... cũng có Phật Tánh, việc này phải quấy ta không lạm bàn... Xét kỹ lại, cho dù đó là “vô tình”... nếu “vô tình” này có đủ các tính chất và bốn đức như trên thì vô tình kia nên tin rằng có Phật Tánh. 

Nhưng trong thực tế... “vô tình” là y báu của “hữu tình”... Có nghĩa “vô tình” có được là do nghiệp “hữu tình” làm nên... Ví như phên vách là y báu của người... Đã là “vô tình” thì không có tri, không có giác hà huống lại có tính giác... Người ta có thể giáo dục một con vật, vì con vật có tri giác... Nhưng sẽ vô phương, nếu cố tình giáo dục một viên gạch... Con người mê muội cách mấy, nếu dấn thân tu hành, khi có cơ duyên giác ngộ... rồi ngày kia cũng sẽ thấy Phật Tánh... Còn ai đó bảo rằng, có thể giáo dục để một viên gạch hay tấm phên che giác ngộ, mai này viên gạch tấm phên che thấy Phật Tánh và thành Phật... thì có lẽ chuyện này chỉ có trong vọng tưởng!... 

  • Như vậy Phật Tánh là gì? Các vị!... Phật Tánh chính là kết quả của Tánh Giác hay người xưa gọi là Tự Tánh... Trong tu hành nếu ai thấy được Tánh này... tạm gọi là Kiến Tánh. 

Một khi thấy viên mãn, trí tuệ cũng tự viên mãn theo... Viên mãn này, Phật gọi là Phật Tánh... Vì thế kinh Niết Bàn Phật tuyên nói: 

“Trước khi thọ thực, thân Bồ Tát là nhục thân, thọ thực xong Bồ Tát nhập vào Kim Cang Tam Muội tiêu hóa thức ăn, thấy Phật Tánh, thành Đẳng Chánh Giác”. 

Ở đây điều kiện bắt buộc để thấy Phật Tánh và sau đó thành Đẳng Chánh Giác là Bồ Tát, chứ không phải là một... viên gạch... 

Vì thế, nếu bảo rằng “vô tình” cũng có Phật Tánh... lời nói này cần coi lại, coi lại có đúng nghĩa kinh, có đúng đối tượng, có đúng sự việc hay không!... 

Cũng có kinh Phật dạy: “Chỉ được ăn cỏ cây vô tình, không được sát hại sanh mạng, không được sát hại ngũ ấm... vì trong sanh mạng chúng sanh, trong ngũ ấm có Phật Tánh”. Ngày xưa Tổ Hoằng Nhẫn cũng có bài kệ nói về điều này: 

“Hữu tình lai hạ chủng,

Nhơn địa quả hoàn sanh,

Vô tình ký vô chủng,

Vô tánh diệc vô sanh...” 

Mấy câu kệ có ý nghĩa sau: 

Hữu tình đến gieo giống, [3]

Nhơn đất[4] quả[5] lại sanh,

Vô tình đã không giống,

[6] Không tánh[7] cũng không sanh.[8] 

Phật và Tổ xưa cùng nói như thế, cớ gì nay chúng ta lại nói khác đi!... 

Các vị!... Từ ngày gặp nhau đến giờ, tôi và các vị chưa có cơ hội chia sẻ với nhau đề tài này... Vì sao như vậy? Trong đời, ai cũng biết có của báu vô giá sẽ là người giàu có... Vấn đề người trí đặt ra là: Làm thế nào để được của báu vô giá... Không nên ngồi đó vọng tưởng về sự giàu sang nhân được của báu như thế nào... 

Nếu ngày nào gặp nhau cũng bàn luận chuyện giàu sang của kẻ có vật báu, mà người bàn luận thực tế đang khốn cùng... phỏng lời bàn này có lợi chăng? Không muốn nói là làm chuyện vô bổ...! 

Các vị!... Người giàu sang tự họ đã có thức ăn thượng diệu... Chư Phật ăn ngủ đều không rời Phật Tánh... Và chư Phật chính là Phật Tánh... 

Không phải chư Phật ăn Phật Tánh, uống Phật Tánh... Người tu hành chớ có nhầm lẫn điều này... Nhầm lẫn hoặc cố tình nhầm lẫn điều này, là tự đóng bít con mắt huệ, sẽ vô phương thấy Phật Tánh... Giống như, người nghèo khó kia muốn đi tìm vàng... nhưng trong lòng cứ đinh ninh gạch ngói là vàng... thì người này suốt cuộc đời sẽ không thể tìm được một chút vàng... Có tìm được chăng chỉ là gạch ngói mà nhầm tưởng đó là... vàng. 

Cái tai hại của nhận thức sai lầm là như vậy thưa các bạn!... Cái tai hại của không biết mà cố chấp là như thế, thưa các bạn!... Mình sai đã đành, đem cái sai, cái không biết... truyền trao cho người thiệt là không nên, thưa các vị!... 

Các bạn!... Lúc này là lúc các vị đang đi tìm vàng... chớ có nhầm lẫn gạch ngói... Hãy nỗ lực tìm thấy vàng... không nên nỗ lực hý luận ý nghĩa của vàng như thế nào khi mình chưa có vàng trong tay hoặc chưa từng thấy vàng... 

Các vị!... Chúng sanh bản chất là vọng tưởng... Vì thế, thích nói những điều mình chưa biết... thích đàm luận những sự việc quá tầm tay!... Các vị, chớ có rơi vào những hoàn cảnh như vậy... 

Có lần tôi từng nói với các vị: Muốn thấy Phật Tánh, điều đầu tiên cần biết cái gì là chúng sanh tánh. Thấy chúng sanh tánh để từ bỏ tánh này, rồi Phật Tánh sẽ hiện... Như người tu hành biết cái gì là chướng đạo, sau khi bằng lòng từ bỏ chướng đạo, đạo đích thực sẽ hiện... Những kiến giải như vậy các vị có thông cảm không? Vị nào có cao kiến xin mời!... Vị nào còn thắc mắc gì, xin nêu lên để mọi người cùng chia sẻ... 

Như Duyên lại tiếp: 

Thưa Lão Sư!... Thưa các huynh đệ!... Đồ đệ xin hỏi Lão Sư một câu nữa, câu này người tu hành và huynh đệ ở đây cũng thường hay đề cập mỗi khi trao đổi. Tuy rằng mọi người khi luận bàn đều có lý riêng của mình, nhưng cho đến giờ bản thân đồ đệ cũng chưa thông... Xin Lão Sư giải đáp giùm... 

Thưa Lão Sư!... Hầu hết người tu hành đều có đọc qua Bát Nhã Tâm Kinh, thường lấy đây bàn luận... Câu đầu tiên của kinh như thế này: “Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. 

Theo thiển ý của đồ đệ, nếu thông được câu này thì cơ hội thông cả bài kinh không khó, nhưng hình như trong đó chứa nhiều ẩn ý... Xin Lão Sư thương tình chỉ dạy... 

Lý Tứ ngửa mặt lên trời cười một tràng dài rồi dõng dạc nói: 

Các huynh đệ!... Lời Phật, lời thánh hiền là lời chân thật, chẳng có chút ẩn tình gì... Chẳng qua người tu hành đem cái tâm trắc ẩn, lấy cái trí chưa thông mà suy lường nên cho đây có ẩn ý... Thật ra câu kinh trên nói đến kết quả cái thấy của Bát Nhã, chẳng phải cái thấy của phàm tình. Chỉ vì người tu hành chưa có thật trí, chưa có mắt tuệ... dùng vọng tâm để suy lường giống như người trong bóng tối bàn luận ánh sáng... 

Lời bàn luận này cho dù có đúng cũng chỉ là lời bàn luận... Lời của người suy luận mà biết chứ không phải thật thấy... Chính vì lẽ này, mỗi người suy luận một cách, nên lời kinh trở nên mơ hồ ẩn ý, khó hiểu...

Lý Tứ hướng về phía Thất Muội nói lớn: 

  • Như Lực Cô Nương!... Cây tiêu “Hồng Ngọc Ôn Hàn” của cô có còn hay không? 

Thưa Lão Sư!... Tiểu nữ vẫn mang theo bên mình, vì nó là vật của tổ tiên!... 

- Cô Nương có biết, cây “Hồng Ngọc Ôn Hàn Tiêu” mà Cô Nương đang sở hữu có bí mật gì không? 

Thưa Lão Sư!... Theo tiểu nữ biết được, cây tiêu này, ngoài khả năng làm cho nhiệt độ điều hòa, giải trừ độc tố... nó còn có công dụng khi thổi lên làm cho người đời bỗng dưng phiền não hay hoan hỷ... Những công dụng như thế, giang hồ đều biết, tiểu nữ chưa từng nghe nói đến bí mật nào nữa... Kiến văn của Lão Sư rộng rãi, xin Lão Sư nói ra bí mật của nó cho tiểu nữ và các huynh đệ ở đây mở rộng tầm mắt!... 

Lý Tứ cười lớn rồi nói: 

Cô Nương!... Cô Nương đang sở hữu vật báu có một không hai trên đời mà không biết. Chính không biết bí mật nằm trong cây tiêu, nên cây tiêu quý trở thành vũ khí giang hồ... Vật vô giá trở thành công cụ chém giết, làm phiền não tâm người... Cô Nương và các huynh đệ nghe tôi nói bí mật của cây tiêu có một không hai này... 

Cây tiêu của Cô Nương sở dĩ có tên “Hồng ngọc Ôn Hàn Tiêu” là vì bản thân nó được người xưa tạo ra từ một viên hồng ngọc cực lớn... 

Loại ngọc này chỉ có ở biển Đông, nơi sâu nhất... Khoáng vật của lục địa cũng có loại ngọc này, nhưng tìm được viên ngọc đủ lớn và không tạp chất hầu làm một cây tiêu như thế thì chẳng thể có... Cây tiêu này, có từ hồi nào không ai biết... Nhưng những người am tường cổ vật, chỉ biết nó qua huyền thoại, người này kể cho người kia nghe, cứ thế truyền tụng cho nhau về bí mật này... 

Cây tiêu ngoài những công dụng như Cô Nương đã biết, trong đó còn chứa một năng lực siêu phàm, ít có người biết đến. 

Cô Nương có thấy cây tiêu của cô có đến sáu cái lỗ, trong khi đó cây tiêu Trung Nguyên chỉ có năm lỗ, tiêu của Man Di lại bảy lỗ... Vì rằng, nếu làm cây tiêu để thổi theo nhạc Trung Thổ thì chỉ cần có năm lỗ là đủ, cây tiêu của Man Di thổi theo âm điệu Man Di người ta phải làm đến bảy… Đằng này, cây tiêu của cô lại có sáu lỗ… Cái lỗ thứ sáu chứa đựng một phần bí mật… Chút nữa tôi sẽ nói đến công dụng của lỗ thứ sáu... 

Người làm ra cây tiêu lý luận về sáu cái lỗ như thế này: “Nếu làm năm lỗ như cây tiêu ở Trung Nguyên thường dùng, thì khi thổi lên, tiếng tiêu mang nhiều ai oán, chỉ nhân cái thấy nghe bên ngoài mà diễn đạt tâm tình, chẳng thể thấu suốt cái huyền vi trời đất bên trong... Còn người Man Di, khi tạo tiêu họ làm bảy lỗ... Chính cái lỗ thứ bảy âm thanh cao ngạo... làm đoạn lòng nhân... Vì thế, cây tiêu này mới có sáu lỗ. Cái lỗ thứ sáu nhằm dung hòa tâm vật. Ai sử dụng được nó sẽ thấu suốt trong ngoài, tâm vật nhất như!...” 

Người xử được lỗ thứ sáu của cây tiêu, nhân tiếng tiêu đầu tiên phát ra vĩnh viễn hết ngu... Từ đó về sau người này trở thành thông tuệ... Nhưng cho đến bây giờ, Lý Tứ tôi chưa nghe nói có một người nào xử được lỗ tiêu thứ sáu... 

Muốn xử được lỗ thứ sáu, người sở hữu cây tiêu phải là trượng phu... Đợi đến ngày mùng bảy, tháng bảy của năm nhuần hai tháng bảy, một trăm ngày trước đó, trai giới không khuyết... Đợi đến cuối giờ sửu, đầu giờ dần... người này chọn gò đất cao nhất trong vùng, không bị “che khuất tầm nhìn”... hướng về phía mặt trời mọc... 

Khoảng giờ đó mà không đủ duyên mặt trời chưa mọc hoặc mọc sớm hơn, coi như phải đợi đến ngày mùng bảy tháng bảy của năm nhuần hai tháng bảy lần sau... 

Khi mặt trời vừa nhô lên, người này cầm cây tiêu, hướng về phía mặt trời, mở to hai con mắt nhìn mặt trời không chớp, định thần như thế đúng bảy khắc... Xả trung khí trong đan điền cho hết, tức đan điền trống rỗng... Tâm không tán loạn, vị này hút ánh sáng mặt trời vào lỗ thứ sáu, rồi giữ ánh sáng mặt trời ở đan điền... Làm như vậy ba lần... đến khi tưởng chừng trong đan điền chỉ có ánh sáng... Đợi đến đêm, vào đúng giờ tý, nếu trời không gợn chút mây... người này ngước mặt lên trời, đưa ống tiêu vào miệng... 

Vận khí lực vào đan điền, thổi ánh sáng trở lên không trung thông qua lỗ thứ sáu. Nhờ sức hộ trì của cây hồng ngọc, ánh sáng không bị hư không cản đường, nên ánh sáng này có thể bay vào vô tận... 

Sau khi thổi hết ánh sáng ở đan điền, người này giữ trai giới... Đúng ba năm sau, cũng vào giờ Tý, người này lên gò cao, chỗ hút ánh sáng mặt trời lúc trước, ngước mặt nhìn thẳng lên trời, nhìn không chớp mắt… Khi ánh sáng ba năm trước bay đến “Minh Cảnh Dị Tinh”, cùng lúc đó “Minh Cảnh Dị Tinh” sẽ hiện. Nếu chậm hay sớm một khắc, hoặc ánh sáng chưa tới, hoặc Dị Tinh đã bay qua... sẽ không thấy được ngôi sao quái dị này... 

Đúng thời cơ, người này thấy Dị Tinh xuất hiện trong chớp mắt. Quan sát mau lẹ, sẽ thấy Dị Tinh như một tấm gương hình tròn, trong suốt... Thông qua Dị Tinh này, thật tướng vạn hữu hiện bày... Sau một lần thấy thật tướng vạn hữu thông qua Dị Tinh, từ đây đến tận cùng đời vị lai, người này hết ngu muội, thông tuệ dị thường... việc chi cũng thấu đáo... Thành ra, cây tiêu của Cô Nương, lỗ thứ sáu ẩn chứa bao nhiêu bí ẩn... Bao đời nay cây tiêu đã được nhiều người sở hữu nhưng vì không biết bí mật này nên vẫn cứ u mê... Ha ha ha ha!... Bí mật ở lỗ thứ sáu... Ngu si vì không biết nó… Ha ha ha ha!... 

- Như vậy này Cô Nương!... Muốn thấy được “Minh Cảnh Dị Tinh” cần phải có điều kiện nào? 

Thưa Lão Sư!... Theo như lời Lão Sư vừa nói, muốn thấy được Dị Tinh phải có “Hồng Ngọc Ôn Hàn Tiêu” và biết bí mật của lỗ thứ sáu cũng như cách ứng dụng bí mật này!... 

- Như vậy muốn thấy “Ngũ Uẩn Giai Không”phải có cái gì hả Cô Nương? Thưa Lão Sư!... 

Muốn thấy “Ngũ Uẩn Giai Không” phải có “Bát Nhã Trí”

- Không có “Ôn Hàn Tiêu” có thấy Dị Tinh không? 

Thưa Lão Sư!... Như tiểu nữ đây, có ngọc tiêu mà không biết công dụng cũng không thấy được hà huống không có tiêu!... 

- Khi có tiêu và biết công dụng, đem công dụng này thực hành, thấy được thiệt tướng vạn pháp thông qua Dị Tinh có cần bàn về Dị Tinh nữa hay không? 

Thưa Lão Sư!... Thấy được thiệt tướng thông qua Dị Tinh thì mọi thứ tỏ rõ đâu có cần bàn... 

- Như vậy công việc trước mắt để hết ngu si thì nên làm gì? Thưa Cô Nương? 

Thưa Lão Sư!... Nên tìm cây tiêu và học công dụng? 

- Như vậy, theo Cô Nương bí mật cây tiêu nằm ở chỗ nào? 

Thưa Lão Sư!... Bí mật cây tiêu nằm chỗ không biết nên gọi là mật ạ...!... 

- Khi biết rồi còn có bí mật nữa không? 

Thưa Lão Sư!... Vì chưa biết nên gọi là mật!... Biết rồi gọi là thiệt!... 

- Thưa các bằng hữu!... Qua câu chuyện bí mật của hàn tiêu, các vị có còn thắc mắc gì về Tâm Kinh không?

Như Bổn Mạt lên tiếng: 

Thưa Lão Sư!... Qua câu chuyện của Lão Sư vừa kể, đồ đệ nghiệm ra một điều... Câu Tâm Kinh nêu trên muốn hiểu, không phải ngồi đó suy luận, mà người tu hành phải có được các điều kiện cần có để làm nên cái thấy chân thật, tức được Bát Nhã Trí... 

Sau đó dùng trí này rọi vào Ngũ Uẩn, mọi thứ nhất định minh bạch... Vì thế, theo ý đồ đệ, muốn hiểu bài kinh, cần có hai điều, đó là có được Bát Nhã Trí và biết cái gì là Ngũ Uẩn... Chưa có Bát Nhã Trí, chưa biết Ngũ Uẩn là gì... thì cho dù bàn luận suốt đời cũng chẳng thấy thật nghĩa!... 

Thưa Lão Sư!... Phật pháp mênh mông, đồ đệ chưa dám nói là thông suốt... Nhưng chí ít, qua những gì Lão Sư chỉ dạy... những gì biết được, đồ đệ cảm nhận đủ để tu tập, tự cứu mình... Đồ đệ tự nghĩ cứ như vậy mà thực hành, cứ như vậy mà tư duy... Nhất định mọi thứ sẽ sáng tỏ... Đến khi nào Lão Sư cảm thấy có điều gì cần nói thêm, nhất định Lão Sư sẽ quay trở lại... 

Thưa Lão Sư!... Mặc dù Lão Sư như con chim trời, đến đi không dấu vết... Nhưng huynh đệ ở đây có một mong cầu, đó là Lão Sư định đi đến địa phương nào, xin Lão Sư cho các đệ tử biết... Để khi nào mong nhớ Lão Sư... các huynh đệ chúng con có thể đến đó thăm hỏi Lão Sư!... 

Lý Tứ nghe Bổn Mạt nói như thế bèn cười ha hả rồi nói: 

Các huynh đệ, có hợp thì có tan, cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn... Khi nào các bạn còn cần cầu tinh tấn để mau chóng thành tựu những điều cần thành tựu trong Phật đạo, đó chính là lúc Lý Tứ đang ở bên cạnh các bạn... 

Nhược bằng, cứ phóng dật, giải đãi, mãi giong ruổi theo pháp thế gian, cho dù Lý Tứ có ăn chung mâm, ngồi chung chiếu với các bạn, cũng chẳng khác chi người xa lạ!!! 

Thời gian tới, Lý Tứ có hẹn ước với một người, hôm nay phải khởi hành để kịp thời gian đã định... Nói đến đây, Lý Tứ nhìn từng người, những cặp mắt đỏ hoe, trìu mến đang hướng về Lý Tứ như cố giữ chân người lữ khách phiêu bạt!!! 

Để không kéo dài cái bịn rịn lúc chia tay, Lý Tứ chắp hai tay vái chào mọi người, rồi tung mình lên không, trong chớp mắt, Lý Tứ như một mũi tên lao thẳng về hướng tây!!! 

Hình ảnh Lý Tứ như một vệt khói nhỏ dần rồi mất hẳn, chỉ còn văng vẳng tiếng cười quen thuộc và âm vang của bốn câu kệ từ hướng Dự Sơn vọng ra:

 “Chư ác mạc tác,

Chúng thiện phụng hành,

Tự tịnh kỳ ý,

Thị chư Phật giáo.” 

Mười người giật mình, nhìn nhau, tất cả đều ngẩn ngơ!... 

---•••⁕ ⁕۝⁕ ⁕•••---

[1]  hữu tình

[2] vô tình

[3] Phật 

[4] tâm

[5] Phật

[6] không Tánh giác 

[7] giác

[8] Phật quả 

(còn nữa) 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG