Cơ Duyên

 0
Cơ Duyên

CƠ DUYÊN 

Như đã có lần nói, Tâm Pháp này xuất xứ từ Tiếu Lâm Sơn nơi không có dấu vết của ba cõi, phàm phu vô phương đến được.

Kẻ có Tam Minh thật đủ duyên lành mới mong lãnh hội vài phần. 

Còn bọn chứng Lục Thông cũng đến núi này nhưng đứng dưới chân đảnh dòm lên, chữ được chữ mất, trông gà hóa cuốc, mười phần lãnh hội chưa được phân nửa của một. 

Vì thế cơ duyên có được Tâm Pháp cũng cực kỳ tiếu lâm, hư hư thực thực, thực thực hư hư, nhoẻn miệng cười cái hà, tất cả đồng như mộng. 

Kẻ ngu dốt, cứ y văn tự này mà tìm Tâm Pháp như kẻ mù bẩm sinh đi tìm màu sắc. 

Người lìa văn tự trong đây mong tìm Tâm Pháp giống như ban ngày ngước mặt đếm sao!...

Có kẻ biết cười, tiếng cười như tiếng khánh, trong tựa suối reo, cao vút ngàn mây, hạc nghe chao liệng, kẻ này mới mong lãnh hội. 

Chính thế, chuyện kể về cơ duyên thuộc loại “bất khả lậu”, thì chỉ nên đem tâm “bất khả lậu” mà kể nhau nghe. 

Người chưa được tâm này nếu có duyên biết đến coi như “kể chuyện trên trời” nghe cho vui tai rồi bỏ... 

**************

Cơ duyên (1) “GIẶT Y” 

Duyên như thế này: 

Những năm cuối đời, sau khi nhìn trước ngó sau, dòm tới dòm lui không còn người đủ duyên hoằng pháp. 

Một hôm Huệ Năng sực nhớ, mở bọc ra xem, dùng Thiên Tỷ ngửi qua thì cái y nghe đã bốc mùi “hạ giới”. Nhân cái mùi “bất tịnh hạ thế” thoang thoảng, biết rằng cái y không còn tinh sạch như hồi mới nhận. 

Hôm ấy buổi chiều, trời quang mây tạnh, Huệ Năng thấy không có người để ý, một mình quảy cái bọc âm thầm ra con suối sau chùa, tính giặt cái y đã mấy chục năm chưa một lần giặt giũ. 

Huệ Năng kính cẩn đặt cái y lên phiến đá bằng phẳng. Phiến đá từ đen hóa trắng rồi trong suốt như pha lê. Trên phiến đá nơi nào không có y phủ lên tỏa ra ánh sáng xanh màu ngọc. 

Huệ Năng bây giờ thân thể đã già. Con mắt viễn nặng một bên bảy độ một bên gần mười độ, nhưng khi nhìn vào ánh sáng phát ra từ viên đá, con mắt trở lại bình thường, sáng tợ sao trời. Từ đó đến lúc viên tịch, con mắt Huệ Năng đêm như ngày nhìn không ngăn ngại. Nếu đêm nào trời mưa, giữa hai chân mày phát ra tia hồng ngoại hỗ trợ “nghe nhìn”... 

Huệ Năng chỉnh mục, mắt ngó không quá một tầm. Tâm vững như Tu Di, một đường thẳng đến con suối trước mặt định nhiếp tâm biến con suối thành ao thất bảo lấy nước bát công đức giặt y. 

Cắm cây thiền trượng xuống giữa suối, dòng Tịnh Thủy từ đầu trượng phun lên bao trùm tám mươi bốn trượng, cao tám cây Ta La. Huệ Năng đảo hai con mắt như Minh Châu nhìn khắp mười phương, nhìn đến đâu nước hóa thành hư không đến đó. Phần nước còn lại không thể hóa hư không biến thành vô số Hoa Mây tỏa mùi thượng diệu. Mùi hương bay xa đến Đao Lợi thiên, rồi qua Đâu Suất... 

Chỉ có dòng nước trên cái y không thể tan biến. Vầng nước này cứ quanh quẩn trên y độ một tầm, đến chiều hôm sau mà không rớt xuống. 

Chúng tăng trong chùa vì thiếu công đức, nên một ngày qua, từ lúc Huệ Năng ra sau chùa định giặt y đến lúc đó ham mê tĩnh tọa, quên mất ngày đêm. Thậm chí không ngó ngàng đến chủ chùa còn sống hay chết... cũng chẳng biết sau chùa có điềm lạ... 

Cứ như vậy, Huệ Năng thể nhập “Na Già Đại Định”. Trong Định có Y, trong Y có Định, chờ cho y sạch như hồi mới nhận rồi mới xuất định. 

Sau 351. 592. 053 hơi thở ra vào, trên không trung có ánh vàng chiếu xuống sáng chói một phương. Huệ Năng xuất định, dùng Huệ Nhãn quan sát xem việc gì xảy ra... Giữa đám mây màu vàng phát ra sáng vàng, có một lão Tăng thân vàng trượng sáu, trên vai quảy chiếc giày vàng bằng cây trúc vàng, thư thả bước xuống. Chuyện này trong Pháp Bảo Đàn có kể sơ lược, không kể chi tiết vì “bất khả lậu” vậy... 

Huệ Năng thoáng qua biết đó là Sơ Lão Tổ Tông. Huệ Năng lấy Phật lễ, đảnh lễ ba lần. 

Sơ Lão Tổ Tông quắc mắt nhìn thẳng vào Lục Tổ, hơi không vừa ý, chỉ ậm ừ chiếu lệ. 

Sau khi đảnh lễ ba lần, Lục Tổ lên tiếng trước, theo lệ Tăng chủ chào Tăng khách!... 

Mô Phật!... Mô Phật!... Mô Phật!... 

Chúng đệ tử, nghe y bốc mùi, tính ra suối giặt sau đó cất kỹ, sợ bọn thô tục ăn cắp ạ!... 

Sơ Lão Tổ Tông nghe xong, cất giọng cười lớn ba tiếng. Đàn hạc bay ngang qua trên trời cố sức vùng vẫy vỗ mạnh đôi cánh nhưng cũng không thoát khỏi âm hưởng tiếng cười của Sơ Lão Tổ Tông. 

Chúng tăng trong chùa, thì nghe đó là ba tiếng sấm nổ vang rền bảy núi, bọn chúng ù tai, không thể nhập định... Cười xong ba tiếng, Sơ Lão Tổ Tông bèn mắng yêu Lục Tổ rằng: 

Thiệt ngươi đãng trí quá, ngươi không biết cái y truyền cho ngươi là giống gì sao? 

Nó đâu phải y áo phàm Tăng, mà nó là tấm Đại Y ngày Thế Tôn mới thành Đẳng Chánh Giác, chư thiên Đao Lợi cúng dường... 

Loại y này là Vô Tướng Y, còn cái Bát là Vô Tâm Bát do công đức làm thành. Vì thế hai món này còn có tên Vô Vi Tín Bảo. 

Nó đâu phải thứ y làm bằng vải Sa Tanh của bọn A Phú Hãn, làm gì bốc mùi được!... Cái mùi ngươi nghe hồi nãy là của bọn phàm phu trong chùa hai ngày qua tĩnh tu chưa tắm giặt nên có mùi lạ lạ... Thiệt ngươi đã lẩm cẩm rồi... Tội nghiệp cho ngươi!... Tội nghiệp!... Tội nghiệp!... 

Huệ Năng nghe mấy lời này, như Cam Lồ chảy vào tâm, mới nhớ lại chuyện chiếc y đã nghe kể rồi mà nay tự nhiên quên khuấy... 

Lục Tổ lại đảnh lễ ba lần xin thưa chuyện chiếc y. 

Sơ Lão Tổ Tông bảo: 

Ta biết, ta biết!... Lo xa như ngươi là phải, là phải!... 

Hễ vật quý trên đời, sớm muộn cũng có ngày bọn nó dòm ngó, chôm chỉa, đem về làm của riêng, khoe với hàng xóm cho oai... chớ ăn uống gì được!... 

Nay ngươi còn khỏe mạnh, ngủ thức giữ gìn nên y không mất. 

Một mai, ngươi đổ đau nằm đó, ai kẻ giữ y? Thứ này nếu bọn trọc phú nghe được, giá nào cũng kiếm cách sở hữu... 

Đến hồi đó, đám đệ tử của ngươi có đứa nào đáng tin cậy? 

Huệ Năng nghe lời này như cởi tấc lòng bèn lần nữa ba lần đảnh lễ rồi tuyên Phật hiệu: 

Mô Phật!... Mô Phật!... Mô Phật!... Sơ Lão Tổ Tông nói phải, nói phải!... 

Để tránh cái họa mất y, không lỗi với các Lão Tổ Tông xin Sơ Lão Tổ Tông mách nước. 

Sơ Lão Tổ Tông cười khà một tiếng rồi nhìn quanh bốn phía, xem coi có kẻ nào nghe lén hay không? Khi quan sát kỹ lưỡng biết không có ai, Sơ Lão Tổ Tông bèn hạ giọng nói với Huệ Năng, mật ý Đại khái như sau: 

Ta sống ở Trung Thổ nhiều năm, tiếp xúc với nhiều hạng người, thượng vàng hạ cám nên mánh lớn mánh nhỏ của bọn này ta rành sáu câu. 

Ngươi chỉ được Phật Pháp tinh thông nhưng thế pháp dở bẹt. 

Để ta nói cho ngươi nghe, “binh bất yếm trá”. Ngày xưa Triệu Đà của xứ này đã từng dùng chước này qua mặt bọn Giao Chỉ cái một. 

Sao nay ta không dùng chước ấy để giữ y, khiến bọn chúng “mắc hỡm” một phen coi như “gậy ông đập lưng ông”

Nghỉ lấy hơi rồi Sơ Lão Tổ Tông nói tiếp: 

Nhân đây để bọn Trung Thổ trả cái nghiệp “làm hàng giả”, một công hai chuyện, không mất y lại đặng phước lớn. 

Chu choa!... Chu choa!... Tội nghiệp!... Tội nghiệp!... “Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn!...” Mô Phật!... Mô Phật!... 

Huệ Năng nghe đến đây, mới biết Lão Tổ Tông cơ trí hơn người, hèn chi đôi giày chỉ mất một chiếc. Quá phục!... Quá phục!... 

Sơ Lão Tổ Tông lại kề tai nói nhỏ với Lục Tổ rằng: 

Ta đã có dự tính từ lâu, nay ta đem y về Đao Lợi, sau này kẻ có duyên sẽ được. Tiện đây ngươi cất “phiên bản” rồi cứ thế!... Cứ thế!... 

Nghe chưa dứt câu “Cứ thế!... Cứ thế!...” Huệ Năng ngẩng đầu lên chỉ thấy “một vầng mây trắng bay”... và cái y mới cáu cạnh không phải đồ “second hand”[1] đang đặt trước mặt... 

Theo Pháp Bảo Đàn thì cái y này trước khi viên tịch Lục Tổ ngậm ngùi xé làm ba, một cho Phương Biện, một để ở chùa, một liệm theo người... Còn cái Vô Tướng Y và Vô Tâm Bát thì còn nguyên ở trời Đao Lợi do Sơ Lão Tổ Tông mang lên đó... Đời sau mới có kệ rằng: 

“Đao Lợi Vô Tướng Y

Hoa Nghiêm Long Cung hữu

Dị nhân đồng dị tuệ

Tiếp y tức y chỉ.” 

Người sau vô trí nghe bốn câu này nhưng chẳng biết mô tê gì hết là vậy. 

---∙∙∙⁕⁕ ⁕ ۝⁕ ⁕⁕∙∙∙---

Cơ duyên (2) “BẤT ĐỘNG HÝ TIẾU” 

Lại cơ duyên như vầy: 

Cơ duyên này cũng không kém phần “tiếu lâm” và thuộc loại “bất khả lậu” nên khi nghe đến cũng chỉ nên dùng tâm bất khả lậu và máu hài hước mà đọc. 

Càng gởi gắm cái “hài hước” chừng nào, mau thành tựu tâm pháp chừng đó. 

Cảnh giới này gọi là “Bất động hý tiếu”. Nếu hý tiếu mà động thì hý tiếu này thuộc phàm phu, không có phần ở đây. 

Vì thế mới có thơ rằng:

“Tây phương Di Lặc kha kha tiếu

Đông Thổ ha ha khải tâm hoa.” 

Đó là nghĩa gì? 

Nghĩa là nơi Phật quốc ngài Di Lặc há miệng cười vài tiếng. 

Ở hạ giới ai đón nhận trọn vẹn tiếng cười này mà không động lay nhất định hoa lòng sẽ nở, hãy đợi đấy (chữ khải là nghĩa này)!... 

Viết đến đây lại có khách đến viếng, nên tạm gác phần tâm pháp lại, bèn mở tâm ngôn cho thỏa lòng chủ khách. 

- Như thế nào là Tam Bảo tự tâm? 

Giác là Phật, trí là Pháp, thanh tịnh là Tăng. 

Giác là Phật, thanh tịnh trí là Pháp, ai có đủ hai điều này gọi là Tăng. 

- Sao gọi là biết, sao gọi là hiểu biết? 

Hiểu là tri, biết là giác. 

Hữu tình có hiểu có biết gọi là có tri có giác. 

Tri (hiểu) thuộc về thức (ngã), giác thuộc về biết, cái biết chưa từng bị biết nên biết này vô ngã. 

Cho nên kinh nói: “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn” có nghĩa lấy cái hiểu làm cái biết tức thì trở thành vô minh. 

Cái biết (giác) tự nó thanh tịnh.

Cái hiểu sanh ngã (có chủ thể đối đãi) nên sanh tâm. 

Cho nên Phật được gọi là bậc Đại Giác, không ai gọi là bậc Đại Tri Giác. Có nghĩa… 

Phật biết, biết rõ chứ không phải hiểu.

Biết, biết rõ tạm gọi là thấy thiệt tướng.

- Như vậy hiểu (tri) do đâu thành lập? 

Hiểu do nghiệp, do huân tập mà thành...

- Như vậy biết (giác) do đâu thành lập? 

Giác không do đâu, không do đâu nên gọi tự giác. 

- Công dụng của giác? 

Cái biết (giác) là thường nên không rơi vào đoạn diệt. 

- Xin nói rõ về giác? 

Cố nói điều này giống như con mắt cố nhìn con mắt, tuy vậy cũng tạm ví dụ như vầy: 

Thấy cái đèn, biết đó là cái đèn, biết này thuộc về giác. 

Thấy cái đèn, hiểu rõ cái đèn có tướng trạng thế này thế kia... và các giá trị không thật đi kèm gọi là hiểu (tri). 

Tướng trạng cái đèn và các giá trị quanh nó thế này hoặc thế kia do huân tập mà có, do tướng đối đãi mà hiện. 

Hiện này gọi là sanh pháp. 

- Cái giác cũng do huân tập mới biết tên là “đèn”? 

Cũng huân tập, cũng không huân tập. 

Nói huân tập vì thuận theo “thế đế lưu bố”. Nếu không có thế đế, giác kia tịch diệt. 

Giống như cái trống có đánh có kêu, không đánh không kêu, chỗ này phải khéo hiểu... Người trí, nhân ví dụ mà hiểu... Trống không huân tập tiếng kêu nhưng đánh lại kêu... 

Vì thế kinh Lăng Già Phật dạy: “Phàm nói trâu, thánh cũng nói trâu. Thánh nói trâu do thế đế lưu bố, phàm nói trâu do thế đế lưu bố có tưởng chấp trước”, chính “tưởng chấp trước” là đầu mối phát sinh vọng tình, từ vọng tình khởi ra vọng tưởng, nhân vọng tưởng có vọng tâm, có vọng tâm có phiền não sanh diệt... 

Dòng tâm thức niệm niệm sanh diệt không ngừng, kinh gọi là “chư hành vô thường...”. 

- Làm sao dừng tâm thức? 

Phải giác được “bổn lai vô sanh.”

Phải ngộ được “tự tâm tự tịnh.” 

- Thế nào là “giác bổn lai vô sanh”? 

Thấy cho được giác này chưa từng sanh. 

- Thế nào “ngộ tự tâm tự tịnh”? 

Đối trước muôn cảnh biết rõ cảnh kia mà tâm không động lay, không động gọi là tịch, không lay gọi là tĩnh. 

Thường tịch thường tĩnh, không thấy tịnh cùng bất tịnh gọi là thanh tịnh. 

Mời uống trà!... 

---∙∙∙⁕⁕ ⁕ ۝⁕ ⁕⁕∙∙∙---

 Khi chiều lại có người hỏi: 

- Vì sao Sơ Lão Tổ Tông đem y cất ở Đao Lợi, mà không để ở Đâu Suất? 

1) Vì y chỉ là tín vật của phàm nhân cõi dục, cụ thể là con người.

2) Đao Lợi là nơi người trong cõi dục có thể đến được.

3) Nếu để ở Đâu Suất “người hữu duyên” sẽ không thể đến đó được, làm sao thấy mà lấy.

4) Còn để ở cõi dưới như Tứ Thiên Vương thì nhiễm dục nặng nề, giác quán do dục, không lấy được y.

5) Để ở cõi sắc không có giác quán thì lấy y mà làm gì!...

6) Lại nữa, ở Đâu Suất thiên hạ thừa y...

- Vì sao người cõi dục cần y làm tín vật còn cõi khác thì không? Vì ba trợn vậy!... 

--∙∙∙⁕⁕ ⁕ ۝⁕ ⁕⁕∙∙∙---

 Cơ duyên (3) ĐẤT “HOA THỊ” VÀ NƯỚC “THIÊN HOA” 

Lại tiếp chuyện cơ duyên: 

Khoảng bảy trăm kiếp tính bằng lịch Đao Lợi, từ khi Sơ Lão Tổ Tông đem Y về đó. Y để ở Tu Di sơn, bát để ở Hỷ Kiến thành nhờ Đế Thích trông coi. 

Gởi gắm xong rồi, Sơ Lão Tổ Tông trở về Đâu Suất nội viện thăm hỏi hàn huyên với các Lão Tổ Tông, ăn bánh uống trà... Chờ điều công tác khác... 

Nam Diêm Phù Đề có nước vừa vừa tên Thiên Hoa, nước này Đông giáp biển Tây giáp núi, ở giữa đồng bằng. Trên rừng dưới biển khoáng vật vô số. Núi rừng thì có trầm, kỳ, ngà, quế... Biển sâu đầy rẫy san hô, hổ phách, ngọc trai châu báu... Trung du trên lúa dưới vàng... Chính phước lớn này mà Thiên Hoa thường bị bọn tham lam ở ngoài dòm ngó. Vì thế xưa nay hay có loạn lạc. 

Miền nam Thiên Hoa, khoáng vật không nhiều nhưng nhờ phước trời, hai mùa mưa thuận gió hòa. 

Nhằm năm Nhâm Ngọ tiết Xuân Phân, không biết ở đâu có chín con rồng bay lại. Trong chín con có bảy con cái cùng hai con đực. Chúng vần vũ trên cao một hồi rồi chụm đầu vào nhau theo hình rẻ quạt, lăn mình xuống đất khói bụi mịt mù, đất trời hôn ám, tiếng vang dậy trời suốt chín ngày chín đêm...

Nửa đêm thứ chín, tự dưng bốn bề vắng lặng. Sáng ra, người gan lớn mới dám bước ra ngoài. 

Trên cao nhìn xuống, nơi chín con rồng quẫy đập chỗ sâu nhất độ ba mươi trượng. Chỗ cạn mười trượng, bề rộng ước non năm mươi trượng. Chín con dài ngắn không đồng. Con dài nhất từ biển chạy đến gần cuối Tây Diêm Phù. Con ngắn nhất cũng non cả trăm do tuần. 

Bảy con rồng cái đẻ được bảy quả trứng ở hướng Tây. Hai con đực nhả hai hòn ngọc, một ở cuối Đông và một ở Tây Nam... Từ đó, vùng đất này có tên Hoa Thị... 

Một trăm ngày sau, một trong bảy quả trứng phát ra tiếng nổ lớn, trên vang đến Hữu Đảnh dưới thấu đến A Tỳ. Từ miệng quả trứng, một cục đen thùi lùi bay ra, rơi xuống nơi giao đầu của chín con rồng. Sau một trăm ngày chỗ chín con rồng giao nhau đất tự nhiên bằng phẳng, cây cỏ tốt tươi, dân cư đến ở nhà cửa mọc lên. Người ta gọi đó Long Giao. Làng Long Giao rộng ước cả ngàn sân bóng đá. 

Cũng trưa hôm ấy, cái bữa cục đen thùi lùi bay đến Long Giao. Cô thiếu nữ đẹp nhất trong thôn bị cục đen thùi lùi rơi trúng. Đau quá, giật mình tỉnh giấc, thì ra “mơ giữa ban ngày” và thiếu nữ có thai... 

Từ đó về sau, Long Giao trở nên đông đúc, đời sống phồn vinh, xét qua Nam Diêm Phù không có nơi nào sánh bằng!... 

Tối ngày sáng đêm, trẻ con tóc chỏm ba giá, chúng tụ tập với nhau hát đồng dao, bài hát thế này:

“Chín rồng mà trồng bảy núi

Bảy núi là muội là huynh,

Cục đen sinh ra Lão Tổ.

Lão Tổ từ chỗ cục đen.

Trong bùn lại mọc bông sen.

Có ai ngờ được... “cục đen thùi lùi”.

Bên nào trắng, bên nào đen...”. 

Còn người lớn thì, lúc nào trong lòng cũng thơ thới, gặp nhau hát hò ngâm vịnh, họ truyền tụng bài thơ dở bẹt như sau: 

“Ta sẽ đưa nhau về nơi “chín dòng sông hò hẹn”!...

Nhìn dòng sông xưa lững lờ, bền bỉ, trăng theo nước trôi xa.

Và âm thầm, rất đỗi phù sa.

Lặng lẽ tháng ngày dắt dìu nhau, dắt dìu nhau vào miền đất mới.

Đưa nhau đến cái thuở đất trời chưa có đông, chưa có hạ,

Chưa có tang thương, cũng chưa có tiếng cười.

Cái thuở hồn nhiên như con sáo lưng trời

Như con bìm bịp kêu, kêu theo nước ròng nước lớn.

Có ai biết vòng đời con phù du cũng đủ đầy danh lợi!...

Cũng giành giật nhau kiếm chỗ một bóng đèn.

Rồi vô tình rớt xuống trong đêm.

Rốt lại một đời, chỉ là con phù du, con phù du bay mau trong gió.

Ta sẽ đưa nhau về chín con sông hồn nhiên ngày cũ.

Nghe tiếng ầu ơ!... Như trăng sáng đầu thôn.

Con vạc thảnh thốt ngâm, cùng hạc nội mây ngàn,

Cái thanh thản một đời, một đời rồi trở thành bất tử...

Như mặt trời, như hư không vĩnh cửu,

Chẳng có sanh ra cũng chẳng có mất đi.

Ai bảo rằng em, rằng tôi, rằng chúng ta đồng những kẻ thị phi?

Chỉ tại họ không biết cái nơi, cái nơi, cái nơi... đã rời xa mộng mị.

Đưa nhau đến những dòng sông lững lờ, nhưng rất đỗi thương yêu bình dị.

Vẫn lặng lẽ chở phù sa, như bóng nắng xế chiều...

Rọi xuống hàng dừa, rọi đến cõi tịch liêu.

Đong đưa từng kẽ lá... nhìn chiếc bóng gầy.

Cùng nhau thưa cụ ạ!…”

Đố là con gì? Đó chính là... là... là con cá!... 

---∙∙∙⁕⁕ ⁕ ۝⁕ ⁕⁕∙∙∙--- 

Chiều nay lại có khách, bèn tạm đóng tâm pháp, khai ngôn pháp. 

Ngôn pháp như sau: 

- Tánh Giác và Tự Tánh khác nhau chỗ nào? 

Tự Tánh là thể, Tánh Giác là dụng. 

- Tri và Giác sai khác, như vậy ba thừa và Nhất thừa chỗ dụng có khác chăng? 

Phàm phu lấy tri làm giác, ba thừa tịch tri nhưng chưa kiến giác, Nhất thừa đạo kiến giác, Bồ Tát Nhất thừa (Phật thừa) liễu giác. 

- Như vậy có phải hễ ai thấy (kiến) Giác được gọi Nhất thừa?

Hiểu như vậy cũng đúng cũng không đúng, Như thấy ruộng nói có lúa. 

- Thế nào đúng thế nào không đúng? 

Thấy Tánh giác (kiến Tánh) là thấy Nhất thừa đạo (con đường đến Nhất thừa). 

Liễu giác (thấy Phật Tánh) mới đến được Nhất thừa (gọi là người Nhất thừa). 

Vì thế có thể tạm nói: “Tánh giác là nhân, Phật Tánh là quả” (Phật đạo là nhân, Phật quả là quả). 

- Xin nói rõ!...

Ví như lên xe đi Sài Gòn là Sài Gòn đạo lộ (con đường đến Sài Gòn). Đến được Sài Gòn mới gọi người ở Sài Gòn (con người Sài Gòn). 

- Như vậy theo Phật đạo là theo con đường nào? 

Theo Phật đạo là đi theo con đường Phật đã đi (tu hành) để đến Phật quả. 

Không phải đi theo con đường của Phật đi sau khi Phật đã thành (49 năm hoằng hoá). 

- Vì sao? Vì con đường của một Đẳng Chánh Giác đi, trong ba cõi không một ai có thể biết được. 

- Có kinh nào tuyên nói việc này (Tánh Giác và Phật Tánh)? 

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa khai cho ba thừa (Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát Quyền Thừa) đã chứng thánh thấy Tánh Giác (Phật trí). 

Kinh gọi là “khai thị”. Giống như chỉ cho kẻ say biết trong chéo áo của mình có hạt minh châu. 

Ba thừa chưa chứng Thánh chưa thể chỉ, vì thế 500 gã tăng thượng mạn phải đi chỗ khác chơi. 

Kinh Đại Niết Bàn chỉ chỗ ngộ nhập Phật tri kiến (Phật Tánh) cho Bồ Tát Nhất thừa. Giống như bày cách cho kẻ đã hết say sử dụng hạt minh châu. 

- Vì sao không bày liền trong Diệu Pháp Liên Hoa mà phải đợi đến kinh Đại Niết Bàn mới tuyên nói giá trị và cách sử dụng? 

Vì người kia chưa tỉnh hẳn, chưa đủ trí lực nhận biết rõ ràng, chưa đủ năng lực giữ gìn sẽ mất... Vô số, vô số điều chưa thể nói... 

- Ba thừa đã chứng Thánh sao lại dụ như kẻ say, dụ như gã cùng tử? 

Phàm phu say mê, Ba thừa chứng Thánh hết mê nhưng còn say nên dụ người say. 

Ba thừa chứng thánh đói nghèo trí tuệ, nên phải làm mướn (dùng phương tiện) để xin hạt gạo Niết Bàn, nên dụ cho cùng tử. 

- Nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa chỉ mới khai thị sao lại có phẩm Thường Bất Khinh? 

Chỉ mới khai thị nên Thường Bất Khinh mới nói: “Các ông sẽ làm Phật”. Nếu đã ngộ nhập thì Thường Bất Khinh nhất định sẽ nói là: “Các ông đang là Phật”... 

- Như vậy các Bồ Tát thấy Phật Tánh (Phật tri kiến) đồng Thích Ca Mâu Ni vì câu “Các ông đang là Phật”

Không đồng, quyết không thể đồng. 

- Vì sao? 

Thích Ca Mâu Ni có đến mười danh hiệu, gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. 

Nói Phật chỉ là một danh hiệu trong mười danh hiệu, còn thiếu đến chín, vì thế quyết không thể đồng. 

- Biết được tri là chướng giác, thì lấy gì hộ trì để tri không hiện? 

Như đã nói, phải Giác Ngộ. 

- Ngoài ra còn cách nào khác nữa không? 

Còn cách, đó là tự dọn con đường giác ngộ bằng cách tu hành viên mãn “Tứ như ý túc”, sau đó dùng “Bất cộng phàm phu pháp” mà vào. 

- Xin nói rõ!... 

Tức phải viên mãn Nhất tâm như ý túc và Niệm như ý túc. Tất nhiên là Dục như ý và Tinh tấn như ý cũng phải viên mãn. 

Nhất tâm như ý để dừng hiện nghiệp, Niệm như ý để tịnh tri. 

Sau khi tịnh tri, vị này dùng Bất cộng phàm phu pháp để kiến Giác. 

- Bất cộng phàm phu pháp là những pháp nào? 

Tư duy đến khi nào biết rõ pháp nào là pháp “Phàm phu”, thì sẽ biết pháp “Bất cộng phàm phu”.

- Xin nói rõ!... 

Nói nghe hiểu được ngay bây giờ đều là phàm phu pháp. 

Cái này chỉ “tự thầm hội”, nói ra “mất linh”... 

- Tứ như ý túc và Tứ thần túc là giống hay khác? 

Tứ như ý túc để chứng Thánh. 

Tứ thần túc để viên mãn pháp lành. 

- Sao Phật không nói liền Nhất thừa mà phải nói ba thừa trước? 

Như làm cỏ trước khi gieo giống. Vì thế Phật thường hay nói: “Ba thừa không thật” là vậy, có nghĩa làm cỏ không phải gieo giống. 

- Ba thừa đồng viên mãn Tứ như ý túc sao không nhân đó kiến Tánh? 

Tùy duyên, tùy căn, tùy cơ... Không nhất thiết Ba thừa không kiến Tánh, cũng có như Đại Ca Diếp hoặc A Nan chẳng hạn... 

- Bồ Tát, Đại Bồ Tát, Bồ Tát Quyền thừa và Bồ Tát Nhất thừa khác nhau chỗ nào? 

Bồ Tát hay Bồ Tát Quyền thừa là những người phát tâm Bồ Tát nhưng còn phải kinh qua phương tiện tu hành như Nhị thừa, trí tuệ chưa đủ. 

Đại Bồ Tát hay Bồ Tát Nhất thừa (còn gọi Phật thừa) là những Bồ Tát viên mãn trí tuệ, nhưng công hạnh chưa viên. 

- Bồ Tát thập trụ khác Bồ Tát Thập địa chỗ nào? 

Thập trụ thấy Tánh Giác, thập địa thấy Phật Tánh. 

Vì thế trong kinh Đại Niết Bàn Phật nói Bồ Tát thập trụ thấy Phật Tánh lờ mờ, có nghĩa Thập trụ thấy Tánh Giác tưởng lầm Phật Tánh.

Thập trụ lấy Tánh giác làm nhân địa tu hành. Thập địa lấy Phật Tánh làm nhân địa giáo hoá... 

- Người tu hành y vào đâu để biết là đã thấy tánh? 

Thấy Tánh tự biết, tự hết ngu si. Bậc Đạo sư nhất định biết, vì thế không thể dối điều này!... 

Cơ duyên (4) 

Bây giờ lại tiếp tục nói chuyện cơ duyên: 

- Vì sao cơ duyên phải nói nhiều đến thế? 

Dư hơi à!... 

Không phải dư hơi!... Vì bởi, cơ duyên chính là đầu mối phát sinh mọi việc. 

Nói cơ duyên sao phải đề cập đến nước Thiên Hoa? 

Vì bởi cơ duyên có được tâm pháp và tâm pháp đang tồn tại trên đất này. 

Nước Thiên Hoa hồi đó có hình chữ nhật theo đúng định nghĩa toán học cổ xưa là: Hai cạnh dài bằng nhau, hai cạnh ngắn cũng bằng nhau và có bốn góc vuông.

Giữa Thiên Hoa có một đạo lộ chạy suốt chiều dài từ Bắc đến Nam ước chừng 2400 do tuần, lưu thông Nam Bắc dễ dàng. 

Như đã kể lúc trước, Thiên Hoa Đông giáp biển Tây giáp núi. Đứng ở núi phía Tây có thể thấy biển phía Đông. 

Năm Giáp Ngọ tiết Trung Thu, cách ngày cái cục đen thùi lùi xuất hiện ở phương Nam đúng một con giáp tức mười hai năm theo lịch Diêm Phù. 

Khoảng gà gáy canh tư bước sang canh năm năm ấy. Từ biển Đông khoảng giữa nước Thiên Hoa, một ông khổng lồ dưới biển bước lên. Ông khổng lồ thân hình cao lớn, đầu đụng mây xanh. Trên vai có chiếc đòn gánh dài rất dài, người mắt sáng cũng chỉ thấy một khúc chớ không thể thấy cả cây. Hai đầu đòn gánh treo hai cái thúng chừng bằng hai quả núi lớn... 

Người khổng lồ một chân trụ ở mé biển, còn chân kia cất cao bước lên ngọn núi phía Tây. Không biết vô tình hay cố ý, người khổng lồ khi bước lên mất đà nên chân trụ không vững làm chiếc đòn gánh nhịp mạnh. Hai cái thúng ở hai đầu rung lắc dữ dội. Người khổng lồ cố đạp mạnh chân trụ để khỏi ngã chúi về phía trước. Càng đạp cho vững thì đất dưới chân càng lún xuống. Cứ thế đất ngày lún một rộng một sâu, nước dưới biển tràn vào chỗ trũng kêu ầm ầm. Địa Đại chao đảo dữ tợn. Khi lún chừng đến bụng, thì cái hình chữ nhật nguyên thủy của nước Thiên Hoa biến dạng. Đầu phía Bắc do đất ở giữa trào ra nên phình lớn. Đầu phía nam cong queo như cái lưỡi hái. Ở chính giữa nước Thiên Hoa nơi người khổng lồ đang đứng teo riết lại giống cái eo người thiếu nữ. 

Hình như đoán được nếu cố sức thoát cho khỏi lún mà còn đôi thúng trên vai thì chuyện không thể được. Nên người khổng lồ lấy hai tay dùng hết sức bình sinh, tung mạnh đôi gánh lên trời. Một tiếng rắc nghe như tiếng gãy quả núi. Chiếc đòn gánh gãy đôi, hai cái thúng bị hất bay lên cao rồi rơi xuống. Nơi nào rơi nhiều thành núi, rơi ít thành đồi... Từ đó nước Thiên Hoa có hình dạng như người thiếu nữ đang nằm, đầu hướng về Bắc, mặt quay về Đông. Phía Tây có dãy núi xanh chạy dài đến tận hai phần thân nom như làn tóc xõa. Còn ở giữa eo thắt lưng ong... Phía Nam giống đôi bàn chân thon thon... 

Người khổng lồ đề khí nhún chân bay cái vút lên tận trời xanh rồi mất hút giống như người ta phóng con tàu vũ trụ. Chỗ gãy của chiếc đòn gánh có một thiếu niên mặt đẹp như Phan An, quần áo toàn xanh, đôi giày cũng xanh, đội mũ màu xanh, nước da trắng như tuyết từ chỗ gãy bước ra. “Nhoẻn miệng cười một cái coi”, không chào không hỏi ai hết trơn, cứ nhằm phương Nam trực chỉ...

(còn nữa) 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG