Hang Tự Tánh Sáu Ba La Mật Phật Đạo Là Đạo Xả

 0
Hang Tự Tánh Sáu Ba La Mật Phật Đạo Là Đạo Xả

Hòa Thượng Huyền Không và Lý Tứ cùng sánh vai đi một vòng kiểm tra cặn kẽ hang Tự Tánh...

Hang Tự Tánh tuy nói rằng hang nhưng rất rộng. Gọi là hang bởi lẽ nó nằm sâu cả trăm trượng trong lòng núi... Hang Tự Tánh như một cái giếng trời lọt thỏm giữa núi Kiến Tính... 

Hòa Thượng Huyền Không vừa đi vừa nói: 

Lý Đệ!... Theo lão nạp, nếu lão không lầm thì hang này là hang tự nhiên. Nơi đây chính là miệng của một núi lửa đã ngừng hoạt động từ lâu. Lúc lão nạp và Lý Đệ lần dò từ ngoài vào, trên đường đi có nhiều khúc quanh lớn nhỏ không đồng nhất. Trên đường đi, lão nạp suy nghĩ sở dĩ có con đường ngầm này, nó là vết nứt trong lòng núi do hoạt động của núi lửa gây ra. Vách hang là những tảng đá hoa cương. Quá trình chuyển mình của núi lửa, các tảng đá hoa cương xê dịch tạo ra khe trống. Nước mưa từ trên miệng hang đổ xuống, làm trôi lớp đất chung quanh tạo thành con đường đi ngoằn ngoèo. Các gân đá như những con rắn giữa hang là minh chứng cho sự bào mòn bởi dòng nước chảy mạnh qua nhiều năm tháng trong khe... 

Cây trái trong hang, nếu để ý kỹ, thì nhất định những cây trái này do con người mang đến trồng. Bởi lẽ những cây trái mọc ở đây chỉ toàn là loại cây trái mà con người có thể dùng làm thức ăn. Đây là lương thực chính nuôi sống những người cư ngụ trong hang. 

Lý Đệ thấy đó, tiền nhân đã quy hoạch vườn cây ăn trái này rất hợp lý. Nó vừa là nguồn lương thực chủ yếu, những cây này lại làm cho không khí trong động tự điều hoà. Nếu không có vườn cây, vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ trong hang tăng lên rất cao, nơi đây trở thành cái lò đốt cháy dưỡng khí... Vào những tháng mùa mưa, lối vào hang trở thành hệ thống thoát nước, nước chảy cuồn cuộn cuốn trôi tất cả những gì trong đó. Vì thế người ở đây không thể sử dụng con đường này để đi lại mùa mưa. Những tháng mùa mưa nơi đây hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài... Muốn ra khỏi hang phải đợi đến đầu mùa nắng!... 

Lý Tứ ngẫm nghĩ: Kiến thức lão Hòa Thượng thiệt là rộng rãi, nhưng lão không biết còn một bí mật nữa nằm trong những vách đá dựng đứng. Khi nãy xem xét vách đá phía Tây, mình đã phá thiện ra, còn một lối vào động nếu có người muốn vào hang động bằng hướng Tây... Lúc nào rỗi rảnh mình sẽ khám phá con đường này... 

Suy nghĩ đến đây, Lý Tứ chợt nhớ hình ảnh con Đại bàng và bài thơ ngoài cửa động... Khi nhìn hình ảnh con Đại bàng, nét khắc trên đá rất sắc sảo và vuông góc từ mặt chữ đến đáy. Chứng tỏ những nét vẽ chữ viết này không phải của chỉ lực mà nó được thực hiện bởi một công cụ đẽo gọt sắc bén... Nếu suy luận này là đúng, thì hai người đã khắc ngoài động, xâm nhập vào hang bằng hướng Tây. Họ vượt qua dãy Kiến Tính để vào hang... 

Lý Tứ lại đặt câu hỏi cho mình: Không lẽ con Đại bàng người kia đã vẽ là hình con chim thứu… Nếu nó là hình ảnh con chim thứu thì hai vị cao tăng đã đến đây phải là người Tây Trúc. Cao tăng Tây Trúc thường lấy hình ảnh con chim thứu làm biểu tượng tu hành. Một phần ở xứ ấy coi chim thứu là vật linh, một phần để tưởng nhớ nơi chốn ngày xưa Phật thuyết các bộ kinh lớn... Không lẽ hai người đã đến đây là Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan, hai vị cao tăng đã đến trung thổ thời Hậu Hán... Nếu vậy thì, hai chữ “Thập Nhất” có liên hệ gì đến niên hiệu Vĩnh Bình thứ mười một... Năm Vĩnh Bình thứ mười một là thời gian mà hai vị thánh tăng Tây Trúc đặt chân đến Trung Nguyên... 

Lý Tứ đem suy nghĩ của mình về con đường vào hang ở phía Tây và những suy luận vết khắc trước hang nói cho lão Hòa Thượng biết. Lão Hòa Thượng vừa đi vừa trầm ngâm một hồi rồi nói lớn: 

Lý Đệ!... Suy luận của Lý Đệ cũng có cái lý của nó... Nói đến đây lão Hòa Thượng vỗ hai tay vào nhau ra chiều hoan hỷ, lão nói: 

Lý Đệ!... Lý Đệ có thấy hình vẽ và chữ viết ngoài động. Nếu so về chiều cao, thì người này phải hơn lão nạp một cái đầu. Nếu là người Trung Thổ thì lão nạp đây thuộc về loại người có chiều cao không tệ, thế mà khi đọc bài thơ, lão lại phải ngẩng đầu lên... Sang bên kia viết hai câu đối, dù lão đã đưa cánh tay của mình lên, hai câu đối của lão nạp cũng thấp hơn hình con Đại bàng một gang tay... Đúng rồi, hai người viết và vẽ này không phải là người Trung Thổ mà là người ngoại quốc, bởi người ngoại quốc mới có chiều cao như vậy. Chứng cứ này củng cố suy luận của Lý Đệ là đúng... 

Phải rồi, hai vị này đi vào hang bằng hướng Tây, tức họ đi theo con đường buôn bán tơ lụa của người xưa... Nghe đâu ngài Huyền Trang khi sang Tây Trúc thỉnh kinh cũng phải đi theo con đường này... Còn hai chữ Thập Nhất, theo lão nạp đúng là ý nói đến niên hiệu Vĩnh Bình thứ mười một. Trung Thổ thì gọi năm đó là thứ mười nhưng người Tây Trúc thì gọi thứ mười một... Sự không thống nhất này cũng không có gì là lạ... Ha ha ha ha!... Lý Đệ!... Nếu suy luận của chúng ta là đúng, thì không ngờ ngày nay lão nạp và Lý Đệ là hai người đến được nơi mà thánh nhân ngày xưa đã đến... Thật là duyên lành!... Thật là duyên lành!... 

Phải rồi Lý Đệ!... Tây Trúc là nơi chuyên chế tác kim cương nên công cụ đẽo gọt sắc bén của họ vào hàng nhất nhì thiên hạ. Chính kinh nghiệm chế tác kim cương và sử dụng thành thục công cụ này, nên họ đã dùng nó can thiệp vào hang Tự Tánh. Vì thế hang Tự Tánh mới có dáng dấp như ngày hôm nay... Không ngờ!... Không ngờ!... Sáu cái hang cụt và các giường nằm trong đó bằng đá hoa cương đều phẳng lì như tấm phản gỗ đã được một loại công cụ chuyên nghiệp làm nên... Nói đến đây lão Hòa Thượng xây mặt về sáu cái hang xá ba xá như để tri ân và kính phục người xưa!... Lão lại nói: 

Lý Đệ!... Nếu bảo rằng hai vị cao tăng đó đã đến hang Tự Tánh bằng hướng Tây, họ đã trồng cây, đào hang cụt làm chỗ tu hành. Họ còn tạo nên cái bàn bằng đá ở giữa hang ngồi ngắm trăng đàm đạo thiệt là thú vị... Nhưng mà lão thắc mắc một điều, không biết vì sao chỉ có hai người mà đào đến sáu cái hang... bốn cái có giường nằm còn hai cái kia thì không? Nếu nói rằng hai cái cuối cùng để làm kho tích chứa vật thực và nhà bếp thì không có lẽ... Bởi vì ở đây ăn trái cây uống nước suối ngầm đủ sống, họ tích trữ làm gì và cần gì nấu nướng... Nói đến đây, lão Hòa Thượng lại trầm ngâm... 

Lý Tứ lên tiếng: 

- Hòa Thượng Đại Ca!... Tiểu Đệ thiệt tình không hứng thú với chuyện trong hang Tự Tánh có sáu cái hang hay bảy cái hang... Truy tìm vết tích của quá khứ cho dù biết chắc nó là cái gì, do đâu... thì đối với đệ cũng không có lợi ích gì nhiều. Đây là công việc của các nhà khảo cổ chứ không phải của người tu hành... Theo Tiểu Đệ, biết được một ít thông tin mơ hồ về những ai đã vào đây, đối với Tiểu Đệ cũng đã quá đủ cho cái tò mò của mình... Thú thiệt với Đại Ca, khi nhìn sáu cái hang cụt, bốn cái có giường nằm, hai cái trống không, bất chợt Tiểu Đệ ngẫm nghĩ đến chuyện tu hành... 

Hòa Thượng Huyền Không lên tiếng: 

Lý Đệ!... Đúng là Lý Đệ luôn luôn nghĩ đến chuyện tu hành, điều này khiến lão nạp càng khâm phục!... Phật dạy: “Quá khứ không truy tìm, vì quá khứ đã qua, vị lai không móng vọng vì vị lai chưa đến, hiện tại chẳng mê mờ, đây mới thật là đạo”. Sáu cái hang cụt, duyên như thế nào đối với việc tu hành, Lý Đệ có thể chia sẻ cùng lão nạp hay không? 

- Hòa Thượng Đại Ca!... Cảnh vật nơi đây và những cái tên của nó, theo ý đệ không phải vô cớ... Muốn đến hồ Tự Tâm phải chịu nhiều gian khó vượt qua Đại ngàn biết bao hiểm nguy... Để đến núi Kiến Tính phải vượt qua hồ Tự Tâm với bao nhiêu hư ảnh... Rồi vào động Tự Tánh trống trơn nhưng lại có tới sáu cái hang... Nhìn sáu cái hang cụt, tiểu đệ liên tưởng đến sáu Ba La Mật... Lý Tứ lại tiếp: 

- Một người đã giác ngộ, vượt qua tự tâm kiến được tự tánh, về mặt lý thuyết, thấy được tự tánh coi như đã đi được hai phần ba con đường Phật đạo. Nhưng thật ra, để cho giác ngộ này viên mãn, để cho những tính chất tự nhiên của tự tánh xuất hiện trọn vẹn, người tu hành phải tu thêm sáu Ba La Mật... 

  • Sáu Ba La Mật là công cụ hữu hiệu giúp cho giác ngộ kia chóng viên mãn, nó là tường vách che chắn tốt nhất làm cho hồ Tự Tâm không còn nổi sóng thức đối trước hòn đá thấy nghe... Nếu một người thấy được tự tánh mà không tu sáu Ba La Mật thì không thể thành tựu Ba La Mật tâm... 

Tâm chưa thật sự đáo bỉ ngạn, đối trước thấy nghe, nhất định tập khí sóng mòi của thức sẽ làm chao đảo biển tâm... 

Vì thế tu Ba La Mật là việc làm bắt buộc đối với người giác ngộ... Huệ năng ngày xưa phải sáu tháng giã gạo, đợi đến ngày gạo trắng mới có cơ hội lên thất Tổ để nghe diệu âm, mới được truyền tâm ấn!... Gạo chưa trắng, gạo chưa sạch thì chưa thể sử dụng như ý... Khi gạo đã trắng, đã sạch... bây giờ mới dùng nó vào những công việc thiết thực của hạt gạo... 

Cũng gạo đó, một khi trắng rồi người ta mới dùng nó để nấu thành cơm, gạo có trắng cơm mới ngon... Cũng gạo đó lúc cần thì dùng vào việc nấu cháo, cũng gạo đó nhưng có khi xay thành bột, có khi làm thành bún, có khi ép thành bánh... Đồng một thứ gạo đã giã trắng, người khéo biết dùng, thì dụng của nó lợi ích vô cùng, biến hoá khôn lường... Ha ha ha ha!... Nếu là gạo lức, thứ gạo chưa giã trắng, nếu tham cầu sử dụng, chỉ có dùng trong hoàn cảnh hạn hẹp là nghiền thành bột cho trẻ con... ăn... Ha ha ha ha!... 

Lão Hòa Thượng lại nói: 

Lý Đệ!... Lý Đệ có cái giọng hài hước nhưng lại khai mở lòng người. Lý Đệ cho đến hài hước cũng chẳng phải hý luận, thiệt là vi diệu. Lý Tứ tiếp: 

- Hòa thượng đại ca!... Trong con mắt của đệ, cuộc đời này chỉ là vở tuồng dài mà tác giả chính là nghiệp quả!... Vở tuồng này có bi, có hài, có tráng... Người đời như những diễn viên, cứ theo kịch bản kia mà diễn suốt cuộc đời... Nghiệp quả đã bắt những diễn viên của mình vừa mới sinh ra phải đóng vở tuồng này... Đóng ngày đóng đêm, đóng riết nhập vai, khóc cười buồn vui theo vai diễn... Lâu rồi ngỡ rằng thân phận vai diễn là cuộc đời mình... Họ chưa từng một lần trong đời cởi chiếc áo diễn viên trả lại sân khấu, chưa từng thoát khỏi kịch bản đã trói buộc mình... Cứ thế trôi lăn theo tử sanh của vở diễn, hết đời này đến đời khác!... 

Người giác ngộ, giống như kẻ từ bỏ sân khấu, làm một khán giả ngồi đấy xem tuồng... Tuy rằng đã làm khán giả, đã không còn là một diễn viên, nhưng máu nghệ sĩ hãy còn trong mình, thói quen nghề nghiệp đâu dễ dứt hẳn... Vì thế lâu lâu lại quên vai trò khán giả, lâu lâu lại phải máy động tay chân theo từng phân cảnh, theo từng điệu nhạc, theo từng lời ca... 

- Hòa Thượng Đại Ca!... Tu sáu Ba La Mật là những động thái tích cực xoá đi thói quen nghề nghiệp của người nghệ sĩ một thời, nay đã từ bỏ sân khấu cuộc đời nhưng trong lòng hãy còn vương vấn... 

- Tu sáu Ba La Mật chính là gọt rửa trong tâm những vết tích đã hằng sâu một thời bởi các vai diễn làm nên... 

- Tu sáu Ba La Mật là rèn luyện cho thân tâm này chuyên chính trở thành một khán giả... 

- Hòa Thượng Đại Ca!... Hầu hết các kinh Đại Thừa, Phật đều khuyên Bồ Tát nên tu sáu Ba La Mật... 

Tu sáu Ba La Mật khi thành tựu, tâm này sẽ là Ba La Mật Tâm... Người giác ngộ, nếu không tu hạnh này, đối trước nghiệt ngã cuộc đời, đối trước bất như ý của thấy nghe... trong phút chốc bất giác, trong phút giây bất chợt... trước những sự việc vượt quá kham nhẫn; nếu tâm chưa đáo bỉ ngạn, nhất định sẽ phát sinh tổn hại lớn làm cho hồ Tự Tâm lại nổi sóng mòi... 

Tu sáu Ba La Mật... là tập cho tâm này “phản xạ có điều kiện”, như người võ sĩ phản xạ tốt vì đã được rèn luyện quen tay... như người lính cứu hỏa không còn bất ngờ trước tình huống có cháy... Muốn tạo những phản xạ tích cực này, người võ sĩ, người lính cứu hỏa... phải lập những “tình huống giả định”, tập tành rèn luyện thường xuyên trước những tình huống đặt ra. Tập đến khi các vị này không còn bất ngờ trước sự thật xảy ra trước mắt… Nếu không tập luyện như thế, tính chuyên nghiệp sẽ không có trong con người này... 

Vì nó là những tình huống giả định, nó là những kịch bản không thật, nên thuần thục rồi, tình huống giả định này không tồn tại trong tâm. Nhưng nếu có biến cố thật sự thì một “ứng xử chuyên nghiệp” sẽ hiện ra tức thì... Cái phản xạ chuyên nghiệp này, tạm coi như là thứ Ba La Mật tâm... 

- Đại Ca thử nghĩ đi... Ba La Mật là gì? 

Nó chính là thứ tâm không còn bất ngờ trước muôn pháp. Nó là một thứ tâm chỉ như pháp mà ứng xử... Nó không như tâm đời, không như ứng xử của người đời... Điều này chuyện kinh cũng có kể… Một Bà La Môn đến chất vấn Phật:

“Tâm này là huyễn, pháp bạch cốt là huyễn... Cù Đàm dạy người pháp huyễn trong một tâm huyễn thì sao thành cái thật”

Phật đáp lại: 

“Đúng!... Tâm này là huyễn, quán bạch cốt là pháp huyễn... Pháp huyễn trong một tâm huyễn nhất định không thành cái thật... Nhưng cái thật ở đây là, sau khi pháp quán thành tựu, người này hết tham dục... Hết tham dục đối với người này là thật”. 

Đoạn kinh trên, ít nhiều cho chúng ta thấy cái được, cái tốt lành của pháp tu Ba La Mật... Đã là tình huống giả định, thì ở đây mới không có kẻ cho, không có người nhận, không có vật thí, không thành tựu pháp bố thí... Nhưng sau khi thành tựu pháp tu, người tu lại được nguồn tâm đáo bỉ ngạn... Tu xong thân thể thịt da liền lại như cũ, giống như trước đây Bồ Tát tu pháp nhẫn nhục, bị Ca Lợi Vương cắt tai xẻo thịt... Ha ha ha ha!... Bồ Tát khi đó tu Ba La Mật mà Hòa Thượng Đại Ca!... 

  • Tu Ba La Mật là tu như thế nào? Kinh điển cũng đã nói rõ cách thức, nhưng người tu hành ít khi để ý... 

Vì không để ý, không ngồi xuống tu hành, những tưởng như vậy tâm này đã Ba La Mật rồi, đến khi đụng chuyện lại không kham nhẫn nổi. Nếu có cố kham nhẫn thì sự việc cũng đã tác thành, bị nghiệp quả hiện tiền tác động... Nếu để sự việc xảy ra rồi, sau đó mới đem tâm kham nhẫn mà nhẫn, thì sao gọi là Ba La Mật tâm... 

Ba La Mật tâm là thứ tâm, dù sự việc có xảy ra hay không xảy ra tâm này vẫn không sai khác. Mọi thời mọi lúc mọi nơi đều như pháp mà ứng xử, đều như pháp mà an vui. Tâm được như thế mới gọi là đáo bỉ ngạn... 

Ví dụ như kinh dạy: “Tu bố thí Ba La Mật là không thấy kẻ cho, không thấy người nhận, không thấy vật thí, không thành tựu quả báo bố thí”. Nay có người bảo rằng, khi ai đó xin gì tôi liền cho, cho mà không thấy những thứ nêu trên gọi là Ba La Mật... Ha! Ha! Ha! Ha!... 

- Đại Ca ơi Đại Ca!... Đại Ca nói đi!... Không thấy người nhận thì cho ai đây, không thấy vật thí thì cho cái gì? Chưa nói phàm tay này trao cho tay kia, dù muốn hay không thì pháp bố thí đã thành tựu rồi... Có thấy hay không nghiệp quả đâu mất... Cái này là có người xin mới cho chứ đâu phải tu Ba La Mật... Lúc có người xin đem cho gọi là Ba La Mật, còn lúc không có người xin thì tâm thế nào đây? Cái này có xin mới cho chứ chẳng phải là tu... Như vậy tu Ba La Mật là tu thế nào? 

Hòa Thượng Huyền Không lên tiếng: 

Lý Đệ!... Nghe Lý Đệ cắt nghĩa về tu Ba La Mật, bây giờ lão nạp này mới ngờ ngợ về pháp tu này... Xưa nay lão nạp này cũng từng giảng nói về Ba La Mật, nhưng chưa một lần suy nghĩ cặn kẽ về cách thức tu hành... Lão nạp này cũng đinh ninh rằng: Cho mà tâm niệm không thấy người cho không thấy kẻ nhận là tu Ba La Mật... Ha Ha Ha Ha!... Lý Đệ có cách cắt nghĩa rất cụ thể rõ ràng minh bạch... mỗi mỗi phân minh. Lão nạp đang mong Lý Đệ giảng giải về pháp tu Ba La Mật cũng như ý nghĩa của sáu cái hang cụt đây... 

Lý Tứ nói: 

- Hòa Thượng Đại Ca!... Thật ra nói tu sáu Ba La Mật, nhưng phần lớn người tu hành chỉ cần tu ba pháp đầu là Bố Thí, Trì Giới, Kham Nhẫn... Tinh tấn tu ba pháp này, chỉ cần thành tựu một Ba La Mật thì sáu Ba La Mật lần lượt thành tựu... Vì sao? Vì sáu Ba La Mật nhưng chỉ một tâm này... Chỉ cần một Ba La Mật đưa tâm này đáo bỉ ngạn thì các món kia tự thành tựu... 

Trong kinh cũng có nói: “Thành tựu một Ba La Mật thì sáu món thành tựu...” Kinh cũng có nói: “Ngày xưa lúc còn là Bồ Tát, trong nhiều đời đã cất công tu Ba La Mật như Bố Thí...” 

Khi thành tựu một Ba La Mật như Bố Thí chẳng hạn, thì các môn Trì Giới, Kham Nhẫn… cũng thành tựu theo... Tinh tấn trong sự tu hành này là: 

- Lặp đi lặp lại mãi một tình huống giả định trong tâm, tâm cứ như pháp mà ứng xử... Đến khi thành tựu, trước sự thật cho dù như thế... tâm không bất ngờ. Vì không bất ngờ nên tâm dừng lặng. Dừng lặng được tâm thì thiền định phát sinh... 

- Khi thiền định viên mãn, có nghĩa sự việc giả định hay là thật có đến, thân tâm đều ở trong thiền... Cho đến lúc này, người tu hành mới thân chứng rằng: “Hết thảy đều do tự tâm hiện”. Lo sợ trước kia hay an vui hiện thời chỉ từ tâm này mà có... Phát hiện này chính là điều kiện để trí tuệ phát sinh. Phát sinh này là nền tảng làm cho thân tâm không còn động lay trước bất kỳ hoàn cảnh nào... Vì sao? Vì nhờ có trí tuệ nên người tu hành biết rõ mọi việc xảy ra chỉ là bóng dáng của nhận thức. 

Vì chỉ là bóng dáng của nhận thức nên vị này không y cứ. Vì không y cứ thấy nghe nên tâm không bị tác động... Luôn luôn không bị tác động bởi các tình huống như thế mới gọi là đáo bỉ ngạn... 

Có được tâm đáo bỉ ngạn là nhờ vị ấy thành tựu pháp tu... Thấy biết trong hoàn cảnh và tâm thế như vậy, mới được gọi là Trí Tuệ Ba La Mật... 

- Hòa Thượng Đại Ca ơi!... Vì thế, trong sáu cái hang, bốn cái có giường nằm và hai cái trống không... Ha ha ha ha!... Hai cái hang trống không, để chứa Thiền Định và Trí Tuệ... Nơi đây chẳng cần giường chõng như mấy cái hang kia!... Ha ha ha ha...!... 

- Hòa Thượng Đại Ca ơi!... Đại Ca suy nghĩ thử xem: Vì sao bóng trăng soi xuống đáy hồ, hồ kia không lay động... Vì sao, ném viên sỏi xuống hồ, hồ kia liền nổi sóng... Ha ha ha ha!... Đại Ca đừng có nói rằng: Bóng trăng và viên đá là hai vật thể khác nhau nhé!... Ha ha ha ha!... Lý Tứ lại nói tiếp: 

- Hòa Thượng Đại Ca!... Kinh cũng có dạy: “Có ba loại Ba La Mật là: Thế Gian Ba La Mật, Xuất Thế Gian Ba La Mật và Xuất Thế Gian Thượng thượng Ba La Mật”

Vì sao đồng một Ba La Mật mà lại có đến ba thứ bậc như vậy? Đại Ca!... Kinh nói đến ba thứ Ba La Mật là nhằm chỉ ra rằng, người tu hành tùy theo địa vị của mình, tùy theo chỗ giác ngộ, tùy vào sự hiểu biết... mà khi tu Ba La Mật sẽ cho ra những thành tựu sai khác vừa nêu. 

Thế Gian Ba La Mật là: đối với phàm phu vô văn, nhân nghe nói đến cách thức tu Ba La Mật, liền sinh tâm vui mừng. Vui mừng vì biết đây là Thánh Pháp. Thánh Pháp này có thể giúp mình dứt khổ. Tuy rằng chưa giác ngộ, nhưng vị này quyết dùng những hiểu biết của mình, nhiệt tâm ứng dụng tu hành, ngày đêm miệt mài theo chư thánh xưa tập hạnh Ba La Mật... Đến khi thành thục, đối cảnh tâm vị này cũng được thảnh thơi. Thảnh thơi này là do chấp trước Ba La Mật mà có chứ chẳng phải tâm thật sự thành tựu Ba La Mật... 

Mặc dù nó là thứ tâm được định hình bởi sự chấp nhất, nhưng nhờ đó, vị này giảm thiểu phiền não... Giống như đứa trẻ xa mẹ, vì người mẹ phải đến phương xa làm ăn. Xa mẹ lâu ngày, đứa bé quen dần với hoàn cảnh thiếu vắng tình mẫu tử. Ngày tháng trôi qua, đứa bé tuy có nhớ mẹ, chưa dứt tâm ái luyến, và cũng rất mong muốn người mẹ sớm trở về... Tuy mong muốn như vậy, nhưng đứa bé vẫn thản nhiên vui đùa. Thản nhiên vui đùa vì đã quen sống một mình, không phải khổ sở nhiều vì thiếu vắng nhớ nhung... 

Xuất Thế Gian Ba La Mật là: đối với các vị Thánh, tuy rằng đã giác ngộ, có được một phần thanh tịnh, nhưng giác ngộ này chưa rốt ráo. Có những hoàn cảnh vượt quá sức chịu đựng, nếu không tu tập Ba La Mật, vị này có khi không kham nhẫn nổi những bức ngặt đưa đến... Người giác ngộ, tu Ba La Mật không giống người đời. Vị này cũng đặt ra tình huống giả định, nhưng trước tình huống như vậy, vị này không lý giải rằng tình huống này phải ứng xử như thế nào, cũng không phân tích các pháp là có hay không. Nói chung vị này không dùng sức giác để ứng phó cho hợp lý, mà chỉ an trú nơi thanh tịnh tâm. Nhờ thường xuyên an trú nơi thanh tịnh tâm, khi đối cảnh tâm vị này vắng lặng... 

Xuất Thế Gian Thượng Thượng Ba La Mật là: thấy rõ thiệt tướng, an trụ nơi Trung Đạo. Đối trước muôn cảnh muôn pháp vị này thành tựu trăm ngàn Tam Muội... Nhờ thành tựu vô lượng Tam Muội môn nên Tứ Vô Lượng Tâm xuất hiện, giống như chuyện Đức Phật và năm trăm con voi say... 

- Hòa Thượng Đại Ca!... Để minh hoạ cho ba tầng bậc Ba La Mật, Tiểu Đệ xin nêu ra một ví dụ. Nhờ ví dụ này Đại Ca sẽ hiểu sâu hơn về điều Tiểu Đệ vừa nêu: 

Ví như trên đoạn đường vắng, có một con cọp hung dữ thường xuyên xuất hiện và ăn thịt những ai đi ngang qua đó... Ta đặt ra một số tình huống như sau: 

- Người bình thường, không từng tu tập Ba La Mật. Khi con cọp xuất hiện... người này rất nhiều ghê sợ, có thể hoảng loạn, té xỉu... Vô cùng đau khổ khi phải làm mồi cho thú dữ với tâm trạng nhiều ái luyến, mê mờ... Kinh dạy: “Người này sẽ đi theo nghiệp, giống như cái cây bị đốn, sẽ ngã theo hướng mở miệng.” 

- Nếu là người chưa giác ngộ, nhưng có tu tập Ba La Mật. Khi thấy con cọp... người này cũng hoảng loạn, nhưng nhờ trước đó đã đặt ra tình huống tương tự. Nhờ tu hạnh bố thí, nhờ sức tập luyện thường xuyên, bước đầu người này có bất ngờ, nhưng dần dần tâm vị này trấn tĩnh trở lại. Và vị này nếu không né tránh được, thì sẽ y như pháp mà bỏ thân... Trong hoàn cảnh này, theo kinh nói, “Cho dù có xảy ra điều bất hạnh, sau đó vị này cũng được nhàn cảnh”

  • Nếu là một người đã giác ngộ, có tu có thành tựu Ba La Mật, trong tình huống này, vị này không thấy tâm cũng không thấy cảnh, một bề thanh tịnh...
  • Cũng hoàn cảnh kia, nếu là một đức Phật, thì sự tình có lẽ giống như chuyện Phật gặp Ương Quật Ma La, hay đối trước năm trăm con voi say của A Xà Thế... 

- Hòa Thượng Đại Ca!... Ví dụ trên chỉ là ví dụ, không phải thực tế... Nhưng nhờ ví dụ này, ta có thể hiểu và cảm được điều tốt lành khi thành tựu pháp tu Ba La Mật... 

Đây cũng là thước đo tự tâm... Hãy ngồi xuống và tịnh tâm để đo lường chính mình, đối trước tình huống vừa nêu, ta sẽ xử lý bằng tâm nào? 

Nếu chưa được rốt ráo thì nhất định phải tu các pháp Ba La Mật để được rốt ráo phải không Hòa Thượng Đại Ca!... 

Lão Hòa Thượng trầm ngâm một hồi rồi nói: 

Lý Đệ!... Quả nhiên như lời Lý Đệ nói, muốn thành tựu rốt ráo phải tu Ba La Mật thôi. Không tu Ba La Mật sẽ khó kham nhẫn nổi những bức ngặt vượt quá sức chịu đựng của thân này... Cảm ơn Lý Đệ!... Nhờ Lý Đệ mà lão nạp này hiểu thêm nhiều điều… 

Những hiểu biết chủ quan của lão nạp trước đây về giáo pháp thiệt là chỉ thuần lý luận mà chẳng có chút cơ sở để người tu hành ứng dụng. Nói rằng thuần là lý luận, nhưng những lý luận của lão nạp đưa ra rất chung chung và mơ hồ, thiếu sức thuyết phục... Than ôi!... Những gì lão nạp dạy người bấy lâu nay, chỉ giống như “cưỡi ngựa xem hoa”... Thú thật với Lý Đệ, xưa nay đối với giáo pháp, người trước “cưỡi ngựa xem hoa” truyền thừa cho người sau. Cứ như vậy mà xem, cứ như vậy mà ngắm, cứ như vậy mà tán tụng... Từ ngày ngày gặp Lý Đệ, con mắt lão nạp mới thật sự mở ra... 

Lý Tứ tiếp lời: 

- Hòa Thượng Đại Ca!... Đại Ca chớ tự trách mình... Trong Phật đạo, hối quá là tốt, nhưng nếu giữ trong tâm thì sẽ bất lợi. 

- Phật đạo là đạo xả chứ không phải thủ giữ. Kẻ có trí là người biết rằng tốt cũng xả mà xấu cũng xả, đúng cũng xả mà sai cũng xả... Xả đến rốt ráo gọi là Đại xả. Xả đến không còn tâm xả gọi là vô lượng xả... Pháp xả là hình thức khác của Ba La Mật. Xả và Ba La Mật tuy khác tên nhưng cùng chung tính chất, cùng chung thành tựu... 

- Xả là cách nói khác của giải thoát, mà Phật đạo là đạo giải thoát chứ chẳng phải trói buộc...

Lý Đệ!... Lý Đệ thiệt là Từ Bi... trong hoàn cảnh nào Lý Đệ cũng đủ phương tiện để đưa người đến an lạc... Lời của Lý Đệ đơn giản nhưng hiệu quả. 

Đúng rồi, Lý Đệ!... Trí tuệ của Phật đạo là như thế. Trí tuệ của Phật đạo là diệu pháp, là cam lồ... “Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp” là chỗ này chứ chẳng phải ở những văn từ cao thâm huyền bí. Nó giống như thuốc chữa bệnh, thuốc nào làm hết bệnh thì đó là thứ thuốc có giá trị cao nhất... Giá trị của thuốc đối với người bệnh không thể căn cứ vào ngân lượng, mà chỉ căn cứ vào hiệu quả chữa trị. Lời của Lý Đệ mở ra cho lão nạp này nhiều ý nghĩa, thấy được nhiều điều, cảm ơn Lý Đệ... Cảm ơn nhân duyên gặp gỡ này...!... 

Nói đến đây, khuôn mặt lão Hòa Thượng thoáng buồn nhưng hai mắt lão lại sáng ngời như vừa bắt gặp điều gì đó từ xa xăm!... 

Lý Đệ ơi!... Bóng trăng kia tự xả nên bóng trăng soi xuống không làm lay động mặt hồ... Hòn đá kia thủ giữ nên khi ném xuống mặt hồ dậy sóng!... Xả là vô tác, vô tác nên vô động. Nhân vô động nên khi chiếu mặt hồ bất động... Thủ giữ là tạo tác, khi tạo tác tác ý liền sanh, nhân sanh nên quả sanh, quả sanh vì thế hồ tâm lay động... 

Một khi hồ tâm lay động thì thấy nghe hay biết bị biến dạng méo mó, cái này gọi là nghiệp... Ở trong nghiệp thì chẳng thấy thiệt tướng. Không thấy thiệt tướng nhất định giả tướng sẽ hiện. Giả tướng là tướng của tạo tác. Tạo tác là pháp hữu vi... Ha ha ha ha!... “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh”. Ha ha ha ha!... Cảm ơn Lý Đệ, một chữ “Xả” của Lý Đệ đã giúp lão nạp này đi tới đi lui mà thiệt bất động... 

Nói đến đây, trong cơn cao hứng, lão vung hai tay, đập mạnh vào tảng đá trước mặt. Chưởng lực làm phiến đá rung động. Hai bàn tay của lão ấn sâu vào phiến đá, không một hạt bụi rơi ra... Ha ha ha ha!... Lão cười một tràng dài sảng khoái rồi la lớn: “Trụ Vô Vi Kim Cang chưởng lực”. 

Ha ha ha ha!... Lão thành công chiêu thức này rồi... Phải xả thôi!... Phải xả thôi!... Tiếng nói chưa dứt, lão đã chễm chệ ngồi trên cành đào cao vút ở cuối hang động…

(còn nữa) 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG