Ý Nghĩa 3 Lạy. Chánh Tư Duy Và Chánh Định

Lý Tứ nhìn mọi người thành tâm, trong lòng cũng muốn thuận ý, nhưng nghĩ đến “cái ràng buộc” mà đâm ra ngán ngẫm... Lý Tứ lại nghĩ, ta vốn không coi nặng lễ nghi hình thức, mọi thứ cốt ở tâm. Những người này sống trong giang hồ đã lâu, lấy nghi lễ làm trọng, nay đã quen rồi thiệt là phiền phức... Tuy vậy, những lễ nghi này cũng phần nào nói được cái tâm của họ.
Họ một lòng chí thành cầu đạo trí tuệ nên mới chịu hạ mình một lễ lạy hai lễ lạy như vậy. Tâm thành của những người này rất xứng đáng được hưởng cái thâm thúy của đạo.
Nghĩ đến đây Lý Tứ lên tiếng:
Thưa các vị!... Tấm lòng của các vị thiệt làm cho Lý Tứ tôi cảm động. Với tâm thành như vậy, không điều gì chẳng thành tựu... Nhưng thưa các vị, Lý Tứ tôi thường tâm niệm, đạo như miếng bánh ngon, dùng giúp người đỡ đói...
Đối với Lý Tứ, nếu người nào lạy mình mà giác ngộ thì Lý Tứ để cho lạy. Nếu người nào đánh mình, chửi mình mà giác ngộ thì Lý Tứ cũng hoan hỷ cho người đánh chửi. Đánh chửi hay lạy lục tôi chẳng thấy sai khác. Cái quan trọng đánh chửi hay lạy lục xong người đó được gì, có tăng ích đạo tâm hay không...
Nếu một bề hễ một chữ thì lạy, hai chữ cũng lạy, mà trí tuệ không sáng, nguồn tâm không trong... Cho dầu mỗi ngày lạy ngàn cái chỉ thêm vô ích...
Nhược bằng, cái lạy thứ nhất rụng rơi tự ngã, cái lạy thứ hai buông bỏ chấp nhất trong sạch nguồn tâm, cái lạy thứ ba lòng hết ngu tối phát sinh trí tuệ... thì chỉ ba lạy thôi cũng hơn người suốt đời vái lạy...
Trong Pháp Bảo Đàn cũng sơ lược điều này. Lục Tổ Huệ Năng có nói: “Lạy cốt bẻ cờ kiêu”. Trong Phật môn, kiêu mạn là thứ đầu tiên phải bỏ.
Người có tâm kiêu mạn là tự rời bỏ tinh tấn vì chẳng cầu tiến thân, người kiêu mạn sẽ nhiều phiền não vì lầm tưởng hơn người, người kiêu mạn sẽ tự hủy trí tuệ vì chẳng cầu học, người kiêu mạn sẽ không thanh tịnh vì luôn nhìn ngó so bì, người kiêu mạn không thể gần gũi cao nhân vì cao nhân không cùng kiêu mạn chung đường, người kiêu mạn sẽ không được quả vị vô thượng vì chẳng có từ bi...
Thành ra, các pháp tự nó rỗng rang, tự nó giải thoát... Chỉ tại tâm người chấp nhất cột trói, lấy ngã làm chỗ dựa, lấy pháp làm chỗ nương, vô tình pháp có ngã... Thì lạy cũng như thế...
Kinh có dạy: “Các pháp không không, lặng lẽ, tàn tạ, niệm niệm sanh diệt”. Các vị, lạy cũng là một pháp. Người trí nhân cái lạy này xét soi tột lý của nó để việc làm có lợi ích. Xét soi đến khi nào thấy rằng cái lạy này tự nó hồn nhiên không tịch; chẳng phải vì sợ mà lạy, chẳng phải vì cầu cạnh mà lạy, chẳng phải vì muốn thân cận mà lạy... Nếu xét soi thấu suốt như thế, thì “cái lạy trở thành vô thượng”. Xét soi như thế Phật đạo gọi là Chánh Tư Duy...
⁎ Người xưa do thấu suốt ý nghĩa của lễ nghi nên đã dạy người đời sau: “Năng lễ, sở lễ tánh không tịch.” Đó chẳng phải là điều để chúng ta suy gẫm hay sao...
Thưa các vị!... Trong Phật đạo có Chánh Tư Duy. Chánh Tư Duy không giống suy nghĩ mông lung ở đời... Chánh Tư Duy của Phật môn chính là giềng mối đưa đến Chánh Định... Chánh Tư Duy là cách thức nghĩ suy phán xét để tìm ra chân lý. Khi thấy được chân lý nguồn tâm tự xả. Điều này chỉ có ở Phật Đạo. Vì thế Chánh Tư Duy có ý nghĩa riêng của nó trên con đường tu học... Nếu chưa biết Chánh Tư Duy, thì chưa thể tu hành... Như thế nào là Chánh Tư Duy? Tôi có thể đưa một vài ví dụ minh họa điều này, nhân ví dụ các vị có thể hiểu ra ý nghĩa của nó.
Giả như có người đi trên đường vắng, giữa trưa đang khát nước. Trước mặt là ly nước có màu sắc đẹp, có mùi thơm quyến rũ. Người này nghĩ rằng uống ly nước này thời ta sẽ hết khát... Người đó định cầm ly nước lên uống, nhưng nhìn thấy ở gốc cây kế bên có một người chết và cái ly trống không. Người đó bèn dằn cơn khát mà suy nghĩ, ở nơi hoang vắng ít người lại qua mà ai lại để mấy ly nước thơm, chắc chuyện này phải có duyên cớ. Người đó bèn cầm ly nước lên rồi quan sát thiệt kỹ, biết đây là ly thuốc độc của bọn cướp đường, màu sắc đẹp nhằm làm lòa con mắt, mùi thơm để quyến rũ tâm tham. Nếu không quan sát nghĩ suy kỹ lưỡng, vội vàng uống ly nước này ta đã vong mạng như người kia, mạng sống và tiền của sẽ không giữ được... Người đó nghĩ suy như vậy, cho dù có khát cháy cổ cũng không ngoảnh lại, mau mau đi xa... Thì ở đây, Chánh Tư Duy chính là suy nghĩ biết cái gì nên làm cái gì không nên làm. Biết cái gì tốt biết cái gì xấu, như người kia suy nghĩ quan sát để biết rằng đó là ly thuốc độc. Chính nhờ suy nghĩ này mà sau đó có khát đi mấy cũng không động tâm bởi ly thuốc độc. Không động tâm bởi ly thuốc độc dụ cho Chánh Định... Chính nhờ Chánh Tư Duy, Chánh Định mà người này an ổn ra khỏi kiếp nạn.
⁎ Chánh Tư Duy và Chánh Định trong Phật đạo là do thấu suốt mà tâm không vọng động. Định của Phật đạo là hệ quả của sự thông hiểu. Ví như có người lượm được một quả màu vàng. Người này xem xét thật kỹ nhờ những kiến thức của mình, biết đây không phải cục vàng mà nó là hỏa pháo bên ngoài phủ vàng để gạt người tham. Vị này ném hỏa pháo ra xa rồi ngoảnh mặt bỏ đi chẳng luyến tiếc... Không luyến tiếc vì biết rằng hỏa pháo kia là vật hại người... Biết nó là hỏa pháo nên chẳng sinh tâm luyến ái gọi là định...
Các vị đừng hiểu lầm chữ định của Phật gia là cột chặt tâm ý, không nghĩ không suy. Không nghĩ không suy cột chặt tâm ý mà gọi là định thì định này chẳng có trí tuệ... Mà Phật Giáo Giới Định Tuệ là hệ quả của nhau. Ba thứ này như ba cái chân của chiếc kiềng nhằm giữ cho thăng bằng. Nếu một trong ba chân có vấn đề, thì chiếc kiềng sẽ đổ...
Thì cũng vậy, giới định tuệ trong Phật đạo nhằm làm quân bình đời sống tu hành của hành giả. Thiếu một trong ba thì đời sống tu hành sẽ chông chênh, không thể thành tựu như ý... Chính sự quan trọng và là yếu tố làm nên an ổn, nên Giới Định Tuệ còn có tên là Tam Vô Lậu Học. Có nghĩa học tập thấu suốt ba điều này sẽ đưa đến đạo quả Vô Lậu. Vô Lậu, chính là đời sống an ổn của người có trí trong Phật Đạo, chính là môi trường tốt nhất để văn hóa Vô Lậu tồn tại và phát triển... Tâm chưa Vô Lậu thì chưa thể học Trí Tuệ Vô Lậu. Chưa có Trí Tuệ Vô Lậu thì chẳng thể hành xử bằng văn hóa Vô Lậu… Giống như đất chưa sạch cỏ thì chẳng thể phát triển cây trồng. Chưa phát triển cây trồng thì chẳng thể thu hoạch... Đây cũng là sự khác nhau rất xa giữa kinh bất liễu nghĩa và kinh liễu nghĩa. Xin các vị nhớ cho...
⁎ Chánh Tư Duy và Chánh Định ở chừng mực nào đó nó cũng là cơ sở của Giác và Ngộ...
Chánh Tư Duy là cơ sở của Giác, Chánh Định là cơ sở của Ngộ... Biết rõ các pháp hư dối, không đem tâm chạy theo, không chạy theo tâm vắng lặng, tâm vắng lặng mới thấy được nguồn tâm này bổn lai thanh tịnh. Biết rõ vạn pháp hư dối là Giác, thấy được bổn tâm thanh tịnh là Ngộ... Cũng còn có nghĩa này, nhờ Chánh Tư Duy biết rõ không chạy theo ngoại duyên nên gọi là Thiền, bên trong không khởi các ham muốn nên gọi là Định. Không khởi các ham muốn nên tâm vắng lặng, vắng lặng trong nghĩa này mới chân chánh vì thế gọi Chánh Định...
⁎ Tu Thiền Định là một cách nói khác của hai thứ chân chánh kia. Chánh Tư Duy, Chánh Định là do thấu suốt rồi dừng, chứ không phải bức tử tâm ý để dừng... Vì thế, khi Phật thuyết kinh, đệ tử thấu suốt nghĩa lý, ngay tại chỗ ngồi hốt nhiên thanh tịnh vắng lặng. Tùy chỗ thanh tịnh mà gọi là chứng các quả vị.
⁎ Tu như thế thì chẳng phải đi đâu, chẳng phải làm gì, chẳng phải nhọc công tốn sức như các loại tu hành của thế gian thường nói... Hiểu sai sẽ làm sai. Làm sai sẽ cho ra kết quả sai. Đây là điều tất yếu... Đạo lý này chắc không nói các vị cũng biết.
Thưa các vị!... Tôi nói như vậy, ở đây có vị nào thấy điều gì không đúng, có gì sai xin các vị cứ thẳng thắn phản biện. Phản biện là cách tốt nhất để tìm ra chân lý... Nếu có điều gì chưa minh bạch thì xin các vị hỏi lại, tôi sẽ đả thông.
⁎ Phật Giáo là chân lý chứ không phải mê tín. Mọi thứ phải rõ ràng. Có rõ ràng thì trong lòng mới dễ cảm thông nhau, cảm thông đạo... Xin các vị đừng vì nể tình, đừng vì cá nhân tôi hay thứ gì khác mà làm như người đời. Vị nào chưa thông nói chưa thông, chưa rõ nói chưa rõ. Đừng để trong lòng mai này nhỏ to với nhau. Làm như thế sẽ mất cái tâm chánh trực, sẽ không có biểu hiện của đấng trượng phu... Nếu các vị hỏi lại, điều gì chưa biết tôi sẽ học tập thêm. Chúng ta lấy “lục hòa” mà đối đãi nhau. Có như thế ngày dài tháng rộng mới không sai đạo nghĩa... Đã là người tu hành thì nên thẳng thắn. Mọi thứ phải tận mắt thấy tai nghe. Đừng như người đời đối đãi với nhau theo cách “đoán mò” hoặc “bằng mặt mà không bằng lòng”. Cái tâm như thế sẽ khó thành tựu đạo chân thật... Đạo chân thật không thể tồn tại trong một nguồn tâm hư dối... Nào!... Xin mời các vị...
Nói đến đây, mọi người không còn quỳ lạy Lý Tứ nữa mà chỉ cung tay xá xá, niềm hân hoan hiện rõ trên từng khuôn mặt...
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






