Người Biết Thưởng Thức... Bài Viết, Quá Trình Viên Mãn Diệt Đế

Các bạn!!!
Người biết thưởng thức là, người vừa thoáng qua, đã nhìn ra cái hay, cái đẹp. Con chim hay, là con chim vừa nghe tiếng kêu, đã nhận ra đồng loại. Con rồng hay, là con rồng vừa chớm thấy mây, đã biết Thiên Long sắp sửa giáng mưa. Con ngựa hay, là con ngựa vừa thấy bóng roi, đã biết đi đúng đường. Con sư tử hay, là con sư tử biết gầm rống đúng thời!
Xin chuyển đến các bạn một bài viết hay, mời các bạn thưởng thức...!
***
Kính Thầy!
Kính HĐ!
Nhân dịp trao đổi Phật Pháp với các HĐ những ngày gần đây, Con rút ra kết luận cho mình như sau: Theo Con, một người trong quá trình làm sạch tự thân, muốn thành tựu viên mãn phần Diệt Đế, phải trải qua hai lần Giác Ngộ hết sức quan trọng, đó là: “Vô Sanh tâm và Vô Sanh Pháp”
- Vô Sanh tâm: Vị này phải Giác Ngộ rằng, Tâm này xưa nay chưa từng có. Sở dĩ người ta có tâm hư dối là vì không biết rằng tâm chỉ là “hiệu ứng của ba duyên hoà hiệp”. Nếu mê mờ tiền trần, để cho “ba duyên hoà hiệp” thì nhất định “vọng tâm sẽ sanh khởi”. Vì thế, việc đừng cho ba duyên căn; trần; thức hoà hiệp với nhau là việc làm quan trọng đầu tiên của người tu hành.
Nếu ba duyên không hoà hợp, nhất định tâm sẽ không sanh. Trong Kinh Kim Cang, Phật dạy rất rõ điều này: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp, sanh tâm. Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm”. Một khi tâm không sanh, người tu hành mới có thể cảm nhận đầy đủ câu nói của Lục Tổ “bổn lai vô nhất vật”, câu nói này có nghĩa rằng: Xưa nay chưa từng có tâm cũng như bất cứ một thứ gì trong tâm thức này. Trong khi đó, Kinh Thủ Lăng Nghiêm Phật cũng dạy: “Muốn thấy được chơn tâm, người tu hành phải trả các duyên căn, trần, thức trở về đúng Bản Nguyên của nó”!
Vô Sanh Pháp: Sau khi Giác Ngộ để không tâm rồi, vị tu hành này một lần nữa phải Giác Ngộ cho được rằng: Bản lai chưa từng có pháp.
Pháp chỉ là “bóng dáng của tiền trần ảnh chiếu nơi tâm thức”. Sức ảnh chiếu này Phật dạy: Như con nai khát nước, thấy sóng nắng tưởng nước. Như người nhặm mắt, thấy đèn có quầng. Như người ngủ mê, nơi giường nằm thấy cảnh. Như nhà ảo thuật, hoá hiện ảo nhân. Như họa sư, nhân nơi giấy bút vẽ nên các hình...Và những pháp như thế, chỉ do tâm thức hư nguỵ sản sanh, Phật Đạo gọi đó là "hư vọng pháp”. Giác ngộ như thế, vị này sẽ không sanh pháp. Nếu lỡ pháp đã sanh, vị này cũng rõ biết mà tự dừng lại, không đeo đuổi, không si mê để rồi chạy theo nó!
“Vạn pháp duy thức”, câu nói này nhằm chỉ ra rằng: Các pháp sở dĩ có, là do hiểu biết hư vọng từ quá khứ hoặc hiện tại huân tập mà sanh. Trong lúc các pháp hư vọng đang sanh, bản thân các pháp này cũng tự vắng lặng, chẳng có tánh, chẳng có tướng, chẳng ai là thọ giả, chẳng ai là tác giả. Do thấu suốt như vậy, người tu hành sẽ không sanh pháp, nếu có sanh pháp, thì cũng tự biết rằng: Pháp kia như huyễn, chẳng có tác dụng. Vì thế, người trí không nên sở hữu nó, chẳng nên tạo tác, chẳng nên chung cùng với nó. Nhận thức được như vậy, sẽ không làm ta “mê” các pháp.
Không sanh tâm, không sanh pháp, vị này thường “Bất Động”, từ đây dứt sạch “mọi căn nguyên của mê lầm cơ bản”. Theo con, một người tu hành mà chưa Giác Ngộ và chưa thực chứng hai điều này, thì “mê lầm cơ bản” chưa dứt, “chưa thể thong dong bước vào con đường dẫn đến Vô Thượng Trí”!
Người tu hành, thấu suốt thế nào là tâm, thế nào là pháp. Không còn sanh khởi hai thứ này thì: Không cầu, giải thoát cũng đến. Không mong, chơn tâm cũng hiện. Không diệt, bốn tướng cũng trừ. Không trị, bốn bệnh cũng mất. Trong cái “tịch tĩnh vô vi bất động ấy”, sẽ tự cảm nhận nơi đây chính là Niết Bàn, nơi đây chính là Diệt Đế!!! Từ đây, mọi thứ hoài nghi sẽ tan biến. Và theo con thì, “Quyết Nghi” trong Tâm Pháp chính là đầu mối đưa ta đến “chân trời của Đạo”!
Và cũng chính những thấy biết như vậy, con chợt nhận ra: Hình như sau khi đã được “Quyết Nghi”. Lục Tổ Huệ Năng bây giờ mới thốt lên những lời chí tình chí lý của người vừa bừng tỉnh, những lời tâm sự đầy cảm khái: “Nào dè tự tánh vốn tự thanh tịnh, nào dè tự tánh vốn không sanh diệt, nào dè tự tánh vốn không lay động, nào dè tự tánh vốn tự đầy đủ, nào dè tự tánh có thể liễu tri muôn pháp”!
Thầy ơi! Có lẽ cũng nhân cái vi diệu của Đạo, nên khi có người hỏi Lục Tổ rằng: Chánh Pháp sẽ truyền cho ai?
Lục Tổ bèn tuyên nói hai câu kệ sau:
“Hữu Đạo giả đắc...
Vô Tâm giả thông”!
Tạm dịch:
Người Có Đạo thì được...
Người Không Tâm thì (chỉ) thông!
Vì thế, không tâm không pháp chỉ mới thông phần Diệt Đế. Còn Cái Đạo của Đạo Đế có lẽ chúng con phải còn “khổ luyện nhiều ngày” như Thầy đã dạy, mới mong được làm kẻ "Hữu Đạo Giả Đắc"!
Trong khi chờ câu hỏi hoặc email mới. Con viết bài này, nếu xét thấy có hữu ích. Xin Thầy chuyển đến mọi người để cùng nhau chia sẻ, cùng nhau tu học.
Mong Thầy cũng như HĐ bổ khuyết và chỉ giáo thêm!
Con…
***
Các bạn!
Từ lúc nhận được bài viết, cho đến giờ này, mình đã đọc bài viết này không dưới ba chục (30) lần. Hễ khi nào rảnh, là mình đem ra đọc, và đọc thật kỹ từng câu từng chữ!
Càng đọc, càng nghiền ngẫm, càng chiêm nghiệm. Mới thấy cái hay, cái tinh tuý và cái minh bạch trong bài viết. Bài viết đã làm được nhiều việc, từ cô đọng, đúc kết, phân tích và xác định mục tiêu tu hành. Chừng ấy điều, gói gọn trong một bài viết ngắn, không phải là việc dễ thực hiện. Bản thân mình cũng phải “khâm phục” sự tài tình này!
Tất nhiên, mỗ̃i một bài viết trong đời hay đạo, đều có tác dụng nhất định của nó đối với một số đối tượng nhất định nào đó. Giống như bữa tiệc dù ngon nhất trên thế gian này, nhất định cũng “có người nuốt không trôi” vì không phù hợp với họ.
Giống như sư tử con, khi biết kêu tiếng đầu tiên giống tiếng sư tử mẹ, sẽ được cả bầy sư tử ngợi khen. Và những loài không phải là sư tử thì, tiếng kêu đó chỉ là âm thanh vô tác dụng như mọi thứ âm thanh khác!
(17-06-2015)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






