Kinh Hoa Nghiêm

1. TỤNG ĐỌC… KINH HOA NGHIÊM
Các bạn!
Thật lý thú!... Từ lúc gởi Vô Đối Môn (38) nói về Kinh Hoa Nghiêm. Mình nhận được rất nhiều kiến giải của HĐ trình bày thấy biết về Kinh Hoa Nghiêm… Theo mình, những HĐ này thật sự ham thích “Trí Tuệ”, đang tìm cách xâm nhập lãnh vực Trí Tuệ. Nhưng mình vẫn chưa thấy một kiến giải của HĐ nào trả lời thoả mãn yêu cầu đặt ra… Phần lớn các HĐ của chúng ta dựa trên nền tảng của “giáo” để lý giải và xâm nhập lãnh vực “Trí”. Vì thế, các câu trả lời không đạt yêu cầu.
Câu hỏi đặt ra là, Kinh Hoa Nghiêm đã bị “nghi án nguỵ thuyết của Bà La Môn”. Nay, chúng ta làm sao chứng minh kinh này là của Phật Trí tuyên nói về Phật cảnh giới chứ không phải của Bà La Môn.
Tất nhiên, giống như đau ở đâu chữa ở đó. Chỗ̃ nào trong kinh người ta cho rằng của Bà La Môn, thì chúng ta phải chứng minh chỗ̃ đó chính là của Phật trí.
Kinh Hoa Nghiêm thuộc về hệ Phương Quảng, tuyên xưng Phật cảnh giới. Nếu chứng minh được điều này là của Phật trí, tuyên thuyết từ thật trí, người chứng minh tất nhiên phải là người hiểu chắc thật thế nào là thật trí. Còn chưa chứng minh được, thì chỉ là người còn loay hoay trong phạm vi của “giáo”.
2. CHỈ THÚ… KINH HOA NGHIÊM…?
Hôm nay đang viết VĐM (39), nhưng mình cũng tạm phải gác lại, để dành thì giờ trao đổi “phản biện” các HĐ có câu trả lời. Và, chưa có HĐ nào vượt qua ải phản biện của mình để bảo vệ thành công lập luận của họ!
Mình rất mong muốn, trong HĐ chúng ta, có vị nào đó, chứng minh một cách thuyết phục rằng: “Kinh Hoa Nghiêm chính là của Phật trí...”
Nói đến chứng minh, có nghĩa phải nêu lên những ý nghĩa cùng các bằng chứng thuyết phục. Ví dụ: Một cái bình trà để trước mặt, ba người A, B, C đều nói rằng cái bình trà này là của mình. Một trong ba người này, người nào trưng đủ bằng chứng hoặc lý luận thuyết phục, đủ cơ sở để chứng minh cái bình là của mình, chắc chắn cái bình là của người đó. Vì thế, chứng minh là đưa ra bằng chứng, chứ không chỉ là những lý luận khơi khơi.
Rất mong, thấy được một “con rồng nhỏ” xuất hiện. Như người xưa xuất hiện ở Long Cung để đem Hoa Nghiêm về.
(11-08-2015)
3. LỜI HỨA VÀ YÊU CẦU
Mình nhận được rất nhiều... Rất nhiều câu trả lời của HĐ chứng minh Kinh Hoa Nghiêm là của Phật thuyết.
Nhìn chung, có thể nói, phần lớn lập luận chứng minh của HĐ là tốt, tư duy đúng hướng. Tuy nhiên, theo mình thì HĐ đã tư duy đúng hướng, nhưng để có một kết luận đủ sức thuyết phục, nêu bật được lý do vì sao kết cấu của kinh theo hình thức văn hoá Bà La Môn, hầu như lập luận của các bạn chưa được thuyết phục cho lắm!
Vì bởi, đây mới là mấu chốt vấn đề, đây chính là những gì đặc thù nhất của Kinh Hoa Nghiêm. Có nghĩa rằng, “đa thần” vân tập để làm gì? Điều này, phần lớn HĐ đưa ra ý kiến chủ quan có tính văn hoá, hoặc quy về phương tiện hoá hiện, mà chưa thấy được nguyên uỷ sâu xa của việc làm này.
Mình cũng có cảm nhận, chỉ trong vài ba ngày mà các HĐ đã tìm thấy một chút gì đó manh mối vấn đề, điều này hơn hẳn bản thân mình ngày xưa. Để có một kết luận, một chứng minh đủ sức thuyết phục và hoàn toàn sáng tỏ mọi việc đúng với bản chất của câu chuyện trong kinh, mình đã mất một thời gian dài trên năm năm. Điều này nói lên rằng, các HĐ đã có một căn bản Giáo Pháp vượt trội, một định hướng tu tập đúng đắn, một cơ sở tư duy rất tốt và một hệ thống lý luận tương đối vững vàng, vượt xa bản thân mình ngày trước!
Mình cũng nhận thấy rằng, ít ra trong thời gian qua, đây là dịp tốt nhất để một số HĐ chúng ta “ghé mắt” đến bộ kinh Hoa Nghiêm. Điều này được coi là một thắng lợi tinh thần.
Hoa Nghiêm là một đề tài không dễ, hy vọng có một ngày đẹp trời nào đó, có thể là một chút nữa, có thể là ngày mai, có thể là một năm, có thể là mười năm, có thể lâu hơn... Khi nào nhận được bài viết đạt yêu cầu, mình sẽ chuyển bài đó tức thì đến mọi người, để mọi người cùng chiêm ngưỡng!
(13-08-2015)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






