Tu Phương Tiện Ba La Mật

Các bạn!!!
Thỉnh thoảng, trong lúc rỗi rảnh, ngồi xem truyền hình trực tiếp đưa tin và hình ảnh tranh tài Sea Game 28 được tổ chức tại Singapore. Trong khi xem các vận động viên thi đấu, mình liên tưởng đến nhiều điều trong Phật Đạo. Theo mình biết, để trở thành một VĐV đến thi đấu tại cuộc tranh tài này, bản thân mỗ̃i VĐV đó phải “khổ luyện” không dưới mười năm, điều này khiến mình nghĩ đến con đường tu hành. Để tham dự một trò chơi nhân gian, người ta phải khổ luyện như vậy, chẳng lẽ con đường hàng phục tự thân dẫn đến trí tuệ trong Phật Đạo lại có thể một sớm một chiều. Vì thế, có thể nói, để thành công trong một lãnh vực bất kỳ nào đó, khổ luyện là một trong những điều không thể thiếu.
Tất nhiên, khổ luyện cơ bắp để trở thành một VĐV thể thao không giống khổ luyện trí tuệ. Một bên rèn luyện thân thể, một bên rèn luyện tâm trí, hai lãnh vực này hoàn toàn khác nhau về cách thức và phương pháp. Nhưng cho dù khác nhau về cách thức và phương pháp rèn luyện, hai thứ này đều có một mẫu số chung đó là: Phải “khổ luyện” mới thành công.
Bản thân mình ngày xưa, phải mất trên 20 năm âm thầm tu tập, rèn luyện tâm trí. Ngày đó, có những nan đề trong Phật Đạo phải đầu tư mất nhiều năm trời. Để giải quyết những điều như vậy, mình nỗ̃ lực không ngừng nghĩ, với niềm tin sâu sắc, với ý chí kiên cường, vùi đầu vào khổ luyện. Và điều gì đến nhất định phải đến, sau thời gian dài rèn luyện, cho đến lúc hoát nhiên và tự biết rằng: Phật Đạo không còn gì bí ẩn đối với tự thân, bây giờ mới bước ra làm quen với các HĐ.
Ngày xưa, mình không được may mắn như các bạn hôm nay, mọi thứ phải “tự thân vận động”. Trước mặt là vô số kinh điển, trước mặt là một mớ hổn tạp giữa thế gian và Đạo Pháp, bản thân phải tự vượt qua những thứ này. Mình nhớ lại, trên hai mươi năm như vậy, ngày cũng như đêm, Phật Pháp và những câu hỏi về Phật Đạo không rời khỏi tâm trí, bất kỳ thức hay ngủ. Thậm chí trong lúc mệt quá thiếp đi, những câu hỏi về Phật Đạo cũng hiện lên trong giấc mơ. Nói như vậy, để các bạn có thể tạm hình dung ra thế nào là “sự khổ luyện” trong Đạo Pháp, nhờ khổ luyện như vậy mà hiện tại bản thân mới có được một vài thành tựu nhỏ nhoi của ngày hôm nay.
Hiện tại, các bạn có thể coi là may mắn hơn mình ngày trước. Mọi nan đề, mọi ý nghĩa của Phật Đạo đã được mình chia sẻ với các bạn gần như tất cả. Các bạn không cần phí nhiều thời gian mất công tìm hiểu ý nghĩa, chỉ cần lật tài liệu, hoặc trực tiếp gặp là đã có lời giải đáp. Điều này giúp các bạn đốt giai đoạn rèn luyện mà vẫn thấu hiểu, điều này giúp các bạn không phải “chạy loanh quanh” trong những ý nghĩa vô bổ mất thời gian như mình ngày xưa.
Bây giờ phần việc còn lại của các bạn chỉ là, ứng dụng những ý nghĩa đã trao đổi với nhau vào đời sống tu hành để thành tựu cho tự thân. Đây là phần việc, theo mình thì: Rất đơn giản, chỉ cần gắng sức là thành công!!! Nếu có khổ luyện thì không phải gian nan như mình ngày ấy. Mọi thứ đã có sẵn, mọi ý nghĩa đã có lời giải đáp.
Mấy hôm nay, trong những lần trao đổi với HĐ. Một số đề tài được đem ra thảo luận, trong đó có hai đề tài được chia sẻ nhiều nhất. Đó là:
1. Phương pháp tiếp cận một đối tượng, và cách tu Phương tiện Ba La Mật.
Để tiếp cận thành công một đối tượng. Ngoài việc phải có một số vốn kiến thức về đời và đạo nhất định, kế đến tự thân phải thành tựu chiều sâu nội tâm cần thiết... Bản thân cũng phải khéo léo trong ứng xử, biết quan sát và đánh giá đúng đối tượng. “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” lời đúc kết của người xưa không phải vô cớ.
Phần lớn HĐ chúng ta đã bỏ qua yếu tố “biết mình biết người”. Không quan sát và đánh giá đúng mức đối tượng, không nắm vững trong thâm sâu người kia cần gì? Vì thế, các cuộc nói chuyện phần lớn là những buổi nói chuyện dàn trải, không có trọng tâm, không đạt yêu cầu. Nó giống như trong kinh tế, ta bán thứ mình có mà không bán cái thị trường cần, kinh doanh như thế, phá sản là chuyện tự nhiên. Mình nhớ hình như trước đây hai năm, trong một loạt emails nào đó, chúng ta có bàn luận về đề tài "Phục Tâm Chế Mạng". Nếu nghiền ngẫm loạt bài này, nhất định các bạn sẽ tự tìm ra phương pháp tốt nhất để tiếp cận một đối tượng.
2. Bán cái thị trường cần.
Trong kinh doanh, một vấn đề cơ bản, được coi là tất yếu để tiến đến thành công. Đó là, người bán phải bán cái thị trường đang cần. Phần lớn chúng ta lại làm ngược quy luật này, đó là: Cái mà người cần mua thì ta lại không có, điều này đồng nghĩa với việc “thất bại trước khi bước ra chợ”.
Để có nguồn hàng dồi dào cung ứng cho thị trường, người kinh doanh phải đi tìm và sở hữu tối đa nguồn hàng đó. Trong Phật Đạo, nhằm giải quyết yêu cầu hoằng pháp, cũng như giúp Bồ Tát hoàn thành tâm nguyện, Phật dạy các Bồ Tát phải tu "Phương Tiện Ba La Mật". Phương Tiện Ba La Mật, chính là phương thức sản xuất, chính là đi tìm nguồn cung ứng, chính là tận tay sở hữu các mặt hàng mà thị trường đang có nhu cầu.
Nếu đọc các Kinh Giáo Bồ Tát các bạn sẽ thấy, Thế Tôn và vô số vô vi Bồ Tát vân tập ở một địa điểm nào đó, tuyên thuyết, mổ xẻ, thảo luận các đề tài trong Phật Đạo. Hình ảnh này, chính là Thế Tôn đang dạy cho các Bồ Tát tu tập Phương Tiện Ba La Mât.
3. Tu Phương Tiện Ba La Mật bằng cách.
Bồ Tát đặt ra các câu hỏi, đưa ý nghĩa một đoạn kinh, lập một tình huống giáo hoá giả định... Tự thân tập trả lời các câu hỏi đó, tập phân tích và cắt nghĩa đoạn kinh đó như pháp. Tập và phản biện đến bao giờ không còn một phản biện nào có thể bẻ gãy lập luận cũng như nghĩa mà Bồ Tát tuyên thuyết. Khi đó, mới được coi là thành tựu một Phương Tiện Ba La Mật. Và tiến trình tu tập này chỉ dừng lại, khi nào tất cả mọi vấn đề trong Phật Đạo được giải quyết rốt ráo và thoả đáng.
Tất nhiên, muốn thành tựu pháp tu này, vị Bồ Tát phải có một chiều rộng nhất định và một chiều sâu cần thiết. Chiều rộng nhất định, giống như nguồn nguyên liệu dồi dào, chiều sâu cần thiết giống như một nhà máy tối tân. Có được hai điều này, việc cho ra một sản phẩm như ý không còn là vấn đề.
Trong lúc tu Phương Tiện Ba La Mật, chính là lúc ta có đủ thời gian để “tập hợp các kiến thức” biến thành một kiến thức tốt nhất. Nó giống như trong vô số mũi khoan, ta chọn một mũi khoan tốt nhất, đạt yêu cầu nhất để khoan thủng một vật. Nếu không làm như vậy, thì với vô số kiến thức đã có, ta không biết chọn kiến thức nào để trao cho người. Điều này giống như một người đem nhiều mặt hàng ra chợ, có người hỏi mua, người bán không biết mặt hàng nào để mà bán.
Trong lúc tu Phương Tiện Ba La Mật, chính là lúc thực tập kỹ năng truyền đạt kiến thức, thực tập kỹ năng “đánh mạnh thắng gọn”. Thiếu các kỹ năng này, giống như người dùng lạt yếu buộc trâu, dùng dây thừng trói gà... sẽ vô tác dụng!
Trong lúc tu Phương Tiện Ba La Mật, chính là lúc ta thực tập kỹ xảo ứng xử, kỹ xảo biến hoá. Giống như nơi hư không mà Thế Tôn có thể biến hoá ra vô lượng pháp lành. Thiếu các kỹ xảo này giống như nhà ảo thuật đem lửa thật đốt nhà, đem cưa máy cưa một người, sẽ là rất vô lý và thất bại trong nghề nghiệp.
Các bạn!!!
Đối với Phật Đạo, mọi thứ đang nằm trong tay các bạn. Cho đến giờ này, hầu như các bạn đã được trang bị không thiếu một thứ gì: Từ giáo trình (PG&T), kiến thức (CGTL nay là ALL), phương pháp đã được viết trong Tâm Pháp (TP). Cái còn lại có thể giúp các bạn thành công, đó là ý chí và sự khổ luyện. Chỉ có ý chí kiên cường và sự khổ luyện không mệt mỏi, mới thật sự là chiếc chìa khoá đưa các bạn đến thành công. Thế gian có câu nói, có lẽ chúng ta nên suy gẫm “con đường đưa đến thành công không có dấu chân của những kẻ lười biếng và không ý chí”!
(13-06-2015)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






