Thấu Thị Môn

 0
Thấu Thị Môn

Các bạn!

Thấu thị là nhìn thấu bản chất của sự việc, là thấu suốt những ý vị sâu xa của kinh điển qua lớp vỏ văn tự, là phát hiện “tạng vi mật” của Chư Phật ẩn tàng trong Giáo Pháp, là đọc được tâm người và thấy chỗ̃ vướng mắc của họ. Thấu thị chính là “Thiên Nhãn Minh”, một trong tam minh làm nên Bồ Tát Trí!

Vì thế, năng lực thấu thị, hay thành tựu Thiên Nhãn Minh là một trong những yêu cầu bắt buộc không thể thiếu, khi đặt chân vào cửa ngỏ Nhất Thừa của một Bồ Tát. Thấu Thị Môn là một phần của Nhất Thiết Trí Môn, người không có khả năng soi thấu những điều ẩn mật của kinh điển, không có khả năng đọc được tâm người để thấy đâu là vướng mắc, người này khó có thể lãnh hội Đạo Nhất Thừa. Vì rằng, cái nhìn của Đạo Nhất Thừa siêu quá giới hạn văn tự, cái nhìn của Đạo Nhất Thừa xuyên thấu danh tướng, nó rất khác với cái nhìn của ba thừa hay nhân thiên thừa.

1. … TRỢ GIÚP… THỰC TẬP THẤU THỊ MÔN

Để tập làm quen với cách nhìn mới, làm quen với sự trực nhận trước mọi vấn đề. Trong thời gian tới nếu đủ duyên, mình sẽ lần lượt đưa ra các câu hỏi, để các bạn dần dần thành tựu "Thấu Thị Môn".

Tiếp theo ba câu hỏi của kỳ trước. Hôm nay, các bạn sẽ tập sử dụng khả năng trực nhận, để trả lời ba câu hỏi sau. Phần trả lời cũng theo nguyên lý cũ, đó là đưa ra kết quả trực nhận trước, sau đó là chứng minh để bảo vệ trực nhận này là đúng.

Các bạn!

Kinh Đại Bát Niết Bàn, Phẩm Thánh Hạnh có kể câu chuyện, tiền thân Phật là một vị tu khổ hạnh. Một hôm nghe được nửa bài kệ của Phật quá khứ, do quỷ La Sát đọc, nửa bài kệ như sau: “Chư hành vô thường, thị sanh diệt pháp”. Nghe xong hai câu kệ, vị tu khổ hạnh muốn con quỷ La Sát đọc tiếp hai câu còn lại. Con quỷ ra điều kiện, muốn nghe thêm hai câu nữa, phải cho nó ăn thịt!!!. Vị tu khổ hạnh đồng ý!!! Trước khi nghe hai câu kệ còn lại, vị tu khổ hạnh bèn lấy tấm da nai đang mặc trên thân, trải làm toà ngồi, rồi thỉnh quỷ La Sát lên ngồi, với câu nói: “Bạch Hoà Thượng, xin thỉnh ngài lên toà này” (mặc dù quỷ La Sát lúc đó mang thân tướng của quỷ, chứ không phải là thân tướng của một Sa Môn). Sau đó vị tu khổ hạnh quỳ dài để nghe hai câu kệ!!! Hai câu kệ tiếp theo như sau: “Sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc(1). Nhân câu chuyện kinh kể trên, mình có ba câu hỏi như sau:

Câu 1: Trong câu chuyện, chữ “hành” của câu “chư hành vô thường”, trước nay thường được người tu hành giải thích: Hành là việc làm (hành động), hành là những hiện tượng biến đổi, hành là các thứ tướng, v.v...Theo bạn, ngoài các ý nghĩa đã nêu, trong sâu thẳm nhất, chữ “hành” ở câu này nhằm chỉ cụ thể điều gì?

Câu 2: Trong câu chuyện trên, việc vị tu khổ hạnh gieo mình cho quỷ La Sát ăn thịt, từ trước đến nay, người tu hành thường tán thán đây là hành động “xả thân cầu đạo”...!

2.a. Theo bạn, kết luận vị khổ hạnh xả thân cầu đạo trong tình huống này, đã thật sự thuyết phục hay chưa? Vì sao chưa, yêu cầu chứng minh?

2.b. Bạn còn thấy ý nghĩa nào sâu xa hơn trong hành động này của vị tu khổ hạnh, (thay vì điều đó chỉ là hành động đơn thuần của việc xả thân cầu đạo)? Yêu cầu lập luận chứng minh rằng, cái thấy của bạn mới là đúng nhất trong tình huống này của vị khổ hạnh?

Câu 3: Hai câu hỏi trên, ngoài việc kiểm tra năng lực tu hành thông thường. Theo bạn, khi đặt câu hỏi này, nếu bạn trả lời đúng, mình (LT) sẽ nhìn thấy cụ thể điều gì về năng lực giáo hoá của bạn?

Rất mong, nhận được những câu trả lời lý thú từ các bạn!

(13-10-2015)

2. NHỮNG GỢI Ý …

Mặc dù có mấy câu trả lời được coi là đúng, nhưng điều đó không có nghĩa rằng, các HĐ đó đã thật sự thấy được vấn đề!!! Cho nên, những câu trả lời đúng trong thời gian qua chỉ mang tính động viên, khích lệ, an ủi nhau tiếp tục cuộc hành trình chinh phục ngọn núi Nhất Thừa, hơn là sự toả sáng như mong đợi. Điều này làm mình hết sức băn khoăn, mình tự hỏi: Không lẽ, Đạo Nhất Thừa còn xa chúng ta đến thế. Không lẽ, nó là thứ đẳng cấp “xa xỉ” trong lúc này!

Trong hầu hết các câu trả lời mà mình nhận được qua hai lần đặt câu hỏi, không thể giúp mình yên tâm về các bạn. Nó giống như một đội tuyển bóng đá, giao hữu thì có thể cầm hoà đội mạnh. Nhưng nếu, căng sức ra thi đấu, thi đấu sòng phẳng, nhất định nắm lấy phần thua!

Sau những trận thua, mọi người mới giật mình với những ảo tưởng về sức mạnh trước đó. Đến lúc này, mới tự đặt câu hỏi: “chúng ta đang đứng ở đâu trong cuộc chơi này”? Trong cuộc chơi chinh phục Nhất Thừa Đạo, tính khắc nghiệt và đào thải luôn chực chờ. Nếu người chơi không tự rèn luyện để có “một đẳng cấp tương xứng” thì, nó giống như người khổ hạnh, tu bao nhiêu thứ, cầu bao nhiêu ngày tháng cũng không thể thấy Đại Đạo!

Có thể trong hiện tại này, lúc mình đang viết bài này, một số HĐ đang nghiền ngẫm đoạn kinh để tìm lời giải đáp. Theo như những gì mình thấy được sau hai lần đặt câu hỏi để kiểm tra mức độ thấu thị, hầu như tất cả HĐ chúng ta, khi đối diện một bài kinh, đối diện một đối tượng, chưa biết điều gì là trọng tâm cần khai thác để tìm ra chiếc chìa khoá giải quyết vấn đề. Nếu không được gợi ý, nhất định các bạn sẽ định hướng sai!

Trong lần đặt câu hỏi này cũng vậy. Hầu hết các HĐ chưa thật sự có cái nhìn sắc bén cần thiết, chưa đặt mũi khoan đúng mục tiêu, vì thế “khoan lung tung”, cả bài kinh đầy dấu mũi khoan, mà chẳng có mũi nào khoan thủng mục tiêu!

Đọc bài kinh vừa rồi, chúng ta cứ chạy theo hành động, chạy theo câu nói của vị khổ hạnh, nói chung là chạy theo hiện tượng được ghi lại trong câu chuyện, mà chúng ta quên mất điều gì đã làm nên những hiện tượng, làm nên những hành động và làm nên các câu nói đó? Hình như các bạn chưa một lần thẩm xét toàn bộ bối cảnh câu chuyện rằng: Trước khi nghe bài kệ, tâm thế của vị khổ hạnh như thế nào? Nghe được nửa bài, tâm thế vị khổ hạnh như thế nào? Sau khi nghe hết bài kệ, tâm thế vị khổ hạnh như thế nào? Nếu thẩm xét đầy đủ những nhân duyên này, nhất định ta sẽ tìm thấy “chiếc chìa khoá” làm nên câu chuyện.

Không phải vô cớ mà câu hỏi thứ nhất, mình gợi về ý nghĩa của chữ “hành” trong hoàn cảnh này. Có bao giờ các bạn soi xét ý nghĩa của chữ “hành” trong bài kệ, nếu chữ “hành” tuyên thuyết đúng thời điểm, nó sẽ phát huy tác dụng như thế nào không...!?. Chữ “hành”, chính là phát pháo khai hoả cho trận chiến tiêu diệt tâm thức của người khổ hạnh, để từ đó làm nên chiến thắng “xả thân không ngần ngại”!

Để có một lý luận sắc bén, chúng ta không thể không xét đến lý do: Vì sao, trước đó vị khổ hạnh đã được nghe bài kệ này rồi mà không có hành động xả thân, có đã từng được nghe mới biết bài kệ còn lại hai câu nữa, chứ nếu chưa từng được nghe, làm gì vị khổ hạnh có thể biết điều này! Như vậy, lần nghe này, khác những lần nghe trước ở điều gì? Chưa xét điều này, lý luận chứng minh về “chuyện bỏ thân” chưa thuyết phục!

Xét tổng thể câu chuyện, xét cách tu hành và những thành tựu của vị khổ hạnh trước đó. Xét thời điểm được nghe bốn câu kệ hiện tại, xét sức mạnh bốn câu kệ trong thời điểm này và những tác động tích cực sau khi vị khổ hạnh nghe được (tất cả những dữ kiện này có đủ trong bài kinh). Ta mới thấy sức thiện xảo của người thuyết, và độ chín mùi của người nghe. Chính những điều này đã làm nên sự bùng nổ ghê gớm, coi thân mạng như đồ chơi của vị khổ hạnh trong hiện tại này. Đây cũng là nguyên nhân để vị khổ hạnh nhìn thấy con quỷ La Sát với thân tướng đáng ghê sợ, trở thành một vị Hoà Thượng trên tinh thần Đệ Nhất Nghĩa Tăng và xin được làm đệ tử suốt đời! Cũng chính độ sâu, thật sâu đó, nếu không có một cái nhìn tinh tế, không có một năng lực thấu thị vừa đủ, sẽ rất khó nhận ra những ẩn mật trong bài kinh.

Các bạn!

“Hãy như con sư tử, nhắm thẳng đối tượng mà tấn công”, nhất định sẽ thắng lợi. Hy vọng, qua những gợi ý trên, các HĐ sẽ tìm ra đáp án có sức thuyết phục.

(15-10-2015)

3. ĐẠI PHẪU THUẬT

Mấy hôm nay, mình ngẫm nghĩ rất nhiều đến HĐ. Nhất là những HĐ thuộc hàng “trưởng lão”, mình vẫn chưa tìm thấy “tính ổn định” nơi các bạn. Tất nhiên, khi đề cập đến giáo pháp ba thừa, các bạn rất thông thuộc, thậm chí là những thượng thủ trong đời. Nhưng, chỉ cần nâng tri kiến của các bạn lên một chút xíu, đặt một chân của các bạn vào Nhất Thừa Đạo, lập tức “các trưởng lão của ta” lại loay hoay níu nó trở xuống ngang bằng “tư duy ba thừa”. Có thể, chúng ta chưa kịp làm quen với cách trực nhận của Trí, nên còn bị cái Đạo chi phối.

Các bạn!

Đây là giai đoạn, chúng ta phải đập luôn cái vỏ trứng "vô minh trụ địa" đang bao phủ tâm trí của chúng ta. Nếu không đập bể được cái vỏ trứng này, nó giống như một con chim đẹp có tiếng hót hay, bị nhốt trong một cái lồng sơn son thếp vàng. Bầu trời bao la ngoài kia, chỉ cách có một cái lồng mỏng manh, mà con chim không thể tự do bay liệng. Không tự do bay liệng ngoài bầu trời xanh, làm sao con chim có thể "khoe cái đẹp cùng với tiếng hót hay" đến tận mười phương!

Vô minh trụ địa, nó như cái lồng sơn son thếp vàng. Thành tựu giáo pháp ba thừa, giống như con chim đẹp lại có tiếng hót hay. Nếu con chim này không biết phá vỡ cái lồng để đến với bầu trời xanh, thì số phận của con chim kia chỉ là món đồ “để các gia chủ nuôi làm kiểng trong nhà”. Con chim bây giờ chẳng sinh nhiều ích lợi, cũng chẳng thể làm đúng chức năng của một con chim đẹp lại có tiếng hót hay!

Những câu hỏi vừa qua, và có thể những câu hỏi sắp tới, đôi khi làm cho một vài HĐ cảm thấy hụt hẫng. Nhưng, nó giống như một người đẹp, lại mang trong mình khối u ác tính. Nếu không có liệu pháp mạnh, bệnh nhân sợ đau không chấp nhận mổ xẻ, thì biết đến bao giờ mới chữa lành khối u ác tính này đây, để trả lại cái đẹp hoàn hảo cho người đó?

Đây là lúc HĐ chúng ta phải quyết tâm, quyết tâm thật cao. Cùng nhau phá tan cái lồng Vô Minh Trụ Địa, để giúp những con chim đẹp lại có tiếng hót hay, có thể bay khắp mười phương mang cái đẹp, cái hay đến mọi người.

(17-10-1015)

4. HỌC SĂN VOI

Nhìn chung, phần lớn trả lời của các bạn tương đối đáp ứng được yêu cầu của câu hỏi số một. Điều này cho thấy, trong thời gian qua, các bạn đã nắm rõ tiến trình của Phật Đạo, đồng thời hiểu được thế nào là nhãn quan của năm thừa. Cái thấy này là tiền đề quan trọng, để thời gian tới chúng ta tìm hiểu sâu về Đạo Tướng Trí, một trong những môn học của Nhất Thiết Trí, có thành tựu Trí này, vị lai mới có thể thành tựu viên mãn mười một loại Trí.

Trong công hạnh, Đạo Tướng Trí chiếm một vị trí rất quan trọng. Giống như người săn voi, chỉ cần thấy dấu chân là có thể biết được hình tướng, tánh nết, thói quen, đường đi... của con voi, cũng như cách săn bắt nó. Đạo Tướng Trí cũng vậy, khi thuần thục trí này, sẽ nhìn thấy căn cơ và đạo quả trước mắt của một người, từ đó chúng ta sẽ có biện pháp thích hợp để định hướng cho họ và đề ra các bước kế tiếp hợp lý. Đồng thời cũng thấy được trở ngại chính của người đó, và biết cách làm thế nào để giúp người này vượt qua chướng đạo để thành tựu Đạo quả.

Riêng câu hỏi số hai, hôm qua đến nay, chưa thấy HĐ nào trả lời đúng. Điều này cho thấy, các bạn chỉ nhìn ra một phần của vấn đề, vì thế chưa đưa ra được giải pháp tối ưu. Đây là một trong những hạn chế trong việc giáo hoá, chưa khắc phục được điều này, hiệu quả thuyết pháp không cao. Nó giống như một cung thủ, từ chỗ̃ đứng so với mục tiêu còn xa, vì thế xác suất đưa mũi tên trúng mục tiêu là rất khó. Vị lai, chúng ta sẽ khắc phục hạn chế này.

(19-10-2015)

5. ĐẠO NHẤT THỪA RA KHỎI SUY LƯỜNG

Mình nhận thấy, các bạn càng cố gắng trả lời câu hai, càng đi xa mục tiêu câu hỏi đặt ra. Thậm chí, có HĐ lần trả lời trước có chút gì đó những tưởng như thấy được manh mối, đến khi điều chỉnh, thì lại đặt vấn đề quá xa mục tiêu.

Theo mình nghĩ, có lẽ các bạn càng tư duy, càng bị luồng tư duy dẫn đi sai hướng. Đúng như câu nói của Ngũ Tổ, “hễ thấy là thấy liền, khởi suy lường liền sai”!

(21-10-2015)

Các bạn!

Mình nghĩ, đến giờ này có lẽ đã có một chút manh mối gì đó để các bạn nhìn thấy cái thẳm sâu trong câu chuyện người khổ hạnh và con quỷ vô độc dưới lớp vỏ văn tự ngữ ngôn. Hãy bỏ tất cả xuống, lặng lẽ quan sát, nhất định sẽ thấy những gì cần thấy!

(24-10-2015)

6. TÁN THÁN

Sau khi gởi đến các bạn email nói về chỗ̃ thành tựu của Đại Sư Huynh (ĐSH) trong hiện tại qua lần trao đổi hôm qua. Mình nhận được rất nhiều emails tán thán ĐSH, đồng thời, cũng nhận được mấy cuộc ĐT của HĐ nhờ mình chuyển lời đến ĐSH.

Có những HĐ đã tâm tình với mình, nghe tin ĐSH có điều tốt, HĐ đã bật khóc vì vui mừng. Thế đấy các bạn! Đạo pháp là như vậy!

Đại Tâm luôn luôn là thứ ánh sáng xua tan những u ám của phàm phu tâm. Nếu chưa có được "ánh sáng của Đại Tâm", chưa biết hoan hỷ trước thành tựu của HĐ khác, thì lậu hoặc và phiền não là khó tránh khỏi!

Hãy xét tâm lượng hiện tại của mình ra sao khi nghe HĐ có điều tốt, phản ứng của tâm này như thế nào khi nghe điều ấy là “phép thử” hiệu quả nhất!

Có thể nói, HĐ chúng ta dù ở đâu, xa hay gần. Giống như một “bầy chim nhạn”, con bay trước, con bay sau... tất cả đồng hướng về mục tiêu!

Con đường tu tập còn dài, còn rất dài. “Trường đồ tri mã lực”, đường xa mới biết sức ngựa! Thật ra, chỉ một thành tựu nhỏ nhoi của ngày hôm nay, chưa nói được gì nhiều, nó chỉ là một đốm sáng le lói ở cuối chân trời!!! Nếu không biết giữ gìn, không biết phát huy và không biết cầu tiến. Thì một chút ánh sáng ấy có thể vụt tắt bất kỳ lúc nào!!! HĐ chúng ta, kể cả ĐSH còn phải vượt qua rất nhiều, rất nhiều trở ngại của tự thân, mới có thể nắm bắt một phần nào đó Giáo Pháp, chưa nói những kỹ năng hỗ̃ trợ để phát huy trọn vẹn Giáo Pháp ấy được liệt kê trong VĐM chúng ta còn phải tôi luyện nhiều hơn nữa. Hiện tại HĐ chúng ta đang thiếu nghiêm trọng.

Vì rằng, chỉ một Giáo Pháp không thôi, cũng không đủ sức giúp một người tu hành tạo ra một vụ nổ “Big Bang” như mình từng đề cập. Mà muốn hình thành một vụ nổ như thế, đòi hỏi rất nhiều yếu tố, cộng với những tố chất tạm coi là “tài hoa” hay “thiên bẩm” trong con người ấy!!! Cho nên, tự rèn luyện để thông thuộc Giáo Pháp và hình thành những tố chất đặc biệt như vừa nêu là việc làm hằng ngày, như hơi thở, như sự sống. Giống như người “cưa cây lấy lửa”, phải cưa liên tục, không được hở tay. Chỉ cần lơi lỏng một chút là mọi thứ sẽ “nguội lạnh” và cơ hội có được lửa sẽ bằng không (= 0)!

Qua gần tám năm gần gũi các bạn, mình nghiệm ra nhiều điều. Giống như những con ngựa chạy đường xa, có con “hoan hỷ bám theo bầy đàn tiến bước”, có con “không bắt kịp bầy đàn bị bỏ lại phía sau”, có con chùn chân mỏi gối, chấp nhận ngồi đó “nhai cỏ khô trần gian cho đỡ đói”. Điều này không có gì là lạ, nó là thứ quy luật tất yếu của bất kỳ sự học nào trên đời này!

Viết đến đây, mình nhớ lại chuyện nhiều chục năm về trước, xin kể để các bạn nghe cho vui. Hồi đó tính vừa mới đưa vào xứ ta, cơ quan của mình mở một lớp học để phổ cập tin học cho mọi người, mình cũng ghi danh theo học. Lớp học gồm 120 người và 30 cái máy, như vậy bốn người sử dụng chung một máy. Những ngày đầu, để được ngồi vào bàn máy bấm bấm bấm, là một vinh dự và cạnh tranh với nhau quyết liệt. Sau nửa tháng, còn lại hai người một máy, đúng một tháng sau, một người một máy. Và ngày cuối khoá ở tháng thứ tư, mình cùng ba người nữa, mỗ̃i người gần mười cái máy.

Ngày thi tốt nghiệp, chỉ có mình cộng ba học viên và sáu anh Thầy giáo chấm thi với 30 cái máy. Một không gian học tập “ảm đạm và lạnh lẽo”...Thế đấy, trong vòng bốn tháng, từ 120 người chỉ còn lại 4 người đeo đuổi, trong đó có mình. Nhờ thế, hôm nay mới có khả năng viết, viết và viết cho các bạn. Nếu không quyết tâm đeo đuổi ngày ấy, không biết giờ này phải làm thế nào để hằng ngày nói chuyện với các bạn bằng bàn phím và con chuột!

Những ngày qua, khi giới thiệu đến các bạn cái tốt nho nhỏ của ĐSH. Nhân cơ duyên này, mình có đề cập nhiều đến Đại Tâm. Đến chuyện phải rộng mở hoan hỷ tâm. Phải biết sinh tâm tuỳ hỉ. Phải biết hân hoan trước thành tựu của người. Phải biết từ bỏ những thứ tâm nhỏ nhen ở đời như: Tật đố, ganh ghét, so bì, tôi anh, tư niệm, không vì cái chung! Những điều như vậy, được nhắc đi nhắc lại bằng cách này hay cách khác trong các emails trước, không phải không có lý do của nó...!

Kinh nghiệm giáo hoá cho mình thấy, trong giai đoạn này, giai đoạn tối hậu trước khi rời xa Tam Thừa, đặt chân vào Nhất Thừa. Nếu HĐ nào chưa phát được Đại Tâm, còn vương vấn đây kia trong lòng, còn cưu mang những thứ tâm nhỏ nhặt như đã đề cập ở trên, HĐ đó sẽ như những “con ngựa bị bầy đàn bỏ rơi”, thậm chí sẽ là con ngựa “đành phải ngồi đó nhai cỏ khô trần gian cho đỡ đói”. Giống như chuyện 500 gã Tăng Thượng Mạn phải rời xa Pháp Hội Diệu Pháp Liên Hoa khi Phật tuyên thuyết Phật Tri Kiến để chuẩn bị khai diễn Nhất Thừa!

Cho nên, cái mong muốn của mình trong hiện tại là: Các HĐ phải xem lại lòng mình, phải “Phản Quang Tự Kỷ”, phải mở cho được “Đại Tâm”, phải phát sinh cho được “Hoan Hỷ Tâm”, phải biết quở trách “Tiểu Tâm” còn thừa sót lại trong lòng để cùng bầy đàn tiến bước! Thiếu các thứ tâm này. Xin thưa, muốn đặt chân vào Nhất Thừa Đạo, chỉ là chuyện “nằm mơ giữa ban ngày”! Mình xin nhắc lại câu nói cũ mèm hôm trước: "Đại Tâm là thứ ngân lượng để mua, bán, sang, nhượng cỗ̃ xe Đại Thừa. Thiếu thứ này, phải ngồi đó chờ... khuyến mãi... hàng... tồn... kho... ở kiếp sau”!

(05-11-2015)

-----------------------

(1) Các bạn có thể tìm đọc toàn bộ câu chuyện này ở Kinh Đại Bát Niết Bàn. HT Thích Trí Tịnhdịch, quyển một, Phẩm Thánh Hạnh, (tr. 478 - 487).

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG