Năng Lễ Sở Lễ Tánh Không Tịnh

 0
Năng Lễ Sở Lễ Tánh Không Tịnh

Lục Đệ lại nói: Lão Sư ơi!... Bao nhiêu công phu trì kinh quán nghĩa của đệ tử xưa nay, nay đã đến hồi đúc kết, như lấy quặng nấu vàng... Nếu chẳng nghe được những lời vàng ngọc của Lão Sư, không biết ngày nào đồ đệ mới bước ra ngoài ánh sáng. Lão Sư mới thiệt là người chèo đò đưa người ra sáng. Một khi chưa ra ngoài sáng cứ ở trong tối nói chuyện ban ngày, chẳng khác nào người mù luận bàn màu sắc. Nói càng nhiều chỉ thêm hý luận... Con hiểu, muốn nói chuyện sáng, phải bước ra nơi có sáng. Không thể ở mãi trong tối mà nghiền ngẫm luận bàn ánh sáng ra sao... Cho dù có bàn hết một đời cũng chỉ là người ở nơi bóng tối... Đạo cốt ở việc dắt người ra sáng rồi họ tự thấy chớ chẳng phải bàn chuyện ngày đêm... Văn tự ngữ ngôn của Lão Sư không có con mắt, không có ngón tay, nhưng lại chỉ được con đường...

Xin Lão Sư nhận con làm đồ đệ... Nói đến đây hắn lại quỳ gối lạy dài Lý Tứ... Mọi người còn lại cũng đồng làm theo...

Lý Tứ nhìn mọi người thành tâm, trong lòng cũng muốn thuận ý, nhưng nghĩ đến “cái ràng buộc” mà đâm ra ngán ngẫm... Lý Tứ lại nghĩ, ta vốn không coi nặng lễ nghi hình thức, mọi thứ cốt ở tâm. Những người này sống trong giang hồ đã lâu, lấy nghi lễ làm trọng, nay đã quen rồi thiệt là phiền phức... Tuy vậy, những lễ nghi này cũng phần nào nói được cái tâm của họ... Họ một lòng chí thành cầu đạo trí tuệ nên mới chịu hạ mình một lễ lạy hai lễ lạy như vậy. Tâm thành của những người này rất xứng đáng được hưởng cái thâm thúy của đạo. Nghĩ đến đây Lý Tứ lên tiếng:

Thưa các vị!... Tấm lòng của các vị thiệt làm cho Lý Tứ tôi cảm động. Với tâm thành như vậy, không điều gì chẳng thành tựu... Nhưng thưa các vị, Lý Tứ tôi thường tâm niệm, đạo như miếng bánh ngon, dùng giúp người đỡ đói...

Đối với Lý Tứ, nếu người nào lạy mình mà giác ngộ thì Lý Tứ để cho lạy. Nếu người nào đánh mình, chửi mình mà giác ngộ thì Lý Tứ cũng hoan hỷ cho người đánh chửi. Đánh chửi hay lạy lục tôi chẳng thấy sai khác. Cái quan trọng đánh chửi hay lạy lục xong người đó được gì, có tăng ích đạo tâm hay không...

Nếu một bề hễ một chữ thì lạy, hai chữ cũng lạy, mà trí tuệ không sáng, nguồn tâm không trong... Cho dầu mỗi ngày lạy ngàn cái, chỉ thêm vô ích...

Nhược bằng, cái lạy thứ nhất rụng rơi tự ngã, cái lạy thứ hai buông bỏ chấp nhất, trong sạch nguồn tâm, cái lạy thứ ba lòng hết ngu tối, phát sinh trí tuệ... thì chỉ ba lạy thôi cũng hơn người suốt đời vái lạy...

Trong Pháp Bảo Đàn cũng sơ lược điều này. Lục Tổ Huệ Năng có nói: “Lạy cốt bẻ cờ kiêu”. Trong Phật môn, kiêu mạn là thứ đầu tiên phải bỏ.

Người có tâm kiêu mạn là tự rời bỏ tinh tấn vì chẳng cầu tiến thân, người kiêu mạn sẽ nhiều phiền não vì lầm tưởng hơn người, người kiêu mạn sẽ tự hủy trí tuệ vì chẳng cầu học, người kiêu mạn sẽ không thanh tịnh vì luôn nhìn ngó so bì, người kiêu mạn không thể gần gũi cao nhân vì cao nhân không cùng kiêu mạn chung đường, người kiêu mạn sẽ không được quả vị vô thượng vì chẳng có từ bi... Thành ra, các pháp tự nó rỗng rang, tự nó giải thoát... Chỉ tại tâm người chấp nhất cột trói, lấy ngã làm chỗ dựa, lấy pháp làm chỗ nương, vô tình pháp có ngã... Thì lạy cũng như thế... Kinh có dạy: “Các pháp không không, lặng lẽ, tàn tạ, niệm niệm sanh diệt”.

֎Các vị, lạy cũng là một pháp. Người trí nhân cái lạy này xét soi tột lý của nó để việc làm có lợi ích. Xét soi đến khi nào thấy rằng cái lạy này tự nó hồn nhiên không tịch; chẳng phải vì sợ mà lạy, chẳng phải vì cầu cạnh mà lạy, chẳng phải vì muốn thân cận mà lạy... Nếu xét soi thấu suốt như thế, thì “cái lạy trở thành vô thượng”. Xét soi như thế Phật đạo gọi là Chánh Tư Duy.

֎Người xưa do thấu suốt ý nghĩa của lễ nghi nên đã dạy người đời sau: “Năng lễ, sở lễ tánh không tịch.” Đó chẳng phải là điều để chúng ta suy gẫm hay sao!

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 4
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG