Dừng Vọng Khởi Phân Biệt

 0
Dừng Vọng Khởi Phân Biệt

Hỏi: Như vậy, cho dù các căn giao về quá khứ, hay giao trong hiện tại, đều bắt nguồn từ vọng khởi phân biệt. Nếu chấm dứt vọng khởi phân biệt thì kiết sử không hiện chăng?

Đáp: Người không vọng khởi phân biệt, kiết sử sẽ không hình thành.

Hỏi: Có bao nhiêu cách để “dừng vọng khởi phân biệt?”

Đáp: Có nhiều cách giải quyết như pháp, giúp người tu hành dừng vọng khởi phân biệt.

Cách thứ nhất: Hướng vọng phân biệt sang mục tiêu thắng diệu, để kiết sử không hiện. Ví dụ: khi tiếp trần, người đời vọng phân biệt để sanh kiết sử thì người tu hành làm ngược lại, dùng Giác Trí để phân biệt đúng sai, nhận thức đầy đủ “lỗi và  họa” của kiết sử. Khi nhận thức đầy đủ lỗi họa của kiết sử, kiết sử sẽ không hiện. Cách làm này gọi là dùng thiện pháp chế ngự ác pháp.

−Cách thứ hai: Biết rõ kiết sử hình thành chỉ là hiệu ứng của tổ hợp “căn, trần, thức”  duyên nhau trong điều kiện phân biệt mê muội. Người tu hành này, thường xuyên chặn đứng vọng phân biệt từ ý thức. Đây là hình thức của phép tu Tam Ma Đề.

Giác Ngộ đầy đủ về Tứ Niệm Xứ: Giác ngộ rằng, thân này bất tịnh, chỉ là cái túi đựng thịt xương. Cảm thọ vui ít khổ nhiều, như người nghiện, đến nghiện sẽ khổ. Tâm này vô thường, sáng nắng chiều mưa, hết thương đến ghét. Pháp kia vô ngã, các quan niệm thế gian tự chẳng thường còn.

֎ Giác ngộ đầy đủ như thế, nhất định “vọng phân biệt không sanh, kiết sử vĩnh viễn tịch diệt. 

Vì sao Giác Ngộ như thế, vọng phân biệt không sanh? Vì thân, thọ, tâm, pháp là bốn nơi chốn mà người không Giác Ngộ thường hay lầm nhận về nó, rồi vọng phân biệt mà sanh tham ưu. Nếu không “lầm lẫn” bốn món này, “vọng phân biệt không tự hiện. Giống như, người ta lầm nhận miếng thủy tinh dưới ánh sáng thành viên kim cương, rồi vọng sanh phân biệt, tham ưu mới hiện. Nếu biết rõ, đó chỉ là miếng thủy tinh thì chẳng ai tội gì phân biệt lớn nhỏ, tốt xấu để sinh tham ưa mà chạy đi lấy nó bao giờ.

●Hoặc cao hơn nữa Giác Ngộ:

Thân” đồng với hư không, không có một chút giá trị.

Cảm thọ” chẳng ở trong thân, chẳng ở ngoài cảnh, chẳng ở chặng giữa căn và cảnh, chỉ do duyên hiệp mà thành, như hai bàn tay chà vào nhau sanh hơi ấm, dứt duyên liền diệt.

“Tâm” không thật có, chỉ là tên gọi, mà tên gọi thì không tánh, ví như người tên Giàu không giàu có.

Các pháp” thiện ác, đúng sai, sang hèn trong đời không có chân lý, thiện nơi này ác nơi kia, đúng với chỗ này sai với chỗ khác. Kẻ giàu người nghèo chỉ so sánh với nhau bằng vật chất bên ngoài, mà trong tâm thức của họ thì vật chất không thể đến được, cho nên các pháp như thế gọi là chẳng thể được... Giác ngộ chân thật như vậy, “vọng phân biệt không hiện, người này có thể biến kiết sử trở thành Diệu Pháp.

Hỏi: Sau khi dứt kiết sử, vị tu hành này làm gì tiếp tục?

Đáp: Sau khi dứt kiết sử, trong  lòng an vui, những ham muốn cơ bản coi như phần lớn tịch diệt. Người này, căn đối cảnh không còn mê muội như xưa. Phật Đạo gọi đó là dứt Nhuận Chi Vô Minh. giống như một cái cây cao to đã bị chặt hết cành nhánh... Phần việc còn lại, là cắt ngắn cây này cho thấp dần, sau đó đào tận gốc rễ để đem cái cây lên khỏi mặt đất, làm xong điều này, Phật Đạo gọi là dứt Căn Bản Vô Minh.

Bây giờ, cái cây trở thành những khúc gỗ. Từ khúc gỗ, người ta bỏ vỏ và giác cây. Phần lõi còn lại, để tạc thành một bức tượng như ý, người này tìm thầy để học nghề điêu khắc! ... Khi trở thành thợ điêu khắc chuyên nghiệp, Phật Đạo gọi người này đã chấm dứt Vô Minh Trụ Địa.

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG