Xác Lập Vị Trí Của Thân Trong Đời Sống

“Sau khi rời khỏi cội Bồ Đề, Phật quán thấy năm anh em Kiều Trần Như là những người đáng được độ trước. Phật đi thẳng đến vườn Lộc Uyển, từ xa năm anh em Kiều Trần Như thấy Thái Tử nhưng trong lòng không muốn đón tiếp.
Đến nơi, Phật ba lần tuyên nói: Ta là Như Lai Đẳng Chánh Giác. Bây giờ năm anh em Kiều Trần Như mới miễn cưỡng đón tiếp. Với 32 tướng tốt tỏ lộ, Phật đến gần tuyên thuyết:
“Này Kiều Trần Như, sắc là vô thường, hễ cái gì vô thường đều biến hoại và sanh khổ não. Này Kiều Trần Như, không nên lấy sắc làm ta, làm ngã của ta, và làm tự ngã của ta, diệt sắc vô thường sẽ được sắc giải thoát thường trụ. Thọ tưởng hành thức cũng đều như vậy.” [[1]]
Với đoạn kinh trên ta thấy khi Phật tuyên nói ba lần “Ta là Như Lai Đẳng Chánh Giác,” với 32 tướng tốt đầy đủ và tỏ lộ, năm anh em Kiều Trần Như biết đây thật là Như Lai Đẳng Chánh Giác. Vì trong kinh Vệ Đà của ngoại đạo có nói về một Đẳng Chánh Giác với 32 tướng, và Như Lai lời nói không hư dối.
֎Khi thuyết “không lấy sắc làm ta, làm ngã của ta, làm tự ngã của ta” là nói đến sự biến hoại của sắc, cho dù đó là 32 tướng của Phật cũng phải nhập Niết Bàn. Lý luận này bẻ gãy luận cứ của ngoại đạo là hy vọng từ nơi ngũ ấm nếu kiên tâm tu hành có thể thành tựu điều gì đó.
✽Tiền đề ở đây được nêu lên là “ngũ ấm vô thường”, đã vô thường thì không nên căn cứ vào đó để tìm chân lý vĩnh cửu. Không lấy sắc làm ta, có nghĩa không nên cho thân này là của ta. Nếu cái gì của ta khi nó mất đi sẽ khiến ta khổ đau. Ví như tài sản của ta mất đi nhất định ta sẽ đau xót. Nếu tài sản này của ai đó thì chẳng có mối liên hệ nào đối với ta dù mất hay còn. Thân này vô thường nhất định sau 80 năm đời người rồi sẽ diệt mất, cách tốt nhất để khỏi khổ đau khi thân này biến hoại là không có quan niệm sắc này của ta.
✽Vấn đề thứ hai được nêu lên là không lấy sắc làm ngã của ta. Có nghĩa sắc này đã biết là vô thường thì chẳng thể lấy cái vô thường làm chỗ dựa để so sánh với các sắc khác. Bản chất của thân vô thường thì y vào cái gì để so sánh, nếu căn cứ vào vật vô thường để thấy vật này hoặc hơn hoặc kém vật kia thì sự thấy biết này chẳng thể gọi là người có trí. Có nhất thiết đem thân này so sánh với thân khác để tạo nên sự cột trói vô lý hay không? Muốn giải thoát, Phật khuyên Kiều Trần Như hãy xả cái ngã không thực, cái ngã y chỉ trên thân.
✽Điều thứ ba được Thế Tôn dẫn ra là không lấy sắc làm tự ngã của ta. Tự ngã ở đây chỉ ra rằng không thể lấy vật vô thường để làm chỗ nương tựa vĩnh hằng. Những ai mong rằng từ thân này sẽ tạo được mối quan hệ bền vững đời đời là chuyện không tưởng, vì bởi thân này nhất định sẽ mất và thân sau là kết tụ của nghiệp. Không có chuyện y nơi thân vô thường tu luyện để cầu mong thân thường, đây là quan niệm sai lầm của ngoại đạo thời bấy giờ.
֎Thân đã như vậy, thì tâm (thọ, tưởng, hành, thức) cũng đều như vậy, vì thân tâm này là kết quả của nghiệp, nếu y nơi nghiệp thì không thể thoát ra khỏi trói buộc của nghiệp.
֎Luận chứng này đưa ra tiền đề thứ hai trong bài kinh đó là "diệt sắc vô thường sẽ được sắc giải thoát thường trụ" có nghĩa người trí cần phải xác lập vị trí của thân trong đời sống. Nếu yểm ly được ba quan niệm trên về thân thì nơi thân này sẽ được thân giải thoát hay giải thoát khỏi sự trói buộc của thân. thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy. Tạo sự yểm ly bằng sự thấy biết rõ ràng thì giải thoát khỏi trói buộc thân tâm vô thường là điều hiển nhiên.
Kiều Trần Như nhờ lời dạy này, chẳng bao lâu sau đó, thấu triệt ý nghĩa và chứng A La Hán quả.
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






