Ý Nghĩa Của Hữu Vi Vô Vi Hữu Dư Và Vô Dư... Là Gì?

Hỏi: Xin hỏi, hữu vi và hữu dư, vô vi và vô dư. Ý nghĩa của hai việc này là khác hay giống.
Đáp: Hữu vi ý nghĩa khác với hữu dư. Vô vi ý nghĩa khác với vô dư.
Hỏi: Xin cắt nghĩa cụ thể về những chữ trên.
Đáp:
- Hữu vi: Những pháp làm ra, do tạo tác mà thành.
- Vô vi: Không phải pháp làm ra, chẳng do tạo tác mà được.
- Hữu dư: Còn thừa sót...
- Vô dư: Không còn thừa sót...
Hỏi: Các loại Niết Bàn của Phật Đạo đều là vô vi, hay cũng hữu vi cũng vô vi?
Đáp: Các loại Niết Bàn chân chánh trong Phật Đạo đều là vô vi, thuộc về vô vi. Vì Niết Bàn chân chánh của Phật Đạo, không phải là thứ được làm ra hoặc do tạo tác mà thành. Chỉ trừ người lầm nhận Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ là Niết Bàn, thì Niết Bàn này cũng hữu vi cũng vô vi.
Hỏi: Vì sao Kinh Kim Cang lại nói: “Đồng là vô vi, nhưng hiền thánh thấy có sai biệt.” Đã có sai biệt, thì sao gọi Niết Bàn chân thật trong Phật Đạo rằng “đồng là vô vi”?
Đáp: Giống như một đĩa mật, người liếm mép đĩa, người ăn nửa đĩa, người ăn nguyên đĩa. Vị ngọt của mật không sai khác. Ý nghĩa vô vi của Niết Bàn cũng như vậy. Cũng do sự sai biệt của vô vi, từ đó ý nghĩa của hữu dư và vô dư ra đời.
Hỏi: Hữu Dư và Vô Dư nhằm chỉ cho những loại Niết Bàn nào?
Đáp: Niết Bàn của ba thừa gọi là Hữu Dư Niết Bàn. Đại Niết Bàn của Phật gọi là Vô Dư Niết Bàn.
Hỏi: Vì sao Niết Bàn của Ba thừa gọi là Hữu Dư, còn Niết Bàn của Phật gọi là Vô Dư?
Đáp: Tuy Ba thừa đồng chứng Niết Bàn vô vi, nhưng còn “thừa sót mê và lầm” trong đó, nên gọi là Hữu Dư. Phật là đấng Vô Thượng Trí Tuệ, thấu suốt tất cả nên gọi là Vô Dư Niết Bàn.
Hỏi: Hữu dư và vô dư còn chỉ cho việc gì nữa?
Đáp: Hữu dư và vô dư còn chỉ cho ba thân Phật hay còn gọi là tam thân Phật.
Hỏi: Ba thân Phật, thân nào là hữu dư, thân nào là vô dư?
Đáp:
- Báo thân: Còn thừa sót ăn uống ngủ nghỉ, đồng thời tuyên nói “Kinh Bất Liễu Nghĩa”, nên gọi là hữu dư.
- Hóa thân: Tuy rằng vô vi, không còn ăn uống ngủ nghỉ, nhưng “chưa tuyên thuyết rốt ráo liễu nghĩa” nên cũng gọi là hữu dư.
- Pháp thân: Rốt ráo vô vi và tuyên thuyết “Kinh Liễu Nghĩa” nên gọi là vô dư.
Vì thế, Kinh Kim Quang Minh, Phật dạy:
“Này Thiện nam tử. Các chúng đệ tử được thọ hóa như thế, là hình bóng của Pháp thân lưu hiện. Do nguyện lực nên ứng nơi hai thân, hiện ra các tướng mạo, mà nơi Pháp thân không có tướng khác.
Thiện nam tử. Y theo hai thân này, tất cả chư Phật nói là Hữu Dư Niết Bàn. Y theo Pháp thân, nói Vô Dư Niết Bàn.”
Hỏi: Xin nói rõ về ý nghĩa của đoạn kinh sau: “Các chúng đệ tử được thọ hóa như thế, là hình bóng của Pháp thân lưu hiện... Do nguyện lực nên ứng nơi hai thân, hiện ra các tướng mạo, mà nơi Pháp thân không có tướng khác.”
Đáp:
- Câu “Các chúng đệ tử được thọ hóa như thế, là hình bóng của Pháp thân lưu hiện” nghĩa là: Pháp thân giống như hư không, Đại Trí giống như nguồn sáng từ hư không đó chiếu
Nguồn sáng này nếu chiếu vào hư không sẽ không có tướng mạo. Nhưng, có một vật thể bay ngang qua vùng ánh sáng và ngăn nguồn sáng này. Bây giờ trong hư không sẽ thấy có tướng mạo của vật thể đó. Tướng mạo nhận ánh sáng lớn nhỏ dài ngắn tùy vào tướng lớn nhỏ của vật thể.
Ví như ban đêm, người ta dùng đèn pin rọi vào khoảng không, khi có con vật bay qua, ánh sáng từ đèn pin sẽ chiếu sáng con vật đó. Và ánh sáng chỉ soi sáng trong phạm vi con vật, còn bên ngoài thì không thấy gì hết.
Điều này gọi là “hình bóng của Pháp thân lưu hiện”.
- Câu “Nơi Pháp thân không có tướng khác”: Giống như ánh sáng rọi từ hư không, tự chẳng có các thứ tướng mạo.
Tóm lại: Chư Phật chính là Pháp thân, Pháp thân như hư không thường chiếu. Ba thừa do công đức sai biệt nên khi ánh sáng trí tuệ từ Pháp thân chiếu ra, công đức của ba thừa nhiều ít sai khác nên thấy có Báo thân và Hóa thân. Đây là lý do vì sao, đồng từ một Phật Trí, chúng sanh lại thấy có kinh bất liễu nghĩa và có kinh liễu nghĩa, có A Hàm, Phương Đẳng và Phương Quảng sai khác.
Kinh Kim Quang Minh, Phật cũng dạy: “Do cớ sao? lại như vậy? Bởi tất cả chỗ còn lại (của ba thừa) không rốt ráo diệt hết. Y theo ba thân này, tất cả chư Phật, (quyền) nói Vô Trụ Xứ Niết Bàn. Vì hai thân nên chẳng trụ Niết Bàn, lìa Pháp thân không có Phật nào khác. Cớ sao hai thân (Báo thân và Hóa thân) chẳng trụ Niết Bàn? Vì hai thân (do ba thừa thấy) là giả danh (giả tướng) chẳng thật, mỗi niệm đều diệt chẳng thường trụ và hay xuất hiện bởi do (ba thừa kia chẳng được rốt ráo) thanh tịnh. Pháp thân chẳng như vậy, cho nên hai thân chẳng trụ Niết Bàn, Pháp thân (như hư không) không hai, cho nên cũng chẳng trụ Niết Bàn. Vì thế, y theo ba thân, nên chư Phật mới nói, Vô Trụ Xứ Niết Bàn.”
Hỏi: Nếu nói rằng Niết Bàn của “ba thừa” là “hữu dư y”, vậy vì sao có người giảng giải, khi nào La Hán còn tại thế gọi là hữu dư, nhập Niết Bàn (qua đời) mới gọi là vô dư?
Đáp: Đây là trả lời của những người không thấu suốt Phật Đạo, do suy lường mà họ tưởng ra như vậy.
Nếu nói khi La Hán tịch diệt mới gọi là vô dư thì câu Kinh Kim Cang: “Như Lai (giáo huấn để) diệt độ vô lượng vô biên chúng sanh nhập vô dư Niết Bàn.”
Chẳng lẽ câu này ngụ ý nói rằng: Như Lai dạy người nào, người đó tức thì lìa đời hay sao? Các vị này hiểu sai hai chữ “diệt độ” của Phật Đạo. Vì thế khi nghe nói đến diệt độ, thì họ liên tưởng đến chuyện “đi bán muối”.
Kinh Kim Quang Minh, Phật cũng nói rõ:
"Sao gọi Vô Sở Hữu Nơi Pháp thân này, Tướng và Tướng xứ, hai món đều không, không phải có, chẳng phải không, không phải nhứt, chẳng phải dị, chẳng phải số, chẳng phải chẳng phải số. Không phải minh, chẳng phải ám. Trí Như Như thế ấy, chẳng phải Tướng và Tướng xứ, chẳng thấy không phải có, chẳng phải không. Chẳng thấy không phải nhứt, chẳng phải nhị, chẳng phải thấy không phải số, chẳng phải chẳng phải số. Chẳng thấy không phải minh, chẳng phải ám. Thế nên, cảnh giới thanh tịnh, trí huệ thanh tịnh, không thể phân biệt, không có trung gian, là căn bản của Diệt (đế) và Đạo (đế) vậy. Nơi Pháp thân này, hiện rõ (cảnh trí) Như Lai. Thiện nam tử. Đây là nhân duyên, cảnh giới, xứ sở của (ba) thân này, quả báo y nơi căn bản (phàm phu) khó nghĩ lường.”
Đoạn kinh trên và những đoạn kinh tiếp theo, Đức Phật đã minh định rất rõ về ba thân và ý nghĩa của hữu dư, vô dư.
Vì thế, hôm qua mới có ngụ ý: “Người không Giác Ngộ chân thật, đọc Kinh Phương Quảng sẽ như nghe kể chuyện Thầy Lân đi Tây. Nếu người nghe cố giải thích về các sự việc bên đó, nhất định sẽ giải thích sai, vì những giải thích này chỉ do suy lường chứ không thực chứng như Thầy Lân đã tự thân chứng bên Tây.”
Hỏi: Như đã nói, Kinh Phương Quảng thuộc nhóm giáo Đại Bồ Tát, ngoài chuyện dạy các thứ huyễn phương tiện, trong đó còn nói thêm việc gì hay không?
Đáp: Vì đây là kinh do Pháp Thân Phật tuyên thuyết nên ngoài chuyện dạy huyễn phương tiện để các Bồ Tát thành tựu huyễn trí, trong đó còn tuyên thuyết về Phật cảnh giới và Phật Trí.
Tuyên thuyết về Phật cảnh giới và Phật Trí gọi là “Liễu Nghĩa”. Đoạn kinh sau, nói rõ điều này:
“Y nơi Pháp thân này không thể nghĩ bàn, Đại Tam Muội cũng được tỏ hiện. Y nơi Pháp thân này hiện rõ Đại Trí. Thế nên, nơi hai thân, y nơi Tam Muội, y nơi Trí Tuệ mà được tỏ hiện Pháp Thân như thế. Y nơi tự thể (của Pháp Thân) mà nói là Thường, là Thật. Y nơi Đại Tam Muội cho nên nói là Lạc. Y nơi Đại Trí nói là Thanh Tịnh.”
Thế nên, Đức Như Lai tâm thường trụ, tự tại, an lạc, thanh tịnh. Lại y theo Đại Tam Muội, Đại Phật Đảnh, Đại Thiền Na mà xuất sanh tất cả Niệm Xứ, Đại Niệm Xứ, Đại Từ Bi, Đà La Ni, các thứ thần thông. Tự tại và bình đẳng tuyên thuyết tất cả Pháp Phật đều từ nơi Đại Trí của Phật mà hiển bày. Những pháp hy hữu như thế, từ nơi Đại Trí chiếu ra, giống như viên Như Ý Bảo Châu, từ nó có thể hiện ra vô lượng vô biên các thứ báu. Y nơi Đại Tam Muội báu (Phật Tánh), y nơi Đại Trí Huệ báu (Phật Trí) xuất sanh ra vô lượng vô biên Diệu Pháp quý báu của Chư Phật ba đời. Ví như người muốn có vàng, đi tìm khắp nơi gặp được mỏ vàng. Khi thấy được mỏ, liền ra công khai thác, chọn lấy vàng đem về bỏ vào lò nấu đốt tinh luyện. Nhờ nấu đốt tinh luyện, chất vàng chảy ra, chọn lấy vàng ròng. Từ vàng ròng, người này tùy ý làm các món đồ trang sức. Tuy các món đồ trang sức tướng mạo khác nhau, nhưng thể tánh của vàng (Phật Tánh) thì không khác.”
Hỏi: Dân gian có câu nói: “tam sao thất bản”, có nghĩa rằng chỉ cần qua ba lần sao chép, đã không còn ý nghĩa của văn bản gốc. Kinh Phật, khi đến tay người tu hành hôm nay, đã qua quá nhiều lần phiên dịch, giảng giải.
Xin hỏi, Kinh Phật liệu có chịu chung số phận thất bản đó sau khi trải qua nhiều lần dịch thuật như các thứ văn kiện khác hay không?
Đáp: Đây là vấn nạn chung không riêng gì đời. Nhưng, như đã nói hôm trước, cho dù sữa có pha đến 50 lần, thậm chí năm trăm lần, con Nga Vương khi muốn uống sữa nguyên chất, chỉ cần thọc mỏ vào, tự hút lấy sữa, còn những gì không phải sữa nó sẽ để lại cho đời.
Hỏi: Làm sao để trở thành con Nga Vương?
Đáp: Gà, vịt, le le, chim sẻ, bồ câu…đâu phải là dòng giống Nga Vương mà có thể trở thành Nga Vương.
Hỏi: Như vậy, các loài ấy, muốn uống thứ sữa nguyên chất đã bị pha loãng thì làm thế nào?
Đáp: Đi kiếm con Nga Vương mà xin nó.
Hỏi: Gà, vịt, le le, chim sẻ, bồ câu,... nói chung các loài không phải là Nga Vương, khi được sữa nguyên chất có uống vào thì cũng đâu có trở thành Nga Vương, vì nó khác dòng giống, thế thì ích lợi gì.
Đáp: Gà, vịt, le le, chim sẻ, bồ câu,… uống sữa của con Nga Vương lấy từ sữa đã pha sẽ trở thành Phượng Hoàng. Phượng Hoàng uống Lạc do Nga Vương chế biến sẽ trở thành Kim Sí Điểu. Kim Sí Điểu uống Tô từ con Nga Vương sẽ trở thành Linh Thứu. Linh Thứu uống Đề Hồ của con Nga Vương nhất định trở thành Nga Vương.
- Nhất Chủng Tánh, Đa Chủng Tánh, Vô Minh Chủng Tánh, Tam Thừa Chủng Tánh uống sữa nguyên chất “Tập Đế” của Giáo Pháp Đức Phật sẽ biến thành Thánh Chủng Tánh.
- Thánh chủng tánh uống Lạc nguyên chất “Diệt Đế” của Giáo Pháp Đức Phật sẽ biến thành Vô Vi Chủng Tánh.
- Vô Vi Chủng Tánh uống Tô nguyên chất “Đạo Đế” của Giáo Pháp Đức Phật sẽ biến thành Bồ Tát Chủng Tánh.
- Bồ Tát Chủng Tánh uống “Huyễn Trí, Nhất Thiết Trí” của Phật biến thành Phật Chủng Tánh.
- Phật Chủng Tánh “uống hư không” thành Phật Tánh. Từ một thứ sữa nguyên chất của Phật do con Nga Vương lấy được trong nước đã pha, có công năng biến hóa ghê hồn, loài nào uống được, nhất định có cơ hội biến thành Nga Vương.
Chẳng phải như những loài khác, uống thứ sữa đã pha ngoài kia để rồi vẫn phải chấp nhận “con quạ vĩnh viễn đen, con cò vĩnh viễn trắng”.
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






