Người Trí Ở Đời Học Mười Biết Một Trong Phật Đạo Là Tại Sao?

 0
Người Trí Ở Đời Học Mười Biết Một Trong Phật Đạo Là Tại Sao?

Hỏi: Xin hỏi, hôm nay có đề tài gì mới đem ra bàn luận, để nghe cho đã cái lỗ tai, hay lại lẩm bẩm mấy chuyện cũ xưa như Bổn Giác, Bổn Tâm?

Đáp: Chắc là tiếp tục bàn mấy chuyện đó.

Hỏi: Bộ dư hơi hay sao, lại đi nói hoài mấy chuyện xưa như Trái Đất, không sợ nhàm à?

Đáp: Tại ông không biết đó thôi. Chuyện thế gian, người trí ở đời, nghe một hiểu đến mười, thành ra chỉ cần sơ lược là đủ. Còn chuyện đạo pháp, nhất là mấy cảnh giới thì nói mười mà người trí ở đời nghe chỉ hiểu có một, vì thế phải nói hoài. Nói đến khi nào họ tỏ tường thì thôi.

Hỏi: Tôi cảm thấy điều ông vừa nói không hợp lý cho lắm. Đã là người thông minh, tài trí thì cho dù chuyện thế gian hay chuyện Đạo Pháp cũng phải nói là “nghe một hiểu mười” mới đúng chứ?

Đáp: Ông lại dùng phàm tình để hiểu đạo thánh nhân nữa rồi. Tôi hỏi ông, hàng ngày ngoài việc làm ăn, ông còn làm gì chuyện gì khác?

Hỏi: Hàng ngày ngoài việc làm ăn kiếm tiền hai buổi sáng tối, tôi còn phải dành một ít thì giờ để thực hành chuyện tâm linh.

Đáp: Ông thực hành chuyện tâm linh bằng cách gì?

Hỏi: Thì sáng tối hai thời, dâng hương, mõ chuông kinh kệ.

Đáp: Ông làm chuyện này được bao lâu?

Hỏi: Chừng trên 20 năm.

Đáp: Ông gõ chuông, kinh kệ trên 20 năm. Ông có thể nắm được hết ý nghĩa trong đó chứ?

Hỏi: Chuyện tâm linh, làm sao mà hiểu hết! Vậy vì sao nghĩa lý của Đạo Pháp nói nhiều mà hiểu ít?

Đáp: Chuyện đời do suy lường để hiểu nên chỉ cần nói một, người nghe mặc sức thả hồn theo gió, vẩn vơ suy lường, thành ra nói ít hiểu nhiều.

Còn mỗi chữ, mỗi câu trong Đạo Pháp đều là cảnh giới tu chứng. Mà muốn tu chứng, phải thu cái hồn lại, đóng cửa tâm ý, ngăn gió cảnh duyên, ngồi đó năm ngày nửa tháng, đặt ý nghĩa trước mặt, thúc liễm thân tâm suy xét. Làm như vậy còn chưa xâm nhập hết cảnh giới, nói chi chuyện nghe năm mười lần như gió thoảng qua tai mà có thể hiểu được.

Hỏi: Nhưng ra công, thúc liễm thân tâm, chỉ ngồi suy ngẫm nghĩa lý để thâm nhập cảnh giới thì rất chán, có gì hay ho mà nhọc công làm chuyện đó?

Đáp: Lý luận như ông, cho tới chết cũng là một phàm phu.

Hỏi: Như vậy, muốn thành thánh thần thì phải làm những gì?

Đáp: Muốn thành thần, phải đi du lịch cho nhiều. Du lịch nhiều, biết đó biết đây, về nhà bốc phét với mấy chị hàng xóm, mấy chị thấy vậy bèn cho là thần, nhất định được mấy chị mời ngồi trên, ăn thôi nôi đầy tháng tối ngày. Du lịch nhiều có công dụng ghê gớm như vậy, nên trước đây chỉ có Tây hay quảy ba lô đi lang thang. Nay thì ta cũng phát triển phong trào du lịch, thậm chí cái máu này (đi cho oai) lây như dịch. Mai mốt đây, theo cái đà này, dân ta cũng thành thần hết trơn!

Còn muốn thành thánh, phải du lịch tâm linh. Người ta không rành cái nghĩa du lịch tâm linh, nên tổ chức qua Miến Điện, Ấn Độ, Tà Lơn của Campuchia chiêm ngưỡng mấy cái đền.

Còn mấy anh hiểu biết, thì chỉ cần ngồi đó, cho tâm chu du qua các cảnh giới, mặc sức tham quan.

Tham quan kiểu này, không tốn tiền, lại được mấy vị ghiền tâm linh coi như thánh sống, mời uống cà phê ăn cơm chay tối ngày để nghe kể chuyện cảnh giới.

Ông không tin, cứ đến mấy chuyến du lịch tâm linh, đa phần là chị em ta bỏ tiền ra đăng ký rủ nhau đi nước ngoài để xem. Còn mấy bàn uống cà phê bàn chuyện cảnh giới, thì toàn là mấy ông. Hai cái này, phụ thuộc vào kinh tế. Mấy ông đi làm kiếm tiền, còn mấy bà thì giữ tiền. Phàm ở đời, anh giữ tiền quyền lực lớn hơn anh làm ra tiền. Mấy năm trước, người ta hay nói câu “thủ kho to hơn thủ trưởng” cũng bởi từ cái đạo lý này. Vì thế, mấy ông mỗi lần muốn đi đó đi đây, phải xin xỏ bề dưới. Xin xỏ riết, đâm ra chán, thôi thì ngồi nhà, khoanh chân đem tâm du lịch để khỏi bị rầy rà!

Vì thế, thần thánh phần lớn phụ thuộc vào giới tính và chức vụ! Khi nào, ông thấy mấy cha quảy bị đi du lịch, có đánh chết, cũng biết mấy cha đó mở tài khoản riêng, bí mật, vợ con không biết. Vợ con có hỏi, mấy chả bèn rao giảng là được bạn bè mời, vợ con nghe vậy cũng ngán vài phần. Mấy cha thành thánh cũng nhờ cái vụ này!

Hỏi: Ngoài việc thâm nhập cảnh giới để thành thánh thần. Ngoài ra, nó còn công dụng gì khác?

Đáp: Công dụng thì vô số, du lịch bên ngoài thành thần, du lịch bên trong thành thánh. Mà thánh thì cao hơn thần.

Phàm ở đời, cái gì cao hơn thì được người kính trọng.

Ví dụ như chức vụ cao, được chức vụ thấp kính trọng. Trong bóng chuyền, người cao để đứng ở hàng công; Cây cao, khó trèo tới ngọn hơn cây thấp; Máy bay bay ở tầm cao, công nghệ tinh vi hơn mấy chiếc máy bay tầm thấp; Nhà cao, oai hơn nhà thấp; Nhảy cao, điểm nhiều hơn nhảy thấp; Lương cao, nhiều tiền hơn lương thấp. Cho tới âm nhạc, ví như câu “cao cao bên cửa sổ, có hai người”; “Phố núi cao phố núi đầy sương” hoặc “Đèo cao! Dô ta! Thì mặc đèo cao! Dô ta!” Nói chung núi cao, phố cao, đèo cao gì gì… cũng có trong thơ nhạc; còn thấp thì chưa nghe ai ca tụng bao giờ! Có thể thấy, theo thứ lớp, nhất định cao đứng trước, thấp đứng sau, cao thì trọng, thấp thì khinh… Chuyện đời vẫn như thế!

Hỏi: Không lẽ tu hành để xâm nhập các cảnh giới cao như Bổn Tâm, Bổn Tánh chỉ có công dụng như ông đã nêu?

Đáp: Không phải như thế, còn nữa. Tôi chưa trình bày hết về cái thâm u bất khả tư nghì của việc xâm nhập các cảnh giới cao trong Phật Đạo.

Hỏi: Xin nói về công dụng tối ưu của chuyện người tu hành phải thực chứng cảnh giới, chứ chẳng phải học thuộc tên rồi suy lường?

Đáp: Cái này thuộc về mật pháp. Không phải ai nghe cũng có thể hiểu hết ý nghĩa của nó. Tôi xin kể câu chuyện này mà nếu nghe xong và thấy được thâm ý của nó, ông mới thấy chuyện thân chứng cảnh giới quan trọng như thế nào. Khác hẳn mấy người chỉ thuộc tên, đem tâm suy lường rồi ba hoa gạt mấy người không biết.

Chuyện như thế này:

CHUYỆN HÀ BÁ VÀ LONG VƯƠNG

“Sông nước có luật lệ của nó, ao đầm thì có Trạch Thần cai quản. Sông rạch thuộc về Hà Bá. Biển lớn dưới quyền của Long Vương. Thần Ao Đầm, chỉ quanh quẩn trong ao, năm này tháng khác cái ao bé tí tẹo, trong đó có những gì, các loài trong ao đều biết hết. Vì thế, thần Ao thuộc loại kém hiểu biết, ít nói, không nhiều chuyện.

Còn Hà Bá ở sông rạch, hay đi đó đi đây, sông này thông với sông kia hoặc gặp nhau ở cửa biển nên giao lưu nhiều, biết nhiều. kiến thức phong phú. Rỗi rảnh, mấy anh Hà Bá thường hay gặp nhau chè chén, bàn chuyện đó đây. Nhưng rồi, chuyện đó đây kể riết cũng có ngày cạn. Muốn xôm trò, mấy anh Hà Bá phải vẽ vời chuyện biển khơi để đồng bọn nghe mà ghê chơi.

Hà Bá sông A hỏi Hà Bá sông B:

- Anh Hà Bá, lâu quá không gặp, chắc lại chuyện vứt rác xuống sông gây ô nhiễm, làm anh nhọc công, mất thời gian giải quyết phải không?

- Đâu có! Dân ven sông lúc này văn minh thấu trời, thành ra chuyện rác rến đã lâu rồi không còn là vấn đề.

- Vậy chứ anh đi đâu mà bấy lâu nay không gặp? Hà Bá B tặc lưỡi, giọng trầm buồn:

- Long Vương với tôi chỗ giao tình mấy chục năm, cả tháng nay bận đi thăm cố nhân.

- Ủa? Anh tới chỗ Long Vương hả. Chậc! Tôi thì cả đời không có vinh dự này. Đâu! ngoài đó có gì, kể cho tôi nghe với!

- Nói ra thêm buồn. Ra đến nơi, mới biết cả gia đình Long Vương bị ghẻ ngứa. Nặng nhất là phu nhân. Người đẹp như thế mà, kẽ tay kẽ chân, thắt lưng, cạp quần nổi mụn tùm lum, ngồi đâu gãi đó. Thật là thảm trạng!

Hà Bá A nghe chuyện gia đình Long Vương bị ghẻ ngứa, lại muốn nhân chuyện này được làm thân với chúa của biển khơi, bèn cất giọng thông tuệ:

- Anh Hà Bá ơi! Bệnh này do ký sinh trùng Sarcoptes Scabiei gây nên, lây nhiễm ghê gớm. Thứ ký sinh trùng ác ôn này đào hang dưới da làm ổ, cái ghẻ xâm nhập vào đường biểu bì da, đào hầm và đẻ trứng. Trứng nở thành ấu trùng và phát triển thành con, trưởng thành chỉ trong vòng 3-4 ngày. Chu choa! Loại ký sinh trùng này trên thế giới còn bó tay, hiện nay nhân loại đang đau đầu. Nghe đâu nếu không trị kịp, chỉ cần nửa tháng là cái ghẻ ăn lên óc rồi xuống tim chạy qua ngũ tạng lục phủ, ruột non, ruột già, trực tràng, sinh sôi nảy nở làm cho bệnh nhân no hơi, không thiết ăn uống rồi kiệt sức mà chết. Trong nhà tôi còn mấy ký Ba Gạc khô, mấy nắm lá đào, vài lọ E.P, Benzyl benzoat, Permethrin cream 5%.. Anh làm phước, cho tôi gởi đến kính biếu Long Vương, đặng trị cho Long Phu Nhân và quý tử. Kẻo để lâu không có lợi. Chu choa tội nghiệp! Tội nghiệp!

Thình lình, lúc đó Long Vương đi tuần ngang qua. Nghe hai tên Hà Bá nói như thế, giận quá ngài bèn văng tục:

- Mẹ kiếp! Cái đám Hà Bá bất nhơn! Chỉ toàn ngồi không nói phét. Đã nói phét mà không có căn bản. Ghẻ ngứa làm gì mà giết chết người ta được. Chưa nói cung của ta ở dưới biển sâu, có tác dụng sát khuẩn kháng viêm tối ưu, làm gì mà bọn dịch Sarcoptes Scabiei dám bén mảng tới. Thật là mấy thằng Cốt Đột, ăn đàng sóng nói đàng gió. Không biết mà hay đi loè người khác. Hai năm trước, có mấy cha tốt nghiệp khoa Da Liễu, xuống chỗ ta mở phòng mạch. Chỉ sau ba tháng. ống nghe, ống chích sét gỉ ráo trọi. Lại không có bệnh nhân, bèn phải cuốn gói về trần gian. Đúng là Hà Bá bàn chuyện Long Vương.

Long Vương giận quá, bèn nổi một trận mưa lớn, ngập tràn sông suối. Hai tên Hà Bá nhờ giỏi bơi lội, mới thoát khỏi chết đuối!”

Câu chuyện là như thế, không thực chứng sẽ bị bọn Hà Bá bốc phét chẳng biết đâu mà lần. Lại mai mốt dạy người không rành mạch, đám đệ tử bu lu ba la kể về cảnh giới.

Sư phụ mà không rành, chẳng biết trúng trật thế nào thì… thì có làm sư phụ cũng “đành chịu bó tay thôi!”…

(Câu này trích trong vở cải lương Người Tình Ngoài Chiến Trận) thành ra nói tới đây phải xuống giọng và hát chậm một chút mới đúng nhịp.

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG