Vì Sao Nói Rằng Bất Thức Bổn Tâm Học Pháp Vô Ích?

Hỏi: Vì sao nói rằng, cái biết của suy lường thuộc về tri, chỉ: “Quan trọng ở giai đoạn chưa ngộ (chưa thấy Bổn Tâm, Bổn Tánh)”?
Đáp: Như trên đã nói, cái biết của tri chỉ đưa đến chấm dứt Kiết Sử, giúp người phân định chánh tà, thoát khỏi tà kiến, tạm thấy một chút thanh tịnh. Giống như nước đã lóng trong bởi phèn. Nếu ta tiếp tục cho phèn vào nước, nước này chẳng những không thêm trong mà trở thành nước nhiễm phèn, không thể dùng được.
Khi người ta dùng Giác để tri, đến giai đoạn tối hậu, Kiết Sử không còn hiện khởi. Nếu người này không chịu dừng tri, chấm dứt suy lường, tịch diệt suy hiểu, cứ tiếp tục Giác Quán, chẳng khác nào cho phèn vào nước đã trong.
Bây giờ, những hiểu biết đã có chính là sở tri, thành chướng đạo, gọi là “Sở Tri Chướng”. Một khi chướng này chưa dứt, sẽ không có cơ hội thấy được Bổn Tâm. Mà Bổn Tâm không thấy thì sẽ như điều Ngũ Tổ dặn dò Lục Tổ: “Bất thức bổn tâm, học đạo vô ích”.
Gọi là Sở Tri Chướng, ngoài việc chướng này che khuất Bổn Tâm, nó còn là nguyên nhân sanh ngã, vì lầm tưởng “kiến thức là đạo” và cho rằng, đạo nằm ở kiến thức. Thứ nữa, đây là giai đoạn mà người tu hành dễ bị đánh lừa bởi Tri và Trí. Do lầm nhận hai thứ này nên tâm không thể dừng, pháp không thể đoạn và ngã không thể tịch diệt.
Hỏi: Vì sao thấy Bổn Tâm lại quan trọng trong Phật Đạo đến như vậy?
Đáp: Giống như người đi tìm vàng, tìm được vàng là quan trọng nhất.
Hỏi: Thấy Bổn tâm khác với biết Bổn Tâm như thế nào?
Đáp: Người tu hành biết rằng, ta có một Bổn Tâm, cái biết này chỉ thuần túy là cái biết. Biết này thuộc về sở tri, tức là người này do nghe nói rồi suy hiểu về một Bổn Tâm nào đó đang hiện hữu trong ta.
Giống như nghe nói trong vườn nhà mình có khối vàng lớn do cha ông chôn giấu, người này tìm hiểu, suy luận, để biết về khối vàng trong vườn nhà mình là có thật mà không tự khai quật, để sở hữu khối vàng kia.
Vì thế, người này chỉ biết rằng có, mà trong tay chưa thật sự cầm nắm. Chính chưa thật sự sở hữu khối vàng nên người này vẫn tiếp tục suy lường về khối vàng.
Đây là lý do vì sao “người chưa thật sự Giác Ngộ Bổn Tâm, không thể dừng Giác Quán”.
Người thấy được Bổn Tâm, giống như người đã sở hữu khối vàng. Khi đã sở hữu được rồi, nhất định mọi suy lường về khối vàng sẽ tự tịch diệt trong lòng người đó. Thấy được Bổn Tâm giống như người sở hữu khối vàng, mọi suy hiểu, mọi Giác Quán, sẽ tự tịch diệt.
Hỏi: Câu nói của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn: “Bất thức bổn tâm, học pháp vô ích” chỉ đề cập đến biết (thức) Bổn Tâm, chứ không nói đến thấy Bổn Tâm. Vì sao, nay lại yêu cầu người tu hành phải thấy (kiến) Bổn Tâm?
Đáp: Khi nói rằng: “Bất thức bổn tâm, học pháp vô ích”. Chữ thức ở đây phải hiểu đó là cái biết của thấy rõ, còn gọi là ngộ chứ không phải chỉ thuần túy là cái biết do nghe nói. Vì rằng do nghe nói mà biết chứ không thực thấy, cái biết này không có giá trị tu hành. Hết thảy người tu hành đều nghe nói mình có Bổn Tâm, có Phật Tánh, nhưng chỉ nghe nói không thôi và chỉ biết như thế. Cái biết này không được coi là một thành tựu trong Phật Đạo. Vì cái biết như thế, chẳng thể giải quyết mê tâm và sanh tử khổ.
Hỏi: Vì sao lại nói rằng “Bất thức Bổn Tâm, học pháp vô ích”?
Đáp: Học pháp, hay tu hành trong Phật Đạo là để chấm dứt tâm mê, một khi chưa thấy Bổn Tâm thì tâm mê chưa dứt. Giống như người ngủ chưa thức giấc thì sẽ chưa hoàn toàn hết chiêm bao. Tu học mà không giải quyết được điều cần giải quyết đó là dứt mê, dứt suy lường thì sự tu học này vô ích.
Hỏi: Câu “nhược thức tự bổn tâm, kiến tự bổn tánh, tức danh trượng phu, thiên nhân sư, Phật” hàm chứa ý nghĩa gì?
Đáp: Câu này nhằm chỉ ra rằng, vị tu hành nào sau khi Giác Ngộ Bổn tâm có thể dùng Bổn Tâm (chứ không dùng suy hiểu) để biết. Dùng Bổn Tánh (Tánh Giác) chứ không dùng nhãn kiến để thấy. Vị này được gọi là trượng phu.
Hỏi: Dùng Bổn Tâm để biết, dùng Bổn Tánh để thấy khác với cái biết của suy hiểu và cái thấy của nhãn kiến như thế nào?
Đáp: Hai thứ thấy biết này khác nhau rất xa. Thấy biết của Giác Ngộ là thấy biết từ sự trực nhận tức thì của Trí Tuệ, còn cái biết của người chưa
Giác Ngộ là cái biết của suy lường, suy hiểu và kinh nghiệm.
Vì thế khi yêu cầu đệ tử trình kệ, Ngũ Tổ nói rằng:
“Sanh tử là việc lớn, các ngươi suốt ngày chỉ cầu phước điền, chẳng cầu lìa khỏi biển khổ sanh tử, tự tánh nếu mê, phước làm sao có thể cứu được? Các ngươi mỗi người hãy tự xem trí huệ, dùng bổn tâm để biết, dùng Bát Nhã của tự tánh để thấy, mỗi người làm một bài kệ trình cho ta xem, nếu ngộ được đại ý, thì ta sẽ trao truyền y bát cho làm Tổ thứ sáu; hãy mau lên không được chậm trễ, hễ lọt vào suy lường thì chẳng dùng được. Người kiến tánh vừa nghe phải liền thấy (và biết) nếu được như vậy thì khi ra trận giữa đao kiếm cũng phải thấy được”.
Hỏi: Trước đây có nói, người Giác Ngộ Bổn Tâm, thấy Bổn Tánh, có thể trực nhận để biết tâm người, vì thế vị này có năng lực “truyền tâm”. Xin hỏi, dựa trên cơ sở nào để có sự trực nhận này?
Đáp: Bổn Tâm là cơ sở tham chiếu. Bổn tánh là công cụ tham chiếu. Hồ tâm giống như hồ nước. Hồ bên này có trong thì mới biết hồ bên kia trong hay đục. Hồ bên này có tĩnh lặng thì mới biết hồ bên kia còn nổi sóng hay không. Hồ bên này có thật sâu thì mới biết hồ bên kia sâu hay cạn.
Tâm và Tánh chính là cơ sở tham chiếu để có một trực nhận tức thì và chuẩn xác. Cơ sở tham chiếu này không giống cách đánh giá từ suy lường hay kinh nghiệm của người chưa Giác Ngộ.
Hồ nước trong dụ cho Bổn Tâm thanh tịnh. Hồ tĩnh lặng dụ cho bất động tịch diệt, chấm dứt suy lường. Hồ sâu cạn dụ cho sức chiếu của Bổn Tánh (Tánh Giác). Muốn thấy biết tâm người từ một sự trực nhận tức thì và chuẩn xác phải hội đủ ba điều kiện nêu trên.
Hỏi: Đối với tâm người, trực nhận như thế... Còn đối với ý nghĩa kinh điển và giáo pháp... có dùng sự trực nhận này hay phải dùng suy luận để hiểu?
Đáp: “Nhất thiết Phật ngữ tâm” có nghĩa hết thảy kinh điển và giáo pháp, Phật đều nói đến tâm, chứ không nói việc khác. Vì thế đối với kinh điển hay giáo pháp, người Giác Ngộ đều dùng Bổn Tâm Bổn Tánh để hiểu, để biết, để thấy, không phải thông qua suy lường hay suy luận. Vì rằng, chỉ cần khởi một niệm suy lường, một thoáng suy luận, thì tâm và tánh liền bị chướng bởi sở tri, không thấy được ý nghĩa đích thực của đoạn kinh hay lời pháp.
Hỏi: Muốn Giác Ngộ Bổn Tâm, Kiến Bổn Tánh, người tu hành có cần học tập kinh điển hoặc giáo pháp hay không?
Đáp: Chưa thành Đẳng Chánh Giác thì nhất định phải học. Nhưng, nếu muốn thật sự Giác Ngộ, vị này phải là người không chấp chặt kiến thức, không để kiến thức trở thành Sở Tri Chướng. Tức là, vị này phải biết xả bỏ kiến thức, phải thật sự nhận ra rằng, kiến thức chẳng phải là đạo, đạo chẳng từ nơi kiến thức.
- Không nương tựa vào kiến thức để suy luận về các đạo quả trong Phật Đạo.
- Cần nhất là từ bỏ suy lường, xa rời suy luận, tịch diệt đối đãi, trong lòng không có ngã nhân. Một lòng một dạ dấn thân thành tựu cho bằng được các đạo quả đó.
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






