Giác Ngộ Giải Thoát Trí Tuệ Ở Thời Đại Thông Tin Bùng Nổ Là Như Thế Nào? Ngũ Minh Là Gì?

 0
Giác Ngộ Giải Thoát Trí Tuệ Ở Thời Đại Thông Tin Bùng Nổ Là Như Thế Nào? Ngũ Minh Là Gì?

Hỏi: Nếu nói rằng, Bồ Tát và tất cả người tu hành chỉ nương Phật thần lực để tu học và giáo hóa. Như vậy, trong Bồ Tát pháp có ngũ minh (gồm: Nội minh, ngoại minh, y phương minh, công xảo minh và thanh minh), ngoại minh dùng vào việc gì?

Đáp: Ngoại minh hay ngoại điển, thuộc về các tư tưởng (đạo) thế gian. Bồ Tát sau khi thành tựu tự thân, đã thông thuộc nội điển (nội minh, kinh điển của Phật). Bây giờ, Bồ Tát tìm hiểu thêm các hệ tư tưởng cũng như các đạo lý bên ngoài để nắm vững nhân sinh quan, vũ trụ quan cũng như mục đích của những luồng tư tưởng, đạo lý này. Hiểu biết như thế, nhằm giúp người tu hành nhận thức và thấy rõ rằng, các đạo này không chung cùng cứu cánh với Phật Đạo và trong luận lý của họ không có ý vị của Giác Ngộ, cũng không có ý nghĩa đưa người đến Giải Thoát như Phật Đạo mong muốn.

Ngoài ra, Bồ Tát tham cứu ngoại điển để thấy được sự “độc tôn về phương diện cứu cánh của Phật Đạo…” chứ không phải Bồ Tát học giáo pháp của các đạo hoặc tư tưởng bên ngoài để giảng nói hay làm chỗ y cứ cho mình, cho người.

Dưới thời của Phật và một thời gian dài khi Phật Đạo vượt khỏi vùng đất khai sinh ra mình, trên đường truyền giáo, tất nhiên, khi đến một vùng đất mới, xung đột tư tưởng và đạo lý là điều khó tránh khỏi. Giống như ngày xưa, Đức Phật phải đối đầu với giáo pháp Bà La Môn trong lúc còn tại thế. Hay Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân phải đối đầu với sự trỗi dậy và phản kháng mãnh liệt của ngoại đạo cùng những dòng tư tưởng cực đoan trong chính người tu hành. Hoặc lúc Tổ Đạt Ma sang Đông đối đầu với tư tưởng Khổng, Lão.

Để giúp Giáo Pháp của Đức Phật đứng vững trước các luồng tư tưởng cũng như Giáo Pháp bản địa trên những vùng đất mới. Nếu Bồ Tát không thông suốt Phật Đạo và không có ngoại minh, chẳng biết rõ quan niệm của họ là gì, cứu cánh như thế nào, thì rất khó chiết phục những nhà tư tưởng bản địa. Không thể vững tin tuyên thuyết lợi ích của Phật Đạo, cũng như không đủ cơ sở chứng minh, so sánh, nêu bật tính ưu việt của Giáo Pháp mà mình đang tuyên thuyết, khiến quần chúng thấy biết rõ lợi ích này mà nghe theo.

Vì thế, Bồ Tát phải có ngũ minh, và dùng ngoại minh vào một trong những trường hợp như vậy.

Hỏi: Xin sơ lược việc Bồ Tát dùng ngoại minh để xiển dương Phật Đạo?

Đáp: Thời Phật còn tại thế, hàng ngày có rất nhiều Đạo Sĩ Bà La Môn đến gặp Thế Tôn và đưa ra các quan điểm tu hành của mình. Phật dùng ngay các lý luận của họ để bẻ gãy lại lí luận của chính họ, và chỉ ra rằng Phật Đạo mới có ý nghĩa Giải Thoát chân thật.

Sau Phật, thời kỳ của Long Thọ cho đến nhiều năm sau này, tư tưởng của các ngoại đạo len lỏi vào hàng ngũ người tu hành trong Phật Đạo, nhằm gây ảnh hưởng, làm sai lệch ý nghĩa đích thực của Giáo Pháp, cùng với thái độ cực đoan của một bộ phận người tu hành.

Để bảo toàn Giáo Pháp và chỉ ra rằng, các tư tưởng như vậy không phải là chân lý, Long Thọ đã viết nên Đại Trí Độ, Trung Quán Luận; Vô Trước viết nên Du-già sư địa luận, Đại Thừa trang nghiêm kinh luận, Đại Thừa a-tì- đạt-ma tập luận Nhiếp Đại Thừa luận; Thế Thân viết A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận.

Các bản luận được viết vào thời kỳ này chủ yếu đánh dẹp tư tưởng sai lệch đã len lỏi vào Giáo Pháp, có nguy cơ làm Giáo Pháp biến dạng nhằm xây dựng một hệ thống giáo lý đủ sức miễn nhiễm với hệ thống lý luận cũng như tư tưởng bên ngoài; hoặc điều chỉnh những sai lệch của người tu hành trong Phật Đạo nếu có. Nếu không có ngoại minh, các vị ấy chẳng thể thực hiện được việc này.

Đến thời Tổ Đạt Ma sang Đông, Trung thổ bây giờ chịu ảnh hưởng của tư tưởng Khổng, Lão rất lớn. Để tạo ra sự khác biệt trong tu hành của Phật Đạo và các đạo giáo khác, Tổ Đạt Ma và các Tổ Sư phương Đông đã đưa ra khẩu hiệu “Kiến Tánh thành Phật”. Khẩu hiệu này ra đời cho thấy được tính ưu việt và sức mạnh của nó. Nó đã xô dẹp các quan niệm đánh đồng giữa Phật Đạo và các đạo khác giữa tư tưởng tu hành của Phật, Khổng, Lão cũng như những hệ tư tưởng khác; phân định rạch ròi, phá bỏ sự nhầm lẫn đạo nào cũng đạo; đạo nào cũng đọc tụng, đạo nào cũng ngồi tu.

Câu khẩu hiệu này chỉ ra rằng, người tu hành trong Phật Đạo muốn thành tựu, phải Kiến Tánh. Kiến Tánh không có nghĩa là ngồi đó mà đọc tụng như học trò của Nho Gia đọc tụng nằm lòng Tứ Thư, Ngũ Kinh: không phải ngồi xuống để vận luyện ngày đêm như các Đạo Sĩ của Đạo Gia miệt mài ngồi nơi hang sâu để tiến tu Tiên Đạo. Chính khẩu hiệu Kiến Tánh thành Phật đã phân định ranh giới chánh đạo và ngoại đạo, cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa Phật Đạo và các đạo khác.

Nhờ khẩu hiệu này mà Phật Đạo đã đứng vững trước các tư tưởng đương thời và không bị người đời hòa tan hay thỏa hiệp ngầm với các luồng tư tưởng khác để biến Phật Đạo trở thành chiêu bài mang ý đồ riêng tư. Khẩu hiệu này giúp Phật Đạo không đánh mất bản sắc riêng tối tôn tối thắng của mình. Và cuối cùng, khẩu hiệu này loại bỏ những ai không thật sự Kiến Tánh mà cố thậm xưng để mưu cầu lợi ích cá nhân.

Trong thời đại của bùng nổ thông tin hiện nay, chỉ cần một cú nhắp chuột, chỉ cần mở máy ra là thông tin về Phật Đạo tràn ngập. Trong vô vàn thông tin như vậy, người tu hành khó có thể nhận định được, đâu là vàng, đâu là thau. Để có thể phân định được các giá trị từ những thông tin như vậy, người tu hành buộc lòng phải Giác Ngộ.

Chỉ có thật sự Giác Ngộ, mới biết rằng thông tin nào có lợi, thông tin nào có hại cho việc tu tập. Giống như phèn, có năng lực lóng trong nước, Giác ngộ có năng lực phân rõ chánh tà. Trong một mớ hỗn độn của nhiễm ô, nếu người tu hành không có một công cụ đủ mạnh để làm sạch thì việc tu hành nhất định khó thành tựu. Giống như người uống nước bị nhiễm độc, nhiều ngày tháng nhất định sinh bệnh.

“Giác ngộ, giải thoát và trí tuệ” chính là khẩu hiệu thiết thực và tốt nhất trong thời đại bùng nổ thông tin này.

Nhờ có nội minh và ngoại minh mà mỗi hoàn cảnh lịch sử, các Bồ Tát đã đưa ra những khẩu hiệu, hình thức tu tập và lý luận phù hợp với hoàn cảnh lịch sử đó, để Phật Đạo luôn luôn là Phật Đạo, không bị pha tạp bởi các luồng tư tưởng hoặc đạo giáo khác. Có như thế, những đạo quả chân chánh của Phật Đạo mới thật sự thành tựu trong người tu hành.

Đã là khẩu hiệu, nó chỉ có giá trị trong từng giai đoạn.

Vì thế, người tu hành không thể lấy khẩu hiệu của giai đoạn này áp dụng vào việc tu hành ở giai đoạn khác. Nếu ta áp dụng sai, áp dụng không đúng thời điểm, nhất định thành quả tu tập sẽ không như mong muốn. Giống như phát triển xã hội, không thể dùng một khẩu hiệu cho tất cả mọi giai đoạn. Có những khẩu hiệu, có những luận điểm trong Phật Đạo, ở thời kỳ này giá trị rất lớn, nhưng vào thời kỳ khác, thời điểm nào đó, không còn phù hợp.

Nếu không biết chắt lọc, không thấy được giá trị nhất thời của những tài liệu như vậy; lấy các tư liệu này học tập, miệt mài nghiền ngẫm, ứng dụng trong hiện tại, người tu hành sẽ phải chịu cảnh nhọc công tốn sức mà kết quả không tương xứng.

Ví như cách đây trên dưới một trăm năm, có những người theo nghề đẽo cối đá (một loại cối xay bột được làm từ những tảng đá), làm giàu nhờ nghề này. Nay có người nghe nói rằng xưa có người làm giàu nhờ đẽo cối đá, ta cũng học hỏi kỹ thuật này để làm giàu. Vì thiếu trí tuệ, vì không quan sát thị trường, vì chẳng giác ngộ thời cơ, vì không nắm vững nhu cầu hàng hóa nên anh này miệt mài học tập.

Đến khi mở xưởng sản xuất, dù anh ta nỗ lực lao động, nhưng sản phẩm làm ra - cối đá - không được xã hội văn minh chấp nhận và đi đến phá sản. Trong thời đại công nghệ, một người miệt mài sản xuất cối xay bột bằng đá, muốn làm giàu theo cách người xưa. Thử hỏi, người này có được gọi là “minh” chăng? Nội minh và ngoại minh phần nào đó, mang trong nó những ý nghĩa như thế.

Kinh Đại Bảo Tích (bản cũ), Phật dạy năm điều, chỉ ra những bước thăng trầm của Giáo Pháp.

Năm thời kỳ đó là:

Thời kỳ Giải Thoát kiên cố.

Thời kỳ thiền định kiên cố.

Thời kỳ lý luận kiên cố

Thời kỳ đấu tranh kiên cố

Thời kỳ chùa am kiên cố.

Trong năm thời kỳ mà Phật Giáo phải trải qua như vậy, nếu người tu hành không đủ minh, không thấu suốt Đạo Pháp, không đưa ra những khẩu hiệu đúng thời để giúp người tu hành thành tựu như những gì Phật Đạo mong muốn thì hóa ra, đây có phải là năm điều đáng mỉa mai lắm chăng.

Tóm lại ngũ minh, trong đó có ngoại minh, là những hiểu biết quan trọng về những gì bên ngoài giáo pháp.

Nhờ hiểu biết này mà Bồ Tát phân định được đâu là chánh, đâu là tà, đâu là đục, đâu là trong, đâu là tối, đâu là sáng, đâu là Phật Đạo của hôm nay, đâu là Phật Đạo của ngày mai. Để từ đó, có thể tự mình và cùng người nương đúng Phật thần lực tiến về Vô Thượng Bồ Đề không sai với chánh đạo.

Hỏi: Tam Bảo là thường trụ, Phật Đạo là thường. Vì sao lại có năm thời kỳ? Vì sao trong cùng một Phật Đạo mà phải có từng khẩu hiệu tu tập để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử?

Đáp: Tam Bảo thường trụ, Phật Đạo là thường nhưng tâm người là vô thường, xu thế xã hội là vô thường, điều kiện tu tập là vô thường.

Cho nên nội minh, ngoại minh, khẩu hiệu đề ra và các luận lý để hình thành con đường tu tập trong mỗi giai đoạn là những cột tiêu, là những biển báo, là những ngọn hải đăng, có công dụng “điều chỉnh và hướng con tàu tu tập trong Phật Đạo đi đúng và về đúng, với nghĩa thường của Chư Phật”.

Nếu không có những dấu hiệu, những biển báo như vậy cho từng luồng lạch, nhất định con tàu tu tập sẽ lạc lối và đích của nó là những gì thuộc về vô thường, đang chờ đợi phía trước.

Giống như mặt trời, luôn luôn sáng, luôn luôn ấm nhưng ngoài trời thì thời tiết thất thường. Muốn không bị mưa ướt thì phải có áo mưa, muốn không bị cảm lạnh thì phải ở nơi kín gió, muốn thấy ánh sáng thì phải ra mở cửa. Những việc làm này, không phải vì mặt trời vô thường, mà chính con người phải chịu cái vô thường của thời tiết, của nơi ở. Thực hiện những điều đó chính là khắc chế cái vô thường để tìm thấy nghĩa thường trong chính cái vô thường vậy.

Khẩu hiệu, hệ thống lý luận, ngoại minh chính là công cụ tốt nhất để bảo đảm an toàn cho người tu hành “đi đến nơi, về đến chốn”.

Hỏi: Xin nói rõ ngũ minh?

Đáp: Ngũ minh gồm có năm minh của thế gian và năm minh của xuất thế.

Năm minh thế gian, dành cho người tu hành gồm:

  • Nội minh: Thấu suốt ý nghĩa kinh điển, để đưa đến Giác Ngộ.
  • Ngoại minh: Biết rõ những luận lý nào không có ý vị Giác Ngộ, không có nghĩa lý của Giải Thoát cần phải tránh
  • Y phương minh: Chỉ uống đúng thuốc của Phật Đạo, không bạ đâu uống đó; không gặp thuốc gì cũng uống, ai dạy gì cũng tin
  • Công xảo minh: Biết rõ và sử dụng thành thạo một số phương tiện của Phật Đạo, cũng như kỹ thuật thế Dùng hai thứ này hỗ trợ cho việc tu hành và giúp đời sống dễ dàng hơn, tránh rơi vào cực đoan hoặc tâm hoặc vật.
  • Thanh minh: Chỉ tin nghe những gì có chân lý.

Năm minh của xuất thế gian, dành cho Bồ Tát giáo hóa người gồm:

  • Nội minh: Biết rõ thế nào là chân tâm, thế nào là chân trí, thế nào là chân lý để hướng người tu hành đi đúng Phật Đạo và thẳng tiến vào những thứ chân này.
  • Ngoại minh: Biết rõ những gì phát xuất từ hư vọng tâm, hư vọng trí, không có chân lý để chỉ cho người tu hành cần phải tránh
  • Y phương minh: Biết rõ căn cơ của người, tùy bịnh cho thuốc. Không phạm vào các lỗi ngu si, hý luận, phi thời, xơ cứng khi giáo hóa.
  • Công xảo minh: Thành thục các loại phương tiện của Phật như người văn minh thành thạo các loại công kỹ nghệ tân tiến. Không tìm cầu sự lạc hậu của những quan điểm tu tập không còn phù hợp trong hiện tại, không dạy người cái vô ích; không làm người giảng nói cách “làm cối đá” trong thời đại văn minh kỹ thuật!
  • Thanh minh: Nghe tiếng lòng của vạn loại chúng sinh, cùng tất cả người tu hành. Không chạy theo hiện tượng, không vui theo phong trào, không bị cái bên ngoài làm mờ mắt.

Tóm lại, ngũ minh là năm thứ công cụ giúp người tu hành và Bồ Tát thành tựu Đạo Nghiệp của mình. Không biết năm thứ này, nhất định sẽ giống như anh chàng “mua vịt trời” ngày xưa, mất công, mất của mà chẳng ra cơm cháo gì.

Còn nếu, thông thuộc ngũ minh thì từ những con vịt trời cũng có thể thuần dưỡng thành vịt nhà, đem cái vô ích, vô bổ, biến thành lợi ích nhất định, đúng như Phật Đạo mong muốn.

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG