Tâm Lãnh Chỉ Thú Của Đạo Là Như Thế Nào?

Hỏi: Người tu hành trong Phật Đạo có cần “kiến thức rộng sâu” hay không?
Đáp: Cũng như bất kỳ sự học tập nào trên đời, kiến thức bao giờ cũng cần thiết. Kiến thức càng rộng, người ta càng dễ ứng dụng để đạt thành tựu và phát huy hiệu quả học tập. Tuy nhiên, muốn ứng dụng tốt kiến thức vào việc tu hành, người này phải coi lại những kiến thức mà ta đang sở hữu đã chuẩn, chánh thống và có chánh lý hay chưa. Nếu kiến thức rộng mà không chuẩn, không chánh thống, chưa chánh lý sẽ không giúp ích cho người tu hành thành tựu đạo quả, thậm chí nó trở thành tà kiến khiến người này rơi vào “tà tinh tấn” mà không tự biết.
Hỏi: Làm sao có thể nhận biết kiến thức nào chánh thống và kiến thức nào không chánh thống?
Đáp: Có hai điều để người tu hành nhận ra kiến thức mình đang có là chánh thống hay không.
- Thứ nhất: Như trong Kinh Di Giáo, Phật đã nhắn nhủ cho đời Một kiến thức được coi là chánh thống, phải căn cứ vào hai điều, đó là Giới Luật và Nghĩa Kinh (lấy Tứ Niệm Xứ làm thầy).
- Thứ hai: Kiến thức này có giúp ta thối mòn Kiết Sử, có phân định được chánh tà hay không.
Nếu kiến thức nào thỏa mãn được hai điều nêu trên thì tạm coi là chánh thống trong Phật Đạo. Còn cái nào đi ngược lại giới luật, ngược lại tinh thần kinh điển, không giúp người tu hành thối mòn dẫn đến chấm dứt kiết sử thì phải coi lại.
Hỏi: Có khi nào, một người được trang bị đầy đủ kiến thức được coi là chánh thống, có chánh lý lại rơi vào lối tẻ, thậm chí phát sanh tà kiến hay không?
Đáp: Cũng có thể có trường hợp này, ngay dưới thời Phật còn tại thế, chúng ta không nên loại trừ điều này.
Ví dụ như trường hợp Thiện Tinh Tỳ Kheo, Đề Bà Đạt Đa hoặc một vài Tỳ Kheo đệ tử của Phật, ngồi tư duy về mười phạm trù siêu hình rồi phát sinh “tà kiến”
Tuy nhiên, phần lớn người tu hành, nếu được trang bị tốt kiến thức chánh thống, có chánh lý... Kiết Sử dần dần sẽ thối mòn và dẫn đến chấm dứt… người này cảm nhận được một ít thanh tịnh...
Cái còn lại là, nếu không biết rằng kiến thức chỉ giúp họ có được nhận thức ban đầu, nó thuộc về Giác, công dụng dứt Tập... Người đó chấp chặt kiến thức, và coi đây là đạo quả, thì kiến thức bây giờ trở thành tà tinh tấn và vô tình rơi vào lối tẻ, chạy theo tà nẻo mà không tự biết...
Kinh gọi điều này là, “lấy thức làm ta, làm ngã của ta, làm tự ngã của ta”. Có nghĩa rằng, vì chấp chặt nên kiến thức trở thành thức ấm (lấy thức làm ta), kiến thức trở thành uẩn (lấy thức làm ngã của ta), kiến thức trở thành đạo quả (lấy thức làm tự ngã của ta).
Kinh Đại Thí Dụ Lõi Cây 1, Phật cũng nhắc nhở rằng, không được coi tri kiến có được là sự thành tựu tối thượng, ví như người đi tìm lõi cây mà chỉ đem về giác cây.
Vì thế, cho dù đó là kiến thức chuẩn, chánh thống, có chánh lý. Nhưng kiến thức luôn luôn là con dao hai lưỡi, nếu biết vận dụng, kiến thức sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tu học và giáo hóa. Còn nếu, không thấy được một số mặt hạn chế của kiến thức, chấp chặt kiến thức, hoặc vận dụng sai, kiến thức bây giờ trở thành “tảng đá bít lối vào cửa đạo”.
Câu nói của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn với Đại Sư Thần Tú, được coi là tiếng chuông cảnh báo cho người sau:
“Ông làm kệ này cũng chưa thấy Tánh, chỉ đến ngoài cửa, chưa vào trong, đem kiến thức để kiến giải như thế, hầu tìm Vô Thượng Bồ Đề chẳng thể được. Vô Thượng Bồ Đề phải là, khi vừa nghe nói liền nhận ra Bổn Tâm (không dùng kiến thức để suy hiểu), thấy rõ Bản Tánh, chẳng sanh chẳng diệt. Trong tất cả các thời, niệm niệm tự thấy, chẳng kẹt vào vạn Pháp (kiến thức), nhứt chân nhứt thiết chân. Đối trước cảnh duyên tâm tự như, cái tâm như như mới là chân thật. Nếu thấy như thế, tức Vô Thượng Bồ Đề của Tự Tánh. Nay ông tạm đi ra, suy nghĩ một vài ngày nữa, làm bài kệ khác cho ta xem, nếu kệ ông vào được cửa thì ta sẽ truyền trao y Pháp”.
Xét về kiến thức, Lục Tổ Huệ Năng không bằng một phần nhỏ của Đại Sư Thần Tú. Tuy từng là một giáo thọ, từng giảng thuyết cho nhiều người tu hành trong nhiều năm tháng, lại có tiếng văn hay chữ tốt, nhưng Thần Tú không qua được cái ải “bỏ kiến thức xuống” để quay lại tâm này, mà chỉ chạy rong trong mớ kiến thức, cuối cùng cũng chỉ là “người đứng ngoài cửa đạo”.
Hỏi: Như vậy có thể nói, người ít kiến thức dễ Giác Ngộ hơn người nhiều kiến thức hay không?
Đáp: Giác Ngộ, không luận kiến thức ít hay nhiều. Mà, Giác Ngộ thuộc về những ai “tâm lãnh chỉ thú của Đạo”. Không tâm lãnh được chỉ thú của Đạo, cho dù kiến thức nhiều hay ít đều phải dừng lại ở cửa tâm vậy.
Hỏi: Xin hỏi “tâm lãnh chỉ thú của Đạo” là như thế nào?
Đáp: Tâm lãnh chỉ thú của Đạo là vị này phải biết “nhất thiết Phật ngữ tâm” tức là, tất cả Giáo Pháp chỉ nói đến tâm này.
Người có kiến thức, hãy bỏ kiến thức xuống. Người chưa có kiến thức, mau mau tìm hiểu, để biết rằng thế nào là tâm, thế nào là pháp, thể nào là cảnh, thế nào là vật.
Một lòng một dạ quay lại tâm này, không nương tựa bất kỳ một thứ gì trên đời để sinh ngã, không nương tựa bất kỳ một thứ gì trên đời này để sinh tâm, không tìm cầu nơi thế gian để sinh pháp.
Không chạy ra bên ngoài, không chạy theo kiến thức, chỉ quay lại tâm này suy xét đến cùng tột, coi xem vì đâu hư vọng phát sanh, vì đâu cái ngã nó hiện. “Phản Quan Tự Kỷ” đến cùng tột như vậy, nhất định sẽ thấy cái cần thấy.
Hiểu và thực hành như thế, gọi là người “tâm lãnh chỉ thú của Đạo”.
Hỏi: Một người không Giác Ngộ, chỉ toàn kiến thức và kiến thức. Có giúp ích gì nhiều cho bản thân và Đạo Pháp hay không?
Đáp: Tất nhiên là có, nhưng lợi ích không nhiều. Như đã nói ở các phần trước, kiến thức thuộc về Giác, nó chỉ giúp người tu hành thối mòn kiết sử, thấy được một chút thanh tịnh.
Người kiến thức nhiều nếu không Giác Ngộ chỉ dừng lại ở chừng mực cái biết của kiến thức, người này khó có thể tiến xa hơn trong Đạo Pháp. Giống như người biết trong vườn nhà có khối vàng lớn mà không ra công đào bới để lấy khối vàng làm lợi cho mình, cho người, như vậy chẳng phải là việc đáng tiếc hay sao?
Ngược lại, nếu người có kiến thức rộng, mà biết bỏ kiến thức xuống, hồi quang phản chiếu để tự Giác Ngộ Bổn Tâm. Sau khi Giác Ngộ, vị này sẽ như hổ mọc thêm cánh, chẳng những nhân cái rộng của kiến thức, đào đến cái thậm thâm của Đạo, vị lai sẽ vô cùng ích lợi cho Đạo Pháp
Hỏi: Có thể nói, người kiến thức nhiều mà không Giác Ngộ Bổn Tâm có phải chỉ dừng lại ở khả năng của một Giáo Thọ?
Đáp: Người có kiến thức nhiều mà không Giác Ngộ Bổn Tâm, chỉ dừng lại trong chừng mực của một giáo thọ.
Vì rằng, người không Giác Ngộ Bổn Tâm, không thể thành một Pháp Sư do chẳng thấy tâm người. Một khi không biết tâm người, “các pháp được thuyết ra dễ phát sinh lỗi lầm, mang tính dàn trải, không có trọng tâm, đánh bao vây, thiếu thực tế, làm cho người nghe tán tâm hơn là nhứt tâm”.
Hỏi: Cũng kiến thức đó, nếu vào tay người Giác Ngộ, thì nó sẽ như thế nào?
Đáp: Cũng kiến thức đó, nếu vào tay người Giác Ngộ, sẽ có ba điều lợi lớn:
- Thứ nhất: Người có Giác Ngộ thấy được Thật Tướng nên từ những kiến thức đã có, vị này nhân thấy Thật Tướng nhất định sẽ đào sâu kiến thức đến vô tận. “Biến kiến thức trở thành Chân Giáo” gọi là “từ bi”. Giống như người có tài sản lớn lại biết dùng tài sản đó giúp đỡ người nghèo khó, vĩnh viễn thoát khỏi đói nghèo.
- Thứ hai: Người có Giác Ngộ biết rõ tâm người. Chiều rộng kiến thức và chiều sâu Thật Tướng sẽ giúp người này tuyên thuyết “không phi thời”. Nhờ tuyên thuyết không phi thời nên người nghe mau chóng Giác Ngộ. Giống như người giàu có lại thêm trí tuệ, biết giúp người nghèo phát huy sở trường của mình, để thành công trên đời bằng chính năng lực của họ.
- Thứ ba: Người Giác Ngộ lại có kiến thức nhiều... Người này có năng lực giáo hóa mọi tầng lớp, mọi giai cấp... Giống như người đã giàu, lại thêm địa vị .. Có thể khiến nhiều người quy thuận...
Tóm lại, yêu cầu của Phật Đạo là: “Người tu hành phải mở cho được cánh cửa Đạo Pháp”. Khi nào mở được cánh cửa Đạo bước vào trong đó, bây giờ mới có thể biến mọi kiến thức trở thành Phật Pháp, đúng như tinh thần Kinh Kim Cang “Nhất thiết pháp, giai thị Phật Pháp”.
Chừng nào, chưa mở được cửa này thì cho dù có bao nhiêu kiến thức cũng chỉ là kiến thức. Ngoài kia, người ta giàu kiến thức đời, ở đây giàu kiến thức Đạo. Xét ra, không khác xa nhau là mấy.
Hỏi: Tôi nghiền ngẫm lời dạy của Ngũ Tổ với Đại Sư Thần Tú nhiều ngày tháng. Lời dạy thật là thắm thiết, tuy có chút trách móc, “nhưng trong lời dạy này, Ngũ Tổ vẫn mong muốn cho đồ đệ của mình nhận ra điều gì đó đích thực của Đạo”. Ngặt nỗi, Thần Tú không thể vượt qua cái ải kiến giải của bản thân, mà lấy kiến giải khóa chặt cửa Đạo.
Xin hỏi, ông có cảm nhận gì về những điều Ngũ Tổ đã nói?
Đáp: Cầu mong, mọi người tu hành đều có thể “lãnh hội chỉ thú của Đạo”, Đạo pháp đang cần những người như thế.
Hãy “mau chóng Giác Ngộ”, Giác Ngộ là vì tất cả mọi người, chứ không phải vì bản thân này.
“Yết đế, Yết đế, Ba la yết đế, Ba la tăng yết đế, Bồ đề Tát bà ha.”
---------------------
- Kinh Đại Dụ Lõi Cây: là bài kinh Phật chỉ cách đi tìm lõi cây “giải thoát bất động”.
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






