Nương Phật Thần Lực Là Gì?

 0
Nương Phật Thần Lực Là Gì?

Hỏi: Kinh thường hay đề cập đến việc “Bồ Tát nương Phật thần lực trong khi tu học và giáo hóa”. Xin hỏi: Như thế nào được gọi là “nương Phật thần lực”?

Đáp: Phật thần lực, hay thần lực của Phật, là sức mạnh thuộc về chân lý. Sức mạnh chân lý này, có thể chiến thắng tất cả những pháp nào không có chân lý hoặc không đưa người về đúng với chân lý.

Vì thế, Bồ Tát khi tu học hoặc giáo hóa, phải nương sức mạnh chân lý từ nơi Đức Phật, để tự mình thấu suốt chân lý và sau đó giúp người cũng thấu suốt chân lý. Không riêng gì Bồ Tát, mà hết thảy người tu hành trong Phật Đạo, muốn thành tựu rốt ráo Phật Đạo phải nương Phật thần lực.

Ngay lúc vừa quy y, người quy y cũng phải hứa trước Tam Bảo chỉ nương (quy y) thần lực của Phật, không nương (quy y) nơi các thứ thần lực khác. Đó là Quy y: Phật, Pháp, Tăng. Không quy y trời, thần, quỷ, vật.

Hỏi: Vì sao người tu hành trong Phật Đạo chỉ nương tựa (y cứ, quay về, bảo hộ) nơi Phật thần lực mà không nương tựa nơi các thứ khác?

Đáp: Người tu hành trong Phật Đạo chân chánh, chỉ mong cầu được Giác Ngộ để thoát khỏi phiền não vô minh, mong cầu Giải Thoát để ra khỏi cột buộc thế gian; mong cầu Trí Tuệ để thành tựu Vô Thượng Giác. Ba thứ này, chỉ có trong Phật Đạo nên không thể nương vào nơi khác ngoài Tam Bảo mà hy vọng tìm thấy ba món nói trên.

Hỏi: Phật thần lực gồm những thứ thần lực nào?

Đáp: Phật thần lực gồm hai món, đó là “hữu vi thần lực” và “vô vi thần lực”.

Hỏi: Như thế nào là hữu vi thần lực và vô vi thần lực?

Đáp:

  • Hữu vi thần lực: Là kinh điển, giáo lý và những lời dạy của Đức Phật.
  • Vô vi thần lực: Là ý nghĩa sâu thẳm từ các lời dạy đó.

Hỏi: Người tu hành trong Phật Đạo nương những thứ đó như thế nào?

Đáp:

  • Nương hữu vi thần lực: Người tu học y cứ vào lời Phật dạy, tư duy cho đến khi nào hiểu được ý nghĩa đích thực của lời dạy đó. Đem ý nghĩa đã hiểu, áp dụng triệt để vào đời sống cho đến bao giờ đời sống của người tu hành và ý nghĩa đó không còn là hai pháp. Làm như vậy gọi là nương Phật thần lực. Gọi là hữu vi thần lực là vì sự nương cậy này còn phải trải qua quá trình “văn, tư, tu”.
  • Nương vô vi thần lực: Người tu hành Giác Ngộ được một nghĩa lý thâm diệu vô vi nào đó trong lời dạy của Đức Phật. Vị này “sống trọn vẹn trong ý nghĩa đó”, không đem tâm suy lường, không khởi ý tạo tác, không vọng sinh nghĩa khác, chỉ một tâm vô vi tịch tĩnh như nghĩa gọi là nương vô vi thần lực.

Hỏi: Tu hành thì nương như vậy, còn Bồ Tát giáo hóa thì nương như thế nào?

Đáp: Khi giáo hóa, Bồ Tát phải nương nơi lời Phật, cắt nghĩa cho chúng sanh, khiến chúng sanh hiểu được ý nghĩa lời Phật dạy. Hoặc nương nơi ý nghĩa vô vi tịch tĩnh của Giác Ngộ; khai thị chỗ thẳm sâu, giúp chúng sanh thầm hội ý nghĩa vô vi tịch tĩnh và Giác Ngộ chỗ thẳm sâu này.

Làm như thế gọi là Bồ Tát nương Phật thần lực để giáo hóa. Cũng có khi giáo hóa, Bồ Tát cắt nghĩa trước để người nghe hiểu được chân lý. Sau đó Bồ Tát dùng một đoạn kinh, lời dạy của Phật và nương đoạn kinh, lời dạy của Phật, lấy đây ấn chứng cho điều mình đã tuyên thuyết; không sai Giáo Pháp. Làm như thế, cũng gọi là Bồ Tát nương Phật thần lực trong giáo hóa.

Hỏi: Vì sao khi thuyết pháp, Bồ Tát nương Phật thần lực (lời dạy, chân lý của Phật) mà không nương nơi các thần lực khác?

Đáp: Vì những lý do sau, Bồ Tát không nương thần lực bên ngoài:

  • Thứ nhất: Đạo Giác Ngộ, Giải Thoát, Trí Tuệ chỉ có trong Phật Đạo. Và chỉ có Phật Đạo đích thực mới giải quyết thỏa đáng những điều này.
  • Thứ hai: Các đạo khác, không chủ trương đưa đến ba ý nghĩa nêu trên, nên không thể mượn lời nói của họ để giải quyết việc của Phật Đạo.
  • Thứ ba: Nương lời dạy của Phật khi tuyên thuyết mà không nương các câu nói bên ngoài, có mục đích để người nghe (Phật tử) không ngộ nhận rằng, các đạo khác cũng có những cứu cánh đích thực như Phật Đạo. Sự ngộ nhận này sẽ đưa họ tìm cầu ý nghĩa trong những Giáo Pháp bên ngoài, mong rằng ở những nơi ấy cũng có cứu cánh của Phật Đạo. Việc này, giống như nấu cát mong thành cơm.
  • Thứ tư: Bồ Tát chỉ quy y Phật, không quy y các đạo này. Vì thế, không có lý do gì, Bồ Tát lấy lời dạy của đạo khác mà cắt nghĩa theo ý nghĩa Phật Đạo.

Việc làm này, thể hiện được sự chân chánh của người thuyết, tôn trọng Giáo Pháp của Đức Phật và tôn trọng các đạo khác.

  • Thứ năm: Kinh điển của Đức Phật để lại, đâu có thiếu lời dạy, đâu có thiếu ví dụ, đâu có thiếu danh ngôn, đâu có thiếu năng lực ấn chứng mà Bồ Tát phải đi vay mượn những thứ này ở bên ngoài rồi đem về giảng nói hoặc ấn chứng. Làm như thế, chứng tỏ sự yếu kém trong năng lực đọc tụng, cũng như biểu hiện mức độ thấm nhuần kinh điển chưa cao. Giống như cá ướp thiếu muối, nhất định lâu ngày con cá này sẽ ươn.

Nói chung có vô số lý do, mà một Bồ Tát chân chánh khi thuyết pháp, chỉ nương Phật thần lực, mà không nương ngoại thần lực”.

Hỏi: Nhưng các đạo khác cũng có những câu nói tương tự như Phật Đạo?

Đáp: Câu nói tương tự, không có nghĩa rằng ý nghĩa tương tự. Ý nghĩa tương tự không có nghĩa cứu cánh tương tự. Vì thế, một câu nói, một trích dẫn đâu có phải đã là toàn bộ tôn chỉ, mục đích?

Vả lại, ngữ ngôn thì hạn chế, điều quan trọng là ý nghĩa phía đằng sau ngữ ngôn nhằm muốn gởi gắm điều gì? Nếu kẻ nào chưa thấy được sự ẩn mật này, làm sao có thể tuyên thuyết đúng chân lý được.

Nó giống như các lá cờ, không phải lá cờ nào cũng có ý nghĩa giống lá cờ nào. Khi nói hãy giương cờ lên” thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu mệnh lệnh của câu giương cờ và ý nghĩa như thế nào. Chứ mấy chữ giương cờ, người bên ngoài nghe, chưa thấm được ý vị của nó.

Ví dụ: Cờ đỏ: thắng trận; cờ trắng: đầu hàng; cờ vàng đậm: báo có dịch tả... Như vậy, người nghe biết nên giương cờ nào. Thậm chí một câu kinh của Phật, chưa hiểu hết thâm ý cũng đưa đến việc thực hiện sai, nói chi chỉ mới nghe qua rồi lặp lại. Ví dụ như câu Tiên Đà Bàtrong kinh Đại Niết Bàn.

Thành ra, một câu nói tương tự trong vô tình nào đó, đem nó ra mổ xẻ, cắt nghĩa, làm chuẩn mực, rồi ép buộc, cho rằng nó có chân lý như lời Phật. Làm như thế, chỉ tội cho Phật Đạo chân chánh và oan cho các đạo kia.

Trong kinh, Phật cũng cho ví dụ, những lời nói trong đời vô tình trùng lặp hoặc tương tự như lời Phật. Giống như con mọt, vô tình đục cây thành chữ. Giống như con sâu vẽ bùa, vô tình ăn ngoằn ngoèo trên lá cây. Đứa bé vô trí thấy những sự việc ấy, đoán chắc con mọt biết chữ, con sâu biết vẽ bùa. Suy nghĩ như vậy, vừa oan cho con mọt, oan cho con sâu, vừa tội nghiệp cho đứa bé.

Hỏi: Xin cho vài ví dụ về việc Bồ Tát nương Phật thần lực?

Đáp: Bồ Tát nương Phật thần lực khi tuyên thuyết Giáo Pháp của Đức Phật. Giống như người chèo chiếc thuyền vững chắc để đưa người sang sông, khiến người không nghi ngờ.

Ví dụ:

- Bồ Tát A nói với ông B: Tham là khổ. Ông B nghe thế, có khi sẽ hỏi lại: “Trong đời tôi nhiều lần tham, nhưng những lần đó, tôi đâu có khổ?” Tuyên thuyết như vậy, sẽ làm mất duyên lành của người thính pháp.

Nhưng nếu Bồ Tát A nương Phật thần lực, nói với ông B rằng: “Này ông B, Phật dạy, tham là khổ”. Nhất định ông B sẽ tin nơi Tam Bảo mà tu tập để dứt tham.

- Bồ Tát A nói với ông B: “Hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh”. Ông B sẽ hỏi lại Làm sao ông biết?Trong đương cơ, nếu xảy ra việc đối đáp như thế, sẽ rất khó giáo hóa.

Nhưng nếu Bồ Tát A nương Phật thần lực, nói rằng: “Này ông B, kinh Đại Niết Bàn Phật dạy: “Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh”. Nhờ oai thần của Phật, của kinh, nhất định ông B sẽ vâng tin.

- Bồ Tát A nói với ông B: “Ngũ dục gồm năm món: tài, sắc, danh, thực, thùy”. Ông B sẽ kết luận, Phật là người Trung Thổ, học sách Thánh hiền bên ấy nên mới biết mấy món này. Và đạo thánh hiền của Trung Thổ cũng có nghĩa Giải Thoát. (Tài sắc danh thực thùy là năm món thuộc về quan niệm của Trung Quốc, không phải ngũ dục mà Phật muốn nói đến)

Nhưng nếu Bồ Tát A nói rằng: “Này ông B, Phật dạy ngũ dục gồm năm thứ ham muốn khi năm căn thân tiếp với năm trần cảnh. Đó là, mắt đối sắc khởi lên ham muốn, tai đối âm thanh khởi lên ham muốn”.

Nhất định, người này sẽ biết được nguyên nhân phát sanh Dục Giới, có thể đoạn trừ dục nhiễm và sẽ tự thoát ra khỏi Dục Giới.

Nói chung, nương Phật thần lực để tu học và giáo hóa, là việc không thể thiếu đối với người tu hành trong Phật Đạo. Không nương Phật thần lực hoặc nương vào một thứ thần lực nào đó bên ngoài Phật Đạo, nhất định khi ứng dụng tu tập sẽ cho ra thành tựu không đúng với kết quả đích thực của Phật Đạo. Trong giáo hóa sẽ khiến người nghe hiểu nhầm.

Trong mỗi lời dạy, trong mỗi câu kinh, trong mỗi bài kinh, trong tất cả kinh điển của Phật để lại, mỗi lời, mỗi câu, mỗi bài, nguyên tạng,… đều có tính nhất quán và kế thừa. Lời trước làm đầu mối cho lời sau, câu trước làm nhân cho câu sau. Điều này, trong kinh gọi là “Phật tuyên thuyết, thượng trung hạ đều thiện”. Có nghĩa rằng, toàn bộ hệ thống kinh điển và giáo lý của Đức Phật, khi Phật tuyên thuyết, luôn luôn đưa người theo đúng một con đường, trước sau thứ lớp kế thừa, có tính nhất quán từ thấp lên cao. Cho dù đó là lời cho người sơ cơ hay kẻ thâm đạt, đều không khiến họ đi vào lối tẻ.

Vì thế, trong tu hành hay dẫn dắt người khác, nhất định phải am tường từng câu, từng chữ, từ những điều Phật dạy. Và y theo sự am tường này mà tu tập, mà tuyên thuyết, gọi là nương theo Phật thần lực, hay còn gọi là không quy y trời, thần, quỷ, vật.

Nếu làm khác đi, hoặc nương theo bên ngoài, nhất định sẽ rơi vào lối tẻ. Và con đường để đưa đến Giác Ngộ, Giải Thoát, Trí Tuệ khó thành tựu.

Hỏi: Như vậy, câu nói “Nhất thiết pháp, giai thị Phật Pháp” ứng dụng vào chỗ nào?

Đáp: Câu nói trên là chân lý, là thấy biết tột cao của Phật Đạo, là ứng dụng cùng khắp trong Giáo Pháp. Nhưng câu nói này là của Phật nói, là của những vị đã thành tựu Trí Tuệ Vô Thượng nói, rồi ứng dụng để khiến hết thảy chúng sanh, khiến hết thảy mọi quan niệm sai biệt trong đời, đồng có thể thành tựu Phật Đạo. Chứ câu nói này không nhằm vào ý nghĩa, các pháp ngoài kia cũng là Phật Pháp.

Giống như một vị vua có quyền nói: “Giang sơn này là của Trẫm.”

Nhưng nếu câu nói này phát ra từ bất kỳ một thần dân nào, nhất định tai họa sẽ giáng xuống đối với thần dân đó.

Thành ra, cùng một câu nói từ người này sẽ là mực thước, châu báu nhưng người khác lặp lại sẽ trở thành nhảm nhí, rơm rác.

Vì thế trong phát ngôn, vị thế, năng lực, tư cách người phát ngôn sẽ cho ra giá trị đích thực của lời phát ngôn.

Giống như câu chuyện vui: Có anh nhà quê kia, một hôm lên kinh thành nghe một vị gia chủ nói với đám tôi tớ: “Tráp vàng hôm qua, ta đem đi cờ bạc hết rồi”. Đám tôi tớ nghe thế, vâng dạ cung kính.

Anh nhà quê trên đường về, gặp một vụ trộm vàng, quan quân truy xét người đi đường. Tới lượt mình bị truy xét, anh ta đem nguyên câu nói học được của người gia chủ nói với quan quân: “Tráp vàng hôm qua, ta đem đi cờ bạc hết rồi”. Anh ta tưởng nói như vậy, quan quân sẽ vâng dạ, cung kính. Ai ngờ nói xong, anh bị quan quân đánh cho một trận, rồi lại còn bắt giam!

Câu “Nhất thiết pháp, giai thị Phật Pháp” là tối tôn, tối thượng, tối thiện xảo của Ba Đời Chư Phật. Chẳng giống câu nói của anh nhà quê về cái tráp vàng.

Và nương Phật thần lực, cũng là một cách khéo léo “trả lại bản quyền cho Thế Tôn vậy”!

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG