Nhận Biết Vô Minh Trụ Địa, Tám Tánh Chất Thường Hằng Của Phật Tánh Như Thế Nào?

 0
Nhận Biết Vô Minh Trụ Địa, Tám Tánh Chất Thường Hằng Của Phật Tánh Như Thế Nào?

Hỏi: Nếu bảo rằng, thấy Thật Tướng gần như cái thấy sau cùng của Phật Đạo thì học Nhất Thiết Trí để thấy cái gì?

Đáp: Thấy Thật Tướng gần như cái thấy sau cùng của Phật Đạo có nghĩa rằng cái thấy này “chỉ gần như sau cùng”, chứ chưa phải là cái thấy sau cùng.

Vì sao gọi là gần như sau cùng?

Giống như một người trong đêm tối, phát hiện ra ngọn đèn đằng xa. Tuy rằng, vị này có nhìn thấy ngọn đèn nhưng thực chất còn cách ngọn đèn rất xa. Vì thế bóng dáng của ngọn đèn đã thấy, nhưng cụ thể ngọn đèn như thế nào thì vị này chưa biết chắc, cho nên tạm gọi đây là cái thấy sau cùng, chứ chưa phải cái thấy chân thật.

Học Nhất Thiết Trí chính là từng bước tiến về gần cây đèn hơn. Người này tiến dần đến bao giờ “cầm ngọn đèn Thật Tướng” trên tay, bây giờ mới gọi là “rốt ráo thấy Thật Tướng”.

Trước đây có nói “dùng Tánh Giác để thấy Thật Tướng”. Câu nói này ngụ ý giống như một người từ xa thấy ngọn đèn, chứ chưa phải thật sự sở hữu ngọn đèn. Cách nói này trong Phật Đạo gọi là “từ nhân nói về quả”, giống như thấy người gieo mạ, nói rằng có lúa, mặc dù trong hiện tại, người này chưa gặt lúa.

Vì sao lại nói như vậy? Vì rằng Tánh Giác là nhân, Phật Tánh là quả, nên người thấy được nhân là Tánh Giác, vị lai sẽ thấy được quả là Phật Tánh.

Hỏi: Những gì thuộc về Vô Minh Trụ Địa?

Đáp: Còn một điều gì chưa biết, chưa thấy, chưa chứng thì biết chắc rằng Vô Minh Trụ Địa còn lẩn khuất đâu đó trong tâm và trí này.

Hỏi: Xin cho biết cụ thể những gì người tu hành cần biết, cần thấy, cần chứng để chấm dứt Vô Minh Trụ Địa?

Đáp: Có rất nhiều điều trong Phật Đạo mà người tu hành chưa biết, chưa thấy, chưa chứng.

Có thể đơn cử như: Thật Pháp chưa biết, Thật Tướng chưa thấy, Thật Trí chưa chứng.

Vì sao chỉ đơn cử ba điều này? Vì rằng:

  • Nếu biết Thật Pháp, vị này sẽ thông thuộc Phật Tri Kiến.
  • Nếu thấy Thật Tướng, vị này đồng cái thấy của Chư Phật.
  • Nếu chứng Thật Trí, thì vị này sẽ tuyên thuyết như Chư Phật.

Nói chung có vô số cái “thật” của Phật Đạo, mà một người tu hành khó có thể thấu suốt hết.

- Vì thế mới nói: “Còn một điều gì chưa biết, chưa thấy, chưa chứng thì biết chắc rằng Vô Minh Trụ Địa còn lẩn khuất đâu đó trong tâm và trí này.”

Hỏi: Vì sao nói, tám tính chất Từ, Bi, Hỷ, Xả, Thường, Ngã, Lạc, Tịnh là quả của Phật Tánh?

Đáp: Nói tám tánh chất này là quả của Phật Tánh bởi vì chỉ có Phật Tánh mới có đầy đủ tám tánh chất thường hằng này. Ví như mặt trời mới có đầy đủ những tánh chất đặc biệt thường hằng của nó, còn các thứ ánh sáng khác không đầy đủ những tánh chất như vậy. Vì thế, Kinh Niết Bàn mới nói, “Bồ Tát chỉ thấy một số phần trong tám phần này.”

Hỏi: Những dấu hiệu nào cho thấy đây là những tính chất của Phật Tánh?

Đáp: Giống như khi nào người ta chạm tay vào lửa, thì mới biết thật rằng, các tính chất của lửa là như thế nào.

Hỏi: Phật Tánh có đầy đủ tám tính chất thường hằng của nó như đã nêu trên. Như vậy, một người tu hành trong Phật Đạo khi thấy một vài tính chất hiện lên trong lúc tu hành có phải đó là những tính chất của Phật Tánh hay không?

Đáp: Phật dạy: Hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh”. Lời dạy này chứa hàm ý, bất kể một chúng sanh nào, có tu hành cùng không tu hành, trong sâu thẳm của họ đều có đầy đủ những tính chất như một Đức Phật. Nhưng vì sao những tính chất này không hiện? Nếu ta suy xét tận cùng của nguyên nhân này thì người tu hành sẽ biết cách làm thế nào để những tính chất tốt đẹp đó hiện lên.

- Tu hành trong Phật Đạo chính là làm cho sự nhiễm ô trong tâm tánh một chúng sanh ngày một giảm đi để đến lúc nào đó, nhiễm ô không còn nữa, chừng ấy Phật Tánh sẽ hiện rõ.

 Vì thế, trong bất chợt nào đó, bất kỳ một chúng sanh nào hư vọng tâm, hư vọng tánh bỗng dưng tịch diệt, lúc đó người này sẽ tự nhận ra vài tính chất tốt đẹp từ tâm tánh bản nhiên hiện khởi.

Nhưng vì sao, tâm tánh bản nhiên không hiện khởi thường xuyên?

Chỉ vì tính chất vô thường trong tâm tánh của một chúng sanh chưa tịch diệt hoàn toàn.

Giống như bầu trời mùa đông, thi thoảng có một vài giây phút mặt trời ló ra, rồi lại bị mây mù che khuất.

Vì thế, đôi khi người tu hành cảm nhận mình rất Từ Bi. Nhưng sau đó, Từ Bi này lặn mất, nhường chỗ cho chúng sanh tánh, cá tánh, hư vọng tánh, đấu tranh tánh, thánh tánh làm chủ.

- Để tránh người tu hành ngộ nhận rằng, mình cũng thấy Phật Tánh. Đức Phật đã đưa ra tám tính chất tiêu biểu của Phật Tánh, tám tính chất đó là: Từ, Bi, Hỷ, Xả, Thường, Ngã, Lạc, Tịnh. Chừng nào tám tính chất này hiện lên đầy đủ và thường hằng, chừng ấy người tu hành sẽ biết chắc rằng, những điều tốt đẹp đang hiện trong ta chính là Phật Tánh vậy.

Còn khi nào, chỉ một vài tính chất lóe lên rồi vụt tắt, người tu hành phải biết rằng, những tính chất mà ta bất chợt nhìn thấy chỉ là sự loé sáng từ một “Phật Tánh ở cõi xa xăm nào đó”, lẩn khuất trong hư không tâm thức, vô tình chiếu xuyên qua khe hở của đám mây hư vọng, chứ chưa phải Phật Tánh đích thực. Giống như bầu trời mùa đông, mặt trời bất chợt chiếu vài tia sáng yếu ớt xuyên qua khe hở của đám mây rồi vụt tắt. Người này phải tự biết, tia sáng mà ta thấy được, chưa phải đích thực là mặt trời.

Như đã nói, Phật Tánh có những tính chất đặc biệt thường hằng của nó, giống như mặt trời có những tính chất đặc biệt thường hằng của mặt trời. Những tính chất này không thể dùng kiến văn giác tri suy lường, không thể dùng các thứ nhận thức để nhận thức, mà nó là sự cảm nhận đặc biệt như người chạm tay vào lửa. Cảm nhận này, vượt khỏi năng lực trình bày của ngôn ngữ.

Để tránh ngộ nhận, để tránh suy lường, để tránh cảm nhận từ những nhận thức cùng các nhãn quan trong Phật Đạo hầu suy nghiệm về Phật Tánh, về Pháp Thân, về Phật Trí. Đoạn Kinh Đại Bảo Tích sau đây sẽ nói rõ:

“Pháp Thân (Phật Tánh, Phật Trí) chẳng thể dùng kiến văn giác tri để cầu... Vì Pháp Thân chẳng thuộc về sở kiến của nhục nhãn, vì Pháp Thân là vô sắc... Nó cũng chẳng phải sở kiến của thiên nhãn, vì vô vọng… Chẳng phải sở kiến của huệ nhãn, vì lìa tướng... Chẳng phải sở kiến của pháp nhãn, vì lìa chư hành... Chẳng phải sở kiến của Phật nhãn, vì lìa chư thức... Nếu chẳng dùng những cái thấy kể trên để tìm cầu, thì người tu hành (may ra) có thể cảm nhận Pháp Thân qua Phật Tri Kiến (tức là những gì mà văn tự, ngữ ngôn có thể hiển bày)...”

* Tóm lại, trong Phật Đạo có những thứ người tu hành có thể dùng suy lường để hiểu, có những thứ dùng chiêm nghiệm để lãnh hội, có những thứ dùng Chánh Tư Duy để sáng tỏ, có những thứ dùng sức giác (nhận thức) để cảm nhận, có những thứ phải dùng lặng lẽ quan sát để thấy và có những thứ chỉ là một sự trực nhận nào đó trong một cơ duyên chín muồi

- như người ta trực nhận về sức nóng của lửa. Và Phật Tánh thuộc về thứ mà người tu hành chỉ có thể trực nhận trong một cơ duyên chín muồi của Phật Đạo!

Trong tám tính chất của Phật Tánh, hai tính chất “Thường Ngã” là hai tính chất đặc biệt mà chỉ duy Phật Tánh là có được.

Khi nào, ta chưa thấy, chưa biết, chưa trực nhận, chưa thể nhập đầy đủ hai tính chất này, có nghĩa rằng một khi tâm tánh còn “sáng nắng chiều mưa”, Trí Huệ hãy còn “chưa toả sáng ánh sáng chân lý bất biến vô hạn”.

Thì phải biết rằng, những tính chất mà thi thoảng ta bắt gặp chỉ là sự ảnh chiếu của một Phật Tánh từ phía xa xăm nào đó, bất chợt lóe lên giữa khe hở của đám mây hư vọng, vẫn đang che kín bầu trời tâm thức của chính ta.

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG