Bản Tâm Bản Tánh Kiến Tánh Bản Giác... Là Gì?

Hỏi: Từ trước đến nay, nghe nói nhiều về Bản Giác, Phật Tánh, Bản Tâm, Bản Tánh, Tánh Giác... Giống như một người muốn chỉ cho rõ ràng đâu là ly, đâu là bình, đĩa, chén,… nhưng trước đó, người này chỉ học thuộc tên các vật ấy mà chưa từng tiếp xúc… thì chắc chắn, anh ta sẽ chỉ trỏ lộn xộn, không biết cụ thể cái nào mới thật là ly, cái nào mới thật là bình…
Xin một lần nữa chỉ rõ từng món Bản Giác, Phật Tánh, Bản Tâm,... hình tướng của nó như thế nào và công dụng ra sao?
Đáp: Việc này không riêng gì ông mà hầu như người tu hành đều không thể phân biệt cụ thể. Phần lớn chỉ hiểu chung chung, không rạch ròi. Muốn hiểu được những điều này, chúng ta tạm chia làm ba phần, sau đó giải thích từng phần.
- Phần thứ nhất, thuộc về chúng sanh: Một chúng sanh gồm có hai phần, đó là tâm và tánh.
Tâm như hồ, tánh như nước. Khi nước bị tác động, tính chất của nước cũng bị tác động theo. Ví như ta ném một viên đá hoặc lội xuống để khuấy động, lập tức nước trong hồ bị gợn sóng và vẩn đục. Bây giờ, nước trong hồ không còn những tính chất tự nhiên của nó nữa “Tánh chất tự nhiên của nước không còn nữa gọi là hư vọng tánh. Cái hồ không còn yên tĩnh gọi là hư vọng tâm.”
Thì cũng vậy, tâm và tánh của một chúng sanh bị tác động của thấy nghe làm mất đi tính chất tĩnh lặng, bất động của nó. Và chúng sanh đem cái ngã của mình lội vào đó, làm hồ tâm vẩn đục, gợn sóng, vì thế sức chiếu của mặt hồ bị sai lệch và không rõ ràng. Từ một hồ nước đang tĩnh lặng, bây giờ cái hồ và những tính chất nguyên thủy của nó không còn nữa. Phật Giáo gọi đó là chúng sinh tâm, chúng sinh tánh. Tức là gom nhóm những thứ hư vọng để sinh tâm hư vọng, sinh tánh hư vọng.
“Tâm hư vọng thì động lay sanh diệt, tánh hư vọng thì phiền não sân hận, hai thứ này hư vọng thì thấy nghe không ra khỏi suy lường phân biệt” vì thế “lậu hoặc” sẽ phát sinh. Khi nào trong tâm thức, những điều như vậy còn xảy ra, người tu hành biết rằng ta “đang làm một chúng sanh”.
- Phần thứ hai, thuộc về Kiến Tánh: Một vị được coi là Kiến Tánh trong Phật Đạo, phải hội đủ hai điều, đó là: Biết được Bổn Tâm và thấy được Bổn Tánh. Nói nôm na là “Minh Tâm Kiến Tánh”.
+ Minh Tâm (Biết được Bổn Tâm): là sau khi thấy được nguyên nhân phát sanh lậu hoặc phiền não, biết rõ tai hại của cái ngã hư dối, người tu hành này đối trước cảnh duyên không còn chạy theo để phân biệt suy lường, đối trước nghĩ suy, không mê mờ, chìm đắm.
Giác ngộ được rằng cái ngã này không thật nên người này từ bỏ cái ngã hư dối, không dùng cái ngã để đấu tranh hay phán xét đúng sai và chấp thủ.
Sau khi Giác Ngộ những điều nói trên, vị này an vui thanh thản trong lòng. Mọi lúc mọi nơi đều thấy thanh tịnh vắng lặng. Và vị này ở yên trong trạng thái ấy. Đến khi trạng thái (tâm) như vậy không còn thay đổi, “nó là đời sống của vị ấy, dù đối trước phải quấy, hơn thua, được mất, khen chê cũng không làm cho trạng thái này mất đi”, không có gì làm thay đổi được. Vị này chợt nhận ra: “Đây mới đích thực là Bổn Tâm”.
Bổn Tâm là cái gốc xưa nay của “tâm”. Phật Đạo gọi đó là Bổn Tâm, Chân Tâm, Không Tâm. Hay nói khác đi, thường như vậy gọi là Minh Tâm.
+ Kiến Tánh (Thấy được Bổn Tánh): là từ dùng để chỉ cho thấy biết của người tu hành sau khi đã nhận ra Bổn Tâm Thanh Tịnh. Khi Bổn Tâm hiện, các thứ tánh hư dối hoàn toàn tịch diệt. Trong cái vắng lặng không hư dối ấy, vị này “lặng lẽ quan sát tâm này” chợt phát hiện ra: Tuy tâm đã thanh tịnh, phiền não lậu hoặc đã được tịch diệt, nhưng cái biết không thể tịch diệt được. Cái biết không thể tịch diệt được, vị này phát hiện ra cái biết này là thường. Cái biết thường hằng này gọi là Tánh Giác.
Khi cái biết chạy vào con mắt gọi là tánh thấy, chạy vào lỗ tai gọi là tánh nghe, chạy vào các căn thì cho các căn sự xúc đối thanh lương không còn suy lường.
Vị này dùng cái biết (Tánh Giác) quan sát Bổn Tâm, thấy rằng “Bổn Tâm có những tánh chất đặc biệt của nó”. Như tánh bất động, tánh an lạc, tánh thanh tịnh, tánh không sanh diệt, tánh nhận biết rõ ràng. Từ lúc thấy được Tánh Giác, đến lúc thấy đầy đủ các đức tánh của Bổn Tâm gọi là Kiến Tánh.
Từ đây, vị này sống và học tập trong sự thấy biết này, gọi là “thức tự Bổn Tâm, kiến tự Bổn Tánh” hay “Minh Tâm, Kiến Tánh”.
Minh Tâm, chỉ cho người thấy rõ Bổn Tâm. Kiến Tánh chỉ cho việc thấy rõ các đức tánh được chứa đựng trong Bổn Tâm này. Chữ Tự Tánh hay Bổn Tánh là từ ngữ dùng để chỉ chung cho toàn thể những đức tánh từ Bổn Tâm phát ra, trong đó có Tánh Giác. Như thế, Tánh Giác chỉ là một phần tử, một đức tánh trong nhiều đức tánh nằm trong Bổn Tánh hay Tự Tánh.
- Phần thứ ba, thuộc về Đức Phật: Những gì thuộc về một Đức Phật, gọi là Bản Giác. Bản Giác hay Bổn Giác là cái gốc của mọi Giác Ngộ trong Phật Đạo. Từ đây, xuất sanh hết thảy Phật Pháp và Phật Đạo. Từ Bản Giác này chiếu ra các quả vị trong Phật Đạo để người tu hành sau khi Kiến Tánh lần lượt vượt qua các quả vị đó, tiến về Phật Quả. Người tu hành đã Kiến Tánh, lần lượt vượt qua các địa vị để tiến về Phật Quả gọi là học Nhất Thiết Trí và thực hành Bồ Tát Đạo.
Một Đức Phật cũng gồm có hai phần, đó là Bổn Tâm và Bổn Tánh. Bổn Tâm của Đức Phật gọi là Đại Niết Bàn hay là Phật Tâm. Bổn Tánh của một Đức Phật gọi là Phật Tánh. “Bổn Tâm và Bổn Tánh của một Đức Phật là một thứ tâm tánh nào đó, mà tâm tánh này đã viên mãn tám tính chất cơ bản, đó là Từ, Bi, Hỷ, Xả, Thường, Ngã, Lạc, Tịnh. Hai món này gộp chung gọi là Bản Giác”.
Tóm lại:
- Bản Giác: Dùng để chỉ cho Phật Tâm và Phật Tánh của một Đức Phật.
- Bổn Tâm: Dùng để chỉ cho tâm của người Giác Ngộ chân thật, còn gọi là Chân Tâm, Tự Tâm hay Không Tâm.
- Bổn Tánh: Dùng để chỉ cho tất cả các tính chất cơ bản của Bổn Tâm, như tánh bất động, tánh không sanh diệt, tánh thanh tịnh, tánh minh liễu. Khi thấy được Bổn Tánh, Lục Tổ liền la lên: “Nào dè.”
- Tánh Giác: Dùng để chỉ cho một trong những tính chất đặc biệt của Bổn Tánh, đó là tánh hay Giác (hay biết), tức trong cái thấy biết này, không bị mê mờ như thấy biết của một chúng
Để tóm lược các nghĩa này, kinh nói: “Phật (Phật Trí) từ trong Bản Giác (Phật Tâm, Phật Tánh) đi (chiếu) ra, người tu hành từ Thủy Giác (Kiến Tánh) đi vào. Chỗ gặp nhau (Phật và Người tu hành không còn sai khác) gọi là đẳng.” Hoặc câu nói của Ngũ Tổ: “Chưa Minh Tâm Kiến Tánh, học Đạo vô ích.”
Vì thế, trước đây mới nói: “Kiến Tánh (Minh Tâm, Kiến Tánh) như người mù được sáng. Thấy được khối vàng và quyết tâm đi đến đó, như Bồ Tát học Huyễn Trí và về tới Bản Giác của Chư Phật.”
Hỏi: Như vậy, trong tâm của một chúng sinh, ba cõi sáu đường được chứa ở đâu? Thứ tự của chúng ra sao?
Đáp: Tâm, bản lai không có gì hết, cũng không có cái được gọi là tâm. Chỗ không có gì hết, không có cái được gọi là tâm; người xưa phải tạm đặt cho nó một cái tên để dễ mường tượng, danh tự nhằm chỉ cho chỗ này gọi là Tâm.
Vì thế trong Kinh Niết Bàn, Phật mới nói: “Tâm chỉ là danh tự” có nghĩa rằng gốc của nó chỉ có tên gọi mà không có thực thể, chỉ có tên gọi, không thực thể nên tạm nói là vô vi.
Khi tâm bị nhiễm ô, giống như hồ nước bị khuấy động nên bị vẩn đục hay nhiễm ô.
Tùy theo mức độ vẩn đục hay nhiễm ô, Phật đặt cho nó một cái tên… Vì thế, ba cõi sáu đường chỉ là những tên gọi đặt cho các mức độ vẩn đục hay nhiễm ô khác nhau.
Ví dụ như: Hồ nước bị khuấy động đến độ nguồn nước này toàn là sình đất đặc kẹo, Phật gọi đó là Địa Ngục.
- Thấy biết trong môi trường nhiễm ô này, Phật nói là sống trong Địa Ngục.
- Nhiễm ô vừa vừa, Phật bảo đó là Ngạ Quỷ.
- Nửa đục nửa trong, Phật gọi là Người.
- Trong thêm mấy phần, Phật gọi là Thiên Cảnh.
- Nhiễm ô chừng vài ba phần, Phật gọi là Sắc Giới.
- Nhiễm ô rất khó thấy, Phật gọi là Vô Sắc Giới.
Nói tóm lại, tâm này bản lai không có gì hết, chỉ do mức độ nhiễm ô mà đặt tên.
Không nên suy nghĩ rằng: trong “tâm” này chứa nhiều tầng, nhiều màu, chồng chồng lớp lớp xếp lên nhau hoặc giống các hình vẽ ba cõi là những vòng tròn đồng tâm từ ngoài vào trong. Hiểu hoặc suy nghĩ như thế, không đúng với bản chất của tâm. Không hiểu đúng bản chất của tâm, rất khó tu hành trong Phật Đạo.
Để dễ hiểu hơn, ta có thể ví dụ các loại tâm cảnh như những giấc mơ khác nhau. Cũng người đó, những ngày trước làm điều cực ác, nằm ngủ mơ thấy mình đang sống trong Địa Ngục; Hôm sau, tâm thức suy nghĩ và hành động cực thiện, người này nằm mơ, thấy mình bay lên Thiên Giới và sống ở đó.
Ít lâu sau, người này sống đời sống bình thường, chiêm bao thấy mình gặp bạn bè, rủ nhau đi uống cà phê. Các giấc mơ như vậy, được Phật Đạo gọi là ba cõi sáu đường. Nó không thật và cũng không tồn tại vĩnh viễn, vì nó chỉ là giấc mơ. Chỉ cần thức dậy, dù đang mơ ở Địa Ngục, Thiên Giới hay làm người đều hoàn toàn không thật có.
Người Giác Ngộ trong Phật Đạo luôn luôn tỉnh thức, giống như người không còn ngủ mơ nữa, …
Cho nên trong kinh, Phật thường hay dạy: “Ba cõi cũng có cũng không có.” Giống như các giấc mơ, chỉ có ở người ngủ mê, còn người đã tỉnh thức thì giấc mơ hoàn toàn không có.
Những tâm thức không Giác Ngộ xoay vần trong mê muội, hết đục đến trong, hết thiện đến ác, hết giấc mơ này sang giấc mơ khác. Các loại tâm thức như thế, Phật Đạo gọi đó là luân hồi sanh diệt.
Luân hồi, có nghĩa rằng tâm thức chỉ quanh quẩn trong vòng tròn sanh diệt của nhiễm ô vẩn đục của ba cõi hữu. Để chỉ cho các cõi không thật, luân hồi không thật, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật dạy với đại ý, một người dù đang ở trong Địa Ngục, khi nhớ lại kinh này (biết rõ nghĩa Bổn Tâm tự không) sẽ lập tức ra khỏi Địa Ngục.
Hỏi: Nếu nói ba cõi chỉ là giấc mơ, không thật, thức dậy mọi thứ đều không, thì các quả vị trong Phật Đạo có phải là những giấc mơ hay không?
Đáp: Các quả vị trong Phật Đạo được chia làm ba phần: một phần nửa mê nửa tỉnh, một phần đã tỉnh, một phần như người đã tỉnh hẳn.
Hỏi: Xin nói rõ, ba phần đó (Giác, Minh Tâm Kiến Tánh, Nhất Thiết Trí) như thế nào?
Đáp:
- Các quả vị thuộc về Giác: Như người đang mơ, có kẻ đến đánh thức. Gồm các quả vị như Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và Độn A La Hán.
- Các quả vị trong giai đoạn từ Giác đến Ngộ, tức là từ Minh Tâm đến Kiến Tánh: Như người vừa thức dậy chỉ cần dụi dụi con mắt, đánh răng súc miệng, uống ly cà phê là hoàn toàn thành người tỉnh thức. Gồm các quả vị như: Hồi Tâm A La Hán, Thất Địa, Bát Địa Bồ Tát.
- Các quả vị của những người Kiến Tánh đi học Nhất Thiết Trí: Giống như người đã thức hẳn đi đến phương xa lấy vàng. Gồm các quả vị của Thập Địa thuộc Như Lai Địa.
- Các quả vị của Thập Địa thuộc Phật Địa: Như người đã sở hữu khối vàng lớn, nay quay trở về quê xưa phân phát cho quyến thuộc. Đặng mấy anh quyến thuộc này ghiền vàng. Sau đó nhờ dắt đi lấy khối vàng lớn nhất.
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






