Bản Giác Tánh Giác Đẳng Giác Diệu Giác,… Là Gì?

Hỏi: Thế nào là “Bản Giác”? Thế nào là “Tánh Giác”?
Đáp:
- Bản Giác: Cái gốc của “mọi Giác Ngộ”. Hai từ này là cách nói khác của Phật Tánh và Phật Trí. Tức cái gốc sản sanh mọi Phật Pháp để người tu hành hướng theo đó mà về với cái gốc này.
- Tánh Giác: Cái ngọn của Giác Ngộ. Hai từ này là cách nói khác của Thủy Giác (Thỉ Giác) hay Kiến Tánh. Tức là sự thấy biết “nguyên vẹn của khởi điểm không bị nhiễm ô”, người tu hành nương sức thấy biết nguyên vẹn không bị nhiễm ô này để tìm về cái gốc của Đạo (Phật tánh).
Vì thế kinh nói: “Chư Phật từ Bản Giác (Phật Tánh, Phật Trí) đi (chiếu) ra, chúng sanh từ Thủy Giác (tánh thấy chân thật) hướng về, chỗ gặp nhau gọi là Đẳng.”
Hỏi: Xin cho một vài ví dụ cụ thể về hai điều trên?
Đáp:
Ví dụ 1: Giống như người mù bị lạc lối trong đêm tối (đêm tối dụ cho vô minh), người này được người sáng mắt chữa cho hết mù (hết mù dụ cho thấy Tánh Giác).
Người này dùng đôi mắt sáng của mình, nhìn thấy ngọn đèn từ xa phát ra ánh sáng trong đêm tối (ngọn đèn từ xa dụ cho Bản Giác).
- Người này, theo hướng ánh sáng đó đi thẳng về phía có ngọn đèn để về nhà (đi thẳng về phía có ngọn đèn dụ cho hành trình tu tập Đạo Đế).
- Đến nơi, người này cầm ngọn đèn trên tay (cầm ngọn đèn trên tay dụ cho tìm được Bản Giác).
- Sau đó, người này tìm cách dùng ngọn đèn, soi sáng cho những người khác cũng có thể tìm về nơi mình đang đứng (soi sáng người dụ cho thực hành Bồ Tát Đạo).
Ví dụ 2: Giống như người mù đi tìm vàng (người mù dụ cho người tu tập chưa hết hai thứ vô minh, vàng dụ cho Bản Giác). Người này được người sáng chữa cho sáng mắt (chữa sáng mắt dụ cho thấy Tánh Giác (Kiến Tánh).
- Với đôi mắt sáng của mình, người này được người kia chỉ cho khối vàng đằng xa (khối vàng ở đằng xa dụ cho Bản Giác).
- Người này theo hướng dẫn của người kia, tiếp tục đi tới để có thể đến được chỗ khối vàng (tiếp tục đi tới, dụ cho tinh tấn tu hành trong Đạo Đế).
- Đến nơi, người này “sở hữu khối vàng” (sở hữu khối vàng, dụ cho “Đẳng Giác Bồ Tát thấy Phật Tánh”, gọi là trở về với Bản Giác).
Hỏi: Thế nào gọi là “đẳng”?
Đáp: Giống như hai người có khối tài sản bằng nhau, có tài sản bằng nhau gọi là đẳng. Bồ Tát Đẳng Giác và Chư Phật đồng sở hữu thấy biết như nhau gọi là Đẳng. Ví dụ trường hợp của Ngài Ca Diếp, Đức Phật từng tuyên bố trước đại chúng: “Cái gì ta thấy, Ca Diếp thấy. Cái gì ta biết, Ca Diếp Biết, cái gì ta chứng, Ca Diếp chứng. ”
Hỏi: Như vậy, có thể nào nói rằng, Ca Diếp bằng Đức Phật?
Đáp: Không bằng.
Hỏi: Điều gì Phật có, Ca Diếp có, sao lại không bằng?
Đáp: Giống như hai người có khối lượng vàng bằng nhau, nhưng kỹ thuật chế tác thành nữ trang cũng như năng lực bố thí khác nhau, nên hai người này không thể gọi là bằng nhau. Vì thế, trên Đẳng Giác còn có Diệu Giác và Đẳng Chánh Giác.
- Đẳng Giác: Thành tựu Đẳng Pháp, giống như người sở hữu khối vàng lớn nhất thế gian.
- Diệu Giác: Thành tựu Vô Đẳng Đẳng Pháp, giống như người học hết các phép chế tác nữ trang từ khối vàng.
- Thế Tôn: Thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, giống như Bậc Thầy của tất cả nghệ nhân chuyên chế tác trang sức, và không còn có người nào trên đời tay nghề cao hơn.
Hỏi: Người không Kiến Tánh để thấy Tánh Giác, có thể nào thấy Phật Tánh (về đúng với Bản Giác) hay không?
Đáp: Không thể nào! Giống như người mù bẩm sinh, bị lạc giữa rừng sâu không thể nào tự mình có thể tìm ra phương hướng về nhà.
Hỏi: Có khi nào người tu hành nhầm lẫn giữa Bản Giác và Bản Tâm hay không?
Đáp: Người ta đôi khi vẫn nhầm lẫn.
Hỏi: Họ thường nhầm lẫn như thế nào?
Đáp: Khi người tu hành, dùng cái thấy của Tánh Giác soi chiếu vào “Bản Tâm”. Người này nếu không được nghe giảng nói về Bản Giác, nhất định sẽ lầm nhận Bản Tâm thành Bản Giác.
Hỏi: Vì sao có sự nhầm lẫn này?
Đáp: Giữa Bản Tâm và Bản Giác cùng có một số đặc điểm giống nhau như: đồng thanh tịnh, đồng vắng lặng, đồng an lạc.
Hỏi: Ngoài những đặc tính giống nhau, giữa Bản Tâm và Bản Giác còn gì khác biệt?
Đáp: Như đã nói ở trên, Bản Giác là cái gốc của mọi Giáo Pháp, nên Bản Giác có sự thông tuệ khi soi chiếu, còn Bản Tâm không thể tự soi chiếu. Bản Giác giống như vàng ròng có thuần tánh vàng. Còn Bản Tâm giống như hình vẽ khối vàng ròng, trong đó không có tánh chất của vàng.
Hỏi: Làm sao đừng rơi vào sự nhầm lẫn này?
Đáp: Kinh Phương Quảng là công cụ tốt nhất giúp người tu hành tránh được nhầm lẫn này.
Hỏi: Công cụ đó của Kinh Phương Quảng như thế nào?
Đáp: Kinh Phương Quảng ngoài việc dạy chế tác các món nữ trang, nó còn có hai chức năng nữa, đó là tuyên nói về Phật cảnh giới và Phật Trí. Hai chức năng này, chính là công cụ nhận dạng thế nào là Bản Giác.
Giống như người đi tìm vàng, người này học được màu sắc và đặc tính của vàng. Khi gặp vật nào có màu sắc và đặc tính như vậy, người đó biết ngay đây là vàng ròng. Nếu còn nghi ngờ, có thể dùng biện pháp để thử. Muốn biết vàng thật hay giả, người ta có thể dùng a xít, lửa, cắn, nam châm…để thử.
Muốn biết điều mình đã thấy, có phải là Bản Giác hay không, vị tu hành này có thể tự lấy nghĩa kinh, sức thông tuệ, độ chính xác trong các cảnh giới, đó là Tứ Vô Ngại Biện và Tứ Vô Uý để thử.
Nếu còn một chút gì đó chưa thông hiểu (còn ngại, còn úy) người tu hành có thể biết ngay cái mình đang thấy, chưa phải là Bản Giác.
Hỏi: Vì sao hai địa vị Đẳng Giác và Diệu Giác thứ tự trước sau không đồng nhau trong một số tư liệu? Có tài liệu xếp Đẳng Giác trước, có tài liệu xếp Diệu Giác trước.
Đáp: Giống như người học nghề kim hoàn trước, sau đó mới có vàng, gọi là Diệu Giác trước Đẳng Giác. Người có vàng trước, học nghề kim hoàn sau, gọi là Đẳng Giác trước Diệu Giác. Thích Ca Mâu Ni giống như người học được nghề Kim Hoàn trước, có vàng sau. Di Lặc giống như người có vàng trước, học thợ bạc sau.
Hỏi: Hai hôm trước có bàn chuyện con Nga Vương. Xin hỏi, dòng giống con Nga Vương từ đâu mà có?
Đáp: Con Nga Vương không có con mái (giống cái).
Vì thế, nó không có dòng giống, mà chỉ do các loài chúng sinh nhân đủ duyên lành, uống sữa, lạc, tô, đề hồ của con Nga Vương chúa mà hóa kiếp thành Nga Vương.
Giống như hoa Ưu Đàm Bát La không có giống, chỉ do thời tiết lúc có thánh nhân xuất thế, nó tự mọc và ra hoa.
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






