Mục Tiêu Tu Phật Là Gì? Sự Khác Biệt Cơ Bản Của Giáo Dục Tu Phật Và Giáo Dục Thế Gian?

 0
Mục Tiêu Tu Phật Là Gì? Sự Khác Biệt Cơ Bản Của Giáo Dục Tu Phật Và Giáo Dục Thế Gian?

Hỏi: Trước có nói: Muốn ngã không sanh, người này phải suy xét thấu đáo mục tiêu ra đời của Phật Đạo là vì việc gì, và ta tu hành là vì cái gì.. Xin hỏi, như thế mục tiêu ra đời của Phật Đạo là vì việc gì, và người tu hành trong Phật Đạo là vì cái gì?

Đáp: Cũng giống như phần lớn các học thuyết thế gian, mục tiêu của Phật Đạo ra đời nhằm giúp cho bản thân người tu hành có được đời sống an vui và sau đó giúp cho mọi người cũng được an vui. Vì thế, người tu tập trong Phật Đạo ngoài việc tu tập để mình được an vui, sau đó phải nỗ lực giúp cho mọi người cũng được an vui như mình.

Hỏi: Chỉ cần đưa đến an vui là đủ, việc gì Phật Đạo phải có quá nhiều kinh điển? Đôi khi chính sự dồi dào về kinh điển làm người tu hành lúng túng, khó hiểu hết ý nghĩa đích thực của Phật Đạo. Xin hỏi, có cần thiết phải nhiều kinh điển đến như vậy không?

Đáp: Cũng cần thiết và cũng không cần thiết.

Kinh điển của Phật giống như thuốc chữa bệnh, mỗi người bệnh, chỉ cần một vài thứ thuốc là có thể chữa lành, không cần uống nhiều. Nhưng thế gian thì có quá nhiều bệnh nên Phật Đạo phải có rất nhiều loại thuốc để chữa trị cho hết tất cả bệnh trong thế gian.

Và quan niệm an vui của Phật Đạo không chỉ gói gọn trong ý nghĩa an vui thế pháp mà Phật Đạo còn đưa sự an vui này qua nhiều cung bậc khác nhau, từ thấp lên cao. Đó là an vui của “thế gian”, an vui của “xuất thế gian” (xuất thế) và an vui của “xuất thế gian thượng thượng”.

Vì thế, Phật Đạo mới có nhiều kinh điển. Mỗi loại kinh điển bao gồm một số cơ sở lý luận giúp người tu hành nâng nhận thức lên một tầng cao hơn và an vui ở những tầng nhận thức sau có sự thắng diệu hơn an vui trước đó.

Do vậy, Phật Đạo mới có Tứ Đế. Tứ Đế chính là bốn tầng bậc đưa đến an vui từ thấp lên cao của Phật Đạo. Và kinh điển của Đức Phật thuyết ra tuy ta thấy nhiều nhưng không ngoài việc xây dựng cho người tu hành lần lượt trải qua và thành tựu rốt ráo bốn Đế này.

Điều này cũng giống như việc học của thế gian, mỗi bậc học cho người học một số hiểu biết nhất định, bậc học sau cao hơn bậc học trước. Càng học lên, người học sẽ hiểu biết cao hơn. Chính hiểu biết cao hơn, sẽ giúp cho người này giải quyết đời sống tốt hơn.

Vì thế, tùy vào địa vị tu hành và tùy vào nguyện lực mà kinh điển nhiều là cần thiết hay cũng không cần thiết.

Hỏi: Xin hỏi, mỗi tầng bậc của Tứ Đế giúp người an vui như thế nào?

Đáp:

  • Thứ nhất, thấy khổ mà được vui: Thấy khổ thuộc về Khổ, và vui thuộc về Đế.

Giống như khi thấy được sự khổ của việc không biết chữ, một người sẽ tìm cách học tập để biết chữ. Đây sẽ là nhân tố giải quyết một phần nào đó của cái khổ ban đầu do không biết chữ.

Để chấm dứt một phần khổ trước mắt, Phật Đạo nói rằng trong đời người có tám sự khổ. Tám sự khổ này chung quy cũng từ “nhân quả. Để giải quyết tính nhân quả của sự khổ, Phật Đạo có các kinh giáo thế gian như Thập Thiện, Nhân Quả. Thập Thiện, Nhân Quả là Đế của hết Khổ.

  • Thứ hai là dứt Tập mà vui: Dứt Tập thuộc về Tập được vui thuộc về Đế.

Dứt tập, giống như một người đã học hết bậc tiểu học, đọc thông viết thạo. Người này bây giờ sẽ vui mừng khi tự thân giải quyết được vấn nạn đọc viết.

Cơ sở lý luận của Phật Đạo giúp người dứt Tập, chính là những Giáo Pháp căn bản chỉ cho người tu hành biết rõ thế nào là thân, thế nào là cảm thọ, thế nào là tâm, thế nào là pháp, thế nào là vật, thế nào là thế giới, thế nào là hữu vi, thế nào là vô vi, thế nào là nhân duyên,... Khi nào biết rõ những điều trên và có một nhận thức đúng đắn về bản chất của chúng, chừng ấy người tu hành sẽ tự chọn lựa cho mình một thái độ sống phù hợp.

Chính đời sống phù hợp với những nhận thức này, Phật Đạo gọi là Giác. Giác sẽ chặn đứng những trói buộc và sai sử mà trước đây họ bị khổ bởi những thứ này, chấm dứt trói buộc và sai sử, Phật Đạo gọi là dứt Kiết Sử.

Một người trong lòng không còn các Kiết Sử, nhất định người này sẽ an vui trước thấy biết và nghĩ suy. An vui trước thấy biết và nghĩ suy chính là Đế của Tập.

  • Thứ ba là chứng Diệt mà vui: Chứng Diệt thuộc về Diệt, mãi vui gọi là Đế.

Chứng Diệt giống như một người đã học hết chương trình phổ thông trung học. Người học hết phổ thông trung học sẽ tự giải quyết tất cả những bài toán căn bản. Người tu tập chứng Diệt cũng giải quyết những bài toán căn bản của cuộc đời. Chính giải quyết rốt ráo bài toán cuộc đời nên mọi nơi, mọi lúc, người này an vui.

Cơ sở lý luận để giúp người chứng Diệt, chính là ý nghĩa của vô ngã, không tâm, không pháp, không tánh, không tướng, không đây, không kia,… Người tu hành, nhận thức được bản chất của các thứ trên, tâm và pháp sẽ tự tịch diệt.

Một khi tâm và pháp tịch diệt, vị này hoát nhiên hiểu ra, cái gì là chân, cái gì là vọng. Thấy rõ chân vọng, vị tu hành này xây dựng một đời sống đúng với bản chân. Xây dựng được một đời sống đúng với bản chân, không cầu Niết Bàn cũng hiện, không mong Giải Thoát cũng đến.

Đây chính là sự an vui tột bậc của một hữu tình. Niết Bàn và Giải Thoát chính là Đế của Diệt.

  • Thứ tư là tu Đạo mà được vui: Tu Đạo thuộc về Đạo. Có Trí mà an vui, Trí này là Đế của Đạo.

Người tu hành thành tựu Đạo Đế giống như người đi học thành tựu các bậc học cao của thế gian. Do hiểu biết chuyên sâu về ngành nghề của mình nên vị này giải quyết tận gốc mọi vấn đề liên quan đến ngành nghề và có thể dạy người những gì liên quan đến ngành nghề đó. Chính việc giải quyết tận gốc và có năng lực dạy người nên vị này ngoài sự an vui còn có thêm sức tự tại.

Kinh Phương Quảng, chính là cơ sở lý luận cấp cao của Phật Đạo giúp người thông suốt “Bồ Tát Đạo” và thành tựu “Bồ Tát Nghiệp”. Ta thường gọi là học Bồ Tát Đạo và tu Bồ Tát Hạnh. Bồ Tát Đạo và Bồ Tát Hạnh cũng là Đế của Đạo.

* Tóm lại, Phật Đạo sở dĩ có nhiều kinh điển là vì hệ thống lý luận của Phật Đạo nâng dần từ thấp lên cao, đưa người tu hành từ khổ đến hết khổ, từ hết khổ đến an vui, từ an vui đến mãi vui, từ mãi vui đến tự tại.

Sở dĩ phần lớn người tu hành lúng túng trước khối lượng đồ sộ của kinh điển là vì những người này không biết chọn đúng cho mình các bài kinh phù hợp với trình độ để ứng dụng.

Giống như người học trò học cấp một lại đi đọc và nghiên cứu sách vở của những bậc học cao hơn thì túng túng là chuyện đương nhiên.

Hỏi: Theo nhận xét cá nhân, Phật Đạo loay hoay cũng chỉ gồm những vấn đề được lặp đi lặp lại như: Tứ Đế, Ba Mươi Bảy Phẩm, Ngã, Tâm, Pháp, Căn, Trần, Thức. Như thế, có gì là cao siêu?

Đáp: Phật Đạo không luận đến cao siêu hay tầm thường. Vì, Phật Đạo biết rõ các pháp tự nó chẳng có tánh cao siêu hay tầm thường.

Và, những điều như Tứ Đế, Ba Mươi Bảy Phẩm, Tâm, Pháp, Căn, Trần, Thức là những pháp thiết thân khiến người khổ hay vui. Vì thế, Phật Đạo chính là thứ Đạo giải quyết các pháp thiết thân của chúng sinh, chứ không phải là thứ đạo đi tìm sự cao siêu bởi vọng tưởng hư ảo.

Giống như âm nhạc và bảy nốt căn bản, tự bảy nốt nhạc chẳng có tánh cao siêu hay tầm thường. Và những người nhạc sĩ, cho dù có viết đến bao nhiêu bản nhạc, cũng không rời mấy nốt này.

Cũng bảy nốt đó, vào tay người tầm thường thì chỉ là những âm thanh vô nghĩa nhưng vào tay một nhạc sĩ tài hoa lại khiến lòng người lay động. Thành ra cao siêu hay tầm thường là do người, chứ chẳng phải do pháp.

Hỏi: Sự khác biệt cơ bản giữa giáo dục của Phật Đạo và nền giáo dục thế gian là gì?

Đáp: Khác biệt cơ bản của giáo dục thế gian và Phật Đạo là:

  • Thế gian: Để nguyên một chúng sinh, cụ thể là con người, và dạy cho các con người ấy những điều tốt đẹp hơn. Sau khi dạy xong, cho dù có học được bao nhiêu điều tốt đẹp, nhưng bản chất của một chúng sinh không mất. Vì thế, chính bản chất (chúng sinh) đôi khi đã làm cho điều tốt đẹp trở thành không tốt đẹp.
  • Phật Đạo: Đầu tiên, dạy người tu hành mất đi chất chúng sinh trong họ. Sau đó, mới dạy những điều tốt đẹp của Phật Đạo, gọi là tu. Vì thế, Đạo Đế đi sau Tập Đế và Diệt Đế. Tập Đế và Diệt Đế, chính là liều thuốc tăng dần để triệt tiêu (tịch diệt) chúng sanh chủng tánh.

Ví như những người mù, cách dạy của thế gian là để nguyên sự mù lòa và giảng nói cho họ về các khái niệm của ánh sáng cùng màu sắc; còn cách dạy của Phật Đạo là chữa cho những người mù sáng mắt rồi sau đó đưa họ đến nơi có ánh sáng, để tự họ nhận diện thế nào là sắc màu.

- Vì thế, tất cả những cách giáo dục nào, cho dù nhân danh là dạy Phật Pháp, mà không nhằm chữa cho người hết mù (vô minh) trước, giảng nói Phật Pháp sau, thì cách giáo dục này đồng với cách giáo dục thế.

Hỏi: Vì sao, đồng một Phật Pháp mà mỗi nơi giảng nghĩa một khác, không có sự thống nhất?

Đáp: Giống như năm anh mù sờ voi. Mỗi anh nhìn con voi bằng cảm nhận của riêng mình. Có anh kết luận, con voi như cột đèn. Kết luận này không sai với (cái chân) con voi là mấy. Ngặt nỗi, khi ra đường sờ trúng cây cột đèn, anh ta kết luận đây là con voi, kết luận này đã đi quá xa so với thực tế của một con voi. Và anh này tiếp tục dạy người, muốn tìm con voi, hãy đi theo các sợi dây điện. Ha ha ha!

Hỏi: Thế gian có đa thần. Phật Giáo có đa Vô Vi Bồ Tát. Điều này có gì sai khác giữa Phật Đạo và thế gian đạo?

Đáp: Khi người ta chưa thật sự Giác Ngộ, thần thánh luôn là nơi nương tựa về mặt tinh thần của con người. Vì thế, thế gian mới có đa thần.

Để làm nơi nương tựa chân chánh cho người chưa Giác Ngộ, Phật hóa hiện ra vô số Bồ Tát Vô Vi để giúp cho những người này có nơi nương tựa tinh thần, đồng thời các Vô Vi Bồ Tát này là một trong những nhân tố quan trọng giúp người Giác Ngộ.

Cho nên, Vô Vi Bồ Tát làm đến hai nhiệm vụ, một nhiệm vụ là Vô Vi, một nhiệm vụ là Bồ Tát.

Cho đến khi nào, người tu hành Giác Ngộ rốt ráo, chừng ấy họ sẽ tự biết: “hết thảy do tâm này, không một pháp có được”.

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG