Đời Sống Như Pháp, Ý Sanh Thân, Lục Thông, Tam Minh Là Gì?

 0
Đời Sống Như Pháp, Ý Sanh Thân, Lục Thông, Tam Minh Là Gì?

Hỏi: Trong Phật Đạo, người tu hành phải thành tựu nhiều thứ. Vì sao, phần lớn từ xưa đến giờ, chỉ đề cập đến thức (biết) và kiến (thấy) mà không nói nhiều đến những thứ (căn) khác?

Đáp: Cái gọi là “đời sống một hữu tình” được làm nên là do thấy và biết. Thấy biết tốt sẽ cho ra đời sống tốt, thấy biết không tốt sẽ cho ra đời sống không tốt.

Vì thế, để xây dựng người tu hành có được một “đời sống như pháp”, Phật Đạo chú trọng giải quyết thấy biết.

Một người “thấy biết như pháp” sẽ có “đời sống như pháp”. Nhận thức được thay đổi đến bao giờ một hữu tình tu hành trong Phật Đạo không còn “ngu, mê, lầm” nữa. Có nghĩa Giác Ngộ đến chỗ cao tột của Phật Đạo, nhận thức đã trở thành tánh, không còn sai lầm và thay đổi. Bấy giờ mới hết học tập.

Giống như vàng đã luyện thành vàng ròng, không thể luyện thêm nữa và không thể lẫn vào thứ khác. Luyện đến cùng cực như thế.

  • Về tánh chất, Phật Đạo gọi là Phật Tánh.
  • Về đời sống, Phật Đạo gọi là Phật Tâm.
  • Về nhận thức, Phật Đạo gọi là Bổn Trụ Pháp.
  • Về sức ảnh hưởng, Phật Đạo gọi là Phật Trí.
  • Về thấy biết, Phật Đạo gọi là Phật Tri Kiến.
  • Về quan điểm, Phật Đạo gọi là Phật Nhãn.

Chữ kiến (thấy) của Phật Pháp nhằm chỉ chung cho thấy, nghe, ngửi, nếm, hay biết gọi là “kiến, văn, giác, tri”.

Hỏi: Phật Đạo giải quyết thấy biết của một hữu tình, theo thứ lớp như thế nào?

Đáp: Phật Đạo giải quyết thấy biết của một hữu tình theo thứ lớp ngũ nhãn. Tức là xây dựng thấy biết từ thấp lên cao qua năm tầng bậc, mỗi tầng bậc là một lớp nhận thức.

Mỗi tầng nhận thức (nhãn quan) sẽ giúp người tu hành có một đời sống đúng với nhận thức đó. Phật Đạo gọi đời sống đúng với nhận thức là “ý sanh thân”. Ý sanh thân có nghĩa là hiểu biết làm nên đời sống.

Hỏi: Xin tóm lược các tầng nhận thức của Phật Đạo?

Đáp: Phật Đạo chia người tu hành trong đạo của mình ra làm năm tầng nhận thức, đó là: Nhục Nhãn, Thiên Nhãn, Pháp Nhãn, Huệ Nhãn Phật Nhãn. Năm nhãn này tương ưng với năm sự biết, đó là cái biết của ý thức, cái biết của Thiền Định, cái biết của Bổn Tâm, cái biết của Trí Tuệ và cái biết từ Pháp Bổn Trụ.

Hỏi: Xin nói rõ, các tầng thấy biết nêu trên?

Đáp:

  • Thấy biết của Nhục Nhãn: Đây là thấy biết của thế gian, thấy biết của thế gian sẽ cho ra đời sống của người thế
  • Thấy biết của Thiên Nhãn: Đây là thấy biết của những vị có Thiền Định. Người tu hành đắc Thiền Định sẽ có đời sống như những gì đã thành tựu trong Thiền Định.
  • Thấy biết của Pháp Nhãn: Người được khai Pháp Nhãn sẽ có được thấy biết thanh tịnh và đời sống của họ chính là đời sống bắt nguồn từ Bổn Tâm. Đời sống này sẽ cho ra sáu thứ thông (Nhãn Thông, Nhĩ Thông, Mạng Thông, Tâm Thông, Thần Túc Thông, và Lậu Tận Thông.)
  • Thấy biết của Huệ Nhãn: Đây là thấy biết của người có Trí Tuệ. Thấy biết này sẽ cho ra một đời sống như Trí Tuệ. Đời sống này ngoài lục thông, còn có được ba điều sáng suốt, ba điều sáng suốt này Phật Đạo gọi đó là Tam Tam Minh gồm: Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh và Lậu Tận Minh.
  • Thấy biết của Phật Nhãn: Đây là thấy biết cuối cùng của Phật Đạo gọi là “Pháp Bổn Trụ”. Thấy biết này sẽ cho ra Thật Tướng và Thật Trí.

Hỏi: Lục Thông, Tam Minh của Nhị thừa và Nhất thừa khác nhau chỗ nào?

Đáp:

  • Lục Thông của Nhị Thừa: Chỉ thông suốt đến Niết Bàn. Tức là thấy biết này không còn bị trần cấu ngăn
  • Lục Thông của Bồ Tát: Ngoài việc chấm dứt trần cấu, họ còn thành tựu “Thần Cảnh Thông”, thay vì Nhị Thừa chỉ thành tựu “Thần Túc Thông”.
  • Tam Minh của Nhị Thừa: Chỉ đủ để tự cứu.
  • Tam Minh của Bồ Tát: Còn thêm việc cứu người.
  • Tam Minh của Chư Phật: Biết rõ việc của các Phật Quốc.

Hỏi: Xin cắt nghĩa sơ lược về các loại thông?

Đáp:

  • Nhãn Thông: Cái thấy không bị ngăn ngại bởi các thứ trần cấu như đẹp, xấu; không bị ngăn ngại bởi các cảnh giới của Thiền Định; Một cái thấy thông suốt đến thanh tịnh Niết Bàn.
  • Nhĩ Thông: Cái nghe không bị ngăn ngại bởi trần cấu khen chê; không bị ngăn ngại bởi các loại âm thanh từ loài người cho đến chư Thiên; Cái nghe rỗng rang, thông suốt đến Niết Bàn.
  • Mạng Thông: Biết rõ đời sống quá khứ của mình và vạn loại hữu tình chỉ do mê, không thể có được.
  • Thần Túc Thông: Biết rõ các cảnh giới, chỉ do tâm biến hiện, không thật; Tâm ý đến đâu, cảnh giới đến đó.
  • Thần Cảnh Thông: Người có Thần Cảnh Thông, một lúc có thể hóa hiện vô số cảnh giới để đưa chúng sanh du hí qua các thiện cảnh này, hòng rốt sau thành tựu Đạo Quả không cảnh.
  • Tha Tâm Thông: Biết rõ tâm mình và tâm chúng sanh chỉ do pháp mà thành.
  • Lậu Tận Thông: Biết rõ con đường chấm dứt lậu hoặc và sanh diệt.

Hỏi: Xin cắt nghĩa sơ lược về Tam Minh?

Đáp:

  • Thiên Nhãn Minh: Biết rõ mọi cảnh giới của Thiền Định. Vì thế, có thể đưa người vượt qua các cõi hữu để đến chân thành Niết Bàn.
  • Túc Mạng Minh: Biết rõ đời sống quá khứ của một hữu tình do nghiệp duyên nào thành tựu. Vì thế, có thể giúp hữu tình vượt qua những nghiệp duyên này.
  • Lậu Tận Minh: Biết rõ các vị chúng sanh đó còn hay đã dứt lậu hoặc, vì thế có thể giúp vạn loại hữu tình chấm dứt lậu hoặc, không loại trừ một căn cơ nào.

Hỏi: Vì sao trong kinh, khi nói về thần thông, thường mô tả giống chuyện thần tiên?

Đáp: Kinh có lời quyền lời thật. Vì kẻ ngu nói quyền, nhân người trí nói thật”. Vả chăng, dùng hình ảnh bên ngoài để gởi gắm thâm ý bên trong, vì cái bên trong rất trừu tượng. Vì thế, kinh dạy: “Y nghĩa bất y ngữ.

Tức đọc kinh chỉ nên lấy ý nghĩa để tu học, đừng chạy theo lời nói. Giống như con Nga Vương, chỉ hút lấy sữa, còn nước lã (văn tự) thì bỏ lại cho đời.

Hồi Phật còn tại thế, văn hóa Bà La Môn có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống cũng như việc tu hành. Văn hóa này gần gũi với thần thoại, vì thế Phật cũng mượn loại văn hóa này để gởi gắm ý vị Giải Thoát vào đó. Nếu sử dụng ngữ ngôn của một loại văn hóa mới sẽ khiến người nghe khó nhận thức, học tập và chấp nhận. Cho nên, kinh điển của Phật 1 đậm chất thần thoại, điều này các Đại Bồ Tát có nạn vấn2 Phật trong Kinh Pháp Hoa và các Kinh Phương Quảng khác. Phật cũng cho biết, sở dĩ Phật hóa hiện ra các cách thần thông như thế là “dùng quyền để hiển thật”, nhân cái quyền được cái thật, thì không gọi là hư dối được. Vả lại, nếu không dùng “thần thông ngôn thuyết như thế trong giai đoạn đó, sẽ bị Bà La Môn cho rằng Cù Đàm không biết thần thông và không coi trọng

Cho nên trước lúc nhập Niết Bàn, Phật căn dặn A Nan và đời sau rằng khi kết tập kinh điển, mở đầu kinh phải để “Tôi nghe như vầy…”. Tôi nghe như vầy, chứ không phải “Tôi thấy như vầy…” Bốn chữ này, chính là nét văn hóa tối thượng, đáng kính, đáng trọng, đáng tán thán, tối chân thật của Phật Đạo mà không một thứ tôn giáo nào trong đời có được.

Thế mới biết, Thế Tôn của chúng ta tâm huyết với chúng sanh đời sau như thế nào. Nhưng phần lớn người tu hành làm ngược lại, đọc thì Tôi nghe như vầy…mà ngồi tu hành cứ mong mỏi Tôi ngồi để thấy như kia…” (như thần thông được chép trong văn tự). Thử hỏi, đọc một đường cầu một nẻo, cái này mà Phật không bảo chúng sanh điên đảo” thì nên gọi là gì mới phải? Mà hiểu biết điên đảo, thì còn lâu mới nhận ra thâm ý của lời kinh.

Hỏi: Còn có kinh nào, Phật ngầm chỉ ra rằng, những lời mang đậm chất thần thoại hư vọng như vậy, không phải là Phật Đạo đích thực?

Đáp: Kinh Kim Cang, Phật nói rất rõ điều này trong bốn câu:

“Phàm sở hữu tướng, Giai thị hư vọng.

Nhược kiến chư tướng phi tướng, Tức kiến Như Lai.”

Có nghĩa rằng, Phật Đạo chỉ nói đến Bổn Tâm, mà Bổn Tâm là vô vi, chẳng phải tìm cầu trong danh tướng kia mà có được. Tất cả các thứ tướng do nghĩ suy, thấy biết, nghe đọc, đều hư vọng. Ai thấy được rằng, trong các tướng đó đều chẳng có tướng, tức thì sẽ thấy được Như Lai.

Lời này có nghĩa rằng, Như Lai chính là Trí Tuệ Vô Tướng chứ không phải ở nơi tướng văn tự hoặc tướng của tưởng tri hay nghe nhìn vậy.

Các Kinh Đại Thừa Liễu Nghĩa khác, Phật cũng minh định: “Thật tướng là nhất tướng, nhất tướng là vô tướng”.

Điều này có nghĩa rằng, tất cả các thứ tướng, cho dù đó là tướng thần thông do ngôn thuyết lập bày, đều là Bất Liễu Nghĩa.

Và cuối cùng, trước khi nhập Niết Bàn, trong Kinh Đại Niết Bàn, Phật cũng dạy: Y Kinh Liễu Nghĩa, không nên y Kinh Bất Liễu Nghĩa”.

Hỏi: Làm sao để có thể phân biệt cái thấy nào của ý thức, cái thấy nào của Tánh Giác, cái thấy nào của Trí Tuệ?

Đáp:

- Thấy biết thuộc về ý thức: Cái thấy nào suy lường rồi mới biết, biết rồi mới ứng dụng vào đời sống, thấy biết này của Nhục Nhãn và Thiên Nhãn.

- "Thấy" của Tánh Giác, "Biết" của Bổn Tâm: Cái thấy nào khi xúc đối, không khởi suy lường mà vẫn biết rõ (thức tự bổn tâm, kiến tự bổn tánh).

- Cái thấy của Trí Tuệ: Cái thấy nào thấu thoát nhân quả (nhất niệm tương ưng huệ).

- Cái thấy của Phật Nhãn: Cái thấy nào rõ thật tướng, hóa hiện vô số pháp lành mà không rời “Bổn Trụ Pháp” (Phật Nhãn).

Hỏi: Vì sao trong các kinh như Đại Bảo Tích, Đại Bát Nhã kể việc Bồ Tát vào địa mà vẫn có những giấc mơ? Và vì sao tùy theo giấc mơ mà Phật nói rằng giấc mơ đó của địa vị nào?

Đáp: Nhân nơi Pháp Bổn Trụ mà các Bồ Tát vào địa có những giấc mơ. Những giấc mơ này phản ảnh chỗ thâm đạt sâu cạn Pháp Bổn Trụ. Giống như cùng là các nguyên liệu giống nhau, nhưng tùy vào tay nghề, những đầu bếp khác nhau, sẽ cho ra các phần ăn ngon dở khác nhau.

--------------------------

  1. Phật Thích Ca (Cù Đàm là từ phiên âm từ Gotama - họ của Phật )
  2. Nạn vấn: Những câu hỏi khó… có nội dung bắt bẻ, phản biện.

 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG