Ý Nghĩa Hồi Hướng Công Đức; Phật Dạy Các Bậc Ứng Cúng

Hỏi: Thông thường, sau một thời kinh, một thời thuyết pháp, người tu hành thường thực hành “Pháp Hồi Hướng”. Xin hỏi, pháp hồi hướng có ý nghĩa gì, và tác dụng như thế nào?
Đáp: Nếu nói đầy đủ, phải nói là “Hồi Hướng Công Đức”. Muốn hiểu rõ ý nghĩa và tác dụng của việc làm này, trước tiên phải hiểu ý nghĩa của hai chữ công đức và ý nghĩa của hai chữ hồi hướng.
Hỏi: Xin lược giảng ý nghĩa của hai thứ (công đức, hồi hướng) nêu trên?
Đáp:
Về công đức: Hai chữ công đức trong Phật Đạo, mang ý nghĩa trừu tượng, thuộc về thanh tịnh vô vi, ra khỏi suy lường, nên rất khó hiểu và cũng khó nhận biết.
Chữ công, có nghĩa là công sức, tức là một dạng năng lượng nào đó, phát ra từ thân, khẩu, ý của người tu hành. Chữ đức trong Phật Đạo, nhằm nói đến thanh tịnh vô vi chân thật.
Như vậy, hai chữ công đức của Phật Đạo có thể hiểu: Đây là dạng năng lượng vô vi nào đó, được phát ra từ thân, khẩu, ý của người tu tập trong Phật Đạo, đã đạt đến sự thanh tịnh chân thật cần thiết.
Vì thế, có thể hiểu ngược lại, những năng lượng nào phát ra từ thân, khẩu, ý của người không hoặc chưa thanh tịnh, thì năng lượng đó chỉ sản sanh phước đức hay ác đức, chứ chưa thể gọi là công đức.
Về hồi hướng: “Hồi” có nghĩa quay trở lại. “Hướng” có nghĩa là nhắm thẳng đến một mục tiêu nào đó.
Như vậy, hai chữ hồi hướng của Phật Đạo, nhằm nói đến việc “Người tu hành, dùng sức thanh tịnh mà ta đang có được, hướng đến tất cả hữu tình, chia sẻ và cầu mong tất cả những hữu tình đó cũng được thanh tịnh chân thật như bản thân mình”.
Hỏi: Công đức khác với phước đức và ác đức như thế nào?
Đáp: Như đã nói ở trên, hai chữ công đức thuộc về thanh tịnh vô vi, ra khỏi suy lường. Vì thế, những hành động tạo tác nào xuất phát từ ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, không có hữu vi pháp ô nhiễm trong đó, ra khỏi mọi suy lường của cân, đong, đo, đếm, đều phát sinh “công đức”.
Ngược lại, hành động nào của ba nghiệp không thanh tịnh, nhiễm ô hữu vi pháp, có suy lường toan tính, những hành động này chỉ cho ra phước đức hay “ác đức”.
Hỏi: Người chưa thanh tịnh tu tập phép “hồi hướng công đức” có được tác dụng gì?
Đáp: Người chưa thanh tịnh khi tu tập phép hồi hướng công đức, nếu biết rõ ý nghĩa của việc làm này như đã nói ở trên và thực hành không sai lệch ý nghĩa, dần dần họ cũng được công đức thanh tịnh. Ví dụ như: Gió, thổi qua rừng chiên đàn thì mang hương thơm; thổi qua rừng thi lâm thì có mùi tử thi; nếu thổi vào hư không thì làm mát lòng người.
Gió dụ như ba nghiệp, rừng chiên đàn dụ cho người thiện tâm, rừng thi lâm dụ cho kẻ ác tâm, hư không dụ cho thanh tịnh tâm... Người tu phép hồi hướng, ba nghiệp tạo tác giống như người quạt gió, càng quạt gió càng mạnh.
Hỏi: Người tu hành, không hồi hướng công đức, có được hay không?
Đáp: Tất nhiên là được. Nhưng, nếu đã phát tâm Bồ Tát, muốn Bồ Tát tâm viên mãn, phải tu phép hồi hướng công đức.
Hỏi: Vì sao đã phát tâm Bồ Tát, phải hồi hướng công đức, Bồ Tát tâm mới viên mãn?
Đáp: Bồ Tát là những vị có tâm lượng rộng lớn, muốn đem công đức mình có được, chia sẻ cho tất cả chúng sinh cũng được điều tốt như mình, gọi là thực hành Từ Bi tâm. Nếu không thực hành Từ Bi tâm, làm sao thành tựu Bồ Tát tâm.
Giống như một người giàu có, nhiều tiền của, muốn đem tiền của này bố thí cho mọi người. Nhưng người đó không đem tiền của ra phân phát, chỉ giữ kín trong tủ, liệu người đó có trở thành người bố thí hay không.
Hỏi: Một người đã thật sự thanh tịnh, có cần tu tập phép hồi hướng, có cần tích thêm công đức nữa hay không?
Đáp: Một người thành tựu thanh tịnh tâm, ba nghiệp hoàn toàn thanh tịnh, nếu chỉ dừng lại ở phần tự độ, thì không nhất thiết phải tu tập phép hồi hướng và cũng không nhất thiết tích thêm công đức. Nhưng nếu người này phát tâm Bồ Tát, thì phải tu phép hồi hướng và tích góp thêm công đức.
Hỏi: Hồi hướng và tích thêm công đức để làm gì?
Đáp: Phật Đạo không dừng lại ở thanh tịnh tâm là đủ mà phải tiến về Vô Thượng Bồ Đề. Muốn tiến về Vô Thượng Bồ Đề, phải có trí tuệ. Muốn có được trí tuệ của Phật Đạo, phải hội đủ số lượng công đức nhất định nào đó. Vì thế, hồi hướng và tích góp công đức chính là việc làm cần thiết để đủ sức mọc mầm trí tuệ ở vị lai. Giống như người lao động nghèo, người này dùng sức lao động của chính mình kiếm tiền để thoát khỏi nghèo đói. Sau khi thoát khỏi nghèo đói người này tiếp tục dùng sức lao động để làm giàu. Sau khi giàu có người này nghĩ đến chuyện tạo công ăn việc làm cho những người khác. Người nghèo đi làm kiếm tiền nuôi thân, dụ cho người tu tập để được thanh tịnh an vui. Sau khi nuôi thân xong, tiếp tục làm giàu, dụ cho Bồ Tát tích góp công đức để có trí tuệ. Lo công ăn việc làm cho người khác, dụ cho Bồ Tát đem trí tuệ này chia sẻ đến hết thảy chúng sinh.
Hỏi: Công đức được chia làm mấy loại?
Đáp: Được chia làm hai loại.
Hỏi: Hai loại đó bắt nguồn từ đâu?
Đáp: Một loại do thanh tịnh làm nên, một loại do trí tuệ làm nên.
Hỏi: Xin nói rõ, công đức do thanh tịnh và công đức do trí tuệ làm nên là như thế nào?
Đáp:
- Công đức của Nhị thừa do Giác Ngộ thanh tịnh, hoặc chứng Giải Thoát mà được, công đức này chỉ đủ tự cứu. Giống người lao động, thu nhập chỉ vừa đủ nuôi sống bản thân.
- Công đức của Nhất thừa do dùng trí tuệ giáo hóa chúng sanh mà có được, nên công đức này lớn hơn. Ví như người chủ cửa hàng, tài sản và thu nhập nhiều hơn người làm thuê.
Hỏi: Nói rằng công đức là bình đẳng, sao lại có phân cao thấp, nhiều ít?
Đáp: Những đồng bạc có mệnh giá bằng nhau, sẽ bình đẳng trong việc sử dụng đối với các đồng bạc mang mệnh giá đó.
Nhưng, người có nhiều đồng cùng mệnh giá, sẽ khác với người có ít số tiền cùng mệnh giá. Một ví dụ khác: Hai chiếc nhẫn vàng, cùng có trọng lượng một chỉ thì bằng nhau, nhưng người có nhiều chiếc nhẫn một chỉ nhất định khác với người chỉ có một chiếc nhẫn một chỉ. Không thể dùng hai chữ bình đẳng để đánh đồng tất cả các khái niệm. Vì thế, Phật công đức nhiều hơn Bồ Tát, Bồ Tát công đức nhiều hơn A La Hán, A La Hán công đức nhiều hơn Tu Đà Hoàn, Tu Đà Hoàn công đức nhiều hơn người mới phát tâm tu hành.
Hỏi: Vì sao trong kinh, Phật dạy: “Cúng dường vô số người thọ năm giới, không bằng công đức cúng dường một Tu Đà Hoàn; cúng dường vô số Tu Đà Hoàn không bằng công đức cúng dường một A La Hán; cúng dường vô số A La Hán không bằng công đức cúng dường một vị Bồ Tát; cúng dường vô số Bồ Tát không bằng công đức cúng dường một vị Phật; cúng dường vô số Phật không bằng công đức cúng dường một vị Vô Tu Vô Chứng”.
Đáp: Tôi xin đưa một ví dụ, người sáng suốt đọc ví dụ này, có thể hiểu ra vấn đề: Người bệnh nan y đến cầu chữa trị vô số người không biết thuốc không bằng đến một thầy lang. Một người bệnh nan y cầu vô số thầy lang chữa trị không bằng đến một y tá có học qua trường lớp. Người bệnh nan y cầu vô số y tá, không bằng cầu một y sĩ chữa bệnh cho mình. Người bệnh nan y cầu vô số y sĩ, không bằng đến một bác sĩ để thăm khám. Người bệnh nan y cầu vô số bác sĩ, không bằng cầu chữa bệnh nơi một Giáo sư - Bác sĩ. Người cầu vô số Giáo sư - Bác sĩ không bằng cầu chữa nơi ông Tổ Ngành y.
Người cầu nơi Tổ ngành y, không bằng cầu chữa nơi “một vị thông tuệ các loại y dược, hiện đang còn tại thế”.
Hỏi: “Hồi hướng công đức” là một hình thức của tiêu dùng, phân phát. Xin hỏi: Một người làm được bao nhiêu cho bấy nhiêu, làm được bao nhiêu xài bấy nhiêu, làm được bao nhiêu phân phát bấy nhiêu. Phân phát, sử dụng lãng phí như vậy, cho đến núi cũng tiêu. Thử hỏi, công đức còn đâu mà tích lũy, chớ nói chi đến chuyện làm giàu?
Đáp: Ha ha ha! Đây là câu hỏi được coi là câu hỏi mang đậm biểu hiện của bậc “suy lường thâm hậu”. Xin chào “Suy Lường Đạo huynh!”.
Tôi cũng xin đưa thêm một ví dụ, nhân ví dụ này, đạo huynh có thể dùng nó để tiếp tục đem về nhà mà cùng nhau suy ngẫm. Ví dụ như sau: Giống như người ta có một cây đuốc sáng. Cây đuốc này có sáng đến mọi nơi hay không?
Hỏi: Tất nhiên, một cây đuốc chỉ đủ sáng trong phạm vi cây đuốc đó có thể rọi tới.
Đáp: Nếu cây đuốc này được mồi cho một cây đuốc khác, nó có giảm bớt sức sáng hay không?
Hỏi: Tất nhiên ánh sáng không giảm mà lại tăng lên, bởi nhờ vào cây đuốc thứ hai đã được thắp sáng.
Đáp: Nếu ta mồi lửa liên tục cho những cây đuốc khác thì sẽ như thế nào?
Hỏi: “Nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh, đồng trọn thành Phật Đạo”
Đáp: Hòa Nam Thánh Chúng, Bàn Na Mị, Bàn Đàm, Phiền Đạm, Bà Nam, Bạn Đề, Bàn Đàm, Bạn Đạn Nam, Mạt Nại Nam...
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






