Giác Ngộ Để Bảo Vệ Đạo Tâm; Thiệt Tế; Kiến Thiệt Tế Là Gì?

 0
Giác Ngộ Để Bảo Vệ Đạo Tâm; Thiệt Tế; Kiến Thiệt Tế Là Gì?

Hỏi: Nếu bảo rằng, khẩu hiệu trong Phật Đạo, có tính nhất thời, vì sao ngay trong hiện tại này, người tu hành phần lớn cũng lấy những khẩu hiệu của ngày xưa để làm phương châm tu tập? Ví dụ như khẩu hiệu “Kiến Tánh Thành Phật”.

Đáp: Nói rằng các khẩu hiệu trong Phật Đạo có tính giai đoạn vì những lý do sau:

-  Ở mỗi thời kỳ, tâm cơ con người, hoàn cảnh tu tập khác Nếu không biết rõ tâm cơ người, hoàn cảnh tu tập trong thời điểm hiện tại là gì, cứ khăng khăng phải làm thế nào để đạt mục tiêu đề ra như chính yêu cầu khẩu hiệu của người xưa thì sẽ rất khó thành công. Ví dụ như khẩu hiệu “Kiến Tánh Thành Phật”, bản thân khẩu hiệu này không sai, thậm chí nó là một trong những yêu cầu bắt buộc người tu hành phải thành tựu. Nhưng chính khẩu hiệu này qua nhiều năm tháng, đã bị hiểu sai, thậm chí trở thành mục tiêu để người lạm dụng.

Nếu ta tiếp tục tung hô khẩu hiệu này mà bản thân không đủ năng lực thực hiện, vô hình trung tự đẩy mình và người tu hành vào hoang tưởng.

- Muốn thực hiện thành công khẩu hiệu Kiến Tánh Thành Phật, chí ít, người đề ra khẩu hiệu này phải thật sự Kiến Tánh. Còn ta đề ra khẩu hiệu như vậy mà bản thân không biết Kiến Tánh là gì thì làm sao thực hiện được. Giống như hô hào mọi người phải làm giàu, mà bản thân không biết cách kiếm tiền thì hô hào này có lợi ích gì.

Nếu một vị đã Kiến Tánh, biết cách giúp người Kiến Tánh thì họ sẽ không hô hào khẩu hiệu. Vì sao họ không hô khẩu hiệu? Vì họ biết chắc rằng để Kiến Tánh, người tu hành trước nhất phải trải qua những giai đoạn nào. Do biết như vậy, người này chỉ cần lần lượt dắt người hoàn thành từng giai đoạn tu tập. Khi các giai đoạn tu tập thành tựu rồi, không hô hào, Kiến Tánh cũng tự được.

- Nói giai đoạn là nói đến cái chung, khẩu hiệu trong giai đoạn nào đó giúp người tu tập không nhầm lẫn với cách tu tập của đạo khác. Ví như khi sang Đông, chư Tổ có y bát dùng khẩu hiệu Kiến Tánh Thành Phật. Khẩu hiệu này nhằm phân rõ chánh tà trong cách tu hành. chứ không nhất nhất buộc mọi người tu hành phải Kiến Tánh ngay tức thì. Vì thế, chớ có nhầm lẫn khẩu hiệu vì yêu cầu đối ngoại, mang tính chiến lược, thành phương châm tu học. Tất nhiên những vị đề ra khẩu hiệu đó, họ nói được và làm được. Do nói được làm được nên giá trị của khẩu hiệu trở thành phương châm tu hành, trở thành tôn chỉ và họ có năng lực biến khẩu hiệu thành hiện thực.

- Trong thời buổi này, nếu không Giác Ngộ thì trước vô số thông tin, người tu hành làm sao phân biệt được thông tin nào có lợi, thông tin nào tai hại, lời nào của người thật sự Kiến Tánh, lời nào của kẻ tiếm xưng. Nếu ta cứ nhắm mắt hô hào Kiến Tánh mà đúng sai của Đạo Pháp còn chưa rõ, thì khẩu hiệu này hô lên, có lợi ích gì? Vì thế mới nói, yêu cầu Giác Ngộ trong lúc này là việc làm quan trọng trước mắt, để giúp người tu hành sàng lọc chánh tà nhằm bảo vệ tự thân. Sau khi Giác Ngộ rồi, mới tính chuyện cao hơn.

- Chưa nói đến chuyện, bất kỳ khẩu hiệu, bất kỳ sự phát triển nào, cũng có những giai đoạn nhất định của nó. Các giai đoạn luôn luôn đi theo khuynh hướng từ phôi thai, đến đỉnh cao và sau đó là suy tàn cho đến không thể thực hiện được. Nay ta cứ khăng khăng lấy cái suy tàn, cái không thể thực hiện được, cái thuộc về ngày xưa, làm phương châm hành động cho hôm nay, thì làm như thế nào để đưa đến thành công. Phật sử cũng đã chứng minh điều này. Ví như Lục Tổ, trước khi Kiến Tánh cũng phải Giác Ngộ Bổn Tâm.

Và ngay chính Ngũ Tổ, tuy rất mong đồ đệ của mình Kiến Tánh, nhưng cũng đâu có thực hiện được với mọi người.

Và rồi, cho đến người cuối cùng nhận lãnh sứ mạng của y bát là Lục Tổ, cho dù có cố gắng hết sức duy trì khẩu hiệu Kiến Tánh Thành Phật, cũng đâu có thực hiện được khẩu hiệu này. Nếu thực hiện được, y bát đâu có phải thất truyền. Nếu khẩu hiệu này thực hiện được, những người kế thừa đâu phải lập Tông.

Hỏi: Khẩu hiệu Kiến Tánh Thành Phật và khẩu hiệu Giác Ngộ khác nhau chỗ nào?

Đáp: Hai khẩu hiệu này khác nhau ở mục tiêu ban đầu. Khẩu hiệu Kiến Tánh Thành Phật đưa thẳng người đến bờ mé Trí Tuệ. Khẩu hiệu Giác Ngộ giúp người thấy rõ bổn tâm trước.

Hỏi: Bổn Tâm và Bổn Tánh làm nhân quả của nhau, có nghĩa rằng thấy cái này sẽ thấy cái kia. Vì sao lại phải phân biệt, cần thấy cái này trước hay cần thấy cái kia trước?

Đáp: Đành rằng Bổn Tâm và Bổn Tánh không phải là hai, thấy cái này là nhân để thấy cái kia, nhưng một cái dễ thấy, một cái khó thấy; một cái chỉ cần nhìn ngang là thấy, một cái phải đứng từ trên cao mới thấy; một cái từ xa có thể thấy, một cái đến gần mới thấy được; một cái chỉ cần bóng dáng là xác định được, một cái phải đến tận nơi mới phân rõ đục trong.

Bổn Tâm như toàn bộ cái hồ, chỉ cần từ xa, là có thể thấy được. Bổn Tánh như mặt hồ, phải đến gần mới nhìn thấy.

Chưa nói đến chuyện hồ thì nhiều nhưng hết thảy đều nhiễm ô vẩn đục. Còn cái hồ yên tĩnh đứng lặng thì quá ít. Đi tìm một cái hồ có nước tĩnh lặng trong nhiều cái hồ gợn sóng khó hơn chỉ cho người thấy cái hồ trước, sau đó dạy người cách làm cho hồ yên tĩnh, hết vẩn đục, sẽ dễ dàng hơn.

Hỏi: Nếu bảo rằng, thấy cái hồ (Bổn Tâm) dễ hơn chỉ cái hồ yên tĩnh (Kiến Tánh). Vì sao người xưa không thực hiện theo cách này mà phải đưa ra khẩu hiệu thấy nước (Kiến Tánh) trước?

Đáp: Nói người xưa không dùng cách này là không đúng. Thời Phật còn tại thế, cho mãi đến nhiều năm tháng sau này, chư Tổ có y bát đều dùng cách chỉ cái hồ trước, tức khai Bổn Tâm trước, khai Bổn Tánh sau. Ví dụ như Phật dạy người thành tựu hai vô ngã để biết được Bổn Tâm trước, sau đó mới khai Diệu Pháp Liên Hoa hoặc khai Bát Nhã Trí để thấy Bổn Tánh sau.

Duy chỉ sau khi y bát đi về phương Đông, để phân rõ chánh tà, các Tổ có y bát mới buộc lòng làm ngược lại. Việc làm này nhằm giúp tránh việc đánh đồng tu hành giữa Thích gia, Nho gia và Đạo gia. Khẩu hiệu này làm rõ nét đặc thù của Phật Đạo.

Cũng chính con đường đi của Phật Đạo có những bước ngoặt như thế nên Kinh Đại Bảo Tích mới chỉ ra có năm thời kỳ.

- Ngày Phật còn tại thế, phần lớn quần chúng theo Bà La Môn và tu Tứ Thiền Bát Định, Phật nương nơi cách tu học này để hướng người đến Giác Ngộ. Sự thể như vậy nên mới có thời kỳ “Thiền Định kiên cố”.

- Sau đó, người tu hành chỉ chăm chú vào thiền định mà lại không coi trọng ý nghĩa Giải Thoát. Đây là lý do vì sao, các Tổ kế thừa tuyên xưng nhiều về Đại Thừa và Giải Thoát. Vì thế mới có thời kỳ “Giải Thoát kiên cố”.

- Sau một thời gian, Phật Đạo bị phân hóa, nhiều luồng tư tưởng xen tạp vào Giáo Pháp. Các vị Bồ Tát buộc lòng phải tạo luận để đả phá những sai lệch và củng cố Giáo Pháp. Vì thế mới có thời kỳ “Lý luận kiên cố”.

- Khi Phật Đạo lớn mạnh, ra khỏi biên giới, nguy cơ xung đột tư tưởng và đạo lý là khó tránh khỏi. Vì thế một số khẩu hiệu tu tập mang tính chiến lược ra đời nhằm nêu rõ tôn chỉ và mục đích của Phật Đạo. Vì thế mới có thời kỳ “Đấu tranh kiên cố”.

- Dần dà, những giá trị đích thực của Phật Đạo bị mai một, dẫn đến người tu hành chỉ còn chú trọng đến danh tướng. Giống như một người đẹp bằng sáp, chỉ có cái xác được tô vẽ màu mè, mà trong đó rỗng tuếch, không hồn. Vì thế, thời kỳ “Chùa am kiên cố” thành lập.

Năm thời kỳ này, cũng chỉ là sự biến chuyển theo quy luật tự nhiên của một pháp. Và để Phật Đạo còn có thể giữ lại một chút gì đó của Phật Đạo đích thực, con đường tốt nhất trong hiện tại phải tự mình Giác Ngộ rồi sau đó giúp người Giác Ngộ.

Chỉ cần Giác Ngộ Bổn Tâm, mọi thứ trong Phật Đạo sẽ lần lượt thành tựu. Giống như ươm mầm hôm nay sẽ cho ra quả ở ngày mai.

Hỏi: Trong Phật Đạo, có nhiều lần Giác Ngộ, có nhiều cấp độ Giác Ngộ sâu cạn sai khác. Vậy Giác Ngộ nào mới là điều cần nhất?

Đáp: Tất nhiên hai chữ Giác Ngộ chưa nói lên được điều gì cụ thể. Nhưng cho dù Giác Ngộ thấp nhất là Giác Ngộ như một Tu Đà Hoàn, nhiều lắm bảy đời, vị này cũng được Giải Thoát. Còn nếu Giác Ngộ được Bổn Tâm thì tốt rồi, đâu còn mong muốn nào hơn!

Chỉ sợ tu hành mà không Giác Ngộ. Đối trước cuộc đời đầy vàng đá lẫn lộn này, nếu người tu hành không Giác Ngộ, tự họ bảo vệ đạo tâm còn không xong, làm gì có thể tiến đến những thành tựu cao hơn.

Hỏi: Tại sao không Giác Ngộ, không thể bảo vệ đạo tâm?

Đáp: Như trước đã nói, thời đại bùng nổ thông tin, trong mớ hỗn độn của vàng đá, nếu người không Giác Ngộ chẳng thể phân định được thông tin nào là vàng thông tin nào là đá.

Chẳng may gặp tà kiến, ôm một mớ tà kiến “tả pí lù” vùi đầu tu tập, cứ ngỡ đó là Chánh Kiến. Tu tập bằng những tà kiến như vậy mà đạo tâm không bị giết chết mới là chuyện lạ. Giống như người tối ngày ăn phải đá, thì làm sao giữ cho cái bao tử lành lặn!

Hỏi: Trong kinh hay nói đến hai chữ “thiệt tế”. Xin hỏi, thiệt tế là gì? “Thiệt Tế” và “Kiến Thiệt Tế” khác nhau chỗ nào?

Đáp: Thiệt tế, thực tế, hay thật tế có nghĩa là mé thật, nơi chốn thật. Ví dụ như một người đi từ A đến B, khi đến được B gọi là đến thiệt tế hay đến thực tế. Hoặc một người nghe nói đến trái mận, người này sau khi nghe nói, được ăn trái mận. Ăn trái mận, gọi là thiệt tế.

  • Chứng Thiệt Tế: Là vị tu tập này vào thẳng quả vị nào đó của Phật Đạo và an trú trong quả vị này, gọi là “Chứng Thiệt Tế”. Giống như một người đi từ A đến D. Người này đến B, rồi dừng chân, sinh sống ở đó, không có nguyện vọng đi tiếp, gọi là người này “trú (chứng) thiệt tế”.
  • Kiến Thiệt Tế (thấy thật tế): Giống như một người đi từ A sang B đến C và cuối cùng là Người này, khi đi qua các điểm B, C chỉ ghé lại quan sát, tìm hiểu rồi người này tiếp tục đi đến D, gọi là người “Kiến (thấy) Thiệt Tế”.

Hỏi: Vì sao trong kinh, Phật thường hay quở trách người tu hành chứng thiệt tế?

Đáp: Phật quở trách những người tu hành chưa đến đích cuối cùng là Vô Thượng Bồ Đề mà đã bằng lòng, an trú nơi các quả vị trung gian, không có chí hướng. Gọi là an trụ cứu cánh mà chẳng mong tất cánh.

Hỏi: Làm sao để biết đó là cứu cánh thật tế, mà chẳng phải tất cánh Niết Bàn?

Đáp: Phật Đạo chia làm ba giai đoạn thành tựu.

  • Thành tựu từ Thân chứng: tức nhân nơi các căn, vị ấy phòng hộ để đắc thiền định. Đắc thiền định và an trú trong thiền định, không có chí nguyện cao hơn, gọi là Chứng Thiệt Tế. Giống như người bệnh chưa khỏi, ăn được chén cháo sữa, trong mình thấy khoẻ khoắn, cho vậy là đủ, không mong cầu chữa trị tiếp tục.
  • Tâm chứng (hay còn gọi Tổng Trì): tức là người này sau khi thấy được bổn tâm, bằng lòng với cái thấy này, sống trong an ổn Niết Bàn, không mong gì hơn nữa. Thành tựu và sống như vậy, gọi là Chứng Thiệt Tế. Giống như người bệnh, nhờ ăn được lạc và tô mà khỏi bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người này không chí thú làm ăn, chấp nhận cảnh bần hàn. Bằng lòng với đời sống như vậy, gọi là Chứng Thiệt Tế.
  • Trí chứng (hay còn gọi là Tam Muội): đây là cảnh giới của các Bồ Tát. Bồ Tát với trí tuệ của mình, xâm nhập tất cả cảnh giới từ thấp lên cao, vị này thông thuộc, biết rõ từng quả vị, từng loại Niết Bàn. Nhưng vị này không dừng lại ở bất kỳ quả vị nào để lấy đây làm lạc thú riêng tư cho mình. Mà Bồ Tát này, quay trở lại dẫn dắt hết thảy chúng sanh cũng lầnlượt vượt qua các quả vị như chính mình, để cùng tiến về Vô Thượng Bồ Đề, trường hợp như vậy gọi là Kiến Thiệt Tế.

Giống như một người, nhờ uống sữa, lạc, tô, đề hồ mà khoẻ mạnh và thông thái. Vị này thấy lợi ích của các món đó, học cách chế biến sữa thành lạc, tô và đề hồ rồi đem ra chữa bệnh cho nhiều người, chứ không cất giữ làm của riêng, gọi là Kiến Thiệt Tế. Kinh, thường hay nói Bồ Tát trong một niệm, có thể đắc trăm nghìn Tam Muội môn, là chỉ cho trường hợp này.

Tóm lại, thân chứng và tâm chứng, nếu sau khi thành tựu, người tu hành không có chí nguyện vượt lên, bằng lòng ở yên nơi các quả vị của hai thứ này, gọi là Chứng Thiệt Tế.

Bồ Tát dùng trí tuệ để thâm nhập Phật Đạo, đắc các Tam Muội gọi là Kiến Thiệt Tế.

Phật chỉ khen hàng Bồ Tát vì hết thảy chúng sanh Kiến Thiệt Tế để sau rốt chứng Vô Thượng Bồ Đề, chứ không khen Nhị Thừa ham ưa chứng thiệt tế!

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG