Ẩn Khuất Cần Sáng Tỏ Trong Kinh Hoa Nghiêm

 0
Ẩn Khuất Cần Sáng Tỏ Trong Kinh Hoa Nghiêm

Hỏi: Bây giờ là ba giờ sáng. Đúng ba giờ, không hơn không kém, đánh thức dậy trong thời điểm giữa khuya, là một điều chẳng nên làm. Nhưng, sanh tử là đại sự, Trí Phật thâm sâu khó lượng định. Nếu để thời gian trôi qua vô ích bởi ngủ nghỉ, mà chưa sáng tỏ những gì cần sáng tỏ, thì ngủ nghỉ này là chướng Đạo. Chư Phật, Bồ Tát, Hiền Thánh Tăng không hoan hỷ. Vì thế, xin mạn phép nửa đêm được hỏi những điều chưa thông. Những điều còn ẩn khuất mơ hồ ấp ủ trong lòng. Với mong muốn, điều gì chưa thông nhất định phải thông, điều gì còn mơ hồ cần phải sáng tỏ.

Có thông suốt và sáng tỏ mọi thứ, mới có thể trả lại sự minh bạch ẩn chứa sâu thẳm trong văn tự ngữ ngôn của Kinh điển. Trong những thâm  u này, ngoài kia người ta còn hoài nghi về Giáo Pháp do bởi chưa thông, do bởi còn mơ hồ! Xin vui lòng, giải đáp những ẩn khuất này!

Đáp: Tôi biết! Tôi biết! Bản thân mình cũng rất mong muốn giải mã những ẩn khuất của văn tự, ngữ ngôn trong Kinh Tạng Phương Quảng. Có gì thắc mắc, xin cứ nêu lên để cùng được chia sẻ!

Hỏi: Trong cuộc đời tu tập, dấu ấn nào cho ông những xúc động mãnh liệt nhất?

Đáp: Trong cuộc đời tu tập của mình, không biết bao nhiêu lần tôi xúc động mạnh trước những lời giáo dạy của Thế Tôn. Nhưng có lẽ, lần xúc động mà tự thân không thể nào quên, đó là thời điểm tự thân giải mã được những u uẩn của Kinh Hoa Nghiêm.

Hỏi: Vì sao giải mã được những ẩn khuất của Kinh Hoa Nghiêm lại làm ông xúc động mạnh?

Đáp: Ngày vừa Giác Ngộ, tôi đã bỏ thời gian dài để đọc Kinh Hoa Nghiêm, rồi đánh dấu, ghi chú chi chít trên cuốn kinh này. Từ đó tôi nắm được gần như toàn bộ chỉ thú của Kinh, thấy được trọn vẹn những gì Thế Tôn đã gởi gắm trong đó cho các Bồ Tát.

Nhưng, vì sao Kinh lại chọn bối cảnh là nơi Phật vừa thành Đẳng Chánh Giác ở nước Ma Kiệt Đề để dựng lập đạo tràng. Trong đạo tràng đó lại có vô số Bồ Tát, vô số chủ Thần, chư Thiên, Ma, Vương vân tập và xưng tán Phật cảnh giới cũng như tuyên thuyết các Giải Thoát môn. Điều này, lúc đó tôi hoàn toàn chưa sáng tỏ, và bối cảnh cũng như những ngữ ngôn của kinh đã khiến nhiều người hoài nghi về bộ kinh này. Thậm chí có người còn cho rằng, kinh này do Bà La Môn dựng nên, không phải của Phật thuyết.

Mặc dù khi đó, tôi biết rất rõ, đây là Kinh giáo Đại Bồ Tát, vì thế ngữ ngôn và đạo tràng không phải dễ hiểu. Tuy biết là như vậy, nhưng tự thân chưa thể đủ cơ sở lý luận và chứng minh kinh này chính là ngôn âm của Chư Phật. Và đã là một Phật Tử, những gì còn hồ nghi, những gì còn chưa sáng tỏ, nhất định phải tìm cho ra sự thật. Với tâm trạng này, tôi đã rất bình tĩnh, không hồ đồ, không chủ quan, không kết luận những phê phán ngoài kia là đúng hay sai, khi tự thân mình chưa giải mã được tất cả.

Thế là, nhiều năm tháng, tôi âm thầm đọc tụng, chiêm nghiệm, tư duy. Và cuối cùng, công sức bỏ ra đã được đền đáp. Đây là lý do vì sao tôi xúc động mạnh, khi tự thân giải mã, tìm ra ý nghĩa thật sự của từng chữ, từng lời và tất cả bối cảnh thuộc về đạo tràng trong Kinh Hoa Nghiêm!

Hỏi: Ông đã giải mã như thế nào về Kinh Hoa Nghiêm?

Đáp: Những giây phút bùng vỡ đầu tiên về Kinh Hoa Nghiêm, tôi đã năm vóc gieo xuống đất, vô lượng lần đảnh lễ Chư Phật, vô lượng lần đảnh lễ Chư Đại Bồ Tát, vô lượng lần đảnh lễ chư Hiền Thánh Tăng. Vô lượng lần đảnh lễ ngài Long Thọ, người mà theo truyền thuyết đã có công xuống tận Long Cung để đọc và đem bộ Kinh này về chép lại.

Và cũng xin đảnh lễ những người đã hoài nghi tinh thần Phật Đạo trong bộ Kinh. Chính những hoài nghi này, là một trong những động lực thôi thúc tôi đi tìm ý nghĩa đích thực của bộ Kinh!

Tôi đảnh lễ vì nhờ đọc tụng, trăn trở nhiều ngày tháng để tìm ý nghĩa thật sự của Kinh, mà nay chính mình đã có trong tay chiếc chìa khoá để mở cửa và giải mã trọn vẹn bộ Kinh. Nhờ lần giải mã này, mà tôi biết chắc rằng những gì tự thân tu tập, cũng như những trao đổi cùng huynh đệ của mình trong mấy năm qua, không sai lệch, không đi xa, không sai sót một mảy may. Đúng với tinh thần của Phật Đạo!

Hỏi: Như vậy, những ngày trước khi giải mã làm sáng tỏ những gì còn ẩn khuất trong Kinh Hoa Nghiêm. Về tu tập tự thân, cũng như triết lý Phật Giáo đã trao đổi với huynh đệ ông còn hoài nghi chăng?

Đáp: Tôi hoàn toàn không có gì hoài nghi về mình, không hoài nghi những gì mình đã trao đổi. Thậm chí còn biết chắc những gì mình dấn thân là hoàn toàn đúng với Phật Đạo.

Nhưng, cái của hai ngàn năm trước thuộc về Giáo Pháp, đến nay chưa minh bạch, thì chưa thể nói rằng, làm một Phật Tử yên tâm về điều này.

Giống như người con, thừa hưởng gia tài của cha ông để lại, biết chắc rằng còn một kho tàng cuối cùng để ở trước mặt, tuy đã thấy đó, mà chưa đào bới lên được thì chưa gọi là yên tâm!

Vì thế, tôi không hoài nghi về mình, nhưng cũng chưa thể nói rằng, thật sự hoan hỷ khi chưa tận tay sở hữu tất cả những gì thuộc về khối tài sản cuối cùng này.

Tôi xúc động, trong tâm trạng này. Tâm trạng của người đào được tài sản cuối cùng, sở hữu được khối tài sản trước mắt.

Sở hữu khối tài sản cuối cùng này để chí ít cũng chứng minh với tự thân rằng, khối tài sản mà cha ông để lại đang nằm tại đây là thật có, là sự thật một trăm phần trăm chứ không phải là thứ ngụy thuyết của Bà La Môn như người ta vẫn thường suy nghĩ!

Hỏi: Xin hỏi lại một lần nữa. Ông đã giải mã và làm minh bạch được những gì từ Kinh Hoa Nghiêm?

Đáp:

- Thứ nhất: Tôi đã giải mã được vì sao Phật lại lập đạo tràng để diễn nói kinh này ngay nơi thành Đẳng Chánh Giác mà không dựng lập ở nơi khác và thực tế, đạo tràng này ẩn chứa ý nghĩa gì. Sau khi giải mã thành công, tôi mới biết chắc rằng, thắc mắc trên chính là đầu mối của mọi đầu mối để mở cửa Kinh Hoa Nghiêm. Chưa thấy được đầu mối này, sẽ vô phương đào sâu ý nghĩa nằm trong văn tự

Điều này giống như một hang động sâu thẳm chứa nhiều châu báu, nhưng cửa vào động lại bị lấp kín bởi một tảng đá. Cho dù có huy động đến vô lượng chúng sanh đầy đủ sức mạnh, vô lượng Nhị thừa thân tâm kiên cố, vô lượng Bồ Tát chưa thành tựu Thật Trí, thì cũng không thể động lay được tảng đá này.

Tảng đá đó chính là Pháp Giới Chư Phật. Cho dù có huy động hết thảy pháp giới chúng sanh, hết thảy pháp giới Nhị thừa, hết thảy pháp giới Bồ Tát chưa chứng Thật Trí cũng không thể làm động lay pháp giới Chư Phật. Đã không thể động lay được tảng đá này, mọi hy vọng vào trong đó để sở hữu khối tài sản vô giá của Liên Hoa Đài Tạng cũng như chiêm ngưỡng thân tướng của Đức Tỳ Lô Giá Na trở thành vô vọng.

Vì thế, cũng không có gì ngạc nhiên khi có nhiều người cho rằng kinh này được ngụy thuyết bởi Bà La Môn. Giống như ngày xưa, khi con người chưa khám phá mặt trăng thật sự, thì người ta cho rằng, trên đó chỉ là chuyện cổ tích của chú Cuội và chị Hằng!

Cái khó nhất của thế giới Hoa Nghiêm là tảng đá pháp giới Chư Phật chắn cửa. Xô dẹp được tảng đá này, hang ổ Hoa Nghiêm bày ra trước mắt, công việc còn lại chỉ là thong dong đi vào và nhặt từng món đồ trong đó để chiêm ngưỡng và tận mắt chứng kiến cũng như hiểu biết đích thực, những món đồ đó nó là cái gì.

- Thứ hai: Nếu giải mã được điều thứ nhất, sẽ giải mã toàn bộ ý nghĩa việc thánh chúng vân tập tại đạo tràng này với mục đích gì và nhân duyên gì lại có sự vân tập này.

Pháp giới của chư Thần, Ma, chư Thiên, các Vương, của Nhị thừa, Bồ Tát chưa thành tựu Thật Trí chính là những hoa báu, những ma ni báu... để chư Phật và các Đại Bồ Tát với trí tuệ của mình, dùng các thứ báu này kết thành mành lưới trang nghiêm, mà thiết lập nên đạo tràng. Vì thế, Liên Hoa Đài Tạng không thể thiếu các chúng này.

- Thứ ba: Nếu thấu suốt được phần hai, nhất định sẽ thấu suốt vì sao chư Thần, Ma, Vương, Thiên, Bồ Tát trước xưng tán Phật cảnh giới, sau đó tuyên thuyết các Giải Thoát môn, hai điều này có mối liên hệ gì. Phật cảnh giới và các Giải Thoát môn, nhờ đâu họ biết và có được.

Trong pháp giới Chư Phật, không có cột hay mở. Ngay nơi cột cũng chính là nơi để mở.

Đây là chiếc chìa khoá vạn năng làm nên Giáo Pháp ba thừa.

Cái gì làm ra Ma, Thần, Thiên, Vương, Nhị thừa và Bồ Tát chưa chứng Thật Trí thì nhất định phải mở từ nơi đó.

- Thứ tư: Cảnh giới và chiếc chìa khoá thật sự để mở cửa Phật Trí nằm ở đâu trong

Thập tín, thập nguyện, thập hạnh, thập hồi hướng, thập trụ, thập địa, đích thực là “giáo trình tiến tu của Bồ Tát”. Đây là con đường dẫn đến chiếc chìa khoá để mở cửa pháp giới Chư Phật. Các cảnh giới này có hiện ra là nhờ sức ảnh chiếu của thế giới Hoa Tạng. Chưa kinh qua những địa vị này, con đường đến với thế giới Hoa Tạng chỉ là hoang tưởng. Giống như người ta lần theo ánh sáng được phát ra từ cây đèn để về chỗ cây đèn.

- Thứ năm: Giải mã được các điều trên sẽ xác chứng những gì thuộc về giáo trình tu tập cũng như phương thức giáo hóa của một Bồ Tát, nếu trước đã thấu suốt, nay thêm minh bạch. Chính sự thấu suốt và minh bạch này làm cơ sở vững chắc giúp tự thân tu tập và trong quá trình giáo hóa nhất định không sai lệch với những gì Chư Phật đã dạy.

- Thứ sáu: Thiện Tài Đồng Tử đi cầu Nhất Thiết Trí chính là phần tổng kết. Tổng kết này có tính bổ sung, minh họa điển hình cho toàn bộ ý nghĩa người đi tìm viên Châu Ma Ni sắc tướng hải. Minh họa này dạy người tu hành biết cách thức lần theo sự ảnh chiếu của viên Ma Ni Châu.

Nói chung, Kinh Hoa Nghiêm chính là sắc màu của viên Châu Ma Ni sắc tướng hải được chiếu ra từ biển Đại Giác. Sức chiếu của viên Châu Ma Ni sắc tướng hải có thể chiếu xuyên qua các cảnh giới, dưới thấu Địa Ngục A Tỳ, trên tới trời Hữu Đảnh. Chiếu tận đến vô số Phật cảnh giới.

Những gì ẩn khuất của Kinh đã được tự thân giải mã. Xin trả lại sự minh bạch trong từng ý nghĩa, trong từng câu nói, trong từng cảnh giới, mà người xưa gởi gắm trong Kinh. Cho đến tận hôm nay, phần lớn người tu hành cứ ngỡ rằng, Kinh Hoa Nghiêm phải chịu số phận nghi án ngụy thuyết của Bà La Môn không có ngày sáng tỏ.

Nay, ít ra đối với tự thân, những ẩn mật trong Kinh tưởng như khó hiểu đã được hiểu rõ, các cảnh giới và văn tự trong đó không còn ẩn khuất đối với chính mình. Tự thân đối trước Chư Phật, đối trước Long Thọ Bồ Tát xin được nói lên rằng Kinh này đích thực là của Phật Trí, tuyên thuyết Phật cảnh giới, đã được Bồ Tát Long Thọ khéo vẽ lại thành bức dư đồ khó hiểu”. Bức dư đồ khó hiểu có dụng ý, những ai đủ duyên đọc và hiểu được cái khó hiểu, sẽ là người may mắn nhất của những người may mắn khi tu tập trong Phật Đạo

Viết những dòng này, chính để tạ ơn Chư Phật, tạ ơn chư Bồ Tát, tạ ơn chư Hiền Thánh Tăng, tạ ơn Bồ Tát Long Thọ đã để lại “bức dư đồ khó hiểu”.

Và một lần nữa, xin được nói lên rằng: Bức dư đồ này, chứa trong đó chiếc chìa khoá bí ẩn.

Ngày sau, những ai giải mã được sự khó hiểu này và xô nổi tảng đá pháp giới Chư Phật đã chắn ngang miệng hang chứa kho tàng Pháp Bảo kia, nhất định người ấy tự biết rằng, mình là người Phật Tử may mắn nhất trong vô số Phật Tử của ngày hôm nay.

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG