Ba Nhóm Kinh Do Báo Thân Hóa Thân Pháp Thân Phật Thuyết

Hỏi: Vì sao phần lớn người tu hành đọc kinh Đại Thừa Phương Quảng 1 không hiểu, hoặc chỉ hiểu một phần nhỏ. Mỗi người diễn giải theo một cách, không thống nhất với nhau; thậm chí có người còn cho rằng kinh Đại Thừa không phải do Phật thuyết?
Đáp: Kinh Phật thì có vô số, nhưng tựu trung được chia làm ba nhóm chính trong Phật Đạo (Nhân thừa, Thiên thừa và Phật cảnh giới, không được đề cập trong các nhóm này).
Nhóm thứ nhất: Phần lớn nằm ở tạng Nikaya, nhóm kinh này là của “Báo Phật thuyết” dành riêng cho Nhị thừa.
Hầu hết các các kinh này diễn giải theo thứ lớp, dễ hiểu, gần gũi với thế gian pháp, dạy người phòng hộ, ngăn chặn chướng đạo, chứng các loại thiền định. Nhóm kinh này chủ yếu xây dựng Nhị thừa có một đời sống như pháp, chống nhiễm ô của cộng nghiệp và biệt nghiệp, có khuynh hướng dắt người đến bờ mé; chờ hội đủ công đức, sẽ được Phật chỉ cho con đường Giải Thoát chân chánh để ra khỏi ba cõi khổ.
Loại kinh này, được xây dựng trên nền tảng “Giới, Định, Huệ thế gian” gọi là Tam Vô Lậu học
Có nghĩa rằng, muốn thành tựu Phạm Hạnh 2, người này phải đầy đủ giới luật, chuyên sâu thiền định và cuối cùng mới có thể thấy được ý vị Giải Thoát (gọi là Huệ hay Huệ Giải Thoát).
Gọi là Tam Vô Lậu học, vì đây chỉ là những học pháp giúp tiến tu vô lậu chứ chưa phải Vô Lậu Pháp.
Muốn chứng rốt ráo Vô Lậu thành tựu Vô Lậu Pháp, vị này phải mở một trong ba cửa của thành Niết Bàn chân thật gọi là “Tam Giải Thoát Môn”.
Ba cửa đó là: Cửa Không, cửa Vô Tướng, cửa Vô Tác. Giống như một người từ xóm ấp Ba Cõi, muốn đi đến thành Niết Bàn ở phương xa. Người này phải dùng ba loại phương tiện khác nhau để vượt qua hành trình dài. Ba loại phương tiện đó là: phương tiện của Giới, phương tiện của Thiền Định, phương tiện của Thế Gian Huệ. Sau khi dùng ba loại phương tiện này đến được chân thành Niết Bàn. người này sẽ được người giữ thành, dạy cho biết thành này có ba cái cửa, đó là cửa Không, cửa Vô Tướng và cửa Vô Tác. Người này nghe xong, liền tùy theo Huệ Vô Lậu mà mở một trong ba cửa đó để vào thành Niết Bàn Vô Lậu. Khi vào được thành này, vị ấy vui mừng, tuyên bố về bốn điều mà mình đã thành tựu trong chuyến đi.
- Thứ nhất: “Chư lậu dĩ tận” có nghĩa rằng lậu hoặc, mê mờ, phiền muộn của xóm ấp đã được bỏ lại sau lưng.
- Thứ hai: “Phạm Hạnh dĩ lập” có nghĩa rằng đời sống yên vui đang chào đón.
- Thứ ba: “Sở tác dĩ biện” có nghĩa rằng việc từ bỏ xóm ấp thương đau để đến thành Niết Bàn yên vui hiện tại hoàn tất.
- Thứ tư: “Bất thọ hậu hữu” có nghĩa rằng từ nay vĩnh viễn sẽ không quay lại chốn cũ đau thương, phiền muộn và mê mờ đó nữa.
Thật ra, Nhị thừa tuyên bố “Tứ Thành Tựu” chỉ là sự nhầm lẫn của lớp thứ nhất, gọi là Hóa Niết Bàn. Người ta nhầm lẫn vì chưa thật sự vào đúng trung tâm của thành Giải Thoát, tức lớp thứ hai của Tam Giải Thoát Môn. Giống như một người đi từ A đến B, người này một chân bước vào thành B đã vui mừng la lớn cho mọi người biết, rằng mình đã đến nơi yên ổn. Nếu người này muốn định cư, làm công dân thực thụ ở thành B, người đó còn phải đi thẳng vào trong thành, để thành tựu lớp thứ hai, ở đó sẽ được hướng dẫn làm một số thủ tục và học các thứ văn hóa cần thiết.
Văn hóa đó là “Văn hóa vô lậu” và “văn hóa không pháp”. Vì thế, Kinh Phương Đẳng mới có sự tham dự của Nhị Thừa, Phật quở những người đến lớp thành thứ nhất, cho đây là đủ, để rồi không tiến đến lớp thứ hai là hạng “trí tuệ lừa què”, Thanh Văn vô trí; Cái các ông được, ngoại đạo cũng được. Hạt giống thối!”
Nói chung, người tu hành ngày xưa hay gọi đó là “Độn La Hán”. Nhị thừa tiếp tục vào sâu trong thành Niết Bàn, Phật Đạo gọi đó là “Hồi tâm A La Hán”.
Tóm lại, nhóm kinh này phần lớn dành cho người xuất gia như pháp, tu tập để thành tựu các quả vị Sa Môn. Người tại gia khó có thể thực hiện được vì không đủ điều kiện. Như: Giới không cụ túc, Thiền Định không xuyên suốt, vì thế Huệ Giải Thoát không thể thành lập được. Kinh Sa Môn Quả hoặc Lõi Cây là các bài giảng điển hình cho nhóm kinh này!
Nhóm thứ hai: Thuộc về các kinh Phương Đẳng, nhóm kinh này chủ yếu xiển dương tư tưởng “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”.
Đại diện của tư tưởng này nằm trong các kinh như Thủ Lăng Nghiêm, Kim Cang, Lăng Già, Duy Ma Cật Sở Thuyết, một phần nằm trong Đại Bát Nhã cùng các Kinh Phương Quảng. Kinh này chủ yếu của Hóa Phật thuyết.
Nhóm kinh này, Tăng hay tục đều có thể lãnh hội. Nhưng vì nó là kinh của Hóa Phật thuyết ra, nên thông thường phải được bậc Đạo Sư giảng giải, cắt nghĩa, khai thị thì mới có thể thâm nhập để đưa đến Giác Ngộ. Lời văn kinh thuộc hệ này, một nửa dễ hiểu, một nửa khó hiểu. Vì vậy, có người cho rằng, do Hóa Phật thuyết nên trong đó có lời quyền, lời thật.
Giống như con dao hai lưỡi, không thiện xảo sử dụng, hoặc được nghe giảng giải và khai thị, khi đọc các thứ kinh này, người tu hành dễ bị đưa đến ngộ nhận, từ đó phát sinh “tà kiến” và “ngã mạn”.
Muốn thấu triệt các bài kinh của nhóm này, người đọc trước nhất phải được trang bị kiến thức Phật Giáo căn bản và chuẩn như:
Thế nào là tâm, thế nào là pháp, thế nào là vật, thế nào là cảnh, thế nào là thế giới, thế nào là ba cõi, thế nào là ngũ ấm, thế nào là ngũ uẩn, thế nào là thức, thế nào là trí, thế nào là huệ, thế nào là nhãn, thế nào là thân, thế nào là căn, thế nào là duyên, thế nào là thiền, thế nào là định, thế nào là xuất gia, thế nào là tại gia, thế nào là Tam Bảo, thế nào là Phật, thế nào là ba thân, thế nào là ngũ hương, thế nào là giới tướng, thế nào là giới tánh, thế nào là thế gian, thế nào là xuất thế, thế nào là quyền, thế nào là thật, thế nào là danh, thế nào là tướng, thế nào là quả vị, thế nào là đắc, thế nào là vô sở đắc, thế nào là y, thế nào là vô sở y, thế nào là đạo, thế nào là tinh tấn, thế nào là Bồ Tát, thế nào là Đại Thừa, thế nào là Tiểu Thừa?
Nói chung, các thứ kiến thức này chưa nắm vững, chưa thể tự đọc hệ Phương Đẳng để có thể thành tựu Giác Ngộ chân thật.
Nhóm kinh này đề cao sức “giác”, lấy nhận thức làm tư tưởng chủ đạo; nhận thức rốt ráo tâm pháp, và các món liệt kê ở trên, gọi là “giác”.
Nhân nơi Giác này, vị tu hành tiếp tục được khai thị để thấy được tâm ý xưa nay tự tịnh gọi là “ngộ”. Cho nên có thể hiểu, nhóm kinh này quy trình ngược với nhóm kinh trên, đó là: Nhân Giác mà tâm ý tỏ Ngộ (biết rõ), nhân tỏ ngộ mà thấy bản lai Tự Định (thanh tịnh), nhân Thanh Tịnh Bất Động mà thành tựu Vô Lậu Giới (Huệ, Định, Giới),…
Phương Đẳng là những bài kinh phần lớn dạy cho Bồ Tát “quyền thừa”3. Bồ Tát “quyền thừa” là những vị có tâm địa rộng lớn nhưng chưa Giác Ngộ hai Vô Ngã hay còn gọi là chưa chứng hai thứ Vô Sanh, đó là “Vô Sanh Tâm” và “Vô Sanh Pháp”. Khi thành tựu hai thứ Vô Sanh này, Bồ Tát mới học tiếp Nhất Thiết Trí để thành tựu Huyễn Trí.
Cũng giống như nhóm kinh thứ nhất, muốn vào thành Niết Bàn Vô Lậu chân thật sau khi đã Giác, các vị này phải được khai thị một lần nữa.
Lần khai thị thứ hai, mục đích của nó là giúp người tu hành tự mình mở ba cánh cửa của “thành” Niết Bàn. “Thành” này cũng có hai lớp, đó là lớp tâm và lớp pháp. Vì thế, Nhị thừa và quyền thừa muốn vị lai trở thành Bồ Tát thực thụ để học Huyễn Trí thì Nhị thừa và quyền thừa này cũng phải qua hai lớp của thành Niết Bàn như các vị Giác Ngộ chân thật. Còn nếu chỉ dừng lại ở lớp thứ nhất, gọi là Hóa Thành.
Nhóm thứ ba: Thuộc về Kinh Phương Quảng. Nhóm kinh này chủ yếu dạy cho các Bồ Tát huyễn phương tiện để thành tựu Huyễn Trí. Sau khi thành tựu Huyễn Trí mới có thể “Đăng Địa” để trở thành Đại Bồ Tát.
Phương Quảng gồm các bộ kinh lớn như: Đại Bát Nhã, Hoa Nghiêm, một phần Diệu Pháp Liên Hoa, Kim Quang Minh, Đại Bảo Tích, Anh Lạc, Đại Niết Bàn. Kinh này do Pháp Thân Phật thuyết4.
Các bài thuyết của hệ này phần lớn dành cho Đại Bồ Tát nên lời kinh khó hiểu đối với người tu hành là bình thường. Pháp hội tham dự những kinh này, chủ yếu là các Hóa Bồ Tát 5, Tha Bồ Tát 6, Hữu Vi Đại Bồ Tát 7, Nhị thừa mật hạnh 8.
Vì thế văn tự trong đó thuộc về cảnh giới bất khả tư nghì, cho nên người chưa hội đủ các yếu tố nêu trên, càng đọc càng suy lường càng thêm điên đảo. Vì sao nó lại như vậy, vì rằng ngữ ngôn và cảnh giới trong đó cao siêu, quá nhận thức thế gian, chỉ những ai có cùng tâm cảnh, mới có thể cảm nhận và hiểu hết ý nghĩa của ngữ ngôn đó. Có thể nói, Kinh Phương Quảng chủ yếu giúp các Bồ Tát thành tựu bốn Ba La Mật sau.
Người chưa Giác Ngộ, đọc Kinh Phương Quảng, sẽ giống như câu chuyện: “Ngày xưa có thầy Lân người nước ta, từng đi sang Tây về kể lại chuyện bên ấy như đèn trút xuống mà vẫn sáng, xe không có ngựa kéo mà vẫn chạy. Mọi người không tin, cho đó là hoang đường”
Kinh Phương Quảng với văn tự và cảnh giới trong đó đối với người chưa Giác Ngộ, giống như chuyện Thầy Lân kể về trời Tây với dân ta thời bấy giờ. Nó vượt quá tâm cảnh và tri thức của phần lớn người tu hành. Cho nên, nhiều người bảo Kinh Phương Quảng là hoang đường và không thuộc về Phật Giáo là chuyện dễ hiểu.
Hỏi: Vì sao có nhiều tài liệu nói rằng, Phật thuyết pháp gồm năm thời.
Nay chỉ lược nói có ba?
Đáp: Ngũ thời, thập thời, hay tam thời là cách phân chia của người sau, để dễ ứng dụng. Ví dụ như:
- Thiên Thai Tông chia làm năm thời kỳ: Hoa Nghiêm, Lộc Uyển, Phương Đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa và Niết Bàn.
- Niết Bàn Tông, năm thời kỳ được phân ra như sau: Tam Thừa Biệt Giáo, Tam Thừa Thông Giáo, Ức Vật Giáo, Đồng Qui Giáo, Thường Trụ Giáo.
- Lưu Câu, chia ra năm thời kỳ như sau: Đề Vị, A Hàm, Không, Nhứt Thừa, Thường Trụ.
- Khuê Phong chia thành: Nhơn Thiên Giáo, Tiểu Thừa Giáo, Đại Thừa Tướng Giáo, Đại Thừa Phá Tướng Giáo, Nhứt Thừa Hiển Tánh Giáo.
Nói chung, phân chia kinh Phật gồm mấy thời kỳ không quan trọng; điều quan trọng là, người tu hành hiểu gì và ứng dụng được gì trong cách phân chia này, để đưa đến lợi ích thiết thực cho chính bản thân.
Hỏi: Ngày nay có người cho rằng, năm trăm năm sau khi Phật nhập diệt, Kinh Đại Thừa mới xuất hiện, vì thế các bài kinh này không phải do Phật thuyết.
Đáp: Trước nay cũng có những thành tựu khoa học mà cho mãi đến cả trăm năm sau đông đảo quần chúng mới biết đến, tuy rằng những thành tựu đó đã được ứng dụng ở một vài nơi đặc biệt nào đó từ rất lâu, rất xa.
Ngay lúc này đây, người ta cũng biết rằng có rất nhiều thành tựu khoa học giá trị, nhưng số đông nhân loại chưa từng nghe nói tới.
Vì thế, sau bao nhiêu năm, mọi người mới biết đến việc xảy hồi trước, việc này trên thế giới không phải là chuyện hiếm.
Biết sau hay biết trước không quan trọng, quan trọng là, điều đó khi đến với anh, nó giúp anh được những gì, anh đã đủ sức lãnh hội hay chưa?
Ngay cả bây giờ, trên thế giới này, có rất nhiều người chưa tiếp cận với nhiều thành tựu văn minh của nhân loại. Đâu vì thế mà những người này khi nghe nói đến các nền văn minh lạ lẫm kia, có thể phán rằng: “Các thứ văn minh đó không phải là những thành tựu của các nhà khoa học chân chánh hay của con người”.
Kinh Đại Thừa Phương Quảng cũng như vậy, nó là thành tựu tối cao của “nền văn minh Phật Giáo” và cũng giống như các nền văn minh trên thế giới.
Tất nhiên chỉ những ai hội đủ các điều kiện nhất định trong một thời điểm nhất định mới có thể tiếp cận và hưởng dụng văn minh này một cách hoàn hảo.
----------------------------
- Kinh Đại thừa Phương Quảng: tên gọi chỉ chung cho hệ thống kinh giáo Đại thừa.
- Phạm Hạnh: đời sống thanh tịnh của bậc tu hành.
- Quyền thừa: Một giai đoạn tu tập của Bồ Tát.
- Pháp Thân Phật thuyết: Những lời kinh liễu nghĩa từ trí tuệ Đức Phật phát
- Hóa Bồ Tát: các Bồ Tát vô vi do Phật hóa hiện
- Tha Bồ Tát: những Bồ Tát ở cõi khác.
- Hữu Vi Đại Bồ Tát: Những Bồ Tát thông tuệ mang thân người, chứng quả trong hiện đời.
- Nhị thừa mật hạnh: Các bồ tát thị hiện qua hình tướng Thanh Văn.
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






