Thập Như Thị. Tập Nhân. Giao Báo

- Trung Nguyên Cửu Tuyệt và một lão lái đò vị chi mười người... nay giang hồ không còn bóng dáng những cái tên này nữa, mà Phật đạo lại xuất sanh Thập Như. Ha ha... ha ha...
⁕ Thập Như!... Thập Như... Các vị có đồng ý cái tên mới này không?
Mọi người hoan hỷ, Lão Trượng lên tiếng trước:
Thưa Lão Sư!... Thưa các huynh đệ!... Rất hay!... Hay mà thanh tịnh!... Lão Sư đúng là Lý Thập Như... còn con là Lý Như Nhân...
Lão Đại vội vã nói:
Voi chúa đi đâu, voi con theo đó... Lão Trượng giành mất cái tên Như Nhân thì đồ đệ cũng xin được tiếp nối với cái tên là Như Duyên... Hay thiệt, từ nay con sẽ là Lý Như Duyên con của Lý Thập Như, em của Lý Như Nhân... Ha ha ha!... Anh Em chúng ta đồng Họ Lý... Nào Là Như Nhân, Như Duyên, Như Tánh, Như Tướng, Như Lực, Như Tác... Ha ha Thập Như vậy... Đúng là “Tôi nghe như vậy...” Ha ha ha ha!...
---•••⁕ ⁕⁕ ⁕•••---
Cả mười người theo thứ tự chọn một tên.
Đầu tiên Lão Trượng là Như Nhân, Lão Đại là Như Duyên, Lão Nhị là Như Quả, Lão Tam là Như Báo, Lão Tứ là Như Tánh, Lão Ngũ là Như Tướng, Lục Đệ là Như Thể, Thất Muội là Như Lực, Bát Đệ là Như Tác, Cửu Đệ là Như Bổn Mạt... địa vị trước sau không đổi... chỉ có Lão Trượng lên làm anh cả... Mọi người hoan hỷ với cái tên mới này... Chọn xong Như Nhân lên tiếng:
Thưa Lão Sư!... Thưa các huynh đệ!... Hôm qua là ngày huynh đệ chúng con vui nhất trong đời, đó là ngày Lão Sư chính thức nhận mười anh em chúng con làm học trò... Hôm nay là ngày vui thứ hai, mười người làm con một cha, đồng là họ Lý... Nói đến đây lão rót trà ra ly rồi mời mọi người nâng cốc... Đợi mọi người uống xong, lão nói tiếp:
Thật là nhân duyên hy hữu, hoàn cảnh hôm nay, làm đồ đệ nhớ lại phẩm “Tòng Địa Dõng Xuất” trong kinh Pháp Hoa... Đó là người cha còn nhỏ mà các con có người râu tóc bạc phơ... Không ngờ chuyện kinh trở thành hiện thực...
Thưa Lão Sư!... Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, khi khai Phật Tri Kiến, Phật cũng có nói đến “Lý Thập Như”... hay còn gọi là: Thập Như Thị. Nay mọi người nhờ nhân duyên này mà có tên riêng của mình theo trình tự Thập Như... Xin Lão Sư giảng giải ý nghĩa của Thập Như Thị cho chúng đồ đệ tường tận...
Lý Tứ lên tiếng:
Các vị!... Thập Như Thị được Phật đề cập đến trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa... Sau khi ngài Xá Lợi Phất ba lần thưa thỉnh... Phật im lặng một hồi rồi nói:
“Thôi đi Xá Lợi Phất, không nên hỏi nữa. Vì sao? Vì pháp mà chư Phật đã chứng khó thấy khó biết, không phải dùng cái biết của phàm phu mà biết được[1]... Chỉ có Phật với Phật mới thấu suốt thiệt tướng của vạn pháp... Vì sao? Vì các pháp thành tựu được không ngoài mười phạm trù đó là: Nhân, duyên, quả, báo, tánh, tướng, thể, lực, tác, bổn mạt cứu cánh như vậy...”
Các vị!... Nếu mười phạm trù này mà hiểu theo ý nghĩa thế gian thì:
- Các pháp sở dĩ có được là bởi nhờ có hạt nhân ban đầu, giống như có hạt giống mới có cây trái.
- Hạt giống này muốn thành tựu phải đầy đủ duyên lành.
- Nhờ duyên lành mà cho ra kết quả gọi là quả.
- Trong cái kết quả đó sẽ có ý vị của nó, ý vị này gọi là báo...
- Nơi báo kia tùy nghiệp hiện các tính chất gọi là tánh. Ví như trái khổ qua, người ăn thấy ngọt kẻ ăn thấy đắng.
- Từ tánh chất ngọt đắng mà sinh các thứ tướng ghét ưa, ưa thì vui vẻ, ghét thì nhăn nhó, “vui vẻ”, “nhăn nhó”gọi là tướng...
- Thể của ưa là mong cầu, thể của ghét là xa lánh...
- Do mong cầu hay xa lánh nên xuất ra các ý tưởng hoặc tham hoặc sân gọi là lực.
- Lực này vô hình nhưng có thể tạo nghiệp lành dữ nên gọi là tác.
- Một khi tác rồi thì cứu cánh khổ vui trước sau không thể tránh khỏi...
Phật tuyên nói Thập Như Thị theo trình tự trên, là có nguyên nhân của nó... Vì bởi người đời khổ vui sanh diệt không ra khỏi mười phạm trù này, và nằm trong một quy luật nhất định... Nếu chẳng có nhân, thì duyên kia vô nghĩa... giống như không có hạt giống thì cấy cày phân bón không có chỗ dùng…
Sở dĩ chúng sanh hiện tướng khổ vui tham sân vì trong lòng có tích chứa hạt giống tham sân, giống như đứa bé mới sinh ra, không ai dạy mà tự biết dỗi hờn...
⁎ Hạt giống vô hình này Phật đạo gọi là “Tập Nhân”. Trong lòng đứa bé đã tích chứa tập nhân khổ vui nên nay vừa sinh ra tự biết biểu lộ tình cảm...
⁎ Các duyên thấy nghe Phật gọi là “giao báo”.
Tập nhân tích chứa trong lòng thông qua giao báo của thấy nghe... cho ra “cõi nước” tức là các thứ tướng khổ vui. Biểu hiện của tướng khổ vui đó là mười kiết sử. Các kiết sử này chính là quả của nhân kia gọi là quả báo... Và từ đó biện biệt cùng trói buộc dẫn dắt hữu tình luống sâu vào phiền não... Tánh, tướng, thể, lực, tác, rốt ráo trước sau hiện khởi... như con tằm nhả tơ tự trói...
Các vị!... Tu hành trong Phật đạo là làm sạch tập nhân vô hình đó... Một khi trong tâm không còn tập nhân, nhân đã không thì mười phạm trù kia tự không. Có nghĩa tâm thanh tịnh thì kiết sử sẽ không hiện khởi. Kiết sử không hiện khởi thì cõi nước cũng thanh tịnh. Cõi nước thanh tịnh thì tánh, tướng, lực, tác đồng đưa người đến thanh tịnh. Nhân quả bây giờ sai khác, như cõi Cực Lạc cây vàng sanh trái bạc, cây lưu ly sanh trái mã não, tiếng chim lại kêu thành tiếng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng... chẳng như quả báo ba cõi.
Vì thế Phật đạo có thể biến “Quả người mà báo thánh, quả ác thành báo lành”.
Quả báo vô lậu không như quả báo thế gian người đời thường hiểu... Giống như mặt trời lên thì nỗi ám ảnh hãi sợ bóng ma tự dứt... Nỗi ám ảnh không còn thì tánh tướng và các mối đe dọa vô hình từ con ma không còn. Cũng cảnh đó mà thể, lực, tác bây giờ là an vui chứ không phải đau khổ sợ hãi...
Tóm lại Thập Như Thị chính là nguyên lý hình thành khổ vui ba cõi, và Thập Như Thị cũng chính là nguyên lý để bậc Thánh thoát ra khỏi trói buộc ba cõi... Vì thế Thập Như Thị được Phật đề cập đến trong giáo trình giảng dạy Phật tri kiến. Có nghĩa là học Phật tri kiến hay học Nhất thiết trí, là một giáo trình Phật giảng dạy cho Bồ Tát gồm nhiều thứ, trong đó có Thập Như Thị. Thập Như Thị chính là một học phần trong toàn bộ giáo trình nhiều học phần này…
Học Thập Như Thị cơ bản là học nguyên lý hình thành ba cõi và nguyên lý thoát ra khỏi trói buộc ba cõi. Thành tựu cơ bản này mới có thể học các học phần khác. Đó là học thêm các thứ phương tiện thiện xảo, giúp hữu tình hết phiền não và tiến đến Phật quả...
Muốn học được nguyên lý này, người học phải hội đủ một số điều kiện nhất định... Đó là: Nếu Nhị thừa thì vị này phải là một A La Hán, nếu là Bồ Tát thừa thì vị này phải thấu suốt hai vô ngã, tâm pháp rỗng không...
Vì thế, kinh Diệu Pháp Liên Hoa chỉ tuyên thuyết chủ yếu với Nhị thừa gồm toàn “hạt chắc”, có nghĩa hội chúng là những đệ tử đã chứng Thánh... hoặc trí tuệ tương đương một vị Thánh... Còn đối với Bồ Tát muốn học cái này thì phải như Thiện Tài Đồng Tử trong kinh Hoa Nghiêm, đó là Tâm vị này phải như hư không... Các công đức có được đều hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề... Đây là điều kiện “ắt có và đủ” để có thể lãnh hội toàn bộ giáo trình Phật tri kiến trong đó có học phần “Thập Như Thị”...
Các vị!... Thập Như Thị được khởi đầu bằng hai chữ “Như Thị”... Muốn thấu suốt Thập Như Thị, phải thấu suốt ý nghĩa hai chữ Như Thị (Như Vầy)... Như vậy…
⁎ “Như Thị” là nghĩa như thế nào? Trong kinh Phật di huấn lại, ngày sau khi kết tập, đầu kinh phải để: “Như thị ngã văn” có nghĩa “Tôi nghe như vầy”... Ý nghĩa này theo thông lệ của thế gian đó là Ngài A Nan nghe như vậy, rồi cứ y như điều đã nghe mà thuật lại... Nhưng phật thuyết pháp, là thuyết cho mọi hữu tình. Nếu cứ theo thông lệ ở đời, cho đó là cái nghe của A Nan thì mặc nhiên tự loại bản thân ra khỏi dòng nước pháp của Phật... Nếu không muốn tự loại bản thân ra khỏi dòng nước pháp, thì người tu hành cần nên hiểu như thế nào về nghĩa “Tôi nghe như vầy”?...
Nói đến đây Lý Tứ đảo mắt nhìn mọi người rồi im lặng...
Một hồi lâu, Như Quả lên tiếng: Thưa Lão Sư!... Tôi nghe như vầy, trong ý nghĩa này con hiểu là chính con nghe như vầy!... chứ không phải Ngài A Nan nghe như vầy!...
- Ông nghe như vầy, là nghe thế nào?
Như Quả im lặng ngẫm nghĩ một hồi rồi nói: Con nghe như vầy là không nghe theo “cái bị nghe”!... - Những gì được gọi là “cái bị nghe”?
Thưa Lão Sư!... “Cái bị nghe” chính là âm thanh cùng ngữ nghĩa từ miệng Lão Sư phát ra!...
- Ông nên suy nghĩ thật kỹ... một khi không nghe theo “cái bị nghe”, thì cái nghe nó như thế nào?
Như Quả ngẫm nghĩ rồi nói:
Thưa Lão Sư!... Con thấy cái nghe tự nó rỗng rang, không có bóng dáng của nhĩ thức...
- Nhĩ thức không sanh, thì cái gì sanh?
Thưa Lão Sư!... Nhĩ thức không sanh thì biện biệt không sanh, biện biệt[1] không sanh thì chẳng thấy ý nghĩa của tịnh cùng bất tịnh... Tịnh cùng bất tịnh chẳng thấy nên không có gì sanh...
- Trong cái không sanh đó, ông thấy cái gì?
Thưa Lão Sư!... Con thấy tâm con thanh tịnh!...
- Tâm ông thanh tịnh thì nó như cái gì? Thưa Lão Sư!... Tâm con thanh tịnh thì nó như vậy, như vậy ạ!... Thưa Lão Sư!... Con ngộ ra chữ Như Thị trong câu “Như thị ngã văn” rồi ạ!... Chữ Như Thị theo con hiểu là không như cái gì hết, không như cái gì hết mới chính là như thị!...
- Nếu còn thấy nó như cái gì thì tâm như cái gì?
Thưa Lão Sư!... Nếu còn thấy nó như cái gì thì đó là như nhân, như duyên, như tánh, như tướng... chứ chẳng phải như thị ạ!...
- Thấy Thập Như Thị chỉ là một như thị, thì nhân cái gì mà nói là mười?
Thưa Lão Sư!... Mười chẳng khác một, một chẳng khác không... Nhân đã không, thì quả cũng không. Quả không thì tánh tướng tự không!... Nên chẳng nói nó là cái gì, vì ra ngoài văn tự ngữ ngôn...
- Tánh tướng tự không, văn tự cũng không thì gọi là gì?
Thưa Lão Sư!... Là không tánh, là không tướng, là vô ngôn...
- Đã không tánh, không tướng, vô ngôn thì ba thời từ đâu lập bày?
Thưa Lão Sư!... Ba thời chỉ một niệm bất giác... Vì bất giác nên ba thời hiện khởi. Để dứt cái ngu này của phàm phu, chư thánh phải một phen nhọc công mở miệng nói có nói không... Chúng sanh nhân ý nghĩa này mà hết ngu si. Chừng nào giác ngộ tự tâm rỗng rang, mới biết rằng chẳng có đây kia sáng chiều... Bây giờ mới hiểu ra ngữ ngôn văn tự như là dẫn dược chứ chẳng phải thuốc men... Nước kia chẳng làm hết bệnh...
- Vậy ba thời là mấy thời?
Thưa Lão Sư!... Ba thời do mê... Dứt mê, ba thời chỉ là nhất thời... Nhất thời đó là không thời ạ.
- Không thời thì gọi là gì?
Thưa Lão Sư!... Không thời chính là Phật thời ạ.
- Không thời chính là Phật thời, thì trong thời đó, Phật ngụ tại đâu?
Thưa Lão Sư!... Phật là vô tướng, vì vô tướng nên vô phương sở... Vì vô phương sở nên đâu cũng là Xá Vệ Quốc, Kỳ Thọ viên...
- Như vậy kinh dạy: “Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại xá Vệ Quốc, kỳ thọ Cấp cô Độc viên...” là nghĩa gì?
Thưa!... Là Tự Tâm như thị ạ... như thị ạ…!...
Lý Tứ cười ha hả rồi nói:
- Văn tự không gạt được Như Quả... Ha ha... Đúng là Như Quả chứ chẳng phải như văn tự... Ha ha ha ha!... Không như kẻ ngu kia, miệng thì nói như thị mà tâm lại như văn tự... Ha ha ha ha!...
Chúc mừng Lão Đệ thấu suốt ý nghĩa hai chữ Như Thị... Ha ha ha ha!...
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






