Những Vấn Đề Liên Quan Đến Định: Giới – Định – Huệ Bồ Tát Quyền Thừa

 0
Những Vấn Đề Liên Quan Đến Định: Giới – Định – Huệ Bồ Tát Quyền Thừa

Quy trình ứng dụng tam vô lậu Bồ Tát có thay đổi so với nhị thừa do thừa này lẫn lộn tăng tục, lẫn lộn tăng tục nên giới đức không cụ túc hoặc một phần không cụ túc.

Giới của họ chỉ gói trọn trong Bồ Tát giới, thậm chí khi giác ngộ chỉ là năm giới. Thiếu sót này thiệt thòi trong đời sống tu hành vì không được giới hỗ trợ triệt để như nhị thừa sa môn, do đó hiểm nguy ba cõi nhất là ngũ dục của dục giới luôn là mối đe doạ đến tịnh hạnh.

Để bổ khuyết cho thiếu hụt này, Bồ Tát thừa phải là những người thật sự có trí tuệ và thiên về trí tuệ, lấy trí tuệ làm cơ sở thoát ly mọi hiểm họa của ba cõi.

Trí tuệ giúp thấu suốt bản chất hiểm họa là gì, nguyên nhân phát sinh, cách thức trừ diệt. Khi thấu suốt những yếu tố trên, ý không phát khởi các nguyên nhân phát sinh lậu hoặc nên tâm không bị che mờ, tâm không bị che mờ, ý giác được bản nguyên thanh tịnh; nơi bản nguyên thanh tịnh tâm rỗng rang dừng lặng gọi là định, trong định thấy được tánh đức của giới; vì thấy giới tánh bản nguyên cũng thanh tịnh nên giới không khuyết, giới không khuyết gọi là thường trụ giới.

Cho nên Bồ Tát thừa tu học tam vô lậu trong ý nghĩa của tam giải thoát, vì vậy trình tự giới-định-huệ có sự thay đổi lớn từ huệ sanh định, định sanh giới. Đoạn kinh sau minh họa khái niệm nhân nơi huệ thành tựu tất cả của Bồ Tát:

Kiều Thi Ca! Các thiện nam tử thiện nữ nhân này vượt hơn Thanh Văn và các bậc Độc Giác. Vì cớ sao? Vì giải thoát tất cả tâm hèn kém của Thanh Văn, Độc Giác vậy.

Kiều Thi Ca! Tất cả Thanh Văn, Độc Giác đã trọn nên nhóm giới, nhóm định, nhóm huệ, nhóm giải thoát, nhóm giải thoát tri kiến.

Đối các thiện nam tử thiện nữ nhân đây đã trọn nên nhóm giới, nhóm định, nhóm huệ, nhóm giải thoát, nhóm giải thoát tri kiến trăm phần chẳng kịp một, ngàn phần chẳng kịp một, trăm ngàn phần chẳng kịp một, trăm ức phần chẳng kịp một, trăm trăm ức phần chẳng kịp một, ngàn trăm ức phần chẳng kịp một, trăm ngàn trăm ức phần chẳng kịp một, trăm ngàn trăm ức muôn ức phần chẳng kịp một, số phần, toán phần, kế phần, dụ phần cho đến cực số phần cũng chẳng kịp một.

Vì cớ sao? Kiều Thi Ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân này vượt hơn tất cả tâm tưởng hèn kém của Thanh Văn, Độc Giác. Đối với các pháp Thanh Văn, Độc Giác trọn chẳng xưng khen. Đối với tất cả Pháp không chỗ chẳng biết, nghĩa là năng chính biết, đều vô sở hữu.

Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân chẳng lìa tâm Nhất thiết trí trí, đem vô sở đắc làm phương tiện, đối Bát Nhã Ba La Mật Đa đây chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, như lý suy nghĩ, rộng vì hữu tình tuyên nói lưu khắp, hoặc lại thơ tả, các thứ trau dồi. Lại đem vô lượng thượng diệu tràng hoa, hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, bảo tràng, phan lọng, các ngọc diệu trân kỳ quý lạ, kỹ nhạc, đèn sáng, hết các sẵn có cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen. Các thiện nam tử thiện nữ nhân này, Ta nói quyết được vô lượng vô biên công đức thù thắng đời hiện tại và vị lai.

Khi ấy, Thiên Đế Thích lại thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân chẳng lìa tâm Nhất thiết trí trí, đem vô sở đắc làm phương tiện, đối Bát Nhã Ba La Mật Đa đây chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, như lý suy nghĩ, rộng vì hữu tình tuyên nói lưu khắp, hoặc lại thơ tả, các báu trau dồi. Lại đem các thứ thượng diệu tràng hoa, hương xoa, hương bột thảy, y phục, anh lạc, bảo tràng, phan lọng, các ngọc diệu trân kỳ quý lạ, kỹ nhạc, đèn sáng, hết các sẵn có cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen. Chư thiên chúng tôi thường theo vệ hộ, chẳng cho tất cả người, phi người thảy, các thứ ác duyên làm rối hại.

Bấy giờ, Phật bảo Thiên Đế Thích rằng: Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân đem tâm tương ưng Nhất thiết trí trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối Bát Nhã Ba La Mật Đa đây thọ trì đọc tụng; khi ấy có vô lượng trăm ngàn Thiên tử vì nghe pháp nên đều đến nhóm hội, vui mừng nhảy nhót, kính thọ Bát Nhã Ba La Mật Đa thẳm sâu như thế.

Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân, đem tâm tương ưng Nhất thiết trí trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện tuyên nói pháp tương ưng Bát Nhã Ba La Mật Đa thẳm sâu như thế; khi ấy có vô lượng các Thiên tử thảy đều đến nhóm hội, đem thiên oai lực khiến kẻ thuyết pháp tăng thêm biện tài, tuyên diễn vô tận.

Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân đem tâm tương ưng Nhất thiết trí trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện tuyên nói Bát Nhã Ba La Mật Đa thẳm sâu như thế; khi ấy có vô lượng các Thiên tử thảy vì kính trọng pháp nên đều đến nhóm hội, đem thiên oai lực khiến kẻ thuyết pháp biện tài không tận, dù có chướng nạn chẳng thể ngăn dứt được.

Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử thiện nữ nhân thảy, đem tâm tương ưng Nhất thiết trí trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối Bát Nhã Ba La Mật Đa đây chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, như lý suy nghĩ, rộng vì hữu tình tuyên nói lưu khắp, hoặc lại thơ tả, các báu trau dồi. Lại đem các thứ thượng diệu tràng hoa, hương xoa, hương bột thảy, y phục, anh lạc, bảo tràng, phan lọng, các ngọc diệu trân kỳ quý lạ, kỹ nhạc, đèn sáng, hết các sẵn có cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen. Các thiện nam tử thiện nữ nhân này, ở đời hiện tại phải được công đức thắng lợi vô biên, các ma quyến thuộc chẳng thể xâm loạn.

Lại nữa, Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân ở giữa bốn chúng tuyên nói Bát Nhã Ba La Mật Đa thẳm sâu như thế, tâm không khiếp sợ, lại chẳng bị tất cả luận nạn bẻ gãy. Vì cớ sao? Vì kia do được Bát Nhã Ba La Mật Đa thẳm sâu như thế gia hộ vậy. Lại nếu Bát Nhã Ba La Mật Đa đây, trong bí mật tạng đủ rộng phân biệt tất cả pháp vậy. Nghĩa là hoặc pháp thiện, pháp bất thiện, pháp vô ký; hoặc pháp quá khứ, pháp vị lai, pháp hiện tại; hoặc pháp buộc cõi Dục, pháp buộc cõi Sắc, pháp buộc cõi Vô Sắc; hoặc pháp học, pháp vô học, pháp phi học phi vô học; hoặc pháp thấy bị dứt, pháp tu bị dứt, pháp chẳng bị dứt; hoặc pháp thế gian, pháp xuất thế gian; hoặc pháp hữu lậu, pháp vô lậu; hoặc pháp hữu vi, pháp vô vi; hoặc pháp có thấy, pháp không thấy; hoặc pháp có sắc, pháp không sắc; hoặc pháp cộng, pháp bất cộng; hoặc pháp Thanh Văn, hoặc pháp Độc Giác, hoặc pháp Bồ Tát, hoặc pháp  Như Lai.  Các pháp  như thế thảy, vô lượng trăm ngàn các thứ pháp môn đều nhiếp thuộc vào đây.

Lại do các thiện nam tử, thiện nữ nhân như thế thảy khéo trụ nội không, khéo trụ ngoại không, khéo trụ nội ngoại không, khéo trụ không không, khéo trụ đại không, khéo trụ thắng nghĩa không, khéo trụ hữu vi không, khéo trụ vô vi không, khéo trụ tất cánh không, khéo trụ vô tế không, khéo trụ tán không, khéo trụ vô biến dị không, khéo trụ bổn tánh không, khéo trụ tự tướng không, khéo trụ cộng tướng không, khéo trụ nhất thiết pháp không, khéo trụ bất khả đắc không, khéo trụ vô tánh không, khéo trụ tự tánh không, khéo trụ vô tánh tự tánh không. Vậy nên đều chẳng thấy có kẻ năng luận nạn, cũng chẳng thấy có kẻ bị luận nạn, cũng chẳng thấy có Bát Nhã Ba La Mật Đa được thuyết ra. Vì những cớ ấy nên, Kiều Thi Ca, các thiện nam tử thiện nữ nhân này do nhờ sức đại oai thần Bát Nhã Ba La Mật Đa đây hộ trì, nên chẳng bị tất cả luận nạn hoặc phái khác làm khuất phục.

Lại nữa, Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử thiện nữ nhân, đối Bát Nhã Ba La Mật Đa đây chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, như lý suy nghĩ, giải nói thơ tả, rộng khiến lưu khắp. Các thiện nam tử thiện nữ nhân này, tâm họ chẳng kinh, chẳng bố, chẳng chìm đắm cũng chẳng lo lắng, ăn năn. Sở vì sao? Vì các thiện nam tử, thiện nữ nhân này chẳng thấy có pháp đáng khiến họ phải kinh khủng, bố úy, chìm đắm và lo lắng, ăn năn.

Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử thiện nữ nhân này, muốn được những công đức vô biên hiện tại đây, nên đối với Bát Nhã Ba La Mật Đa thẳm sâu như thế chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, như lý suy nghĩ, rộng vì hữu tình tuyên nói lưu khắp, hoặc lại thơ tả, các báu trau dồi. Lại đem các thứ thượng diệu tràng hoa, hương xoa, hương bột thảy, y phục, anh lạc, bảo tràng, phan lọng, các ngọc diệu trân kỳ quý lạ, kỹ nhạc, đèn sáng, hết các sẵn có cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen.”[[1]]

Trên đây là đoạn kinh đề cập sự ưu thắng khi Bồ Tát nương trí tuệ thành tựu các pháp bất khả tư nghì. Nương trí thành tựu, kinh gọi là tương ưng Nhất Thiết trí hay tương ưng Bát Nhã, thuật ngữ của kinh là “tương tợ Bát Nhã Ba La Mật Đa” chứ chưa phải thành tựu Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Bồ Tát dẫn khởi vô lậu học bằng Bát Nhã (trí tuệ), chính trí tuệ đã đưa họ thành tựu các món vô lậu. Trí tuệ (Bát Nhã) khác với trí thức hay ý thức, ý thức hay trí thức là những hiểu biết có thức nghiệp chen vào, tức hiểu biết của thế gian giới hạn bởi ba cõi do nghiệp dẫn đạo làm thiên lệch thấy nghe hay biết, hướng thấy nghe hay biết theo quan điểm của nghiệp.

Ví dụ như con người thấy cái bàn là cái bàn, hiểu biết đó là cái bàn dùng để đồ vật. Con mọt thấy cái bàn là cái bánh, hiểu biết cái bàn là cái bánh ăn vào thì no.

  • Hai hiểu biết sai khác này do nghiệp làm thành, thực chất của cái bàn là bàn hay là bánh? Bánh hay bàn do nghiệp phân biệt làm thành, rõ hơn là nghiệp thức cho ra kết quả thấy biết. Khi thấy bàn biết rõ nó là cái bàn nhưng không khởi phân biệt và chạy theo cái bàn hay cái bánh tạm gọi là trí tuệ.
  • Về nguyên tắc khi thấu suốt như vậy tâm dừng lặng, nhưng tập khí nhiều đời định chưa kịp tuệ.

Bồ Tát này phải trải qua thời gian tu hành, y nơi giác ngộ lắng sạch phàm tâm đến khi định tuệ quân bình mới thành tựu quả vị, vì thế gọi là quyền thừa.

  • Thông thường chỗ chứng cao nhất của hàng Bồ Tát này là vô sanh nhẫn (tương đương chỗ chứng nhị thừa), tức tâm không sanh khởi nên được nhẫn vị.

Tiếp theo Bồ Tát này tu hai pháp nhẫn là nhu thuận nhẫn và âm hưởng nhẫn. Y nơi chỗ ngộ tu hành gọi là nhu thuận nhẫn, y nơi chỗ giác tu hành gọi là âm hưởng nhẫn, viên mãn hai nhẫn này gọi là vô sanh pháp nhẫn (hơn nhị thừa vì thấy pháp vô ngã).

Cũng có thể nói hai pháp này là chỉ và quán, thuật ngữ của kinh gọi là “quân bình chỉ quán.” Có thể thấy nhị thừa thiên về chỉ (yểm ly ngũ ấm, ngũ dục), Bồ Tát thiên về quán (trí tuệ), cho nên kinh nói nhị thừa định nhiều huệ ít, Bồ Tát huệ nhiều định ít.

  • Muốn vào nhất thừa, nhị thừa và Bồ Tát phải tu Thiền Na Ba La Mật để quân bình hai pháp này sau đó mới thể nhập Viên Giác (giác ngộ viên mãn) gọi là nhất thừa.

[[1]] Trích kinh Đại Bát Nhã – HT. Thích Trí Nghiêm dịch.

(còn nữa)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG