Khái Niệm Ngã và Tâm

 0
Khái Niệm Ngã và Tâm

Trong phạm vi bài viết, khi đề cập đến tâm là nói đến hư vọng tâm hay phàm tâm, loại tâm hay sanh phiền não và che chướng tâm thanh tịnh.

Tâm này và ngã chỉ hai mặt của một vấn đề, cái này dứt cái kia dứt hoặc ngược lại. Chữ tâm trong Phật pháp rất trừu tượng và khó nhận dạng, biến hóa khôn lường.

− Khi phiền não thì phiền não là tâm, khi vui thì vui là tâm.

− Khi thủ giữ hoặc trở thành chủ thể so sánh với khách thể thì tâm bây giờ là ngã.

  • Cho nên tùy lúc, tùy tính chất, tùy chức năng mà có tên là tâm hay ngã.

Khi đề cập đến khái niệm ba duyên hòa hợp có thể thấy tâm không thực có, nó chỉ là ảnh tượng của các duyên.

  • Tâm đã như vậy thì ngã cũng không khác.

Chính ảnh tượng không thật này mà có tên gọi là tâm hư dối, tâm này thường hay sinh phiền não và gồm đủ các món kiết sử tham sân nên còn có tên phàm tâm.

  • Gọi ‘phàm tâm’ để không nhầm lẫn một loại tâm khác đã dứt sạch các thứ kiết sử là ‘thánh tâm’ hay ‘thanh tịnh tâm’.

Người tu hành rất muốn dứt tâm và ngã, ai cũng biết nó là thứ cần phải loại trừ mới mong thành tựu điều gì đó trong Phật đạo. Và thực tế đã không ít công trình tìm hiểu bản chất thật sự của tâm và ngã hầu giải quyết tận gốc rễ hai thứ này.

Tuy nhiên kết quả không đáng kể, vì tâm hay ngã không phải đối tượng dùng ý thức hoặc hành động có thể tiêu diệt được. Nó như kẻ thù dấu mặt luôn ở bên cạnh và nó chính là ta, tức ý thức hoặc hành động.

Chỉ vì tâm và ngã là hai món không thật, nó chỉ là kết quả mê muội của ý thức. Mọi hoạt động của ý thức chính là sự mê muội này nên không thể dùng mê diệt mê, giống như dùng nước làm khô nước, hay dùng lửa dập tắt lửa.

  • Nếu đề ra phương tiện nào đó để diệt ngã thì phương tiện đó chính là ngã, nếu thấy rằng ngã đã diệt thì “thấy đã diệt” lại chính là ngã, vì thế không thể dùng phương tiện diệt hai món này.
  • Nói như vậy không có nghĩa ngã và tâm không thể diệt, bởi vì nếu ngã và tâm không thể diệt thì sao thánh quả ra đời, chính vì thế Phật giáo tuyên nói vô ngã để chỉ ra một trạng thái nào đó không có mặt của ngã.

Như trên đã đề cập, tâm hay ngã giống như bóng cây, đã là bóng cây thì không thể nhắm vào bóng mà dứt hay diệt, không thể đem chổi quét sạch bóng, càng cố quét thì bóng cây lại có thêm bóng người, quét đã không sạch, bóng lại tăng lên.

Vì thế trong kinh chưa thấy bài kinh nào đề ra phương tiện diệt ngã. Nếu có nói thì chỉ đề cập đến chúng sanh không ngã, tức là nói bản lai chúng sanh không ngã chứ không phải nói vô ngã để người tu hành dùng biện pháp làm cho vô ngã.

Thành ra mọi thứ được gọi biện pháp diệt ngã hay tâm là không khả thi. Chuyện diệt ngã giống như người nhìn mặt mình trong gương, biết rằng gương không mặt nhưng hễ nhìn vào để cầu không thấy thì mặt mình lại hiện.

  • Ngã cũng như vậy, quyết tâm diệt thì ngã biến tướng thành chủ thể diệt, vì thế muốn diệt ngã phải giác ngộ rằng ‘bản lai không tâm không ngã.’

Khi mê thì tâm ngã hiện, dứt mê thì tâm ngã hoàn không.

  • Ba thừa đồng giác ngộ không ngã.

− Nhị thừa thấy vô thường nên biết rằng không ngã;

− Bồ Tát quán sát các pháp không ngã nên biết vô thường, đây là nhận thức sai khác của hai thừa.

Giữa hai nhận thức này đều từ giác ngộ mà thấy, khi thấy như vậy ba thừa dừng mọi nguyên nhân sanh ngã.

− Thanh Văn yểm ly triệt để ngũ ấm để ngã không hiện, ngã không hiện kiết sử tự dứt.

− Bồ Tát dùng chánh tư duy để thấy các pháp thật sự không ngã nên không chấp lấy nội pháp hay ngoại pháp, không chấp lấy nội pháp ngoại pháp nên tâm thanh tịnh.

  • Vì vậy giác ngộ vô ngã là tiền đề thành tựu đạo quả vô ngã, chứ không phải diệt trừ ngã để được vô ngã.

Có thể khảo sát hai bài kinh tiêu biểu giáo Thanh Văn và Bồ Tát đó là bài thuyết cho Kiều Trần Như và kinh Kim Cang mọi vấn đề sẽ sáng tỏ:   “Này Kiều Trần Như! Sắc là vô thường, không lấy sắc làm ta, ngã của ta, tự ngã của ta. Diệt sắc vô thường sẽ được sắc giải thoát thường trụ.”   

Trong đoạn kinh này chỉ đề cập đến không lấy sắc làm ngã và kêu gọi diệt sắc vô thường, có nghĩa yểm ly sắc vì sắc này vô thường. Có thể hiểu yểm ly sắc vô thường ngã tự diệt, hoàn toàn không có ý đồ kêu gọi diệt ngã.

Kinh Kim Cang lại dạy: “Bất ưng trụ sắc thanh hương vị xúc pháp sinh tâm, ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.”  Bài kinh này chỉ nói đến không lấy ngoại pháp sinh tâm, cũng không trụ nơi nào hết để sinh tâm.

Có thể hiểu không trụ nơi nào hết thì ngã không sanh, và hầu như các bài kinh giáo ba thừa tu tập hoàn toàn không nêu lên yêu cầu diệt ngã.

Chính vì thế, Phật tuyên nói vô ngã làm tiền đề quán sát tư duy thân tâm, và các pháp thật sự không ngã để giác ngộ bản nhiên không ngã. Chứ không phải tuyên nói vô ngã để người tu hành tìm cách nhắm thẳng ngã mà diệt.

Đoạn kinh sau nếu suy gẫm thật kỹ sẽ thấy nhiều vấn đề liên quan đến ngã và vô ngã:

Này Xá Lợi Phất, thế nào là ngôn thuyết? Sở dĩ có ngôn ngữ, văn tự khác nhau, do tướng tìm cầu, nhận biết, phân biệt, thấy, suy đoán, chứng minh, tu tập, có tướng, không tướng, theo tâm hay tâm số; có chỗ nghi lầm, có đây, có kia... Phân biệt bày tỏ các pháp như thế đều là ngôn thuyết.

Này Xá Lợi Phất, thế nào là cái nghĩa phải nói ra để chỉ rõ mới gọi là nghĩa? Nếu chỉ phân biệt nghĩa gọi đó là ngôn thuyết. Vì thế, này Xá Lợi Phất! Ông nên biết cái nghĩa không phải là ngôn thuyết. Do cái nghĩa đây, trong kinh ta nói Như Lai không giống người đời nói việc thế gian.

Này Xá Lợi Phất, chỉ có Như Lai dùng phương tiện nói ấm, giới, các nhập, mười hai nhân duyên, từ duyên sanh pháp, ngoài ra không còn gì khác. Này Xá Lợi Phất, Phật thuyết pháp và chọn các pháp không tranh cãi. Sao gọi là pháp? Thế nào là chọn pháp?

Này Xá Lợi Phất, mắt là pháp, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là pháp. Tại sao thế? Vì mắt ở quá khứ, vị lai còn chưa có, huống gì là hiện tại ư! Tại sao thế? Vì tánh của mắt tự nó đã là pháp; tai, mũi, lưỡi, thân, ý, quá khứ, vị lai đều không, huống gì là hiện tại. Tại sao thế? Vì tánh của ý tự nó đã là pháp.

Còn tuyển trạch là sao? Là chọn lựa như chọn mắt, vì mắt do duyên sanh, không tướng nhất định. Nếu có định tướng mắt phải là mắt và nếu mắt chính là mắt thì cả hai mắt như vậy có thể thấy được cả bên trong. Vì có sự sai lầm như thế nên tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng đều như vậy cả. Thế thì chọn lựa gọi là pháp nhãn. Trong nghĩa này, bậc chánh kiến đại sĩ nên quán sát mắt là từ giả danh.

Nhãn, pháp, và pháp nhãn trong ba thứ, cái nào là thật? Nên biết rằng, cả ba đều không, vì đều do ngôn thuyết, không một cái nào thật cả. Tại sao thế? Có ngôn thuyết, tức còn theo chỗ hiểu biết. Cái biết ấy hoàn toàn là pháp thế gian. Pháp thế gian không phải xuất thế gian mà hễ không phải xuất thế gian là nghĩa của ngoại đạo.

Nếu nghĩa của ngoại đạo không phải của Phật thuyết. Tại sao? Vì Phật nói pháp xuất thế gian. Pháp xuất thế gian không phải là ngôn thuyết. Lời nói làm ngăn cách đạo, tâm hành, cảnh diệt.

Vì thế, Phật tuy ngôn thuyết mà không chấp vào ngôn thuyết. Nghiệp thiện hay bất thiện đều do nhân duyên sanh. Tại sao thế? Vì mắt phân biệt vậy. Phân biệt là thế nào? Là từ mười hai nhân duyên phân ra thành tam hữu.

Này Xá Lợi Phất, sao gọi là có phân biệt? Vì tự nghĩ rằng ta phải được con mắt như thế. Mỗi mỗi cái phân biệt, ưa thích là kết quả của mắt tiếp xúc với trần cảnh. Nếu mắt là mắt thật của ta (ngã) thì ta (ngã) làm chủ, nên gọi là có phân biệt. Hễ có tiêu diệt lại có phát sanh mạnh mẽ. Tất cả mọi khổ não đều vì ngã và cái của ngã. Vì bị mắc kẹt hai bên nên gọi là có phân biệt.

Này Xá Lợi Phất, cũng như chất đồng chạm nhau phát ra thành tiếng. Ông cho tiếng ấy đến từ bên ngoài hay phát xuất từ bên trong?

Ðáp: Thưa Thế Tôn, tiếng do các duyên mà có, chẳng phải ở trong mà cũng chẳng phải ở ngoài.

Phật hỏi Xá Lợi Phất: Ông đã thấu đạt được các duyên của pháp này chưa?

Ðáp: Chưa đạt được.

Phật bảo rằng, âm thanh vốn vô sở hữu, chỉ mượn các duyên lừa dối nhĩ căn thôi. Kẻ phàm phu con mắt thấy không thật nên sanh ra tham chấp. Trong con mắt, cái tướng của mắt hoàn toàn không có. Xét kỹ đến cùng như vậy không còn tham chấp, mới gọi là tuyển trạch. Sở dĩ nói vô nhãn, cũng như không có tướng của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng đều như thế cả.”[[1]]

Tóm lại khái niệm ngã và tâm tuy hai mà một, tâm hay ngã không thật có, chỉ do duyên mà thành, ‘mê tâm’ lầm chấp ‘có ngã’, ‘mê ngã’ lầm chấp ‘có tâm’. Hai thứ chỉ là vọng chấp, đã là vọng thì lấy gì để trừ. Giống như tiếng vang trong hang núi, chỉ là sự lặp lại của âm thanh, âm thanh dứt thì tiếng vang tự mất, âm thanh đã không ngã thì tiếng vang làm sao có ngã?

Đoạn kinh sau mô tả vấn đề:

Ny Thiện Nam Tử!

Ngày kia có một Tỳ Kheo đến bạch rằng: Thế Tôn! Thế nào gọi là ngã, ai là ngã? Duyên gì mà có ngã?

Ta bảo Tỳ Kheo đó rằng: Nầy Tỳ Kheo không có ngã không có ngã sở. Ngã đó chính là trước không mà nay có, có rồi trở lại không. Lúc nó sanh không từ đâu lại, lúc nó diệt cũng không đến đâu. Dầu có nghiệp quả mà không có tác giả, không có ai rời bỏ ngũ ấm cũng như không có ai thọ lấy ngũ ấm. Như lời ông hỏi thế nào là ngã? Ngã đó chính là thời kỳ vậy.

Ai là ngã? Chính là nghiệp vậy. Duyên gì mà có ngã? Chính là ái vậy.

Nầy Tỳ Kheo! Như hai tay vỗ nhau trong đó phát ra tiếng, ngã cũng như vậy, chúng sanh, nghiệp, ái, do ba nhơn duyên nầy mà gọi đó là ngã.

Ny Tỳ Kheo! Nơi tất cả chúng sanh, sắc chẳng phải là ngã, trong ngã không có sắc, trong sắc không có ngã, thọ tưởng hành thức cũng như vậy.

Ny Tỳ Kheo! Các ngoại đạo dầu nói là có ngã nhưng trọn chẳng lìa ngũ ấm. Không bao giờ có thể nói rằng riêng có ngã rời ngoài ngũ ấm. Tất cả chúng sanh, hành nghiệp như huyễn hóa như dương diệm. Nầy Tỳ Kheo! Ngũ ấm đều là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh.”[[2]]

“Như hai tay vỗ nhau trong đó phát ra tiếng, ngã cũng như vậy…,”   nên diệt ngã hay dừng vỗ tay?  Hãy suy gẫm sẽ thấy vấn đề!

Ny Thiện nam tử! Kinh điển Đại-Niết- Bàn vi diệu nầy, lúc đức Như Lai chưa nói cũng lại như vậy. Vô lượng Bồ Tát dầu đầy đủ thật hành các Ba La Mật, nhẫn đến bậc thập trụ vẫn còn chưa thấy được Phật tánh. Lúc Như Lai đã nói, mới thấy được chút ít. Lúc Bồ Tát nầy đã được thấy, đều nói rằng: “Thế Tôn! Lạ lùng thay, chúng tôi lưu chuyển thọ vô lượng sanh tử, thường bị vô ngã làm mê lầm... .”[[3]]

[[1]] Trích kinh Hoa Thủ - Thích Bảo Lạc dịch.

([2]) Trích kinh Đại Bát Niết Bàn -Phẩm Ca Diếp Bồ Tát –HT. Thích Trí Tịnh dịch.

([3]) Trích kinh Đại Bát Niết Bàn – HT. Thích Trí Tịnh dịch.

(còn nữa)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG