Lịch Sử Và Thiền

 0
Lịch Sử Và Thiền

Bất kỳ một nền văn hóa hay tôn giáo nào khi đến vùng đất mới, muốn tồn tại luôn đòi hỏi phải thích nghi. Chính thích nghi này, sau khi đã trải qua nhiều sắc thái văn hóa của các nước lân cận, Phật giáo khi đến Việt Nam lại có thêm màu sắc mới để phù hợp với văn hóa, tập quán, phong tục, luật lệ Việt. Vì thế Phật giáo Việt Nam có bản sắc riêng theo tinh thần Việt và phù hợp với người Việt. Vì vậy thiền của người Việt cũng có cái riêng. Theo dõi sử liệu sẽ thấy thiền Việt Nam cộng hưởng nhiều loại văn hóa.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ nhất Tây lịch. Theo các sử liệu có được thì trung tâm văn hóa Phật giáo xưa nhất Việt Nam là trung tâm Luy Lâu, xuất hiện trước (chưa xác định rõ thời gian, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng từ Luy Lâu làm bàn đạp để thành lập hai trung tâm kia) trung tâm Phật giáo Bành Thành và Lạc Dương của Trung Quốc.

Sự có mặt của trung tâm này cho thấy Phật giáo Việt Nam đầu tiên đã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Phật giáo chính quốc Ấn Độ. Theo các nhà nghiên cứu, có lẽ do các nhà thương buôn và tu sĩ Ấn, khi sang Giao Chỉ đã mang theo tôn giáo của mình và truyền vào nước này, tất nhiên Phật tử bây giờ tu hành gần giống thời Phật vì chưa bị pha tạp.

Ðạo Phật truyền vào Việt Nam khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch. Tài liệu chắc chắn cho biết rằng vào hạ bán thế kỷ thứ hai, tại nước ta đã có một trung tâm Phật Giáo phồn vinh và quan trọng rồi, nhưng có thể đạo Phật đã du nhập vào nước ta trong thế kỷ đầu của kỷ nguyên.

Các tài liệu như Hậu Hán Thư trong đó có câu chuyện Sở Vương Anh theo Phật Giáo, sách Lý Hoặc Luận của Mâu Tử viết tại Việt Nam vào hạ bán thế kỷ thứ hai, kinh Tứ Thập Nhị Chương và một số tài liệu khác, cho ta thấy rằng trong đời Hậu Hán (thế kỷ thứ nhất và thứ hai) ngoài hai trung tâm Phật Giáo ở Trung Hoa, còn có một trung tâm Phật Giáo rất quan trọng khác ở Giao Chỉ, tức Việt Nam, lúc bấy giờ đang nội thuộc Trung Quốc.

Cũng trong mục đích cầu nguyện và cúng dường Tam Bảo, họ thỉnh theo thương thuyền một vị tăng sĩ. Chính những vị tăng sĩ đi theo các thương thuyền này đã lập nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu tại Giao Chỉ.

Tuy nhiên, những vị tăng sĩ đi theo các thương thuyền Ấn Ðộ chỉ vì mục đích giảng đạo và cầu nguyện cho các Phật tử trong thương thuyền. Vào cuối thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch, khuynh hướng Phật Giáo đại thừa đã nẩy nở tại Ấn Ðộ, và vào đầu thế kỷ thứ nhất của kỷ nguyên Tây lịch, các trung tâm Amaravati và Nagarjunakonda ở miền duyên hải Ðông nam Ấn Ðộ dần dần trở nên những trung tâm Phật giáo truyền bá vào các nước xa là một trong những hoa trái của đạo Phật đại thừa; chính ý hướng này đã thúc đẩy những vị tăng sĩ đi theo với các thương thuyền về Ðông Nam Á.

Trung tâm Phật giáo Luy Lâu được thiết lập do sự viếng thăm của thương gia và tăng sĩ Ấn Ðộ tới bằng đường biển, đó là một điều tất cả các học giả đều phải đồng ý. Ðạo Phật tại Giao Châu do từ Ấn Ðộ truyền sang trực tiếp, không phải là từ Trung Hoa truyền xuống.”[[1]]

Thế nhưng Phật giáo Việt Nam lại chịu ảnh hưởng không nhỏ của luồng Phật giáo Trung Quốc. Theo sử Biên Niên, thì Phật giáo du nhập vào Trung Quốc không sớm hơn Việt Nam bao nhiêu, cũng vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước Tây lịch nhằm niên hiệu Nguyên Thọ đời vua Ái Đế nhà Tiền Hán.

Chính Trung Quốc lại là nước sớm đưa người sang tận Ấn Độ để thỉnh Tăng cầu Pháp: “Đến năm 65 Tây Lịch triều vua Minh Đế niên hiệu Vĩnh Bình thứ 10 nhà Hậu Hán cử người đến Thiên Trúc để thỉnh cầu hai Thiền sư người Ấn là Ca Diếp Ma Đằng (Kàsyapama'tanga) và Trúc Pháp Lan (Dharmaraksa) đến Trung Quốc hoằng pháp. Hai vị Tăng người Ấn này đã mang đến Trung Quốc bộ Kinh Bốn Mươi Hai Chương (Sutra in 42 Sections) và trú ngụ tại Chùa Bạch Mã (Pai- ma-ssu, ngôi chùa đầu tiên ở Trung Quốc do vua Minh Đế xây dựng, đến nay vẫn còn) ở Lạc Dương để hoằng dương Phật Pháp.”[[2]]

Có lẽ do quá trình lịch sử, địa lý của hai nước Việt Nam và Trung Quốc nên thiền Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều của thiền Trung Quốc: “Kết quả của các ảnh hưởng giáo lý Bắc tông đã để lại tại Việt Nam các Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường qua nhiều thế kỷ.”[[3]]

Thiền của Việt Nam cực thịnh vào các triều đại Lý Trần. Đời Trần ba phái Thảo Đường, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, và Vô Ngôn Thông thống nhất vào thiền phái Trúc Lâm[[4]].

Sự thống nhất này làm cho thiền phái Trúc Lâm lớn mạnh, coi như giòng thiền tiêu biểu của Việt Nam, có sắc thái riêng, có hướng đi riêng.

Thiền phái Trúc Lâm coi Điều Ngự Giác Hoàng là Tổ khai sáng, một trong Trúc Lâm Tam Tổ: “Thường các nhà nghiên cứu sử cứ gọi chung các nhà Thiền sư khai nguồn Trúc Lâm là Trúc Lâm Tam Tổ: Điều Ngự Giác Hoàng - Trần Nhân Tông (đệ nhất tổ), Pháp Loa (đệ nhị tổ) và Huyền Quang (đệ tam tổ). Thực ra phải kể từ Hiện Quang Thiền Sư, đến Trúc Lâm Quốc Sư (Thiền sư Viên Chứng, thầy của vua Trần Thái Tông) đến vua Thái Tông, rồi đến vua Trần Nhân Tông (Điều Ngự Giác Hoàng), Pháp Loa và Huyền Quang.”[[5]]

Điều Ngự Giác Hoàng trước khi xuất gia là một vị vua (Trần Nhân Tông), nên sắc thái của thiền này đậm tính bác học, quý tộc. Dần dần thiền phái Trúc Lâm phát triển rộng theo đà lớn mạnh (hợp nhất 3 phái kia) và lan ra toàn xã hội do ảnh hưởng của các cao tăng là vua chúa, đại thần nhiều uy tín và đức hạnh, viết nên trang sử vẻ vang của Phật giáo Việt Nam. “Tuy nhiên Thiền tông ở Việt Nam cũng có một lịch sử rõ ràng hơn cả.

Dòng thiền tu thứ nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam do nhà sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) lập ra. Ông là người Ấn Độ, qua Trung Quốc rồi đến Việt Nam vào năm 580, tu tại chùa Pháp Vân (hay chùa Dâu), thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh và truyền cho tổ thứ hai là Pháp Hiền. Dòng thiền này truyền được đến 19 thế hệ.

Dòng thiền tu thứ hai do Vô Ngôn Thông, người Trung Quốc lập ra vào năm 820, tu tại chùa Kiến Sơ, thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Dòng thiền này truyền được đến 17 đời.

Dòng thiền thứ ba do Thảo Đường, người Trung Quốc, vốn là tù binh bị bắt tại Chiêm Thành và được vua Lý Thánh Tông giải phóng khỏi kiếp nô lệ và cho mở đạo tại chùa Khai Quốc vào năm 1069. Dòng thiền này truyền được đến 6 đời.

Năm 1299, vua Trần Nn Tông, dưới sự hướng dẫn của thiền sư Tu Trung Thượng Sỹ, xuất gia và lên tu ở núi Yên Tử, thuộc huyện Đông Triều, Quảng Ninh, thống nhất các thiền phái tồn tại trước đó và lập nên thiền phái Trúc Lâm.[[6]]  

Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, của tác giả Nguyễn Lang thì:

“Vào đầu thế kỷ thứ mười ba, ba thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, và Thảo Ðường dần dần nhập lại là một. Do ảnh hưởng  lớn  lao  của  Trần Thái  Tông  và  Tuệ Trung thượng sĩ, sự sát nhập của ba thiền phái trên đây vào nhau đã đưa tới sự phát triển lớn của thiền phái Yên Tử thành thiền phái Trúc Lâm, tức là thiền phái duy nhất đời Trần. Ðời Trần có thể được gọi là thời đại Phật Giáo Nhất Tông, tức là thời đại của một phái Phật Giáo Duy Nhất. Tông phái này xuất hiện từ núi Yên Tử mà vị tổ khai sơn là thiền sư Hiện Quang.

Thiền sư Viên Chứng hiệu Trúc Lâm, thầy của vua Trần Thái Tông, là tổ thứ hai của Phái Yên Tử, được vua tôn xưng là quốc sư. Vị tổ truyền thừa thứ ba là Ðại Ðăng quốc sư đồng sư với vua Trần Thái Tông. Một vị quốc sư khác tượng trưng cho sự lãnh đạo nền Phật Giáo thống nhất đời Trần là Nhất Tông quốc sư, đệ tử của thiền sư Ứng Thuận thuộc thế hệ thứ 16 của thiền phái Vô Ngôn Thông. Danh từ Nhất Tông mà vua Trần Thái Tông dùng để tôn xưng vị quốc sư hẳn có ý nghĩa về tình trạng thống nhất Phật Giáo trong một tông phái duy nhất.

Trước hết ta hãy xét về những ảnh hưởng tương hỗ giữa ba thiền phái đời Lý. Như ta biết, thiền phái Thảo Ðường không có cơ sở trong đại chúng bình dân, cũng không có truyền thống tu viện đặc thù, nhưng có ảnh hưởng sâu đậm tới mặt học thuật tư tưởng và thi ca trên hai thiền phái đương thời: Tuyết Ðậu Ngữ Lục đã trở thành một văn kiện được trọng dụng ở cả hai thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Thiền sư Thường Chiếu, thuộc phái Vô Ngôn Thông, đã sang làm tọa chủ ở chùa Lục Tổ, vốn là một tổ đình rất xưa của thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi: Điều này chứng tỏ hai thiền phái này lúc bấy giờ hầu như đã sát nhập nhau thành một. Thường Chiếu và đệ tử là Thần Nghi sinh hoạt trong lòng thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi đã thu thập khá nhiều tài liệu về thiền phái này để ghi chép lại trong sách Thuyền Uyển Tập Anh. Thiền sư Thường Chiếu có thể được gọi là người khởi đầu cho sự tổng hợp giữa ba thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, và Thảo Ðường và cũng là gạch nối giữa Phật Giáo đời Lý và Phật Giáo đời Trần. Ðịa vị của ông rất quan trọng.”[[7]]

Đọc một số bài kệ của các Thiền sư đời Lý, Trần ta thấy Phật giáo (thiền) thời bấy giờ vẫn còn mang màu sắc kinh điển chính thống. Hai đoạn trích dưới đây của Thường Chiếu và Hiện Quang tạm coi là tiêu biểu:

“Thường Chiếu chủ trương sự tu học chứng ngộ cần được căn cứ trên một nền tâm học vững chãi mới có thể thành tựu được. Ông nói: “Người tu đạo nếu biết rõ về tâm mình thì sẽ phí sức ít mà dễ thành công. Người tu đạo nếu không biết gì về tâm mình thì phí công vô ích.” Thấy được tâm mình là ở đây là thấy được sự liên hệ giữa chủ thể và đối tượng nhận thức. Tâm học ở đây có nghĩa siêu quá  tâm lý học, ra ngoài Duy thức. Một vị đệ tử Thường Chiếu có câu hỏi sau đây: “Khi chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức xúc tiếp nhau thì sự việc xảy ra thế nào?” (Vật ngã phan duyên thời như hà?). Thường Chiếu đáp, không còn trong vòng cương tỏa của thức: “Khi ấy, cả chủ thể và đối tượng nhận thức không còn. Tâm thức của ta vô thường, thay đổi sinh diệt từng sát na, thì làm sao có một chủ thể thường tại mà tiếp xúc với đối tượng? Tuy vậy, sinh là các hiện tượng sinh, diệt là các hiện tượng diệt; còn đối tượng chứng ngộ thì không bao giờ sinh diệt”(Vật ngã lưỡng vong! Tâm tính vô thường, dị sinh dị diệt, sát na bất đình, thùy thị phan duyên? Sinh vi sinh vật, diệt vi diệt vật, bỉ pháp sở đắc thường vô sinh diệt.”     …………………………

 “Hiện Quang dáng người và vẻ mặt thanh tú, giọng nói êm ái. Vì Hoa Dương công chúa hay lui tới cúng dường nên ông bị người ta nói ra nói vào. Do đó ông bỏ vào núi Uyên Trừng theo Pháp Giới thiền sư, thọ giới Tỳ Kheo để tu học(?). Ông nói: “Nếu ta không lấy nhẫn nhục làm áo giáp và tinh tấn làm khí giới, thì ta không thể nào phá được ma quân phiền não và đạt được quả giác ngộ vô thượng.” Sau một thời gian tu học tại đây, không muốn nhận cúng dường của tín thí nữa, ông vào rừng sống trong mười năm.”[[8]]

Như vậy mãi cho đến khi thiền phái Trúc Lâm còn hưng thịnh (trước khi suy tàn), Phật giáo thời bấy giờ ở Việt Nam vẫn y vào kinh điển tu hành, không xa mấy với Phật giáo chính thống. Thử xét kỹ đối đáp của Thường Chiếu và đệ tử:

- Vật ngã phan duyên thời như hà?

- Vt ngã lưỡng vong! Tâm tính vô thường, dị sinh  dị diệt, sát  na  bất đình, thùy thị phan duyên? Sinh vi sinh vật, diệt vi diệt vật, bỉ pháp sở đắc thường vô sinh diệt.

- Năng sở duyên nhau như thế nào?

- Năng sở đồng tịch diệt! (bởi vì trước chưa sanh nên nay không chỗ diệt).

Tâm vô thường, niệm niệm sinh diệt không cùng, nên không thể có năng tâm nhiếp lấy sở cảnh. Sở dĩ có thấy tâm cảnh là bởi do mê, nhận lầm huyễn ảo làm tâm. Các pháp tự giải thoát, sinh diệt do tự tâm bất giác. Giác ngộ các pháp như huyễn, không chỗ được. Tâm không chạy theo huyễn pháp thì tự tâm vô sanh.

Trong đoạn đối đáp trên, từ hỏi đến đáp đều như pháp, triển khai đầy đủ ý nghĩa của một pháp trên cơ sở bốn đế, không thừa không thiếu, khiến người nghe từ lời đáp này có chỗ giác ngộ.

Hiện Quang cũng y giáo pháp mà diệt trừ phiền não: “Lấy nhẫn nhục làm giáp, lấy tinh tấn làm khí giới.”

Nhưng rồi lịch sử trải qua các chuyển biến khác, mọi thứ rối lên, không đầu không đuôi. Thiền Trung Quốc một lần nữa lại ảnh hưởng mạnh mẽ ở Việt Nam qua lần xâm lược của quân Minh (Trúc Lâm bây giờ buộc phải thoái trào).

Mọi biến thái của thiền Việt Nam có lẽ bắt đầu từ đây: “Phật giáo cũng vì thế mà không hưng khởi lên được nữa. Nhất là hồi trước quan nhà Minh đã tịch thu hết kinh điển, nên dù có những bậc mộ đạo đến đâu cũng không lấy gì mà nghiên cứu. Bởi thế, các Tăng đồ lúc ấy, nhân lúc dân nước được tự lập, tự trị, dù có cố duy trì lấy đạo Phật thì chẳng qua cũng là một sự tín ngưỡng theo hình thức.”[[9]]

Điều đặc biệt, giai đoạn đầu triều đình nhà Minh tại Trung Quốc rất sùng bái Phật Giáo (Chu Nguyên Chương trước khi làm vua là chú tiểu trong chùa), nhưng đối với Đại Việt thì có những chỉ dụ ngầm cho quan binh tịch thu tiêu huỷ tất cả những gì thuộc văn hóa Phật giáo (xem Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong, Tác giả Nguyễn Lang). Có lẽ do lo sợ các cựu thần Đại Việt và con cháu nhà Trần là những Phật tử nổi lên chống Minh phục hưng nhà Trần, nên nhà Minh tìm cách dập tắt những manh nha này. Một trong những cách khắc phục lo sợ đó là tịch thu kinh điển và những thứ thuộc văn hóa có liên quan đến Phật giáo Đại Việt.

Ý đồ làm biến thái bằng cách biến Phật giáo thành đạo thờ cúng. Mộ đạo đến đâu cũng không lấy gì mà nghiên cứu. Bởi thế, các Tăng đồ lúc ấy, nhân lúc dân nước được tự lập, tự trị, dù có cố duy trì lấy đạo Phật thì chẳng qua cũng là một sự tín ngưỡng theo hình thức.”[[10]]

Ta thấy chính sách triệt tiêu Phật giáo bằng cách “ngu hóa Phật giáo” có chính sách riêng và tạo ra những tác động khác làm cho Phật giáo biến thái, trong đó nho sĩ góp phần không nhỏ:

“Nhưng trong 13 năm thuộc Minh ấy, quan Trung Hoa thì tham tàn, quan ta thì gian nịnh, tàn ác vô liêm sỉ, dân tình cực khổ, nhiều nơi kéo cờ khởi nghĩa, trong nước không lúc nào được yên. Phật giáo dù được nhà Minh ủng hộ, nhưng lại phải theo một chính sách riêng. Và từ cuối đời Trần đến đây, trong đám Tăng đồ đã kém người sáng suốt, lại bị ở dưới quyền thế của các Nho sĩ. Chừng ấy ta cũng đủ đoán biết sự điêu tàn hoang phế của nền đạo lý.”[[11]]

Trung Quốc có rất nhiều tông phái tu thiền. Lần sang Đại Việt này, ngoài các nhà truyền giáo Trung Quốc chân chánh, chắc chắn không thể thiếu những nhà xuất khẩu tài liệu Phật giáo theo đơn đặt hàng, nhằm biến dạng Phật giáo Đại Việt.

Nhân lúc ly loạn, Phật giáo không có được một trật tự như đời Trần, thì mọi hình thức biến thái dễ dàng xâm nhập. Bởi không có một sức đề kháng nào từ Phật giáo Đại Việt. Cũng không còn kinh điển đối chứng, và thường món quà Phật giáo này của nhà Minh sẽ dễ dàng chấp nhận nếu đi kèm một số điều kiện có lợi nào đó với người được cho. “Phật giáo cũng vì thế mà không hưng khởi lên được nữa. Nhất là hồi trước quan nhà Minh đã tịch thu hết kinh điển, nên dù có những bậc mộ đạo đến đâu cũng không lấy gì mà nghiên cứu. Bởi thế, các Tăng đồ lúc ấy, nhân lúc dân nước được tự lập, tự trị, dù có cố duy trì lấy đạo Phật thì chẳng qua cũng là một sự tín ngưỡng theo hình thức.”[[12]]

Từ đây mọi quy cũ, phép tắc tu hành, nhận thức về tu hành cũng méo mó theo sự du nhập này. Kinh điển chính thống nếu may mắn còn sót lại thì cũng tạm rút lui vào bóng tối, nhường chỗ cho khuynh hướng tu hành mới xuất hiện.

Khuynh hướng mới này đó là các loại thiền do Trung Quốc chế tác và du nhập vào, ngay cả tại Trung Quốc cũng đã: “Lầm lẫn danh ngôn nên chữ Ô, chữ Yên, thành chữ Mã. Thiền bệnh thời nay là do chơn giả khôn phân.” Kim Vô đệ tử của Hàm Thị cũng nói về thầy mình: “Chẳng những giũa mài cây trụ cuồng thiền cũng gồm kích dương nơi giảng tịch.”[[13]]

Mặc dù ở Đại Việt trước đây có lẽ cũng đã xuất hiện bóng dáng thiền này, nhưng như một loại tu hành cá biệt, không đáng kể. Lần “chuyển giao công nghệ” tu hành ồ ạt không được chọn lọc này vào thời Minh, đã đưa đến trào lưu tu hành không dựa vào kinh điển.

Lợi dụng câu nói của Sơ Tổ “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” làm phương châm hành động, lý thuyết giản đơn, không cần kinh điển, chỉ cần tự hô hào căn cơ lớn là được chuyển giao ngay. “Trong buổi Phật pháp suy vong, há nên lấy ngoa truyền ngoa khiến tăng sĩ khắp nước chẳng biết đạo xuất thế là gì, ù ù cạc cạc trong cơn tùy mộng.”[[14]]

Cơn tùy mộng” đã cho ra một loại cây trồng ngắn ngày, không cần nhiều đến các điều kiện phụ như: Thổ dưỡng, thời tiết, chăm bón; giống má được cấp phát rộng rãi, phù hợp với mọi đối tượng, hễ ai trồng sẽ được quả! Các mẫu chuyện thiền giống chuyện hài hước, cười ra nước mắt và thô thiển, trái với tinh thần Phật giáo được phổ biến tràn lan (cho đến bây giờ).

Trước đây Phật giáo Đại Việt (Trúc Lâm) có khuôn phép, có chỉ thú tu hành, có dạy dỗ và không xa kinh văn của Phật.

- “Thường Chiếu chủ trương sự tu học chứng ngộ cần được căn cứ trên một nền tâm học vững chãi mới có thể thành tựu được. Ông nói: “Người tu đạo nếu biết rõ về tâm mình thì sẽ phí sức ít mà dễ thành công. Người tu đạo nếu không biết gì về tâm mình thì phí công vô ích.”

- “Vật ngã phan duyên thời như hà?

- Vật  ngã  lưỡng  vong!  Tâm  tính  vô thường, dị sinh dị diệt, sát na bất đình, thùy thị phan duyên? Sinh vi sinh vật, diệt vi diệt vật, bỉ pháp sở đắc thường vô sinh diệt.”

- “Nếu ta không lấy nhẫn nhục làm áo giáp và tinh tấn làm khí giới, thì ta không thể nào phá được ma quân phiền não và đạt được quả giác ngộ vô thượng.”

Nhưng sau đó, thiền không theo một chuẩn mực nào để định lượng (bỏ mọi quy cũ, định lượng) nên mỗi người hiểu thiền một cách “ù ù cạc cạc trong cơn tùy mộng.” Không cần rõ biết nguồn tâm, không cần điều kiện giác ngộ, dẹp giới luật sang một bên, chỉ cần một vài câu nói vu vơ là có thể tu hành đạt đạo. Kiến tánh dễ dàng như người ta nhặt một đôi giày cỏ! Và kết quả thu hoạch được sau vụ mùa là bội thu về số lượng đạt đạo!

Tu là được kiến tánh ngầm hiểu như một khẩu hiệu trong cải cách Phật giáo! Và cho dù không kiến tánh nhưng người ta sẵn sàng bất chấp tất cả miễn có được địa vị, cho dù địa vị này chỉ giá trị trong chùa. “Có kẻ giày cỏ chưa mang qua một đôi, cửa chùa chưa bước qua hai bậc, một ngày kia khi làm ông thầy, sợ người ta biết rõ chân tướng, mới làm bộ lim dim con mắt, sửa giọng thanh cao, làm trò giải thoát. Những hạng người đó lạm dự vào hàng sa môn chẳng biết hổ thẹn, mượn danh hiệu Phật làm chuyện bán buôn, điều hại to lớn cho đạo là chỗ ấy”.[[15]]

Đoạn văn trên nói về Phật giáo sau thời Minh, nhưng đây là hệ quả tất yếu của những gì từ thời Minh để lại. Tất nhiên không ít cao Tăng, Phật tử nhận ra cái không tốt này nhưng đành chịu, vì đây là xu thế có tính lịch sử, phù hợp với ý đồ “Đại Quốc.” Trong lúc này ở quốc nội Nho giáo đang lên ngôi, và họ cũng mong muốn Phật giáo biến thái. Sau khi nhà Minh chấm dứt cai trị thì hậu quả của nó cũng còn dai dẳng đeo đuổi Phật giáo Việt Nam cho đến tận thời Trịnh Nguyễn phân tranh. “Ðã đành vì chiến tranh giữa Ðàng Trong và Ðàng Ngoài đã khiến cho nhiều trai tráng cạo đầu đi tu để trốn lính, và do đó số tăng sĩ thất học trở thành đông đảo, nhưng sự giáo hóa trong gần nửa thế kỷ của một số các vị cao tăng (như Nguyên Thiều chẳng hạn) có mặt đã tạo được một số trung tâm tu học chân chính đáng kể.

Ðiều này không hề được nói đến trong bài bố cáo của Thạch Liêm. Bài bố cáo để ra nhiều trang công kích những vị tăng không chân chính.

Ví dụ ông viết: “Có kẻ giày cỏ chưa mang qua một đôi, cửa chùa chưa bước qua hai bậc, một ngày kia khi làm ông thầy, sợ người ta biết rõ chân tướng, mới làm bộ lim dim con mắt, sửa giọng thanh cao, làm trò giải thoát. Những hạng người đó lạm dự vào hàng sa môn chẳng biết hổ thẹn, mượn danh hiệu Phật làm chuyện bán buôn, điều hại to lớn cho đạo là chỗ ấy.”

Ri ông kết luận: “Trong buổi Phật pháp suy vong, há nên lấy ngoa truyền ngoa khiến tăng sĩ khắp nước chẳng biết đạo xuất thế là gì, ù ù cạc cạc trong cơn tùy mộng. Lão tăng chẳng nỡ làm thinh ngồi đó, nên chẳng tránh khẩu nghiệp, nói thẳng vài lời.”.[[16]]

Như vậy, ta thấy một số tu viện chân chính cho dù các cao Tăng cố lập ra khuôn phép thì cũng không thể vãn hồi trật tự tu hành; điều này nói lên Phật giáo đã bị biến thái, suy đồi nghiêm trọng.

Bài bố cáo trên đã tố cáo mọi hiện tượng tiêu cực: “Sư tử trùng thực sư tử nhục.” Thiết nghĩ, không nên coi đó như một lời chỉ trích mà hãy coi như tiếng còi báo động khẩn cấp.

Cho đến hôm nay nhìn lại lịch sử, nỗi đau Phật giáo đi chung nỗi đau dân tộc. Và hậu quả của cuộc “chuyển giao công nghệ” tu hành lần đó còn ảnh hưởng mãi đến tận bây giờ.

Điểm sơ lược lịch sử, để thấy thiền Việt Nam đã chảy theo dòng lịch sử. Để vừa với chiếc áo lịch sử, thiền Việt Nam co giãn theo nghiệp chung của dân tộc. Rất may mắn cho Phật tử hôm nay, sau những co giãn đó chúng ta lại được tiếp tục nhìn chính mình trong cuộc đời tu hành, bằng những dòng kinh điển chính thống Phật giáo do Cổ Đức hoặc các Phật tử hiện tại đang cố công mang lại cho chúng ta. Và sự co giãn này chỉ chấm dứt khi chúng ta lấy kinh điển Phật giáo làm chỗ y cứ và giới luật làm mực thước trong đời sống tu hành.

Chỉ y cứ vào kinh điển thì mọi hoài nghi đúng sai về các loại thiền mới được giải tỏa, bởi chúng ta tu hành theo đúng lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni. Không phải tìm kiếm đâu xa trong vô vàn những lẫn lộn vàng ít cát sạn nhiều, còn sót lại của lịch sử và trong thời đại bùng nổ thông tin.

Phật di giáo: Sau khi ta nhập Niết Bàn nếu có người tuyên nói một chữ, một câu, bảo rằng đây là lời của Như Lai thì các ông đừng vội tin cũng đừng vội phê phán, đừng vội kết luận đúng sai mà hãy xem kỹ lời nói của người này có hợp với giới luật, có hợp với nghĩa kinh hay không? Nếu lời nói nào phù hợp với giới luật, phù hợp với nghĩa kinh thì biết rằng đây là lời Phật nói, nếu lời nói nào thiếu một trong hai điều này thì không phải Như Lai hoặc đệ tử Như Lai...”.[[17]]

Phật giáo không có biên giới, không có chủng tộc, không có giai cấp, vượt thời gian, vượt không gian, không bị chiếc áo lịch sử làm co giãn. Nếu Phật giáo này đúng như nguyên bản của nó, không bị pha chế, giống như vàng ròng, bao lâu, ở đâu vàng cũng là vàng và giá trị không thay đổi.

Thiền có chút gì khác biệt với đời sống thường nhật, nhưng không phải thiền xa rời mọi hoạt động xã hội; và càng không phải cứ cố mặc chiếc áo thời đại mới gọi là thiền. Dưới thời Phật cũng có bốn bộ chúng, cũng có xã hội và Phật tử, cũng là công dân của xã hội, không muốn nói là những công dân tốt, xứng đáng làm gương, và trong từng bộ chúng đều có người chứng thiền. Thế thì tại sao trong hiện tại cũng có bốn bộ chúng lại không làm được những gì người xưa làm?

Có lẽ câu trả lời không ai khác hơn chúng ta. Trong đó niềm tin vào Thế Tôn là điều tiên quyết, mà điều tiên quyết này lại không được coi trọng. Bởi lẽ nếu đủ niềm tin thì tam tạng kinh điển của Phật chả lẽ không đủ cho ta tu hành hay sao? Không lẽ đợi phải tìm kiếm ở nơi khác, hoặc pha chế cho hợp thời đại như món đồ trang sức?

Chính thái độ của người tu hành làm nên sự nghiệp tu hành chứ không do cái gì khác. Thiền của Phật tuyên nói đủ cho ba thừa tu hành, không nhất thiết tìm đâu xa.

Kinh điển như vàng ròng hãy đến đó để lấy. Nếu y theo kinh điển tu hành thì cho dù lịch sử có đổi thay, cho dù xã hội có thế nào chăng nữa, thiền vẫn không vì thế mà mất đi tính chất ban đầu như thời Phật còn tại thế.

Chánh pháp hay mạt pháp tất cả đều tại lòng người. Phật giáo không thịnh suy, chỉ tại nhân tâm suy thịnh! Những Phật tử nào còn thấy mình là con của Phật thì hãy nghe và tin Đấng Từ Phụ, đừng chạy theo những lý thuyết không căn cứ, những danh tướng của thời đại, xa rời kinh điển sẽ lại phải dẫm lên vết xe lịch sử Phật giáo đã đi qua. 

“Trước đây trên 2.500 năm chúng sanh đau khổ vì sanh tử như thế nào thì 2.500 năm sau chúng sanh đau khổ cũng giống như vậy, và trước đây chư Hiền Thánh dạy chúng sanh giải quyết đau khổ như thế nào thì bây giờ cũng chỉ giải quyết như vậy, cho tới tận cùng đời vị lai cũng chỉ giải quyết như vậy mới mong đoạn tận khổ đau.”

[[1]] Việt Nam Phật Giáo Sử Luận; Tác giả Nguyễn Lang; Nguồn Thư viện Hoa Sen.

[[2]]  Phật Giáo Khắp Thế Giới - Thích Nguyên Tạng 2001; Nguồn Website www.quangduc.com.

[[3]] Thích Chơn Thiện 1997; Nguồn Website www.quangduc.com.

[[4]] Việt Nam Phật Giáo Sử Luận; Tác giả Nguyễn Lang; SG 1973

[[5]] Thích Chơn Thiện 1997; Nguồn Website www.quangduc.com.

[[6]] Nguồn -Wikipedia.

[[7]] Việt Nam Phật Giáo Sử Luận; Tác giả Nguyễn Lang; Nguồn Thư viện Hoa Sen.

[[8]] Việt Nam Phật Giáo Sử Luận; Tác giả Nguyễn Lang; Nguồn Thư viện Hoa Sen.

[[9]] Phật Giáo Việt Nam Sử Luận, Tác giả Thích Mật Thể

[[10]] Phật Giáo Việt Nam Sử Luận, Tác giả Thích Mật Thể

[[11]] Phật Giáo Việt Nam Sử Luận, Tác giả Thích Mật Thể.

[[12]] Phật Giáo Việt Nam Sử Luận, Tác giả Thích Mật Thể.

[[13]] Lăng Già Tâm Ấn trang VIII, XII; HT. Thanh Từ dịch 1975.

[[14]] Phật Giáo Việt Nam Sử Luận, Tác giả Thích Mật Thể.

[[15]] Phật Giáo Việt Nam Sử Luận, Tác giả Thích Mật Thể.

[[16]] Phật Giáo Việt Nam Sử Luận, Tác giả Thích Mật Thể

[[17]] Trích tóm luợc kinh Di Giáo.

(còn nữa)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG