Thiền Của Phật Giáo và Các Loại Thiền

Nếu cách dạy và học thế gian ngoài bài giảng còn có đồ dùng dạy học và các hỗ trợ kỹ thuật để học sinh dễ tiếp thu, thì trong Phật giáo cũng có một số biện pháp hỗ trợ cho người học thực hành những gì mình tiếp thu được nơi người thầy. Biện pháp này vừa là trợ huấn cụ vừa là phần kỹ thuật có giá trị thực nghiệm. Thiền trong Phật giáo là loại công cụ này.
Trước khi tìm hiểu các loại thiền Phật giáo, cũng nên có cái nhìn tổng quát về thiền. Căn cứ kinh điển ta thấy thiền có nhiều loại, mỗi loại tiêu biểu cho một dạng người học và một hình thức giảng dạy nào đó vào thời điểm nhất định gọi là hợp thời, hợp căn cơ.
Mỗi căn cơ trong thời điểm thích hợp, vị thầy sẽ có một số bài giảng tương ứng với tâm tình và trí tuệ người học. Người học đem những điều tiếp thu ứng dụng thực tế để tìm kiếm cứu cánh, công việc này Phật giáo gọi là thiền.
Vì thế thiền của Phật giáo được coi như công cụ hỗ trợ giúp người tu hành đạt mục đích. Giống như con người lấy chiếc xe làm phương tiện đi lại.
Thật ra khi nói thiền chỉ là cách nói vắn tắt của hai từ thiền định. Bởi thiền như cỗ xe, định như bến đỗ, chiếc xe không thể thiếu bến đậu, vì vậy thiền có mục đích của nó.
Cũng chính việc tìm kiếm mục đích mà các loại thiền khác nhau ra đời. Mỗi loại thiền tương thích với một hành trình mà quãng đường và loại hình giao thông quyết định phương tiện. Không thể dùng phương tiện giao thông này cho loại hình giao thông kia. Giống như không thể dùng xe hơi để đi biển, hay không thể dùng xe lớn đi vào đường nhỏ.
Tu thiền nếu không am tường một số khái niệm cơ bản thì sẽ rất khó khăn. Không muốn nói là không khả thi nếu dùng sai phương tiện. Thực tế không thiếu những trường hợp sử dụng loại phương tiện không hợp lý.
Vì sao người tu hành lại không sử dụng đúng phương tiện? Rất đơn giản là vì không biết rõ mục tiêu phải đến, và chưa tìm hiểu cặn kẽ đoạn đường mình phải đi qua.
Vì thế giáo lý cơ bản, cứu cánh của ba thừa, và giác ngộ chính là những điều kiện quyết định phương thức tu hành. Giáo lý cơ bản giống như học lái xe hay thuyền. Cứu cánh ba thừa là nơi chốn phải đến, giác ngộ là biết rành con đường mình đi qua, trạm dừng cuối cùng, và gặp gỡ mục tiêu.
- Trong tu thiền người thầy hay còn gọi thiện tri thức đóng vai trò rất quan trọng, là người hướng dẫn am tường mọi ngõ ngách của tâm để đưa ra các biện pháp hay phương tiện hợp lý.
Thiếu thiện tri thức người tu thiền tự mày mò tìm cách tu tập giống như người đi biển tự bơi trên con thuyền của mình mà không có thuyền trưởng nhất định sẽ thất bại. Trong đời không thiếu những người tự bơi và lênh đênh nhiều ngày, cuối cùng nhìn lại thấy mình còn ở nguyên chỗ cũ hoặc lạc vào bến bờ nào đó xa lắc không can dự gì đến mục đích tìm kiếm.
- Có thể thấy điều này khi tiếp xúc với những người mệnh danh là tu thiền, họ kể về hành trình điểm đến hoàn toàn xa lạ với những gì Phật giáo đề ra.
Nói như vậy không có nghĩa không có thiện tri thức thì người tu hành không tu được. Người tu thiền nếu biết dựa vào một số điều cơ bản thì đây chính là thiện tri thức của mình. Những điều cơ bản đó là ‘kinh điển’ và ‘giới luật’. Đây là hai ông thầy quyết định thành công hay thất bại trong hành trình dài để bơi qua biển lớn sanh tử. Mà Phật là vị thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm đã để lại cho người sau.
- Kinh điển chính là bài học được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn của vị thuyền trưởng đã khai sinh ra con đường vượt biển sanh tử và là thực tế truyền dạy các học trò của mình. Tất cả đều thành công trong hải trình gian nan đầy sóng dữ.
- Giới luật như những biện pháp phòng ngừa mọi tai ách nhất định xảy ra. Đây là giáp trụ, là chiếc phao cứu sinh khi gặp bảo tố phong ba, là ngọn hải đăng, là chiếc hải bàn chỉ đường cho con thuyền không lạc lối.
- Chính xác hơn ‘kinh điển và giới luật’ là những trang bị tối cần thiết cho một chuyến đi xa. Thiếu một thứ mà mong rằng chuyến đi thành công là điều không tưởng.
I. CÁC LOẠI THIỀN
Nếu phân tích cụ thể Phật giáo có mấy loại thiền thì không dễ. Bởi lẽ người tu hành khi giác ngộ thấu đáo sẽ có thể dùng nhiều phương tiện để đạt mục đích cao nhất.
Tùy theo lộ trình khi nào dùng loại phương tiện gì phù hợp sẽ tự biết. Giống như người đi xa qua nhiều lộ trình với nhiều địa hình khác nhau sẽ tùy nghi sử dụng phương tiện hợp lý.
Tuy nhiên vẫn có những phương tiện dẫn khởi, những phương tiện này được coi là tiêu biểu cho các loại thiền. Căn cứ vào sức giác ngộ của ba thừa tạm phân chia để có một vài khái niệm căn bản về thiền.
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






