Khái Niệm Nghĩa Không

 0
Khái Niệm Nghĩa Không

Nghĩa không được coi là tư tưởng chủ đạo trong hệ thống kinh nghĩa đại thừa. Nghĩa này đề cập nhiều trong kinh Đại Bát Nhã, đây là biện pháp sạch hóa nguồn tâm sau khi đã được lắng trong từ nhiều phương tiện giáo ba thừa.

Có nghĩa ba thừa sau khi thân chứng, Phật đưa họ đến chuẩn chung là các pháp tự tâm hiện. Từ đây giảng nói nghĩa không để làm sạch những gì còn thừa sót trong thời kỳ tu phương tiện.

Nghĩa không vượt ra ngoài giới hạn phương tiện, kinh Đại Niết Bàn Phật có nói: “Phật tánh có thể khéo dùng phương tiện để thấy, còn nghĩa không thì không thể dùng phương tiện gì đến được.”

Nghĩa không trong Phật giáo để trừ bệnh hữu, khi bệnh hữu dứt thì nghĩa không cũng tự thanh tịnh.

Vì vậy, nghĩa không không phải pháp làm ra.

Nếu quyết đi tìm một nghĩa không nào đó, chẳng khác đi tìm lông rùa sừng thỏ. Nghĩa không cũng không phải là pháp, nếu cho rằng có một pháp không để tầm cầu tu chứng thì chẳng khác nào nói rằng hốt hư không đem cất.

Vì thế, khái niệm ‘không’ chỉ có thể đến được khi nào tất cả hữu vi pháp trong tâm đồng thanh tịnh.

Đoạn kinh sau Phật mô tả rất rõ nghĩa không:

Lúc đó, Bồ Tát Văn-thù-sư-lỵ bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Như Phật nói: “Quá-khứ đã diệt, vị-lai chưa đến, hiện-tại không trụ, hết thảy tâm-pháp có trong ba đời, bản-tính của nó đều không, vậy tâm Bồ Đề kia, nói vào cái gì mà gọi là “phát”?   Lành thay, Thế Tôn! Xin Ngài vì tất cả mà giải-thuyết cho, để cho tất cả dứt bỏ được các màn lưới ngờ-vực, mà đạt tới nơi Bồ Đề!”

Đức Phật bảo Bồ Tát Văn-thù-sư-lỵ: “Thiện nam tử! Trong các tâm-pháp khởi ra mọi tà-kiến; vì muốn dứt trừ sáu mươi hai kiến, cùng mọi thứ tà-kiến khác, nên Ta nói tâm, tâm-sở-pháp là “không.” Như thế, là các “kiến” kia không còn chỗ nương-tựa nữa. Ví như rừng-rú xanh-tốt kín-mít, sư-tử, voi trắng, hùm, beo, thú dữ lẩn ở trong ấy nhả độc hại người, làm cho vắng-bặt dấu-vết người đi. Lúc đó, có bậc trí-giả đem lửa đốt rừng; vì rừng trống, các thú dữ không còn sót lại. “Tâm” không, “kiến” diệt, cũng như thế!”

Lại, thiện nam tử! Bởi nhân-duyên gì lập ra nghĩa “không” ấy? – Vì muốn diệt phiền não từ vọng tâm sinh ra mà nói là “không.”

Thiện nam tử! Nếu chấp“không-lý” là cái “hữu” (có) cứu-cánh, thời ngay “không-tính” cũng không; chấp “không” thành bệnh, cũng nên trừ bỏ! Sao vậy? - Nếu chấp nghĩa “không” là cứu-cánh, các pháp đều không nhân, không quả, thời có khác gì với ngoại-đạo: Lộ-già-gia-đà (Thuận- thế ngoại-đạo)?

Thiện nam tử! Như thuốc A- già-đà (bất-tử-dược) chữa khỏi các bệnh, nếu người có bệnh uống thuốc ấy quyết khỏi; bệnh đã khỏi rồi, thuốc cũng theo bệnh mà bỏ và nếu không có bệnh mà uống thuốc, thuốc trở lại thành bệnh.

Thiện nam tử! Trước đặt ra thuốc “không” là để trừ bệnh “hữu” (có); chấp “hữu” thành bệnh, thời chấp “không” cũng thế. Ai là bậc trí-giả lại uống thuốc để mang bệnh?

Thiện nam tử! Nếu khởi ra “hữu-kiến” còn hơn khởi ra “không-kiến”; có thuốc “không” trị bệnh “hữu,” chứ không có thuốc nào trị bệnh “không” cả.

Thiện nam tử! Bởi nhân-duyên ấy, uống thuốc “không” trừ tà-kiến rồi, tâm tự giác-ngộ, phát ra Bồ Đề, tâm giác-ngộ ấy tức là tâm Bồ Đề, chứ không có hai tướng.

Thiện nam tử! Tâm tự giác-ngộ có bốn nghĩa. Những gì là bốn?

Các phàm-phu có hai tâm, chư Phật, Bồ Tát có hai tâm.

Thiện nam tử! Hành-tướng hai tâm của phàm-phu thế nào?

  • Một là, từ nhãn-thức cho đến ý-thức, nhân-duyên tự-cảnh là “tự-ngộ-tâm.”
  • Hai là, lìa tâm, tâm-sở-pháp của năm căn, hòa hợp duyên cảnh là “tự-ngộ-tâm.”

Thiện nam tử! Hai tâm như thế hay phát Bồ Đề!

Thiện nam tử! Hành-tướng hai tâm của Thánh- hiền thế-nào?

  • Một là, quán chân-thực-lý-trí.
  • Hai là, quán nhất-thiết-cảnh-trí.

Thiện nam tử! Bốn nghĩa như thế là “tự-ngộ-tâm.” [[1]]

Có thể nói trong Phật pháp nghĩa không cực kỳ sâu thẳm, chẳng phải thế trí có thể vào được. Đây là vùng trắng” trong tâm.

Ba thừa phải trừ sạch những gì được gọi là “hữu dư y” mới có được “vùng trắng” này. Nghĩa không chính là tờ giấy trắng để viết lên đó những dòng chữ đầu tiên của trí tuệ Bát Nhã.

Tột cùng nghĩa không lại chẳng phải không. Nếu tột không là không thì Bát Nhã không thể hiện. Đoạn kinh sau thầm chỉ nghĩa này:

“Lại giải thoát gọi là không mà chẳng không. Như bình đựng nước đựng sữa, dầu không nước không sữa nhưng vẫn được gọi là bình nước, bình sữa. Các thứ bình đây không thể gọi là không hay chẳng không được.

Nếu nói là không thời không được có sắc, hương, vị, xúc. Nếu nói là chẳng không thời lại không có nước sữa.

Giải thoát cũng vậy không thể nói là sắc cùng với chẳng phải sắc. Chẳng thể nói là không cùng với chẳng phải không. Nếu nói là không thời chẳng được có thường, lạc, ngã, tịnh. Nếu nói là chẳng không thời ai thọ thường, lạc, ngã, tịnh nầy.

Vì những nghĩa ấy nên không thể nói là không cùng với  chẳng không. Không là nói không hai mươi lăm cõi và các phiền não, tất cả sự khổ, tất cả tướng, tất cả hạnh hữu-vi. Như bình không nước thời gọi là không.

Chẳng không là nói chơn thiệt thiện sắc: Thường, lạc, ngã, tịnh, chẳng động, chẳng biến. Như sắc, hương, vị, xúc của cái bình, thời gọi là chẳng không. Vì vậy nên giải thoát dụ như cái bình kia.

Cái bình kia gặp duyên thời bị bễ hư. Giải thoát không hề bị hư hoại. Không thể hư hoại là chơn giải thoát. Chơn giải thoát tức là Như Lai.”[[2]]

Tóm lại, Phật nói nghĩa không để chỉ cõi hữu trong tâm không thật. Vì thế muốn thấy nghĩa không không phải tu pháp không mà phải thanh tịnh cái hữu. Khi cái hữu thanh tịnh thì hữu ấy tức không, vì thế kinh nói: “Sắc tức thị không” chẳng phải hữu tâm biết được.

[[1]] Trích kinh Đại Thừa Bản Kinh Tâm Địa Quán –HT. Thích Tâm Châu dịch.

[[2]]  Trích kinh Đại Bát Niết Bàn –HT. Thích Trí Tịnh dịch.

(còn nữa)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG