Khái Niệm Ngũ Trược

 0
Khái Niệm Ngũ Trược

Ngũ trược là khái niệm đặc trưng của Phật giáo, khái niệm này nếu hiểu rõ sẽ giúp người tu hành có thể ngay trong cõi đời được mệnh danh là ác thế ngũ trược được an vui.  Ngũ trược gồm năm món:

Kiếp trược;

Kiến trược;

Phiền não trược;

Chúng sanh trược;

Mạng trược.

Năm món trược là tiến trình dẫn dắt từ mê lầm này đến mê lầm khác. Vì vậy ngũ trược cũng có tính kế thừa của nó, tức cái này có nên cái kia có, và cái này không nên cái kia không.

  • Thật ra năm món này chỉ từ một mê lầm ban đầu là ‘kiếp trược’ cho ra hệ quả của nó là những trược sau, do vậy chỉ cần một món không bị trược thì các món khác tự thanh tịnh.

Để thấu suốt năm món này, quan trọng là thấu suốt chữ ‘trược’ và hiểu vì sao nó trược, khi hiểu biết tận nguồn cơn thì khái niệm này sẽ giúp người tu hành rất lớn trong con đường tìm kiếm thanh tịnh tự thân.

Sau đây là đoạn kinh Phật định nghĩa về chữ trược:  Thế nào là trược? A Nan, ví như nước trong, bản nhiên là trong sạch, lại như những thứ bụi, đất, tro, cát bản chất là ngăn ngại; hai bên bản nhiên thể chất khác nhau, không hợp nhau được. Có người thế gian lấy đất bụi kia, ném vào nước sạch, thì đất mất ngăn ngại, nước mất trong sạch, hình trạng vẩn đục, gọi đó là trược; năm lớp ô trược của ông cũng giống như vậy.”[[1]]

Theo tinh thần đoạn kinh “trược” là sự vẩn đục làm ngăn ngại, vấn đề ở đây được đặt ra là cái gì bị vẩn đục? Cái gì bị ngăn ngại?

        “Nhất thiết Phật ngữ tâm”;

Có nghĩa hết thảy Phật nói về tâm, tức tâm (chơn tâm) bị cái gì đó làm vẩn đục và ngăn ngại.

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm Phật nói rất nhiều về sự ngăn ngại và vẩn đục này, nếu loại sạch thứ đã làm vẩn đục thì ngăn ngại không còn hay ngược lại.

Vẩn đục ngăn ngại như thế nào, có thể đưa thêm một ví dụ để làm sáng tỏ vấn đề?

Giống như một hồ thủy tinh trong suốt người ta đổ đầy nước sạch và nuôi cá trong đó, con cá bơi lội trong hồ nước trong này, nếu đem một vài giọt mực màu đỏ đổ vào lập tức hồ nước biến thành màu đỏ. Con cá bây giờ sinh hoạt trong vùng nước đỏ, thấy biết của con cá không thoát ra khỏi sự vẩn đục và che chướng bởi môi trường có màu sắc này.

Thì cũng vậy, chơn tâm vốn thanh tịnh trong suốt như hư không nhưng đã bị thân và các kiến chấp do dục ái nhiễm vào tâm này bị vẩn đục và ngăn ngại từ đó làm sai lệch thấy biết, biến trong sạch thành nhiễm ô. Bây giờ mọi thấy biết không ra khỏi thân nghiệp và dục ái.

Lẽ ra các pháp không phải tướng sở tri nhưng tham ái làm cho thấy biết sai lệch thành sở tri, sở tri quay lại làm chướng bổn tâm sanh phiền não. Phiền não cấu vào tâm làm chướng nguồn tâm gọi là phiền não chướng. Khi hai thứ chướng này hiện khởi, tâm đồng biến thành dị, các pháp bản lai không đối đãi tự dưng thành đối đãi. Pháp giới thanh tịnh trở thành pháp giới chúng sanh, có sinh diệt, từ đây mọi thứ lập bày.

Đoạn kinh sau nói rõ điều này:  “Do nghĩa đó, ông nên xét các pháp làm ra trong thế gian, đều thay đổi sinh diệt. A Nan, các pháp đó không có gì tồn tại vì nó là thứ làm ra, duy chỉ có hư không là không thể diệt, vì sao?  Vì hư không không phải cái làm ra, mà cái gì không do làm ra thì chẳng thể diệt mất. Suy lại trong thân ông, tướng cứng là địa đại, thấm ướt là thủy đại, hơi ấm là hoả đại, lay động là phong đại, bốn món này ràng buộc lấy ông chia thành thấy nghe hay biết làm cho tâm tính diệu minh bỗng dưng bị chia cắt tạo thành thứ lớp, thấy có thứ lớp nên gọi ngũ trược.”[[2]]

Tâm tính diệu minh bị thân ngăn che, các căn thân bị chi phối bởi nghiệp thức, thức làm cho năm căn thân lay động, ý thức xét sự việc theo nghiệp. Chúng sanh thấy không khỏi mắt, nghe không khỏi tai, các căn theo ý thức nhiếp trần cảnh chia chẻ pháp được thấy dường như sai khác, vì thế một tâm mà hiện ra nhiều thứ.

Giống như cái đèn trên sân khấu, chỉ một ngọn đèn nhưng khi chiếu qua các màu khác nhau, biến sân khấu thành nhiều màu.

  • Tâm (tên gọi khác của thức) chiếu qua các căn biến bản nguyên thanh tịnh trở thành sai biệt.

Muốn chấm dứt sai biệt loạn động, người tu hành không chạy theo thấy nghe của căn hư dối, căn hư dối không nhiễu loạn tâm, tâm được trả trở về bản lai thanh tịnh. Ý thức không bị thức chi phối chỉ còn lại ý căn, pháp giới chúng sanh ô trược trở lại bản nguyên thanh tịnh, giống như hang động tối ngàn năm nay được sáng, hay chiếc đèn chiếu không bị các tấm giấy màu làm sai lệch màu sắc ánh sáng.

Khi rút tấm giấy màu khỏi đèn chiếu thì cái làm ra là màu sắc (ngăn ngại sự sáng) bị diệt chứ không phải ánh sáng bị diệt. Các pháp hư vọng do thấy nghe làm ra bị diệt mất, không phải thấy biết thanh tịnh bị diệt.

  • Nguồn tâm không bị nhiễu loạn gọi là chơn tâm.

Hư vọng tâm bị diệt chơn tâm sẽ hiện, giống như nước đục lắng trong, nước đục bị lắng nước trong sẽ hiện.

Thân tâm chúng sanh bơi lội trong hồ nước nhiễm ô ái dục. Giống con cá bơi lội trong hồ nước màu, con cá từ sống đến chết gắn bó với hồ nước nhiễm ô màu sắc không thể tự thoát.

− Con người sống chết hít thở ăn ngủ trong pháp giới nhiễm ô gọi là ‘kiếp trược’.

− Ở trong kiếp trược mọi thấy nghe đều ảnh hưởng bởi kiếp trược gọi là ‘kiến trược’.

− Khi thấy nghe đã bị trược làm cho sai lầm cái biết thì nhất định phiền não sẽ sanh gọi là ‘phiền não trược’.

− Trong tâm có phiền não và bị phiền não che mờ làm ngăn ngại bổn tâm thanh tịnh gọi là ‘chúng sanh trược’.

− Đã là chúng sanh thì thân tâm bây giờ là thân tâm chúng sanh, mọi hoạt động từ thân tâm phát ra đều là của một chúng sanh nên gọi là ‘mạng trược’.

Năm trược là hệ lụy của một chuỗi sai lầm từ trược ban đầu là kiếp trược. Nếu chúng sanh không nhỏ giọt nước ái dục vào pháp giới thì pháp giới này đâu bị trược. Giống như hồ nuôi cá kia không bị nhỏ giọt mực màu thì hồ nước đâu bị nhiễm ô. Nếu tâm ông A Nan không bị giọt nước ái dục làm nhiễm ô thì đâu bị nạn Ma Đăng Già.

Chúng sanh cũng vậy nếu không có dục ái thì đâu có thân, không thân thì thấy nghe hay biết đâu bị chi phối bởi các căn, các căn không bị ái dục chi phối thì thân tâm đâu thành nghiệp, ba nghiệp nhiễm ô thì kiếp đời trở thành kiếp trược. Sự xoay vần trói buộc lẫn nhau này cột trói kiếp đời chúng sanh.

Muốn thoát ra khỏi cột trói này phải từ sự vận hành của nó mà mở. ‘Giác ngộ bản lai thanh tịnh’ thì ‘kiếp trược’ tự mất, mở gút trói đầu tiên. Nếu không thanh tịnh được bản tâm thì nhắm ngay thấy nghe tu tập, lắng trong thấy nghe thì gút thứ hai chấm dứt, hai gút này mở được thì các gút sau tự mở. Phiền não trược chỉ là hệ quả của kiếp trược và kiến trược, giống như thấy đèn có quầng là hệ quả của con mắt (trên thân) bị bệnh. Chúng sanh trược và mạng trược là kết quả của phiền não thân tâm, vì thế Phật dạy: “Thân chúng sanh do phiền não và nghiệp làm thành.”

Hiểu biết thấu đáo ý nghĩa ngũ trược chính là hiểu biết thân tâm và pháp giới này. Thân tâm và pháp giới không phải hai, cái này hết trược thì cái kia thanh tịnh và ngược lại.

Chính nguyên lý này chư Phật lập nên các tịnh quốc độ để chúng sanh về đó sống trong môi trường không bị nhiễm ô.

Môi trường không nhiễm ô thì kiếp đời không bị trược, cái này làm nhân cái kia làm quả, quả nhân đắp đổi cho nhau, cái này sanh cái kia sanh, cái này diệt cái kia diệt, triết lý căn bản này làm chúng sanh khổ đau và cũng làm chúng sanh thanh tịnh.

[[1]] Trích kinh Thủ Lăng NghiêmTâm Minh dịch.

[[2]] Trích kinh Thủ Lăng NghiêmTâm Minh dịch.

(còn nữa)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG