Khái Niệm Nhất Thiết Trí

 0
Khái Niệm Nhất Thiết Trí

- Nhất thiết trí được coi như đích đến của Bồ Tát.

Đây là trí huệ sau cùng phải đạt được. Có thể nói nhất thiết trí là nhân, Vô Thượng Bồ Đề là quả, vì rằng không có trí này thì không thể chứng đạo quả cao nhất là Phật quả.

Nhất thiết trí là tên gọi một thứ trí trong mười một trí đó là: Khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, tỷ (loại) trí, pháp trí, tận trí, vô sanh trí, nhất thiết trí, đạo tướng trí, và nhất thiết chủng trí.

Từ nhất thiết trí đến nhất thiết chủng trí khoảng giữa là đạo tướng trí. Trí này chỉ là sự kế thừa của nhất thiết trí, nó cho phép biết rõ căn cơ của mỗi chúng sanh nên việc giáo hóa chính xác. Nếu không có trí này thì phương tiện sẽ không thiện xảo.

Nhất thiết trí về phần căn bản không khác Phật trí (nhất thiết chủng trí), nhưng độ sâu thì không thể nào bằng. Đây là đặc thù của Phật giáo.

Mọi Phật tử dù thâm sâu đến đâu cũng là tướng đệ tử. Ví như khi Phật tuyên cáo trước đại chúng:

Những gì Ta biết Ca Diếp cũng biết, những gì Ta thấy Ca Diếp cũng thấy, những gì Ta chứng Ca Diếp cũng chứng, vậy Ca Diếp ông hãy lên đây Ta chia nửa tòa ngồi.

Ca Diếp nói: Bạch Thế Tôn, con chỉ được phép ngồi ở đây. Vậy Ta hỏi ông, này Ca Diếp Ta là thầy hay ông là thầy. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là thầy còn con là đệ tử. Phật bảo: Đúng thế, này Ca Diếp, vậy ông tiếp tục ngồi ở dưới.”

Phật tuyên cáo trí tuệ Ca Diếp không thua Phật, nhưng công đức chỉ đủ là tướng đệ tử. Hoặc ngài Văn Thù Sư Lợi giáo hóa vô số người thành Phật, nhưng khi gặp Phật phải đảnh lễ và nghe Phật thọ ký cho mình.

Thọ ký là một đặc điểm của nhất thiết chủng trí mà nhất thiết trí thì không bao giờ biết được.

Ví dụ Văn Thù có thể đủ trí tuệ giáo hóa người thành Phật, nhưng khi nào người đó chứng Vô Thượng Bồ Đề thì Văn Thù không thể biết. Đây là một trong những nét khác nhau của hai loại trí này.

Vì thế Phật thọ ký từ Phật này đến Phật sau khoảng giữa không Phật, nghĩa là từ Thích Ca Mâu Ni đến Di Lặc trong cõi Diêm Phù khoảng giữa không có Phật ra đời. Phật ở đây là Phật đủ mười danh hiệu hay còn gọi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Phần trước có đề cập một trong những điều kiện để học nhất thiết trí, tâm phải hoàn toàn tinh sạch, không còn dấu vết của phiền não, và phải cầu thiện tri thức.

Cầu thiện tri thức gần như điều kiện bắt buộc mà trong các kinh giáo Bồ Tát Phật luôn luôn đề cập. Vì chúng sinh tự thân không thể thoát ra khỏi chính mình, cũng như không thể nắm tóc để tự nhắc mình lên khỏi mặt đất.

- Nhất thiết trí là gì?

Là phần hội tụ cao nhất của công đức và trí tuệ.

Vì thế làm sạch phiền não để tích lũy công đức và gần gũi thiện tri thức để sinh trí tuệ, thiếu một trong hai thứ này thì không thể có được nhất thiết trí.

Hai bộ kinh tiêu biểu cho việc này là Hoa Nghiêm và Đại Bát Nhã, Hoa Nghiêm có Thiện Tài Đồng Tử, Đại Bát Nhã có Tát Đà Ba Luân đi cầu thiện tri thức để học nhất thiết trí là một điển hình.

Tiền thân Thích Ca Mâu Ni cũng đã từng gieo mình cho quỷ ăn thịt cầu học bốn câu kệ của Phật xưa. Huệ Năng sau khi nghe kinh Kim Cang giác ngộ bổn tâm, nhưng phải đến Ngũ Tổ cầu học.

Trong phần trình kệ khi nói: “Bổn lai vô nhất vật,” có nghĩa bổn tâm đã sạch. Về nguyên tắc bổn tâm đã sạch thì còn cầu gì nữa. Nhưng sự thật không phải như vậy, đêm vào tịnh thất khi nghe Ngũ Tổ giảng lần nữa kinh Kim Cang, Huệ Năng thốt lên những lời lẽ đầy bất ngờ: “Nào dè tự tánh...”  Một phát hiện mới không giống những gì trước đây Huệ Năng đã hiểu. Bây giờ mới chính thức nối truyền y bát làm Tổ đời thứ sáu.

Những ví dụ điển hình trên để thấy phần việc làm sạch phàm tâm ba thừa có thể tự giác ngộ, nhưng học nhất thiết trí thì không thể tự mình đảm đang.

- Học nhất thiết trí là học những gì?

Chữ nhất thiết trí có nghĩa trí biết khắp các môn giải thoát của chư Phật. Biết tất cả các loại phương tiện giáo dạy chúng sanh trong Phật đạo. Biết căn nguyên thành lập pháp giới chúng sanh và pháp giới thanh tịnh.

Nói chung nhất thiết trí có thể giải mã không sai lệch tất cả những gì chư Phật nói ra. Tổ Huệ Năng không biết chữ, nhưng có thể giảng thuyết tất cả kinh điển nếu có người đọc cho nghe phần văn tự.

Không nên nhầm tưởng học xong nhất thiết trí bỗng dưng mình có thể biết tất cả ngoại ngữ hay có thể chế máy bay. Vì đây là chuyện thế gian, cái gì học thì biết cái đó, cái gì không học thì không thể biết. Học nhất thiết trí là học Phật pháp, không phải học thế gian pháp.

Nhất thiết trí là môn học, khi học xong sẽ sanh một thứ trí tuệ mới nên kinh thường dịch là nhất thiết trí trí tức là cái trí nhất thiết trí.

Đạo Phật là đạo trí tuệ, lấy trí tuệ làm mục tiêu tối thượng: “Duy tuệ thị nghiệp.” Phật thành đạo quả vô thượng là nhờ đầy đủ trí tuệ.

Trí tuệ Phật giáo không giống trí tuệ thế gian.

  • Trí tuệ thế gian là học và hiểu biết những gì nhằm phục vụ cho đời sống con người trong ý nghĩa thế tục, có khuynh hướng thiên về vật chất.
  • Trí tuệ Phật giáo học và hiểu biết những gì nhằm phục vụ cho những ai có mong muốn thoát ra khỏi phiền não trong đời, có khuynh hướng tinh thần.

Vì thế giữa hai thứ trí cách học và cách dạy không giống nhau, thế gian việc học mang tính kế thừa và tỷ lệ thuận thời gian, phải qua từng cấp lớp và độ tuổi. Phật pháp có người học một đời có người học một ngày, từ học đến thành tựu không theo một quy luật nào cả.

Thế gian học hành phải có trường lớp, giáo trình, và được trợ giúp bởi các thành tựu kỹ thuật.

Phật giáo không giáo trình, giáo án, chỉ một gốc cây là đủ. Cho nên trong cách học và dạy giữa hai loại trí, không thể so sánh và đòi hỏi giống nhau. Đối với Phật pháp nếu có được sự hỗ trợ công cụ như thế pháp thì tốt, không có hoàn toàn chẳng ảnh hưởng gì đến cách giáo dạy của mình.

  • Liên quan đến nhất thiết trí có khái niệm ba thân tức: Báo thân, hóa thân, và pháp thân.

Ba thân Phật được tuyên nói rải rác trong các kinh.

  • o thân’ là thân được sinh ra lớn lên đi tu thành Phật mà mọi chúng hữu tình nếu đủ phước đức, sinh cùng thời, và có duyên sẽ thấy. Ví dụ như ngày xưa người ta thấy sa môn Cù Đàm.
  • Hóa thân’ là thân hóa sanh, thân này chúng sanh đủ công đức làm nên. Ví như các Bồ Tát thấy Phật thuyết pháp phóng quang.
  • Pp thân’ là thân hư không, chỉ khi nào viên mãn trí tuệ mới thấu suốt.

Ba thân Phật là sự thị hiện mang tính đánh giá cấp độ tu hành công đức trí tuệ, khi nào đủ phước đức nhân duyên sẽ gặp Cù Đàm. Nếu theo học sẽ được giáo dạy ra khỏi sanh tử, chứng thánh vị nhị thừa, được thiên nhãn, huệ nhãn.

Những ai đủ công đức sẽ được thấy hóa Phật, nếu theo học sẽ được giáo dạy Bồ Tát thừa, viên mãn có được pháp nhãn.

Người nào có sức trí tuệ lớn sẽ thấy pháp thân, một khi thấy thân này nhất định viên mãn trí tuệ có đủ ba nhãn trước và một phần Phật nhãn.

Cho nên có thể nói học nhất thiết trí là một loại hình học tập khi tốt nghiệp sẽ được cấp văn bằng thấy pháp thân Phật.

Mỗi thứ đều có cái giá của nó, không thể niềm tin trí tuệ như thế này mà có thể thấy hoặc biết cái kia, đây là đặc trưng của Phật giáo. Vì thế không nên hỏi vì sao trong kinh nói Phật phóng quang như thế này như thế kia mà tôi không thấy.

Điều này chỉ nên hỏi lại chính mình có được bao nhiêu công đức, thiếu thì chịu khó tích lũy. Phật giáo không có chuyện thiếu đến ngân hàng vay để mua rồi trả góp. Làm cái gì để phát sanh công đức? Khi nào khái niệm ‘làm’ chấm dứt thì công đức phát sanh. Công đức là thể của thanh tịnh.

Bao giờ hoàn toàn thanh tịnh không còn một khái niệm hiện hữu thì công đức sẽ hiện.

Như thế nào được gọi là trí tuệ Phật giáo?

Không như thế nào mới được gọi trí tuệ?

Như cái gì thì là cái đó chứ không thể gọi trí tuệ.

Vì thế trí tuệ này không do học mà được, nhưng không đi cầu học thì sẽ không bao giờ có trí tuệ.

Xin trích một vài đoạn kinh mô tả cung cách đi học nhất thiết trí:

Kinh Đại Bát Nhã: “Thiện Hiện phải biết: Do lý thú này Bát Nhã Ba La Mật Đa thẳm sâu oai đức thù thắng khiến các Bồ Tát mau năng dẫn được Nhất thiết trí trí. Vậy nên, Thiện Hiện! Nếu Bồ Tát Ma Ha Tát muốn học sáu món Ba La Mật Đa cho mau viên mãn, muốn đủ thông đạt cảnh giới chư Phật, muốn được thần thông tự tại chư Phật, muốn mau chứng được Nhất thiết trí trí, muốn năng rốt ráo an vui lợi ích tất cả hữu tình, thời nên học Bát Nhã Ba La Mật Đa thẳm sâu như thế, nên đối Bát Nhã Ba La Mật Đa thẳm sâu như thế cung kính lóng nghe, thọ trì đọc tụng, rốt ráo thông lợi, như nói tu hành, như lý suy nghĩ nghĩa thú thẳm sâu, biên chép lưu bố, vì người giải nói. Nên đem các thứ thượng diệu tràng hoa, hương xoa rải thảy, áo mặc, anh lạc, bảo tràng, phan lọng, kỹ nhạc, đèn sáng, và bao nhiêu các thứ ngọc quý tạp vật cúng dường, cung kính tôn trọng ngợi khen.

Sở dĩ vì sao? Do sở thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa thẳm sâu đây là mẹ chơn sinh dưỡng các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, là thầy chơn khuôn phép chúng các Bồ Tát Ma Ha Tát. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều chung tôn trọng cung kính ngợi khen, tất cả chúng Bồ Tát Ma Ha Tát không ai chẳng cúng dường tinh siêng tu học. Đây là nơi dạy bảo chơn thật của Như Lai.

Thiện Hiện phải biết: Bồ Tát Thường Khóc liền đứng chỗ này khi khởi nghĩ đây, đối trong tất cả pháp sanh khởi tri kiến vô chướng. Do tri kiến đây liền năng hiện vào được vô lượng tam ma địa môn thù thắng, chỗ gọi Quán tất cả pháp tự tánh tam ma địa, Đối tất cả pháp tự tánh vô sở đắc tam ma địa, Phá tất cả pháp vô trí tam ma địa, Được tất cả pháp vô sanh diệt tam ma địa, thấy tất cả pháp không biến khác tam ma địa, Đối tất cả pháp lìa tối tam ma địa, Được tất cả không ý thú riêng tam ma địa, Biết tất cả pháp đều vô sở đắc tam ma địa, Rải tất cả hoa tam ma địa, Dẫn phát tất cả pháp vô ngã tam ma địa, Lìa huyễn tam ma địa, Dẫn phát gương tượng soi sáng tam ma địa, Dẫn phát tất cả hữu tình ngữ ngôn tam ma địa, Khiến tất cả hữu tình vui mừng tam ma địa, Khéo tùy thuận ngữ ngôn tất cả hữu tình tam ma địa, Dẫn phát nhiều thứ ngữ ngôn văn tự tam ma địa, Không sợ không dứt tam ma địa, Năng nói bản tánh tất cả pháp bất khả thuyết tam ma địa, Được vô ngại giải tam ma địa, Xa lìa tất cả trần tam ma địa, Khéo léo danh cú văn từ tam ma địa, Đối tất cả pháp khởi thắng quan tam ma địa, Được tất cả pháp vô ngại tế tam ma địa, Như hư không tam ma địa, Kim cương dụ tam ma địa, Tuy hiện hành sắc mà không bị phạm tam ma địa, Đắc thắng tam ma địa, Được mắt không lui tam ma địa, Xuất pháp giới tam ma địa, An ủi điều phục tam ma địa, Sư tử phấn tấn khiếm khư hao hống tam ma địa, Ánh sáng đoạt tất cả hữu tình tam ma địa, Xa lìa tất cả cấu tam ma địa, Đối tất cả pháp được vô nhiễm tam ma địa, Liên hoa trang nghiêm tam ma địa, Dứt tất cả nghi tam ma địa, Tùy thuận tất cả kiên cố tam ma địa, Xuất tất cả pháp tam ma địa, Được sức thần thông vô úy tam ma địa, Hiện tiền thông đạt tất cả pháp tam ma địa, Hoại tất cả pháp ấn tam ma địa, Hiện tất cả pháp không sai tam ma địa, Lìa tất cả tối tăm tam ma địa, Lìa tất cả tướng tam ma địa, Tháo tất cả dính tam ma địa, Lìa tất cả biếng nhác tam ma địa, Được thâm pháp minh tam ma địa, Như núi Diệu cao tam ma địa, Chẳng khá dẫn đoạt tam ma địa, Xô dẹp tất cả tam ma quân tam ma địa, Chẳng dính ba cõi tam ma địa, Dẫn phát tất cả thù thắng quang minh tam ma địa, như thế cho đến Hiện thấy chư Phật tam ma địa….”[[1]]

Kinh Hoa Nghiêm: “Thiện Tài thưa: Bạch vâng! Ðây là do sức của đức Thánh thiện tri thức vậy.

Tiên Nhơn nói:

Này thiện nam tử! Ta chỉ biết môn Bồ Tát vô thắng tràng giải thoát này. Như chư đại Bồ Tát thành tựu tất cả tam muội thù thắng, được tự tại trong tất cả thời gian. Trong khoảng một niệm xuất sanh chư Phật vô lượng trí huệ. Dùng đèn Phật trí làm trang nghiêm để chiếu khắp thế gian. Trong một niệm vào khắp cảnh giới tam thế. Phân thân qua khắp cõi nước mười phương. Trí thân vào khắp tất cả pháp giới. Tùy theo tâm chúng sanh mà hiện ra trước họ, xem xét căn hành của họ để làm lợi ích, phóng tịnh quang minh rất đáng mến thích.

Như thế, ta làm sao biết được tất cả, nói được tất cả công đức hạnh đó, thù thắng nguyện đó, trang nghiêm độ đó, trí cảnh giới đó, tam muội cảnh giới đó, thần thông biến hóa đó, giải thoát du hí đó, thân tướng sai biệt đó, âm thanh thanh tịnh đó, trí huệ quang minh đó.

Này thiện nam tử! Phương Nam này có một tụ lạc tên là Y Sa Na, có Bà La Môn tên là Thắng Nhiệt. Người đến đó hỏi Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo?

Thiện Tài Đồng Tử vui mừng hớn hở, đảnh lễ Tiên Nhơn Tỳ Mục Cù Sa, hữu nhiễu vô số vòng, ân cần chiêm ngưỡng từ tạ mà đi qua phương Nam.

Bấy giờ Thiện Tài Đồng Tử nhờ Bồ Tát vô thắng tràng giải thoát chiếu đến nên được trụ chư Phật bất tư nghì thần lực, được chứng Bồ Tát bất tư nghì giải thoát thần thông trí, được Bồ Tát bất tư nghì tam muội trí quang minh, được tất cả thời gian huân tu tam muội trí quang minh, được biết rõ tất cả cảnh giới đều nương tưởng mà an trụ tam muội trí quang minh, được tất cả thế gian thù thắng trí quang minh. Ðều hiện thân mình ở tất cả chỗ.

Dùng trí cứu cánh nói pháp bình đẳng không hai không phân biệt. Dùng trí sáng sạch chiếu khắp cảnh giới. Phàm những pháp được nghe đều có thể nhẫn thọ tin hiểu thanh tịnh. Nơi pháp tự tánh quyết định rõ ràng. Tâm luôn chẳng bỏ Bồ Tát diệu hạnh. Cầu nhứt thiết trí trọn không thối chuyển. Chứng được thập lực trí huệ quang minh. Siêng cầu diệu pháp thường chẳng nhàm đủ. Dùng chánh tu hành nhập Phật cảnh giới.

Xuất sanh Bồ Tát vô lượng trang nghiêm, vô biên đại nguyện đều đã thanh tịnh. Dùng trí vô cùng tận mà biết vô biên thế giới võng. Dùng tâm không khiếp nhược mà độ vô lượng chúng sanh hải. Rõ vô biên công hạnh cảnh giới của Bồ Tát.

Thy vô biên thế giới những thứ sai biệt, những thứ trang nghiêm. Nhập vô biên thế giới những cảnh vi tế. Biết vô biên thế giới những danh hiệu, những ngôn ngữ. Biết vô biên chúng sanh các tri giải, các công hạnh, các hạnh thành thục, những tưởng sai biệt….”[[2]]

[[1]] Trích kinh Đại Bát Nhã –HT. Thích Trí Nghiêm dịch.

[[2]] Trích kinh Hoa Nghiêm –HT. Thích Trí Tịnh dịch.

(còn nữa) 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG