Hai Con Đường Tu Phật; Ý Nghĩa Từ Bi Trong Phật Đạo

 0
Hai Con Đường Tu Phật; Ý Nghĩa Từ Bi Trong Phật Đạo

Hỏi: Về cơ bản, Phật Đạo có mấy con đường để người tu hành chọn lựa cho mình hướng đi và đạt thành mục tiêu trước mắt?

Đáp: Có thể nói, về cơ bản, Phật Đạo có hai con đường, có hai mục tiêu trước mắt để cho người tu hành lựa chọn.

Hỏi: Xin ông cho biết hai con đường đó, là những con đường nào?

Đáp: Con đường thứ nhất: tu hành để được Giải Thoát. Mục tiêu này, đưa người ra khỏi mọi thứ trói buộc người ta hàng ngày.

Con đường thứ hai: tu hành để được Giác Ngộ. Người tu hành có Giác, có Ngộ, tâm trí sẽ an vui, thanh tịnh, sáng suốt.

Hỏi: Xin cho biết, cách thức tu hành của hai con đường này?

Đáp:

* Con đường thứ nhất, dành cho người xuất gia.

Sau khi chấp nhận từ bỏ gia đình, người thân, từ bỏ tài sản lớn, nhỏ; từ bỏ họ hàng gần xa, người xuất gia, đến nơi có Bậc Đạo Sư hiểu biết về Đạo Giải Thoát, cầu học đạo ở vị này. Ở đây, vị ấy lấy gốc cây, miếu hoang, gò mả làm trú xứ.

Nếu cộng trú với các đồng phạm hạnh trong một tịnh xá thì cũng chỉ lấy đó làm chỗ nghỉ ngơi; thân không tài sản, chỉ được sở hữu những gì Phật cho phép.

Ngoài những vật ấy ra, những gì không được phép mà cố cất giữ gọi là “vật bất tịnh”. Vị ấy với “ba y và một bát” như con chim với đôi cánh, vào làng khất thực để nuôi thân.

Ngoài việc khất thực để nuôi thân và nghe thuyết pháp, thời gian còn lại, vị này “sống trong thiền định”. Nhờ sống trong thiền định, tâm thức vị này lần lượt vượt qua “dục giới, sắc giới và vô sắc giới”. Sau khi, vượt qua ba cõi, vị tu hành này được nghe Bậc Đạo Sư tuyên thuyết về “sự cột trói của ngũ ấm”. Và vị ấy quyết tâm dứt trừ ngũ ấm.

Sau khi dứt trừ ngũ ấm, vị này hoàn toàn được Giải Thoát, chứng thánh quả cao nhất, đó là A La Hán, tuyên bố tứ thành tựu. Điều này, người tu hành hay nói nôm na rằng: Xuất thế tục gia, xuất tam giới gia và xuất ngũ ấm gia.

* Con đường thứ hai, dành cho người xuất gia lẫn người tại gia

- Người xuất gia cũng như người tại gia đi vào con đường này, thường là những người có trí tuệ và chí lớn.

Ngoài việc tu học để tự cứu bản thân, họ còn mang hoài bão đó là, sau khi thành tựu những gì cần thành tựu cho bản thân, vị tu hành này sẽ đem hiểu biết mà mình có được, giúp mọi người cũng được như mình, để thỏa mãn “Từ Bi tâm”... Gọi là làm công hạnh của Bồ Tát...

- Người tu hành chọn con đường này, có trí tuệ lớn, có ý chí dũng mãnh, nên họ không cầu Giải Thoát, chỉ mong muốn ngay tại nơi đây được an vui, và cũng chính nơi đây mới có thể thực hành chí nguyện độ sanh.

Muốn đạt được thành tựu con đường này, vị tu hành đó tuy không xuất gia về hình tướng, nhưng bước đầu cũng phải từ bỏ những gì cần từ bỏ trong tận cùng của tâm thức, gọi là: “xây dựng thái độ tu hành”. Đồng thời, sẽ được Bậc Đạo Sư trang bị những kiến thức tối thiểu về ba cõi và nguyên lý hình thành của nó. Kiến thức này, giúp thành tựu các món thiền định như người xuất gia.

Sau khi thành tựu các món thiền định, vị này sẽ được Bậc Đạo Sư giảng nói về “ý nghĩa của Ngũ Uẩn, giảng nói ý nghĩa thế nào là Tâm, thế nào là Pháp, thế nào là Vật, thế nào là Thế Giới…”

- Nhân hiểu biết này, vị tu hành đó “Giác được huyễn Tâm và huyễn Pháp”. Sau khi giác ngộ được “huyễn Tâm” và “huyễn Pháp” bậc đạo sư sẽ khai thị để vị này “ngộ được bản tâm” Thấy được bản tâm, coi như phần tự độ đã

Hỏi: Ngoài hai con đường này, Phật Đạo còn có con đường nào khác?

Đáp: Ngoài hai con đường này, Phật Đạo không có con đường khác. Tuy nhiên, với những người chưa đủ dũng khí xuất gia để tìm đến đạo Giải Thoát, hoặc trí tuệ và chí nguyện chưa đủ lớn để có thể dung chứa Đạo Giác Ngộ, Bậc Đạo Sư có thể dạy cho người ấy “một số Pháp Lành”, để chờ thời cơ chín muồi hướng họ vào hai con đường đã nêu.

Pháp lành như cái núm vú giả đối với đứa trẻ mới sinh. Cái núm vú này không mang lại nguồn sữa cho nó, nhưng chí ít giúp đứa trẻ đó an tâm. Chờ đến lúc lớn, nó sẽ “tự mắc cỡ” mà từ bỏ cái vú giả, để bắt đầu chuyện học hành.

Tuy nhiên, đối với một “Bậc Đạo Sư đúng nghĩa” thì chuyện này rất khó xảy ra, vì họ biết rõ từng căn cơ, và có những phương tiện thích hợp, nhằm giúp người tu hành thành tựu đạo quả sớm nhất.

Giống như chuyện ông Bàn Đặc Ca và sức “giáo hóa bất khả tư nghì”1 của Đức Phật, hoặc chuyện bà Vi Đề Hi cầu vãng sanh, nhưng Phật giúp bà ta chứng quả Vô Sanh Pháp Nhẫn trong hiện tiền.

Hỏi: Nếu như một người suốt cuộc đời bỏ ra tu tập, mà không được nghe nói đến hai con đường trên, cũng không thành tựu một trong hai đạo quả cơ bản này thì số phận họ sẽ như thế nào?

Đáp: Số phận họ sẽ giống như ông trong hiện tại.

Hỏi: Hai đạo quả nói trên, sau khi thành tựu, có quy về một mối hay không?

Đáp: Trước mắt thì chưa quy về một mối vì sự khác biệt cơ bản, nhưng sau đó, phải quy về một mối.

Hỏi: Xin hỏi, sau đó quy về một mối như thế nào?

Đáp: Một vị được đạo quả Giải Thoát, nhất định sẽ Giác Ngộ. Một vị thành tựu Đạo Giác Ngộ, nhất định sẽ hiểu được ý nghĩa của Giải Thoát. Giống như một người giàu sang sẽ biết cách làm ra tiền, một người làm ra tiền sẽ biết cách để mình trở thành giàu sang. Giống như hai con sông nhỏ chảy vào biển lớn, khi hòa vào biển lớn, thì sự khác biệt cơ bản của hai con sông nhỏ không còn nữa.

Hỏi: Xin hỏi, ngoài việc quy về này, sau đó còn có điểm khác biệt nào chăng?

Đáp: Phật Đạo là đạo Trí Tuệ, dù đạo của người xuất gia, hay đạo của người tại gia, dù đạo Giải Thoát hay đạo Giác Ngộ. Sau khi, đạt được thành tựu đạo quả căn bản, đồng phải học chung một thứ Trí Tuệ.

Học Trí Tuệ và thành tựu Trí Tuệ mới đích thực là tu học trong Phật Đạo, gọi là Tu Đạo. Thành tựu Đạo Đế chính là biến khẩu hiệu “Duy Tuệ Thị Nghiệp” trở thành hiện thực.

Vì rằng, thành Phật là thành tựu Trí Tuệ Vô Thượng. Chính vì điều này, Phật mới dạy trong kinh những câu đại loại như: “Ba thừa là không thật” hoặc “Niết Bàn của ba thừa là hóa thành”.

Hỏi: Một người không kinh qua ba thừa để thành tựu đạo quả Giải Thoát hay đạo quả Giác Ngộ trong hiện đời có thể một đường thẳng tiến đến Trí Tuệ Vô Thượng hay không?

Đáp: Tiến thẳng đến Trí Tuệ Vô Thượng là điều có thể xảy ra, nhưng nó rất hy hữu. Ví dụ như: Đức Phật, không từng kinh qua đạo quả ba thừa trong hiện đời nhưng vẫn thành Phật. Vì thế, trong kinh Phật cũng có nói:

Một hữu tình chứng Vô Thượng Bồ Đề, không nhất thiết phải kinh qua Bát Niết Bàn”.

Hỏi: Có thể lý giải việc này có được là do nhiều đời trước, vị tu hành này đã từng kinh qua các giai đoạn tu tập như vậy, nên hiện tại trong đời này không cần kinh qua nữa như những bài kinh kể về tiền thân của Đức Phật?

Đáp: Chúng ta đang bàn chuyện hiện tại.

Hỏi: Thú thật, tôi đã cầu đạo và tu học nhiều nơi, nhưng chưa từng được nghe và học tập về những điều ngài vừa nói.. Thậm chí, tôi cũng đã từng ngậm “cái vú giả” như vậy nhiều ngày, nhưng chỉ nghe ở những nơi ấy giảng nói về công dụng của cái vú giả, thậm chí cái vú giả này sẽ nuôi người lớn khôn. Nhưng chưa một lần được nghe nói: Đây là cái vú giả, hãy bỏ nó đi để khôn lớn và học đạo Giải Thoát hay đi đến Giác Ngộ”.

Đáp: Cầu đạo và tu học ở nhiều nơi, không có nghĩa là đã đã học được mọi thứ. Chưa nghe nói, không phải là không có người nói ra những điều đó. Còn nếu có ai giảng giải về “cái vú giả” và bảo rằng: “Nó sẽ nuôi người lớn khôn” thì có lẽ vị Đạo Sư đó do “ngậm vú giả mà khôn lớn. Cho nên ông ta mới lấy kinh nghiệm của mình mà ông ta dạy người như thế.

Trên đời này, việc gì lại không thể xảy ra. Chỉ trách mình vô duyên, hồi trước chuyên tạo nghiệp “làm vú giả”.

Hỏi: Hồi nãy, có đề cập đến hai chữ Từ Bi. Vậy hai chữ Từ Bi trong Phật Đạo có giống như sự thương xót ở đời hay không?

Đáp: Xin thưa hai chữ “từ bi” ấy hoàn toàn khác nhau.

Hỏi: Xin ông nói rõ chúng khác nhau như thế nào?

Đáp: Phật dạy: “Từ Bi của Nhị Thừa không lớn hơn cái thân, chỉ để tự cứu. Từ Bi của Bồ Tát rộng lớn, có thể cứu nhiều người nên gọi là Đại Từ Bi. Từ Bi của Chư Phật không có giới hạn nên gọi là Vô Lượng Từ Bi.”

Trong ba thứ Từ Bi của ba kiểu này, không thấy nói đến người đời.

Hỏi: Nhưng ở đời cũng có người biết thương xót cho kẻ yếu thế, bệnh tật; nhiều người sẵn sàng giúp đỡ người khác, sao Phật không nói những người đó là Từ Bi?

Đáp: Từ Bi trong Phật Đạo nằm trong nghĩa giúp mình giúp người được Giác Ngộ, được Giải Thoát, và thành tựu Trí Tuệ. Chứ không nhằm giúp người ra khỏi đói nghèo hoặc bất hạnh như ở đời, nên hai chữ Từ Bi trong Phật Đạo có ý nghĩa riêng của nó.

Hỏi: Nếu còn thấy Từ Bi của “đời” khác “đạo” thì Phật Giáo tuyên bố ý nghĩa bình đẳng như thế nào?

Đáp: Hai chữ bình đẳng trong Phật Đạo, nhằm nói lên rằng, đối với người thân (tình) hay kẻ thù (vô tình), đối với người ngoài đạo (vô tình) hay trong đạo (tình), người thương (tình) kẻ ghét (vô tình), người biết đạo (tình), hay người không biết đạo (vô tình)...

Nếu chịu khó tu hành trong Phật Đạo, đều được giáo hóa như nhau và đồng chứng đạo quả như nhau...

Vì thế người tu hành mới có lời nguyện:

“Hư không hữu tận,

Ngã nguyện vô cùng,

Tình dữ vô tình,

Ðồng viên chủng trí…”

hoặc câu:

“Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều trọn thành Phật Đạo”.

Hỏi: Bây giờ tôi mới cảm nhận một chút ý nghĩa của chữ tìnhvô tìnhtrong bài nguyện thường đọc.

Hai chữ tình và vô tình ngụ ý chỉ các thứ tâm thức sai biệt, mà lại hiểu thành hai loài hữu tình và vô tình.

Thành ra cứ lý giải vòng vo hoài, thậm chí còn đem pháp tánh ra mà cắt nghĩa, thật là những lý giải thô thiển và gượng ép.

Đáp: Ông hãy thường xuyên đọc bài nguyện sau để thấm thía ý nghĩa bốn câu này:

“Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,

Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ,

Ngã kim kiến văn đắc thọ trì,

Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”

Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa mà chỉ dùng sức hiểu ở đời để lý giải sẽ cho ra những nhầm lẫn tai hại khi tu tập trong Phật Đạo.

Hỏi: Nếu ngài nói như vậy, những thứ vô tri, vô giác như cỏ, cây, ngói đá... có thể tu hành để đạt thành tựu điều gì đó không?

Đáp: Muốn biết điều này, ông thử về lấy một viên đá hay một khúc gỗ, rồi ngày ngày dạy nó. Xem coi, chừng nào nó biết chữ. Chứ đừng nói chuyện sâu xa là dạy nó tu hành để thành Phật.

Vì thế, Ngũ Tổ mới có bài kệ:

“Hữu tình lai hạ chủng,

Nhơn địa quả hoàn sanh,

Vô tình diệc vô chủng,

Vô tánh diệc vô sanh”

Đừng có thêm một lần nữa hiểu sai hai câu nói sau trong bài kệ của Ngũ Tổ, mà tội nghiệp cho… người quá cố.

------------------------

  1. Giáo hóa bất tư nghì: hay còn có tên gọi khác là “hóa nghi tứ giáo” đây là một khái niệm để chỉ 4 khái niệm: “đốn”, “tiệm”, “bí mật” và “bất định” của nhà Phật.

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG