Công Đức Cúng Dường. Văn Hóa Vô Lậu

Lão Đại mở choàng đôi mắt nói lớn:
Thưa Lão Sư!... Thưa các huynh đệ!... Đúng là như kinh nói “Nghe cái chưa từng nghe, thấy cái chưa từng thấy”. Một đời đồ đệ đã bôn tẩu nhiều nơi, đọc nhiều sách vở, nghe nhiều cao nhân thuyết pháp giảng kinh... nhưng tất cả chỉ là học vấn văn tự ngữ ngôn. Vì thế tuy giảng nói lời Phật mà ý nghĩa chẳng khác thế gian là mấy... Chưa thấy vị nào thông qua một vài lời mà chỉ được bổn tâm như Lão Sư. Đồ đệ thầm nghĩ, dù có học bao nhiêu văn tự mà không thấu suốt nguồn tâm thì cũng như “gãi ngứa ngoài hia”, chẳng có tác dụng gì... Mỗi lời Lão Sư nói ra, tác động thẳng vào tâm người nghe, đúng là “chấn động sáu cách”... Bây giờ đồ đệ mới tận mắt chứng kiến thế nào là đương cơ... thế nào là thuyết pháp... Đồ đệ cũng nhận ra khác nhau giữa thuyết pháp và giảng kinh...
Và đồ đệ mới hết thắc mắc vì sao sau khi Phật thuyết một thời pháp, đệ tử chứng quả nhiều vô số... Thì ra bí mật của Phật đạo là ở chỗ này!...
Trước đây đồ đệ cũng lấy làm thắc mắc về việc cúng dường bố thí. Thế Tôn dạy ý nghĩa bình đẳng... nhưng tại sao lại còn dạy, “Cúng dường một Tu Đà Hườn công đức chẳng bằng một phần vô lượng cúng dường một Tư Đà Hàm... Cứ thế chẳng bằng cúng dường một A La Hán, một Bồ Tát, một Đẳng Chánh Giác.”
⁎ Công đức cúng dường tỷ lệ thuận với địa vị người được cúng dường... Hóa ra là như vậy, người cúng dường cho Tu Đà hườn sẽ thụ hưởng một nền giáo dục chỉ tương đương một Tu Đà Hườn và công đức có được sẽ không thể cao hơn... Thiệt là đạo lý thâm u, nếu không có duyên lành khó mà biết được.
Đệ tử cũng nhân dịp này mà giải mối nghi trong lòng. Đọc kinh đệ tử thường nghe kinh nói, thần thông của Bồ Tát không thể nghĩ bàn... Với năng lực của mình, Bồ Tát có thể đưa một chúng sanh từ cõi này đến vô số cõi khác, thậm chí đến các Phật quốc chỉ trong chớp mắt rồi đưa trở về bổn xứ mà chúng sanh đó không thấy mình có đi lại... Hoặc cũng có kinh nói, Bồ Tát có thể đem hết tam thiên Đại thiên thế giới để trên đầu một sợi lông rồi thổi cho tam thiên Đại thiên thế giới đó bay vào hư không... Quả là hy hữu!... Quả là hy hữu... Lão Sư đã đem bao nhiêu người ở đây chu du qua vô lượng thế giới đến Phật quốc rồi trở về mà chẳng ai rời chỗ ngồi... chẳng động lấy thân...
Lão Sư đã để tam thiên Đại thiên thế giới trên đầu sợi lông rồi thổi bay ra khỏi tâm ba cõi này... Thổi một cái biến những tâm trạng ngổn ngang thành hư không thanh tịnh...
Đệ tử cũng hiểu ra, ngài Mục Kiền Liên thần thông quảng Đại, có thể bay lên núi Tu Di rồi bay qua rất nhiều Phật quốc... mà vẫn nghe Thế Tôn thuyết pháp “văng vẳng bên tai”... Đúng là “Nhất thiết Phật ngữ tâm”. Đúng là “Chẳng nên hướng ngoại tìm cầu”.
Đúng là “Tam giới duy tâm”. Đúng là “Vạn pháp duy thức”...
Thiệt là cái ngu này nếu không gặp được Lão Sư thì muôn kiếp đồ đệ không thể dứt nó...
Lão Sư ơi!... Đúng là Lão Sư đã khai Thiên nhãn cho đồ đệ, Lão Sư đã khai Pháp nhãn cho đồ đệ... Một lời Lão Sư, đồ đệ giải cái nghi trong vô lượng kiếp... Nghĩ lại, đồ đệ tự cười chính mình, cười bao nhiêu người khác giống như đồ đệ. Miệng tuy nói “Tam giới duy tâm”, mà cứ nhìn ngó vọng tưởng bên ngoài để mong tìm thấy các pháp ngoài tâm...
Hỡi ơi!... Cứ như vậy thì biết đến bao giờ mới có cơ may giác ngộ... Và không giác ngộ, thì làm sao hiểu lời Phật... Không hiểu lời Phật, hèn chi ở đời người ta thích đọc luận hơn kinh!...
Bây giờ đồ đệ mới có manh mối để hiểu, thế nào là Hóa Phật, Hóa Bồ Tát thuyết pháp. Thế nào là ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp và sáu mươi bốn phạm âm... Thế nào nghĩa “Như Lai là như chư Phật xưa mà thuyết pháp” mà Phật đã dạy trong kinh Đại Niết Bàn... Thế nào là ý nghĩa câu nói của ngài Xá Lợi Phất: “Bạch Thế Tôn!... Con từ miệng Phật sanh”. Thế nào là câu nói của Ương Quật Ma La: “Từ ngày con được chánh pháp sinh ra, chưa từng giết hại sinh mạng nào”. Thế nào là câu nói: “Vì thương chúng sanh nên Như Lai vẽ các hình...”... Thế nào là thân hóa sanh...
Lão Sư ơi!... Nay con cũng xin nói: “con từ miệng Lão Sư hóa sanh”… Thất Muội và các huynh đệ ơi!... Thất Muội và các huynh đệ chẳng phải phàm nhân. Nhờ hết thảy huynh đệ ở đây tâm cầu đạo mãnh liệt mà mới có duyên lành để Lão Sư đương cơ khai thị... Bây giờ mới hiểu cái câu: “Phật, Tổ chẳng thể độ kẻ vô duyên”.
Các huynh đệ muội ơi!... Ngày xưa Lão Đại ngu dốt mờ tối, những tưởng mình có cái hơn người, những tưởng mình là huynh trưởng của đệ muội... Nay ngộ ra mới biết rằng chẳng có cái gì là huynh chẳng có cái gì là đệ. Huynh đệ trên dưới chỉ qua đem cái tâm hư dối mà đối đãi với nhau...
Khi giác ngộ mới biết bổn tâm xưa nay chưa từng có trên dưới đệ huynh... Hết thảy hữu tình đồng một bản lai thanh tịnh... Thiệt là một đời người, bây giờ mới thấm cái nghĩa “Các pháp bình đẳng”...
Lý Tứ lại bảo:
Thưa Lão Đại, các huynh đệ!... Tuy nghĩa là thế, chẳng thấy có huynh đệ tỷ muội... Nhưng là người trong ba cõi, thì cũng nên thuận theo thế thường, không nên làm khác... Cũng xưng nhau là huynh là muội, mà trong lòng không thấy có cao hạ mới là ý vị của đạo, cái này chỉ thầm tự biết mà thôi...
Vì thế Phật dạy: “Phàm nói trâu, thánh cũng nói trâu.” Nay chúng ta cũng thế, chớ nên nói khác... Chỉ khi nào thấy mình có cái hơn người. Chỉ khi nào thấy người chẳng bằng mình dù bất kỳ ở phương diện nào, nên biết rằng cái thấy này là chướng đạo... cần phải từ bỏ... Đạo có văn hóa của đạo... Tôi thường hay nói với các vị văn hóa vô lậu là muốn nói điều này.
⁎ Thế nào là văn hóa vô lậu? Văn hóa vô lậu là một hình thái văn hóa chỉ có trong Phật đạo. Đó là đời sống được xây dựng trên nền tảng giác ngộ, gồm cộng đồng những người có giác có ngộ. Văn hóa này lấy thanh tịnh tâm làm chuẩn mực. Những gì trái với thanh tịnh được loại bỏ hoàn toàn. Công sức bỏ ra sẽ gặt hái thành quả là công đức. Vì thế các giá trị ở đây được đo lường bởi công đức tức sự thanh tịnh tự thân...
Văn hóa này cho ra cái tự vui. Tự vui là sự vui chẳng do bất kỳ cái gì làm nên. Vì chẳng gì làm ra cho nên nó là thường... Đây là loại văn hóa của những ai biết tùy hỷ, biết tán thán. Vì biết tùy hỷ tán thán nên một vui là tất cả vui, tất cả vui là một vui...
Văn hóa vô lậu là một xã hội không tích chứa phiền não, tạm gọi là “Ngũ uẩn giai không”, tức là không đặt giá trị hư ảo lên thân này; không lấy khổ vui của cảm thọ mà sinh hai tâm, biết các tưởng không thật nên chẳng có phương sở sai khác, biết rõ các niệm chính là hành tâm nên chẳng tạo ra hiệu số chênh lệch thiện ác, thấu suốt hiểu biết thế gian là sản phẩm của nghiệp nên thức chẳng sanh...
Ứng xử của cộng đồng là “Không bốn tướng”. Vì không bốn tướng nên tâm lo sợ tự mất...
Ngữ ngôn giao tiếp của cộng đồng là “Không tứ cú”. Không kẹt tứ cú nên có thể dạy người giác ngộ...
Đời sống của cộng đồng là “Không bốn bệnh”. Vì không bốn bệnh nên đạo tràng thanh tịnh tự hiện...
Quan niệm của cộng đồng là “Không ba thời”. Vì không ba thời nên chẳng có thấy thường hay vô thường...
Tồn tại của cộng đồng là “Tứ vô lượng tâm”. Vì là tứ vô lượng tâm nên tồn tại này do nguyện...
Nói chung, văn hóa vô lậu là nền văn minh của bậc thánh có đầy đủ trí tuệ... Vì thế nơi văn hóa vô lậu không hô hào lục hòa, lục hòa cũng hiện...
Thưa các vị!... Muốn được thứ văn hóa này, muốn tồn tại trong nền văn hóa này, các vị phải nỗ lực bản thân...
⁎ Chỉ có văn hóa vô lậu mới cho ra những quả vị vô lậu... Quả vị vô lậu là các tầng sâu của thanh tịnh tâm...
Văn hóa vô lậu chính là nét đẹp trong lòng người giác ngộ. Một khi đã giác ngộ thì văn hóa vô lậu ngay nơi tâm này, chẳng nhọc công tầm cầu nơi khác...
Thuyết giáo một hơi về văn hóa vô lậu, coi bộ thấm mệt nên Lý Tứ không nói nữa mà bưng bình trà lên, làm một hơi năm sáu ly trà đậm...
Thất Muội trố con mắt dòm Lý Tứ rồi thầm nghĩ:
Lão Sư thiệt là “thần thông quảng Đại”, trà đậm làm một hơi năm sáu ly, ớt cay ăn lần cả nắm. Chắc cái bụng của Lão Sư làm bằng sắt thép hay ny lon gì đây. Thiệt là người “Đại ngộ” có khác!...
Hôm qua khi dọn cơm, mình quên lấy ớt, Lão Sư bèn dõng dạc như sư tử hống gầm lớn: “Bộ nhà to như vậy mà không mua nổi ký ớt hay sao”… Lão Sư ơi!... Tưởng Lão Sư đòi hỏi thứ gì thì tiểu nữ không dám hứa, chứ ớt cay thì mọc hoang đầy vườn, trà đậm thì sau núi không thiếu. Ở lại đây bao lâu Lão Sư cũng đừng lo hai thứ này... Lão Sư ơi!... Coi bộ thuốc dạ dày của thầy Cảnh Thiên mai mốt có chỗ dùng rồi...
Nghĩ đến đây ả ửng hồng đôi má rồi nghĩ tiếp... “Lão Sư thiệt là bậc Đại Pháp Sư, mới học có một chút xíu trí tuệ của Lão mà mình cũng thông tuệ hẳn lên... biết tính toán đến ớt trà dưa muối... Hi hi hi hi...”
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






