Báo Thân Hóa Thân Và Pháp Thân Phật. Các Cảnh Giới Đệ Nhất Nghĩa

Lão Nhị lại nói tiếp:
Thưa Lão Sư, hồi còn trẻ đồ đệ cũng từng đọc qua sách thánh hiền, cũng có thi cử rồi làm chức quan nhỏ. Sau đó về làng dạy dăm ba đứa học trò. Nói ra xấu hổ, trong đời đồ đệ nay đã ngoài bốn mươi... trước khi ra giang hồ kết nghĩa với các huynh đệ ở đây, đồ đệ đã trải qua không biết bao nhiêu nghề, thượng vàng hạ cám và đã tiếp xúc không biết bao nhiêu hạng người, cũng không biết bao nhiêu lần ngồi nghe đàm đạo. Nhưng cứ mỗi lần nghe lại thêm rối mù, chẳng những không thông mà hồ nghi thêm nhiều... Đồ đệ dạy học không bao nhiêu năm, nhưng lại nhiễm cái thói mô phạm, mỗi mỗi phải rõ ràng, không rõ ràng trong lòng bứt rứt. Nhưng học hỏi các cao nhân lại thêm bứt rứt... vì bởi các vị ấy nói chỗ cao quá, đồ đệ chẳng tiếp thu được gì. Lại thêm ràng buộc bởi chữ nghĩa thánh hiền, thành ra trói lại thêm trói, buộc lại thêm buộc... Cho đến khi gặp Lão Sư, nghe Lão Sư giảng giải, đồ đệ mới thỏa mãn vài điều. Nếu Lão Sư không chê cười, xin cho đồ đệ được giải các mối nghi trong lòng... Lão nói một hơi không nghĩ, nói như chưa từng được nói...
Lý Tứ tiếp lời lão:
- Thưa các huynh đệ!... Lý tôi chẳng phải là thánh hiền nên không thể biết hết chuyện thiên hạ... Nhưng mà đã là huynh đệ với nhau đâu cần khách sáo. Cái học như biển lớn, khó bề tới đáy... Chúng ta cứ nêu lên thắc mắc hồ nghi của mình. Ai biết thì chia sẻ cho người chưa biết, chẳng phải dạy dỗ gì nhau... Mong các vị đồng tình với tôi chuyện này... Nhưng chúng ta gặp nhau ở đây, chẳng phải như người đời... để khỏi mất thì giờ, và tôn trọng mục đích của buổi gặp mặt, xin chư vị chỉ nên hỏi những điều liên quan đến đạo lý nhà Phật. Đừng hỏi chuyện khác!...
Nếu gặp nhau mà bàn nhiều thứ, trao đổi nhiều vấn đề không liên quan đến mục đích, thử hỏi các vị, không phải một đời, mà biết bao nhiêu đời mới giải quyết cho xong... Để khỏi mất thì giờ, xin Nhị Lão Huynh nêu thắc mắc của mình. Mọi người ở đây, ai biết trả lời giùm...
Lão Nhị lên tiếng:
Thưa Lão Sư!... Thưa các huynh đệ!... Đồ đệ thắc mắc là, theo đồ đệ biết Thích Gia là nhà sư, còn gọi là Sa Môn... Nhưng tại sao đồ đệ thấy chùa am hoặc nơi nào có thờ cúng thì hình tượng của Phật trên đầu có tóc? Không giống nhà Sư... Lại có một số nơi, cũng hình Phật nhưng tướng mạo cho đến mũ nón không đồng... Xin vị nào biết, chỉ giáo giùm...
Lý Tứ nhìn quanh, thấy mọi người hình như đồng tình với câu hỏi của Lão Nhị, bèn nói:
Thưa các vị!... Tôi cũng đã có nghe nhiều người hỏi câu này, thắc mắc này chắc không riêng gì của Lão Huynh. Tôi xin trình bày sở kiến của mình, nếu thiếu sót xin các vị bổ túc...
⁎ Trong kinh có dạy, Phật có đến ba thân. Đó là: Báo thân, Hóa thân và Pháp thân...
- Báo thân là cái thân do cha mẹ sinh ra, cũng lớn lên có vợ con rồi xuất gia tu hành sau đó thành Phật... Thân này Phật thị hiện trong cõi người, nên giống nghiệp người... Những ai có phước đức, nhân duyên sinh cùng thời với Phật, và hội đủ phước lành sẽ gặp thân này... Vì thị hiện nghiệp người nên giống như bao nhiêu người. Vì giống người, cho nên có những người trong đời đã từng gặp thân này cũng không biết đó là Phật. Cơ may có người nói mới biết, không nói không biết...
Ví dụ như quần chúng trên đường Phật đến chỗ Ương Quật Ma La, gặp Phật nhưng mọi người chỉ biết đó là Sa Môn, thậm chí Ương Quật Ma La mới gặp cũng kêu bằng Sa Môn... Hay chuyện chàng thanh niên gặp Phật trong lò gạch. Người thanh niên này đi tìm Phật, nhưng khi gặp Phật không biết. Đợi đến khi nghe Phật thuyết pháp mới biết đó là Thế Tôn... Hoặc trường hợp người giữ rừng trong chuyện kinh. Một hôm Phật muốn đến thăm các đệ tử của mình đang tu trong một khu rừng. Phật đắp y đến đó. Người giữ rừng ra hiệu cho Phật dừng lại và nói rằng: “Hiền giả!... Hiền giả!... Xin đừng vào trong đó, xin đừng làm kinh động khu rừng này. Vì trong rừng có năm Đại đệ tử của Phật đang thiền định làm sáng chói khu rừng”. Sau đó các đệ tử biết Thế Tôn đến thăm mình, vội vã chạy ra. Bây giờ người giữ rừng mới biết đó là Phật... Hoặc chuyện người già không có duyên gặp Phật...
Thân này, trong Phật lý còn gọi là “Sắc giải thoát”, tức đồng như một A La Hán, có thân mà không bị thân ràng buộc... Cho nên trong một số kinh Phật có nói: “Ta cũng là một A La Hán…” Phật còn gọi là Đại A La Hán... tức là Một A La Hán làm thầy các A La Hán...
Hiện nay một số phái trong Phật giáo chỉ thờ thân này... Báo thân của Phật cũng đầy đủ 32 tướng tốt... Nhưng vì là ẩn tướng, chỉ có ai biết thuật tướng[1] hoặc đủ phước duyên mới nhận ra... Ví dụ như tiên nhân A Tư Đà hoặc các Thanh Văn đệ tử chứng quả... Còn người thường rất khó nhận dạng...
- Thân thứ hai của Phật là Hóa thân, đó là cái thân chúng ta đang thấy khắp nơi thờ phụng... Thân này chỉ những ai đủ công đức mới thấy được. Phật dùng thân này để giáo hóa Bồ Tát... Phần lớn các kinh Đại Thừa Phật thuyết bằng thân này. Phật cũng dùng thân này để đến các cõi Phật... Thân này cũng còn có tên: “Nhứt thiết chúng sanh hỷ kiến Bồ Tát sắc thân tam muội”. Vì thế Phật cũng là một Bồ Tát...
Tóm lại đây là một loại thân biểu hiện của bi nguyện tương ưng với công đức của người thấy. Chỉ khi nào chúng sanh đủ bi ngưỡng và công đức sẽ được thấy... Về sau các Bồ Tát và người đời nương nơi lời thuyết của Phật trong kinh mà họa lại thân. Vì thế cũng đồng thời một đức Phật mà tùy vào công đức, mỗi dân tộc thấy đức Phật với vẻ đẹp phù hợp với dân tộc hoặc nghiệp chung của mình, nên mặt mũi, mũ nón không đồng... Thân này chính là khắc họa rõ nét về 32 tướng tốt của Phật... Cũng chính Hóa thân này mà xuất sinh 80 vẻ đẹp gọi là tướng hảo tùy hình... Tướng hảo này phần lớn thị hiện trong các loài khác loài người và chư thiên... Ví như loài sư tử, khi thấy Phật sẽ là một con sư tử chúa, hoặc loài nai thì sẽ thấy Phật là con nai vương...
Vì thân này là Hóa Thân với đầy đủ 32 tướng hiển lộ nên chúng ta thấy trên đầu Phật có tóc, không giống tướng một Sa Môn... Phần lớn các Đại Bồ Tát cũng dùng hóa thân như: Quan Âm, Văn Thù vì thế rất ít khi thấy mô tả các vị này là Tăng... Đặc điểm của Hóa Thân là 32 tướng tốt và 80 tướng hảo tùy hình, thị hiện trong tất cả các loài, nên khi đọc kinh Đại thừa, chúng ta thường thấy Phật thuyết một thời kinh có nhiều loài tham dự... Vì ngữ ngôn các loài sai biệt, nên sau khi thuyết xong tiếng người, Phật thường hay tuyên nói chú...
Chú là chính ngữ ngôn của các loài, không phải ngữ ngôn của loài người. Chú này các loài nghe hiểu những điều Phật dạy theo nghiệp của mình...
Thành ra Cổ Đức không dịch chú ra tiếng người. Vì nếu dịch ra tiếng người khi đọc lên, các loài không thể hiểu. Hóa ra ta làm ngược là nói chú của ta cho các loài... Giống như khi gặp người Tây phương lẽ ra nói bằng tiếng Tây phương, ta lại làm ngược là dịch thành tiếng Hán rồi nói bằng tiếng Hán... Bây giờ tiếng Hán trở thành Thần chú với người Tây phương... Ha ha ha ha...!... Ví dụ như câu: “Yết đế ba la...” ta làm tài khôn dịch thành: “Độ đi, rốt ráo độ đi...” gì gì đó, rồi đọc câu này (độ đi độ đi... ), thì một số loài chẳng hiểu mô tê gì hết... Ha ha ha ha!...
- Thứ ba, Phật còn một thân nữa, đó là Pháp thân... Thân này chính là Phật trí, nên Phật hay nói thân Phật đồng như hư không... Có nghĩa Phật trí thanh tịnh biến mãn khắp mười phương và nó chẳng phải là thân...
- Từ thân này mà xuất sinh vô lượng “Hóa Thân” hay còn gọi là “phân thân Phật”... Có thể hiểu một bài kinh chính là một Hóa thân nhỏ được chiết xuất từ Pháp thân lớn... Pháp thân giống như khối vàng lớn, cắt nhỏ một phần trong vô lượng để làm các món đồ trang sức như cà rá dây chuyền...
Khác biệt của cà rá dây chuyền chính là Hóa thân của khối vàng lớn kia... Mỗi món trang sức phù hợp với một ưa thích nào đó. Cho dù khác nhau về hình tướng nhưng tất cả đồng là vàng, và giá trị không khác...
Hoặc có thể ví dụ kiến thức của một thầy giáo thì bao la (pháp thân thầy giáo). Nhưng khi dạy học trò chỉ cần một chút nhỏ (hóa thân thầy giáo) trong khối lượng kiến thức này là đủ biến hóa cho học trò... ghê chơi!...
- Điều này Phật có dụ trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa... Muốn mở Bảo Tháp, tức muốn thấy được Phật tri kiến, phải gom tất cả Hóa thân khắp mười phương về... Giống như muốn biết khối vàng lớn bao nhiêu phải gom tất cả trang sức làm từ khối vàng này... Thân này còn gọi là “Sắc Thường Trụ”... có nghĩa thời gian có thay đổi nhưng Phật trí thì không thay đổi...
- Thân này gồm đủ bốn đức: Thường, Ngã, Lạc, Tịnh… Muốn thấy được thân này, phải là những Đại Bồ Tát có đầy đủ trí tuệ... như Văn Thù, Phổ Hiền... Thân này theo lời Phật, trên đỉnh đầu có Vô Kiến Đảnh Tướng, không một ai có thể nhìn thấy đảnh này... Pháp thân chư Phật đồng nhau... cho nên kinh Đại Bát Nhã có nói đến “Tứ Bình Đẳng” của chư Phật, một trong bốn bình đẳng đó là “Thân Đẳng”...
Tóm lại, cái thân mọi người đang thờ là Hóa Phật hay còn gọi là Hóa thân Phật... vì thế trên đầu có tóc...
Thân trên đầu không có tóc đó là Báo thân... Báo thân người đời thấy thông qua hình tướng các Tỳ Kheo Tăng...
⁎ Ba thân Phật đã làm nên mười danh hiệu... Vì thế viên mãn Phật quả gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác... tức giác ngộ chân chánh đồng như chư Phật, không có một ai cao hơn... Về ba thân, và câu hỏi của Nhị Huynh tôi chỉ hiểu có thế. Và hiện nay qua buổi sơ giao này chỉ có thể trình bày phần cơ bản... Khi nào có duyên lành chúng ta sẽ trao đổi sâu hơn... Vị nào có kiến giải tốt, xin mời... Nói đến đây, Lý Tứ chắp tay xá xá mọi người...
Lão Nhị, gật gật cái đầu, lim dim hai mắt ra chiều thỏa mãn, lão cất giọng:
Lão Sư trả lời thiệt là minh bạch và thỏa đáng, bản thân đồ đệ hết thắc mắc về chuyện này... Nhưng khi nghe Lão Sư nói về ba thân Phật, đồ đệ lại liên tưởng đến mấy chữ hồi nãy Lão Sư có nói đó là “Như Lai tự đáo cảnh giới”. Câu này đồ đệ đọc trong kinh có thấy đề cập, đó là một trong bảy cảnh giới gồm: Kiến cảnh giới, Tâm cảnh giới, Trí cảnh giới, Huệ cảnh giới, Siêu nhị kiến cảnh giới, Siêu tử địa cảnh giới và Như Lai tự đáo cảnh giới... Xin Lão Sư cắt nghĩa giùm cho. Đọc mấy cảnh giới này đồ đệ rất mơ hồ...
Nói đến đây lão chắp tay xá xá Lý Tứ có vẻ hoan hỷ lắm...
Lý Tứ hướng về phía Lão Nhị chắp hai tay xá xá đáp lễ, mặt tươi cười rồi nói:
Thưa Nhị Huynh!... Nhị Huynh đúng là tác phong của nhà mô phạm. Tư duy của Lão Huynh biểu lộ sự kết nối rất tốt các sự kiện có được. Câu hỏi của Lão Huynh cho thấy cái sắc sảo của một người đọc sách thánh hiền.
Thưa Lão Huynh!... Đúng là liên tưởng của Lão Huynh giữa các cảnh giới đệ nhất nghĩa và ba thân có sự liên hệ mật thiết. Ba thân Phật chính là biểu hiện toàn bích của bảy cảnh giới nên kinh gọi là có bảy thứ Đệ Nhất Nghĩa. Nhưng vì sao nó lại như vậy? Tôi xin trình bày sơ lược. Hy vọng nếu có cơ duyên lâu dài, chúng ta sẽ mổ xẻ cặn kẽ những vấn đề này. Nếu đào sâu được thì đây là đề tài rất thú vị của người tu hành...
⁎ Thưa các vị!... Phật dạy có bảy thứ Đệ Nhất nghĩa đó là: Kiến cảnh giới, Tâm cảnh giới, Tuệ cảnh giới, Trí cảnh giới, Siêu nhị kiến cảnh giới, Siêu tử địa cảnh giới và Như Lai tự đáo cảnh giới...
Trước nhất tôi xin nói vì sao bảy cảnh giới này gọi là Đệ Nhất Nghĩa: Đệ Nhất Nghĩa ở đây phải hiểu là Đệ Nhất Nghĩa Phật tâm, có nghĩa là chư Phật ba đời không thấy bảy cảnh giới này sai khác. Không như phàm phu, ngoại đạo, Nhị thừa... không biết các pháp do tự tâm hiện vì thế cho rằng có sai khác đây kia, và họ cũng không biết cái mà họ đang thấy sai khác đó đều không ngoài Viên Giác thanh tịnh. Vì không biết như thế nên đưa ra các quan điểm sai lầm là ngoài tâm có pháp, chấp các cảnh kia cho đó là tâm, lại chấp thủ cái thấy mà cho rằng có tự tướng cộng tướng sai biệt... Như người ngu soi mặt trong gương, lầm tưởng trong gương có kẻ giống mình...
Cho nên kinh Lăng Già Phật dạy: “Những người ấy không biết cảnh giới tự tâm mà chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đều nói. Lại chấp trước cảnh ngoài tâm, nên thường trôi lăn không cùng trong sanh tử... Đại Huệ!... Thân, tài sản, khí thế gian, v.v... tất cả đều là bóng dáng của nhận thức, năng thủ, sở thủ đồng hiện khởi”…
Bây giờ tôi xin sơ lược giải thích về bảy cảnh giới.
- Kiến cảnh giới: Là cảnh giới của thấy nghe mà sanh.
- Tâm cảnh giới: Là cảnh giới do nhớ nghĩ huân tập mà sanh.
- Tuệ cảnh giới: Là cảnh giới do chủ ý học tập mà sanh.
- Trí cảnh giới: Là cảnh giới do thấu suốt hai vô ngã còn gọi là căn bản trí.
- Siêu nhị kiến cảnh giới: Là cảnh giới do Thanh Văn Duyên Giác thành tựu.
- Siêu tử địa cảnh giới: Là cảnh giới Phiền Não Bồ Đề không hai và
- Như Lai tự đáo cảnh giới: Là cảnh giới chư Phật tự chứng tự tại.
Kiến và Tâm cảnh giới là cảnh giới của phàm phu chấp trước, nên Báo Phật y nghiệp của họ mà dùng phương tiện Thế Đế để thuyết, khiến lần lượt dứt mê, sau tuyên nói các pháp do tự tâm hiện. Tuệ cảnh giới, Trí cảnh giới, Siêu nhị kiến cảnh giới của hàng hữu học vô học. Vì họ mà Như Lai phương tiện nói nghĩa Thánh Đế để Nhị thừa tu hành lần lượt thành tựu Thánh vị, sau đó dắt ra khỏi hóa thành vào thánh trí. Siêu tử địa cảnh giới Hóa Phật tuyên nói Chân Đế sanh tử tức Niết Bàn. Như Lai tự đáo cảnh giới là cảnh giới Phật Pháp Thân tự tại hóa hiện.
Tuy nói rằng bảy nhưng đồng Đệ Nhất Nghĩa Phật Tâm, nên kinh dạy: “Đại Huệ!... Đây là Đệ Nhất Nghĩa Phật tâm, tự tánh không tánh, ba đời chư Phật dùng Thánh Huệ Nhãn chiếu soi tự tướng cộng tướng mà kiến lập pháp Thế gian và Xuất Thế gian, an lập để người tu hành đồng về chỗ chân thật, không như phàm phu ngoại đạo dùng ác kiến phân biệt mà an lập”.
Để minh họa điều này, kinh có dạy: “Người tu hành từ Thủy Giác đi vào, chư Phật từ Bản Giác đi ra, chỗ gặp gọi là Đẳng Giác”.
Lý Tứ nói tiếp:
Thưa các vị!... Rất mong những ngày gần gũi, chúng ta sẽ đào sâu thêm vấn đề này. Những điều tôi vừa nói chỉ là cơ bản, muốn thấu suốt phải có quá trình tư duy tu tập. Vì rằng đây là những nghĩa giáo Bồ Tát, tức Phật dạy các Bồ Tát vào sâu Thánh Trí tự chứng để thấu suốt Phật Tâm Tông... Hay nói khác hơn những lời tôi vừa nói cũng chỉ là lời mở đầu, lời giới thiệu, giống như “cưỡi ngựa xem hoa”... Nếu bảo rằng dựa vào văn tự ngữ ngôn vừa nghe mà cho đây là chỗ thấy biết chân thiệt thì suy nghĩ này có lỗi... Rất mong các vị thông cảm và hy vọng nhân những giải thích này chúng ta có thể hiểu một vài phần về Thân Phật và Trí Phật... nhằm có thể tự định hướng cho mình hầu tiến đến mục tiêu tốt đẹp của đời sống tu hành...
[1] Thuật tướng: Học thuật tướng số
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






